copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Thursday, August 25, 2011

Chuyện An Lộc sau trận chiến hè 1972, bài viết của Bác Sĩ Quân Y Ẩn ... trong site của Cựu Sinh Viên Trường Quân Y vào năm 2010 ..

.

.

.
.


Dưới đây là bài viết về An Lộc những năm sau trận chiến hè 72, của bác sĩ Quân Y Ẩn, trên trang WEB của cựu ... Trường Quân Y. Tôi mang về đây, và xin cám ơn tác gỉa rất nhiều. Một chuyện, trong ngàn câu chuyện riêng tư dính bùn đất đỏ của An Lộc đìu hiu ngày nào ..
.
.
Trần Trung Cấp
.
.
NNA

Những nhân vật được nêu tên trong truyện đều được đổi tên cho khỏi đụng chạm và đa số hiện vẫn còn sống. Nếu có trùng hợp với bất kỳ ai, xin nhận nơi đây lời thành thật xin lỗi của tôi.(NNA)
Ngày 27/1/73, hiệp định hoà bình (phải gọi là Hiệp định Ngưng bắn Tại chỗ thì đúng hơn) được ký ở Paris. Lúc đó tôi còn nằm trong trại tù binh ở rừng núi Lạng sơn, Bắc Việt. Tôi biết, theo tinh thần hiệp định Paris thì tất cả (chữ “tất cả” phải được nhấn mạnh, tù binh quân và dân sự của hai bên phải được trao trả cho bên kia trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày. Tôi ở ngoài Bắc về Nam ngày 21/3/73, chỉ một tuần nữa là hết hạn trao đổi tù binh. Tiếp theo đó là thời gian coi như bị tạm giam bởi Sở 3 An Ninh Quân đội để điều tra về cái tội bị VC bắt mà không trốn thoát hay vượt ngục cho tới khoảng tháng 5 hay tháng 6 gì đó thì tôi xuất trại ANQĐ để trở về đơn vị gốc của tôi là Liên đoàn 5 BĐQ lúc bấy giờ đang hành quân ở An Lộc, Bình Long...

Tôi không hiểu sao nhưng thời gian đóng quân ở An Lộc đã đi vào tâm khảm tôi một cách sâu sắc mà bây giờ, ngồi viết những dòng nầy đã gần 40 năm qua mà tôi tưởng chừng như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua nên xin mạn phép ghi lại tất cả cảm nghĩ của tôi về thời gian ở trong quân ngũ và đóng quân ở An Lộc trước khi đi vào chuyện...

Tình hình thị xã An Lộc sau trận đánh lớn năm 1972
An Lộc sau trận tổng tấn công năm 72 vẫn không bị rớt vô tay địch quân và các đơn vị tử thủ đều được rút đi hết để thay vào đó là hai liên đoàn BĐQ 3 và 5 dưới quyền điều khiển của đại tá Nguyễn thành Chuẩn, đương kim chỉ huy trưởng BĐQ vùng 3 lên đó làm tư lệnh mặt trận lên đóng để gìn giữ những miếng đất nhỏ còn lại. Phải gọi là miếng đất nhỏ vì thị xã An Lộc năm 73, sau trận đánh vô cùng khốc liệt năm 72 thì hoàn toàn không phải là một thị xã bình thường như bao nhiêu thị xã khác ở miền Nam (hay trên thế giới !) Thị xã không lớn, chỉ có diện tích như Dalat và lại thêm cái vị trí đồi chập chùng nên càng giống thành phố Dalat, chỉ thay vào cây thông là những hàng cao su thẳng tắp của những đồn điền trong ngày xa xưa.

Điều đáng nói là VC đã coi như sắp lấy được An Lộc năm 72 trước khi bị quân ta đánh bật ra ngoài nên năm 73, chúng ta coi như chỗ nào trong thị xã trước đó đều có VC vào thăm rồi nên hiện thì địch đã có tọa độ của mọi điểm trong thị xã, bất cứ giờ nào, muốn pháo vào đâu là chúng có thể cho chúng ta ăn vài loạt pháo ngay đúng vào chỗ chúng đã muốn. Còn pháo đặt ở đâu thì càng dễ hơn nữa vì nếu An Lộc có cái chu vi thị xã chừng 2 hay 3 cây số thì chỉ có bao nhiêu đó là quân ta đóng chốt để phòng thủ, còn tất cả đất đai, rừng cao su hay rừng già miền Nam chung quanh thị xã đều do địch chiếm ngụ.

Thường dân có mặt ở An Lộc rất ít, chỉ gồm những người bởi một lý do nào đó đã không bỏ đi, nay họ ở lại thì sống 100% bằng nghề buôn bán và khách hàng cũng 100% là lính các đơn vị chung quanh. Họ tập họp theo hai dãy phố lầu dài theo chợ cũ của thị xã cũng như một vài quán tiệm lẻ tẻ đâu đó trong thị xã. Đông nhất là ở ngã tư đường đi Lộc Ninh, hàng quán rất nhiều mà toàn bán café và khách hàng 90% là lính của Liên đoàn 5 vì Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 BĐQ thì gần ngay đó chừng gần 1km. Nhưng tổng số dân sống trong thị xã không lên đến con số vài trăm người và hầu hết là đàn bà. Và vì là cái đảo quốc gia bị Cộng quân bao vây, An Lộc không có giao thông đường bộ trở về bất cứ đâu kể cả về quận lỵ gần nhất (cũng thuộc tỉnh Bình Long) là Chơn Thành.

Nói cho đúng, An Lộc 73 phải nói giống như một cái đảo nhỏ của ta với đường kính vài cây số ở trên mặt biển là VC dầy đặc chung quanh. Nhưng đâu phải chỉ có thị xã An Lộc mà thôi, quận ly Chơn Thành cũng không khác gì vì đó cũng là cái đảo còn nhỏ hơn cả đảo An Lộc. Nói gì về tỉnh kế cận là tỉnh Bình Dương hay xa hơn như thành phố Saigon, tất cả việc giao thông với bên ngoài đảo An Lộc đều phải thực hiện bằng trực thăng, hể tản thương hay quan lớn lên xuống thì là trực thăng cở nhỏ, còn chuyển quân hay lên xuống lương thực tiếp tế cho An Lộc hàng ngày đều trông cậy vào mấy chiếc Chinook của Sư đoàn 3 KQ ở Biên hoà. Mà đã lên xuống bằng trực thăng thì dù trực thăng lớn nhỏ cở nào, VC đều ra sức bắn hạ cho được, việc dùng súng trường là thường, chỉ có một lần cuối năm 74, chính mắt tôi thấy, chúng đã dùng hoả tiển SAM để bắn một chiếc Chinook rớt ngay ngoài hàng rào phòng thủ của quân ta. Dĩ nhiên, VC tràn tới xác chiếc Chinook để tìm chiến lợi phẩm và bên ta, đại đội trinh sát của Liên đoàn 5 BĐQ phải mở đường máu tiến vào xác chiếc máy bay chỉ để khiêng xác 13 người tử nạn trở về. (Phải nói là may mắn thì thường chiếc Chinook chở hơn 30 quân nhưng hôm bị bắn rơi, chiếc Chinook phải câu một bành lương thực thật lớn nên chỉ chở được có 13 hành khách. Có điều không may là nếu nó chở đông thì chở bất kỳ ai, đàng nầy vì bị giới hạn chỉ chở 13 người nên nó chở toàn sĩ quan và đau đớn thay, 13 sĩ quan nầy toàn là sĩ quan BĐQ, trong đó có 10 là của Liên đoàn 5 BĐQ của tôi).

.
.

.
.


Nếu VC có thể bắn vào thị xã An Lộc bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào thì vấn đề trực thăng mỗi khi đáp xuống là một vấn đề cho quân đội ta vì chỉ trong mấy phút đậu yên trên mặt đất thì chiếc trực thăng đó sẽ là chiếc mồi ngon cho địch bắn... Xin kể bao nhiêu kiểu lên xuống máy bay trực thăng trong suốt thời gian tôi theo đơn vị đóng quân trong thị xã...

Quân ta ở An Lộc
Về quân đội ta trấn đóng ở An Lộc, sau nầy ở lâu tôi biết được là ngoài 2 Liên đoàn BĐQ 3 và 5, chúng tôi còn có mấy đại đội Địa Phương Quân để phụ giúp. Các ban ngành của Tỉnh Bình Long, đa số cũng đóng ở An Lộc như Ty An Ninh Quân đội, một trung đội Quân Cảnh Tư Pháp, một Đài Viễn liên chỉ có chừng một tiếu đội dưới quyền của một thiếu úy trẻ, một Ty Y tế mà chỉ gồm có Bệnh viện Tiểu khu Bình Long v.v...

Nói về BV Tiểu Khu Bình Long thì có nhiều chuyện đáng nhớ. Y sĩ trưởng kiêm Trưởng ty Y tế Bình Long là bác sĩ Tín (hay Tính ? Xin lỗi vong hồn anh tôi không nhớ họ anh mà chỉ biết anh có một nốt ruồi to trên mặt nên từ ngày học Y khoa và biết anh với tư cách Aide d’Anatomie ở Cơ thể Học viện đường Trần Hoàng Quân, tôi nghe ai cũng gọi anh là Tín Nốt ruồi. Sau nầy, tôi nghe anh qua đời vì cái nốt ruồi của anh là Noevo Carcinome. Cám ơn anh Tín rất nhiều ở những cái anh dạy cho tôi) dưới quyền anh Tín chỉ có 2 bác sĩ cùng khóa 19 HD là bác sĩ Chu Phú Chung và Lý Phương Lâm. Vì kế lớp nên biết nhau nhiều, riêng Lý Phương Lâm lại còn học chung trường Võ Trường Toản những ngày ở trung học...)

Hễ thương binh cần tản thương về chữa trị thì BV Tiểu khu lo cho Địa Phương Quân và các ban ngành khác, còn bệnh xá chúng tôi nhỏ hơn nên chỉ lo cho Biệt động quân. Sau anh Tín đổi đi rồi (năm 74) chức vụ của anh được thay thế bằng bác sĩ Thân Trọng An (sau tôi một lớp, hiện ở Montréal, Canada) và tăng cường thêm 3 bác sĩ rất trẻ cùng khóa 20 HD. Dĩ nhiên, không cần nói, anh em đồng nghiệp ở nơi lửa đạn quen nhau và thương nhau rất nhiều.

Tôi một lần vì bênh vực các đàn em khóa 20 nầy mà đa suýt đánh anh chàng thiếu úy của Đài Viễn liên trong một dịp mời các trưởng đơn vị ăn nhậu ở dinh Tỉnh trưởng (đại tá Phạm văn Phúc, nguyên chỉ huy trưởng Liên đoàn 3 BĐQ thời đi sang Kampuchia năm trước) Ngoài ra, từ ngày VC vây chặc trại Tống Lê Chân thì một số quân nhân của tiểu đoàn 92 BĐQ Biên Phòng (là đơn vị gốc ở Tống Lê Chân) bị kẹt lại không trở về đơn vị được nên họ được tổ chức thành 1 đại đội để lảnh trách nhiệm một tuyến bao quanh An Lộc. Đại đội của 92 nầy được đặt dưới quyền chỉ huy của đại úy Tùng, nguyên tiểu đoàn phó 92, vì đi học gì đó mà bị kẹt lại ở ngoài An Lộc (đ/úy Tùng là anh ruột tôi).

Ngày đầu tiên lên An Lộc

Lần đầu tiên tiếp xúc với pháo của Cộng quân là ngày tôi trở về với đơn vị và lên hành quân. Sân bay trong căn cứ Long Bình được gọi là sân bay cho nó dễ phân biệt với những vị trí khác trong căn cứ chớ thiệt ra, nó chỉ là mảnh đất nho nhỏ được tráng nhựa vừa đủ chỗ cho chiếc Chinook đậu “rước khách” mà thôi. Đường bay Long Bình - An Lộc là đường bay duy nhất của Chinook ở cái sân bay nầy. Chung quanh sân bay là bao nhiêu hàng quán của gia đình binh sĩ, họ ra đó để bán hàng cho quân nhân lên xuống hành quân để kiếm thêm chút đỉnh vào phần thu nhập của gia đình. Vì là bên trong căn cứ nên khi trời nắng thì cái nắng nóng rất khủng khiếp nên các hàng quán nầy đều căng những tấm tarp để che nắng và khách ngồi bu xung quanh nên trông cảnh tượng thật vui giống như mọi hàng quán ở trong nước vậy.

Chiếc trực thăng Chinook to tướng nằm ngay giữa sân bay, người ta đi qua đi lại ồn ào, thông thường là vợ ra đó tiển chồng đi lên hành quân. Các quân nhân có trách nhiệm (trực thuộc đại đội 3 Quân cảnh của Quân đoàn 3) lo việc kiểm soát giấy tờ lên hành quân của các quân nhân hầu hết là BĐQ cũng như lo việc cất hàng lên máy bay để tiếp tế lương thực cho An Lộc. Tới lúc khởi hành thì các quân nhân đi một mình không người đưa tiển ôm cái ba lô hay túi xách lên theo bửng sau mở rộng, lên máy bay càng sớm càng dễ có chỗ ngồi là những sợi dây nylon đan lại với nhau làm ghế cho “hành khách”. Những ai có vợ con đưa tiển thì làm sao tránh được cảnh kẻ ở người đi và nước mắt của mấy bà vợ lính thì đổ ra nhiều vô số kể. Ai cũng biết đây là lần chót thấy mặt chồng, biết đâu sau hôm nay họ sẽ thành goá phụ ? Hay nhẹ ra là ít nhất một năm sau, chồng họ mới được về phép!

Bận bay lên An Lộc có vẽ bình thường vào lúc đầu trừ có mỗi việc trực thăng bay lượn giống như hát xiệc. Những người lính ngồi gần tôi trên trực thăng giải thích là chiếc máy bay càng lạng qua lạng lại nhiều chừng nào là Cộng quân càng bắn lên nhiều chừng nấy và trực thăng lạng là để tránh đạn của địch. Có khi trực thăng còn bắn ra trái sáng để “gạt” hỏa tiển tầm nhiệt của địch ... Chừng hơn nửa giờ sau khi bắt đầu bay là mọi người đứng dậy cả, tay ai cũng cầm cái túi hành lý rồi tiến ra phía sau máy bay. Lúc nầy thì chiếc Chinook đã hạ cái bửng sau xuống trống hoác. Tôi thì hoàn toàn không hiểu gì hết, chỉ việc ai làm sao tôi làm vậy, tôi cũng đứng dậy, tay xách cái sac marin hành lý cũng xếp hàng theo anh em. Anh chàng đứng trước mặt tôi quay lại cười với tôi : Bác sĩ mới ra trường hả ? Em hồi đó giờ chưa bao giờ biết mặt bác sĩ ... Mình sắp lên tới An Lộc rồi đó ... Tôi thì chuyên môn mang huy hiệu hay lon lá bằng chỉ thêu màu đen nên không dễ gì thấy con rắn đen nhỏ xíu trên ngực áo tôi nên tôi hỏi ngược lại :”Sao anh biết tôi là bác sĩ ?””Dạ dễ mà ông. Đâu bao giờ trung úy nào có một đám quân y tá đưa đi như ông hồi nảy đâu.” (Anh chàng nầy đúng là có óc quan sát và suy luận chính xác! Tại anh ta nhìn kỷ lon lá của tôi nên tôi mới nhìn kỷ lại, anh ta mang chữ V cũng thêu đen trên tay áo trái và giờ nầy tôi mới thấy anh là trung sĩ với chữ C A P trên túi áo) Tới lúc nầy, nhờ đứng gần cái bửng sau đã mở rộng, tôi thấy những đường đạn đạo từ dưới đất bắn lên và những tiếng nổ đì đùng của những trái sáng do máy bay thả ra.

Bây giờ thì máy bay đã xuống rất thấp, tôi đã có thể trông thấy mặt đường nhựa loang loáng chạy ngược theo chiều của chiếc máy bay. Những người lính, chắc chắn họ đã lên xuống nhiều lần nên có kinh nghiệm hơn tôi nhiều, bây giờ họ bắt đầu thảy bị quân trang xuống đường và tôi tới phiên cũng phải làm theo tuy chưa hiểu gì cả. Cũng may là cái sac marin của tôi chứa toàn quần áo chớ cở có cái gì bằng sành bằng sứ hay bằng chai thì chắc chắn sẽ bị bể nát ra cả. Anh trung sĩ giải thích : Mình chỉ xuống có một mình chớ xách cái gì thì đâu được ... Tôi nghĩ chắc lát nữa khi máy bay đậu lại, anh em sẽ trở lại tìm đồ của mình ai ngờ anh lính đứng đầu tiên kế cái cửa trống phóc đã quay người lại, nhìn vào trong thân máy bay và nhảy ào ra khỏi chiếc máy bay.

Phải tả cho chính xác là tuy chiếc Chinook đã bay thấp sát mặt đường nhưng nó vẫn còn bay và so với xe hơi, phải nói là vận tốc rất nhanh vậy mà trong chớp mắt, những quân nhân có mặt trên máy bay đứng trước tôi về phía cái bửng đã nhảy xuống sạch trơn. Tôi tự hỏi : Không biết nhảy kiểu nầy lại có khách hàng gảy giò gảy cẳng gì cho tôi nữa hay không ... Nhưng tôi, sac marin đã thảy xuống từ nảy giờ, đi học khoá Nhảy Dù cũng đã nhiều năm (nhưng cũng còn nhớ chút đỉnh về kỷ thuật nhảy) tới phiên là anh lính đứng sau đã hối thúc. Tôi đành bậm gan, hai tay co trước ngực rồi cũng nhảy với hai chân chụm vào nhau ra khỏi chiếc máy bay vẫn đang ào ào chạy (hay bay?) xà mặt đất. Chưa biết mình vô sự hay không thì Cộng quân đã bắt đầu pháo. Anh trung sĩ đứng phía trước tôi hồi nảy đã kêu lớn : Bác sĩ đừng có đứng dậy coi chừng miểng pháo kích đó ! Và anh đã chạy nhanh xuống chiếc rãnh bên đường.

Thì ra hai bên đường làm như có hai con mương nhỏ dư chỗ cho bao nhiêu người núp xuống và hiện tại, con mương đó đầy những “hành khách” mới xuống máy bay đang nằm tràn lan để tránh những miểng pháo kích đang nhắm vào sân bay. Tôi lập tức làm theo. Khi ở dưới cái mương nhìn theo chiếc máy bay, tôi mới thấy lính ta đã “bay” hết cả xuống đường dọc dài theo con lộ trong khi máy bay đã ra khỏi tầm pháo. Rồi địch tiếp tục bắn ... Nhưng ở đầu kia con đường là những anh lính ở hành quân trở về hậu cứ, những anh nầy đã chạy thật nhanh để quăng cái bị hành trang lên máy bay trước khi đu người lên theo. Và ở cuối đường thì chiếc Chinook đã gầm lên dữ dội để bay thẳng lên cao.

Coi như tất cả hành khách, hoặc xuống, hoặc lên máy bay đều đã thanh toán hết. VC còn pháo lẻ tẻ thêm vài trái nữa trước khi tiếng súng im hẳn trả lại cho buổi sáng cái tỉnh mịch của buổi sáng đầu tiên của tôi ở đất An Lộc. Bây giờ thì người ta lần lượt trở lên mặt đường để đi dài dài ngược chiều để tìm hành trang của mình. Anh lính nảy giờ vẫn đi với tôi lại nói :”Mấy thằng chó đẻ nầy sao không bao giờ ngủ yên hết vậy ? Bắn cái gì, có được con mẹ gì đâu mà bắn. Tụi nó lần nào mình lên hành quân cũng cứ bắn hoài, để tụi em đi hành quân ráng sức giết cha nó chết hết để nó khỏi bắn nữa” Rồi sau đó, anh giải thích “Chỗ nầy gọi là phi trường Xa Cam, phi trường của Bình Long đó bác sĩ ... Ông lên đây lần đầu mà thấy ông nhảy ngon lành quá há, (rồi chợt thấy bằng Dù tôi đeo trên ngực áo) ơ, ông có bằng Dù mà, hèn chi ...” Tôi hỏi :” Ở đây sao gọi là phi trường Xa Cam vậy hả anh ?” “Có gì đâu bác sĩ, ai gọi sao mình gọi vậy, chắc là hồi xưa hổng mất gì con lộ nầy nằm trong cái đồn điền cao su tên Xa Cam chắc”.

Có chiếc xe GMC nảy giờ không biết đậu ở đâu bổng lù lù hiện ra trên đường, sau đó, chiếc xe chạy chầm chậm dọc theo đường để vớt hết những “hành khách” bây giờ đã tràn đầy trên đường, người nào cũng có cái balô, cái bị hoặc sac marin như tôi. Dĩ nhiên, màn lên xe GMC chạy chậm rì nầy quá dễ so với cú nhảy xuống khỏi máy bay vừa rồi. Trên đường từ “phi trường” Xa Cam trở về trại tôi mới biết anh trung sĩ tên là Cấp sau khi anh ta hỏi tên tôi cũng như tôi biết cái dùng để làm phi trường đúng là quốc lộ 13 sắp vào tới thị xã và đã được chọn cho Chinook vì bề ngang trống trải và bề dài dài đủ cho cái kiểu lên xuống máy bay duy nhất trên thế giới nầy. Từ phi trường vô tới trại dành cho Liên đoàn chỉ chừng 2km là cùng nhưng tôi có dịp để quan sát cảnh tượng ở thị xã An Lộc, một thời nổi tiếng là thủ phủ cao su miền Nam cũng như là Dalat của miền Nam.

Bây giờ, cao su thì còn đó, cao su khắp nơi trong và ngoài thị xã nhưng cái giống Dalat không còn nữa, An Lộc bây giờ sao quá quạnh hiu, nhà cửa vô cùng thưa thớt, cái mất thì do lửa đạn pháo kích, cái còn thì nhiều nhất tôi thấy chỉ còn có 2 bức vách với phân nửa cái mái nhà. Cây cỏ trong sân mọc tràn lan, cao thật cao và như những cách rừng nhỏ. Mùa nầy vài loại bông vẫn còn nở điểm thêm màu sắc cho những cánh rừng cá nhân đó. Con đường nhựa trong thị xã chắc là cũng êm ngày xưa, giờ đầy những hang hố làm chiếc xe GMC chạy dằng xóc như ở một con đường hoang dã nào. Tôi cũng như những người bạn chiến đấu của tôi, móc thuốc lá ra hút sau khi mời tr/sĩ Cấp một điếu, riêng tôi để tưởng tượng tới một An Lộc ngày nào thái bình, thịnh trị, đẹp đẽ chớ đâu như ngày nay, cây dại mọc tràn lan ra cả lòng đường nhựa, có cây lên cao bằng tôi đứng trên xe GMC. Tưởng tượng mức pháo tàn phá nhà cửa, đất đai như thế, hỏi con người trong thời đánh nhau năm 72 làm sao sống sót được ? Rồi cổng Bộ Chỉ huy Liên đoàn chợt hiện ra trước mắt với tấm biển Trại Trần Hữu Phương để kỷ niệm tên một sĩ quan ở Tiểu đoàn thuộc Liên đoàn đã tử trận lúc tôi chưa trở về.

Trại Trần Hữu Phương có hai biệt thự tương đối còn nguyên vẹn nằm hai bên cổng, một ngoài vòng rào là của trung tá Liên đoàn trưởng, một ngay bên trong vòng rào là của trung tá Liên đoàn phó. Nếu biệt thự của ông Liên đoàn trưởng chỉ là một căn nhà to đẹp bình thường thì căn ông Liên đoàn phó lại nằm trên cái nền được đổ cao lên cả thước. (Sau nầy tôi mới biết, khi trung tá Liên đoàn trưởng muốn gặp ai, ông ta phải đi bộ qua bên BCH và khi nói chuyện, ông ta đứng ngang như hai người nói chuyện với nhau.

Nhưng ông trung tá Liên đoàn phó thích nói chuyện với bất kỳ ai rất dễ dàng, chỉ bước ra ngoài lan can trước nhà, nếu không có ai nói chuyện với thì cũng quan sát (và kiểm soát) được người ra vào cổng trại Trần Hữu Phương. Mà hể nói chuyện với ai, ông ta cũng chuyên môn nói bằng cái kiểu đứng ở lan can trước nhà ông ta ở đầu cầu thang lên chừng 5, hay 6 bậc cấp. Nhờ thế, ông ta luôn luôn nhìn xuống khi nói chuyện trong khi người đối thoại cứ phải ngẩng mặt lên hoài. Nội vị trí đứng là ta có thể cao ngang bàn chân ông ta và kiểu nầy làm tôi nhớ lúc tôi ở tù ngoài Bắc, mỗi khi “làm việc” với bọn cán bộ, chúng cũng chuyên môn ngồi trên ghế trong khi người tù ngồi đối diện và dưới đất để mình cứ ngõng cổ lên hoài !! Sau lưng biệt thự của tr/tá Liên đoàn trưởng, đối diện với biệt thự của tr/tá Liên đoàn phó là những dãy lô cốt che kín bằng bao cát là nơi cư ngụ của các sĩ quan cũng như các ban ngành thuộc BCH, dĩ nhiên trừ Quân Y có bệnh xá nằm riêng ở cuối con đường chính đi từ cổng vào trại.

.
.
ztd-anloc-cong73.jpg
.
.
Bệnh xá QY Hành quân của Liên đoàn 5 BĐQ
Chiếc xe GMC chầm chậm chạy qua cổng Trần Hữu Phương. Vào tới ngay sau đó là cái sân rộng thênh thang với bao nhiêu quân nhân của Liên đoàn đang đứng lố ngố để đón người mới lên, bên phải là cái biệt thự nền cao (sau tôi mới biết là của tr/tá Liên đoàn phó) bên trái tôi là dãy lô cốt (các lô cốt của sĩ quan BCH LĐ nằm ngay ngắn thành hình vuông để bao quanh cái sân rộng tráng xi măng láng bóng dùng để làm sàn nhảy ngày trước hiệp định Paris. Hàng lô cốt ở sân Liên đoàn nhìn thấy chỉ là một cạnh của cái hình vuông nầy) còn trước mặt tôi là con đường đất đỏ thẳng tắp, rộng rãi, sạch sẽ với vài căn nhà hai bên đường. Tất cả quân nhân trên xe GMC đều nhảy xuống xe, ai với hành trang nấy. Hạ sĩ Long, y tá của tôi từ những ngày xa xưa ở trận Quảng Trị ở trong đám đông chợt tiến đến, dành xách cái sac marin của tôi sau khi chào kính:”Lâu quá mới gặp lại ông thầy. Tui tưởng ông thầy xuất ngoại năm trước trở về chắc giải ngũ mẹ nó rồi ai dè ông thầy còn lên đây với tụi tui ...” Anh chàng hạ sĩ y tá nầy, con người rất vạm vở. Đi tới đâu anh ta cũng tìm những vật nặng để dùng làm tạ và việc tập tạ của anh ta không gián đoạn bao giờ. Nhưng anh em QY cũng như các quân nhân khác của BCH LĐ cứ gọi anh ta là Long mập tuy rằng trên người anh ta thiệt không có chút mở nào. Tôi gặp Long mập cũng mừng rở kể gì vì ít ra gặp người quen cũ đã đi chiến đấu với mình (tôi nghĩ giúp cho đời dễ sống hơn toàn người xa lạ).

-Ê Long mập, QY mình trên nầy bây giờ còn có ai quen ? Và ai làm y tá trưởng?
-Y tá trưởng thì không có sau khi ông chuẩn úy Hải đi Quảng trị về, ổng già quá nên đã đổi đi đơn vị khác, còn trung sĩ nhất Xê, chắc bác sĩ có gặp ổng ở hậu cứ, bây giờ lên thượng sĩ rồi, ổng lo trông coi hậu cứ nên mình trên nầy chỉ có mấy thằng mới đổi về hoặc mấy thằng khùng mới ra trường Quân Y đã ngu chọn BĐQ...
-Mầy nói vậy té ra hồi tao ra trường, tao chọn BĐQ cũng là ngu sao?
Long “mập” chưa trả lời thì bấy giờ, đám hành khách đã tan hàng để lo đi về căn cứ của họ. Tr/sĩ Cấp cũng đang xách ba lô đi theo cùng hướng với tôi nên tôi hỏi :

-Ủa, trung sĩ đi đâu đây?

-Dạ, em phải trình diện tiền cứ của Tiểu đoàn trước khi vô chốt đã. Bác sĩ gọi em bằng cấp bậc nghe trịnh trọng quá, sao ông không gọi em mầy tao như gọi đệ tử của ông cho thân tình?

-Muốn vậy cũng được, ngã nào chắc mầy cũng nhỏ tuổi hơn tao
...

Bây giờ tôi mới thấy, trong khi hạ sĩ Long “mập” và tôi đang đi về hướng bệnh xá Hành quân thì bên phải con lộ chính trong căn cứ là dãy nhà “tiền cứ” của 3 Tiểu đoàn. Cấp chào tôi rồi quẹo vào trong một căn nhà.

Long nói:

-Bệnh xá, nhà mình, ở ngay trước mặt đó ông thầy...

Tôi xin độc giả cho tôi vài dòng để tả cái bệnh xá Hành quân của Liên đoàn 5 BĐQ đóng ở thị xã An Lộc năm 1973 vì không hiểu sao, tôi có cái cảm giác rất thân thương với cái bệnh xá nầy tuy nó chứng kiến sự “ra đi” của bao nhiêu bằng hữu, bao nhiêu người lính trẻ và cũng là nơi tôi bỏ bao nhiêu tâm huyết để xây dựng và tồn tại cũng như sống sót ở cái đất dầu sôi lửa bỏng nầy.

Bệnh xá cao khỏi mặt đất chừng 1.5m với những hàng tôn che làm mái và bao nhiêu là bao cát chất đầy phía dưới mái tôn để chống pháo kích. Cái mái tôn hiện ra trước mắt tôi dài chừng 50m nằm thẳng góc với con lộ chính của trại. Bên trái một chút là cái mái nhà nhỏ nhỏ là nơi cửa chính xuống hầm. Tôi lẽo đẽo theo sau Long mập, anh chàng vừa bước trên cầu thang xuống hầm vừa bô bô cái miệng :

“Tụi bây ơi, có bác sĩ Ấn hồi xưa trở lại và lên đây nè!”

Cuối cầu thang chừng 14 bậc, anh em quân y tá đủ mọi kiểu quần áo đã xuất hiện đầy nghẹt, ai cũng chào và mừng rở khi gặp lại tôi làm tôi cảm thấy thật ấm lòng cho sự thương mến của thuộc cấp với mình. Và sẳn mối cảm động trong lòng và sẳn anh em đông đúc, tôi bèn nói mấy câu phát ra từ trong tim tôi:

-Chào mừng các anh em, có gì sướng cho tôi bằng còn sống và có dịp gặp lại anh em. Thời gian tôi ở đơn vị nầy sau khi ra trường chỉ có mấy tháng, tưởng tôi làm gì có được cái vinh dự được anh em thương mến để chào mừng tôi như thế nầy. Tôi xin hứa với lòng và với các anh em, tôi sẽ hết sức làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn cũng như Bệnh xá QY của chúng ta không bao giờ là ác mộng của các chiến sĩ trong Liên đoàn 5 BĐQ.
Rồi tôi nói tiếp:

-Ê, cho tôi chút thời gian đi quan sát tình hình bệnh xá cái đã chớ!
Chỗ tôi bước xuống cầu thang và anh em quân y tá đứng đầy ra đó là một căn phòng trống trải, chiều rộng là nửa cái hầm là 2,5m, còn chiều sâu độ chừng 3m. Long mập xách cái sac marin đi vào căn phòng kế bên trong, vừa đi vừa nói:

-Phòng ngủ của bác sĩ nè, em để cái sac marin trong nầy cho ông nhe...

Tôi bước vào nửa bên kia và thấy phòng ngủ (tương lai) của tôi rất nhỏ bề ngang, chỉ vừa đủ hai chiếc giường đóng bằng ván ép với một khoảnh đường đi nhỏ ở giữa. Nhìn thấy hai cái giường, tôi sực nhớ ra Liên đoàn có 2 bác sĩ, ngày xưa trước khi tôi bị bắt làm tù binh thì Y sĩ trưởng là đàn anh trên tôi 1 lớp là anh Huỳnh Kim Trung, còn bây giờ là ai? Tôi có lên hành quân cũng để cho bác sĩ kia, đương kim Y sĩ trưởng trở về để lo chuyện hậu cứ, vậy anh đâu rồi? Như đọc được ý nghĩ của tôi, Long nói:

-Bác sĩ còn nhớ bác sĩ Trung không? Ông mà hồi trước ở Quảng Trị là Y sĩ trưởng LĐ đó, hiện giờ chắc ổng lên trên BCH nên không có ở nhà.

À,
anh Trung còn ở đây, thế là tốt lắm vì ít ra, anh với tôi cũng có chút dây dưa cảm tình nên không gì sướng cho bằng, trong quân đội mà có xếp trực tiếp là người biết mình, (quen càng tốt) nay anh Trung mà còn ở đây thì coi bộ tôi sẽ dễ làm việc hơn là một anh lạ nhiều. Thế là tôi ra khỏi phòng để đi tiếp thăm bệnh xá.

Qua cái cửa chỗ phòng khách cạnh phòng tôi ngủ một cái phòng to hơn cả phòng ngủ của tôi và phòng khách vì nó chiếm hết bề ngang căn hầm mà trong đó là bao nhiêu giường ngủ đóng bằng ván ép để nguyên miếng nên chắc chắn không phải dành cho một người nằm. Có người nói với tôi:

-Đám đệ tử ngủ ở đây đó ông thầy.
Trong góc phòng là một cái tủ đứng lớn có khóa. Tôi hỏi:

-Tủ ai mà bự vậy?

Trả lời:

-Tủ đó của anh em xài chung, hể có gì quý giá ai cũng bỏ vô đó cho khỏi mất mát”.”Tủ thuốc ở đâu ?””Tụi em để tùm lum trong phòng ngủ y tá thôi.
Tôi đi ra khỏi phòng ngủ y tá và căn hầm trở nên rộng thênh thang. Với đường đi ở giữa, hai bên là hai dãy giường (cũng bằng ván ép) mà trên đó, tôi liếc sơ cũng chừng 10 người bệnh, kẻ nằm người ngồi nhưng ai cũng nhìn tôi.

Một quân y tá giới thiệu trống không:

-Đây là bác sĩ Ấn, người sẽ thay đổi đi hành quân với bác sĩ Trung đó. Đừng thấy ổng mặt mới mà lại trẻ rồi tưởng ổng mới ra trường nha các anh, ổng ra Liên đoàn mấy năm trước rồi bị VC bắt làm tù binh ở Quảng Trị bây giờ trở về lại với mình đó.
Thương bệnh binh xì xồ gì đó nhưng không ai nói với tôi nên tôi đi thẳng.

Nếu căn phòng chính vá to nhất của bệnh xá là trại bệnh thì cuối hầm lại là cái cầu thang lên xuống cũng giống như cầu thang tôi xuống hầm hồi nảy. Có người nói :”Cầu thang nầy đi ra cửa sau bệnh xá đó ông thầy.” Tôi đi theo cầu thang lên lầu thì thấy nhà bếp của QY. Nhà bếp Hành quân của lính thật là đơn giản, không có gì ngoài chiếc bàn dài làm bàn ăn với 2 cái băng hai bên làm ghế ngồi. Bên cạnh đó là một cái kệ được xây bằng đất nung để làm bếp, một cái tủ làm garde manger. Tôi tới ngồi trên cái băng ghế nhìn quanh quất thì thấy miếng đất ngay bên cạnh cửa sau bệnh xá rộng chừng 15X15m cây cỏ mọc um tùm giống như những cái vườn trong sân dân nhà Bình Long hồi tôi đi qua, vài cái thùng phuy đựng nước dùng trong bếp và cầu tiêu xa xa hơn nữa. Nhưng đáng kể nhất là ngay cạnh giữa bệnh xá và hàng rào phía sau của Trại là một cái nghĩa trang và tôi được cho biết, trong những ngày đánh lớn ngay trong thị xã năm 72, tử sĩ quân ta không được đưa xác về vì trực thăng lên xuống không được, vì thế phải chôn tại chỗ. Trước mặt tôi là Nghĩa trang Tử sĩ Liên đoàn 3 BĐQ, vì ở trong cái đảo An Lộc mà chung quanh là biển VC nên mồ mả có vẽ tiêu điều, cỏ tranh mọc tràn lan và không hương khói gì cả. Tôi chợt buồn ...

Sau màm thăm nhà thăm cửa của mình, tôi bèn đi một vòng BCH coi như ma mới dọn nhà về đi chào ma cũ ở hàng xóm. Nhưng trong óc tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ ra được An Lộc nói chung và bệnh xá của QY chúng tôi sẽ là nhà của tôi trong một năm rưỡi nữa cho tới cuối năm 74.

Trần Trung Cấp, lần gặp cuối
Buổi sáng kia, một trung sĩ xăm xăm đi tới bệnh xá và hỏi tôi có ở hành quân không ? Sẳn sáng cũng còn sớm nên tôi sắp lên nhà bếp để uống ly café sữa sáng. Trông thấy anh trung sĩ, tôi nhớ mặt quen quen nhưng không nhớ ra là ai, anh chàng cười lớn, chào tôi và nói :
-Bác sĩ quên em rồi hả ? Em là thằng Cấp, bửa bác sĩ lên An Lộc lần đầu là ngồi kế em đó ...
-Ừa, nhớ ra rồi. Em về phép hả? Sướng nhá ...
-Phép gì mà phép lia liạ vậy bác sĩ. Bửa về phép lần trước rồi trở lên gặp ông chưa được năm mà, dễ gì ai cho đi phép nữa hả ông?
-Thì mầy kêu VC cho mầy xin viên đạn đi, hể tản thương về đây thế nào mầy cũng được tản thương về dưới hà...

Y tá của tôi, không biết ai đã nói vậy. Tiếp theo là mấy thương binh cũng nhao nhao chen lời:

-Ờ, ráng bị thương đi mầy, sẳn có ổng ở trên nầy là mầy đi phép coi như chắc chắn đó ...
-(Cấp:) Tụi bây nói vậy chớ lỡ ăn viên đạn của VC rồi tao “đai men” làm sao ? Còn nói ổng cho mấy thằng bị thương tản về dưới sao tụi bây còn ở đây?
-(Một thương binh): Trung sĩ có nhớ bửa trước, VC tấp chốt ban đêm cả chốt tui 3 thằng đều bị thương không ? Vậy mà bửa nay có mình tui ở đây hà tại 2 thằng kia gần lành rồi nên thay vì trả ra đơn vị đánh giặc tiếp, ổng cho về phép tản thương hết rồi... Hể mà gần lành ổng mới cho về chớ nặng, ổng nói, chỉ về cho bà già khóc và báo vợ báo con thì về làm chi?
Tôi cứ ngồi yên, lẩm nhẩm uống cà phê để cho Cấp và mấy thương binh nói chuyện lung tung hết bị thương tại cái gì, tản về bệnh xá rồi ăn ở ra sao, bác sĩ của mình chữa bệnh ngon lắm ra sao, mấy cha ca tôi nhiều quá làm tôi “quê” nên tôi mới xía vô:

-Thôi mấy thằng ông nội, đụ mẹ ca cho tao cũng ca vừa vừa thôi, ca quá người ta cho là xạo đó...

Nhưng Cấp đã hiểu được câu chuyện khá nhiều, QY phải nuôi ăn chùa cho thương binh nên ăn uống giống như kinh nguyệt, trồi sụt bất thường. Anh em cố trông cậy vào tài bi da của thằng Phỉ (mới ra trường QY) và tài đánh domino(công ký) của tôi và trung sĩ nhất Bảo khi có độ đụng với bất cứ ai ngoài QY !! Tôi cũng ráng vừa học bida của Phỉ, vừa học domino của trung sĩ nhất Bảo với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh cho QY (Tôi cũng đâu dè Trường QY gởi về tôi một binh nhì đánh bi da hay hiếm thấy cũng như chuyện kéo trung s ĩ nhất Bảo ở Trinh Sát về là thêm tay domino xuất thần nhập hóa cho chúng tôi kiếm thêm tiền đi chợ!)

Nếu lần đó, trung sĩ Cấp chỉ ra Liên đoàn vì có công tác gì đó thì nhiều lần sau, Cấp đem ra cho chúng tôi khi trái bí, khi trái mướp, thậm chí cả thịt rừng mà anh đã bắn được trong chốt (heo rừng nhiều nhất, sau đó là đủ loại con từ nhỏ tới vừa vừa... và đời tôi, sống ở An Lộc l à giai đoạn tôi được ăn thịt rừng nhiều và thích lắm nhưng sau An Lộc, tôi không bao giờ ăn thịt rừng trong tiệm ăn ở Saigon nữa cả -vừa không ngon, vừa tội nghiệp con thú rừng và vừa phá hoại thiên nhiên-)

Thì ra tình trạng ở trong chốt cũng giống như tôi làm vườn, lính mình cũng ráng dành thời giờ chút đỉnh để trồng trọt cho có gì ăn thêm nên ai ở trong chốt lâu chừng nào thì có nhiều cây trái chừng nấy. Không những một mình Cấp mà anh ta nói sao đó nên trong chốt, lần lượt bất cứ Tiểu đoàn hay đại đội nào, thỉnh thoảng đều có quà cho QY cả và từ đó, sự ăn uống của anh em và tôi cũng không đến nỗi nào (còn khá hơn ăn trên nhà bàn Sĩ quan nhiều) Phải nói miếng ăn là miếng tồi tàn nhưng trong những trái bầu trái bí hay đơn giản như một cái đùi heo rừng cho bệnh xá QY, chúng tôi ai cũng cảm nhận được sự cố gắng của mình đã được anh em ghi nhận và riêng tôi, tôi sung sướng là được anh em hạ sĩ quan, binh sĩ mến thương cho dù trái bầu, trái bí tuy rằng đó chỉ là những món vô cùng đơn giản trong gia đình VN.

Từ đó, bệnh xá là giống như quán xá thì đúng hơn, bao nhiêu hạ sĩ quan, binh sĩ ghé chơi ngày nào có chuyến bay (những ngày mưa bão hay đánh nặng quá trong chốt thì máy bay không lên, có lần tôi ôm 3 cái xác chết -tiếng nhà binh gọi là tủ lạnh- mà không có máy bay lấy gì mà chở về, chúng tôi đã phải để 3 cái xác chết nằm ở cái chái trong sân BCH kề bên bệnh xá và khi xác bốc mùi -hể xác có mùi là máy bay sẽ từ chối chở, không biết tại sao nữa- chúng tôi phải mở poncho ra để cởi đồ nạn nhân rồi lau cả người xác chết, sau đó lại bó poncho trở lại gọn ghẻ và đẹp đẻ hơn trước- Tôi nhớ mãi có một lần, cả chục ngày liền không có máy bay cho dù là kêu gào trực thăng tản thương lia lịa và kỳ đó, mỗi xác chết chúng tôi phải làm thủ tục “clean up” và “re-packaging” những mấy lần.

Cấp cũng vậy. Từ cái quen biết có một chuyến bay đi chung tới sự ra Liên đoàn ghé bệnh xá chơi nhiều lần và lòng kính trọng tôi của Cấp dần dần biến Cấp từ một người xa lạ trở thành một nhân vật rất quen biết của QY và anh đối với tôi không phải đơn giản là giữa 2 người lính mà như 2 anh em. Không biết Cấp nghĩ sao về tôi chớ thật ra, tôi coi Cấp như em ruột tôi chẳng bằng. Nếu Cấp mỗi lần ra là xách theo cái gì đó cho QY thì tôi cũng hay kiếm cái gì trong bệnh xá để cho Cấp đem về chốt để có ăn.

Một lần sau, cả năm sau khi tôi lên An Lộc chớ ít gì, Cấp ra tới Liên đoàn, miệng cười hớn hở nói với tôi:

-Sao lạ quá, lần nầy bộ nhờ lên lon sao mà chưa tới năm đã được đi phép...

Bây giờ tôi mới nhận ra Cấp đã lên trung sĩ nhất. Những cuộc nói chuyện trao đổi thường lệ diễn ra cho tới khi tiếng ơi ới của mấy người được đi về Long Bình văng vẳng vọng xuống bệnh xá thì Cấp chào tôi và mấy quân y tá rồi xách ba lô đi. Đúng 3 ngày sau, tôi được nghe trung sĩ nhất Bảo nói với tôi:

-Thằng Cấp sao đi có 3 ngày mà đã lên rồi.
Tôi đáp :
-Chắc gia đinh nó bị quan hôn tang tế gì nên nó đi phép ít ngày chớ gì. Kệ mẹ nó, lát nó ghé thì mình hỏi để chia buồn với nó...(tôi nghĩ cha mẹ Cấp chắc có chuyện tang lễ gì đó...)
-Đâu được ông thầy. Nó lên và đi thẳng vô trong chốt luôn rồi.

(À, cái đó mới lạ dử, tôi có ý giận sao Cấp lên không ghé tôi mà đi thẳng vô chốt ...)

Tối hôm đó, tôi nghe thật xa có tiếng nổ lớn và chỉ một tiếng mà thôi. Anh em QY bàn với nhau : không biết là nổ cái gì mà tiếng nghe như lựu đạn nhưng lạ ở chỗ, cho dù ta hay VC tấp chốt nhau thì phải có nhiều tiếng nổ mới đúng chớ, đàng nầy chỉ có một tiếng rồi ngưng.

Có người bàn:

-Chắc thằng gác thấy cái gì nên toong ra một trái lựu đạn...

Nhưng chỉ giây phút sau là QY có điện thoại để đi vào TĐ30 chở cái tủ lạnh. Ai tấp chốt ai mà Tiểu đoàn 30 lảnh một con như vậy? Cũng thời là mấy tiểu đoàn BĐQ của Liên đoàn nhưng vì ở lâu nên VC biết hết tình hình quân ta nên thường thường, VC né gần như không bap giờ muốn “chơi” với Tiểu đoàn 30 cả vì tiểu đoàn nầy đánh giặc rất ngon lành và nổi tiếng từ Kampuchia (căn cứ Alpha) cho tới nay, sao lại Tiểu đoàn 30 ? Nhưng thắc mắc gì thì thắc mắc mà nhiệm vụ của chúng tôi vẫn cứ thi hành như thường lệ. Tủ lạnh thì thường hể ban đêm chúng tôi để ở cái nhà sập nghiêng cạnh bên QY để sáng rồi sẽ rửa ráy sau trước khi đưa lên trực thăng để chở về hậu cứ nhưng vì chưa biết có thương binh hay không nên thầy trò chúng tôi sẳn thức thì thức luôn để chuẩn bị.

Một lát sau, khi tiếng xe jeep của Sáu Gà (lúc đó jeep của Sáu Gà chưa bị bắn nên tối còn dùng đi tản thương được) đỗ xịch ngoài cửa sau bệnh xá chỗ nhà bếp, anh em chúng tôi ùa lên để phụ khiêng cái tủ lạnh xuống và đón thương binh nhưng không có thương binh nào cả mà chỉ có một cái tủ lạnh. Làm như linh tính bảo tôi sao đó mà tôi muốn cởi cái poncho do Tiểu đoàn bó xác ra để lau rửa nạn nhân thay vì chờ trời sáng như thường khi và quý vị có biết, cái xác nằm trong poncho khúc mình đã nát bét, chỉ có khúc hai chân và may mà cái mặt còn y nguyên và cái mặt đó là cái mặt của Trần Trung Cấp, người lính trẻ vừa lên trung sĩ nhất có mấy hôm. Anh chàng quân y tá của tôi đã tháp tùng Sáu Gà đi tản thương cho biết, Cấp đã đuổi tất cả anh em tiểu đội ra ngoài lô cốt để nằm trên võng và ôm trái lựu đạn vào bụng một mình để tự tử.

Việc Cấp tự tử hoàn toàn đi ngược với suy nghĩ của tôi, nếu nói VC bắn sẻ anh hay anh tấp chốt rồi tử trận thì còn có chỗ vô lý vì đã sống lâu ở An Lộc nên Cấp sống rất sành nghề trong chốt, không dễ gì VC bắn sẻ anh được. Chỉ có tấp chốt thì có lý vì Cấp vẫn nỗi tiếng là gan dạ (bởi vậy lên lon lẹ so với cấp bậc hạ sĩ quan) nhưng tự tử? Cấp trẻ trung, yêu đời, vui vẻ, lễ phép, có thể nói tôi hoàn toàn không tin được mà cũng bao giờ đoán được người như Cấp lại đi tự tử !! Thầy trò xúm nhau tắm rửa, thay đồ cho Cấp lần cuối cùng của anh nhưng tôi, đã dạn dầy quá nhiều ở mặt trận, sao nước mắt cứ chảy xuống nhoè cả mắt?

Tôi nói :

-Tụi mầy lo cho nó đi, tao không muốn dòm thấy nó như vầy đâu.
Mấy ngày sau, tôi được gặp trung úy đại đội trưởng của Cấp trong một dịp anh chàng ra BCH Liên đoàn để họp. Anh ta đưa cho tôi một lá thơ, nói của Cấp nhờ trao lại cho tôi. Tôi chỉ liếc qua là xong vì bức thơ chỉ có một dòng chữ và không dừng được, tôi chỉ có thể nói “ĐM!” Nguyên văn lá thơ như sau:

-Xin lỗi anh nếu làm anh buồn nhưng là bác sĩ, anh có thấy trường hợp ai không ngủ với chồng cả năm mà có con 3 tháng không?-Cấp-
Xin quý vị đọc giả tự hiểu dùm cho tôi vì chính tôi, tới giờ nầy vẫn thấy thương Cấp và thù ghét người đàn bà lỡ làm vợ Cấp. Tại sao bao nhiêu người chờ chồng được mà cô ta thì không để quân đội mất đi một chiến sĩ can trường và chúng tôi mất đi một người em dễ mến?

Cũng may, không lâu sau thì tới phiên tôi rời An Lộc vĩnh viễn bởi lý do giải ngũ nhưng tới ngày hôm nay, gần 40 năm sau, tôi vẫn nhớ hoài An Lộc của thời 73 và Trần Trung Cấp. Tôi, cả chục năm trước có dịp về VN, tôi đã mướn xe lên An Lộc chỉ với ý niệm tìm lại cái gì của ngày xưa nhưng tôi đã bị lạc, An Lộc bây giờ là của chế độ mới với bao nhiêu nhà tư bản đỏ đã biến An Lộc của Trần Trung Cấp và tôi ra khác đi quá mất rồi...

.
NNA
.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y , 2010 .
.
.
An Loc, binh long, bac si quan y o An Loc .
.

Saturday, August 20, 2011

Thêm một bài phụ lục về thị xã An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long khi nhìn thấy thêm hình mới từ site của manhhai KT71 ... lại nhớ về An Lộc.

.
.




Thêm một bài phụ lục về thị xã An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long khi nhìn thấy thêm hình mới từ site của manhhai KT71 ... lại nhớ về An Lộc. 
.
.
.

.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Vào site photo của Pham mạnh Hải KT71, thấy thêm tấm hình mới về An Lộc ngày xưa, kỷ niệm lại tràn về. Với ai thì không biết, nhưng với những đứa bé chân từng lấm bùn đỏ An Lộc, thì nhớ lắm, nhớ từng bụi cây gốc cỏ của An Lôc. Những cây xòai đầu góc cư xá công chức đối diện bịnh viện, đối diện tiểu khu trong hình nhìn thấy vẫn còn đó ... những dấu vết tàn phá của chiến tranh vẫn còn rõ trong tâm khảm ... ôi An Lộc của đứa bé tôi, mười tuổi và những năm sau đó.. hôm nay, gửi đến những mảnh đời, một lần sống nơi rừng thiêng nước độc này, bạt ngàn cây cao su ... mùa thu lá vàng, rừng cao su nhìn vào hoang vắng đến lạnh người, cứ tưởng sau mỗi gốc cây cao su là một mũi súng chờ đợi khai hoả .... nhanh lên đi ba !!! chạy nhanh lên đi về nhà, tôi bám chặt vào lưng ba tôi, sau cái xe mô tô... tiếng máy nổ dòn lao đi, tôi vẫn ráng quay lại nhìn theo những gốc cao su coi có ai đuổi theo không... những cây cao su chập chờn phía sau... chập chờn phía trước như những đọan phim quay nhanh, chỉ có cây cao su quay cuồng nhanh đến chóng mặt.
.
Tôi úp mặt vào lưng ba, nhắm mắt không nhìn nữa cho tới khi cái sân banh đầu tỉnh mở rộng ra ... vào lúc đó, rừng cây cao su còn mọc tới tận đầu tỉnh, bên kia sân vận động . . ..
.
.
.

ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
.
.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
ghi chú số 1:
Nhà tôi ờ An Lộc, căn thứ hai, lúc đến năm 1959, cả tỉnh chỉ có dẫy nhà cư xá này mới xây xong, năm khối nhà, mỗi khối có 4 căn, nhà tôi quay về hướng Nam. Trước mặt lúc đó là đất trống cho tới khu sân vận động, chỗ trại lính Bảo An. Bên cạnh nhà hướng đông là bãi đất rống cho tới tiểu khu bên kia đường cách mạng 1-11, giữa hai khối nhà là con đường phụ cho xe đổ nước và xe rác đi. Ngay góc gần tiểu khu là cái giếng nước bơm bằng sắt, kéo cần cho nước chẩy, chúng tôi thường kéo nước cho nhau tắm sau khi đá banh dính đầy bùn đỏ từ sân vận động về. Hay bơm nước rửa các xe bọc sắt của tiểu khu và được trả công bằng đạn đại liên 50 hay 30.
.
Ghi chú số 2, 3:
Góc tiểu khu, trong hình đã được dọn lại sau trận chiến năm trước, Chỗ đó là Câu Lạc Bộ, cha con tôi thường ăn ở đó vì chỉ có hai người. Lô cốt đắp đất tròn (3) do ty Công Chánh đắp lúc hồi 60's lúc tôi còn ở đó, nhìn hình thấy vẫn còn. Đối diện qua đường là cây xoài bên cư xá, lúc tôi còn nhỏ, cây đủ cao để leo lên trên đó. Bây giờ vẫn còn, không biết vẫn là cây đó hay không. Một cây xoài có thể sống trên 50 năm hay không?
.
.
Ghi chú số 4,5:
Bịnh Viện Bình Long, phía sau nhà tôi, lúc đầu tôi ở chỉ có một nhà phía trước đường, sau xây thêm nhà xác (4A)  phía bên đường Ngô Quyền đối diện Ty Công Chánh và nhà cho nguoi bịnh lao, cách biệt về hướng đông đối diện Trung Học Bình Long, sau này thì nhìn hình thấy nở to ra, chiếm nguyên khối đường cho tới đường Hàm Nghi phía bắc. Nơi này trong trận chiến chứa có đến trên 1000 người chết, thây họ phải chuyển qua bên đối diện đất trống bên trường trung học đào lỗ chôn. Sẽ nói sau.
.
Bịnh viện là cứ điểm phòng thủ cuối cùng bên hướng Tây, lúc đầu do Trung Đoàn 7 và 8 của sư đoàn 5 chịu trách nhiệm, tới giữa tháng năm 72, khi phòng thủ hướng này gần bị thủng, VC tràn đến phía ty Công Chánh thì một đại đội Dù, tiểu đoàn 5, đến tiếp viện tại đây. chận đứng VC tại ty Công Chánh, nên nơi này thành bình địa. Xác xe tăng VC tiến xa nhất xâm nhập vào từ hướng Tây, bị bắn gục tại ngã tư ty Công Chánh, Bịnh Viện là Ngô Quyền và Phan bội Châu.
.
BV này là nơi bá má tôi tự bò qua từ nhà sau khi bị bắn bên cư xá vào một đêm năm 1967. Nằm ở BV cho tới sáng thì được tải thương về Saigon.
.
Khi mới lên BV chưa co bác sĩ, chỉ có y tá trông coi là bác Triệu, lúc đó chỉ gọi là trạm xá mới đúng. Má tôi làm thiện nguyện, thông dịch viên cho hai ông Bác Sĩ người Tây làm trong bịnh viện Pháp của đồn điền cao su Quản Lợi, họ thay nhau ra khám miễn phí sáng thứ hai và thứ tư. Tới 63, khi tôi về SG, BV Bình Long vẫn chưa có được bác sĩ ở đây. Anh chị em tôi mỗi năm từ SG về đây đi khám bịnh định kỳ trong BV Pháp ở Quản Lợi, má tôi là bạn của hai ông BS Tây này. Mỗi lần khám bịnh ba tôi xin xe riêng của Ty Công Chánh chở gia đình chúng tôi vào QL.
.

.


.
.
ztd-anloc-pbc-cachmang.jpg
.
.
Ghi chú số 6:
Ty Công Chánh, ba tôi làm ở đây, hoạ viên, phát lương, kiểm soát xe đò ... mấy lần tôi có vào đây lấy chìa khóa nhà, hay mang kiếng đến cho ba tôi đi làm quên mang kiếng theo. Ba đi làm là sướng nhất, chỉ đi bộ qua, hay nhẩy lên xe đạp. Thỉnh thoảng tôi có thấy ba tôi ngồi ở bàn kê dưới dốc Ngô Quyền về ĐL Hoàng Hôn kiểm soát xe đò thắng có ăn không. Xe đò chạy đổ dốc, qua chỗ phất cờ thì thắng và người ta đo khoảng cách từ khi phất cờ và khi xe ngừng, ba ngồi ghi sổ cái bàn giấy có dù che bên trên ... sau khi tôi về SG học niên khóa năm 63, thì ba tôi vẫn làm trên này cho tới khi bị bắn năm 1967. Sau đó Ba ra khỏi bịnh viện đi làm lại ở Khu 3, bộ Công Chánh tại SG, đường Ng Thông.
.
Khi trận tấn công 72 giằng dai qua tới tháng 5, 72. Thì Ty Công Chánh mới bị tàn phá nậng nề, còn đợt đầu vào tháng 4, thì khu này vẫn còn nguyên, trận tấn công nậng nề nhất và cuối cùng thì Ty Công Chánh nằm giữa VC chiếm đóng chắc chắn bên Đề Lao về hướng Tây từ Phú Lố lên và Đại Đội Tiểu Đoàn 5 Dù cố thủ bên Bịnh Viện, hai bên dành nhau Ty Công Chánh ở giữa. Bây giờ Ty Công Chánh vẫn là bãi đất hoang lạnh, khi tôi về năm 2007, nhìn thấy như vậy.
.
Khi ở đây, người ta gọi ba tôi là ông Tư, sau khi ba má bị bắn tải thương về SG thì nhà cửa đồ đạc bỏ lại hết. Năm sau, Ty Công Chánh có xe về SG, chở mang về cho ba cái xe mô tô của Pháp rất bự, cái xe đó là cái mà ba tôi cần mà thôi, còn sách vở, đồ đạc của gia đình và của tôi thì tan tác trong đạn pháo, hay bị lấy mất hết.
.
.

ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
Nhà cư xá rất đẹp, có từng lửng trên cao phía sau, nhà bếp có ống khói, giống y như nhà Tây, má ngói, tường gạch, sân trước sân nước phía sau, nhà tắm, nhà cầu riêng biệt, hồ nước cho xe cho vòi đổ nước phía sau ... các cư xá xây sau, chỉ là mái tôn mỏng manh. Trong hình trước trận chiến thì bãi đất trống hông nhà có xây cái nhà tôn khá to, sau 72, trên hình 73, cỏ mọc xanh chỗ này, như vậy là mái tôn bay mất hết, và nhà không có nền, có thể là nhà đậu xe hay kho tạm.
.
.
Ghi chú số 7:
Đây là Đề Lao, nhà giam rất kiên cố. Hồi nhỏ, tôi có con bạn học cùng lớp nhì, Nina, ba nó là trung uý Thiết Giáp, chi đội trường Thiết Giáp, có mang chừng mười người tù về làm căn nhà tạm bằng cây tôn cho gia đình nó ở cuối cư xá, qua bên kia đường là trại xe Thiết Giáp. Nhìn họ mặc quần áo nâu đậm, nói tiếng Bắc Kỳ đa số là làm trong đồn điền Tây, theo VC nên bị bắt giam. Nhìn thấy họ thui con chó, làm thịt ăn trưa, nấu cơm đổ ra rổ lót là chuối ăn với thịt chó nướng và luộc.
.
Có lần nghe báo động, ba đi về cho biết bên đề lao có tù trốn, ba tôi còn hù là ai giữ tù mà để tù trốn, là sẽ bị vô ở tù thế, lúc đó tôi tin ghê lắm. Trong trận chiến 72. Sau khi tìm mọi cách tấn công vào bộc chỉ huy sư đoàn 5 (khu toà tỉnh trưởng, tiểu khu BL) nhiều lần không thành công được. Phía Bắc chận bởi 81 Biệt Cách Dù, Đông Nam bởi Liên Đoàn 3 BĐQ, Nam do Lữ Đòan 1 Dù, chỉ còn mặt tây, tây bắc yếu nhất là do Trung Đoàn 7,8 của sư đoàn 5, nơi này chọc thẳng vào được sẽ tới hầm tướng Hưng dễ hơn.
.
Tháng 5, hai đợt tấn công cuối đều nhắm vào đây, nhưng tiểu đoàn 5 Dù, đưa hai đai đội tới tiếp viện, một ĐĐ nằm bên cư xá công chức dài xuống nam, một ĐĐ giữ hông BV, bên đường Ngô Quyền. VC cố thủ bên đề lao với kiến trúc rất kiên cố tìm cách đánh thẳng tràn qua ty Công Chánh nhiều lần mà không được, xe tăng VC cũng chỉ đến đây từ Phú Lố là bị bên BV bắn hạ. Một chiếc Skyraider của không quân VNCH đánh bom đề lao vào ban ngày bị bắn hạ, phi công nhẩy dù và may mắt rớt vào khu vực của trung đoàn 7 BB an toàn.
.
Đây là đoạn đường thằng mà bộ binh VC tiến sát nhất đến phòng thủ của tướng Hưng, chỉ hai trăm mét đường thẳng, chừng 300 mét nếu theo đường mà tăng di chuyển được là dọc theo Phan Bội Châu, đến Tiểu Khu rồi phá rào phòng thủ, may ra mới tiến gần tới hầm chỉ huy, và phải biết hầm ở chỗ nào, trong khi mọi hầm đều có vẻ giống nhau và có đạn khạc ra.
.
.
.
Ghi chú số 8:
Công viên Tao Phùng về hướng bắc giáp Đại Lộ Hoàng Hông hay Trần Hưng Đạo, sát ĐL là bãi pháo của tiểu đoàn 52 pháo, SĐ 5. Những ngày đầu cuộc chiến tuần thứ hai tháng 4, pháo của VC đã phá hủy hết pháo 105, 155 của SĐ 5 tại đây, chỉ còn hình như tiểu khu là còn pháo, vì vị trí pháo của tiểu khu khó bị VC quan sát hơn. Còn từ đồi Đồng Long tới CV Tao Phùng chỉ 2 cây số trên cao, nên tiền sát viên VC quan sát rất rõ bãi pháo ở công viên Tao Phùng lại là nơi thấp nhất, tiểu khu cùng bộ chỉ huy SĐ5 tại đây với toà hành chánh cao 2.5 tầng sát đó, cùng bãi thả dù tiếp tế, sân vận động bên kia đường rất dễ dàng được VC quan sát từ đồi Đồng Long.
.
Phiá đông công viên ngay góc ĐL Hoàng Hôn là Trung Tâm Hồi Chánh, bị đặc công VC chiếm được trong nhiều ngày lúc đầu, ngay sát bãi pháo sđ 5, bắn tẻ vô đường tiếp liệu tải tiếp tế từ sân vận động theo đường CM 1-11  băng qua Công Viên tới ĐL Hoàng Hôn về phía bắc cho LĐ 81 Biệt Cách Dù và trung đoàn 8, SĐ 5 ngay gần đó. Ổ đặc công này sống nhờ vào dù tiếp tế cùng súng đạn của VNCH. Sau bị phát giác, nơi này thuộc vùng trách nhiệm LĐ 3 Biệt động Quân. Khi bứng chốt đặc công này, một trung úy BĐQ hy sinh ngay trước mặt đường, và các C130 Dragon đã bay trên cao nả súng xuống bắn nát khu nhà này.
.
Khi còn nhỏ, má tôi, ngày chủ nhật gánh đồ từ cư xá công chức trên đồi xuôi dốc qua CV qua Chợ Mới để bán đồ tạp hóa cho dân phu đồn điền Tây, được đổ xe vận tải chở người xuống chợ mua bán. Trời sáng sớm vẫn còn tối, tôi cầm đèn pin đi trước dò đường, có lần lọt xuống đường hầm đào xuyên qua ĐL lúc đang làm, bị rớt xuống tức ngực nằm im hồi lâu mới tỉnh dậy .... khi bán hàng xong thì má kêu xe lôi (xe gắn máy kéo thùng phía sau) chở về nhà, vì hàng họ nặng lắm, không lên dốc nổi.
.

.
Ghi chú 9,10,11:
Khu Trung học Bình Long. Khi tới năm 1959, tôi chỉ thấy một dẫy nhà Trung Học, nằm sâu dưới dốc, xa mặt đường chính (9), có vài cây mít trong sân. Về sau có thêm vài dẫy nhà mới. Sau này có anh Hạnh là bạn của anh Hai tôi tốt nghiệp ĐH Sư Phạm có vể đây làm GS trung học.
.
Trong trận chiến 72, qúa nhiều người chết trong Bịnh Viện, xác họ thối đầy chung quanh sân. Ty Công Chánh mang xe ủi đất, đào ba bốn cái mương sâu thành mộ tập thể chôn tất cả thường dân, binh sĩ tử thương từ bên BV mang qua. Theo hồi ký của ông BS Quy tại BV, có người đi chôn người chết, trúng pháo kích cũng chết theo luôn. Những người đi chôn là "lao công đào binh" những người lính VNCH trước đó đào ngũ, bị bắt đi làm lao công chiến trường một thời gian như đi tù.
.
Phạm mạnh Hải, học ở đây tới hết năm Đệ Nhất, thi tú tài 1 và 2, sau thi tuyển vào được Đai Học Kiến Trúc SG, năm 1971, học sau tôi một lớp. Hải có rất nhiều hình ảnh riêng và những câu chuyện về Trung Học Bình Long. Các cựu học sinh tại đây bây giờ vẫn còn gặp gỡ nhau thường xuyên.
.
Dấu vết các ngôi mộ tập thể bên hông trường vẫn nhìn rõ trên hình, vì được xếp gạch đánh dấu (11). bây giờ có đài kỷ niệm của VC, nhưng lại tuyên truyền chính trị, ghi là tháng 10, 1972 (VC rút hết khỏi chung quang AL cuối tháng 6, 1972, chỉ còn pháo bắn vào khi có phái đoàn trung ương đến). Mỹ Ngụy dội bom oanh tạc giết trên 3000 người dân An Lộc chôn chung tại đây. Ai chết vì ai thì người sống ở AL đều rõ.
.
.



.... vẫn còn đang viết tiếp ..

.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Ghi Chú 12:
Ngã tư Phan Bội Châu và Cách mang 1-11, đầu dốc, góc TK, BV, Cư xá và Trung Học, xuôi đường dốc xuống CV Tao Phùng là đường tôi hay thả diều, cứ chạy xuôi dốc, tung diều là bốc cao ngay lên. Hồi nhỏ, con dốc này nhìn cao lắm, khi tôi về năm 2007, lớn rồi nên không thấy nó dốc sâu như hồi nhỏ. Khu nhà tôi nay thành trướng "Trung Học Cơ Sở" là trường đệ nhất cấp ngày xưa. cây Xoài cao lớn ngay góc đường vẫn còn, chắc là vẫn là cây khi tôi còn ở đó.

.
Ghi chú 13:
Góc đường QL 13, ĐL Nguyễn Huệ và Phan Bội Châu, góc bên Tiểu Khu, Tiểu Học Thượng, dẫy nhà Giáo Viên, bên cạnh là Tiểu Học An Lộc. Chỗ này cũng là đầu dốc, thấp xuống phần chợ Cũ, đây là góc đường tôi đi bộ đi học ngày xưa. Thẳng ngược đường PBC là hơi lên dốc, đi về phía đông là khu tư dinh Tỉnh Trưởng, xa nữa là đụng đường bao phía đông dốc xuối xuống suối Quản Lợi.
.
.
Ghi chú 14:
Là Ty Bưu Điện, nhà kiểu Tây, cổ và đẹp, lúc tôi ở đó, cô giáo dậy lớp năm Tiểu Học của tôi là con gái ông Bưu Điện, hình như hai chị em đều là giáo viên. Tôi được phần thường ưu hạng cuối năm của phó tổng thống Ng ngọc Thơ, đi lãnh phần thưởng về, bị ba má tôi dẫn lại nhà cô, ty bưu điện trả lại  vì ba má cho tôi là ăn cắp phần thưởng, dưới con mắt ba má tôi học dở, chơi thân với thằng Hải, con ông Phú cạnh nhà, thằng này có lần ăn cắp phần thường. Bá má tôi bị cô giáo móc nhẹ là ông bà có con học giỏi được phần thưởng ưu hạng mà không biết ... ôi cô giáo tiểu học con ông Bưu Điện Bình Long. Hình như có lần cô giáo tôi có lần bị đánh ghen vì yêu một sĩ quan đã ... có vợ ở xa ... Không còn nhớ tên cô giáo này.
.
.
.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Ghi chú 15, 16:
Sân Tiểu Khu BL, đã được dọn dẹp, đắp hố pháo, mái nhà lợp lại bằng tôn ở chung quanh. Hàng rào phòng thủ đắp kiên cố lại. Cách dấu mũi tên (16) về hướng nam bên trái là hầm của Tướng Hưng, chỉ huy trưởng sư đoàn 5, ngay phía sau tòa Hành Chánh cao 2 tầng rưỡi. Tòa hành Chánh này sẽ được thấy rõ từ đồi Đồng Long bị chiếm bời VC. Tiền sát viên pháo VC dễ dàng điều chỉnh pháo cũng như quan sát thiệt hại của mục tiêu.
.
.
Ghi Chú 17:
Góc mép trường Tiểu Học An Lộc, đối diện TK, khu đất trường Ti H khá rộng, bằng nửa TK và Tòa hành Chánh tỉnh cộng lại.
.
Ghi chú 18, 19:
Dốc đi Phú Lố, phía này chỉ cách biên giới Cam Bốt (19) chừng 10 km, bên kia là khu đồn điền cao su Mimot, nơi đặt căn cứ hậu cần cục R. Sông Saigon bắt nguồn từ đây chẩy xuống Bình Dương giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh.
.

Ghi chú 20:
Đây là vòng đai ấp chiến lược đào thời đầu 60,61, có hào sâu cắm chông tre, mưa ngập nước nên cây cỏ mọc xanh thành đường xanh cây trên hình. Hồi nhỏ các thấy giáo trường Tiểu Học có dẫn chúng tôi đi một vòng gần một buổi để coi người ta đào hào phòng thủ. Mỗi gia đình trong tỉnh được chia một đoạn. Phần gia đình tôi, ba má thuê người ta đào.

.

Ghi chú 22:
Dốc đổ xuống đường Hàm Nghi, dốc cao từ QL 13 hay ĐL Ng Huệ xuống công viên Tao phùng ở dưới đáy thấp
.
.
.
An Loc Binh Long Viet Nam, Tieu hoc An Loc, Trung Hoc Binh Long ... kts duong manh tien, aia. Tien Duong, AIA, pictures of an loc binh long vietnam .
.
.

Monday, August 15, 2011

Thêm các bài phụ lục cho cầu Ba Cẳng và kinh Bao Ngạn ngày xưa, vì có thêm tài liệu. Thêm vào phần các bài viết Saigon Ngập Lụt từ năm 2010. Kts Dương mạnh Tiến, AIA viết.

.
.
.

.
Thêm các bài phụ lục cho cầu Ba Cẳng và kinh Bao Ngạn ngày xưa, vì có thêm tài liệu. Thêm vào phần các bài viết Saigon Ngập Lụt từ năm 2010. Kts Dương mạnh Tiến, AIA viết.
.
.
.
.
ztd-binhtay-3cang-map.jpg

.
.
Saigon nằm trên một vùng coi như bằng phẳng, hơi dốc từ Bắc về Nam, Tây Nam, con rạch Nhiêu Lộc, đi từ Đông sang Tây chìa SG và Gia Định ngày xưa là vùng trũng ngay giữa, thoát nước hướng đông ra sông Thị Nghè. Vùng Tấy Nam Saigon Chợ Lớn thoát nước về hướng Tây Nam ra Phú Lâm, vùng Nam SG nội thành thoát nước hướng Nam xuống rạch Bến Nghé, kinh Tầu Hũ. Điểm cao nhất SG là hồ con rùa, công trường Chiến Sĩ, Duy tân, Trần qúy Cáp, cao độ 7m trên mặt biển, chừng 5m trên mặt sông bến Bạch Đàng thôi. Vùng cao trên cùng là vùng phi trường Tân ơn Nhất, Gò Vấp, đổ nước ra sông Saigon phía Bình Dương và trên nữa đổ nước ra hướng Hóc Môn vô kinh đào nối sông Saigon xuống vùng Bình Chánh, sông Vàm cỏ Đông từ Tây Ninh xuống.
.
.
Rất tiếc SG đã không phát triển về vùng cao ngay kế cạnh là Gò vấp, Hóc Môn, lấy phi trường Tân sơn Nhất làm trung tâm, khoảng cách đến phi trường thật gần nếu thành phố phát triển lên hướng bắc, Gò Vấp, Hóc Môn, tránh vùng thoát nước tự nhiên, giữ nước tự nhiên của SG tứ ngàn xưa như vùng thấp Phú Mỹ Hưng hiện nay.
.

.

.
ztd-mapsg-drainage-pre75.jpg
.
Bản đồ Saigon, Chợ Lớn và Gia Định được in trước 1975, hình như năm 1972.
.
.
Trong các loạt bài về Saigon ngập lụt, tôi viết đầu năm 2010, có rất nhiều bài nói, phân tích, nhiều dẫn chứng về hệ thống thoát nước tự nhiên của SG Gia Định và Chợ Lớn từ thời vài trăm năm trước cho tới nay. Bây giờ có thêm chút tài liệu nên viết bài bổ túc, kể câu chuyện nhỏ về kinh Bao Ngạn và cầu Ba Cẳng, đã đi vào dĩ vãng, bị xóa lấp thay vào đó bằng nhà ổ chuốt. Do đó ngày nay, nước ngập tràn lan mọi nơi đi vào từng nhà dân, nằm đó nhiều giờ, dân sống trên nước ngập cống rãnh hôi thối dơ bẩn.
.
Khi quy hoạch phát triển thành phố, không biết các đấng tiến sĩ VC, vì có qúa nhiều bằng cấp đếm không hết, nên không hiểu có biết đến cao độ, vòng cao độ tự nhiên, natural topo map của Saigon ra sao không? có biết khi mưa ngập nước thoát như thế nào không, mà mấy chục năm sau, bây giờ mà có chỗ nào mà SG chưa bị ngập đó mới là điềm lạ kỳ hiếm có ngày nay, còn cứ ra ngõ là ngập nước, không ra nước cũng tràn vào ngập vào tận chân và cao hơn nữa.
.
Vùng trung tâm SG, nơi cao nhất là chỗ Tháp Nước thời xưa, sau thành Đài Chiến Sĩ và bây giờ là hổ Con Rùa, cao độ là 7m, trên mực nước biển ở Hà Tiên, vậy sông SG ở bến Bạch Đàng chắc mực nước đã cao 2m trên mặt biển rồi, do đó từ sông SG lên chỗ Con Rùa, chỉ cao chừng 5m khác biệt là nhiều. Điểm cao thứ nhì là khu toà hành chánh Gia Định, chỗ Lăng Ông, đất gò cao, rồi thấp ra sông SG về Thanh Đa. Điểm cao nhất vùng này, là nơi phi trường Tân sơn Nhất, điểm cao là 9m trên mực nưóc biển, khi ra Lăng Cha Cả chỉ còn khoảng 4.5 tới 5m, vùng ngã bẩy Lý thái Tổ, Phan thanh Giản, Petrus Ký là cao trên 4m.
.
.
Từ hồ con Rùa, đường cao giảm dần về hướng Chợ Lớn, đường đỉnh từ đông qua tây là Trần quý Cáp, Hồng thập Tự ... kéo dọc theo Hùng Vương, Hồng Bàng vào Chợ Lớn, rồi tất cả giảm dần dốc chẩy về Phú Lâm, Bình Chánh. Nửa phía bắc vùng này chẩy vào kinh Nhiêu Lộc phía Yên Đổ, Công Lý, Tân Định ra Thị Nghè xuôi sông SG. Nửa phía tây nam đổ xuống rạch Bến Nghé, kinh Tầu Hũ, xuôi xuống Bình Chánh.
.
Ngày xưa còn có con kinh Bao Ngạn, nối ngay đầu nhánh rạch Nhiêu Lộc, nước từ Tân Sơn Nhất, Tân sơn Nhì đổ xuống qua Ông Tạ, được kinh Bao Ngạn đón đưa ngay qua tây nam (ngày nay phải ra Nhiêu Lộc, ra Thị Nghè, sông SG), chẩy qua Phú Thọ, dọc theo Dương công Trừng, nhập vào rạch Lò Gốm ra Phú Lâm, và ngày xưa còn nối thẳng xuống kinh Bãi Sậy sau chợ Bình Tây. Kinh này thoát nưóc nhanh vùng Ngã Tư Bẩy Hiền, Phú thọ Hòa, phần trường đua Phú Thọ, Chợ cá Nguyễn tri Phương, vùng Tô Híến thành, mang nước ra Phú Lâm. Không có kinh này thì nay chỉ còn rạch Nhiêu Lộc thu nước, chưa kể vùng lân cận sẽ bị ngập tại chỗ trước khi khó khăn ra được Nhiêu Lộc. Còn vùng Phú Thọ, Phú thọ Hòa, Ngã Tư Bẩy Hiền thì nước đi về đâu bây giờ.
.
Khi kinh Bao Ngạn bị lấp, thì nước vùng trên Tân sơn Nhất, sơn Nhì, Ông Tạ, Lê văn Duyệt, Chí Hòa, Hòa Hưng phải đi theo Nhiêu Lộc ra Thị Nghè ruồi xuôi sông SG, đi xa gấp đôi qúa quanh co và đổ nhiều nước hơn vào NL và sông TN. Ngày xưa khi đi vào cư xá sĩ quan Chí Hòa bằng đường Bắc Hải từ Lê văn Duyệt, dọc theo đường Bắc Hải hướng bắc là con kinh nhỏ đó là kinh Bao Ngạn. Đó là đường vào cổng trước của cư xá. Cổng sau bên đường Tô híến Thành, cũng có con kinh, hay mương song song với đưòng vào, mang nước ngập vùng khám Chí Hòa, băng qua Tô Hiến Thành đi qua phía sau nghĩa trang Đô Thành, bọc sau cư xá, đổ nước vào kinh Bao Ngạn. Kinh này băng qua đường Ng văn Thoại, trên bản đồ cũ còn thấy vẽ lằn cầu trên đó.
.
.

ztd-sg-cholon-arial-drainag.jpg
.
.
Phần bắc Gia Định nước thoát ra sông Saigon, nam và tây Gia Định nước vào kinh Nhiêu Lộc thoát ra Thị Nghè, đổ sông SG rồi xuôi Nhà Bè ra biển. Vùng nam SG, phần trên đổ nước ngược bắc về Phú Thọ, đổ nước xuôi tây nam, phần nam SG, phía dưới đổ nưóc vào rạch Bến Nghé, kinh Tầu Hũ xuôi Phú Lâm xuôi Bình Chánh. Không biết khi mực nước lên xuống theo thủy triều có bao giờ rạch Bến Nghé lại đổ nước vào sông SG hay không?, nhưng nay thì đầu rạch Bến Nghé đã bị lấp, thay bằng cửa hầm bằng qua sông SG vô Thủ Thiêm, rạch Bến Nghé nay thành còn rạch cụt đầu.. không còn thông di chuyển lưu thông với sông SG.
.
Kể ra rất tiếc, rạch Bến Nghé thông suốt thành đường du lịch bằng tầu thuyền chở du khách từ sông SG, tứ bến Bạch Đằng vào, water taxi vào tận Chợ Lớn, đi qua cầu Ba Cẳng vào kinh Bến Sậy, ghé bến chợ Bình Tây mua bán, xuôi Phú Lâm, ghé đầu tầu Phú Lâm, qua kinh Đôi, đổ lại về kinh Tầu Hũ ra sông SG. Con đường du lịch sông nước hiếm có thành phố nào có như vậy, cả vài chục cây số, tha hồ làm chợ nổi, tha hồ có nhiều thứ hấp dẫn du khách .... thiệt là tiếc, óc của người VC chỉ có vậy ???
.
.
ztd-caubacang-kimbien.jpg
.
.
Chuyện lấp con kinh Bao Ngạn, Kinh Bãi Sậy, dẹp cầu Ba Cẳng là một chuyện đùa cợt ngớ ngẩn, nếu không nói là quá ngu dốt, kinh rạch càng ngày càng bị biến mất thay vào đó rừng bê tông, tráng xi măng, đất giữ nước bị biến mất, thì nước dậm chân tại chỗ, ngập ứ lên, càng lúc càng ngập nhanh và ngập thường trực. Vùng đất xuối Nam, Tây Nam, đất ngập cho nước thấm nay thay bằng khu Phú Mỹ Hưng, phát triển vùng đất thấp nhất, đất thoát nước, đất ngập biến mất, đất thấm nước biến mất, đường thoát nước tự nhiên bị chận lại bời đường xa lộ mới được đắp cao thành đê, nhà cao từng thay rạch mương đất ướt, nước dồn lại, ngập tại chỗ, ngập ngược lại về hướng SG.
.
.
Saigon ơi, đất ngày xưa không ngập nước nhờ thiên nhiên, Saigon ngập nước thường trực ngày nay nhờ thiên tài VC.


.
ztd-sgmap-1815.jpg
.
vài trăm năm trước có rất nhiều kinh rạch để thóat nước và các vùng ngập nước để giữ nước tại chỗ.
.
.
.
ztd-plan-cholon-49.jpg
.
Ngày xưa, nước từ kinh Bao Ngạn đổ từ bắc phi trường xuống tây nam còn nối dính vào kinh Bãi Sậy phía sau chợ Bình Tây, khu này có rất nhiều đường thóat nước.
.
.
z-td-sgngap-Saigon1772.jpg
.
.

.
ztd-baongan-pre75.jpg
.
.
.
ztd-caubacang-baisay.jpg
.
Những tấm hình không ảnh Saigon và Chợ Lớn là do Raymond Cauchatier chụp năm 1955.
.

Khi nhìn tấm hình trên, chụp kinh Bãi Sậy, một bên phía chợ Bình Tây là bến Văn Thành bờ bắc, bờ nam là bến Bãi Sậy, cầu Ba Cẳng phía xa cuối trên hình, tôi rất ngạc nhiên, giật mình, không ngờ tấm hình đẹp như vậy. Đâu thua những con kinh ở các thành phố khác trên thế giới đâu. Hàng cây xanh hai bên, thu dọn hai bờ sạch sẽ trồng hoa, lối đi bộ rộng rãi chỗ ngồi chơi, và thuyền bè cho khách du lịch đi bên dưới. Thu dọn lại, đâu thua những thắng cảnh khác trên thế giới. Rất tiếc vì ngu muội, vì thiếu kiến thức vì nhiều thứ ... không biết từ bao gìờ ngưòi VN ở đó, kẻ cầm quyền VN để cho nơi đây bị lấp kín, đầy nhà ổ chuột dơ dáy, dễ cháy .... đó có phải là văn hoá tự hào của người Việt vùng đó không ... thật là mắc cở cho tài học cao nhìn xa trông rộng và cách ăn ở qúa sạch sẽ của người VC hiện nay.
.
.
z-bensay-chobinhtay-xua.jpg
.
Phía sau chợ Bình Tây, bến Văn Thành, còn có bến đá, lùi rộng vào bờ cho ghe tầu đổ hàng và có chỗ quay đầu đổi hướng ra vào  .... ngày xưa, hai chữ ngày xưa bây giờ nhắc lại thiệt mỉa mai .. có vẻ đi thụt lùi, tiến ngược chiều từ tốt lành thành ... thành tự hủy. Cái ngu nhất là xóa cái hay của người đi trước ... ? . Tự hủy hại, mà tường là hay.
.
.
.
ztd-bintya-baisay-55.jpg
.
hình trên vừa lấy từ site của Mạnh Hải KT71 .
.

z-sgngap-kbaisay-2.jpg
.
Phiá sau chợ Bình Tây là bến Văn Thàng và bến Bãi Sậy không còn nữa, con kinh với ghe thuyền to không còn nữa, bây giờ là nhà ổ chuột và bẩn thỉu.
.
.
Mời các bạn đọc lại bài Cầu Ba Cẳng vài bài trước đây và loạt bài Saigon Ngập Nước trước đây viết rất chi tiết và nhiều giải pháp đề nghị. Dùng tag Saigon ngập nước, ngay dưới cuối bài này.
.
.
ztd-caubacang-kimbien.jpg
.
Ghe thuyền lớn không cặp bến Kim Biên nữa vì nhà sàn bắt đầu mọc lên lấn kinh, đổ đất và rác ra lấp kinh, trước đó là bờ đá cho ghe to cặp vào, không biết xẩy ra thời nào, có lẽ lúc Pháp bị hất chân ra sau năm 1945.
.

.
ztd-bacang-tcmap.jpg
.
.
.
ztd-bacang-tcmap.jpg
.
.


.
Saigon ngập lụt, kts duong manh tien, saigon flood, tien duong, aia.
.
.

Tuesday, August 9, 2011

Những hình ảnh Kiến Trúc Saigon ngày xa xưa, chuyến đi Côn Sơn tháng 3, 1976 ... có những hình xưa, bây giờ mới có được.

.
.

.
Những hình ảnh Kiến Trúc Saigon ngày xa xưa, chuyến đi Côn Sơn tháng 3, 1976 ... có những hình xưa, bây giờ mới có được.
.
.
post hình lên trước, sẽ trở lại viết bài sau.
.
.
.
ztd-ktsg-conson-3-76-.jpg
.
hình trên là lúc rời CS về Saigon, lúc đến CS là vào sáng sớm, sau khi đi một đêm đầy nước mưa..
.
.
Mấy tuần qua, KT71 họp mặt kỷ niệm 40 năm tại Saigon, vài tấm hình xưa được đưa ra từ Phạm mạnh Hải và Mai văn Lộc thuộc KT71, trong đó có hai tấm hình đi Côn Sơn vào năm 1976, trong đó có tôi. Tình cờ nhìn lại thấy mình và chuyện xưa hiện về.
.
.
Tôi trình luận án ra trường, tốt nghiệp KTS cuối tháng 2 năm 76, khóa 2 của niên khóa 74-75. Lúc đó tôi nghỉ làm tại Viện Quy Hoạch một thời gian để làm đồ án. Sau đó vẫn nghỉ một chút cho đỡ mệt. Nhân thấy có chuyến công tác của trường KT đi ra Côn Sơn hay Côn Đảo để đo đạc các trại tù thời Pháp và sau này, vẽ lại để làm mô hình cho nhà triển lãm tội ác Mỹ-Ngụy ở góc Lê qúy Đôn và Trần qúy Cáp. Do cơ quan này tổ chức, họ đi vài người, nhưng chính là đoàn SV KT. Tôi xin đi theo như một chuyến nghỉ hè sau mấy tháng làm đồ án ra trường thật mệt mỏi.
.
.
Khoảng đầu tháng 3/76, khởi hành ngay sông SG, bến Bạch Đằng gần nhà hàng Mỹ Cảnh xưa. Chiếc thuyền đi là một thuyền đánh cá của Thái Lan, bị giam giữ ở Kiên Giang, bây giờ mang ra dùng lại, toán lái tầu là của địa phương KG, lên SG đón chúng tôi. Ra khỏi biển, thì giông tố nổi lên, tấu chuyển hướng đi về Gò Công, vào sông lại, đi ngược nhánh Tiền Giang lên gần Châu Đốc, chuyển qua nhánh Hậu Giang, qua Long Xuyên, rồi thẳng đường ra biển. Đi trong sông cũng gấn hai ngày, tha hồ mà du ngoạn sông nước Tiền Giang và Hậu Giang, rất là thú vị, sông nước êm ả.
.
.
Khi ra đến biền là vào tối, vẫn còn chút giông bão và mưa to cả đêm, tôi nằm ngoài hông tầu hành lang, nước mưa và nước biển văng lên, ướt nhẹp cả đêm. Đến gần sáng thì đến CS, căp vào bờ đá, lúc này tôi thay đồ khô cho lịch sự chút. hai cái vila ngay bờ biển phái trái cầu đá, một là của cố vấn Mỹ cũ, tối tân hơn, chúng tôi ở cái vila thứ hai, nhà cổ của Pháp, gần khúc đường cua, ngay bãi trước, nhìn ra toàn vùng biền hướng Đông Nam, vùng bãi chính, cầu đá bên trái, bãi biển cát trước mặt, hướng về núi bên phải. tầu đưa chúng tôi ra đậu trước mặt thà neo. Sau đó vài ngày có chiếc Tuần dương hạm số 4, hay khu trục hạm gì đó của hải quân VNCH bỏ lại vì nằm ụ HQ công xưởng làm đại kỳ, bây giờ sơn xanh xám biển thật đậm, cũng đi thử ra neo ngay trước mặt nhà chúng tôi ở.
.
.

.
.ztd-ktsg-conson-3-76.jpg
.
.
.

.
.
Tôi và Ng đăng Dũng, bạn học cùng lớp, được chia ra một tổ chỉ có hai người, Dũng tốt nghiệp Cán Sự hàng Hải ở Phú Thọ, trước khi vào học KT, đến năm 72, mùa hè đỏ lửa, nhập ngũ, đi Thủ Đức xong thì đi ra đơn vị bên kia, xuống Cà Mâu và vào Bưng, sau 75 trở về, thì Dũng đã là đảng viên. Tui cười cười hỏi Dũng: Ông được chia đi chung với tui để canh phải không ? . Dũng cười: Ừ, sẽ canh rất kỹ.
.
Hai đứa được chia cái "chuồng bò" , được mô tả là dã man kinh khủng hơn chuồng cọp nữa, nơi đó nhốt bò ngày xưa, cái nhà đá, là cái hai đứa đo chứ không phải chuồng bò trống lớn gần đó, cuối góc nhà có cái hố để rửa phân bò chẩy xuống đó. Bây giờ nhớ lại, thì nhà này rất nhỏ, bên ngoài nhìn chẳng có gì ghê rợn, có một phòng hay hai phòng, một phòng có hố phân bò. Nghe nói, những người bị giam biệt lập, thứ dữ, mang tới đây ban đêm, mở cửa bị đẩy vô, đuổi xuống cuối hầm, họ sẽ bị rớt xuống cái hố phân bò .. hôi thối, đại khái là như vậy.
.
Mặc dù bây giờ không còn khóa ở cửa khung sắt, nhưng khi chui vào, tôi và Dũng đếu cẩn thận đi tìm đá lớn chận cửa mở tung ra cho chắc ăn. Bên trong tường đá tô vữa vôi. Còn nhìn thấy những miếng vải vuông nhỏ, ve lại thành móc vải, bện lại, có miếng vải khác cõ lỗ cho móc chui ra, rồi quệt mủ cây hay nhựa cây, nhựa đường dán dính chặt lên vách làm móc để căng mùng. Nhìn thật sáng tạo, qua bao nhiêu năm, móc vải căng mùng vẫn còn dính chắc tại chỗ trên tường.
.
.
Buổi sáng, hai đứa tà tà đi bộ từ nhà ngoài bờ biển, ngược hướng lên núi vài khúc đường, đi qua chợ, hay gặp ai bán gì cũng coi ghé mua, khi được vài cái bánh tét nhân chay, hay nải chuối. Cái nhà khu chuồng bò này cũng chẳng có phức tạp gì mà đo lâu, một cửa, một cửa sổ, mấy cái lỗ, vậy thôi, nhìn chẳng thấy nó kinh khủng gì, chỉ có vắng vẻ lặng lẽ không có ai. hai đứa nằm dưới gốc cây ăn bánh tét hay ăn chuối, nghe Dũng kể chuyện đời trong bưng, từ khi ra Thủ Đức với lon Chuẩn Úy, rồi coi như ra đơn vị VNCH, thì có người bên kia dẫn vào bưng chăn vịt ra sau. Kể chuyện muỗi Cà Mâu nổi tiếng ra sao
.
Kể chuyện là khi chui vô mùng, phải chui luôn qua bên kia, muỗi bám theo sau, sau đó mới chui ngược lại, thì muỗi trở hướng bay theo không kịp, vẫn còn sót vài tên, sau đó vạch bụng ra cho muỗi tìm bãi đáp, cứ thế mà vỗ bụng cho tới khi giết con muỗi cuối cùng, rồi ngủ. Sau này lên Đảo ở Nam Dương, tui cũng có thử bài học này, tuy nhiên muỗi không nhiều, nên chi phơi bụng ra cho muỗi đậu rồi đập.
.
.
.
Còn các bạn khác đi đo chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ chắc to lớn, vất vả hơn. Còn tôi và Dũng cũng chẳng ai để ý, cái chuồng bò vẽ xong từ lâu, cứ đi lòng vòng chơi chung quanh. Chứ còn chuồng cọp thì hai đưá cũng không có dịp tới, khá xa, phải có xe chở đến.
.
.
ktcondao-1.jpg
.
.
.
.
ktcondao-name-3-76.jpg
.
Hình trên đã được ghi tên sẵn, không biết ai ghi, hình do Phạm mạnh Hải KT71 chuyển từ Mail văn Lộc KT71.
.
người ngồi giữa là chị nuôi, nấu cơm cho ăn, người bên cạnh đeo kiếng là VC trưởng đòan, bên nhà triển lãm Mỹ - Ngụy.
.


Trong tấm hình trên, gần một nửa người có mặt bây giờ không còn ở VN nữa, Có Trương công Vọng KT72 đã đi xa lắm qua bên kia đời từ cuối những năm 70's.
.
.
.
ztd-conson-map.jpg
.
.
.
.
ztd-conson-map.jpg
.
Chuồng bò, nhà giam, nơi tôi và Ng đăng Dũng được cử đi đo và vẽ lại.
.
.
.
ztd-conson-map.jpg
.
.
Ngoài ra, rất là nhàn hạ., tôi và Dũng cứ đi ra, kiếm chỗ ngủ, nằm tán dóc, rồi về vào giờ ăn, chiều ngủ dậy, đánh domino. Một hôm mấy đứa, trong đó có Nguyễn ngọc Trai KT72, Nguyễn hồng Phúc KT72, và tôi, ngồi đánh domino dưới cái bàn cây, ngồi trên ghế cây, dưới gốc dừa cao, đầu hàng ba, thì thấy nháng lòa sáng, tê lỗ tai, không nghe gì hết, thì thấy trong nhà, mấy đứa chạy túa ra la làng, nhào đến chỗ chúng tôi.
.
Hỏi cái gì vậy ?. Sét đánh, ngay vô tụi bay, ra coi có đưá nào bị gì không ? . mấy đứa hết hồn dòm lên, cây dừa ngay sát bên bị sét đánh bay ngọn, lá rơi lả tả chung quanh. Chúng tôi ngồi dưới, trên hành lang xi măng không sao hết. Tay vẫn còn cầm mấy con domino. Hết hồn, trong khi tụi trong nhà thì la hét chí chóe sợ hãi hơn chúng tôi nhiều.
.
Đúng là mấy đứa số lớn, trời đánh trúng mà không chết, có lẽ tại ngồi trên ghế cây, đi dép, điện không chuyền xuống đất, người cách điện hoàn toàn ? . mấy đứa trong nhà nói: Nhìn ra thấy sáng loà, nổ to, bóng mấy người hiện lên vùng sáng vàng, nổ lớn, nhìn kinh sợ lắm, không thấy ai ngã xuống, tuởng sét đánh chết ngồi tại chỗ luôn.
.
Chiều hôm đó, có bữa cơm, cù hũ dừa chiên, là đọt cây dừa mới bị sét đánh chết, gìờ hạ xuống, lấy đọt dừa ăn. Do chị nuôi nấu. Chị nuôi rất đẹp, người thon, cao, có đứa con gái chừng 10 tuổi, đứa này thì không giống mẹ, xấu hoắc. (xin lỗi, anh trưởng đòan nói tại sao nó không giống mẹ chút nào !). Anh chàng đeo kiếng cận đi theo, trưởng đoàn, của triển lãm M-N, tán tỉnh chị này sát rạt, vì chồng chị nuôi chết lâu rồi. Không biết anh ta có thành công chui vô mùng chị nuôi không.
.
Mấy thằng trời đánh không chết hình như bây giờ ở Mỹ, Úc hay Canada hết rồi.
.
.
Lúc nào một mình, là tôi nhìn ra cái tầu đánh cá Thái, mà dùng để đưa chúng tôi ra đây, cứ nhìn nó mà suy nghĩ mải, mấy ngày đi ra đây tôi bám phòng lái coi cách lái tầu thiệt kỹ, và nó còn đầy dầu cho chuyến về tới SG. Một hôm thấy Trai KT72, bơi ra tầu, bám thành tầu rồi leo lên, rồi hồi lâu leo xuống. Sau tôi hỏi nó, mày lên tầu làm gì vậy ? . Đang bơi mắc ỉa nên lên tầu ỉa. Làm chi mắc công vậy, mà trên tầu có ai không?. Chỉ có một mống, có AK không ? . Không thấy AK. Tôi đã quan sát từ trước, họ có mấy khẩu AK trên tầu. Hình như toán lái tầu là 4 người.
.
.
Tôi im lặng, nghĩ mãi, có nên nói chuyện với Trai và Phúc lúc này hay không ?. Cứ thẳng hướng đông nam trước mặt, vài trăm cây số là tới bờ Mã Lai Á ngay. Còn chiếc số 4, to quá, nó có khởi hành thi cũng chậm rì, còn chung quanh thì không có một chiếc tầu nào khác. Như một định mệnh sắp đặt trước, hơn một năm sau, ba đứa tôi cũng tới một hòn đảo ở Nam Dương. Buổi sáng còn nhìn thấy CS lờ mờ bên phía tay phải, chúng tôi hướng ra hải phận quốc tế, thẳng về Phi luật Tân. sau nhiều ngày vất vả đói khát, thì quay về hướng Đông Nam lại.
.
.
Chuyến đi CS này rất thú vị, một kỷ niệm chung với các bạn bè học Kiến Trúc, có người thân có người không, mang thêm cho tôi một chút kinh nghiệm cho chuyến vượt biền sau đó hơn một năm. Một vùng biển trời nào đó từng đi qua trong hành trình của một mảnh đời riêng tôi .... cám ơn người giữ hình, mấy chục năm sau đưa ra cho kỷ niệm của chúng ta tràn về, hay không tràn về, tùy từng mảnh đời riêng ... từng chung trên một tuần trong chuyến đi Côn Sơn những ngày xa xưa.

.
.
chuyến đi Côn Sơn Côn Đảo tháng ba 1976, kts duong manh tien, Pulo Condore, Con Son island, tien duong, aia.
.


Friday, August 5, 2011

bước qua hè tháng tám, trời hầm hầm .. nắng chang chang .. mờ hơi nóng ngoài sân ... chẩy mồ hôi ... giờ đang nóng khủng khiếp ở Dallas và Arkansas ... gửi đến mấy tấm hình của tmd, they will cool you down.

.
.

.
.

.
Dallas, nơi tôi đã ờ 6 năm, có cái nhà gần White Rock Lake, bên phía Dallas Bloom đường Garland, mấy chục năm trước, thường phóng xe đạp làm một vòng quanh hồ, 9 miles, hôm nào sung sức làm 2 vòng 19 miles. Có hôm nóng qúa, bị heat stroke là say nắng, ôm xe đạp nằm vật ra cỏ, hồi sau mới tỉnh táo lại ....
.
.
Gửi đến các bạn KT ở Dallas một chút nước lạnh, tuyết lạnh, rồi bia lạnh ... tha hồ trả tiền máy lạnh mùa hè này, chưa chi đã trên 31 ngày liê tiếp nóng trên 100 độ F.
.
.
.
thân gửi đến các bạn ở vùng nam nước Mỹ, trới nóng suốt cả tháng nay… một chút nước lạnh.. hình của Dương mạnh Tiến KT70.
.
.
Ở Dallas, TX, trời nóng trên 100 độ F là gần 40 độ C suốt trên 31 ngày liên tiếp… Trung Gà, Tâm Lác, Đỗ văn Hùng, Phạm tú Ngữ… stay cool… giữ cho mát mẻ… chạy máy lạnh chết bỏ…
.
.
ztd-mattroi-nuoclanh.jpg
.
gửi tới các bạn và tòan KT TEXAS một chút nước lạnh … nếu chưa lạnh thì gửi tiếp một chút tuyết lạnh và lửa ấm.
.
.
.
ztd-mattroi-nuoclanh.jpg
.
Tuyết dầy tới gần hai thước, phải đi giầy tuyết, snow shoes, lửa cháy trên mặt tuyết, lót cây bên trên.
.
đợi chút sẽ gửi thêm một cái… cũng bớt nóng và đã khát …
.
.
ztd-mattroi-biacan.jpg
.
.
đóng kín cửa mở máy lạnh, uống bia lạnh rồi mua vé máy bay lên vùng NW, ngày có 80-85 độ, đêm đắp mền ngủ vì chỉ có 52 độ.
.
kts duong manh tien, tien duong, aia photography, tmd photography. texas nong .
.
.

Labels Loại Bài

Followers

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.