copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, October 31, 2009

chiều tối nay, halloween .. lao động vất vả . by duongtiden

.



.
đêm halloween ma quái.


z-td-31-09.jpg picture by tddesign

Hôm nay, chiều ngày halloween, làm lao động qúa mức, trên tám tíếng đồng hồ, từ trưa cho dến qua tối ... cho tới khi mấy đứa nhỏ cầm lồng đèn đỏ đi xin kẹo ngoài đường, bên trong vườn tối, tôi vẫn còn làm việc chưa xong.
Nhà tôi tối thui, từ ngoài đường phải đi vào tới 50m mới tới cửa nhà, chẳng có chú nhóc tì nào dám vào nhà xin kẹo. Còn tôi thì toàn đồ đen, nón đen, vẫn còn đang đắp đất gốc tre vừa trồng, đi tới đi lui trong vườn, căng dây mấy cây tre lớn mới trồng hôm qua và hôm nay, cho mưa gió thổi không tung gốc lên, vườn trống gió lốc có khi tới 50 km/giờ là thường vào mùa này, từ thung lũng sông Columbia thổi ra.
Tới khi con nít hết đi xin kẹo, gần tám giờ tối, trời khá lạnh 50 độ F hay 10 độ C, tôi vẫn còn lầm lũi ngoài vườn, bên gốc tre mới trồng, dọn dẹp.
Trưa nay ra vườn, bứng tiếp từng gốc tre trong bụi tre lớn ngay sát cửa nhà, xoà thân tre vướng lối đi vào. Hôm qua thì đánh ra hai ba thân trúc. Hôm nay chỉ tính đánh một gốc tre ra, rồi trồng chỗ khác. Khi làm xong thấy còn dư giờ, làm luôn bụi tre tiếp, ba thân tre lớn, dùng xà beng cao tới gần 1m7, nặng 10 kg, dùng cuốc chim nhỏ, đủ kiểu, cưa nhỏ, kềm cắt cây, thật là vất vả mới kéo moi ra được cục đất rễ tre với ba cây tre trong đó.
Nậy cong cả cây xà beng, bây giờ vẫn cong, mới bung ra được gốc tre, phải đợi lần tới, nậy gốc tre khác, mới uốn ngược chiều khi nậy cho cây xà beng thẳng lại. Mồ hôi tuôn ra dù trời lạnh, phải nghỉ mấy chặng thở lấy hơi, chui trong bụi tre lớn chật hẹp, không có thế. Thật là lao động vất vả, đất lại đầy đá, rễ tre quấn vào đá nhỏ, búa chim chạm đá, xẹt lửa.
Rồi cũng móc được cục rễ tre ra với thân tre dài tới gần 5m, đào lỗ trồng mới ngay gần đó, vì bụi tre nặng qúa, không kéo đi xa nổi, chỉ sợ bung rễ và hư cành lá trên thân tre. Cứ nhích mỗi hai ba mươi cm mỗi lần. Rồi cũng xong ... là tới lúc chiều tàn, tối đến, con nít bắt đầu lăng xăng xin kẹo. Nhà không mở đèn, cứ làm trong bóng tối, không mở đèn, vì không muốn bị chú ý. Cứ như bóng ma trong vườn, đêm halloween .. đang đào mồ chôn ai ... chôn cái gốc tre
Đào cái vòng tròn chừng gần 1 thước, sâu gần nửa thước, đào má thở, đất  cứng lẫn đá ... không hiểu hồi xưa trong chiến tranh, đào hố cá nhân bằng xẻng nhỏ sao mà hay thế ... Rồi cũng xong, rửa chân tay, vào làm tô phở nóng .. uống hai viên aspirin ... một ngày lao động quá vất vả, ngày mai còn phải ra tu sửa lại, căng giây chống gió lật ... có của thì có cực vậy !!!
.
.
z-td-bambu-2-1.jpg picture by tddesign
.
trưa ngày hôm sau, chủ nhật, sunday ngày 1 tháng 11, bụi tre đứng vững vàng ..
.
.
z-td-bambu-1-1.jpg picture by tddesign.
.
mọc nhanh lên, những bụi tre trúc thân mến .. trước khi mùa đông, tuyết tới ...
.

by duongtiden

Thursday, October 29, 2009

Tưởng niệm bạn bè KT đã nằm xuống, anh Mạnh xuân Phụng . bài cũ, tháng sáu - 08 ở Yahoo 360 . by duongtiden

.

.
.
tưởng niệm anh Mạnh xuân Phụng KT66 ..in remembrance of brother Phụng
.
.
Bây giờ, năm tới 2010 là Đại Hội Kiến Trúc kỳ 5 sẽ được tổ chức, nhớ lại đại hôi KT kỳ một ờ Santa Ana, vậy mà đã 18 năm qua. Nhớ một anh bạn lớn học cùng trường, anh Mạnh xuân Phụng KT66.
Có lần anh nhờ đi thi tuyển cùng với anh một cái job opening trong sở anh làm, để giúp đõ anh trong phần thi những câu hỏi abc đúng sai, giúp anh đưọc phần đó, còn tôi lọt vào được hạng năm trong đông đảo người thi, sau đó còn vào phỏng vấn nữa, rồi cũng không có gì. Hình như họ không tuyển người nữa.
Vài năm sau, tổ chức đại hội kỳ 2, ở Cali, năm 2000 thì phải, không ai thông báo, nên tôi không biết để đến dự, té ra lần chót gặp anh Phụng là ở đại hội kỳ một.
.
 
.
z-mxp-kt66-1.jpg picture by tddesign
.
hình trên do tôi chụp ở ĐHKT kỳ 1 ở Santa Ana, Cali. năm 1991 ... bây giớ nhìn lại có người trong đó đã qua đời, những ngưới trong đó bây giờ đã trên 60 tuổi, 18 năm qua, bây giớ nhìn lại lúc đó ai cũng trẻ măng..

hồi cuối năm 89, khi làm ở Los, rồi Glendale, rồi Rancho Cucamonga. Tui ở Monterey Park, gần Samwoo bán vịt quay peiking mì nổi tiếng, anh Mạnh xuân Phụng cũng ở gần đó, nên hay kêu qua chơi uống nước.. mỗi lần ngồi, nghe anh Phụng trả lời điện thoại tiếng anh, cười pể bụng : " Hello! this is phung manh " giọng anh xưng tên không bỏ dấu nghe thiệt là tức cười cứ như là Phùng Mang Trợn Mắt, anh làm cho water bureau department của Los. Sau đó tui rời CA lên Utah ở, về Oregon, tới gần đại hội kỳ 3 ở Houston, mới biết tin anh đã qua đời, sau khi tổ chức ĐHKT kỳ 2 ở Little SG. Kỳ đó, tôi không hề biết có đại hội, nên tiếc không gặp lại anh. Tưởng niệm anh Phụng.
.
.


Tuesday, October 27, 2009

mùa thu và bạn kiến trúc ở toronto . canada

.
.
mùa thu chung quanh toronto do bạn kiến trúc gửi đến
.





.

cám ơn anh Nguyễn bửu Phiêu KT69, đã gửi những tấm hình lá mùa thu đẹp tới lạnh lùng ..
.

.
z-ktoronto-09a.jpg picture by tddesign
.
hình trên từ trái: Lương văn Tuấn KT65, Nguyễn bửu Phiêu KT69, Lê văn Tâm KT71, Nguyễn thế Truyền KT72, Nguyễn anh Cần KT66.
.

.
z-ktoronto-09b.jpg picture by tddesign
.
.
z-ktoronto-09c.jpg picture by tddesign
.
trái: chị Cần, chị Tâm và chị Phiêu
.
by kientruc-toronto
.

Monday, October 26, 2009

đứa bé VN mồ côi năm 1973, ngày nay 36 tuổi, tân bộ trưởng Y Tế của nước Đức, Germany

.
Đứa bé VN mồ côi, sinh ở Khánh Hòa, Nha Trang, năm 1973, rời VN lúc chưa đến 1 tuổi, ngày nay, 36 tuổi, tân bộ trưởng Y Tế trong chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức.
.
bài từ bạn bè gửi đến, niềm hãnh diện của Người Việt Nam Tụ Do Hải Ngoại
.
63.jpg picture by tddesign
.
.
DR. PHILIPP ROESLER: 
TÂN BỘ TRƯỞNG Y TẾ (CHLB ĐỨC)
(Người Đức gốc Nam Việt Nam)
.










Berlin -  Một ngạc nhiên ngoài dự đoán tại thủ đô Bá Linh: Dr.Philipp Roesler, Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP)-  người Đức gốc Việt, hiện là bộ trưởng kinh tế, lao động và giao thông tiểu bang Niedersachsen, trở thành bộ trưởng y tế trong tân nội các của chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức.
.

Đã từ lâu ông Dr.Philipp Roesler vẫn được coi như một ngôi sao nổi bật và là niềm hy vọng của Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP). Trong suốt thời gian hơn 3 tuần lễ thương thảo gắt gao trong việc thành lập tân nội các giữa liên minh CDU/CSU và FDP, đặc biệt về vấn đề y tế, ông Philipp Roesler luôn tỏ ra rất thông minh, thực tế, ôn hòa, có tài ứng khẩu, đôi lúc lại khôi hài. Cũng vì thế ông được mọi người kính nể và thán phục trong các cuộc thương thảo. Tuy nhiên ông tỏ ra rất ngạc nhiên khi được cử làm bộ trưởng y tế liên bang và ngay nội bộ đảng FDP cũng xác nhận như thế, một bộ hiện đang đương đầu với nhiều khó khăn.
.

Sự nghiệp chính trị của Dr.Philipp Roesler tiến rất nhanh và được các đảng viên trong đảng quý chuộng. Ông đã trở thành bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong tân nội các của thủ tướng Angela Merkel, trẻ hơn cựu bộ trưởng kinh tế Karl-Theodor zu Guttenberg (37 tuổi/CSU) mà trong tân nội các trở thành bộ trưởng quốc phòng,  Dr. Wolfgang Schaeuble (CDU) làm bộ trưởng tài chánh. Trong lịch sử nước Đức, vị bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức là bà Claudia Nolte (CDU, 27 tuổi), bộ trưởng bộ gia đình (từ năm 1994 đến 1998) dưới thời thủ tướng Helmut Kohl. Trong khi đó ông Dr. Philipp Roesler là bộ trưởng cấp tiểu bang, nay là toàn liên bang đầu tiên không phải người gốc Đức.
.


Chỉ một ngày trước đó, ông Dr.Philipp Roesler đã tuyên bố với báo chí rằng ông "không hề có tham vọng lên đến chính quyền liên bang" và cho biết đã  bàn bạc và quả quyết với vợ con rằng "tuyệt đối chỉ ở tiểu bang Niedersachsen mà thôi". Giới truyền thông Đức cho rằng, việc ông Dr.Philipp Roesler nhận chức bộ trưởng y tế liên bang là do sức ép của ông Dr. Guido Westerwelle, thủ lãnh đảng FDP. Tuy nhiên, ông Dr.Philipp Roesler tỏ ra không quan tâm nhiều đến sự nghiệp chính trị lâu dài của mình khi ông tuyên bố trước khi nhậm chức bộ trưởng kính tế của tiểu bang Niedersachsen rằng, ông sẽ tự rút lui khỏi chính trường vào năm 45 tuổi. 
.

Lý lịch cá nhân của ông được ghi trong văn khố tiểu bang Niedersachsen như sau:
.


Dr.Philipp Roesler sinh ngày 24 tháng 2 năm 1973 tại Việt Nam. Tháng 11 năm 1973 khi còn là một cậu bé 9 tháng, ông đã được một gia đình người Đức tại Bueckeburg (cách thành phố Hannover khoảng 50 cây số) nhận làm con nuôi từ một viện mồ côi tại Khánh Hưng (Nha Trang). Khi lên 4 tuổi, cha mẹ nuôi ly dị và ông về sống với cha nuôi -một quân nhân trong quân đội Đức- tại Hamburg/Harburg. Năm 2002 ông lập gia đình với bà Wiebke Roelser (31 tuổi) và hiện nay có 2 người con gái song sinh tên Grietje và Gesche (1 tuổi).
.

Năm 1992: gia nhập quân đội Đức với chức vụ dự bị sĩ quan quân y
Năm 1993: đại học y khoa tại Hannover
Năm 1999: đại học y khoa quân đội tại Hamburg
Năm  2001: tốt nghệp bác sĩ nha khoa và sĩ quan quân y trong quân đội Đức
Năm  2002: luận án tiến sĩ y khoa về Tim-Phổi-Mạch Máu
.







Sự nghiệp chính trị:
.


Năm 1992: gia nhập Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP)
Năm 1994: chủ tịch đoàn Thanh Thiếu Niên Tự Do (Julis) thuộc đảng FDP thành phố Hannover
Năm 1996: chủ tịch đoàn Thanh Thiếu Niên Tự Do (Juliis) toàn tiểu bang Niedersachsen, kiêm thành  viên ban chấp hành đảng FDP tiểu bang Niedersachsen
Năm 2000-2004: tổng thư ký đảng FDP tiểu bang Niedersachsen (không thù lao)
Năm 2001: dân biểu thành phố Hannover, kiêm phó chủ tịch đảng FDP trong hội đồng thành phố
Năm 2003: chủ tịch đảng FDP trong quốc hội tiểu bang Niedersachsen
Năm 2005: thành viên ban chấp hành trung ương đảng FDP toàn quốc
Năm 2006: chủ tịch đảng FDP tiểu bang Niedersachsen
Từ 18.02.2009: bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Giao thông tiểu bang Niedersachsen
.


Bây giờ là Bộ Trưởng Y Tế Cộng Hòa Liên Bang  Đức.
.


Đặc biệt Dr. Philipp Rösler đã đến dự Lễ Khánh Thành Tượng Đài Tị Nạn Cộng Sản ngày 12.09.2009 tại Hải Cảng Hamburg – Germany. Sau buổi Lễ Khánh Thành, đồng bào đã bày tỏ tình cảm với Dr. Philipp Rösler, bằng cách chụp hình chung lưu niệm, cả tiếng đồng hồ sau Dr. Philipp Rösler mới dời khỏi nơi hành lễ để về nhà. Cũng cần nói thêm, Tòa Đại Sứ VC tại Berlin đã nhiều lần gọi điện thoại để lung lạc và yêu cầu Dr. Philipp Rösler đừng đến dự Lễ Khánh Thành vì lý do chính trị, nhưng Dr. Philipp Rösler đã mạnh mẽ trả lời với tòa Đại Sứ VC, Ông ta đến tham dự Lễ Khánh Thành cũng vì lý do chính trị, và Dr. Philipp Rösler đã hiện diện tại buổi Lễ với tất cả tình cảm của đồng bào dành cho một người con, người cháu đã làm hãnh diện cho người Việt Tị nạn CS nói riêng tại CHLB Đức… 


.
.
gocVietNam
.

Loạt bài hồi ký Cục Công Binh và bạn bè Kiến Trúc của anh Lâm công Quyền KT65 . tiếp theo bài 2 quater . by lamcongquyen

.

.

 
.
 
(tiếp theo kỳ trước)
.

Bạn KT- Cục Công Binh, về đến Sài Gòn (kỳ 2 quater)
.
 


Lưu ý: Bạn nào thích ăn thịt chó, không nên đọc đoạn này.
.


 
Trụ cờ được đặt ngay trước mặt tiền Sở, hai người lính đang chuẩn bị kéo cờ lên. Tr/Tá CHT đang đứng nghiêm, tay phải đưa lên trong thế chào. Sau lưng ông là một hàng SQ, Th/Tá CHPhó trước, đến các Đ/Úy, Tr/Úy rồi mới đến Th/Úy cuối cùng, tất cả đều đưa bàn tay lên cuối mày chào. Đàng trước bên trái ông là hàng ngủ nam nữ công chức QP, kế bên là tất cả Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ. Tôi vừa len lén lom khom vào hàng rồi thì con Milou từ xa trông thấy dáng điệu của tôi, nó tưởng đang đùa nên nhảy chồm chồm hai chân trước bên hông phải của tôi. Vừa nghiêm chào với tay phải, tôi co giò đẩy nó ra một phát bằng chân phải, nó lại cứ tưởng tôi đùa nên tiếp tục, phải đẩy đến phát thứ ba nó mới chịu ngồi yên xuống, từ đàng xa chắc trông giống như trong đám SQ CB có một người thuộc Đội Quân Khuyển! Lúc này chắc nó nhớ lại đã từng chào cờ Mỹ lúc trước đó nên ngồi yên ngoan ngoãn, cho đến khi lá cờ được kéo lên xong. Như thông lệ, Tr/Tá CHT quay người lại rồi bắt tay từng người, đến lượt tôi, ông mỉm cười hỏi:
- Co...co...n... ch...chó này của anh hả ?
- Dạ thưa phải, Trung Tá.
.

 
Cũng thời gian đó, có một binh sĩ trẻ nói với tôi là con chó này do Chú Ba thợ mộc nuôi, nên tôi đi tìm ông ở xưởng mộc hỏi cho rõ, ông nói:
- Hồi Sở dọn vô đây nhằm tháng Giêng, tui thấy nó lang thang, biết là người Mỹ bỏ lại, thấy tội quá nên tui nuôi nó. Nhưng tui hay về Thành*, nhứt là cuối tuần nên không lo cho nó được.
- Hèn gì hôm Chúa Nhật nó tìm tới nhà tui kiếm ăn.
- Thôi thì nếu Th/Úy nuôi nó được thì Th/Úy nuôi làm phước, tui cứ phải về nhà nên nó thường hay bị đói, tội nghiệp lắm.
.


 
Như vậy, con berger này trở thành chánh thức của tôi. Nó luôn luôn đi với tôi, khi trời mưa, tôi mặc một cái pardessus, nó đi kèm một bên làm nhớ đến truyện bằng tranh Bỉ Tintin et Milou của Hergé, nên dù biết là một con berger cái nhưng tôi vẫn đặt tên nó là Milou. Mỗi lần đi ra tắm biễn bằng Jeep, nó nhảy lên ngồi gọn trên cái vè xe sau bên phải chứng tỏ nó đã được người lính Mỹ K9 huấn luyện như vậy. Có một lần tôi tưởng nó bị lạc mất từ Bãi Dài, lúc chúng tôi tắm xong, chuẫn bị ra về, kêu mãi không thấy nó trở lại nên quyết định lên xe về, nghĩ rắng chắc nó đã về nhà rồi.
 
.
z-lcq-Tintin_Milou_VN.jpg picture by tddesign
 
.
Tin Tin và Mi Lou bằng tiếng Việt
.
 


BVTùng đưa chúng tôi về đến nhà mới, là câu-lạc-bộ cũ cúa tiểu đoàn 554 Xích Mã Mỹ*, vẫn không thấy con Milou đâu nên tôi ra trước cửa nhà nhìn chung quanh, chợt nhìn thấy nó trên con đường ở lưng chừng đồi xa xa phía Nam khác hẳn con đường chúng tôi ra biển, đang nhìn chung quanh có vẻ quan sát để định hướng, tôi gọi nó thật lớn nhưng nó không nghe nên quyết định chạy bộ lên, khi đến nơi nó đã chạy mất! Vừa nắng nóng vừa lội bộ trở về nhà, nghĩ bụng chắc con chó này lạc mất rồi! Ai ngờ đâu, về đến nơi, con Milou đang nằm lù lù ngay trước cửa nhà! Từ đó tôi không còn tin theo thuyết chó tìm đúng đường về nhà nhờ hửi nước đái của ch́ính nó nữa!
.


 
Có một cuối tuần, dạo đó được nghỉ vào trưa Thứ Bảy, tôi leo lên theo xe GMC chở nhân viên về Nha Trang, vì có hẹn với TLN đi ăn và đi ciné, khi xe bắt đầu chạy, con Milou trông thấy và bắt đầu chạy theo. Từ Sở ra đến cầu Long Hồ, băng qua khỏi cầu một đoạn ra đến Cổng Mỹ Ca, qua 2 Cổng gác của ĐPQ rồi rẽ sang phải ra đến QL 1, vẫn thấy nó còn chạy theo. Ngồì đằng sau xe, tôi hết sức bối rối không biết phải làm sao, hoặc kêu tài xế dừng lại cho tôi xuống xe, đón xe trở về nhà hoặc im lặng ̣đi luôn kể như mất nó?
.


 
Người tài xế càng lúc càng cho xe chạy nhanh hơn, khoảng độ 70km/giờ, con Milou càng lúc càng bị bỏ xa, nó chạy chậm lại rồi ngừng hẳn, trong khi chiếc GMC cũng đi càng xa đến khi không trông thấy nó mữa. Tôi tính từ KQSTT tới đó cũng có khoảng 10km, nếu phải chạy trở lại, nó phải đi tổng cộng  20km, phải qua 2 cổng kiễm soát đầy lính gác, băng qua cầu Long Hồ xe qua lại ì ầm, chạy thêm vài cây số quanh co quẹo trái, quẹo phải…nữa để đến Sở. Thôi rồi, kỳ này chắc chắn tôi bị mất con chó trung thành của tôi rồi.
.


 
Sáng Thứ Hai, tôi cũng theo xe này cùng với quân nhân, công chức trở vào CR. Xe đến Sở còn sớm, tôi đi bộ về nhà thì trông thấy con Milou đang nằm ngay trước cửa nhà! Tôi quá sức mừng và ngạc nhiên, từ đó về sau xin đừng ai bao giờ nói với tôi là chó đánh dấu bằng nước tiểu trên đường để khỏi bị đi lạc nữa!
.


 
Như đã nói trong  phần Thú vật và cây cỏ trên bán đảo, nhờ con Milou luôn luôn đi trước nên tôi thoát dẫm lên một con rắn dài độ 1m50 trên đường đi lên Sở làm việc, nó vừa nhìn thấy, lập tức nhảy lùi lại nhưng không rượt theo, được huấn luyện chống đặc công nên nó đi trước và không tấn công khi chưa có lệnh thì phải? Đôi khi tôi ngẫm nghĩ, con chó khôn như vậy sao đơn vị K-9 có thể bỏ lại? Hay trong lúc lính Mỹ rút đi cấp bách, nó đang đi ngao du đâu đó, khi về đến, người lính coi nó đã đi mất, nó chẳng đã từng đi với tôi ra biển rồi biến dạng sao? Hạ sĩ I Mai Non, người kịch sĩ bất đắc dĩ của tôi, thuật lại cho tôi nghe khi được lệnh rút đi, họ rất vội vả vì sợ vi phạm Hiệp Định Paris, giày dép còn để sắp hàng ngay ngắn dưới cạnh giường, nệm drap còn nguyên. Mai Non cùng một binh sĩ khác đem một chiếc Dodge 4 đến ngay nơi để một hàng tủ lạnh còn mới khiêng lên và đem luôn ra cổng mại ngay, lúc đó chưa có ĐPQ điều đến để gác cổng.
.

 
Loài chó là một loài thú vật sống với loài người đã  mấy ngàn năm rồi, còn giống berger Đức được tạo ra từ loại chó chăn cừu bên Đức và pha với những giống khác chỉ vào khoảng cuối thế kỷ 19, dù gì đi chăng nửa, chúng vẫn sống lệ thuộc con người. Sức sống còn của con Milou thật mãnh liệt, sau khi mất nguồn thực phẩm từ đội K-9 của QĐ Mỹ nó vẫn còn có thể sống với cơm là chủ yếu của người thợ mộc VN rồi qua đến tôi. Khoảng không gian con Milou sống từ mấy năm nay rất bao la tự do, tôi không thể nào bắt nó về sống một nơi chật chội nhun nhúc đầy người và xe cộ như SG được, vì vậy trước khi ra đi tôi an tâm được lời hứa của TLN là nàng sẽ nuôi nó như tôi đã nuôi, không trở ngại vì nhà nàng cũng đã từng nuôi chó rồi, rất tiếc buỗi sáng trước khi lên xe, con Milou đã đi làm nhiệm vụ vệ sinh nên tôi không chào từ giả nó được, nhắc đến người yêu của tôi, nàng cũng tin vô lời hứa tôi sẽ ra tìm nàng vì chắc nàng cũng cảm thấy bài hoà -tấu-khúc viết cùng tôi này chưa chấm dứt, ý nhạc còn lai láng.
.


 
Người yêu của tôi
.


 
Tôi ra đến Cam Ranh cũng giống bao nhiêu thanh niên khác cô độc trên khắp 4 Vùng chiến Thuật, trong hoàn cảnh tinh thần lẻ loi, mẹ mất sớm. cha tục huyền đã về ở với bà kế mẫu, chị và em đi du học ngoại quốc, đứa em họ mà cha tôi nuôi như một đứa con ruột đang học năm cuối trên trường Võ Bị Đà Lạt, sau cùng, tôi đã dứt tình với một người con gái tuyệt đẹp vì không thể đem theo ra CR, tóm lại hoàn toàn cô đơn. Tôi không phải là thanh niên mới lớn và cũng không phải mới yêu lần đầu, nhưng người đẹp lần này đến với tôi không phải như một cú sét ái tình, trái lại từ từ gậm nhấm vào tâm can và tôi cũng chẳng bao giờ tự hỏi tại sao lại yêu nàng. Mối tình tôi đối với nàng sâu đậm đến nổi tôi phải so sánh với Dương Quá và Tiễu-Long-Nữ, hình ảnh thon thả khoẻ mạnh với bộ ngực nở nang, cái eo thắt đáy lưng ong làm nổi bật cái hông khêu gợi, khi nàng đi ngang qua Tr/Úy Tài* và tôi đang đứng trước nhà anh, anh phải nhìn theo mỉm cười nói:
- Ai mà ôm được cái eo này thật là có phước!_Tôi cũng cười theo, chắc cũng hơi đỏ mặt vì anh nhìn tôi nheo mắt một cái.
.

 
Hình ảnh nàng bước về nhà người anh phía xa kế bên hàng rào, mái tóc và tà áo dài phất phơ trước gió, trên bải đậu xe khổng lồ bên hông Sở nhìn từ phòng họp, được tôi ghi lại trên tựa tờ TTNB bằng vài nét đơn sơ. Thật kỳ lạ! Đúng là dáng đi của nàng, vốn vẽ truyện bằng tranh từ nhỏ lại thêm 6 năm trường được huấn luyện tại trường KT, trong đó có thầy Thâng dạy vẽ theo ký ức, đã đưa đến mức vẽ lại chính xác cái hình ảnh yêu thương nhập tâm bằng chỉ vài nét thô sơ qua cây bút nhọn để vẽ lên giấy stencil!
.


 
Nàng cũng có cặp lông mày và lông mi rậm như Huyền Vân, nhưng trông dịu hiền hơn và đôi môi đỏ tự nhiên, khi cười lộ cái răng khểnh ra. Mỗi khi mắc cỡ nàng hay đỏ mặt vì thế Binh I Thanh “lé” hay trêu nàng là  vừa “đa mi”, vừa “hồng diện”, chỉ thiếu có “trường túc” .TLN rất thích kiểu hài hước của tôi do từ trường KT tạo ra, biểu lộ một sự thông minh chỉ riêng dân KT mới hiểu nổi, tuy trẻ hơn tôi đến 10 tuổi, dĩ nhiên sự hiểu biết có chênh lệch nhưng nàng có thú đọc sách nên kiến thức khá rộng, nghe nhạc và xem ciné giống tôi. Nhờ TLN tôi biết được Nha Trang là thành phố thứ nhì, sau SG có những rạp ciné lịch sự đẹp đẻ nhất, tôi đã từng đi ciné ở Sa Đéc, Phan Rang...nhưng thật tệ. Tôi bật cười khi nghĩ đến ông anh của nàng hỏi nàng nhân dịp chúng tôi đi xem ciné lần đầu tiên:
- Hôm qua cô đi xem phim gì thế?
- Dạ, phim Tora, Tora, Tora.
- Phim có hay không?
- Dạ em không biết vì em ngủ cả phim!
- Đi xem xi-nê mà ngủ cơ à?
- Dạ… …(đỏ mặt)
.

 
Nàng nói thật, vì nàng chìu theo ý thích của tôi muốn xem phim Nhật tấn công Trân-Châu-Cảng, khi trên màn ảnh, máy bay Nhật dội bom ầm ầm, liếc qua thấy nàng đang ngủ ngon lành, bàn tay vẫn còn nắm chặt lấy tay tôi! Khi đi xem Jailhouse Rock cũng vậy, tôi thích thú theo dỏi Elvis Presley và đám phụ diễn mặc đồ tù nhảy múa ca hát, nhìn lại nàng vẫn ngủ khò khò! Ngược lại, khi tôi chìu nàng đi xem phim Hồng Kông thời nay với Địch Long, Khương-Đại-Vệ và nữ ca sĩ trẻ Chân-Chân, nàng lại tỉnh queo!
.


 
Nhưng nói đến nhạc thì khác, nàng say mê nghe tất cả, tôi mượn dài hạn đâu đó được một cây guitar nên hay hát các bản của Phạm Duy hoặc Trịnh-Công-Sơn. Ban đêm trên bán đảo hoang vắng, không TiVi, radio không có gì để nghe, không ciné, còn gì thi vị hơn khi mình ôm đàn hát cho người yêu mình nghe? Nàng thích nhất nghe tôi hát bản Còn chút gì để nhớ của Phạm Duy. Tuy không nói ra, nhưng nàng hiểu rõ tôi hát tặng nàng với tất cả tấm lòng rung động và biết ơn, dù biết rằng đây không phải là Pleiku, vùng cao nguyên xa xôi của những thằng bạn như Vũ-Triệu-Tấn KT64, Đinh-Xuân-Bình KT65 và Đỗ-Bá-Khoa KT66..v..v..nhưng ý nghĩa vẫn là:
Anh khách lạ, đi lên đi xuống,
May mà có em, đời còn dễ thương ...
.


Tôi có mang từ SG ra một số tập nhạc và một số băng cassette. Trong số đó, nàng thích nhất là cuộn Nhạc Trẻ 3, trong đêm thanh vắng tiếng hát của Thanh Lan vang vang trong cái loft của tôi:
.


Cuộc tình ngày đó đã ghi trong ta,
Với bao nhiêu ngọt bùi, bao kỷ niệm.
Rồi một trời tiếc nuối, ôi xanh xao,
 Nay tiếc thương, xót xa vô vàn...
.


Giữa năm 74, bọn lính gian đã cạy cửa nhà trong lúc chúng tôi đi làm và con Milou không có đó, lấy mất tất cả các món kỷ niệm đó, nhưng bọn chúng không thể nào cướp đ̣ược những kỷ niệm đã khắc ghi trong trí nhớ của tôi được, cho đến ngày nay tiếng hát đó vẫn còn văng vẳng bên tai làm tôi quên mất cả tiếng xe GMC đang chạy.
.


 
Phan Thiết
.


 
Thôi, không nghĩ đến quá khứ nữa, vừa thoáng ngữi được mùi nước mắm, tôi hỏi người lính tài xế:
- Hình như mình tới Phan-Thiết rồi?_Tội nghiệp, toàn là tôi hỏi anh, anh rất ít nói.
- Đúng đó Thiếu Úy, mình tới Phan-Thiết rồi.
.
 
Lạ thật, cứ mỗi lần sắp vô tới Phan-Thiết, tôi ngữi được mùi nước mắm, nhưng chỉ sau 5 phút, không còn thấy mùi đó nữa! Thành phố này tôi đã được biết trước khi đi lính nhưng nhờ công tác trong QĐ, tôi lại biết rõ thêm hơn, đặc biệt trên đường đến quân-y-viện Đoàn-Mạnh-Hoạch có một nghĩa địa rất lớn nằm trên nguyên cả một ngọn đồi. Tôi được có dịp may đi rất nhiều nơi ở miền Nam VN nhưng không bao giờ được biết có nghĩa địa nào lạ mắt như nơi đây, qua khỏi đó băng qua một con dốc, dưới kia là đường dẫn ra biển rất đẹp. Năm 1974 này, vì làm việc với người gốc Hoa, ông thân tôi cho biết họ có dự tính làm một xưởng làm nước mắm có quy mô lớn tại Phan Thiết, mua lại nước mắm do ngư dân làm, pha loảng lại, dậm thêm muối để có lời, rồi vô chai thủy tinh* chớ không chứa trong các tỉn bằng đất sét như trước giờ nữa. Xưởng này sẽ có cả một phòng thí nghiệm để nghiên cứu về việc đó lẫn các việc khác.
 
.
 
z-lcq-PhanThiet.jpg picture by tddesign
.
Sông Cà Ti chẩy ngang thành phố Phan Thiết
.



 
Cả đoàn xe dừng lại một bên trạm nghỉ, tôi thấy có bổn phận phải mời người tài xế binh sĩ QV này ăn trưa vì anh dọn nhà cho tôi thật sự là miển phí. Trong khi ăn, tôi nhìn đoàn xe và hỏi anh binh sĩ tài xế:
- Sao đi đoàn nhiều xe như vầy mà không có xe remorque theo, rủi có xe hư thì sao?
- Đáng lẽ ra thì phải có, Th/Úy, nhưng vì lý do riêng nên xe đó không đi theo.
- Lý do riêng?!?!?!
.

 
Sau khi ăn uống xong, trong lúc anh còn trò chuyện với các đồng đội, tôi tiến đến quày bán báo để mua một tờ đem lên xe đọc, vừa cầm lên tay, hàng tít 8 cột đập vào mất: “Phước Long thất thủ, Đ/Tá Hồ-Văn-Phước tử trận anh dũng”. Tôi hết sức bàng hoàng, có những dấu hiệu không lành, lúc về phép thi nhằm cuối tháng Giêng năm 1974, cũng mua một tờ báo tại đây, cũng buồn lòng vì hàng chữ:”Hải Quân VNCH bị thất trận tại Hoàng Sa*”. Lần này cảm giác trực tiếp hơn, thời còn thuộc Pháp, lúc tôi còn nhỏ người cậu đã từ Sa Đéc lên SG học trường Huỳnh-Khương-Ninh, Đa Kao, nên ở chung trong đại gia-đình tại số 32 đường Huỳnh-Khương-Ninh, cách nhà Nguyễn-Thanh-Hà KT63 ba căn, một thời gian, cậu đậu Tú Tài xong đã thi vô trường Võ Bị Đà Lạt và từ đó ít gặp hơn nhưng tôi vẫn nhớ người cậu đẹp trai cao lớn, vui vẻ, nói chuyện có duyên này đã dạy tôi vẽ xe tăng, máy bay Mig-15...Tôi lặng lẽ cầm tờ báo lên xe đọc tiếp, chỉ nói sơ qua về cái chết anh hùng của Đ/Tá Phước với anh tài xế rằng, Đ/Tá tiểu-khu-phó đã cầm súng chống chiến xa bắn vào tăng địch và bị xe tăng khác bắn trực tiếp tan xác ngay tại trước hầm trú của tiểu khu. Đ/Tá Phước trước khi đổi đi Phước Long đã được Thủ Tướng Trần-Thiện-Khiêm mời về làm chánh-võ-phòng Phủ thủ tướng nhưng cậu đã từ chối, cậu nói với người nhà: “Tôi đã chọn binh-nghiệp, tôi không thể nào ngồi cạo giấy được” và vì vậy, Thủ Tướng nổi giận đã ra lệnh đưa cậu lên Phước Long.
.


 
Đoàn xe tiếp tục lộ trình, băng ngang qua thành phố Phan-Thiết, ngang qua con sông Cà Ti nhỏ xíu, vốn quen mắt nhìn trong Nam các sông to lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Cửu Long...lần đầu tiên khi tôi trông thấy con sông này, rất đổi ngạc nhiên:”Trời ơi, đây là con sông thật à?”. Nhưng tuy nhỏ như vậy, con sông này đã nuôi sống hàng bao nhiêu trăm ngàn con người vùng này.
.


 
Long Khánh
 
.


 
Không lâu sau, đoàn xe đã tiến dần về hướng Long Kh́ánh. Bây giờ còn nửa đường nữa tôi sẽ về đến Sài Gòn, hướng trở về Sài Gòn sau 3 năm xa nhà, nghĩ đến những gì đang chờ đợi mình và những gì mình phải làm trong tương lai. Việc làm nào người ta sẽ sắp xếp cho mình làm ở Cục Công Binh không quan trọng, nghề dạy nghề, lương bổng QĐ chỉ tính theo cấp bực, thâm niên, gia cảnh...cũng chẳng đáng lo. Vấn đề ưu tư của tôi là phải nổ lực tối đa để cho xong bài 1ère classe, sau đó trình đồ án tốt nghiệp và tìm việc thêm ngoài QĐ để có chút đỉnh tiền để tổ chức hôn lễ.
.


 
Cuối tháng 12 năm 1974, tôi mới được 2 trên 10 trị số bài 1ère classe, 2 tháng nữa tôi sẽ được 30 tuổi, như vậy tôi phải hoàn thành 8 bài còn lại trong 1 năm. Khi đóng tại SG, tôi sẽ có nhiều thì giờ hơn để sửa bài, ít nhất mỗi tuần một lần, hy vọng “ăn” bài dễ hơn. Sau khi đũ bài, thời gian nghiên cứu làm luận án và đồ án, tính tổng cộng, tròm trèm tổng cộng cũng cần đến 2 năm! Muốn đũ túc số theo thời gian tự ấn định tôi phải làm sao ngoài việc siêng năng làm bài như các bạn giỏi, chăm học tự nhiên hay phải dùng tất cả mọi phương tiện trước giờ tôi hay vẫn thường xuyên khinh bỉ như điếu đóm, năng bi, hối lộ...? Các điều sau này chắc chắn  là không mặc dù học được từ 2 năm sau này trong Quân Đội!
.


 
Về hôn nhân, tôi phải công nhận có những người bạn làm tôi rất thán phục, chẳng cần gì lệ thuộc gia-đình, chỉ cần nói với ông già:”ngày đó tháng đó, tui sẽ tổ chức đám cưới tại đâu tại đâu, ba có muốn tới thì mời ba tới”, các bạn này có ý nghĩ cũng giống ông thân của tôi:”Khi nào tụi bây tự làm ra tiền thì muốn cưới ai đó thì cưới”, tôi tự suy ra, có nghiã là “nếu tôi không có tiền, phải nhờ ông làm đám cưới, có nghiã là phải lấy người con gái mà ông ưa hay ông ...thích, viết bản nhạc tình theo ý của ông?”. Vì vậy, tôi hoàn toàn không muốn phải khuất phục trước cái luật pháp này của ông, có những bạn vì cái luật lệ khe khắt trong gia đình này, ngoài cái lệ thuộc tài chánh, còn phải môn đăng hộ đối, cùng miền, cùng hoàng tộc...đến già mới lấy vợ được hoặc đến già vẫn ở vậy. Tôi quyết định phải làm ra tiền trước khi mời ông đi dự tiệc cưới!
 
.
 
.z-lcq-LongKhanh.jpg picture by tddesign
.
Đồi Mẹ bồng Con, ở Long Khánh
 
 
 
.
 


Đoàn xe chạy ngang thị trấn Long Khánh, chiều rồi, nhà cửa dọc hai bên QL, trẻ con đi học về vui đùa hồn nhiên, xe cộ, đàn bà mua bán hàng quán dọc đường vô tư lự, cây cao su hai bên đường xanh um dọc hai bên dốc Mẹ Bồng Con thật đẹp, một lúc sau băng ngang Ngã Ba Dầu Giây, là nơi tiếp giáp với Lộ 20 từ Đà Lạt xuống, từ nơi đây bản ghi chỉ còn hơn 30km là đ̣ến Hố Nai, tôi hỏi anh lính tài xế:

- Tôi nghe nói Ngã Ba này nổi tiếng lắm phải không anh?
- Dạ, mấy năm 64, 68, 72 chỗ này nổi tiếng lắm vì là nơi từ Lâm Đồng đổ xuống, ṭụi tui đi qua đây mấy năm đó đều phải có Bộ Binh đi mở đường_Tôi nhẩm tính, năm nay là năm 74, chắc còn 2 năm nửa đoạn này sẽ nguy hiểm trở lại! Nhìn dân chúng nơi đây từ bao nhiêu thế hệ đa số là phu đồn điền cao su, họ làm giàu cho các công ty vỏ xe Dunlop và Michelin nhưng trông họ không có vẻ giàu sang gì cả. Suốt đoạn đường này cây cao su trùng trùng điệp điệp, chủ vẫn còn là người Pháp và họ muốn yên thân đã đóng thuế cho VC thường xuyên không khác các chủ Tây đồn điền trên vùng Blao, chính mắt tôi và người bạn Trương-Minh-Dũng* thấy trên con đường giang hồ bằng Lambretta mùa hè năm 1971, người chủ Pháp này còn dùng roi doạ đánh đám đàn bà người thượng phu đồn điền cà phê đeo gùi sau lưng.
 
.
 
Hố Nai
 
.
 

 z-lcq-HoNai.jpg picture by tddesign
.
Nhà Thờ ở Hố Nai
.
.





 
Không lâu sau đoàn xe đến Hố Nai, với khung cảnh quen thuộc, xe cộ tấp nập và đặc biệt là có rất nhiều nhà thờ, cứ vài trăm thước chúng ta đã thấy có một nhà thờ, tất cả đều được xây sau năm 1954. Thay vì tiếp tục chạy đến đầu xa lộ Biên Hòa, tôi ngạc nhiên khi thấy đoàn quân xa rẽ ra, chạy lanh quanh trong khu nhà ở, sau cùng cả gần 30 chiếc GMC dừng hẳn lại trên một con đường khá dài trong xóm. Tất cả các xe vừa ngừng xong, tắt máy, một hàng dài đàn bà, trẻ con, thiếu niên ầm ầm túa ra, tay người nào cũng xách theo một hoặc hai can xăng chạy đến bên trái của đoàn xe, các tài xế thản nhiên mở nắp thùng xăng và “đồng bào” thi nhau hút vào các can đem theo. Lúc đứng ra bên ngoài cho dãn chân, liếc thấy ở đầu đoàn có một ông Đ/Úy QV, trưởng đoàn, đang đứng hút thuốc đợi. Tôi cũng không đến nổi ngu lắm để hiểu ra rằng, sắp đến SG rồi, dầu cặn còn dư trong chuyến đi này được mại hết, chỉ chừa một ít vừa đũ về đến căn cứ, kỳ sau sẽ được cấp phát đầy bình trở lại.
.
  

Về đến Sài Gòn sau 3 năm xa cách
.


 
Đoàn xe sau khi từ Hố Nai ra, trở lại đầu xa lộ SG-Biên Hòa rồi trực chỉ Sài Gòn, một cái cảm giác lâng lâng khó tả, khung cảnh hết sức quen thuộc, đi ngang Nghĩa Trang QĐ, tôi cố gắng nhìn tác phẫm Tiếc Thương của điêu-khắc-gia Nguyễn-Thanh-Thu**, nguyên là thầy dạy vẽ cuả chúng tôi, NĐMTrúc, NNĐiệp, VTTấn, HTThạch, VMCẫm... tại trường trung học Võ-Trường-Toãn, trạm lọc nước sông Đồng Nai với KT tân thời hợp với “gu” của tôi, nhà máy xi–măng Hà Tiên, phía bên trái của xa lộ nhìn thấy cái lạch nước bề ngang không rộng lắm nhưng dài và sâu là nơi mà những ngày nóng nực sau cours, VMCẫm, NDHạnh, BNLong (q.c.), LVRọt, HĐThưởng (q.c.)...và tôi rủ nhau ra bơi lội. Lạch này dẫn ra đến sông SG, cạnh cầu Sài Gòn, lên đến điểm cao nhất của cầu, tôi  nhì̀n chung quanh đồng ruộng bao la bát ngát xen lẫn cây cối xanh um**, lác đác vài ngôi nhà, đồng ruộng vẫn còn kéo dài đến dãy chòi tranh lụp xụp dành cho các cặp tình nhân không có nơi kín đáo để yêu nhau**...
 
.
 
z-lcq-TuongThuongTiec_2.jpg picture by tddesign
.
Tôi nhìn thấy tượng Thương Tiếc ở vị trí này từ trong cabine xe GMC
.


 
Càng vô gần Sài gòn, tôi trông thấy phụ nữ di chuyển trên xe gắn mày càng nhiều hơn, con gái SG vẫn còn nổi tiếng đẹp nhất nước nhờ cuộc sống sung túc, phương tiện vệ sinh đầy đũ, y phục thời trang mới nhất, đồ trang điễm dồi dào, phương tiện giải trí đa dạng...nhưng tôi không hiểu tại sao tôi không còn cảm thấy thích các cô nữa. Ba năm nay tôi quen sống ở các nơi quân trường, rồi “hoang đảo”, ở CR hoàn toàn không có đến một chiếc xe gắn máy, tôi cảm thấy các cô mộc mạc, giản dị, hồn nhiên, dễ thương hơn...

 
Vừa qua ngã tư Hàng Xanh, cả đoàn xe phải tấp vô hết đậu trước trạm Quân Cảnh* để chịu kiểm soát trước khi vào thành phố, trạm này gần sát bên Mì Cây Nhãn dời ra đây từ trước 1970. Người Trung Sĩ QC xét đến xe tôi, tôi trình Sự Vụ Lệnh đổi về SG , thẻ căn cước QN...ngưới lính QC nhìn thẻ cc, đọc xong SVL,... nhưng còn giữ trên tay, nét mặt khó đăm đăm, nhìn tôi hỏi:
- Sao Thiếu Úy để tóc dài quá dài vậy?
Tôi không bao giờ nói láo, chỉ trừ trường hợp tính mạng hay an ninh của chính mình và gia-đình bị đe dọa,  nhưng trường hợp này, tôi trả lời:
- Đơn vị tôi đóng tuốt ở trong rừng núi hoang dã, không có ai biết hớt tóc làm sao mà hớt?
- Ờ, tôi không biết ở đâu chớ về tới SG này, Thiếu Úy không được để tóc dài như vậy đâu!_ Nói đoạn anh trả giấy tờ lại cho tôi, tôi lẩm bẩm trong đầu:”Mẹ họ, không lo đánh giặc, chỉ lo vụ tóc tai”.
.
 
Ra khỏi trạm QC, qua khỏi cầu Phan-Thanh-Giản, xe tôi được quyền đi riêng, tôi chỉ đường cho anh tài xế chạy về Phú Nhuận, đường Cách mạng 1/11, hẽm 36 vào nhà thằng bạn Louis Dũng trước để gởi mấy món đồ cồng kềnh vì nhà nó khá rộng, nhà chúng tôi vì cho người Mỹ thuê nên tôi lại phải chỉ đường cho anh tài xế qua bên Nguyễn-Minh-Chiếu rồi Minh-Mạng, rồi lại tiếp tôi một tay khiêng đồ đạc vô nhà.

.
 
Nhìn thấy anh mồ hôi nhể nhại, tôi thấy là anh đã cực với tôi quá nhiều nên rút trong túi ra còn bao nhiêu tiền, khoảng hơn 2500$, biếu anh hết, cám ơn anh và anh cám ơn tôi rồi chào từ giả. Tôi bước vào nhà không còn cảm giác “Home sweet home” nửa!
______________________________________________________________________________________
.
 
chú thích:
.
 
* Mất thêm vài tiếng đồng hồ quý báu: xin xem Bạn KT CR_kỳ 8: Tranh thủ với thời-gian eo hẹp  
* Hướng dẫn ông ta vào chào Tr/Tá Sài: xin xem Bạn KT CR_kỳ 10.
* Thành: cách ranh Thành phố Nha Trang  độ 7,8km, vùng trù phú giống tương tợ đồng bằng Cửu Long.
* Câu-lạc-bộ cũ cúa tiểu đoàn CB 554 Xích Mã (Red Horse) Mỹ: xin xem hình trong Bạn KT CR_kỳ 5.
* Tr/Úy Tài: xin xem Bạn KT CR_kỳ 9.
* Nước mắm pha loảng, vô chai: đã được người Thái gốc Hoa làm ra vào cuối thập niên 70 và nay đã bán khắp nơi trên thế giới.
* Trận Hoàng Sa: dù HQVNCH bị thua nhưng cho đến nay, Trung Cộng vẫn còn hận vụ này. Dưới lệnh của Phó Đề Đốc Hồ-Văn-Kỳ-Thoại, HQ chúng ta đã khai hoả trước, tổng kết trận hải chiến đã bắn chìm 2 tàu địch, gây hư hại nặng cho hai chiếc khác, 1 Đô đốc cùng toàn bộ tham mưu, 4 Hạm Trưởng, 4 Đại Tá, 6 Trung Tá, 2 Thiếu Tá, 7 SQ cấp Úy, không kể mấy chục thủy thủ T.C. cũng vùi thây đáy biển.
Vì T.C. không làm gì được PĐĐ Hồ-Văn-Kỳ-Thoại nên nay cho tay sai dùng lời lẽ thâm độc để mạ lỵ Hồi Ký của ông.
* Trương-Minh-Dũng: đã nói đến trong Bạn KT- Cục Công Binh, về đến Sài Gòn (kỳ2)
** Những nơi này không ngờ là những nơi tôi được trông thấy lần cuối cùng trong đời trên xe ngày hôm đó.
* Trạm QC này cũng như các trạm khác ở đầu QL 4, QL 13 được thiết lập  từ sau vụ Mậu Thân 1968 để kiểm soát các vụ chuyển quân vào thủ đô.





.
by lamcongquyen
.

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.