copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 24, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi ... Bài phụ lục thứ 3, tượng đài Chiến Sĩ mà vài ngàn trái đạn bắn không trúng. By duongtiden.

.
.
.
.
Thị xã An Lộc có hai tượng đài, khi tôi còn ở đó trước năm 1963 thì chưa có tượng nào được dựng lên ngoài những khoảng trống công cộng. Sau này thì có tượng của Tín  Đồ Công Giáo, tượng Kitô Vua, dựng lên cuối ĐL Hoàng Hôn. Một tượng khác, mà tôi gọi là Chiến Sĩ Đi Bộ, hình một người lính VNCH đang di hành với hai tay cầm khẩu súng trường to và dài qúa khổ, có lẽ là khẩu súng trường Garant thời đệ nhị thế chiến, súng này thì quả thật có to lớn với người VN.
.
Hôm nay nói về tượng đài Chiến Sĩ trước. Ngày xưa, phía sau tượng bây giờ, ngay góc đường khi QL 13 bẻ hơi cong bên trái đi qua Toà Hành Chánh, con đường nhỏ đi thẳng, đó là đường phía sau đài Chiến Sĩ này. Lúc đó rừng cao su còn lấn xát tới đây. Cảnh vật chung quanh làm người đến An Lộc, hay Tỉnh Lỵ Bình Long đều có cảm giác ngạc nhiên, đang bị bao vây chung quanh bởi những hàng cây cao su trùng trùng điệp điệp dọc hai bên quốc lộ 13, cây ra sát đường. Tự nhiên khung cảnh mở rộng ra khỏi rừng cao su âm u, sân vận động với khoảng trống bên trái, cuối tầm mắt là Tòa Tỉnh Trưởng hai tầng với mái ngói dốc cao. Bất thình lình, Thị Xã An Lộc được mở rộng ra ngay trước mắt.
.
.
z-td-anloc-daichiensi-sm.jpg picture by tddesign-1
.

.
Người đầu tiên tới đây sẽ thấy làm lạ vì trung tâm hành chánh Tỉnh, sân vận động không nằm ở ngay trung tâm thị xã hay trung tâm tỉnh lỵ, mà nằm ngay sát bìa ranh thị xã, nhất là vừa ra khỏi khu rừng cao su rậm rạp. Đài Chiến Sĩ nằm ngay đầu góc miếng đất tam giác, khi QL 13 đi thẳng và con đường sát bên phải thẳng tiếp nối với QL ở đây, đường Trưng Vương. Con đường này, mặc dù chạy thẳng ngay xuống chợ cũ gần hơn, nhưng hình như không được cho xe dân sự chạy thẳng, vì đi qua những cơ sở quân sự phía đàng sau trường Tiểu Học Bình Long, mà QL 13, tới đây là ĐL Nguyễn Huệ, chuyển qua trái, đi dọc theo sân vận động, qua Tòa hành Chánh, qua trường Tiểu Học, đối diện là Tiểu Khu, đi thẳng xuống chợ cũ. Sau này thì phía sau góc đường này về hướng đông, rừng cao su biến mất, thay vào đó là khu vực quân sự của Tiểu Khu và trại cũ của Lực Lượng Dân Sự Mỹ B33. Còn dọc hai bên QL 13 từ Xa Cam vào, hai hàng cây cao su được cắt rộng ra thành khoảng trống hai bên, để tránh bị VC núp tấn công hay phục kích những đoàn xe trên quốc lộ.
.

.
Hồi đó, trước 63, tôi cũng bắt đầu thích thú chơi và lưu trữ mấy con tem, đến khi về Saigon thì tập tành chơi tem kỹ hơn. Khi chơi tem, thích thú nhất là ngày con tem được phát hành, gọi là ngày phát hành đầu tiên, bưu điện chính Saigon sẽ có con dấu đặc biệt đóng cho ngày phát hành đầu tiên, sau đó thì hủy dấu đi. Những người chơi sưu tầm tem, đến Bưu Điện trung ương Saigon, mua mấy phong bì ngày đầu tiên của con tem phát hành, các tư nhân in phong bì này với những mẫu vẽ theo chủ đề của con tem. In hình mầu rất đẹp, người sưu tầm sẽ lựa mua phong bì theo ý, sau đó xếp hàng mua bộ tem phát hành, đợi được đóng dấu ngày đầu tiên lên tem, cho chết tem, rồi lưu trữ.
.
.
Hồi đó, sưu tập tem, thì có cuốn album, đặc biệt có nhiều bìa cứng, có những khe cắt ngang, bọc giấy kiếng để gài tem vào đó, hai mặt bià giấy đều có khe gắn tem vào. Bìa cuốn album có khung gáy mở ra đóng lại để cho tem bên trong không bị rớt ra. Năm tôi học lớp đệ thất ở Ng bá Tòng, có thằng bạn, anh em nó rất khéo tay, tự làm ra cuốn an bum chứa tem này, nó lấy bìa cứng hộp carton, hộp thuốc bột giặt của Mỹ, cắt khe, gián giấy bóng trắng thành hình những lằn khe chứa tem, rồi gián giấy cùng mầu đóng gáy đàng hoàng coi rất là kiên nhẫn công phu và cũng khá đẹp. Còn tôi thì nhân ngày sinh nhật được Má mua tặng cho một cuốn sưu tập tem được làm chuyên môn hơn bán ở tiệm sách có mầu bìa xanh dương đậm có gáy với nút bấm mở ra đóng vào. Má ký tên tặng ngay trang đầu tiên, sau này lên đến Đại Học Kiến Trúc, sau nhiều năm không đụng đến bộ sưu tầm tem này, tôi mang tặng cho Tô Mạnh Dũng, bạn đi hướng đạo ở Đạo Tân Bình, Dũng đi thiếu đoàn Chi Lăng, ba Dũng là ông Tô minh Triết thư ký của trường ĐHKT.
.
.
Sau khi An Lộc đứng vững suốt mấy tháng bị bao vây, thì tháng 11 năm 72, Bưu Điện VNCH cho phát hành bộ tem Bình Long Anh Dũng để vinh danh trận chiến này. Đài Chiến Sĩ và hình ảnh xe tăng T54 bị bắn cháy, là hình của một con tem trong bộ tem. Lúc này thì tôi không chơi tem nữa có đã trên 5 năm qua, nên không để ý đến những kỳ phát hành tem mới ngày đầu tiên nữa. Bây giờ nhìn lại phong bì với bộ tem Bình Long Anh Dũng phát hành ngày đầu tiên, thật là nhiều kỷ niệm cũ lại đi về, kỷ niệm của An Lộc và của một thời niên thiếu chơi tem, mang tem đi trao dổi, và sau cùng mang trọn bộ sưu tầm hai cuốn an bum mang đi cho một bạn khác.
.
.
.
.
z-td-anloc-daichiensi.jpg picture by tddesign
.
Hai con tem Bình Long Anh Dũng có giá 5 và 10 đồng, năm 63, khi tôi về SG, giá tô phở lớn là 5 đồng, tô phở nhỏ là 3 đồng, trong hẻm đình Phú Thạnh đường Lê văn Duyệt phía sau Toà Đại Sứ Cao Miên, góc Thích Quảng Đức tự thiêu. Ngày đó, khi đi học mỗi ngày tôi có 5 đồng tiền túi, muốn đi coi xi nê rạp Đại Đồng trên Cao Thắng, hay Nam Quang chợ Đũi thì ăn 2 đồng thôi, hai ngày là dư tiền đi coi xi nê và tiền gửi xe đạp, cùng ly nước mía nữa. Lúc phát hành hai con tem này, có lẽ tô phở Cao Vân góc Mạc Đĩnh Chi và Hồng thập Tự hay phở Pasteur gần trường ĐHKT phải trên 100 đồng rồi.
.
.
.
Bên phải khu Đài Chiến Sĩ này, là khu vực Tiểu Khu, đất rộng, chỉ có vài căn nhà trong đó, kéo về hướng đông ra tới đường Ng Du là con đường vòng đai bọc phía đông từ đầu tỉnh, đi qua phía sau chợ Cũ có lối rẽ phải, đường 303 đi Quản Lợi. Đường Ng Du này tiếp tục đi thẳng tới phi trường AL nằm ở mặt bắc. Tượng đài nằm ở đó, trên bãi thả dù tiếp tế cho AL, bãi này kéo dài từ bên phải đài, qua bên trái là ngay sân vận động trong chiến trận đầu năm 72, nên có những kiện hàng đã rơi trúng làm bể những bậc thềm và lan can của tượng đài. Kể ra cũng hy hữu, không có trái pháo nào của VC nổ ngay đúng anh chiến sĩ, ngày đêm đứng trên tượng đài không thèm chui vào hầm, tuy nhiên kiện hàng nặng tiếp tế thì có va vào đây, dưới chân anh, rất tiếc anh chiến sĩ này không cần ăn uống gì nữa.
.
.
Nói về con mắt mỹ thuật, thì Đài Chiến Sĩ nơi đèo heo hút gió như vậy thì tượng đẹp vừa đủ cho nơi đó. nếu lấy chân đài làm tiêu chuẩn, thì tượng bên trên hơi nhỏ, nếu lấy tượng làm chuẩn, thì bệ đài hơi to. Đúng ra, bên trên mặt ngang của đài, cho lên cao thêm một bệ nhỏ nữa, rồi đặt tượng đang di hành lên trên thì tương xứng hơn. Người đứng gần, tầm nhìn không bị bệ đài che mất hai đôi giầy của người lính, và hai đôi chân, để thấy anh ta đang chạy xung phong?.
.
.
Sự giản dị của bệ bên dưới có cái hay của nó, nhưng rồi, chung số phận của những kẻ bị thua cuộc, tất cả thành cát bụi bởi bàn tay của kẻ chiến thắng phá xập. Nếu giữ lại nó có lẽ hay hơn, thành di tích cho những điểm chính để thu hút khách du lịch sau này, của cả hai bên trong trận chiến của qúa khứ, về thăm lại chiến trường xưa.
.
.

.
z-td-anloc-daichiensi.jpg picture by tddesign
.
.
.
z-td-anloc-daichiensi.jpg picture by tddesign
.
.
z-td-anloc-vitri-4-72.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
z-td-anloc-daichiensi.jpg picture by tddesign
.
.
.
an loc binh long va toi . duongtiden . duongtiman . tuong dai chien si an loc. An Lộc, Bình Long và tôi ... Bài phụ lục thứ 3, tượng đài Chiến Sĩ mà vài ngàn trái đạn bắn không trúng. By duongtiden.
.
.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.