copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Wednesday, November 14, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ 18 tiếp theo. The July 4th Boat, part 18, by duongtiden.



.

.
.

.
 Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ mười tám tiếp theo ..
.
.

Chúng tôi được dẫn qua ngôi nhà hai từng trong khu hành chánh, đến văn phòng Tỉnh Trưởng, chứ ông ta không đi gặp chúng tôi. Văn phòng trên lầu hai, có cánh cửa sổ đôi mở rộng nhìn xuống vùng biển của vịnh, nguyên cảnh của hải cảng Tangjung Pinang hiện ra toàn bộ.
.

Ông ta từ ngoài bước vào, chúng tôi đã ngồi sẵn trên ghế trước bàn làm việc đợi đó. Người Đại Tá, tóc muối tiêu, mặc quân phục Hải Quân Trắng, văn phòng khá rộng và bầy biện nhiều tranh, hình, bản đồ trên tường. Ông ta chào và bắt tay chúng tôi, bằng tiếng Anh, hỏi thăm chúng tôi tên gì, từng đứa, yêu cầu nói sơ cho biết mỗi đứa chúng tôi là gì, làm gì ở VN. Có lẽ đã đọc hồ sơ của chúng tôi được báo cáo từ cấp dưới đã lấy cung chúng tôi từ trước. Ông ta hỏi chúng tôi có thân nhân ở các nước khác không. Rồi sau đó hỏi về tình hình chính trị ở VN, VC có di chuyển nhiều quân thêm, hay vũ khí nặng như dàn phóng hỏa tiễn và Mig vào miền Nam không, chắc những nhà quân sự ND, có đôi khĩ tự hỏi, có ngày nào đó họ sẽ phải đối đầu với chiến tranh do chủ nghĩa CS lan tràn từ VN qua.
.

Tôi cũng trả lời lại theo những gì mắt thấy. Ông ta cho biết ở đây đang có hai trại tị nạn dành cho người VN, một trại ở cách đây chừng vài cây số, một trại ở bên kia vịnh, bên kia biển đối diện với TP, tổng cộng chừng hai trăm người. Ở đây các anh được tự do đi lại mua bán, cứ sống thỏa mái, đợi làm giấy tờ rồi đi đoàn tụ với gia đình bên các nước khác. Hỏi tiếp mình tôi là có mang theo giấy tờ tài liệu gì của VC không. Tôi kéo ra vài giấy tờ của VC cấp như giấy đi đường, thẻ bầu cử, giấy chứng nhận học xong Đại Học Kiến Trúc, và nắm tiền của VC, còn rất mới, để trên bàn cho ông ta coi.
.

Ngó qua một chút, rồi ông ta  xin vài tờ giấy bạc in hình Minh Râu làm kỷ niệm. Lúc đó tôi mang theo khá nhiều tiền VC, giấy lớn để dùng lo lót, nếu bị bắt trong bờ hay ngoài biển của VN. Còn đô la hay vàng thì không có, vì tôi có hai người anh đang ở Úc và Mỹ, chỉ cần liên lạc là có tiếp tế ngay. Đại khái là ông ta tò mò muốn nhìn mặt coi chúng tôi như thế nào. Có hỏi thêm là VC có tuyển thêm lính mới không, tuyển lính tại Miền Nam. Boy và PhD trả lời có, vì chính hai đứa này đã bị đưa đi khám sức khoẻ, nên đó cũng là thúc đẩy phải ra đi nhanh hơn.
.
.
z-td-477-map-ferry.jpg picture by tddesign
.
.
Ở đảo Bintan, có hai trại tị nạn cho người VN, Batu Anan ở ngay bên TP, đi tới bằng đường bộ, Senggarang trại thứ nhì, nằm bên kia bờ, đối diện với TP, đi qua lại bằng đò chèo tay. Còn đảo Galang, thi gần hai năm sau mới có, coi như là trại lớn nhất ở ND, có khi đến vài chục ngàn người VN cùng lúc, nằm bên Tây Nam, cách một giờ đò tốc hành từ TP. Từ Singapore, đi đò tốc hành, mất chừng 1.5 tiếng thì tới Tangjung Pinang.
.
.

Coi như xong, ông ta gọi nhân viên vào đưa chúng tôi đi, có nhắn, đừng làm gì phiền phức ở trại tị nạn, đã có sự giúp đỡ đầy đủ của Liên hiệp Quốc và chính phủ Nam Dương, và chính phủ các nước khác, cứ chờ đó đợi ngày lên đường đến quốc gia khác. Chúng tôi chào từ giã ông Tỉnh Trưởng. Sau này tôi có gặp ông ta thêm một lần nữa trong một chuyện riêng cá nhân đặc biệt, sẽ nói sau.
.
.

 z-td-477-TP-hill-a.jpg picture by tddesign
.
đi tầu từ hướng Bắc xuống Nam từ quần đảo Anambas, Letung, thì quẹo vô TP, qua cái đồi nhỏ này, hồi đó, chưa có cái đài kỷ niệm trên đây.
.
.
Một cái công xa nhỏ, không phải là xe quân sự, mà là xe bốn cửa dân sự kiểu du lịch, không nhớ của nước nào, xe hơi cổ một chút, người tài xế mặc đồ quân sự để xe đậu sẵn dưới nhà. Họ cho xe chở chúng tôi đi vào trại tị nạn ở bên ngoài thành phố. Xe tay lái ở bên trái, bốn đứa chia nhau ngồi băng trước băng sau. Xe ra cổng, quẹo hướng tay phải, để lên con dốc, xe tống ga đi, thì chúng tôi nhìn ra phía trước há hốc mồm mở to mắt sợ hãi hét nhỏ.
.

Nguyên một cái xe vận tải chở hàng to lớn từ trên dốc đổ xuống lao thẳng vào xe chúng tôi, không lẽ đến đây lại chết vì bị xe tông, không nhớ thằng nào ngồi bên trên, nhưng tất cả chúng tôi đều la lên tụt đầu xuống gầm xe tránh bị xe vận tải tông, hy vọng còn sống sót. Người tài xế quay lại nhìn cười to, chúng tôi cũng không thấy gì xẩy ra, lòi đầu lên ngó, cái xe vận tải đã đi qua, không đụng chúng tôi, hóa ra họ lái xe bên lề tay trái, không phải bên tay phải, nên khi thấy chiếc xe vận tải lao vào chúng tôi bên phải, cứ đinh ninh nó không thấy chúng tôi nên lao vào, đâu biết người tài xế xe tôi lao xe qua lề trái một cách bình thuờng, và ngạc nhiên nhìn chúng tôi, có lẽ đoán, mới được đi xe hơi lần đầu.
.

Tụi tôi đều cười to, và hình như đều nói một lượt: tụi nó lái xe bên tay trái, không hề nghĩ là Nam Dương lái xe bên lề trái, chứ không phải bên lề phải như ở VN. Xe đi lên đường theo đồi, quanh co một chút, đường tráng nhựa, nhỏ hơn quốc lộ bên VN, hai đường xe, không có kẻ lằn, chừng vài cây số, thì quẹo trái, đi quanh co chút vào con đường đất đỏ, hai bên lác đác nhà dân Nam Dương, nhà trên đất có, nhà sàn có. Đến vùng đất mở rộng ra, nhìn thấy có nước biển phía trước, có cái nhà kho thật to lớn và cao bên trái, trước mặt là cái bến tầu nhỏ, không có tầu đậu, bên trái thấy mấy ghe đánh cá của người VN đậu đó, giống như loại ghe đánh cá ở Vũng Tầu.
.

Từ bến tầu là cái sân xi măng lớn, dính với hai cái nhà kho bên trái. Thấy lố nhố người qua lại, cũng chẳng có ai chú ý đến cái xe nhỏ chở chúng tôi chạy vào. Xe ngừng ngay trước sân xi măng, người tài xế ra dấu, đến nơi, chỉ tay vào cái nhà kho, hai cửa mở rộng chỉ tay cho chúng tôi sẽ vào đó, giờ thì lấy đồ xuống. Nhìn chung quanh thấy có người ở dưới hai hay ba cái ghe VN, cặp cạnh nhau. Trong nhà kho thấy có người lố nhố, không đông lắm, vài người mặc quần đàn bà đen, áo bà ba, đội nón lá, mấy đứa con nít chạy qua lại chơi, giọng chửi thề .. đụ mẹ … đụ má .. rồi địt mẹ … đủ Bắc Trung Nam … he he đồng hương Việt Nam của chúng tôi đây rồi .. lâu lắm mới đuợc nghe tiếng mẹ đẻ qua giọng người khác, không phải từ chúng tôi.
.
.
z-td-477-batu6-1.jpg picture by tddesign
.
.
khu nhà vệ sinh nằm bên tay phải, nhà kho lớn bên trái, là trại tị nạn ở bên trong nhà kho, chỗ nấu nướng nằm đằng sau sân bóng chuyền.
.
.


Xe de lại, quay đầu đi mất, trời nắng lên cao, đứng chơ vơ bốn đứa giữa sân nắng, mấy bị đồ, túi nằm dưới chân. Cứ đứng như vậy, nhìn chung quanh, không biết làm gì. Người tài xế bỏ đi, chẳng giao chúng tôi cho ai. Bây giờ thì bốn đứa đứng giữa sân một chút có lẽ đã gây chú ý cho mọi người chung quanh, lúc đó có lẽ từ mười gìờ cho tới 11 giờ sáng. Có người bước lại hỏi:
.
_ Việt Nam hả?
.
_ Ừa Việt Nam.
.
_ Ở đâu tới vậy, tị nạn hả, vượt biển hả?
.
_ Ừa, vượt biển, tầu Nam Dương mới đưa tới đây sáng nay.
.
_ Sao ít vậy, có bốn người thôi sao? Còn ai nữa không.
.

Bây giờ thì, có mấy đưá con nít la lên: tụi bây ơi, người VN mới tới, rồi chạy đi thông báo những nơi bên trong nhà kho. Cũng phải trên chục người ùa ra bao vây chúng tôi nhìn soi mói, hỏi thăm. Thấy chúng tôi đứng ngoài nắng nãy giờ, kéo bốn đứa vào trong nhà kho, đây là trại tị nạn, mọi người đều ở trong cái nhà kho lớn này, và dưới ghe bên ngoài, thấy lúc nãy. Bên trong, đóng những sàn bằng cây, rồi mỗi gia đình ở trên đó, có đường trống đi qua lại, y như những cái sạp cây buôn bán trong chợ. Không hàng rào, không cảnh sát, không có tổ chức, không bảng tên, chữ nghĩa, giấy tờ gì hết, không có cả nhân viên ND, chỉ có chừng gần trăm người ở chung với nhau.
.

Chúng tôi ngồi nghỉ ở cái sàn cây trống, không có ai, ngay sát gần hai cái cửa nhà kho to lớn, xe hơi có thể lái đi vào. Ngồi đó, mọi người xúm lại, mang nước ra cho uống, xúm lại để coi có nhận ra người quen hay không. Chẳng có ai làm trưởng trại, hay ban điều hành gì hết, họ cứ tự sống với nhau vậy thôi. Nhìn vào giữa kho là cái bàn thờ Thiên Chúa khá lớn ở vị trí trang trọng nhất, coi như là đa số người tị nạn ở đây là người Công Giáo, họ nói chuyện thì là giọng Bắc Kỳ ở tỉnh, chứ không phải Bắc Kỳ Hà Nội 54 ở Saigon. Hỏi ra thì hơn một nửa trại là đến từ Rạch Dừa, Vũng Tầu, khu người Bắc di cư, rời VN đi từ năm 1976.
.

Khi biết lý lịch chúng tôi qua lời tự kể, thì một vài người cùng chạc tuổi tỏ vẻ thân mật hơn, giới thiệu gia đình họ, một người đang học Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khi 75, một anh chàng Thuỷ Quân Lục Chiến, nhỏ hơn chúng tôi, đưa tay cho coi chữ “Sát Cộng” xâm trên tay, được xâm thêm cho thành hình thù khác, đại khái tên Hòa, Rường, Tuấn, Bình , Gióng, Là .. từ từ sẽ soạn tên tuổi họ lại sau, vài người lớn tuổi cũng đến hỏi han. Có nguời hỏi chúng tôi có mang vàng, tiền đô la gì không. Chúng tôi cũng kín miệng trả lời ậm ừ là có mang chút, nhưng đã ngu để đồ đạc trong nhà khi tụi ND dẫn đi uống nước đã bị lục đồ lấy mất. Họ cười chỉ nói, hỏi là để biết, nếu chúng tôi cần đổi ra tiền Nam Dưong để mua đồ thì mai đi chợ ngoài TP, họ sẽ đi theo chỉ chỗ cho, để đừng bị lừa, vì họ nói được tiếng Nam Dương thông dụng, dễ mua bán. Tôi ngạc nhiên hỏi: đi chợ hàng ngày, nói tiếng Nam Dương rành, họ cười nói, ừa đi chợ hàng ngày, sáng nào xe taxi cũng vào kiếm mối, chờ sẵn mấy chiếc để chở tị nạn đi Tangjung Pinang. Thiệt là lạ.
.

Tôi hỏi tiếp: ở đây được tự do đi lại à, tôi đã thấy không có hàng rào, cửa nẻo hay ai canh gác hết. Ông Đại Tá có nói là được tự do mà, tôi chỉ sợ nghe lầm thôi. Họ cho biết, chút nữa là có xe taxi chở người VN đi chợ hồi sáng trở về, để họ nhắn cho Các Cha biết là có người tị nạn mới tới. Tôi hỏi các Cha là ai vậy, họ nói, Cha là hai Linh Mục người Hòa Lan, và người Bỉ, một Cha già, một Cha trẻ, của hội Nhà Thờ Nam Dương ở đây, chuyên lo giúp người VN. Để chút nữa nhắn tài xế Taxi người Nam Dương khi về ghé qua nhà Cha, cho biết có người VN mới tới. Hai Cha đến đây làm lễ ngay bàn thờ này, hình như hai lần trong tuần, hai cha lo cho người Công Giáo VN ở đây, 75% trong trại này là người Công Giáo, thuộc một làng họ đạo ở Rạch Dừa Vũng Tầu, họ biết nhau từ VN. Cho nên sau này họ thương nhau lắm thì cắn nhau nhiều. Sẽ kể nhiều chuyện gay cấn về sau. Họ cho biết, có hai cha đến thăm viếng gấn như hàng ngày, nên chuyện gì họ cũng biết, cảnh sát Nam Dương không dám làm gì sai trái ở đây hết.
.

Nói tiếp cho biết là ngày mai có chuyến tiếp tế đồ ăn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trên tỉnh đưa về đây thì mấy anh có tên trong danh sách của họ rồi, thì mấy anh sẽ có phần đồ ăn, còn không thì họ sẽ chia đều phần của mọi người cho chúng tôi, còn bây giờ, ngày hôm nay thì họ sẽ đi xin mọi người chung quanh chia đồ cho chúng tôi ăn, còn cần gì nhiều hơn thì sẽ cho mượn, khi nào có, chúng tôi sẽ trả lại sau. Nói chung mọi người rất tử tế, vui vẻ. Cho biết bên trong còn trống nhiều sạp cây, cứ việc chọn, chúng tôi đi vào trong, chọn một hàng sạp cây ván tận tuốt trong cùng góc, hơi tối, nhưng được cái rộng rãi và không có ai đi ngang qua, chỗ ở rộng rãi, không nói là thênh thang, chia ra khu ngủ, khu ăn, khu tiếp khách, ba cái sàn cây liên tiếp, có kệ đóng vào sàn thành bàn nữa .. hi hi .
.

Trưa, hình như gia đình anh em người thanh niên học Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cho chúng tôi ăn cơm. Nhóm người này là hai gia đình gì đó, cũng phải gần đến mười người. Nhiều người đến hỏi han, khi họ trở về từ đâu đó, nhận ra chỉ có vài người ở Sài Gòn, còn phần đông là ở Rạch Dừa, gần ngay trước khi vào Thị Xã Vũng Tầu. Có người bên cạnh đi qua chào, nói tiếng Pháp, đó là một Dược Sĩ người Cam Bốt, có bà vợ người VN. Bây giờ mấy người ở dưới ghe, cũng lên trên chơi, có lẽ là ba gia đình chủ tầu, của ba cái thuyền đánh cá ở dưới nước, họ mời chúng tôi ăn tối, có lẽ vì nghe giọng tôi là Bắc Kỳ nên thân mật mời xuống ghe chơi. Ông chủ ghe, người cao lớn, hình như là ông Thắng. Tôi cho biết có người anh đã từng làm ở Trung Tâm Huấn Luyện Xây Dựng Nông Thôn ở ngay Rạch Dừa, là Kiến trúc Sư, anh tôi đã vẽ cái nhà thờ xứ Xâm Bồ cho Linh Mục coi địa phận đó, ở ngay trên mặt đường quốc lộ đi vào Vũng Tầu, bên tay phải, duy nhất ở Rạch Dừa có hình dáng cái chùa, mái cong. Họ lại nói đúng .. đúng .., chúng tôi ở ngay gần đó, như vậy lại có cảm tình hơn. Bà vợ ông này, còn nhắn, chúng tôi nên coi chừng cái gia đình mấy đứa thanh niên hồi sáng thân mật với chúng tôi và đã cho ăn trưa, bà ta nói, mấy người đó gian manh lắm. Tôi lại chẳng hiểu chuyện gì ở đây. Gia đình này có cô con gái chừng mười lăm tuổi, hay người nhà gì đó, nghe kêu tên là “Cái Lượt” cứ ở đằng sau ghe nhìn lén chúng tôi.
.
.
z-td-477-batu6-2.jpg picture by tddesign
.
.
trước mặt là cầu tầu, hai phần, khúc có bậc thang bê tông xuống nước cho ghe nhỏ cặp, phần cầu tầu cao kế cận cho tầu lớn. Người VN hay ngồi câu cá ở đây. Trước mặt bên kia khe biển hẹp như sông là rừng cây tràm. Nơi đây nhiều muỗi.
Hai tấm phác họa này in trong tập nhạc sinh hoạt ở trại tị nạn, vẽ trên giấy stencil dùng để quay ronéo nên lằn giản dị và mờ nhạt như vậy
.
.

Đây là trại tị nạn Batu Anan, tức là “cây số sáu” 6 cây số từ TP đi tới đường tráng nhựa bên ngoài, rồi rẽ chừng cây số đường đất vô trong, là nhà kho lớn rộng của tư nhân, chính quyền ND có lẽ thuê lại cho dân tị nạn ở bên trong, chung quanh có lác đác nhà dân ND. Khu cầu tiêu nhà tắm ở xa bên ngoài ra sát biển, lộ thiên ngoài trời, khu cầu tiêu thì làm chồm ra biển như cầu cá tra bên VN, khu nấu nướng nằm bên hông nhà kho, mưa thì có cái nhà nhỏ mái che ngay gần đó, bê bếp vô, cây cối củi, thì trong trại chung sức nhau đi gom về nấu. Không được nấu ăn trong nhà kho, còn đêm tối thì dùng đèn dầu, không có điện. Nhìn thấy gọn gàng sạch sẽ thông thoáng, vì mái nhà kho cao lắm, bên trên cũng có hàng khe thoát gió trên cao. Bên hông, ngoài nhà kho, có sân chơi bóng chuyền, căng lưới sẵn, chờ đó.
.

Được tự do đi lại mua bán, nên trong trại không thiếu thứ gì, trông mọi người lành lặn, khỏe mạnh, quần áo gọn gàng, nhìn còn đẹp hơn người ND địa phưong, người Nam Dương thỉnh thoảng cũng đi qua lại trước trại là nhà kho, vì đó là lối đi chung, của ít nhà người ND ở sâu bên trong.
.

Buổi chiều, mấy đứa con nít chạy vô, kêu chúng tôi “Cha lại” “Cha lại”, một người đàn ông Âu Châu, lớn tuổi, tóc hơi bạc, mặc quần áo thường, được mấy đứa nhỏ dẫn đến chỗ sạp cây của chúng tôi, Ông ta nói chào bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, ba đứa kia mừng quá, tụi nó đều có Bac II, tốt nghiệp Lycé Yersin, nay liền trổ ra một tràng tiếng Pháp, ông này cũng vui vẻ trả lời lại, còn tôi, thì Pháp Văn là sinh ngử hai, nên lõm bõm, ráng nghe. Như vậy là giáo dân trong trại đã nhắn tài xế Taxi người ND, ghé qua nhà hồi trưa cho Cha biết chúng tôi đến.
.

Kéo nhau ra ngoài ngồi, vì sáng hơn và thông gió. Đó là Linh Mục Alfons Claes, người Bỉ, Belgium. Cha nói chúc mừng chúng tôi đã thoát hiểm, Cha là người truyền đạo Công Giáo trong khu vực Tỉnh Riau này, lo thêm chuyện giúp đõ người tị nạn VN, cần gì cha sẽ giúp đỡ, ai đến đây đều được hội Công Giáo của cha giúp số tiền nhỏ, mua đồ đạc cần thiết, nhất là mua cái mùng ngủ để phòng ngờ muỗi sốt rét, còn để cha nói mấy con chiên của cha chia bớt cho ít đồ dùng nấu nướng, vì mấy người đã đi qua nước khác đoàn tụ,  đều để lại đồ dùng, sáng mai đi ngang qua nhà của cha, coi cần cái gì thì vào kho từ thiện, có nhiều đồ dùng cũ mà lấy. Còn thư từ thì nên dùng hộp thư dưới tên của Cha, thư đến văn phòng, không sợ bị mất, ngày nào có thư cha đều mang xuống, sáng nay cha đã xuống đưa thư rồi. Muốn gửi thư thì dán phong bì đưa cho cha, không cần dán tem, cha tự bỏ tiền dán tem gửi máy bay ra các xứ khác cho tất cả người tị nạn VN ở đây.
.

Cha cũng nói được chút xíu tiếng Anh, đủ hiểu, tôi hỏi nơi đánh điện tín, vì cần báo cho hai người anh của tôi ở Úc và Mỹ biết, để gửi tiền qua, thì làm sao. Cha nói, ngày mai theo người VN ra chợ, họ sẽ chỉ cho chỗ bưu điện và cách gửi điện tín. Dùng địa chỉ của cha, thì nhận lại điện tín, và tiền, an toàn hơn, không bị mất. Bây giờ Cha cho luôn tiền đánh điện tín, tiền mua đồ cần dùng, và tiền mua hai cái mùng, nhớ mua mùng nhe, Cha dặn lần thứ hai, ở đây muỗi nhiều, coi chừng bị sốt rét đó, rồi lấy tiền đưa cho chúng tôi. Lấy giấy bút ra ghi chép tên chúng tôi cẩn thận, đưa lại tờ giấy có sẵn địa chỉ và tên của Cha. Vui vẻ đấu tiếng Pháp với ba đứa, PhD, Boy và Dao. Rồi nói tiếng Nam Dương với mấy người giáo dân VN khác đến chào, một lúc thì ông lên xe Vespa ra về, chúng tôi nhìn theo lòng đầy thích thú và tò mò, ở đây có quá nhiều chuyện rất lạ. Lại giản dị, không phúc tạp gì hết, mạnh ai nấy sống, không ai làm sếp, làm chức sắc gì hết trong trại, còn phần bên giáo dân Công Giáo, thì chắc là hai Cha có tổ chức, ai là người đại diện, ai là người phụ tá bên phần điều hành sinh hoạt thánh lễ hàng tuần, cử hành ngay trong trại. 
.

Ôi một ngày thật đẹp, quá đẹp, có hai Linh Mục quá tử tế, giúp người VN tận tụy như vậy. Mấy người chung quanh, giáo dân của Cha, được cha căn dặn là giúp đỡ chúng tôi, Cha đùa giỡn với mấy đứa con nít VN chung quanh bằng tiếng Nam Dương, tụi nhóc ở đây nói giỏi tiếng Nam Dương lắm, có lẽ vì ở lâu và chơi với con nít ND chăng. Rồi Cha bái bai, hẹn ngày mai gặp trên nhà, trụ sở Công Giáo địa phương, mấy người VN sẽ chỉ cho nhà, gần phố chợ thôi, đi bộ lại được.
.

Một ngày thật là nhiều chuyện vui, đêm tối đến, có người thanh niên cao lớn, nói tiếng Bắc Kỳ Rạch Dừa đến chào, nói tôi mới đi về đây, đi cả ngày bên ngoài, tôi là người ở lâu năm nhất trong trại, ai cần nói tiếng ND, thì nhờ tôi nói dùm cho. Anh ta hỏi mấy anh còn đói không, mời qua ăn thịt chó, chiều nay mới làm con chó. Mấy đứa kia ậm ừ cho qua, còn tôi thì đi theo anh ta qua ăn thịt chó chỗ sạp gỗ, nơi anh ta ở cho biết, để làm quen luôn, xã giao mà, chỉ vài miếng thì tui ớn cái mùi chó này rồi. Tôi hỏi chó ở đâu vậy? đi bắt chó của dân Nam Dương à, vì nhìn anh này có vẻ anh chị lắm. Anh ta nói không. Chó bị xe đụng, ở đây chó bị xe đụng, là cảnh sát ND, lái xe chở xác chó vô cho, vì biết Bắc Kỳ Tị Nạn trong đây thích ăn thịt chó. Tôi thơ ngây hỏi bộ hai Cha cho mấy anh ăn thịt chó hả, anh ta cười, Công Giáo đâu có cấm ăn thịt chó, Cha Piet, còn ngồi ăn thịt chó với tôi nữa đấy. Đó là ông Linh Mục người Hòa Lan trẻ hơn mà tôi chưa gặp. Anh ta mời tiếp tôi tôi miếng thịt chó và ngụm rượu, không biết rượu gì, và giới thiệu anh ta tên là Dũng.
.

Một ngày đẹp, chuyến đi chúng tôi đã đến trại tị nạn an toàn, ngày 9 tháng tám năm 1977. Đêm nay, chúng tôi nằm sát nhau, không mùng, đập muỗi ngủ, chung quanh đồng bào của tôi … tôi bắt chước mấy đứa con nít hồi sáng … chửi thề trong âm thầm… ôi địt mẹ, đéo mẹ, đụ má, đụ mẹ, đủ giọng Bắc Trung Nam, mừng quá, sướng quá … đã đến nửa đường tìm Tự Do … ĐM, ngày mai đi đánh điện tín, thèng Boy sẽ bán lượng vàng sau … Địt mẹ … thịt chó ăn kinh quá …. Tôi chìm vào giấc ngủ …. Đó là lần chót ăn miếng thịt chó … chó Nam Dương.
.

z-td-477-bintan-sunrise.jpg picture by tddesign
.
quang cảnh chung quanh đảo Bintan, còn rất nhiều nơi hoang dã. ... một ngày mới sẽ lên cao
.


Hết bài thứ mười tám … đọc bài thứ mười chín … tiếp ……. PhD cười cười, hỏi mua mùng hay mua coca … mấy chai cô ca ướp lạnh … nằm đằng sau tủ kiếng trong ngăn đầy nước đá .. ôi sao qúa hấp dẫn … chúng tôi ngồi bệt dưới thềm bê tông bên lề đường, duỗi chân ra, nhìn ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào mặt, vào mắt, choé lên những đốm sáng đủ mầu … hình tròn, hình lục giác từ nhỏ chạy ra xa… tôi chỉ tay xin chút muối, để lên mặt trên bàn tay, liếm một cái, vô một ngụm cô ca lạnh, ngậm trong cuối miệng, tôi quàng vai PhD, nhìn nó rất lâu, đập vai nó nhẹ nhẹ, mà ứa nước mắt. Hai đứa cụng chai cô ca … mừng Tự Do, nơi vỉa hè đầy cát bụi của phố xá TP, thật tầm thường, nhưng hai đưá đã biết đoạn đường của mình dài trên cả năm, từ ngày, nói cho nhau nghe ý định ra đi tìm tự do. Tôi đưa chai cô ca lên nhìn ánh mặt trời xuyên qua làn nước nâu đang sủi bọt, áp chặt vào tai hơi lạnh và những tiếng sủi bọt lăn tăn truyền qua … ôi cái cảm giác thần tiên, nơi vỉa hè, ngồi bệt xuống đất bụi bặm, dọc đường gió bụi, nơi trời mây nước xứ Nam Dương … ngày nào. Ôi Tự Do nó qúy làm sao !!!
.
.
 by duongtiden
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam
.
.


No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.