copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Monday, November 12, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do ..bài thứ mười … The July 4th Boat, part 10 cont. by duongtiden.


.

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do ..

.



.

.



bài thứ mười .. tiếp theo bài chín … một ánh đèn đỏ giữa biển .. thật là mầu nhiệm ..


 

Ba bóng tầu ở ngoài xa một lúc, thật hiếm có ..

 
.

Buổi sáng, trời nắng nhẹ, gió thoang thoảng một sáng rất đẹp, chúng tôi từ từ tiến ghe lại gần mấy chiếc tầu sắt trắng ngoài xa, hìng như lúc đó vẫn đi xuôi về hướng đông. lại gần hơn, thi không bóng nguời trên ba chiếc tầu sắt, cách khoảng khá xa nhau. Ba chiếc tầu hoang, mắc cạn trong khu biển san hô, đầy đá ngầm bên dưới. Biển xanh trong nhạt, đượm mầu nước trong cạn. Nhìn biển chung quanh, khu này toàn đá ngầm san hô cạn, ba chiếc tầu sắt không biết làm sao lạc vào đây bỏ xác lại, chắc mới thôi, vì chưa thấy tầu sắt chuyển qua mầu rỉ sét đỏ. Không hiểu sao với hải hành đầy đủ, bản đồ mà họ lại bị mắc cạn, đâm tầu vào san hô, bỏ xác tầu lại, tới ba chiếc xa gần nhau, giờ nằm thẳng trên đá san hô, không chìm. Chúng tôi cũng chẳng đến gần hơn nữa làm gí, san hô đá ngầm lởm chởm chung quanh, ghe có thề đụng đá bể, kẹt ở đó là chết. Mấy chiếc tầu nằm đó chắc cũng khá lâu, từ xa đã nhìn thấy những thứ gì có thể gỡ đi trên tầu, đã được gỡ, đã được salvage nên chúng tôi giờ chỉ lo quay đi ra khỏi vùng biển đầy đá ngầm, nhìn kỹ để không bị va vào đá, bỏ xác ở đó như mấy cái tầu này.

.

Nhìn biển đầy san hô chung quanh thấy ngao ngán, chúng tôi đi chậm lại và bàn bạc, tôi dự đoán là đã đi vào vùng biển Trường Sa rồi, vùng biển này có nhiều đá san hô ngầm, rất khó đi, như vậy là cũng rời VN xa lắm rồi, đi tới nữa thì vào vùng phía nam của Palawan, Phi luật Tân, nhưng không có hải đồ và vị trí trên biển thì quá nguy hiểm, ban đêm có thể lao vào đá ngầm san hô, y như chỗ này, thì coi như bể ghe mà chết đói thôi, vì không có ai lang thang vùng biển này để hy vọng được cứu vớt, tôi đã nhìn thấy trên hải đồ trên chiến hạm số 5, ghi rõ là vùng dangerous sea cho tầu tránh. Tôi bàn là bây giờ có thể xuôi xuống Tây Nam, tìm đường ra hải phận quốc tế lại, rồi tính sau, nếu đủ dầu, thì cứ đi hoài xuống Nam có thể đụng Borneo hay xa hơn nữa, còn đi trong vùng biển san hô này, ban ngày còn nhìn thấy để tránh san hô, ban đêm thì chết chắc. Chúng tôi chuyển hướng đi khác về Tây nam … hướng đi định mệnh !! .

Bây giờ hình như mì gói vẫn còn, sữa đậu nành thì hết rồi, mỗi ngày, bốn đứa chỉ ăn có hai gói mì, rồi cạp cùi dừa để sống. Đi ra khỏi VN được gần đúng một tuần rồi, không ngờ đi lâu tới như vậy mà vẫn chưa được cứu vớt hay tới được bờ bên kia. Thực sự theo tính toán từ trước với PhD, không hy vọng gì đi tới bờ bên kia bằng cái ghe nhỏ này, chỉ hy vọng được tầu lớn cứu vớt thôi. Lúc này tình hình sức khỏe bốn đứa, thì chưa có đứa nào ngả bịnh gì, còn nôn mửa say sóng thì cũng bình thường theo những cơn giông, cơn sóng mạnh. PhD và Boy thì cận thị, đeo kiếng, kiếng hai tên này thi bể gọng rồi, tuy nhiên vẫn giữ được kiếng, hai khúc.


Tới tối, trời không mưa, trong, nhìn thấy đầy sao, tôi có dịp nhìn chùm sao Hiệp Sĩ hay Nam Tào học từ sách Hướng Đạo, ba sao đỉnh đầu vai, ba sao ngay thắt lưng, thanh kiếm rồi sao dưới chân, cứ từ chân lên đầu là hướng Nam, hướng chúng tôi đang xuôi xuống, chệch qua Đông Nam. PhD lái ghe, tôi tát nước, trời không mưa, sóng không lớn mà biển yên lặng, nên nước không vào ghe nhiều, tôi không phải tát nước gần nhau, mà rất lâu mới phải xuống tát nước một chút, còn thì ở sau ghe, nói chuyện với PhD, ngó trời biển mênh mông, nhiều sao, cứ vậy mà ngó vòng quanh chân trời. Ống nhòm đã bị văng mất mấy ngày trước rồi, giờ chỉ có quan sát bằng mắt trần. PhD cận thị, mắt tôi thì nhìn xa còn rất tốt.


Tối nay, ngoài ghe khô ráo, nguyên ngày nắng ấm, đêm đầu tiên không bị ướt át, nên đứng ngoài ghe trời mát, nhìn chung quanh, đều tối như nhau và chỉ ít sao trên trời, nên vùng không gian lúc đó không nhiều mầu lắm, chỉ đen tối gần chung quanh và sao sáng nhạt trên trời. Tự nhiên, mắt tôi thấy vướng bận một cái gì, một cái gì mầu đỏ. Tôi nhìn thấy một đốm đỏ giữa vùng đêm tối, dụi mắt cho kỹ và nhìn lại nữa, tôi vẫn thấy cái đốm đỏ trong bầu trời đêm, ngang tầm mắt ngoài xa. Tôi nhìn thấy một ánh đèn đỏ. Vỗ mặt cho tỉnh táo, rửa mặt bằng nước biển, để nhìn cho kỹ lần nữa, chứ không phải bị mê vì tưởng tượng. Đúng, tôi đã nhìn thấy một ánh đèn đỏ nhỏ xíu trên biển, nhỏ lắm nên PhD không hề thấy, dù cũng nhìn quanh như tôi.


Tôi cho PhD biết là đang nhìn thấy ánh đèn đỏ trên biển, tôi xúc động lắm, có thể sẽ gặp một cơ hội sống sót, hay ít ra cũng đã ra lại được vùng có nhiều tầu qua lại. PhD cũng bàng hoàng, nhưng nhìn theo hướng tôi chỉ, không thấy gì, phải lấy kiếng bể trong túi ra, đưa lên ngắm rồi cũng rất mừng vì cũng thấy cái điểm đỏ giữa đêm tối, lúc đó phải qua nửa đêm. Khi quan sát, tôi thấy hình như ánh đèn đỏ này không di chuyển. PhD đổi hướng ghe qua lại để tôi đo khoảng cách và chờ ánh đèn đỏ di chuyển theo hướng khác. Đổi hướng ghe vài lần, nhưng thấy ánh đèn đỏ nằm yên một chỗ. Tôi e ngại, mình chưa thấy có cái tầu nào đứng yên trên biển trong đêm tối bao giờ, giữa biển, cái gì cũng di chuyển hết.

Bàn với PhD, đèn đỏ không di chuyển là có thể đèn bờ, ngoài ra thì có thể là tầu bỏ neo giữa biển, khoảng này biển cạn, có thể có tầu bỏ neo nằm một chỗ. Ngoài ra có thể là đang trong vùng biển của quần đảo Trường Sa, có thể là đèn bờ của hòn đảo nào đó, cũng khó lắm, lúc đó chỉ có một đảo An Bang của Trung Hoa Quốc Gia là có đóng quân từ sau đệ nhị thế chiến, VNCH có đóng trước 75, nhưng làm gì có dư nhiên liệu chạy máy đèn đỏ vào ban đêm. Bây giờ lại gần, rồi nếu là bờ thì tính sau. Tôi và PhD nhắm đèn đỏ mà đưa ghe tới lần. lâu lắm mới thấy đèn đỏ gần và rõ hơn. Tôi nói với PhD nếu mà thấy núi cao chập chờn lờ mờ phía sau thì đổi hướng chạy ra, vì coi như quay về lại bờ VN, mới có núi cao, còn đảo nhỏ ngoài Trường Sa thì hầu như không có núi, chỉ cao hơn biển ít thước. Còn bờ VN, không lẽ vô duyên tới độ cắm đầu chạy về hướng Tây mà không biết, mới quay chiều xuống Tây Nam hơn nửa ngày, làm gì đã dạt về bờ VN sớm thế, tuy nhiên vẫn phải đề phòng, không lẽ đã đi nguyên cái vòng tròn trên biển ?


Trời ơi sống rồi, sống rồi … không bị xua đuổi nữa !!!


Mất cái ống nhòm rồi, nếu không, cũng thu khoảng cách vài cây số lại gần, gần hơn nữa, thì là một cái tầu sắt, đầy đủ cabin, như tầu đánh cá nhỏ, nằm yên giữa biển, bỏ neo nghỉ. Đánh thức Boy và Dao dậy, để sửa soạn mọi thứ cầu cứu khi gặp tầu. Khung cảnh rất yên lặng, bắt đầu nhìn thấy nhiều ánh đèn sáng khác trong tầu tỏa ra, ánh đèn đỏ là cái đèn cao nhất trên cột tầu, một lá cờ đỏ, toàn mầu đỏ, nhưng có góc xanh trên đầu. Chúng tôi hạ máy ghe từ từ đến gần, không muốn làm cho người trên tầu này kinh hoảng, vì ghe chúng tôi không có đèn đuốc, dầu hiệu, hay ánh sáng gì hết, như con ma, man dại đi trong đêm tối. Đến gần hơn nữa thì thấy trên tầu không có sinh hoạt gì, hình như họ đều ngủ hết, rất yên lặng, đèn sáng trên cabin, ngoài bong tầu, chỗ nào cũng có đèn sáng đầy đủ. Đây là tầu đánh cá Hồng Kông, đã nhìn thấy lá cờ đỏ với góc xanh, cờ Anh nhỏ trong đó.


Họ ngủ thật, không có ai nhìn thấy, hay ghe tiếng máy ghe của chúng tôi nổ, trên tầu cũng chỉ có tiếng máy điện của họ chạy tiếng máy nhỏ. Trời ơi, mừng quá, một cái tầu HK nằm ngủ giữa biển thiệt hiếm có, chúng tôi đã đi một tuần trên biển rồi, đói mệt, khát, giờ chỉ có việc cặp lén vào, nhẩy qua, tìm chỗ ngủ, rồi ra sao thì ra, không lẽ họ giết hết chúng tôi, thả ghe mình đi rồi thì chỉ có quăng chúng tôi xuống biển thôi. Tôi nói với PhD, bây giờ cặp ghe lại, nhe nhẹ, leo lên tầu họ kiếm chỗ ngủ, rồi tính sau. PhD không chịu, nói làm vậy không được, không lịch sự. Tôi cũng bực mình cằn nhằn “ vậy mày đâm hụt cái tầu Đài Loan mấy lần không được, cũng là lịch sự lắm phải không, bây giờ có cơ hội thoát lên tầu, không làm thiệt hại ai hết, may mắn lắm mới có dịp này, không phải lúc nào cũng có cái tầu ngủ giữa biển chờ đâu”. PhD vẫn không đồng ý. Boy và Dao thì yên lặng, không ý kiến gì.
.

Rồi mặc kệ cho tôi phản đối, PhD đưa nhẹ ghe ngang gần cabin tầu, lúc này ánh đèn tầu này tỏa ra vùng biển chung quanh, có thể nhìn thấy ghe chúng tôi bên cạnh rất rõ, không có ma quái nữa. PhD kêu ai đó phất cái cờ trắng S.O.S lên rồi rống lớn:

.

_ Hi .. Hello !!!! how are you … we need help !!! help !!! help !!!


Mấy tên rống theo, chỉ có tôi yên lặng vì tức, vì không leo được lên tầu HK trước. rồi bỏ ghe trôi đi, một giải pháp dễ dàng và nhẹ nhàng, khỏi bận tâm. Từ trên đài chỉ huy, cabin trên cao, có một người có lẽ là người canh gác, phải thức mà lại ngủ quên, tung cửa cabin chạy ra, xuôi theo thang xuống bong tầu, nhưng vội qúa, người này trượt thang dốc, té từ trên cao xuống thấp, rồi bò dậy, kêu la mấy người khác trong tầu kéo nhau ra. Trên cabin có người khác, pha đèn lên, quay đèn pha vào ghe chúng tôi, không thấy có người nào cầm súng ra hết. Chúng tôi đúng bên này ghe, đưa hai tay trống ra, chỉ có cầm phao đỏ, và cầm cờ trắng S.O.S vẫy, dáng điệu hiền lành, tự mở thêm đèn pin, chiếu vào ghe chúng tôi.

Sau giây phút bàng hoàng đó, thì họ dàn ngang bong tầu, trên dưới nhìn chúng tôi. PhD giữ ghe cách khoảng không gần tầu sắt lắm cho có vẻ không gây ra nguy hiểm cho họ.

_ We are Vietnamese refugees … ve run away from Viet Nam, please save us !!!

Chúng tôi gào to bằng tiếng Anh, Tiếng Pháp .. chỉ thiếu tiếng Quảng Đông mà thôi .. không biết có đứa nào gào lên .. Ngộ Chẩu VN không ? nếu có, chắc họ cũng hiểu. Mừng quá, bên tầu HK, nói được lập bập tiếng Anh, trời ơi mừng quá, mừng chẩy nước mắt, nhớ tầu Đài Loan mấy ngày trước, không biết tiếng gì hết, thì bây giờ thật là mừng. Mấy người bên tầu HK cởi mở hơn, không còn nghi ngờ chúng tôi là cướp biển nữa, vì lúc họ đang ngủ, chúng tôi đã có thể dễ dàng đánh cướp tầu họ nếu muốn. Nhờ điểm này, nên họ không nghi ngờ nữa, mà vui vẻ trao đổi dấu hiệu tay, tíếng Anh rất tối thiểu với chúng tôi. Họ ở trên lan can tầu cao nói vọng xuống và làm dấu, chúng tôi đứng trên mui ghe nói vọng tiếng Anh lên và cũng làm dấu khi họ không hiểu rõ. Tầu HK biết một chút xíu tiếng Anh là dĩ nhiên, vì HK lúc đó là thuộc địa của Anh Quốc. Chiếc tầu sắt HK này to lớn và nhiều người hơn chiếc tầu cây của Đài Loan mấy hôm trước.


Trao đổi được bằng tiếng Anh và dấu hiệu ngôn ngữ tay chân, thiệt là qúa mừng, họ hiểu chính xác là chúng tôi vừa thoát ra khỏi VN tìm tự do, sau một tuần đi trên biển, giờ chúng tôi sắp hết dầu máy, hết đồ ăn và thiếu nước, và trong ghe có vài trăm trái dừa tươi. Còn họ, tầu Hồng Kông, mới bắt đầu rời bến đi đánh cá, theo chương trình thì phải 14 ngày nữa, đầy cá, họ mới trở về HK. Còn đón vớt chúng tôi thì không có vấn đề gì khó khăn, sẵn sàng vớt, chúng tôi cứ đi theo họ đánh cá, rồi về Hồng Kông sau. Còn vị trí chúng tôi ở đâu trên biển, thì ở hải phận quốc tế, cách một vùng đảo phiá Đông Nam, chỉ cách chừng 8 tiếng, muốn đi tiếp tới đó cũng dễ.
.


z-td-477-map1.jpg picture by tddesign


1: ra cửa sông Hậu Giang từ cần Thơ. 2: Đảo Côn Sơn ở phía Nam. 3: từ cửa sông Hậu, đi xuống Đông Nam rồi đâm thẳng hướng Đông ra hải phận quốc tế, gặp tầu đánh cá Đài Loan ở khoảng này. 4: đến đây thì nhìn thấy đầy san hô và tầu mắc cạn, chuyển hướng đi xuống Tây Nam, hy vọng ra đường tầu lớn trở lại. 5: gặp tầu đánh cá Hồng Kông sau nửa đêm. 6: nơi có nhiều hòn đảo nhỏ do tầu HK chỉ hướng ....

 
Tôi thì chỉ muốn xách bị bao dù, lên tầu HK nằm ngủ một giấc, 14 ngày sau sẽ đi về HK, hơn hai tuần nữa là ở HK, coi như thoát khỏi VN và thành công vượt biển tìm tự do. Còn PhD thì muốn đi tiếp, vì chỉ cách hòn đảo có 8 tiếng, còn hơn phải đợi trên hai tuần nữa lềnh bềnh trên biển, say sóng. Tôi thì thấy an toàn, cầm chắc dịp may trước mặt là hơn. Cứ suy nghĩ, nếu PhD không đổi ý, có lẽ tôi sẽ tách ra một mình đi lên tầu Hồng Kông. Bây giờ tôi lấy giấy tờ ra, ghi chép bằng tiếng Anh đại khái chúngtôi là ai, đi từ VN ra ngày 4/77, bây giờ gặp tầu HK, cho địa chỉ của anh tôi ở Australia, để sửa soạn nếu phải giã từ tầu HK. PhD thì muốn đi tiếp, không muốn bỏ ghe, giờ sau một tuần, PhD thích lái ghe lắm, vả lại chỉ có thêm 8 tiếng là tới bờ thay vì ba tuần nữa. PhD chỉ muốn phóng ghe tới vùng nhiều đảo có người đó, thay vì bám đi theo theo tầu HK trên hai tuần nữa. PhD chỉ muốn lên hoang đảo làm Robinson.

Tôi suy nghĩ, đi chung với nhau, mà giờ tôi ham sống hơn bỏ tách ra, mà tôi đi tìm cái sống thì ham sống là lẽ tự nhiên, là quyền chọn lựa, quyền sống của cá nhân, đâu làm thiệt hại ai, tại sao lại phải chọn đường mơ hồ khó khăn hơn, tôi đâu có tài năng nhiều như mấy đứa kia, hay có thể là tài ngu hơn tới như vậy, không biết gì sẽ xẩy ra, mấy tên kia không thích đi theo tầu HK đó là chọn lựa không ngoan hơn của tụi nó, đâu ai ép. Tuy nhiên, chỉ có 8 tiếng tới đảo có người, cũng là điều hấp dẫn nếu sợ say sóng, lắc lư thêm vài tuần nữa. Tầu HK sẵn sàng cho đồ ăn, và chỉ đường cho đi, xin bản đồ thì họ không cho, còn thấy cái địa bàn nhỏ xíu cầm tay của chúng tôi, thì họ nói sẽ cho cái hải bàn tốt hơn. Xin lên tầu coi hải đồ và định vị trí cho chắc ăn, thì họ không cho lên hết 4 đứa, mà chỉ cho 2 đứa lên thôi. Dĩ nhiên là PhD phải lên, còn tôi cũng muốn lên lắm, nhưng Boy cũng muốn lên, nên tôi nhường cho Boy lên vì tên này lái ghe trên biển được, tôi thì không lái được khi gặp sóng to. PhD và Boy leo lên trên tầu HK, tôi có dặn kỹ coi phương hướng và nhớ tên đảo, nhớ hải đồ cho thật kỹ. Tôi cũng không muốn dành lên tầu làm gì, vì lát nữa tôi có thể quyết định đi theo tầu HK một mình về HK tị nạn, nếu mấy đứa kia không muốn đi theo, thì tôi đâu cần phải coi vị trí, hải đồ làm gì. Tôi, chính tôi nhìn ra cái đèn đỏ tầu HK, định mệnh cuộc đời tôi đã hẹn trước, dàn xếp ra cái đèn đỏ ra nằm sẵn đó chờ đợi tôi mà. nếu lúc đó tôi không thèm nhìn gì cả trên biển, thì số phận tất cả sẽ ra sao ?


Trên tầu HK cũng cho hai người xuống coi ghe, và coi số dầu còn lại của chúng tôi, coi có đủ đi tiếp không, lúc thấy mấy trăm trái dừa thì họ thích lắm, tôi biếu họ dừa tươi, nói muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Họ lấy lên vài chục trái dừa tươi. Lúc này, tôi băn khoăn lắm, vẫn chưa quyết định là theo tầu HK, hay đi tiếp trên ghe với ba tên còn lại. Theo kinh nghiệm đời ngắn ngủi và sự suy nghĩ theo logic, thì tôi trải qua quá nhiều khổ cực, có thể đây là may mắn cuối cùng, để tìm sống, không nên bỏ qua. Phần còn lại thì cũng không nguy hiểm lắm, chỉ chục tiếng nữa là đến đất liền, tha hồ làm theo ý mình, một tuần trên biển, thêm nửa ngày nữa là tới đảo. Tuy nhiên gần ba tuần nữa, đến HK tị nạn vẫn hơn là lên cái đảo hoang vắng nào đó, dù tầu KH cho biết vùng đảo này thuộc Nam Dương, xứ tự do Indonesia, và có chính quyền chấp nhận người tị nạn.

Tôi mừng lắm, thật là may mắn gặp được tầu đánh cá HK, thật là thân thiện giúp đỡ, vui vẻ và thán phục chúng tôi đã liều mình ra đi. Trời ơi sống sót rồi.

 
hết bài thứ mười …

đọc tiếp bài thứ mười một …. Tôi không hiểu tại sao lúc đó tôi lại ra ngoài ghe để nhìn trời tối chung quanh, nhìn vẩn vơ để thấy cái đèn đỏ, cái đèn đỏ mà gần đây, vài năm trước, tôi nhìn cái đèn đỏ giao thông ở ngã tư, mà tự nhiên toát mồ hôi lạnh, định mệnh của tôi đặt trước cho tôi cái đèn đỏ neo ngoài biển … mênh mông biển trời, định mệnh neo ngay cái đèn đỏ trên đường ghe chúng tôi đi … tại sao có chuyện tình cờ như sắp đặt như vậy … trời ơi biển cả mênh mông vô tận mà.. , tôi đấm tay vào mấy trái dừa ứa nước mắt, cắn môi muốn bật máu ..


hết bài thứ mười ... sẽ tiếp theo bài thứ mười một ...

tôi chỉ có tự trách mình một cách .. thật là ngu si .. bây giờ sắp chết cũng đáng cái ngu ... may mắn không phải cứ tự tìm đến lần nữa ...

duongtiden, duongtiman, dai hoc kien truc saigon, boat people, thuyen nhan, ti nan VN, july 4 boat, escape from viet nam, con thuyen thang bay, thuyen nhan viet nam, vietnam boat people, refugee camp indonesia.

.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.