copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Wednesday, May 30, 2012

Bài viết của anh Lâm công Quyền KT65, viết về ngày Phật Đản ...

.

.

Tôi vừa nhận lại được bài viết của anh Quyền, sau khi anh hỏi có nhận được không khi anh đã gửi trước đây, rất tiếc bây giờ mới nhận được, nên nếu không trùng hợp với mốc thời gian nào đó thì xin cảm phiền. Dưới đây là bài của anh Q.
.
.
.
Nhớ ngày Phật Đản năm 2517
.
Bài của  Lâm-Công-Quyền
.

.
Kính tặng vong hồn cựu Đại Tá Lương-Xuân-Sài, chánh sở 5 CB.
Thương tặng Tiễu-Long-Nữ để kỹ niệm Lễ Phật Đản năm 2517 (1973)
.
Gần ngày Phật Đản, một người đồng nghiệp trẻ, đã có lòng nghĩ đến người lính CB trước kia, vừa gởi tặng anh ta hình cây cầu Long Hồ băng vô bán đảo Cam Ranh, nay vì không được tu bổ đã “xuống cấp” trầm trọng, làm tác giả chợt nhớ đến một kỹ niệm 39 năm trước liên quan đến cầu này nhân ngày Phật Đản năm 1973.
.
Cầu Long Hồ do người Mỹ xây dựng cách đó mới khoảng vài năm, người lính CB ngày đó còn trẻ lắm, mới 28 tuỗi, đã từng đi qua lại nhiều lần, kễ cả đi trên Xe Hoa Phật Đản do chính anh vẽ kiểu và coi cho thợ mộc, thợ hàn, thợ ̣điện, thợ ống nước...của đơn vị Khu Quân Sản Tạo Tác Nha Trang đóng. Nhơ' lại minh đã quan sát mỗi khi qua cầu này, gió mạnh lắm và liên tục, vì gần biển, cho nên anh đã cho chằng dây chống gió 4 bên của tượng Phật, ba lá sen cùng cây Hoa Sen trồng ngay giữa xe Dodge 4x4. Chung quanh thân xe được bao bọc bởi các tấm ván ép gắn trên khung cây 2x4 để tạo thành một chậu bông vừa đủ cao để tài xế thấy đường lái. Vì nghe một đàn anh nói không rõ ở trường trước kia, anh vô tình tạo nên một “matière” rất đẹp. Anh tưởng đâu nghe đàn anh Nguyễn-Thanh-Hà KT63 nói lấy trấu ịn lên rồi sơn lên màu nhũ vàng, trông rất đẹp nên cho người về Thành (cách Nha-Trang khoảng 15 cây số) mua mấy bao trấu đem về, anh cùng hai người bạn học cùng trường, Buì-Văn-Tùng KT63 và Lê-Chí-Nam KT64 tiếp lấy a dao quết lên lớp bao bố đóng dính vô lớp ván ép, xong bốc trấu liệng vào, đợi khô, chúng tôi sơn lên màu nhũ vàng, ban ngày nhìn đẹp nhưng không xuất sắc lắm ! Sau về Sài Gòn hỏi lại mới biết là anh muốn nói bao bố ! Anh này mang biệt hiệu “khổng lồ” nhưng anh lại nói rất nhỏ, lí nhí khó nghe, nên đôi khi có đàn em  còn gọi anh là “mất proportion” nữa!
.
.
Một ngày trước khi diễn hành mừng Lễ Phật Đản, cho xe chạy thử, anh rất hài lòng vì qua cầu yên ổn, không sao cả, ba lá sen dù khá lớn, nhưng vẫn chịu được gió rất mạnh. Ra đến Cây Số 9 hướng về thị xã Cam-Ranh, nơi có nhiều quán bar, chị em ta trá hình vũ nữ rất đông, khi đi dưới dây điện băng ngang qua Q.L.1 thì cánh tay mặt của tượng Phật giơ cao hơn dây điện đến 4 tấc (40cm) nên bị chận lại. Tất cả mọi người trên xe ̣đều lo lắng, ra hiệu cho anh tài xế trung-sĩ di chuyển thật chậm để đi qua. May phước thay, cánh tay, chân và cả thân người của tượng Phật, anh đều làm bằng cốt gỗ bọc dây kẽm gai, rồi đắp bột giấy nên rất dẽo chịu đựng được chấn động mạnh, vừa qua khỏi dây điện, cánh tay còn trớn đã quặt tới quặt lui mấy lần như lò xo mới chịu yên lại. Rốt cuộc, anh có cảm giác giống như Đức Phật nổi giận, chỉ tay quở nơi đây. Lỗi do anh khi vẽ hoạ đồ, ước lượng dây điện ngoài lộ chắc cao khoảng 4 mét, nên vẽ từ mặt đất đến đĩnh đầu tượng, ghi cao độ là 4 mét, quên mất cánh tay mặt của tượng chỉ "Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn" nên cao hơn khoảng 4 tấc ! Mấy ông thợ, công chức quốc phòng lẫn thợ  quân đội, đều đo đạc thực hiện Xe hoa đúng chính xác theo họa đồ !
.
Trở về đơn vị, anh nhờ mấy chú thợ mộc ở lại đơn vị ngày Thứ Bảy cưa bớt dùm cây cột 4 tấc, do đó tượng Phật được hạ xuống thấp đi. Tất cả vì sợ trễ nên làm việc trong trạng thái vô cùng căng thẳng,  đến chiều thì xong xuôi, ai nấy mệt phờ người nhưng rất vui.
.
Đêm sau là đêm Diễn Hành mừng ngày Phật Đản năm 1973, Phật Lịch là 2517, Trung-Tá chỉ-huy-trưởng kêu anh đi cùng xe với ông để đi theo đoàn xe hoa cả thảy 33 chiếc. Lúc đoàn xe và dân chúng đi xem quá đông làm đường bị kẹt, anh xuống xe đến gần xe hoa của đơn vị để chiêm ngưỡng vì ban đêm, nhờ các bóng đèn màu giăng trên xe, nó quá rực rỡ, bốn bên, lớp trấu sơn nhũ vàng óng ánh như vàng thật, tuyệt đẹp!Trên xe lại có bốn cô công chức QP trẻ đẹp ngồi ở bốn góc, do lệnh của Thiếu-Tá trông lo vụ này, anh bắt gặp một cặp mắt rất đẹp của cô Tiểu-Long-Nữ đang nhìn anh, dù những ồn ào chen lấn xung quanh cũng làm lòng anh xao xuyến. Sau đó, anh đứng chờ với CHT trong sân nơi Ban Tổ Chức sẽ đọc kết quả các xe thắng giải. Khi ông trưởng ban Tổ Chức tuyên bố chiếc xe của đơn vị CB thắng giải nhất, anh mừng quá, la to, đưa thẳng hai tay lên vừa nhảy lên rất cao, quên mất mình đang đứng kế bên Chỉ-Huy-Trưởng!
.
.
Năm nay, 2012, để mừng ngày Phật Đản 2556, anh sĩ quan trẻ ngày nào đã trở thành một ông già hom hem, tóc bạc, răng rụng, mắt mờ nhưng trong tâm trí vẫn còn thầm cám ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ban cho anh một vị chỉ-huy-trưởng có học, hiền lành, đức độ, giao cho anh trọng trách sáng tác và trông coi thực hiện chiếc xe hoa chiếm giải nhất và đem tiền về cho đơn vị. Có lẽ nhờ vậy, lúc nào ông cũng giúp đở anh hết mình trong đó có việc ký giấy phép cho anh trở về trường KT làm đồ án thi trong suốt hai năm liền và vì vậy, trong luận án tốt nghiệp, anh đã giành riêng một trang giấy cá́m ơn ông, măc dù biết rằng tấm thân ông vẫn còn bị tù tội trong bàn tay tàn độc của những kẽ thù nghịch với ông.
.
Anh cũng cám ơn Đức Phật đã ban cho anh một người con gái trẻ đẹp lúc ấy, ngồi trên chiếc xe hoa do chính anh vẽ và xăn tay áo lên để cùng thợ thực hiện. Người ấy đã thương yêu, chăm sóc cho anh, đã cùng anh lướt qua hằng bao nhiêu khó khăn, sóng gió chông gai trên đường đời và quý nhất là đã tạo cho anh ba đứa con thông minh, đẹp đẻ.
.
Viết xong ngày 8 tháng 5 năm 2012 tại St-Hubert, Qué.  

.
.


zlcq-caulongho-camranh.jpg
.
.
Trần-Nguyễn-Triết-Hồng KT66 và Lâm-Công-Quyền KT65 đứng trước cầu Long-Hồ, Cam Ranh, tháng 9 năm 2006. Hình do bà xã của LCQuyền chụp từ trong xe của Cty hảng của TNTHồng, do tài xế lái chở TNTHồng từ Tuy Hòa xuống Nha Trang để gặp bạn, rồi từ đó chở vợ chồng LCQ xuống vịnh Cam Ranh. Chúng tôi định trở lại thăm nơi đơn vị cũ nhưng người bộ đội gác cổng không cho vào.
.
.
Ghi chú của tmd: hồi tôi phụ thực hiện xe hoa của Sư Đoàn Nhẩy Dù ở Saigon năm 1973, có làm hai cây chống cao, trên đầu đóng thành cái chạc ba, có cây ngang chừng 30 cm phía trên để chống đỡ các giây điện bất ngở thòng xuống thấp ngoài dự định trước. Hai người đứng trên hai bên xe, chống giây điện lên cao, cũng tránh được tới trên 5 m. vì xe hoa cũng đã khá cao rồi. Cây bằng tre hay gỗ để tránh bị điện giật.
.
.
Lam cong Quyen KT65, Cong Binh Vietnam, dai hoc kien truc saigon, kien truc Viet Nam .
.

Monday, May 21, 2012

Cái nhà này của anh, gần tất cả những nơi cần thiết, chỉ cần đi bộ, và gần luôn cái nghĩa trang trước mặt nữa.

.


.
.
Cái nhà này của anh, gần tất cả những nơi cần thiết, chỉ cần đi bộ, và gần luôn cái nghĩa trang trước mặt nữa.
.
Bên kia ngã tư đường 82 và đường Holgate, mùa xuân đã vào độ được hai tháng rồi, mưa nhiều hơn nắng, nên xanh tươi đầy lá cây đủ loại, nhưng gần hai tuần nay thì khô, sáng chủ nhật hôm nay, trời trở lại lâm râm không ướt người. Giọt ngắn giọt dài, nước mưa nhiểu xuống từng chậu hứng nước dọc cái mái sân bằng cây ở nhả tôi. Làm nhớ đến hơn nửa thế kỷ về trước ở bên kia trời, bên kia đời : Trong các tạp chí Xây Dựng Mới của Tổng Nha Kiến Thiết, có in tranh bút lông vẽ nhanh, người phụ nữ áo bà ba tóc xõa dài đứng bên mái tranh, bên dưới những chậu hứng nước  nhìn mưa rơi, tạp chí in nguyên trang làm tranh quảng cáo:
.
Nhìn hàng chậu hứng nước mưa,
Chưa mua vé số là chưa yên lòng.
.
Vé số ở đây là " .. Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà .. giầu sang mấy hồi .."  mà Nhạc sĩ quái kiệt Trần văn Trạch hay ca trên đài phát thanh Quốc Gia của một thời dĩ vãng những trưa ngày thứ ba mở số qua cái radio, cái la dô National của Nhật ngày tôi còn rất nhỏ, bên trời vùng đất đỏ An Lộc, bên khung cửa sổ đầy ánh sáng bên ống khói gạch của nhà bếp,  vùi đầu nhìn từng mẫu nhà trong các đặc san Xây Dựng Mới của bố tôi.
.
.
.
.
Bên kia ngã tư đường chiều chủ nhật, trời vừa mát lạnh, hơi u ám, những hàng cây xanh ẩn hiện đủ tông mầu xanh, nhạt, đậm, từng hàng xanh đậm ngát của những cây thông Fir, nhọn đầu, những cây xanh nhạt hơn điểm tông mầu xanh khác thay đổi xen lẫn vào nhau. Một cây xanh lá cây của mùa xuân phủ gần đầy hoa đỏ từ dưới lên trên, gần trăm thước qua ngã tư mà hoa vẫn đủ lớn để hiện lên. Bên kia đường, nghĩa trang của những người khai phá ra vùng đất này, đúng ra là cướp đất của người Da Đỏ vài trăm năm trước, Multnomah County Pioneer Cemetery.
.
.
.
.
.
.
Ngồi trong Starbuck, bên góc đường đối diện, tôi nhớ lại câu nói ngày hôm qua khi chở người bạn đi ngang qua cái nhà tôi đã làm chủ hoàn toàn:
_ Nhà này cái gì cũng gần, Thư Viện chỉ hai khúc đường, bên kia gần ngay nghĩa trang, xéo góc là Starbuck rồi khu Walmart  …. Qua con dốc bên trên là trạm xe điện đi vào trung tâm thành phố, với bãi đậu xe hơi đầy đủ. Ở đây, chung quanh đều có thể đi bộ được hết hay đạp xe. Đường 82 có xe bus chạy thẳng vào phi trường Quốc tế cuối đường 82 về hướng Bắc, cuối hướng Nam là trung tâm shopping center, Town Center.
Hôm nay, ngày chủ nhật, vừa từ downtown trở ra góc đường sau khi trả người bạn xuống nhà ga xe lửa thành phố, Union Station,  lại nhớ bài hát có câu: Ga Lyon đèn vàng, nhìn em anh khẽ nói ...
.
Có tiếng điện thoại, Heo gọi:
_  Anh đã thấy có gì chưa?
_ Có cái gì, nghĩa là sao?, cái lối nói chuyện không đầu đuôi, cứ tưởng ai cũng có cùng bộ óc vừa đang suy nghĩ y như mình.
_  Đã nhìn thấy Nhật Thực, eclipse chưa, ở chỗ em chẳng thấy gì.
.
Tôi buồn cười, nhìn qua bên nghỉa trang, mặt trời nếu có sau bầu trời nhiều mây xám ảm đạm, thì đã vòng qua sau đầu tôi, đâu thấy gì:
_ Trời u ám đầy mây xám, có thấy mặt trời đâu, sao mà thấy được nhật thực.
_ Lần trước anh có thấy không?
Tôi ngẫm nghĩ nhớ lại, thời gian đó hãng xe hơi Mitsubishi ra một loại xe sport nhỏ, mang tên Esclipe trước đó vài năm:
_ À, lúc đó khoảng năm 1994, anh chẳng nhớ lúc đó ra sao hết.
Bên kia Heo dẫn giải:
_ Không phải chỗ nào trên nước Mỹ đều thấy, chỉ có nửa xứ Mỹ bên miền Tây mới nhìn thấy nhật thực thôi.
_ Thôi em chịu khó ra tìm mặt trời mà ngóng đi, chừng nào thì hết còn nhật thực vậy ..
.
.
Nhà tôi có, gần mọi thứ cần thiết, chỉ cần đi bộ hay đạp xe chung quanh. Công viên ở cuối block có sân basket, có sân quần vượt, mấy ngưòi Việt hay đánh banh ở đó, bên kia đường gần trường Tiểu Học, cũng mới làm xong cái công viên nhỏ, có nửa sân chơi basketball với mái che, gần thư viện … và ngạc nhiên hơn, tới hôm qua tôi mới để ý, nhà tôi cũng rất gần nghĩa trang. Không nhìn thấy được từ nhà, nhưng chỉ quanh hai khúc đường mà thôi. Phía sau nhà, ngửa lên nhìn trời về hướng tây là có thể nhìn thấy khu đại học Y Khoa Nhà Thương trên núi, mấy cái đèn đỏ của các tháp phát tuyến TV dọc khu đồi núi cao.
Ngó chéo qua hướng Đông Nam trên lầu cao, nhìn về đỉnh núi Mount Scott kế bên kia đường freeway là nhà giầu của Tô minh Kiêm, nhà trên núi nhìn xuống, chỉ thấy lờ mờ bóng thôi chứ khó nhận ra được cái nhà nào chính xác. Nhìn qua đông nữa là đỉnh núi tuyết Mount Hood chỉ hiện lên trong những ngày nắng, tuy nhiên, giờ hết thấy vì rặng tre khu nhà đối diện, rặng thông khu nhà đối diện, qua 13 năm, các ngọn cây này đã lên qúa cao che mất hết ngọn núi tuyết Mount Hood. Có lẽ leo thêm lên đứng trên đỉnh cao nóc nhà thì có thể thấy.
.

Tự nhiên, sau hơn 13 năm, từ ngày mua cái nhà để bỏ không, ngày hôm qua tôi mới nhận ra, cái nhà tôi có đó, gần tất cả mọi thứ, kể thêm cả nghĩa trang nữa. Cuối xuống nhìn màn hình cái Lap Top. Tôi phải viết ghi lại chuyện có nhà gần nghĩa trang này, và ngày hôm nay cũng là ngày có nhật thực ở miền Tây nước Mỹ. Còn từ nhà tôi đang ở đi dến cái nghĩa trang cổ kính trên hai trăm năm bên kia đường, nếu đi bộ thì khá xa phải bốn cây số rưỡi lận .. nói chung là khá xa. Tuy nhiên, nó vẫn là cái nghĩa trang, công viên của người chết, gần nhà nhất, vì không có mấy nghĩa trang nằm trong thành phố.
.
Thỉnh thoảng ngừng đợi đèn đỏ, tôi thường nhìn vào, vài mô bia đá đen thui, nhỏ nhô lên đất, thỉnh thoảng vài mái lều tạm kéo lên cao, máy đang đào huyệt mộ mới. Hay một đống hoa đã phủ lên, một đám tang vừa xong, mọi người đã ra về trừ người nằm lại, có khi một loạt cờ Hoa Kỳ nhỏ được cắm hay bông để trên từng bia đá, một vài bia mộ cũ trên vài trăm năm nhô lên, còn thì những bia mới hơn nằm sát mặt đất lẫn vào cỏ, nhìn nhanh không biết đó là cư xá của những người chết, mà chỉ là một công viên xanh mát, vài con đường sỏi đá ngang dọc, không cần cổng, mọi người tôn trọng người chết. Đến mùa thu, mưa nhẹ ảm đạm, lá vàng đủ mầu sắc từ từ khoe sắc để rơi sau, đủ loại maple vàng đỏ, hiện rực lên bên mầu xanh lá cây thông đậm quanh năm.
.
Bây giờ sực nhớ, lại sắp đến cuối tháng 5, Memorial Day, ngày lễ tưởng niệm những người qúa cố sắp đến, ngày đầu tuần thứ hai vào cuối tháng 5 hàng năm, nếu để ý, sẽ nghe tiếng vang dội trên không của hai chiếc máy bay chiến đấu cơ F115, bay qua lễ tưởng niệm bên trên nghĩa trang Chiến Sĩ Quốc Gia trên đồi cao cũa núi Mount Scott, hi hi, cũng không xa nhà Tô minh Kiêm là mấy, nhưng phải lái xe, không đi bộ nổi, lại thêm một tên KT có nhà không xa nghĩa trang.
.
.
.
.
.
.
Tôi chưa hề bước qua bên kia đường vào nghĩa trang đó, bên con đường thương mại lớn 82, dập dìu xe qua lại, kế bên, ngày xưa có nhà Pizza Organ, bán bánh, bên trong có dàn đàn Organ làm rất to nguyên nhà, ăn pizza nhìn và nghe trình diễn nhạc rất vui với những ống hơi mở nắp phập phập phát ra tiếng đàn … bây giờ không còn, trên 35 năm về trước thấy rất vui, và lạ của những ngày đầu tiên vào đất Mỹ.
.
.
Tôi lại nhớ được người nhờ chở vào nghĩa trang Mạc đĩnh Chi cho Nga than khóc cho một người bị nằm xuống trên chuyến bay Boeing của Hàng Không Việt Nam bị nổ tung ở Phan Rang. Khi đi vòng quanh, bất nhờ nhìn thấy hình ai quen quen đang cười, thằng bạn, học  chung ở Nguyễn bá Tòng, Thiếu Úy Lê tấn Quan, Địa phương Quân, tử trận ở Chương Thiện, chắc là ba bẩy hai mươi mốt ngày sau khi ra khỏi Thủ Đức. Gần đó không xa, thấy ngôi mộ sáng tạo rất đẹp nhiều ý nghĩa và hiện đại làm bắt mắt tôi.
.
Lại gần, trên mộ, KTS Trang sĩ Nghiệp, anh ta chưa tốt nghiệp KTS, nhưng trên bia ghi như vậy. Nghe nói, anh KTS Quỳnh Thuyên sáng tạo mộ này. Mấy chục năm sau, tôi bước vòng quanh công viên Lê văn Tám, nhìn người ta ôm ấp nhau qua gốc cây vì thiếu nơi làm chuyện đó, bên những lối đi, người ta hối hả bước hay chạy chậm tập thể dục, người chết hai lần mộ bia nát tan. Lại nhớ nhà của Ngô quang Tuấn ngày xưa, ở phía sau, đối diện bên kia đường nghĩa trang MĐC, nhà thằng này sát ngay, gần nghĩa địa nhất và gần tất cả mọi thứ, chỉ cần đi bộ.
.
Lẩn thẩn ghi lại vài giòng, ngày có nhật thực 20 tháng 5, 2012, nhưng không nhìn thấy gì hết chỉ thấy những hàng cây đầy sức sống của nghĩa trang bên kia đường qua khung của kính, storefront, chắc của hãng Kawneer, méo mó nghề nghiệp KTS ở đây một chút, khung cửa ra vào, tôi mỉm cười, đúng luật ADA cho người tàn tật, dưới đáy cửa ra vào phải có tối thiểu cao 12”, gần 30 cm phần khung trước khi gắn kiếng cho bánh xe lăn đụng vào khung cửa để không chạm kiếng.
.
.
Tôi lại mỉm cười, xứ giầu có an toàn qúa, người tàn tật thoải mái lăn xe từ đây qua ngã tư đầy xe bao giờ cũng ngừng ngay lằn trắng ở đèn đỏ tôn trọng luật giao thông, qua đường lăn xe lên xe bus ra phi trường quốc tế, bay về thiên đường hay về khung trời chiến tranh VN ngày nào, hay lăn xe qua bên kia đường, lăn vào nghĩa trang Pioneer mà không bị trở ngại nào. Người sống và người chết, chuyển giao thế giới với nhau đúng luật ADA của chính phủ liên bang, với đầy đủ luật lệ xây cất làm đường và giao thông cho người tàn tật mà không vấp váp một thay đổi chiều cao trên mặt đường nào cao hơn 2cm. À mới nhận ra, mới nhớ ra, đối diện nghĩa trang là một trụ sở mua máu tươi của người sống nữa, nhà lịch sự đẹp qúa nên đi qua nhanh sẽ không biết đó là nơi mua máu người sống. Lần sau người bạn đó đến, tôi chở qua đây, sẽ nói thêm:
_  Anh mới nhớ ra, nhà anh có, ở đường 76, còn gần một thứ nữa ngoài nghĩa trang, là gần nơi bán máu nữa, anh thấy họ ngồi chờ bán máu qua khung cửa kiếng trên hàng ghế êm ả lịch sự, không biết một lần bán máu được bao nhiêu?
.
.
ztd82-holgate.jpg
.
.

.
Ngã tư, 82 và Holgate, rất bận bịu, nhiều khi đèn đỏ phải đợi tới hai đèn mới quẹo được, có khi xe đậu dài từ 82 ngược xuống tới 76 đầu nhà tôi, có đủ hết từ thư viện, nghĩa trang, mua bán máu tươi, Starbuck, Chinese Hong Kong buffet, tiệm bán thực phảm Á Đông nhỏ, Sandwitch Subway, nhà bank, hotel, có điếm đứng góc đường, hình như cả mấy đứa bán ma túy, bây giờ bị dẹp hết, tuy nhiên cũng có khi nhìn thấy có ả thiếu quần áo hở hang sexy  tiệm trả tiền của công ty điện, hai nơi bán thay bánh xe hơi, hình như gần đó còn có tiệm ở truồng, múa sexy ở truồng nữa, tiệm bán rượu của tiểu bang … và nhà thờ cũng không xa, tiệm ăn VN cũng gần đó, tất cả đều có trên đường 82. Tất cả đều đúng luật  ADA cho người tàn tật lăn xe đi đến được mọi chỗ. Walmart đang làm ăn khấm khá nên đang sửa nới rộng ra, à gần đó còn có nhà tập thể dục to lớn nữa  … còn ít tiền thì Dollar Tree, tiệm bán đồ mọi thứ chì một dollar, bãi đậu xe lúc nào cũng kín, bên trong là nơi đồ China kiếm tiền về cho Trung Cộng. Quên nữa, nơi tiểu bang tôi ở mua bán cái gì cũng không có lấy thuế, nên rất rẻ. kể cả vô nghĩa địa trả tiền đất cát cũng không có thuế.
.
Ngã tư này, chỉ còn thiếu cái trạm xăng.
.
.
.
.
.

.
.
Ôi cuối cùng cũng vào nghĩa trang thôi, chắc cũng không rẻ đâu, lại tốn đất. thôi cứ hỏa thiêu là xong, đốt ra tro là xong. Ngày chủ nhật, nhật thực và nghĩa trang, bên ly cà phê của Starbuck, nơi bóc lột nhân công của các xứ nghèo khó.
.
.
ztd-laboi-bldgs.jpg
.
.

duongtiden, duongtiman, chuyen nghia trang .
.

Wednesday, May 16, 2012

Lâu không viết bài về Kiến Trúc, để lấy hứng, hôm qua nhân nhận được Metal Magazine, Idea Book, thấy có cái Bảo Tàng Thiếu Nhi này khá vui, vẽ cong cong quẹo quẹo vối mái kim lọai ...

.
.

.

.
Lâu không viết bài về Kiến Trúc, để lấy hứng, hôm qua nhân nhận được Metal Magazine, Idea Book, thấy có cái Bảo Tàng Thiếu Nhi này khá vui, vẽ cong cong quẹo quẹo vối mái kim lọai ...
.
.
.
ztdchildmuseum.jpg
.
.
.
ztdchildmuseum.jpg
.
.
.
.
ztdchildmuseum.jpg
.
.
.z-park-fun-bldg-clr.jpg
.
.
nhớ có cái sáng tạo vui vui ở trên khi đi Tampa dự ĐHKT4 bốn năm trước.
.
.

.
study architecture. design idea, architectural idea ....
.
.

.

Thursday, May 3, 2012

Bài 10: Chiến trường An Lộc mùa hè năm 1972, đến hồi kết thúc, by duongtiden.

.
.


.
.
Bài 10: Chiến trường An Lộc mùa hè năm 1972, đến hồi kết thúc, by duongtiden.
.
.
.
Cuối tháng 6, 1972 sau hơn hai tháng An Lộc bị bao vây, Lữ Đoàn 1 Nhầy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt cách Dù đã rút ra để sau đó chuyển ngay ra chiến trường Quảng Trị để tiến công tái chiếm cổ thành tại thị xã này. Giữa tháng 6, sau cuộc bắt tay từ nam lên, từ bắc xuống của hai đại đội Nhẩy Dù, một từ ngoài vào, một từ trong hàng phòng thủ tiến ra, vài ngàn dân trong thị xã gồm hầu hết phụ nữ, trẻ em, người gìa cả, ốm đói suốt hai tháng bị bao vây đã lên đường tiến ra QL 13 xuôi nam về Chơn Thành, sau nhiều tổn thất nặng do VC chận phá, bắt bớt người, cuối cùng đoàn dân tị nạn thảm thương này cũng về đến bên VNCH, tuy nhiên một số không nhỏ đã nằm xuống vì đạn pháo của VC và kiệt sức, được VC giải phóng ra khỏi kiếp người.
.
.
.
.
.
Hầu hết lực lượng của SĐ 5 trấn giữ An Lộc từ trước và trong suốt thời gian thị xã bị bao vây đã được rút ra, thay quân bằng SĐ 18. Còn bộ chỉ huy của Tướng Hưng, lúc này đã được lên một chức từ Đại Tá, cấp bậc trong những ngày đầu tử thủ An Lộc, còn nằm lại điều khiển chiến trường và chuẩn bị đón TT Nguyễn văn Thiệu lên thăm thị xã để chính thức cho thấy đại quân VC đã thảm bại khi đã bao vây tiến đánh An Lộc trên hai tháng trời không thành công. Chuẩn Tướng Hưng đã có quân phục mới thẳng nếp, ngôi sao mới, quân phục đẹp nhất trong các hình chụp chung với các cấp lãnh đạo VNCH cao cấp. Tóc hớt cao, mặt trắng trẻo vì ở lâu trong hầm, Tướng Hưng tươi cười hướng dẫn phái đoàn quan sát sự điêu tàn của thị xã An Lộc. Nhất tướng công thành, vạn cốt khô của bên VC ngoài xa và cả trong thị xã An Lộc gần như bị san bằng với nhiều ngàn quân và dân thị xã đã nằm xuống, quyết chí tử thủ chứ không đầu hàng.
.
.
.
.
.
.
Sư đoàn 1 Không Kỵ của quân đội Hoa Kỳ, lực lượng chính yiểm trợ không chiến và tiếp liệu cho thị xã An Lộc, với những máy bay trực thăng mới nhất cho chiến trường, những phi công gan lì, đã được huấn luyện kỹ càng, thêm nhiều kinh nghiệm chiến trường đã đưa phái đoàn của TT Nguyễn văn Thiệu vào An Lộc trong bí mật được chuẩn bị rất kỹ. Không thấy nói chính xác cách họ đổ xuống như thế nào từ đâu, nhưng có lẽ có các phị vụ trực thăng lên xuống bãi đáp B15 đầu tỉnh như thường lệ, chuyện này không có gì khác lạ đối với VC, vì nơi đáp là QL 13, nằm giữa hai rừng cao su bên hướng Tây che mặt Xa Cam hay xã Thanh Bình, bên hướng đông che mặt đông từ đồi Gió tới, nên khi thấy tiếng động và quan sát thấy trực thăng từ mây cao đổ xuống, thì pháo binh VC chỉ bắn cầm chừng vào khoảng đáp này chứ khó điều chỉnh cho chính xác vì không quan sát rõ ràng từng vị trí các chiếc trực thăng đuợc từ xa.
.
.
Ngày 7 tháng 7, sau các chuyến lên xuống thường lệ của trực thăng tại bãi đáp B15 ngoài phạm vi thị xã để cho pháo binh VC chú ý đến đó, thì một vài trực thăng của SĐ 1 Không Kỵ Hoa Kỳ từ trên cao bất thần đổ xuống Sân Vận Động ngay kế bên Tòa Hành Chánh Bình Long nơi đặt hầm phòng thủ của Tướng Hưng trong suốt cuộc bao vây. Sau đó với xe Jeep, TT Thiệu đã được đi một vòng quan sát thị xã và thắp nhang tại Nghĩa Trang của Biệt cách Dù 81, ngay bên cạnh một nhà lồng chợ mới An Lộc.
.
.
ztdal-thieu-hung-nhat.jpg
.



.
.
ztdal-hung-thieu-2.jpg
.
.

.
Cuộc thăm viếng, thị sát của TT Thiệu đã đánh đấu chính thức sự thất bại của đại quân VC không dứt điểm đuợc thị xã An Lộc, và TT VNCH đẵ đến được nơi này bình an, chính thức coi như thị xã vẫn đứng vững trong lãnh thổ của VNCH. Sau đó các trực thăng của SĐ 1 Không Kỵ lại từ trên cao bất ngờ đáp xuống, bốc phái đoàn cao cấp nhất VNCH trở về bộ chỉ huy của SĐ 5 tại Lai Khê, sau đó có bữa picnic khoản đãi sự hy sinh của đơn vị SĐ 1 Không Kỵ Hoa Kỳ này tại đây. Vào buổi tối cùng ngày, trên chương trình của Đài Truyền Hình, cả nước đã nhìn thấy những hình ảnh kiêu hùng của An Lộc, thấy sự hy sinh nặng nề của quân dân An Lộc, vẫn đứng vững trong cuộc bao vây trên hai tháng trời của đại quân VC. Đây là một chiến thắng về tâm lý chung của toàn lãnh thổ VNCH, làm cho VC bối rối bực mình trong chuyện không ra mắt được thủ đô của MTGPMN là chánh phủ bù nhìn của Bắc Việt, VC dựng lên trong miền Nam.
.
.
ztdal_corley-07-1.jpg
.
.
.
Từ tin tức TT Thiệu đã vào An Lộc thị sát, tưởng thưởng binh sĩ, tuy nhiên những hình ảnh chụp chung với binh sĩ thì lại là các đơn vị của SĐ 18 vừa vào thay thế, chứ không phải các chiến sĩ tiều tụy gần kiệt sức của SĐ 5 và Tiểu Khu Bình Long. Chuyến thăm viếng bất ngờ này của TT Thiệu nằm ngoài vòng dự tính của quân VC, vẫn còn đang kiểm soát bầu trời An Lộc bằng phòng không và đại pháo đủ loại, sự bất ngờ để thoát dịp cho TT VNCH vào An Lộc đi quan sát thị xã làm VC mất mặt quá, nên chiến trường An Lộc lại được VC chú ý hơn nữa, bám sát quan sát kỹ những chuyến thị sát sau đó đi vào An Lộc  hơn của bộ chỉ huy quân đội Việt Mỹ.
.
.
ztdal-thieu-bcd.jpg
.
.
z-td-anloc-nvt.jpg
.
.
.
Cuộc viếng thăm của TT Thiệu vào ra an toàn gây chú ý cho tiền sát viên pháo binh VC, họ được lịnh bám sát hơn nữa không bỏ lơ là các chuyến viếng thăm vào các ngày sau đó, sẽ có các phóng viên, truyền hình, mang hình ảnh đứng vững của An Lộc ra ngoài thế giới. Đúng như vậy, hai ngày sau chuyến thăm của TT Thiệu, ngày 9 tháng 7, chuyến đi vào An Lộc của Chuẩn Tướng Richard Tallman, tham mưu trưởng cố vấn của Quân Đoàn 3, vừa nhậm chức trước đó ít lâu sau khi là cố vấn trưởng của SĐ 18 bộ binh VNCH, vào An Lộc thăm SĐ 18, khi trở ra thì bị pháo VC theo dõi từ trước, bắn trước khi trực thăng cất cánh tại bãi đáp, gây tử thương cho tướng Tallman, và hai sĩ quan cao Hoa Kỳ cấp tá tháp tùng. Tướng Tallman là vị tướng cuối cùng tử thương trên chiến trường VN. Pháo binh VC đã gây được chiến thắng to lớn sau cùng trên An Lộc là gây tử thương cho một tướng lãnh Hoa Kỳ mà lúc đó không hề biết.
.
.
.
.

.
BG Tallman, chuẩn tướng Richard Tallman, tướng Hoa Kỳ cuối cùng tử thương tại chiến trường VN
.
.
Không ngờ đây là một may mắn của pháo binh VC, tuy nhiên cũng là một sơ hở của bên Hoa Kỳ, không dự đoán là cuộc viếng thăm của TT Thiệu hai ngày trước đó đã làm cho VC mất mặt, gây chú ý cho pháo binh VC bám sát, quan sát kỹ sự lên xuống của trực thăng trong thị xã hơn. Ngoài ra, toán trực thăng này chắc chắn không đáp ngoài bãi B15, mà đáp ngay trại B15, nơi cao khá trống trải bị quan sát dễ dàng từ ngoài xa, đáp ở đây thì ngay trong thị xã không phải di chuyển xa. Cỏ lẽ trực thăng vẫn nằm tại chỗ chờ đón ông tướng này đi ra, hay là khi đáp xuống đã bị pháo VC rình rập chờ sẵn. Nói chung là cái xui của tướng Tallman và là cái may mắn của pháo binh VC, không chiếm được thị xã An Lộc, diệt được Chuần Tướng Hưng, nhưng cuối cùng may mắn gây tử thương cho Chuẩn Tướng Mỹ Tallman. Tin tức này hoàn toàn được giữ kín khi đó, chỉ biết Tướng Mỹ này tử thương trên chiến trường VN vì tai nạn trực thăng, chứ không nói rõ ở đâu.
.
.
.
.
.
Sau đó thì các cuộc viếng thăm An Lộc của các cấp chỉ huy cao cấp Mỹ, vì tò mò hay vì lý do khác, được an toàn diễn ra, có lẽ vì họ thay đổi chiến thuật, cẩn thận hơn, như Tướng Hollingsworth, cố vấn Quân Đoàn 3, ra vào nhiều lần với các nhân vật cao cấp mà không sao. Trong các bài viết về An Lộc trên Net, tôi có đọc những đoạn, có Sĩ Quan cao cấp không quân VNCH than phiền là có sự thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và VC, các trực thăng Hoa Kỳ sơn trắng dưới đáy để VC không bắn, họ vào ra tiếp tế thực phẩm cho các cố vấn Mỹ mà không sao? nếu biết vậy thì tại sao các sĩ quan cao cấp không quân VNCH không sơn trắng các trực thăng, hay sơn trắng mũ bay của mình đi. Sự thật ở đây cho thấy trong chiến trường này, không có tướng VNCH nào hy sinh trên mặt trận mà chỉ có tướng Tallman hy sinh khi đi trực thăng vào An Lộc, ngoài ra trên 50 nhân viên phi hành, phi công Mỹ tử thương trên An Lộc. Như vậy tỷ lệ thiệt hại nhân mạng của không quân Hoa Kỳ là cao nhất so sánh với toàn thể các đơn vị VNCH tham chiến. Chưa kể vào ngay ngày đầu trận Lộc Ninh, một trung tá cố vấn trưởng Hoa Kỳ tự sát sau khi bị thương nặng và các sĩ quan cố vấn khác cũng tử thương hay bị bắt sống, sau này mới được trao đổi sau hiệp địng Paris.
.
.
.
.
.
.
Đây là vài dòng, trích từ bài của một phóng viên Không Quân vào An Lộc:
.

- Tất cả các trực thăng tiếp tế cũng như tản thương của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà đều không thể đáp xuống mặt trận An Lộc trong thời gian cuộc chiến đang sôi động . Dư luận của các cố vấn Mỹ cho là phi công Việt Nam Cộng Hoà nhát gan, sợ phòng không địch nên không muốn đáp xuống trận địa. Trong lúc đó thì phi cơ trực thăng tiếp tế của Hoa Kỳ vẫn đáp lên xuống đều đặn, đem đồ tiếp tế cho các cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Tiểu Khu Bình Long, không chiếc nào bị phòng không Cộng Sản Bắc Việt ngăn cản.
- Theo lời tường thuật của Thiếu Tá Nguyễn Văn Ức đại diện Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, đích thân quan sát, đàm thoại và chứng kiến tận mắt, , cho biết : Sở dĩ trực thăng Mỹ được ra vào An Lộc một cách an toàn, là vì phía dưới luờn của trực thăng Mỹ và các mũ phi hành của tất cả phi hành đoàn, đều có sơn màu trắng, thay vì màu olive như các đơn vị Trực Thăng tác chiến của Việt Nam Cộng Hoà.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là, phía đồng minh Hoa Kỳ có đường giây bí mật nào liên lạc với địch quân , để nhận được một thoả hiệp như thế hay không?
.
.
 

.
ztdal-tructhang1.jpg
.
Tôi khi còn ở VN, chưa hề thấy trực thăng bộ binh, không kỵ Hoa Kỳ sơn trực thăng hai mầu, olive và trắng bên dưới, chì thấy nguyên trực thăng mầu trắng hay xám nhạt, thường là của Air America, CIA của Hoa Kỳ, bay các phi vụ gián điệp lẻ loi.
.

.
.
Còn nhìn sơn trắng dưới đáy trực thăng Mỹ mà bắn hay không bắn, thì ai từng cầm súng, nhìn lên trời chói sáng, nghe tiến trực thăng đến vù vù, có thể cùng với đại liên và hỏa tiễn bắn xuống thì ở đó có thời giờ phân biệt chiếc trực thăng có sơn trắng bên dưới hay không? còn nhìn được mũ bay trắng và chân dung phi công thì có lẽ thấy tử thần dễ hơn. Tại sao VC không bắn những trực thăng lẻ tẻ mà pháo ngay trực thăng của tướng Tallman khi ông này trở ra sửa soạn cất cánh khỏi An Lộc. Chẳng qua là VC ngáp trúng ruồi, còn tử trên trời cao, máy bay phóng qua chì vài giây, ở đó mà phân biệt được chiếc nào là ruồi cái, chiếc nào là ruồi đực, đều bị bắn hết. Chẳng qua, máy bay Mỹ, sĩ quan Mỹ, họ học bay từ Mỹ, dĩ nhiên tiếng Mỹ là tiếng mẹ đẻ bay giỏi hơn, trình độ sĩ quan Mỹ phải tốt nghiệp đại học, máy bay họ được bảo trì tốt hơn, bay giỏi hơn, và họ là bậc thầy dậy bay cho các phi công VNCH, cho nên tỷ lệ họ bị bắn hạ dĩ nhiên ít hơn, vì số máy bay tham dự của họ có thể ít hơn, hay chính họ có nhiều chiến thuật, kỹ thuật khác lạ hơn. Dẫu sao chính họ phát minh ra trực thăng, bay giỏi hơn, có chiến thuật rồi mới truyền lại cho học trò VN, có giới hạn về tiếng Mỹ, giới hạn về bảo trì, thì VN cứ than là thiệt hại của mình cao hơn, hay VC có thỏa thuận không bắn vào trực thăng Mỹ. Thấy thiệt khôi hài, cái chết của tướng Tallman là bằng chứng trả lời cho chuyện bịa đặt Mỹ và VC có thỏa thuận trước này.
.
.ztdalF-4Ds-tanking-Vietnam.jpg
.
Các chiến đấu cơ Hoa Kỳ thường sơn trắng mặt dưới để ngụy trang lẫn vào mây khi không chiến .
.

.
.
Các máy bay của không lực Mỹ thường sơn trắng bên dưới, khi nhìn từ dưới lên, máy bay sẽ lẫn với mây trắng đó là yếu tố ngụy trang, từ trên xuống thì họ sơn mầu ngụy trang lá cây để nhìn từ trên xuống thì lẫn với cây rừng. Còn trực thăng thì có khi sơn cả máy bay mầu xám hay trắng nhạt, dùng cho các chuyến tải thương hay phi vụ đạc biệt, còn đa số trực thăng Mỹ đều sơn xanh Olive đậm toàn thân y như những trực thăng chuyển giao cho không lực VNCH. Còn pháo thủ cao xạ bắn trực thăng, thì nguyên tắc phải bắn từ xa, bắn chận đầu, nên lúc đó khó mà thấy hay phân biệt được mấu trắng dưới dáy vì rất nhỏ, lại từ xa, thường thì thấy ngang hông trực thăng là nhiều nhất, lúc đó là khai hỏa bắn chận đầu rồi, ít khi đợi trực thăng đến ngay đỉnh đầu mới bắn. nên chuyện quan sát được mầu trắng trực thăng Mỹ để không bắn, cho nên phi công Mỹ vào An Lộc dễ hơn phi công VN, chuyện khó tin. Ngoài ra các trực thăng chiến đấu Cobra Mỹ cũng bắn hỏa tiễn hạ rất nhiều tăng VC, như vậy không lẽ VC chịu chết, tránh bắn trực thăng Mỹ. Chiến trường mà có chuyện này. Chưa kể số sĩ quan phi công Mỹ bị hy sinh không nhỏ, nếu so với số lượng của phi công VN tham chiến trong trận An Lộc. Chưa kể lúc đó, Mỹ đang dội bom miền Bắc của VC để trả đũa các trận tiến xâm chiếm ở Miền Nam, kéo dài tới tận tháng 12, 1972, dội B52 vào tận Hải Phòng và Hà Nội.
.
.
ztdal-b52-1.jpg
.
.
.
ztdal-b52-1.jpg
.
.
.
.
Nói chung là như vậy, nói riêng có thể vài cá nhân phi công VNCH bay giỏi hơn phi công Mỹ, nhưng đừng nói ai không sợ chết, ai cũng sợ chết hết, nhưng ai can đảm hơn rời bỏ xứ Mỹ an lành đi nửa vòng trái đất để chết trên cái xứ VN, có ai từ chối không bay vào An Lộc không. Thành ra ông sĩ quan không quân VNCH nào, phi công nào đặt ra chuyện trên là điều lố bịch. Có nhiều phi công Mỹ chết mất xác, mà nhiều năm sau này mới tìm ra. Còn dĩ nhiên ở miền Nam, đầy người trốn lính, con ông cháu cha lính kiểng, chạy tiền không dám chiến đấu. Dĩ nhiên không phải sĩ quan Mỹ nào cũng can đảm, toán cố vấn Mỹ do một Trung Tá Mỹ cầm đầu đã từ chối theo Trung Đoàn 8 / SĐ5 vào An Lộc những ngày 10, 11 tháng 4 … vì sợ chết. Đó là toán cố vấn nhát gan nhất không dám tham dự trận chiến An Lộc. Trong suốt trận bao vây An Lộc sau Lộc Ninh, không có một cố vấn Mỹ nào tử trận.
.
.
ztdal-bcdu.jpg
.
An Lộc đứng vững được nhờ những chiến sĩ vô danh như các BCD trên.
.
.
Còn thiệt hại bên hàng ngũ chỉ huy cao cấp của VC ra sao ? chuyện này không bàn, vì VC không có tư cách … miển sao chiến thắng là được, lính tráng, sĩ quan không đeo lon lá, không đeo tên, phải dùng bí danh, dấu tên thật như mèo dấu cứt, không quân số, ngay cái tên đảng CS cũng phải đổi thành Lao Động cho khỏi có mùi CS, để lừa bịp ai ngây thơ thì chuyện gian manh láu cá, gian xảo là cách hành xử chung của CS, của VC nên không so sánh chuyện này. Quân VNCH và Hoa Kỳ theo đúng hiệp định quốc tế Geneve, có số quân, có quân phục, đeo tên, đeo lon lá chức vụ khi tham chiến, giống như truyện Tầu Tam Quốc Chí, tướng lãnh nói chuyện chào nhau trước khi tham chiến, không cần hèn hạ gian manh đá cá lăn dưa. Ai tử trận thì đều loan báo cho dù chức vụ cao tới đâu, gia đình làm lễ an tang công khai với lễ nghi có hình ảnh, đăng cáo phó trên báo chí tự do, phân ưu được thông báo đầy đủ, không cần phải dấu diếm. Hai cách hành sự khác nhau dựa trên hai nền tảng đạo đức khác nhau nên không bàn, không cần bàn thêm giữa thủ đoạn của VC, của các xứ CS (hay chỉ có VC, không dám đeo lon cấp bậc và xưng tên tuổi thật) và cách hành xử của các xứ Dân Chủ.
.
.
.
ztdal-nhat-luong-covanmy.jpg
.
.
.
.

.
Kết luận của trận An Lộc, quân phòng thủ An Lộc đứng vững được là do tướng Hưng lên An Lộc với bộ chỉ huy SD 5 sau khi Lộc Ninh thất thủ, thay vì không vào An Lộc như SĐ 3 chạy khỏi Quảng Trị, do sự can đảm anh dũng của quân dân trú phòng, do sự anh dũng hy sinh của các lực lượng tiếp viện, và quan trọng nhất là do sự yiểm trợ tối đa và hy sinh cao của lực lượng không quân Việt Mỹ, nhất là phía Hoa Kỳ đã cung cấp mọi phương tiện kỹ thuật tiếp liệu cần thiết và không ngần ngày chịu sự hy sinh. Cho nên khi qua lần tấn công đầu năm 1975 để thăm dò của VC, khi thấy ngưởi Mỹ không trở lại chiến trường VN cho dù chỉ bằng không lực như B52 và tiếp liệu dồi dào thì VC tấn công thẳng luôn bằng các yiểm trợ tối đa của khối CS quốc tế đã tích lũy từ sau 72 tới 75. Trận tiến công sau cùng của VC chưa tới hai tháng, không so sánh được với trận An Lộc, VC đã xâm chiếm được trọn Miền Nam, Cộng Sản Quốc Tế đã cưỡng chiếm được được mảnh đất tự do, Miền Nam Việt Nam.
.
.
ztdal-anlockids-fight1-1.jpg
.
An Lộc đứng vững nhờ các chiến sĩ tí hon, con của các địa phương quân nghĩa quân Tiểu Khu Bình Long, không cấp bậc không lương, đi đôi giầy trận còn dư cả một mũi giầy.
.
.
An Lộc đứng vững sau trận chiến hè 72, tuy nhiên chỉ là một ốc đảo, tiếp liệu di chuyển vào chỉ bằng trực thăng, còn đường bộ thì VC vẫn đóng chốt không khai thông được. VC tuy thất bại vào năm 72, nhưng đã học được bài học rằng chiến trường sẽ được quyết định bằng không quân Hoa Kỳ, khi không có Hoa Kỳ nữa, sau hoà đàm Paris, coi như phía Hoa Kỳ đã bán đúng Miền Nam Việt Nam, họ đã lấy lại được tất cả tù binh, bắt tay thỏa thuận ngầm với Trung Cộng, chia đôi được khối CS quốc tế, không có sự đoàn kết Nga Sô – Trung Cộng nữa, thì lần lần Mỹ sẽ phá vỡ toàn chủ nghĩa CS quốc tế do Nga Xô cầm đầu. Chiến trường VN chỉ là một chiến trường qúa nhỏ bé trên chiến lược toàn cầu to lớn của Mỹ. Sau chiến thắng 75 ở VN, khối cộng sản quốc tế do Nga cầm đầu tiến lên chuẩn bị biến toàn Đông Nam Á thành CS, Nga phải chi viện lớn hơn cho chư hầu VC vừa chiến thắng toàn xứ VN, sau nhiều năm chi phí như vậy cho khối CS quốc tế, trong khi ngửa tay xin mua lúa mì của đối thủ Hoa Kỳ thì đến 1991, cộng sản Nga phải phá sản hết tiền và tự tan vỡ. Cuối cùng thì xứ Mỹ là xứ Mỹ, họ phục vụ quyền lợi người Mỹ trước, làm điều có lợi cho họ, Mỹ chỉ đến VN là vì có CS Nga xâm lấn nuôi dưỡng bành trướng chủ thuyết CS ở đây từ những năm 1920’s, nên khi Mỹ không cần phải có mặt tại VN nữa, ngay cả ở Phi Luật Tân, một thuộc địa cũ của Mỹ, mà họ cũng bỏ các căn cứ quân sự cuối cùng vào thập niên 1980’s, thì Hoa Kỳ không cần tốn tiền ở Miền Nam VN nữa. Việt Nam chỉ là một chiến trường cho Mỹ huấn luyện quân, tự do thử súng đạn vũ khí mới.
.
.
z-td-anloc-congchao-73-1.jpg
.
"người đứng trong hình cổng chào Bình Long anh dũng không phải là anh lính BĐQ đâu bạn duongtiden ạ.Chính xác là bạn Bùi Anh Tuấn dân gốc BL con ông Trưởng ấp Phú Bình năm chụp tấm hình là 1973 đương sự lúc đó là SQ phòng TQT /TKBL.Tôi chính là người đã scan tấm hình này nên biết rõ. "
.
.
Liên đoàn 5, 6 BĐQ lên phòng thủ giữ thị Xã An Lộc sau trận hè 72 vào những năm sau.
.
.
.
ztdal-volinh.jpg
.
Miền Nam Việt Nam có được tự do nhờ những người vợ lính, không cấp bậc không lương anh dũng cầm M72.
.
.
.
ztdal-nguoithuong.jpg
.
.
.
z-td-anloc-congchao-73-1.jpg
.


.
Chuyện đất nước VN, xứ sở VN, có định mệnh riêng của nó. Tôi viết về An Lộc là vì để cho An Lộc sống mãi trong lịch sử, cho những kỷ niệm gắn bó, một thời ấu thơ lớn lên có trí nhớ bắt đầu ở đây, An Lộc với một trời ấu thơ đầy kỷ niệm được giữ lại bằng các bài viết trong đây, xin giữ lại chút lịch sử trung thực hơn cho tất cả những ai có gắn bó đến mảnh đất nhỏ bé này, nơi rừng thiêng nước độc, của một góc trời xa vắng không xa Saigon là mấy, nhưng ít ai biết đến trước khi trận An Lộc xầy ra … Từ nơi rất xa An Lộc, viết cho những người nằm xuống:
An Lộc Địa, Sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân
.
.
Ngày 30 tháng 4, 2012. By Duongtiden
.
.
.
ztdal-levanhung.jpg
.
.
.
Có trên 10 mấy bài dài về An Lộc, Bình Long, nhấn vào tag: An Loc bên dưới, hay ngòai trang chính để tiện theo dõi, xin cám ơn.
.
.
Tiếp đến là những bài phụ lục của An Lộc với các chi tiết chưa từng được ai để tâm tới, lần lượt sẽ đưa lên với rất nhiều hình ảnh của An Lộc mà ít ai nhìn thấy trước đây.
.
duongiden, duongtiman, tran danh An Loc, An Loc battle, an loc anh dunh binh long kieu hung, an loc binh long .
.

Labels Loại Bài

Followers

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.