copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 24, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười. By duongtiden.



 


 

An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười. By duongtiden.

.

Coi như chuyến xe đò năm 64, bị VC chận đường, đưa vào rừng cao su, là chuyến đi chót của tôi rời An Lộc. Mấy anh chị em tôi thuê nhà trong khu hẻm phía sau đình Phú Thạnh, đi vào từ đường Lê văn Duyệt, gần tòa đại sứ Cao Mên hay bên đường Phan đình Phùng đều được. Nhà thuê cách cái nhà thờ nhỏ trong đó một căn, sáng sớm trở mình thức dậy nghe tiếng đọc kinh rì rầm. Thằng Mão, là con của người giữ nhà thờ ở phía sau, nó cũng học chung lớp với tôi ở Nguyễn bá Tòng. Con hẻm tráng xi măng, mỗi ngày biết bao người bán dạo, gánh hàng, đạp xe đạp, đi bộ, đẩy xe ba bánh đi qua, mỗi người đi một giờ, cất tiếng rao hàng, là biết lúc đó vào khoảng thời gian nào, giờ nào. Một hoạt cảnh âm thanh sống động.


Lúc bấy giờ, thì tôi bắt đầu làm máy bay nhỏ bằng cây thông và giấy mỏng, quay chong chóng cây bằng giây thun rồi phóng lên trời, hay làm bánh xe cho chạy bay bổng lên chút rồi rớt xuống. Buổi tối gần chín mười gìờ đêm, gần giờ giới nghiêm là ra trước nhà, lúc đó ngõ vắng người, quay chong chóng, cho máy bay bay thử. Làm máy bay từ mấy miếng gỗ thông đóng thùng che mỏng ra, chong chóng không có đẽo từ cục gỗ thông được, vì khó quá, với lại nó phải xoắn hai bên đều góc và cân bằng từ trục giữa thì quay mới không rung, chong chóng phải cân bằng, đối xứng, khó làm lắm. Tôi chỉ giản dị cắt cục gỗ thông nhỏ chữ nhật làm trục chính, hai bên cưa khía hai lằn chéo sâu ngược nhau, rồi chẻ gỗ thông mỏng, vạt mỏng cắt hai cánh quạt đều nhau, cắm sâu vào khe, dán keo lại, là có được cái chong chóng máy bay, hai cánh quạt xéo góc ngược chiều nhau 45 độ. Treo sợi chỉ từ lỗ trục giữa, đưa cao lên coi có cân bằng hay không, thấy bên nào nặng kéo lệch xuống thì cứ thế mà mài mỏng cánh quạt, gọt dũa từ từ cho nhẹ đi. Làm cánh quạt to hay nhỏ, hay mỏng cho đến khi máy bay bay nhẹ, bay được mà chong chóng hay thân máy bay bị không gẫy.


ztd-maybaythun.jpg

.


Chỗ trục bắt chong chóng và giây thun quay, thì lả cái ống nhựa hình chữ nhật, đựng những thỏi chì nhỏ, trong những cây viết chì bấm của anh hai tôi, lúc đó đang học đại học kiến trúc, nên dùng những ống nhựa đựng lõi chì, nhập từ Đức hay Pháp, hay của Mỹ. Dùng hết chì bên trong, thì vứt đi hộp nhỏ đựng chì đi, nhưng thành đồ làm máy bay cho tôi. Hơ con dao nóng trên bếp lửa, cắt phần cuối ống nhựa trong đựng chì ra, rất dễ dàng. Còn móc sắt, làm trục quay chong chóng, thì dùng kẹp giấy, cũng nhập cảng, bẻ thẳng ra, rồi uốn theo hình thù muốn có. Nhờ làm máy bay nhỏ mà học được nhiều chi tiết về khoa học, lực gió, độ bốc của cánh, vân vân. Anh kế tôi, lúc đó học trên tôi hai lớp, cũng phụ giúp và giảng về nguyên tắc lực và khí, độ cong của cánh và gió nâng lên như thế nào.

.
Ngoài ra thì còn chơi những hình vật bằng nhựa, đổ khuôn, đúc thành từng người lính nhỏ, qùy bắn bazooka, hay đứng, hay nằm, đủ kiểu. Tụi con nít trong xóm hay mua, sưu tầm và chơi chọi hình ăn thua. Chơi chọi hình người thì đập vào tường cho văng ngược ra xa, đưá nào văng cao mà chưa vượt qua mức, thì chọi đứa ở dưới thấp, chọi trúng thì ăn được mẫu hình đó, làm bằng nhựa dẻo, nên liệng trúng đất cứ tưng lên. Tôi ăn được cả thùng nhỏ. Nhiều khi đang học bài trong nhà, có đứa nhỏ khác, gõ cửa nhà khiêu chiến, chơi chọi hình, tui lại bò ra ngõ chơi trước nhà, chơi cho đến khi ăn sạch hình người của nó. Chơi chọi hình ăn chán, hai anh em tui lại bầy ra chơi trong nhà, hai bên xếp thành quách là fortress, cho hình tượng lính núp chung quanh, rồi dùng súng bắn giây thun tự chế, bắn từng người lính nhựa núp phía sau lật nhào, cho tới khi ai bắn gục hết trước thì ăn. Bắn chán, hai anh em làm áo giáp bằng cách độn giấy báo, mặc áo lạnh, đội nón, đeo kiếng mát cho khỏi bị mù mắt, gấp bì giấy, bắn giây thun trúng vào nhau kêu chí chóe. Rồi ăn, rồi ngủ, rồi học bài, cắp sách đi bộ tới trường Nguyễn bá Tòng, ghé qua tiệm cơm ngay rạp Nam Quang, xách gà mên cơm về ăn. Má đặt cơm tháng ở đó cho tụi tui ăn. Còn má vẫn ở trên Bình Long, với ba, và đứa em út nhỏ.

.
Cuối năm 64, thì anh Hai, được học bổng đi qua Mỹ học gần hai năm, trong chương trình Thiện Nguyện của Mỹ, Volunteer Corp, để về VN, tổ chức những đoàn thanh niên thiện nguyện vào làng quê sống và giúp dân địa phương cải thiện đời sống, chăn nuôi, trồng trọt, hay cải thiện nhà cửa, điều kiện sống. Anh đi Mỹ rồi, thì má dời nhà thuê về dưới chợ Hòa Hưng, hẻm tiệm thuốc tây Vũ Hữu Chu, số 413, Lê văn Duyệt. Bây giờ tôi đi học bằng xe đạp, vì xa hơn nhiều lắm, không đi bộ nổi. Trước khi đi bằng xe đạp thì đi bằng xe Lam, xe ngựa, thích nhất là đi bằng xe ngựa, nếu được ngồi ngay hai bên càng xe, ngay bác tài có cái roi bện dây, kêu những tiếng chỉ có ngựa hiểu, đánh vào mông ngựa chét chét, con ngựa, ốm o gầy còm chạy lọc cọc một cách mệt nhọc.

.
Thỉnh thoảng Ba từ trên An Lộc cũng theo má đi xe đò về SG thăm tụi tui. Ba để tóc bạc và râu dài cho già đi, mang theo giấy căn cước giả, với tuổi cao, và làm nghề buôn bán để lỡ bị VC chận xe xét giấy thì đỡ nguy hiểm hơn. Buổi sáng sớm khi hai người đi về lại, tôi hay đi ra theo giả bộ phụ khiêng đồ, nhìn ông bà lên cái xe ngựa, buổi sáng sớm vừa dứt giới nghiêm còn tối, còn hơi lạnh, nhìn ba tôi đưa tay vẫy, cái xe ngựa đi xa về chợ Bến Thành, tôi đứng nhìn theo cho đến khi không thấy gì nữa, chuyến xe ngựa đưa ba má đi ra bến xe đò đi Bình Long, nằm ở đường Nguyễn cư Trinh, gần Trần hưng Đạo. Đến chợ Bến Thành, rồi đổi qua xe Lam, đường Trần hưng Đạo, đi Chợ Lớn là tới bến xe. Chỉ trăm cây số hơn, mà ngày xưa, mỗi chuyến đi là một ngày trời, bắt đầu từ sáng sớm trời còn tối, bắt đầu bằng tiếng móng sắt ngựa gõ lọc cọc trên đường Lê văn Duyệt, con ngựa già chạy từ Ngã Tư Bẩy Hiền lên … đưa ba má tôi về An Lộc, đợi tháng sau, má tôi lại về, còn ba thì cả năm chỉ về một lần thôi.

.

ztdal-xengua-nga6.jpg picture by tddesign-1


ztdal-xengua-nga6.jpg picture by tddesign-1


Đứng nhìn theo, tôi thường lo sợ, không biết có phải lần chót nhìn thấy hai người không. Mỗi lần đi, má thường hay xoa đầu tôi: “ngày nào ba má còn sống, con ráng học nhe, không biết sẽ có chuyện gì xẩy ra, cố mà học, khi ba má còn nuôi được … “. Rồi tôi cố gắng xô đuổi cái ý nghĩ sợ hãi vẩn vơ đó ra khỏi đầu, bận bịu chơi đùa làm máy bay, đi Hướng Đạo, làm thủ công, đè xe đạp ra sơn lung tung, đổi mầu, đứng nhìn trời nghĩ vẩn vơ, rồi cuối cùng mới là học. Tôi học cũng không tệ lắm, cứ tháng nào cũng được xếp tứ hạng 1 tới 10, thì được bảng danh dự, được đủ hết thì được bớt 50% tiền học phí, thiếu một bảng danh dự, thì được bớt 30% học phí. Anh kế tôi, năm nào cũng được bớt 50% tiền học, còn tôi thì có năm cũng được bớt 50%, có năm vì lười biếng chỉ còn 30%, nhưng những chiếc máy bay nhỏ, vẫn bay cao trong con hẻm nhỏ, sau giờ giới nghiêm, nâng hồn tôi lên cao mơ mộng ngày nào đó sẽ thành kỹ sư chế máy bay.

.
Lúc này, anh kế tôi học sớm một tuổi, thi Trung Học, đậu hạng Bình, được nhận vào Petrus Ký, học miễn phí, má mừng lắm. Anh học buổi sáng, tôi buổi chiều, thay nhau nấu cơm hàng ngày, bây giờ thì tụi tui lớn, học nấu cơm, chụm bếp than củi, thích nấu ăn, không còn lấy cơm tháng ăn nữa. Má thì về lại SG ở, mang thằng em út về học tại SG, trên An Lộc giờ chỉ còn một mình Ba thôi, má cứ mỗi tháng đi lên một lần vài ngày, hay một tuần. Anh Hai cũng đã học xong ở Mỹ về, đi xa tổ chức một chương trình Thanh Niên Thiện Nguyện thí nghiệm ở Phan Rang, là tiền thân của Xây Dựng Nông Thôn sau này, rồi vẫn tiếp tục học những năm cuối ở Đại Học Kiến Trúc, rất bận rộn, ít khi ghé về nhà.

.
Lúc anh ở Mỹ, tôi thường viết thư qua năn nỉ xin mua cho một cái động cơ máy bay nhỏ là Cox Tee Dee, lòng máy xy lanh là .43, đã chơi máy bay giâu thun rồi, bây giờ tham vọng hơn, muốn chơi máy bay nhỏ gắn động cơ chạy xăng. Thèm lắm, tôi cứ ra chợ sách cũ đường Lê văn Duyệt bên cạnh trường Trường Sơn và rạp Nam Quang, mua những tạp chí cũ của Mỹ vế máy bay kiểu nhỏ, scale model, avion, radio control, cứ nhìn những cái máy bay nhỏ, đủ kiểu, đủ loại, chơi thi nhau như Olympic, mà thèm nhỏ rãi. Nhờ vậy mà tiếng Anh bắt đầu giỏi để đọc các tạp chí, tay chân cũng vẽ vời, đọc những bài vẽ máy bay nhỏ của Mỹ để làm ra máy bay nhỏ bắng gỗ balsa, hay gỗ nhẹ mua trên đường Nguyễn Huệ, từ Kios Rồng Xanh, chuyên bán đồ làm máy nhỏ, nhìn những động cơ máy bay chạy xăng, những cái bu gi nhỏ xíu mà thèm nhỏ rãi. Vài ngày, lại phải đạp xe ra đó mà ngó mấy cái máy bay, động cơ hàng giờ không chán. Những khi ông bán hàng rảnh rỗi, tui lại chui đầu vào hỏi đủ loại câu hỏi để học hỏi. Ông này rất dễ thương, cũng thích sự ham muốn học của tôi nên chỉ dậy tận tình, trả lời mọi câu hỏi.

.
 

ztdal-scaleairplane.jpg picture by tddesign-1

.

Tôi chỉ có đủ tiền mua, gỗ nhẹ của ông làm từ VN, để làm máy bay bay bằng giây thun, còn cánh máy bay thì gián dấy mỏng, hay vải dù, keo dán thì là keo của Mỹ, dán cây, dán plastic, dùng dán mô hình, dán những mẫu máy bay nhỏ làm bằng nhựa của Nhật và của Mỹ, rồi đủ loại sơn để sơn máy bay, đủ hết đồ chơi, để cho những dân nhà giầu ở VN, mới có tiền chơi những loại này. Có cuốn sách mỏng, in ronéo, bằng tiếng VN của ông kỹ sư hàng không người Việt, cũng viết sách dậy làm máy bay nhỏ, những nguyên tắc làm cánh với độ cong để bốc lên, độ vặn của chong chóng. Tui nghiên cứu học rất kỹ, cũng làm toán, vẽ thiết đồ độ cong của cánh máy bay …. Cuối cùng giấc mơ khi anh Hai từ Mỹ trở về chỉ đuợc chút xíu mà thôi, chỉ được gói giấy đựng gỗ balsa, anh mua về làm mô hình kiến trúc và cho tui làm máy bay nhỏ. Chắc đồ máy bay mắc quá anh không mua, hay thằng nhỏ như tui, chưa có lý do gì để mà đam mê những thứ mắc của dân nhà giầu đó. Giấc mộng của tôi chỉ muốn trở thành kỹ sư hàng không chế máy bay sau này. tất cả mẫu máy bay chiến tranh thời đó, tôi gần như học thuộc lòng, mua sách về hàng không quân sự, đủ loại hình vẽ, kích thước, trang bị vũ khí của từng loại chiến đấu cơ, từng quốc gia, nhìn lên trời, thấy máy bay, là tui có thể nói rành rẽ loại gì, vũ khí ra sao. Sau này thì quên hết, không còn thú vui đó nữa.


Một năm, hai năm trôi qua, ba vẫn ở Bình Long tới năm 67, má vẫn đi lên xuống đều đặn, bằng máy bay của Mỹ, ra phi trường TSN hay đi lên Phú Lợi, Lai Khê Bình Dương. Thỉnh thoảng tui cũng nghĩ mà ớn, có ngày maý bay bị bắn rơi, hay hư động cơ thì sao. Sau mỗi chuyến đi, câu chuyện của má kể lại đều rất lý thú, nào đi máy bay thơ, máy bay tiếp tế, máy bay chở người đi nhận nhiệm sở, máy bay chở thương binh, chở xác người về sau khi đổ người mới lên, đổ tiếp tế súng đạn, lương thực lên, nào là phi công VN bay ra sao, phi công Mỹ bay ra sao. Thiệt là má to lớn khỏe mạnh cao tới 1m65, khỏe như voi, đi máy bay đủ loại, chẳng mệt mỏi hay nôn mửa bao giờ, chưa kể mang theo đồ đạc nữa.


Lúc này thì tiếng Anh của tui cũng phát triển nhanh hơn những đứa học cùng lớp, anh Hai mang về đủ sách Hướng đạo của Mỹ, ba cuốn Cub Scout, một cuốn Boy Scout handbook, bao nhiêu tạp chí Boy Life, đầy đủ đồ chơi, đồ thủ công và mưu sinh. Tôi mê lắm, cứ thế mà lật tự điển học tiếng Anh để hiểu được những cuốn sách Mỹ đó, công thêm đống tạp chí scale model, máy bay kiểu nhỏ của tui, bỏ tiền ra, mua cả thùng, lúc nào rảnh là cứ mở ra coi hàng giờ không chán, rồi trao đổi, mượn qua muợn lại sách của những đứa bạn nhà giầu, cũng thích máy bay kiểu nhỏ, tụi nó giầu có tiền nhiều mua máy bay nhỏ bằng nhựa scale model của Mỹ và Nhật về ráp, sơn mầu tác chiến coi mê lắm, rờ mái không chán, từng chi tiết, 1/48, 1/96 rút nhỏ từ mẫu máy bay thật, rồi bỏ vào tủ kiếng trưng bầy. Những thứ không có bán ở VN, phải nhờ người mang về.

ztdal-anlanh-chocu.jpg picture by tddesign-1


An Lộc bây giờ có phần rơi vào quên lãng một chút trông tâm tư tôi, chỉ còn ba trên đó, tui vui và bận rộn với đời sống ở SG, với thế giới mới lớn của con nít đang hiếu kỳ tìm tòi đủ thứ. Tôi học buổi chiều, một hôm về đến nhà, không thấy ai. Má thì đi lên An Lộc vài ngày trước, anh kế tôi học buổi sáng, chiều cũng không thấy có nhà, chỉ thấy có tờ giấy viết để trên bàn: “ba má bị thương đang nằm trong bịnh viện Chợ Rẫy, khu ngoại thương .. “. Chỉ vậy thôi, như cả một thế giới đổ xập xuống, mắt hoa, tai lùng bùng, ngực ngẹn thở, cố gắng, tôi lẩm bẩm: “ nhưng ba má còn sống mà… “

.
Chiến tranh không còn là chuyện bên ngoài, mà đang bước thẳng, bước ầm ầm, đổ ập ào ào máu lửa vào ngay gia đình tôi. Đến khu ngoại thương BV Chợ Rẫy, hỏi thăm chỉ dẫn thì người ta cho biết ba tôi nằm nơi nào, má nằm nơi nào. Bệnh nhân Nam và Nữ có khu nhà khác nhau. Ba và má được trực thăng tải thương về Tân sơn Nhất hồi sáng, xe cứu thương đưa vô Chợ Rẫy vì ba làm công chức của chính phủ, thuộc khu 3 của Bộ Công Chánh. Trên Bình Long gọi về SG thông báo, và Bộ Công Chánh cho người đến nhà đưa tin. Anh Chị tôi đã có mặt trong đó. Má còn đi đứng được, cũng qua bên giường ba tôi nằm. Hai chân ba băng kín hai đầu gối to lên một cục, còn tỉnh táo và nói năng bình thường, chỉ không tự di chuyển được thôi. Như vậy là ba má tôi còn sống, trên người chỉ còn bộ quần áo ướt thấm máu với dấu đạn khi thoát ra khỏi An Lộc. Chị tôi đã mang quần áo cho mẹ thay và mua quần áo mơí cho ba. Những ám ảnh khi nhìn ba má rời nhà vào những sáng sớm đi về lại An Lộc cũng trở thành sự thực, nhưng đầy may mắn, chỉ nửa sự thực thôi. May mắn qúa, hai người vẫn còn sống.

.
Đêm hôm qua, nửa đêm về sáng, ba má bị toán đặc công VC vào tận nhà, nhà chỉ cách bộ chỉ huy Tiểu Khu một cái sân trống, bị VC bắn, rồi trúng thêm đạn pháo kích nữa. Má từ từ kể lại câu chuyện. … bị bắn tối hôm qua. Thường thì khi có pháo kích, ba hay chui xuống hầm ngủ, hầm đào thêm trong nhà, ngay trong nhà bếp, hồi tôi còn ở trên đó thì không có hầm này. Khi má lên thì hai người nằm nói chuyện đến khua. Ba nghe có nhiều tiếng xầm xì và tiếng động khả nghi phía trước nhà. Khu này rất an toàn chỉ cách vách rào của Tiểu Khu chừng 50 mét thôi, nên không có chuyện VC vào đến đây. Ba nghe nhiều tiếng động và âm thanh lạ, nên mở cửa sổ phiá trước nhà nhìn ra, thấy một toán người mặc đồ lính VNCH, tuy nhiên vì gần nửa đêm, không rõ lắm. Ba lên tiếng hỏi họ thuộc đơn vị nào, tại sao lại đi phục kích trong khu cư xá … thì một loạt đạn AK từ trước cửa vườn bắn vào nhà, chưa tới 7 thước, không biết là ba có mở cửa ra ngoài không, vì bị trúng đạn vào hai đầu gối. Tiếp theo là một trái B40 thổi tới vào cửa sổ, chỗ má đứng phía sau cũng đang nhìn ra ngoài. Má bị mảnh đạn và nguyên cái tủ sách bằng kiếng bể đổ chụp xuống lưng, vì nghe súng bắn tới, má đã nằm xuống rồi. Loạt súng đạn nổ vang lên gần ngay bên tiểu khu như vậy, nên họ đã rú còi báo động lên, và có những loạt súng giao tranh tiếp gần đó. Đồng thời đạn pháo kích từ ngoài do VC bắn tới cũng rơi chung quanh. Ba bị nặng nhất là vết thương đạn vào hai đầu gối và những miểng nhỏ khác trên người, má bị mảnh đạn và mảnh kiếng bể cứa nát phía sau lưng, nhưng không vào sâu tới xương sống hay giây thần kinh. Hai người bị máu ra nhiều.

.

 
ztdal-akb40.jpg picture by tddesign-1

.


Má đã kéo được ba vào trong nhà, toán VC trước nhà rút ngay đi chỗ khác khi vừa nổ súng xong, vì trong Tiểu Khu đã báo động lên. Nhưng chung quanh không có ai đến tiếp cứu hai người hay coi có chuyện gì đã xẩy ra hết vì tình hình đang có báo động. Má tự băng bó cho mình và cho ba, rồi nằm chờ người đến sau khi đã kêu cứu, nhưng hai gian nhà bên cạnh hình như đêm tối không có người trong đó, hay họ đi trực trong cơ quan hết. Sau hồi lâu thì má quyết định sẽ dìu ba bò qua bên nhà thương, bịnh viện Bình Long, phía sau nhà chỉ hơn 50 mét, chứ hai người nằm trong nhà chờ tới khi có người đến cứu, hay tới sáng thì sẽ chết vì mất máu, hay trúng đạn pháo kích thêm vì không xuống hầm được. Quyết định như vậy, nên má lết đi và bò, kéo thêm ba qua bên bịnh viện, còn ba thì bị thương vào hai đầu gối nên không đứng được. Không biết hai người xoay sở ra sao tới bao lâu .. , cuối cùng cũng tới được bờ đường bên trước bịnh viện, la lớn kêu cứu, thì bên trong BV có người ra khiêng vào cấp cứu.

.

.

ztdal-nha-bv-tieukhu.jpg picture by tddesign-1

.


Lúc đó vẫn có pháo kích rải rác chung quanh trung tâm tỉnh. Bên trong BV, những người trực đêm, họ băng bó cầm máu, bấm vết thương lại cho ba má. Họ quyết định liên lạc xin trực thăng tải thương ngay sáng sớm vì ba và má có gia đình sống ở SG, còn trên An Lộc không có ai nữa. Như vậy chỉ có lau rửa, bấm vết thương lại, cầm máu, tiếp nước biển rồi chờ tải thương thôi. Gia đình tôi đến Bình Long năm 59 hay 60 trên một chuyến xe vận tải chở hàng để dọn nhà đến, rồi bây giờ ba má từ gĩa An Lộc, trắng tay, chỉ có bộ quần áo đẫm máu trên người mà thôi. 59 đến 67, một quãng thời gian dài, gia đình chúng tôi thực sự rời An Lộc trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, bỏ nguyên căn nhà với đồ đạc, với kỷ niệm của gia đình trong đó. Ba má trở về Sài Gòn trên đôi băng ca, dưới cánh quạt trực thang phần phật gió lộng, từ gĩa gío bụi đỏ của Bình long An Lộc, tòng ten bên người những chai nước biển. Không biết má có cầm theo được túi đồ với tiền bạc hay không.

.


helioevac_vietnam_700.jpg picture by tddesign-1

.

Hai người trở về với đàn con trên chiếc băng ca, trong chiếc trực thăng ... không biết sơn mầu gì, chắc mầu xanh olive của lính, nghe y như bài hát: anh trở về trên chiếc băng ca .. trên trực thăng sơn mầu tang trắng của Nhật Trường, Trần Thiện Thanh. Đúng là ba má tui có số đi mây về gió. Ngày xưa năm 54, cũng đi từ hà Nội vô SG bằng DC3. Rồi sau này thì bay Boeing qua tới tận Seattle ...

 
 

ztdal-cho_ray_2000.jpg picture by tddesign-1

.

 

còn tiếp ...
by duongtiden

 

.

by duongtiden, an loc, binh long va toi. An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười. By duongtiden. Vietnam war, chien tranh viet nam, battle of an loc .
 
 

.

.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.