copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Sunday, November 11, 2012

loạt bài con thuyền tháng7, 77 .. tiếp tục, bài thứ tư ... The July Boat, part 4, by duongtiden, August, 2009.


.
.

loạt bài con thuyền tháng7, 77 .. tiếp tục, bài thứ tư ...
bắt đầu hướng đến chuyên ra đi ..
.
Đạp xe đạp rất nhiều để chuẩn bị đủ sức đi xa
.
Sau khi ra trường tháng hai năm 76, qua tháng sau, nghỉ ngơi cho bớt mệt sau mấy tháng làm bài ra trường, tôi tình nguyện xin đi chung chuyến công tác của sinh viên Kiến Trúc ra Côn Sơn để đo đạc vẽ lại những nhà tù và chuồng cọp ở đây, đi chung với một đoàn quay phim của "nhà triển lãm tội ác Mỹ-Ngụy" ở góc Trần qúy Cáp và Lê quý Đôn, trường Dược Khoa cũ.. Trong chuyến đi có PhD và Boy. Lúc này tôi không còn lệ thuộc trường KT nữa mà làm việc tiếp ở phòng Quy Hoạch Ngoại Thành ở Viện Quy Hoạch, được chỉ định làm ở đây từ năm trước khi tôi đã học đủ chương trình ĐHKT và được chuyển lên năm thứ sáu, chờ làm đồ án ra trường, đúng thời gian thì tôi vẫn còn ở năm thứ năm.
.

Chuyến đi này bằng ghe, bắt đầu từ bến Bạch Đằng ra Côn Sơn nên tôi rất muốn có thêm kinh nghiệm sông nước thuyền bè cho chuyến vượt biển sau này. Chuyến đi bằng tầu đánh cá Thái Lan bị bắt giữ rồi tịch thu, được cơ quan nào đó xử dụng thành tầu chuyên chở tôi không nhớ rõ. Chuyến đi ra cửa biển thì bị giông bão đánh quá lúc nửa đêm, nên quay đầu trở vào lại sông Tiền Giang, đi vòng ngược sông lên Long Xuyên, rồi đổ qua nhánh sông Hậu Giang, đổ ra biển lại đi đến Côn Sơn. Chuyến đi kéo dài thêm hai ngày trên sông, tôi không hiểu tại sao, nhưng có lẽ di chơi một vỏng sông nước để chờ thời tiết khá hơn để ra Côn Sơn, như vậy lại hay, được du lịch trên suốt hai nhánh sông Cửu Long.
.

Trong thời gian ở Côn Sơn, nhóm Kiến Trúc, phải đến gần 20 người, trong đó có Má Hai, là Dũng, học cùng lớp KT70 với tôi, tôi hỏi Má Hai, lúc này là đảng viên rồi sau vài năm vào bưng dưới Cá Mâu. Mày được cắt cử theo dõi tao phải không? tôi cười hỏi, Má Hai cười gật đầu. Tui và Má Hai, được xếp đi làm riêng công tác chỉ có hai đứa, đo vẽ lại cái nhà giam nhỏ gọi là chuồng bò, rồi gác tay nằm tâm sự dưới bóng cây nói chuyền đời, chuyện bưng biền, chuyện gia đình, chuyện ba Má Hai đi tập kết, chuyện tránh muỗi Cà Mâu, chăn vịt vì bị cách ly mất một năm dưới mật khu như thế nào của Má Hai. Đồng Chí này rất dễ thương và có tư cách. Có nhiều bạn nữa, tôi không nhớ hết tên, trong đó có Bích, cô gái cao lớn học lớp KT73, giờ ở bên Pháp, tôi nhớ vì có lúc đi chơi tắm ngoài bờ biển, Bích có lượm một miếng đá san hô có hình cây thánh giá, tặng cho tôi coi như một vật may mắn, tôi có cái nón jean, trên đầu có cái túi nhỏ, bỏ vào đó cất trong nón, tới khi vượt biển mang luôn qua tới Mỹ. Đó đúng là một vật mang đến may mắn, cám ơn Bích.
.

Trong chuyến đi này, tôi quan sát và chú ý cách lái tầu điều hành con tầu của Thái Lan này như thế nào, coi cách hải hành sông nước, có ý định bất ngờ là nếu có đồng hành, có thể áp đảo chiếc tầu đi luôn. Khi đến Côn Sơn, chiếc tầu này đậu ngoài bãi trước, chỉ cách nhà chúng tôi ở, là nhà của cố vấn Mỹ tại Côn Sơn hồi trước, một cái Vila đẹp từ thời Pháp, ngay trước bờ biển. Từ đó bơi ra thuyền đậu không xa, có lúc thấy Boy, bơi ra và leo lên thuyền, rồi trở vào, tôi có hỏi thăm lên thuyền làm gì. Boy nói là leo lên xin đi cầu vì mắc đại tiện? . Tôi hỏi tiếp, trên đó có ai không? Boy nói có một người. Tôi hỏi tiếp: có súng không? Boy trả lời có.
.
.
z-td-conson.jpg picture by tddesign
.
.

Mấy ngày sau, tôi cứ nhìn ra chiếc tầu nằm đó, và có ý nghĩ là sẽ thổ lộ ý muốn đào thoát tìm tự do, rủ PhD và Boy bơi ra cướp tầu đi. Tôi đã để ý là trước khi rời bờ lần chót, họ đã lên dầu đủ cho chuyến trở về, chứ không cần lấy dầu ở Côn Sơn, vì dầu ở Côn Sơn, cũng là từ nơi khác đưa đến. Tôi nghĩ là chúng tôi có thể lấy tầu này đi qua Thái Lan.
.

Nhưng chần chờ mãi không biết có nên ngỏ ý chuyện này với hai bạn thân không. Vài ngày sau thì có chiếc chiến hạm cũ của VNCH, cùng loại tuần dương hạm, với chiếc số 5, lúc đó bỏ lại tại Hải Quân Công xưởng vì đang đại kỳ, nay được sơn lại mầu xanh đậm hơn, mang ra xử đụng trên đường huấn luyện lại của HQVC, không nhớ rõ chiếc này là tuần dương hạm số mấy cũ của VNCH, đồng loại với chiếc số 5, mà tôi đã đi ra Trường Sa năm 74. Chiếc chiến hạm này bỏ neo nằm chình ình ngay trước mặt, tôi bỏ luôn ý định nhen nhúm, cướp tầu ra đi. Thôi lần khác sẽ tâm sự với PhD.
.

Sau 75, tôi và PhD hay đạp xe đạp chung với nhau, những chuyến ngắn, những chuyến dài, như chuyến đi lên xa lộ Đại Hàn vào trại hoa lan của Saigon Orchids. Tôi có cái xe course vòng bánh 700, ba số do anh Nguyễn công Hưng Xe Đạp KT66 ráp, PhD có chiếc xe course, sườn sắt của Nhật, mầu vàng vòng bánh 660, ba số, xe hơi nặng. Cứ thế mà tàn tàn đạp lòng vòng, hay đua chung với nhau chung quanh ngoại thành SG để luyện chân và sức dẻo dai.
.
.

Tôi đạp một chuyến lên gần Chơn Thành, bên quốc lộ 13, vào thật sâu trong rừng, lúc đó năm KT72 của PhD và Boy đi lao động chặt cây rừng trên đó. Tôi đeo cái ba lô mầu xanh dương có cọng sắt vàng do người anh ở Úc mang về cho, đạp xe course, đi từ SG lên. Có lúc lên dốc buổi trưa ở Bến Cát, Bình Dương, có đưá nhỏ đi bộ về từ trường học, nó vừa đi vửa vịn vào yên xe tôi ngồi từ đằng sau, không đẩy phụ cho tôi đi, mà lại tinh nghịch kéo lại. Mệt bở hơi tai đạp xe trên nửa ngày, giờ lên dốc cao, tôi phải năn nỉ nó bỏ tay ra đừng nghịch cho tôi đạp đi. Qua Lai Khê, còn nhìn thấy những trái hỏa tiễn rocket bắn từ trực thăng xuống, nằm lăn quay không thèm nổ bên tử lộ 13, quay đầu nhìn theo tôi, làm teo chim, đạp qua nhanh, còn phải quay đầu nhìn lại coi rocket có phóng đuổi theo không, một cảm giác kinh hoàng của chiến tranh vẫn còn vương vãi.
.

Con đường 13, buồn thảm não, thỉnh thoảng thấy vài người vác cuốc xẻng đi trên đường vắng lặng, quần áo vá chằng chịt không biết bao nhiêu là miếng vá. Họ ngước nhìn tôi ngạc nhiên, quần áo thể thao lành lặn đẹp, trang bị ba lô đồ phụ tùng trên người, bình nước toàn đồ dân sự mang từ bên ngoài nưóc vào, nón, kiếng dâm, giầy thể thao tốt … làm như tôi ở thế giới sung sướng nào, rớt vào nơi lầm than của họ. Càng đi xa lên hướng bắc của đường 13 càng gần về An Lộc Bình Long, về kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, nhưng hơn mười năm sau của chiến tranh hung tàn, tôi không còn thấy một cái gì còn quen thuộc từ tuổi 11 của tôi nữa. bây giờ tôi lại lo lắng, có thể sẽ gặp nguy hiểm cướp bóc vì cái gia tài xe đạp course, đồ trang bị đầy đủ trên người, nhưng lâu lắm không hề thấy có bóng dáng một chiếc xe gắn máy nào, hay xe hơi, chỉ vài chiếc xe đạp lọc cọc ngược chiều, còn cùng chiều thì tôi vượt qua họ nhanh lắm. Đường thật vắng lạnh, vài cái chòi dọc đường có bán vài cái bánh nhân chuối hay nhân đậu, tôi dừng lại nghỉ và mua ăn để không phải dùng đến thực phẩm mang theo trong ba lô.
.
.
z-td-tmd-bikes75-88.jpg picture by tddesign
.
.

Tôi lần mò hỏi thăm tìm đến được trại lao động, cuối cùng đường bên giòng suối nhỏ, trại vắng mọi người còn đang chặt cây bên trong rừng sâu sắp vác cây trở về. Tôi vứt xe ra bờ cỏ, nằm nghỉ hay ngồi bóp chân sau suốt một ngày đạp xe. Lúc này, tôi đã sơn lại chiếc xe từ xanh lá cây thành mầu trắng, lấy mấy chữ đen decal lớn in chữ vào sường xe nhìn rất là design, rất nổi khác xe bình thường rất nhiều. Tôi còn lấy những thanh nhôm, khoan bẻ chế thêm hai tay thắng dài có thể bóp thắng từ trên cao, không phải chồm xuống thấp tay lái cong, như xe đang bán ở bên Mỹ lúc bấy giờ. Từ sáng tới giờ, xe thật tốt, ruột vỏ không hề hấn gì trên đường sỏi đá, giờ thì đất đỏ gập gềnh, từ quốc lộ vào đây cũng phải mấy cây số đường đất đỏ, để cho xe chở cây đi ra, tôi không hề phải đụng tới bao đồ sửa vá vỏ xe.
.
Khi thấy bóng người lố nhố xuất hiện bên kia bờ suối, từ bià rừng to dần, tôi dơ tay vẫy và gọi lớn, lớp KT72 vác chuyến cây đầu trở ra, nhìn tôi mừng rỡ và vây lại hỏi han, nhưng họ phải quay lại đi thêm chuyến nữa mới mang hết cây đã chặt ra ngoài. PhD và Boy chỉ chỗ cho tôi mang xe vào lều nơi ngủ cất rồi rủ đi theo vác cây để chỉ cho một cái này hay lắm. Tôi nhẩy xuống suối tắm ướt cho bớt nóng, rồi mặc bộ quần áo lam lũ mang theo để đi vác cây phụ. Đi cái cầu khỉ băng qua suối. PhD nói, cái cầu này không được cho phép làm, vì thời gian làm cầu là không sản xuất, phải dùng toàn thời gian lao động để chặt cây. Mấy đứa trong lớp phản đối, vì có mấy đứa con gái, ngày nào cũng phải lội nước suối qua rừng ướt quần, rồi chiều lại ướt quần lần nữa. Cuối cùng, cả lớp quyết định dùng ngày chủ nhật được nghỉ để làm cái cầu này, cho những khi đi qua suối không muốn ướt quần.
.

Đi theo PhD và Boy vào rừng sâu, PhD dặn cận thận đi theo sau, đúng dường hàng một, đừng xé ngang, chết đó nhe. cẩn thận hơn PhD đi trước, tôi ở giữa Boy đàng sau, thành ra không thể nào đi lạc đưọc, qua một đoạn, PhD chậm lại hỏi:
_ T. có muốn ăn táo đỏ không?
_ Táo, bom, cái gì, giữa rừng còn bom táo đế quốc sao?
_ Còn, nhiều lắm, có trái gần đây để dành cho T. nè.
.

PhD chỉ tay vào cái trái mầu đỏ, máng thấp trên cây phía trong, bên ngoài được cột cọng dây lủng lẳng trên cành để đánh dấu. Trái bom đỏ, mìn bẫy, rải từ máy bay xuống, nằm đó chờ ai hiếu kỳ đụng vào.
.

Vác bó cây rừng mới chặt ra, vác một đầu, lội qua suối bỏ lên đống cây bên sân trống chờ xe vào lấy. Tới gần tối là bữa ăn, tôi mang đồ ăn theo, kẹo bánh, thuốc lá lên chia cho mọi người để ra ăn chung, gặp gần đủ lớp KT72, negre cũ Đạt Bầu, Võ trung Trực, Hùng túy Trước, đó là nhóm thân. Tối tất cả nằm quay quần với nhau nói chuyện vui lắm, vì giữa rừng sâu có người từ SG đạp xe lên thăm. Bỗng dưng, PhD và Boy dơ tay làm dấu yên lặng, nói nhỏ, coi chừng tới giờ nó đi rình, tôi hỏi nó là ai. Nó đây là Ng tiên Quang KT66, hay rình nghe lén coi có ai phản động không, có lần, nghe kể tại đây là, có bạn biết tên 30/4 này đang rình ở bên ngoài, vội chụp cái mã tấu dao rừng chặt cây vùng lên la to, có trộm, có trộm, chém nó, mọi người biết ý la rần rần. Sáng ra tên 30/4 này, mặt mày xây xát hết vì lủi đi chạy trốn.
.

PhD cười:
_ Hôm nay có khách SG lên chơi, thế nào nó cũng đi rình.
_ Rình gì nữa, đi ngủ ngay đây, mai mới có sức đạp về. Mai, ngày chủ nhật, tôi phải đạp xe ngay về SG lại, chỉ ngủ qua đêm.
.
Đêm đó ngủ thật ngon, bên những người bạn sống chết KT72, trưởng ban thể thao của tôi: PhD, thiên lôi: Boy, Trưởng ban văn nghệ: Võ trung Trực, trong liên danh một, negre cũ: Đạt Bầu vây quanh tôi ngủ, giữa rừng sâu, thật êm đềm, mặc cho cỏ đuôi chó 30/4 rình chung quanh, chỉ nghe tiếng chúng tôi ngáy và sẽ ngửi mùi địt thúi rùm … !!!
.
.
zz-kt72-wedid.jpg picture by tddesign
.
.
.

Hôm sau, dậy sớm, mọi người lại vây quanh tôi, khách thân giữa rừng sâu, chuyện hiếm có không có xẩy ra hàng ngày. Hôm đó chủ nhật, được nghỉ. Sáng ra, Hùng Tuý Trước, khá cao lớn, muốn thử cái xe đạp course, yên cao của tôi một vòng, nên tôi phải giữ xe, bợ đit cho Trước lên yên. Đạt Bầu đúng gần cứ cản hoài, không muốn Trước lên yên xe.
.

_ Cái bà này, xe đàn ông cứ đòi lên hoài, té xuống trúng cái thanh ngang là dập đó.
Trước cũng không vừa:
_ Xí, tui còn cao hơn ông, chân dài hơn ông, rớt xuống đứng hai chân còn hổng, chưa đụng à nhe, có ông thấp hơn tui, mới cần coi chừng dập đó nhe.
Trước làm được một vòng, trả xe lại. Đạt Bầu hậm hực lắm, nói bâng quơ.
_ Anh có thấy hông, hôm qua tới ngày cổ ở nhà mà, đâu có lội suối vô rừng chặt cây đâu, làm con gái cái gì mà cứ ham đạp xe đàn ông, làm xui người ta thì sao.
.

PhD ghé tai tui nói nhỏ:

_ Trước đang tới ngày, nên thằng Đạt Bầu sợ nó làm cho xui xe đạp của anh.
_ He he, tui cười lớn … he he … hổng sao hổng sao, lát mang xe xuống suối rửa cho khỏi xui trước khi đi… mọi người cười ồ, Trước thì bực lắm.
.

Đạt Bầu mang ra gói giấy bọc ny lông:
_ Anh T. mang vể dùm cho má em uống, rễ cây thuốc phơi khô, loại này uống tốt lắm, chừng một ký không nặng lắm.
.

Trước có dịp trả đũa:
_ Xí, mày thương ảnh lắm há, bắt ảnh đeo một ký lô trên ba lô đạp trăm cây về SG, mày thương ảnh dữ há, mày thương má mày thì có, còn ảnh trẹo lưng vì mày.
.

Tôi khoác vai PhD. Ôm vai thật chặt, tôi cho PhD. thấy sự quyết tâm của tôi, đang chuẩn bị dợt cơ thể thật tốt để chờ ngày.
.

Tôi nói nhỏ:
_ Coi chừng Bom Đỏ nhe, giữ chân tay đầy đủ còn về đạp xe chung đi Vũng Tầu nữa.
.

Tôi đứng thẳng lên pedal, ẹo người đẩy cái ba lô qua một bên quay lại nhìn mọi người nhỏ dần đang vẫy tay phiá sau con đường đất đỏ, tôi vẫy tay lại, có vài người tôi vẫn chưa gặp lại từ ngày đó, có người đã ra đi vĩnh viễn.
.
.
Lệ Thanh lúc nào cũng phù hộ cho PhD
.
.

Tôi sau 75, được cho đi công tác, chuyển lên năm thứ sáu, không còn lớp học hay làm bài gì, nên ít vào trường, tôi cũng không thích vào, phần bị ghen tị thọc mạch vì học xong hết bài đồ án qúa nhanh, nhẩy lớp thi trước, phần thì là Bắc Kỳ di cư, phần có thân nhân ở ngoại quốc, nhất là ở Mỹ mà ai cũng biết là đã có liên hệ đi Mỹ trước đó nhiều năm, nói chung là gốc phản động như vậy, rồi bị một tên lớp trên là loại 30/4 trong trường dẫn lên thành đoàn yêu cầu viết cung khai tại sao dám ra ứng cử ban đại diện trường Kiến Trúc đối đầu lại phe chính quyền SG.
.

Ít vào trường nhưng tôi cũng biết ra được liên hệ tình cảm giữa PhD và Trần lệ Thanh KT69 sau này, có lần kéo nhau đạp xe đạp đi đánh bóng rổ với đội banh của trường Don Bosco trên Gò vấp, tôi và anh Nguyễn Hữu Đức KT65 đạp gần nhau, anh Đức nói chuyện là gặp PhD và Lệ Thanh cũng hay đạp xe chung nắm tay như vậy lòng vòng bên ngoài SG.
.

Không nhớ Lệ Thanh chết vì Leukemia, ung thư máu chính xác là tháng năm nào, có thể cuối 76 hay đầu năm 77. Tôi có đi dự đám tang, gia đình LT cẩn thận thuê một chiếc xe đò chở thêm mọi người lên nghĩa trang trên Hóc Môn. PhD đầu quấn khăn tang trắng, tay cầm di ảnh Lệ Thanh đi trước quan tài, di ảnh này được mang theo sang tận Nam Dương khi vượt biển, bị đoạt mất, rồi lấy lại được, giờ PhD đang cất giữ. Tôi có nhìn được vài tấm hình chụp đám tang với PhD ngậm ngùi trước quan tài Lệ Thanh.
.

Một buổi tối, trong phòng của PhD, tôi cùng Boy uống rượu và nghe nhạc vàng trong đó. PhD khóc to rồi ra lấy xe đạp course phóng đi, tôi và Boy vội vã phóng theo sau, vì PhD đã uống rượu rồi, giờ đang khóc nữa .. đạp xe như gió không biết phóng đi đâu, trời mưa nữa, tôi chụp nón áo mưa phóng theo. Tôi thì xe course 700, nhẹ, nên theo PhD không mấy khó khăn, chỉ đi theo sau, chứ không muốn lên trước ngăn cản PhD lại, vì chưa biết đi đâu làm gì. Còn Boy thì đạp sau cùng, mệt bở hơi tai, xe đạp Boy chỉ là xe đàn ông, không có số, nên theo rất khó khăn, nhất là khi PhD tăng tốc độ. Boy lệt bệt sau cùng nhưng vẫn theo, Boy thương PhD ghê lắm.
.

Từ Nguyễn Biểu cầu chữ Y đạp tới Ngã Tư Bầy Hiền, là tôi biết PhD sẽ phóng đi đâu rồi, PhD lao đi trong mưa gió, mờ tối trong đêm như bóng ma, trời mưa, đêm nghèo khổ không ánh đèn sau 75, đường vắng tanh, tới đây, trại Hoàng Hoa Thám thì Boy bị bỏ mất tiêu, vì xe chậm quá không theo kịp hai tay đua xe đạp đang đuổi nhau. Tới qua nhà máy dệt Vinatexco là tôi cũng teo chim, vì không biết đường nên bám PhD thật chặt, cũng không khó vì tôi tỉnh táo hơn. Tới Hóc Môn thêm đoạn nữa, PhD bỏ quốc lộ một vào đường trong, đêm tối mưa rào rào, sấm chớp, tôi đuổi bắt PhD phía trước, đường đất quanh co, bùn bắn lung tung, quanh co tránh những cành tre rũ xuống.
.

Bất thình lình tôi bị một cái gì đập vào mặt cái bốp, như ai đánh trúng mặt, tung mất nón, tôi bỏ luôn vì không muốn mất bóng PhD phía trước. PhD chui vào tới nghĩa trang, quăng xe một bên, nhào xuống ôm mộ Lệ Thanh khóc thảm thiết. Tôi chỉ yên lặng phiá sau, gom xe, gom đồ của PhD lại, vừa xoa mặt đau vì bị đập mạnh vào, tôi bị một cành tre rũ thấp xuống đập vào mặt, khá đau, sờ thấy đau cũng bị trầy mặt mấy chỗ. Mất cái nón. Mưa chập chờn, gió thổi rào rào văng những giọt nước lên, sấm chớp lại lóe lên tia sáng ẩn hiện phía sau những ngôi mộ đã xây cao. PhD người ướt nhẹp nằm ôm ngôi mộ đất giờ ướt vì mưa gió… thật là bi thảm, tôi không thể nhìn được, phải quay đi, thỉnh thoảng chỉ quay lại coi PhD có làm gì nguy hiểm nữa không.
.

Tôi sẽ phải tìm lại cái nón khi trở ra, cái nón tôi qúy lắm, tự may từ hai ống quần jean Mỹ của thằng bạn phi công F5 mang từ Mỹ về, nó cắt quần dài ra làm short, nên tôi xin hai ống quần về may cái nón, có cái túi nhỏ bên trên, đằng trước dùng rotring vẽ mực đen con thuyền với cánh buồm lộng gíó, mầu xanh jean bạc mầu, nhìn rất là ngầu và hippy, con nhỏ bồ thích lắm, nó mượn lấy đội, rồi cho con bạn nó mượn rồi chuyền tiếp nhau cho tụi bạn Marie Curie thay phiên nhau đội, đòi mãi mới trả nón lại.
.

PhD lượm đồ dắt xe trở ra, bây giờ chàng mệt và thấm lạnh rồi, tôi đi bên cạnh, dẫn xe theo. Ra dấu cho PhD, cứ dẫn xe đi bộ trở ra đừng đạp xe, tôi cho biết khi đạp vào bị rớt mất đồ nên phải tìm chút. Nghĩ cái nón rớt đất dính bùn nằm dưới mưa trời tối đen thì làm sao mà tìm được. Tôi lại nghĩ đến Lệ Thanh, thôi Thanh giúp tôi một chút, tôi có lòng thành đi theo lo lắng canh chừng cho PhD tới đây, tôi nhìn lên trời mưa âm u, qua những hàng cây tre ma quái, thì thấy cái nón xanh jean mầu nước biển nhạt đang treo lủng lẳng trên cành tre. Tôi đứng trên xe đạp, nhún người nhẩy lên thì lấy lại được. Giờ thì nón đang nằm trong phòng, nó từng ngâm ướt những giọt nước mưa như trời khóc thương nhớ cho Lệ Thanh một đêm ngoài nghiã trang vắng lạnh bên kia đời, bên kia trời Hóc Môn.
.

Lệ Thanh còn nằm đó một mình hơn ba mươi mấy năm rồi. Năm ngoái PhD, trở về, không biết có còn nhớ đường đến lại nghĩa trang không? Còn tôi thì chịu không thể nhớ được con đường này nữa, khi đến trong một đêm khuya u tối mưa gió.
.
Trở về, thì PhD đuối, hết sức, nhiều lúc đạp xe không nổi, tôi phải kè một bên, thấy quán chòi nào còn đèn là tôi đều ngừng kiếm ly rượu đế cho PhD uống cho ấm. Cứ thế mà mò về lại được phòng của PhD. Boy đã quay về đây nôn nóng chờ trước, đè PhD ra, thay đồ, lau khô, cạo gió và thay quần áo ấm.
.
.
z-td-477hat.jpg picture by tddesign
.

.

Một lần trong đời. Tôi đứng đó, PhD quỳ đó vật vã, Lệ Thanh nằm sâu dưới đất trong nấm mồ lạnh, mưa gió phũ phàng sấm chớp rần rần, một người chết, hai người sống, thân thể chỉ cách nhau vài thước, hồn người lại cách nhau hai cỏi trần gian:
.

… Bác Thanh ơi thôi đã thôi rồi … bác nhớ phù hộ cho chúng tôi nhe …
.
Tôi nhớ bác Thanh hay cười đôi mắt to sau lằn kiếng cận, bác đưa tay đẩy kiếng lên … bác giúp tôi tìm lại cái nón … tôi giúp PhD tìm lại được tấm hình lộng khung của bác vì tôi đoán tụi Nam Dương không chuyển được đồ ăn cắp được đi nhanh như vậy, hóa ra đúng, tụi nó dúi hình bác lên mái lá dừa trên trần nhà, để sẽ lấy đi sau. Mà thực ra bác ở trên cao, nhìn thấy hết, bác chỉ làm tôi nghĩ ra thôi … cám ơn bác đã đi theo chúng tôi luôn phù hộ cho được bình an, qua ngàn sóng gió.

.

hết bài thứ tư .. coi tiếp bài năm: tìm ra ghe, không có nước uống !!
.

duongtmd, duongtiden, tmddesign . duongtiman. dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, con thuyen thang bay , the july boat.

.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.