copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 24, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi ... một truyện dằi, bài thứ 9. By duongtiden.






.
Lính Mỹ đóng chốt trên quốc lộ 13 giữ an ninh, chiếc xe đò già Bình Long - Sàigòn chạy chậm chạp phía trước.
.
.
An Lộc, Bình Long và tôi. Một truyện dài … Bài thứ chín tiếp theo. By duongtiden.
.
  
.

 Ngày tháng đi qua sân trường tiểu học An Lộc, tôi học lớp nhất, theo chương trình của má, thì xong bằng tiểu học, tôi sẽ về học trung học tại Saigon, gĩa từ vùng đất đỏ, gĩa từ rừng cao su ngút ngàn, lá vàng rụng đầy vào mùa thu, trên cây đôi khi còn lủng lẳng những chiếc lá được kiến kết dính chùm lại làm tổ trên đó,còn dính lại trên cành không chịu rơi.
.
.
z-td-anloc-rungcaosu-fall.jpg picture by tddesign-1
.
nếu không có chiến tranh trong rừng cao su ... !!!, đây là một nơi rất lãng mạn. .. rất yên lặng.
.

.
Lớp nhất của tôi chỉ có chừng ba mươi mấy đứa, ngồi học hai dẫy bàn đóng dính ghế và bàn lại với nhau, trên mặt bàn khoét những lỗ hủng để cho bình mực vào đó. Bình mực lúc đó có loại không đổ được, làm bằng nhựa, bên trong có hình cái phễu dính từ cổ bình mực theo hình cái phễu thu nhỏ xuống dưới đáy bình, đổ mực thêm vào thì được, nhưng đổ ngược bình mực thì mực không chẩy ra, vì có vòng nhựa kín hình cái phễu đưa mực chầy xuống khu nắp bình, lại thành đáy bình mực, không chẩy ra ngoài, trừ khi lắc đủ chiều, thật mạnh thì mực mới văng ra. Còn cho bút ngòi sắt vào chấm dính mực thì được. Bình mực lại có tên “hondo” tức là hổng đổ, khi đổ khuôn bình có chữ hiệu này nổi ra bên hông. Khi đi học xách cạp táp, thì bình mực có vòng tròn nơi miệng, được móc ngón  tay cầm lủng lẳng bên ngoài, lỡ có làm bể bình thì không bị mực dính vô sách vở trong cặp.
.
.
.
z-td-anloc-hondo.jpg
.
.
.


Bây giờ không còn cảnh con nít cắp cặp đi học, tay cầm theo bình mực, đi bộ một chút, lại ngồi xuống chơi bắn bi chút, để lọ mực qua một bên, tới khi đi lại bỏ quên bình mực, khi không thấy, phải quay lại kiếm bình mực “hondo” này. Viết thì bằng cán cây hay cán nhựa, đầu gắn ngòi viết bầu, hay lá tre, mài chéo qua một bên để khi viết có lằn đứng nhỏ, lằn ngang to rộng ra cho có xì tin, kiểu cọ. Mực viết là mầu xanh hay mầu tím học trò, viết xong, mực còn ướt cho khỏi lem, cần tờ giấy thấm mầu hồng chậm lên trên, hút mực cho khô. Tập vở thì kẻ hai hàng đôi khi còn nhỏ tập viết chữ, lớn lên thì tập vở kẻ hàng năm lằn để viết chữa nhỏ, thông dụng nhất là vở Olympic có trái địa cầu với hình người bán thân cầm đuốc bên trên, rồi tập vở hiệu xích lô máy, có hình xe xích lô máy trên bìa, thường mặt sau là bản cửu chương, dùng làm toán khi chưa thuộc cửu chương. Tập vở được bao lại bằng giấy dầu mầu vàng úa nhạt, hay giấy mầu xanh tím đậm, rồi có dán nhãn in sẵn kẻ hàng đầu cuốn tập để ghi loại môn học, hay nhãn gọi là ê ti kết làm bằng tay, dán bằng hồ keo, hay bằng cơm nguội đè nát ra.
.
.
Viết ngòi sắt chấm mực là bạn đồng hành hàng ngày, trường cấm viết Bic nguyên tử, cấm luôn viết máy, vì còn nhỏ, phải tập viết bằng ngòi sắt chấm bình mực. Cây bút ngòi này còn là vũ khí cho con nít tụi tui khi oánh nhau, dùng để đâm vào tay đứa khác. Trong lớp, tui qua một màn đánh trúng đứa nào đó, nó cầm viết ngòi sắt đâm tui, trúng ngón tay cái, chẩy máu, luời biếng không chịu nặn máu ra và đi rửa tay, mực dính lại khi lành vết đâm, thành ra ngón tay, mặt bên trong, giờ vẫn có một vết xâm mực xanh dương mờ nhạt thời con nít An Lộc. Đôi khi quên, khi rửa tay cứ chà xà bông hoài cho bong vết xanh dơ này đi, té ra mới nhớ lại thời oánh nhau đâm chém bằng ngòi bút mực, để lại vết thương dính mực học trò thành vết xâm thời thơ ấu, mực xanh của An Lộc. Không nhớ thằng nào quá du côn du đãng dám đâm lủng ngón tay tui, không biết tui có đâm lại nó cái nào không. Sau này lớn lên, sau tết Mậu Thân, tôi dự khóa cứu thương khi đi Hướng Đạo, học cách rửa tay chà xà bông đánh bàn chải kỹ lưỡng, đưa hai bàn tay cao lên cho nước chẩy xuống cùi chỏ chờ khô, tôi mới để ý tới vết xâm ngòi bút này, vì rửa hoài không ra. Nhất là phải rửa tay thật kỹ khi đi thay băng vết thương cho con nít trong bệnh viện Nhi Đồng, khu ngoại thương của bác sĩ Trần xuân Ninh, bạn của anh Hùng, là anh hai của tui.
.
.
Lớp Nhất ở cái tỉnh nhỏ, ngày học tới hai buổi, trưa về ăn cơm, ngủ chút nếu muốn, rồi lại cắp sách đi học, trường lớp rộng rãi, ít học sinh, một thầy dậy chỉ có vài chục đứa. Tôi hông nhớ tên thầy dậy lớp Nhất tên gì nữa, chỉ nhớ, có một hôm, mấy thầy đi bộ từ trường qua toà hành chánh đối diện rồi vác về mỗi thầy một khẩu súng shotgun, với chùm đạn vỏ bao ngoài mầu đỏ cột dây thun thành một bó, để dựng ở góc lớp, hết giờ thì mang về nhà cất. Mấy thầy cũng phải lãnh súng đạn mang về nhà cất để phòng thủ thị xã.
.
.

Chuyến xe đò Bình Long - Saigon lần cuối cùng của tuổi thơ ..
.
.


Thỉnh thoảng thì tui được má dẫn theo, đi xe đò về SG chơi. Buổi sáng sớm, thường đi chuyến thứ nhì cho xe khỏi đụng mìn VC trên quốc lộ 13, hay bị đắp mô, thường chuyến đầu sáng sớm đi hay bị chuyện này. Tôi hay bị ói mửa khi đi xe đò vì ngộp không khí, nên thường là lấy ghế ngồi đầu ngay cạnh tài xế, tôi ngồi với má, sát cửa sổ để có thể mửa cho dễ và mở hé cửa cho gió lạnh vào mặt, được dễ chịu hơn. Thỉnh thoảng thì cũng phải ngừng xe đò chạy hay chạy chậm, để chờ xe thiết giáp đi mở đường, có khi nhìn thấy những mô chướng ngại vật được dẹp qua một bên, có khi đi qua nơi trận đánh vừa xẩy ra, mấy người lính ngồi rải rác hai bên đường ăn uống, còn thấy những vết cỏ tranh cao nằm xẹp xuống một bên với những vết máu, đó là đường rút lui của VC, họ kéo xác những người chết theo sau làm rạp cỏ tranh thành lằn dài. QL 13, con đường nhỏ, hai xe qua lại tránh nhau được, cây cao su trồng sát đường, cây cỏ cũng vậy, có khi cây rũ cả cành cây vô đường lộ. Có khi VC ra chặt vài cây cao su cho ngã vô đường cản xe di chuyển, như vậy là mọi người phải ngừng dọn dẹp, hay chờ xe lính đi tuần đến tháo dỡ nếu nghi có mìn bẫy.
.
.
3045221582_60d1035765_o.jpg picture by tddesign-1
.

.
Những phục kích nhỏ, đặt mìn thì có, nhưng chưa thấy những trận đánh lớn dọc đường 13, đoạn nguy hiểm nhất thường là gần khu Xa Cát, Xa Trạch đi gần về Chơn Thành. Có lần nghe kể, mấy ông sĩ quan thiết giáp trại đóng phía sau cư xá công chức của tôi, hay lấy xe jeep về SG chơi, thường thì mấy người với súng đạn ngồi trên xe cứ thế phóng vể SG rồi trở lại. Có lần xe bị phục kích, nghe nói ông sĩ quan bị bắn lủng ngực, người lính lái xe trúng đạn xước đầu, cứ thế chạy về tới tỉnh, thì xe bể bánh ủi vô hàng rào đầu tỉnh, nhưng mọi người trên xe đều sống sót.
.
.
Mùa hè, anh chị ở SG về đây chơi ít ngày, má thường lấy hẹn đi vô bịnh viện Quản Lợi để cho ông bác sĩ Pháp khám tổng quát cho mọi người. Khi về SG học đệ thất rồi, hè tôi vẫn về lại An Lộc chơi cả tháng. Cho đến 64, tôi vẫn đi về lại Bình Long, những khi có dịp nghỉ. Má thì về lại Bình Long ở, mang thằng em út tôi lên ở trên đó, thường thì má về SG thăm tụi tui mỗi tháng. Anh chị em tui ăn cơm tháng, thuê nhà ở trong hẻm đình Phú Thạnh 199/ …. đường Lê văn Duyệt, hẻm có lò Thái Cực Đạo của Đặng huy Đức trong đình Phú Thạnh, đi lòng vòng phía sau thì đi ra đường rầy xe lửa cuối chợ Vuờn Chuối đường Phan Thanh Giản, góc Nguyễn thượng Hiền, xéo góc bót cảnh sát quận Ba.
.
.
.
z-td-anloc-ql13.jpg picture by tddesign-1
.
.

Một lần, hình như là cuối năm 64 hay đầu năm 65, tôi về Bình Long chơi như mọi lần. Khi lên, xe đò đi qua đến khu Xa Trạch rồi, thì dọc đường, hàng cây cao su sát lộ bị chặt ngã ra đường quốc lộ 13. VC chận xe, họ chặt cây kéo ra cản QL, sau đó lùa xe chạy qua hàng cây cao su bên trong, treo cờ trên cây, tập họp mấy xe đò bị chận lại từ trước, bắt mọi người xuống xe, vô rừng cao su, làm lễ mít tinh, nghe tuyên truyền. Khi xe tôi phải ngừng phía sau, chờ theo lên rẽ vô hàng cây cao su bên trong dọc QL. Tôi nhìn thấy như vậy. Nhóm VC không đông lắm, vài chục người, họ mặc quần áo đen, áo xanh dương đậm, mầu thường mặc của công nhân đồn điền cao su. Tôi thấy một đứa nhỏ, cũng chừng tuổi tôi, nó cầm khẩu tiểu liên Thompson, đeo dây trên vai, thõng súng ngang hông, tì tay trên nòng súng, đứng trên một mô đất nhìn mọi người. Nó mặc áo xanh dương đậm, quần đen, thắt lưng áo bỏ trong quần, chân đi đôi bốt cao su cao tới bắp vế của mấy người cạo mủ. Tôi thấy kinh ngạc lắm, cứ nhìn đứa nhỏ VC hoài.
.
.
.

3045221588_8a6a5a2ef7_o.jpg picture by tddesign-1
.
cái xe đò này không phải là loại tôi hay đi, xe tôi đi nhỏ hơn, chạy tốc hành, đi nhanh, không ngừng lấy khách thêm, thường là khách đường dài, Bình Long-Saigon.
.
.

Má cũng nhìn thấy như vậy, bà kéo tui đang cố dòm qua cửa hông xe, từ từ kéo tui sát vô người, kéo tui gập đầu xuống đùi bà, tui không hiểu gì cả, má nói nhanh thật nhỏ: đừng để họ nhìn thấy, sẽ bắt con đi theo. Tôi chợt hiểu. Xe tôi còn nằm trên quốc lộ, chờ lăn bánh theo mấy xe trước rẽ vô hàng cây cao su bên trong. Má ấn tui ngồi xuống luôn dưới sàn xe, chùi hai đùi bà lên lưng tui, đè tui xuống dưới, móc túi xách lấy mền mỏng và áo khoác ra che lên đùi, phủ kín tui bên dưới, lấy dầu ra sức, bắt đầu ho sù sụ.
.
.
Lúc còn ngồi nhìn mấy xe trước ngừng lại rẽ vô rừng, thi toán VC đi dọc xe, đưa nón ra yêu cầu đồng bào cho tiền ủng hộ, họ vỗ tay vào thùng xe, yêu cầu mấy người xuống xe đi vô nghe tuyên truyền, tài xế, và mấy người gìa thì không xuống cứ ngồi yên trên xe, đậu bên ngoài đường đất giữa hàng cây cao su sát QL. Tôi chui dưới gầm xe, dưới ghế, tim đập thình thịch sợ lắm, họ đi tới sát xe đò tui ở bên dưới, đập tay vào thùng xe, cất tiếng mời bà con quyên tiền cho tặng phẩm ủng hộ cách mạng. Có tiếng cất lên: sao bà không xuống xe vô trong đó? . Má trả lời: tui đau chân trật mắc cá, lên xuống khó khăn, đang bịnh về SG đi nhà thương, để tui ủng hộ cho cách mạng. Má kéo túi mở ra lấy tiền. Tiếng người VC đi xa ra phía sau, tiếp tục đập tay vô thùng xe, dục mấy người ngồi trong xe phía sau xuống xe, vô dự mít tinh. Tui sợ lắm, không thấy gì hơn là cố thu người thật nhỏ dưới sàn xe cho biết mất đi nếu được.
.
.
z-td-anloc-rungcaosu.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

Trong xe cũng còn mấy người già không xuống xe, họ nói chuyện nhỏ phía sau. Ông tài xế ngồi bên cạnh, cũng nói nhỏ: ráng đi, chừng chút nữa là họ cho đi, không dám chận lâu đâu, cốt ý chỉ thu tiền bạc thôi, sợ tụ lâu lính kéo tới là đụng to. Không biết ông ta có thấy là má dấu tui dưới sàn xe không. Trên xe có mấy đứa nhỏ xíu nữa, có tiếng khóc, mấy người có con nhỏ, họ cũng không xuống xe đi vô trong, mà ngồi lại với mấy đứa nhỏ. Ông tài xế xe đò này cũng biết má con tui, vì buổi sáng sớm ông ta ghé ngang qua cư xá đón. Khi về SG, má con tui không ra bến xe đò, mà khi xe đi ra đầu tỉnh thì ghé ngang nhà đón, vì đã dặn lấy trước chỗ ngồi bên cạnh tài xế. Khi lên cũng vậy, xe tạt qua nhà cho má con tui xuống ngay trước cửa.
.
.
3045221588_8a6a5a2ef7_o.jpg picture by tddesign-1
.
bến xe đò chợ Mới, phía sau là hường quốc lộ 13, rẽ vào đường Hùng Vương, bên kia đường là Chợ Mới. Tôi không đi lên xe ở đây, mà xe chạy ngang qua nhà đón đi hay thả về.
.
.
Không biết bao lâu thì xe nổ máy lăn bánh tới, mọi người lục tục lên xe lại khi xe bò lên nền đường nhựa quốc lộ. Nãy giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng mấy người đi vào kêu la theo khẩu hiệu quyết tâm gì đó của mít tinh cách không xa. Lúc này thì má đã cho tui chui ra, ghé sát mắt lên cửa khung xe dòm nghó. Rồi bác tài dọt lẹ, chuyện bị ngăn lại thâu tiền tuyên tryền, bắt dự mít tinh không phải là chuyện lạ lùng với xe đò, chắc họ phải đóng thuế đều đặn cho VC rồi. Còn trên xe toàn đàn bà con nít ông già và lớn lắm là như cỡ tôi, còn thì không có thiếu niên, thanh niên trở lên vì sợ bị VC bắt mang theo. Tôi lần này mới chính mắt thấy tai nghe VC đến sát gần, mấy lần trước chỉ thấy treo cờ và đắp ụ trên đường thôi. Xe dọt lẹ vì nãy giờ đã mất nhiều thời giờ, và sợ đụng trận giao tranh giữa hai bên thôi.
.
.
Tôi đã được cho ngồi thẳng lên ghế trở lại, má nói chuyện với bác tài là chắc không còn bị chận nữa, giờ chỉ laà sao chạy thật nhanh cho đến Chơn Thành thôi. Tôi còn nhớ những cái dốc lên xuống thật nhanh, làm thót cái ruột lại. Cảm giác này, tôi chỉ còn gặp một lần ở vùng Virginia, phụ cận của Washington D.C. Họ muốn giữ vẻ đồng quê, nên không cho sửa đường làm lớn ra trong khu nhà dân ở, khi xe chạy nhanh, quanh co  đổ dốc rồi vượt lên vẫn còn cái cảm giác thót bụng lại, như hồi nhỏ của đường quốc lộ 13, cuối tuần khi muốn nhớ cái cảm giác xuống dốc thót ruột như ở VN hồi xưa, tui lái xe sport ra đây, làm cái ọt một cái, chờ thót ruột, rồi cười một mình, lại nhằm cái năm tràn đầy Cicada, là con ve sầu, 17 năm một lần chui ra khỏi đất, lên đầy đường đầy mọi nơi, xe chạy tuột dốc cán đầy lên những con ve sầu, rồi thót ruột, mùa hè năm 1987 ở Renton, Virginia.
.
.
Tới khi vô Chơn Thành, xe phải chạy chậm lại cho mấy người Lính, nhìn vào khám xe, họ hỏi bác tài có bị VC chận đường không sao hôm nay tới trễ vậy. Bác tài gật đầu nói có. Ở đâu? giữa Xa Trạch và  Tân Khai hay gần Tầu Ô. Bao nhiêu? Mấy chục đứa.
.
.
z-td-anloc-map-ql13.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

.
Lần đó, khi về tới SG, má cho biết, tôi không được đi về Bình Long bằng xe đò nữa. Chuyến xe đò chót của tôi đó. chuyến xe nối Bìmh Long và thời niên thiếu của tôi không còn nữa. Thực sự từ gĩa An Lộc rồi. Má nói: mày to con lớn xác rồi, VC thấy sẽ bắt đi mất thôi. Bây giờ thì chỉ đi bằng máy bay khi có dịp. Má cũng bớt không đi xe đò nữa, chuyển qua đi máy bay của quân đội Mỹ, ba làm cho má cái thẻ đi máy bay của cố vấn Mỹ cung cấp. Má ra thẳng phi trường Tân sơn Nhất, hay muốn nhanh và dễ đi hơn thì đi lên Bình Dương, tới phi trường Phú Lợi hay Lai Khê, đi thẳng lên An Lộc bằng bất cứ chuyến máy bay nào cho phép. Có khi đi chuyến máy bay thư, đi vòng qua Tây Ninh, vòng qua An Lộc, hay vòng qua Phước Long, Bù Đốp rồi Quản Lợi, hay An Lộc. Mỗi lần về nhà, má lại kể chuyến đi rồi bằng máy bay gì, hay tôi cũng tò mò hỏi má đi loại gì vậy. Có lần má nói, thích lắm, hôm nay má gặp phi công Mỹ biết nói tiếng Pháp, hai người nói chuyện rất lâu, nó bay L20 gì đó, cho má ngồi ngay bên cạnh. Tui tò mò hỏi, sau má biết nó nói tiếng Pháp mà nói chuyện. Má trả lời: khi má chào nó bằng tiếng Anh, má đều chào thêm bằng tiếng Pháp, thằng nào chào lại bằng tiếng Pháp, thì tao nói tiếp theo luôn, coi nó biết tiếng Pháp hay không.
.
.
By duongtiden
.
.... còn đang viết tiếp .. vui lòng trở lại coi thêm.
 
.
duongtiden, duongtiman, an loc binh long va toi, chien tranh Viet Nam, Vietnam war, battle of An Loc, tank T54,  ...
.
.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.