copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Tuesday, November 13, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . Bài thứ 13 tiếp theo. The July 4th Boat, part 13 cont. by duongtiden.




.

.
.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . Bài thứ mười ba tiếp theo
.
Bài thứ mười ba: .. ghét của nào trời cho của đó .. như vậy vẫn chưa công bằng .. sắp chết đuối mà ghét đảo, trời lại cho gặp đảo !!!
.

.

Ngày thứ nhất trên đảo, sau chuyến đi quá dài, trải qua thật êm đềm, chỉ nghỉ ngơi, ăn và ngủ, và uống nước cho đã, muốn uống nước dừa, thì cả một rừng dừa, toàn đảo Semiun là dừa. Tối đó, ngủ một giấc êm đềm, cái cảm giác được đứng nằm trên đất, sau 11 ngày đi trên biển, bềnh bồng, say sóng.
.

Sáng ngày hôm sau, một chiếc thuyền máy nhỏ đến đảo với vài người đàn ông, đó là chuyến thuyền đến tiếp tế đồ cho hai gia đình giữ dừa trên đảo này. Trao đổi dấu hiệu với mấy người mới đến, thì hiểu được là ngày mai chúng tôi sẽ theo họ về cái đảo lớn, nơi đó có nhiều người hơn và sẽ gặp chính quyền địa phương. Bây giờ thì xác nhận được là mấy đứa tôi đã đổ bộ lên lãnh thổ của xứ Nam Dương, là Indonesia, mà trước đó tôi không hề nghĩ là có chung biên giới đường biển với VN.
.
.

z-td-477-semiun-view.jpg picture by tddesign
.
.

Hôm sau, chiếc thuyền này khởi hành với chúng tôi trên đó đi về đảo lớn. Đồ cá nhân bây giờ thì chỉ còn mang theo những thứ cần thiết, dao găm vẫn mang theo, cùng phao cá nhân, đồ săn bắn dưới biển và địa bàn. Ghe đi về hướng Đông Bắc, tiếp tục ngược chiều với hướng Tây Nam, hướng ghe tôi đã đi lầm vì không biết góc độ của hải bàn. Chừng ba tiếng, hay 4 tiếng, thì thấy bóng dáng quen thuộc, hòn đảo mà PhD đã chê là nhỏ, đoán không có cảnh sát, không thèm ghé lên. Bây giờ thuyền đi ngay vào cái bãi biển phía trước có nhiều nhà của làng bên trong mà ghe chúng tôi từng đến đó mấy ngày trước. San hô hiện ra rõ ràng dưới nước, thuyền đi theo dòng nước sâu, khoảng trống giữa các khe đá, luồn lách một chút thì vào cặp ngay cái đường đi bằng cây của nhóm làng toàn nhà sàn làm chồm ra ngoài biển. Dân ở đây làm nhà ra hẳn trên biển, nguyên làng xóm sau đám đá san hô vì sóng bị vòng đai san hô chận lại, không đánh vào đến tận nhà hay bờ. Đây là hòn đảo mà tầu đánh cá HK, mấy ngày trước đã chỉ cho chúng tôi đến “ The beautiful Island”, đảo dài, lớn mấy lần hơn đảo Semiun và có vài đảo nhỏ dính liền kế cận nữa.
.

Ngồi chờ ở đó, rồi nhiều người đàn ông và mấy đưá thiếu niên chừng hai mươi hay mười mấy mặc đồ thường, kéo một đám đi ra gặp chúng tôi, dẫn đến cái nhà sàn đầu tiên bằng cây lá đang bỏ trống, ở ngoài cùng sát biển, tất cả nhà nối với nhau bằng đường đi bằng cây ván, rồi ra hiệu cho biết, để đồ ở trong nhà, có người cũng lập bập được tiếng Anh, đủ để hiểu vài chữ. Họ lấy đi dao găm vũ khí. Còn tôi thì vẫn đeo cái bao phao xếp lại nhỏ thành túi ngang bụng, dắt tiền của VC trong đó, đeo thêm cái túi cứu thương và nón, đeo trên dây TAB của Mỹ, vì phao nổi của tôi là loại của hải quân, một mảnh kéo tròng lên đầu với bình hơi nhỏ. Những người xếp của làng cho biết mấy đứa sẽ ở cái nhà đó, bây giờ để đồ lại, rồi đi theo họ vào trong làng uống nước. Mấy đứa nhỏ thanh niên bám theo đuôi, rất tò mò. Còn hai ba người lớn thì chững chạc hơn, tuy nhiên không có ai là Cảnh Sát, mặc sắc phục. Họ cho biết là những người làm chính quyền trong làng.
.

Đi theo trên đường cầu ván cây chung, đường chính của dẫy nhà sàn nối biển vào trong bờ đất, tới căn nhà cuối sát bờ vẫn còn là sàn trên biển, thì đó là tiệm tạp hóa, chạp phô của một người gốc Hoa, là người gốc Tầu. Người này mời bốn đứa, ngồi vào bàn, lấy trà nóng và vài cái bánh ngọt ra cho ăn. Trà nóng và bánh ngọt sau bao ngày đói khát trên biển, thì thật là thần tiên, bây giờ có lại những khoái khẩu đó. Hai ba người Nam Dương (ND), xưng là chính quyền, trao đổi bằng cách ra dấu hiệu và viết trên giấy. Sau đó có một người đến nói được chút tiếng Anh làm thông dịch. Hòn đảo này tên là Laut, Poulo Laut. Còn chính quyền thì ở Quận Sedanau về hướng Nam, cách đây cả hơn ngày đi tầu. Bây chúng tôi ở đây thời gian, chờ Cảnh sát hay quân đội từ trên đó sẽ cử người đến dẫn giải chúng tôi đi về trại tị nạn. Làng, Xã ở đây đánh điện về đó cho chính quyền cao hơn biết có chúng tôi đến.
.

Mấy người này hỏi mấy đứa có mang vàng bạc, tiền đô la gì không, cho biết không có, tôi thì có rất nhiều tiền VC, có kéo ra khỏi túi cho họ thấy. Tuy nhiên họ không có kiểm soát, rờ khám nguời. Còn PhD có cái đồng hồ Omega, thì hình như nó đã cho Kute, người đàn ông trên đảo Semiun gặp đầu tiên, vì họ đối xử tử tế, cho ăn. Mấy người Nam Dương thâu góp dao găm, súng bắn cá, xiên, giữ lại cho biết vì lý do an ninh, sẽ giao lại cho Cảnh Sát trên quận Sedanau khi trên đó xuống đón đi. Ngồi nói chuyện trao đổi hồi lâu thì chúng tôi được dấu hiệu là trở về nghỉ ở căn nhà sàn cuối ngoài biển, đã để đồ lại ngoài đó.
.

Mấy đứa tự đi theo cầu ván cây mà về lại chỗ nhà để đồ, mấy người ND lớn không đi theo nữa. Khi vào trong nhà, nhìn đồ thì thấy đã bị lục tung ra hết, những người ND khác, có lẽ đám thanh niên, đã bơi móc ăn cắp đồ của chúng tôi, nhưng không lấy tất cả bao túi đi. Kiểm soát lại thì giấy tờ hình ảnh phim của tôi không bị mất, vì không có giá trị tiền bạc, còn tiền VC thì tôi dắt trong bao phao đeo ở bụng để làm kỷ niệm, túi đồ cứu thương thứ hai nhỏ, thì vẫn còn. PhD bị mất khá nhiều đồ mang theo, mấy đứa kia cũng vậy. Tôi không biết tụi nó mang vàng bạc, đô la như thế nào, đứa nào mất gì cũng không có hỏi cho rõ. Tôi nhìn quanh, suy nghĩ, rồi bàn là, mấy người ND lớn tuổi có vẻ là chính quyền trong làng xóm, họ đâu có thèm lục đồ chúng tôi đâu, chỉ yêu cầu tự đưa vũ khí ra, rồi dẫn chúng tôi đi uống nước trà cà phê, lúc nào cũng có mặt với mấy đứa tôi, ngoài ra đã hỏi thẳng chúng tôi có vàng đô la hay không, và đâu có đè mấy đứa ra khám trong người đâu, nên họ đâu thèm lấy đồ đạc làm gì, trong vài cái túi nhỏ. Đây là mấy đứa con nít thanh niên lục lọi ăn cắp lén, có lẽ chúng bỏ túi mấy đồ nhỏ dễ lận trong người, còn những cái lớn thì dấu đâu trong nhà, đâu dám cầm đi ngay, người ND khác sẽ nhìn thấy.
.

Tôi bắt đầu lục lọi trong nhà lá, mái, vách thì đúng như vậy, moi ra lại được ít đồ tụi ND dúi dấu trong đó, để tụi nó trở lại lấy sau, vì chúng tôi có thể bị dời đi nơi khác ở. Quan trọng nhất là tấm hình chân dung lớn của Lệ Thanh, PHD mang theo, móc ra lấy lại được từ trên mái nhà xuống. Mấy đứa giận lắm, nhất là PhD cho biết còn mất ít đồ kỷ vật. Thiệt là ngu, chúng tôi khá ngu, không hề nghĩ ra chuyện sẽ bị lột đồ, bị ăn cắp như vậy, khi lên hòn đảo đầu tiên, đâu có chuyện gì đâu, nghĩ lại mới biết vì lúc đó chúng tôi là đa số mà, còn bây giờ là thiểu số nơi hòn đảo có cả mấy trăm người ND này. Rồi đoán là đã có thuyền tị nạn VN vào đây trước, nên người ND ở đây đã biết rành rọt màn ăn trộm ăn cướp tiền bạc.
.

Hỏi chung coi có đứa nào mất vàng tiền gì không, thì không đứa nào nói gì nên không biết sự thật. Boy cho biết nó còn một lượng vàng dắt trong quần tắm bên trong quần đùi. Như vậy coi như giờ còn được chút vàng duy nhất của Boy. Hồi sau mấy người ND lớn tuổi trở lại. PhD rất khó chịu than phiền chuyện bị lục trộm đồ, yêu cầu mấy người ND này tìm đồ trả lại. Họ cũng rất khó chịu và cho biết không biết gì hết, sau đó đòi chúng tôi để đồ ra, họ lục đồ ngay trước mặt, lấy đi dao nhỏ, cắt móng tay, kéo và lưỡi dao mổ trong túi cứu thương của tôi, và tất cả những gì có thể làm vũ khí vì thấy chúng tôi bất bình nóng ra mặt về chuyện bị ăn cắp đồ. Tình hình không có gì là thân thiện hết.
.
.
z-td-477-laut-house.jpg picture by tddesign
.
.


Họ trở lại lần nữa, dẫn mấy đứa đi vào môt cái nhà trong bờ, một gia đình đã nấu sẵn cho nồi cơm, có nồi rau luộc, cho ăn. Rau đây là đọt lá khoai mì, luộc nước muối. Tới ND mới biết là lá non của cây khoai mì ăn được, trên đảo cũng không thấy họ trồng rau gì nhiều. Không có cá, chỉ cơm với rau, ăn chỉ vừa đủ để đừng quá đói. Trên đảo này dân cũng nghèo, thấy đời sống bên ngoài thấy có vẻ cũng kham khổ, không giầu như làng quê ngoài đảo trong Nam củ thời VNCH hồi trước 75.  Tối khua thì chỉ nằm trong nhà lá, không có đèn phải ngủ sớm chờ sáng thôi, không biết sẽ phải ở đây bao lâu nữa. Đi biển lâu ngày, ăn đói, giờ đều ốm nhom, phải cột dây móc vào quần dài thì mới không tuột. Lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn uống, vì bây giờ cần hồi sức lại, cơ thể đòi đồ ăn.
.

Tình hình không khả quan mấy, ngày hai lần chờ người ND đến dẫn đi ăn cơm, lần lượt mỗi nhà nấu cơm cho ăn, chỉ cơm với rau đọt lá khoai mì luộc. Tôi nghĩ rằng cũng không phải do mấy người dân cho ăn không, có lẽ chỉ nấu cho ăn rồi được chính quyền ND trả tiền lại, vì người tị nạn VN có qua đây từ trước, chính quyền ND sẽ làm hồ sơ đòi Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc trả tiền trợ giúp lại cho họ. Tiền chi phí của chúng tôi là do viện trợ từ Liên Hiệp Quốc đến, từ qũy Tị Nạn Nhân Đạo Quốc Tế đến, nên có lẽ vẫn ăn đói vì bị ngăn chận. Tuy nhiên im lặng không phản đối gì. Nghĩ ra một cách, đến gặp người ND gốc Hoa, bán tạp hoá đã cho ăn bánh uống trà cà phê hôm mới đến. Ông này khá tử tế, thỉnh thoảng thấy chúng tôi qua lại, có khi gọi lại cho mấy cái bánh hay ly trà nóng, nên biết ông này tốt. Cũng lại nghĩ là mấy người trên đảo này cố tình cho ăn đói, để mấy đứa sẽ lòi vàng bạc ra mua bán, như vậy có lợi cho họ hơn. Xin ông này được ít lưỡi câu và dây cước câu cá, không đáng bao nhiêu nên ông này cho không. PhD và tôi cũng lấy giấy ra vẽ mấy phác họa nhà của ông ta, cảnh vật chung quanh tặng lại.
.

Có lưỡi câu rồi thì đi ra ngoài biển, đứng trên cầu ván ngay sát nhà câu và bắt cá ăn thêm, cả ngày không làm gì, chỉ bắt cá, rồi luộc hay đốt lửa nướng ăn, như vậy có thêm cá, có thêm chất đạm. Còn câu cá thì dễ lắm, lúc đầu còn dành ít cơm nén lại, cục nhỏ thả xuống cho ăn, sau thì gặp những đàn cá Lìm Kìm, mũi dài như cái cưa, đi hàng đoàn, cứ thả lưỡi câu xuống là lấp lánh qua nắng lọt xuống nước, cá đớp ngay, không cần mồi gì hết. Còn làm vẩy cá, thì tôi còn mấy lưởi dao mổ, giống như lưỡi dao X-acto của Mỹ, tôi đã may dấu trong vành nón, và quần áo, để khi bị cột trói có thể cắn móc ra mà cắt dây, giờ thì lấy ra mà cạo vẩy cá. Ăn cá kiểu nướng luộc hoài cũng chán. Thèm dầu, Dao đi lượm dừa khô, nạo dừa bằng vỏ sò, rồi nấu sôi lên nấu hoài thì dầu dừa nổi lên trên mặt, vớt ra là có dầu dừa dùng chiên cá. Đồ nấu nướng thì tìn lon sắt cũ, lượm từ bãi rác, hay xin nồi xong cũ của người ND, những người tử tế khác. Ở trên này khá lâu, cũng cả tuần luẩn quẩn như vậy. bây giờ câu bắt được cá, nên cũng có chất đạm ăn, khá hơn, câu bắt cá, cả ngày cũng được rất nhiều cá nhỏ mà ăn, dùng thịt cá, giun đào ra mà làm mồi. Nhiều khi cũng tức, nếu còn đồ săn cá, thì Boy săn được cá lớn hơn dễ dàng.
.

Thỉnh thoảng, mấy người ND có mang đến vài tờ giấy viết ghi lại của những người tị nạn VN từ trước có đi qua đây, để lại, tôi đọc còn nhớ, có một người ghi lại là anh ta bị đánh đập lấy tiền bạc gì đó, một trang nhật ký, nhưng bị đứt đoạn. Tôi và PhD bắt đầu nghi ngờ thiện chí của người địa phương trên đảo này, không biết là họ có thật tình đã thông báo về trên để đón chúng tôi đi, hay cứ giam lỏng ở đây. Cũng vô lý vì tốn gạo nuôi. Vài ngày sau, đi trên làng gặp lại người nói tiếng Anh khá, mà mấy người trưởng thôn hay xã trưởng gì đó nhờ thông dịch hôm mới tới. Người này tới nói chuyện hỏi thăm có gì lạ không, sau hôm đầu không thấy anh ta  xuất hiện nữa. Anh này cho biết, ở xóm xa bên cạnh, không ở ngay đây, nghe chuyện bị đối xử không tốt, nên đến hỏi thăm. Anh này từng làm trên dàn khoan dầu nên tiếng Anh khá. Chúng tôi có than phiền vì bị ăn cắp đồ. Người này cho biết, mấy người có chức quyền như  “Trưởng Xóm” ở đây cũng không tử tế đâu, phải coi chừng, đã từng có ghe tị nạn của người VN đến đảo trước đây, nên chuyện ăn trộm, cướp bóc có thể xẩy ra, nhưng anh này cho biết anh không muốn dính líu vào và cũng không thích đụng chạm với những người có chức quyền trong làng xóm. Tôi xin anh ta con dao nhỏ để làm cá, nhưng người này nói không được, sau đó có mang đến cho vài miếng sắt nhỏ vụn vặt như chúng tôi đã có thể tự lượm được đâu đó trên đảo, mài đi để dùng thay dao.
.

Cả tuần lễ trôi qua, ngày ngày được dẫn đi ăn cơm hai bữa, chỉ cơm và lá khoai mì, nước muối. Đều cám ơn gia đình nấu cho ăn rất rất đầy đủ, rồi mấy đứa lang thang đi quanh trên làng xóm chơi, thấy chỗ nào nhà đẹp, cảnh vật đẹp thì tôi và PhD lấy giấy bút ra vẽ ghi phác họa, nhà gần đó, có người tò mò ra coi, mời hút thuốc lá, một loại thuốc lá mùi rất lạ bằng loại lá khác, cho uống trà nóng và cho bánh ăn, coi như có lộc. Sau đâm ra là cái kế, thấy nhà nào giầu có, khá giả, thì đứng ngoài vẽ cảnh nhà họ, chờ cho người ra mới vô uống trà ăn bánh, tặng lại hình vẽ nhà họ, và phác họa xây to hơn khi có tiền, coi như dùng tài mọn KT đi vẽ kiếm ăn.
. 

Có lúc thấy chúng tôi ở không nhiều ngày, người ND, có lẽ là trưởng thôn, trưởng xóm gì đó, dẫn vào cái vườn cây cao su, cây nhỏ tí, mơí lớn, nói cạo mủ cao su. Tôi diễn tả là người tị nạn, chứ không phải là tù nhân, nên không có chuyện phải lao động, còn muốn giúp đỡ cạo mủ, thì tôi có thể giúp cho vui thôi, rồi tôi cầm cây cạo, thay vì cạo, tôi cứa như cưa cái thân cây biểu diễn, làm như vậy thì cây cao su sẽ bị thương, hồi nhỏ sống ở An Lộc Bình Long, tôi đã biết người ta cạo cây cao su theo từng lằn khía vừa đủ sâu theo đường chéo cho mủ chẩy xuống cái phễu nhỏ như thế nào. Nguời ND này thấy tôi cưa cây chứ không phải cạo mủ, nên sợ chết cây, bỏ luôn ý định muốn tôi cạo mủ cao su này. Thực ra tên này không biết tiếng Anh, chỉ ra dấu hiệu, có thể là cạo mủ cao su cho ông này rồi sẽ được cho ăn khá hơn để trả công, không hiểu được, tốt nhất là không cạo.
.

Một đêm tối, đi ngủ rất sớm khi trời tối vì không có đèn dầu hay nến. Đang ngủ chập chờn, thì tôi nghe dòng nhạc Ngô Thụy Miên, phổ thơ Nguyên Sa:


“ nắng Saigon anh đi mà mà chợt mát … bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng .. “  


Tự nhiên tôi lạnh tóc gáy, như đang nằm mơ, không lẽ nào vẫn đang còn ở VN sao, giật mình, mà không phải nằm mơ vì tiếng nhạc lớn lắm. Mấy đứa đều thức dậy, từ nhà sàn ngoài biển, nhìn vào trong làng, có chỗ tỏa ra ánh sáng, nhạc VN từ đó vang thật rõ đến nhà chúng tôi ngủ, lẫn tiếng cười dội ra tận ngoải biển, thì ra tụi ND đang chăng màn chạy máy đèn chiếu phim trong làng coi, nên tụi nó bỏ cái băng nhạc VN ăn cắp của đứa nào lên nghe, băng nhạc của PhD, lúc này nóng giận lắm,vì đó là kỷ vật của Lệ Thanh, PhD mang theo nay bị mất trộm. Mặc quần áo vào, PhD đi xông vào trong làng tới chỗ đang chiếu phim, mấy đứa đi theo. Tới nơi, PhD giận dữ đòi cái băng nhạc lại. Thằng thanh niên ND, thằng này bự con, cao hơn PhD, ngăn cản lại, thằng này có vẻ rất mất dậy, còn mấy đứa thiếu niên khác cũng vây quanh cười. Thằng ND cứ hét lớn “bulang .. bulang ..”  đuổi mấy đứa tôi đi về, sau này biết nghĩa là: “đi về” nó đuổi chúng tôi đi về. Thấy tụi ND đông quá, tôi can ngăn PhD, không thể đánh lộn ở đây, vì tụi nó đông cả trăm đứa, tụi mình vẫn chưa đến trại tị nạn được, ở đây tụi nó giết mình dấu đi thì cũng như không, nhịn cái băng nhạc một chút.
.
.

hết bài thứ mười ba … đọc tiếp bài thứ mười bốn tiếp theo: .. qua tuần thứ hai, tôi và PhD theo dõi cái ghe đò của tụi ND kỹ lắm rồi, bàn là tối bơi ra cướp lấy đi … tôi hỏi lỡ có người trên đó chống cự thì sao .. không lẽ mình giết người …
.
.

by duongtiden . duongtiman
.

.
by duongtiden . duongtiman
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam.
.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.