copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 24, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi. Một truyện dài … Bài thứ tám tiếp theo. By duongtiden.

.

.

An Lộc, Bình Long và tôi. Một truyện dài … Bài thứ tám tiếp theo. By duongtiden.
.
.
.


Tôi còn nhớ vào lúc 11 giờ sáng cho tới 12 giờ trưa lúc đó, trên đài phát thanh Quốc Gia hàng ngày là chương trình cải lương. Những ngày hè rong chơi không phải đi học, giờ đó tôi mê nghe ca vọng cổ, nhất là câu chuyện “Trái gùi Bến Cát” với chuyến xe lửa dọc đường Saigon - Lộc Ninh, với tên những nhà ga trên đường. Cái nhà ga xa lửa Bình Long hay Hớn Quản, tôi không nhớ ra sao nữa, nhưng nhớ lối đi vào từ con dốc dưới chợ Cũ, trên đường đi Quản Lợi, thì quẹo phải, đi xuống khu đất thấp phía đông thị xã.
.
.
z-td-anloc-bandove.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
Có lần, ba bỏ sở làm về nhà, kêu tôi đi theo, hai cha con lên xe mô tô của ba, chiếc Peugoet sơn mầu xanh lá cây nhạt, có nhiều sợi vẽ sơn viền mầu xanh đậm, phía dưới chân hai bàn để chân, phía trước còn có hai miếng sắt che nhỏ hình bầu cong để che bùn nước văng vào chân. Hỏi ba đi đâu vậy, ba nói, đi coi chuyến xe lửa chót từ Lộc Ninh chạy về, rồi người ta dẹp đường xe lửa này luôn. Tôi nhớ ngay bài vọng cổ trên chuyến xe lửa Saigon-Lộc Ninh hay nghe cải lương, hỏi ba tại sao người ta bỏ không chạy xe lửa nữa. Ba nói:
.
_ VC đặt mìn, bắn phá xe lửa hoài, nên không còn an toàn nữa.
.
Người đứng chung quanh nhà ga khá đông, ngoái cổ nhìn về phía dọc theo đường rầy chờ đoàn xe tới. Tụm nhau lại nói chuyện, thấy ai cũng có vẻ băn khoăn chờ nhìn thấy chuyến xe lửa cuối cùng, chẳng phải là chuyến tầu thường lệ gì hết, không có hành khác, là chuyến xe rút lui, từ biệt chỉ có đầu tầu, đẩy toa xe bằng phẳng phía trước để đón rà mìn, ha ba toa phía sau, chuyến tầu dọn nhà đi về SG của nhân viên hỏa xa Lộc Ninh, rồi ghé đến ga Hớn Quản hay Bình Long rồi vẫy tay chào nhau lần chót, con tầu không trở lại nữa. Người trên xe lửa, người dưới đất, hai bên đường sắt nhìn nhau ngậm ngùi đưa tay vẫy từ biệt chuyến tầu chót. Tôi chẳng hiểu gì cả, nhin theo đuôi chuyến xe cuối cùng đi về hướng nam, kéo hụ vài tiếng còi buồn bã. Chuyến xe lửa bỏ ga Hớn Quản ở lại đằng sau, chắc là bỏ kỷ niệm lại trong lòng biết bao người sống gấn đường rầy, trong ánh mắt buồn bã của mọi người trên ga. Má đứa nhỏ, đã té xe lửa, rớt vô đường rầy bị xe cán chết cùng với chùm trái gùi mua về làm quà cho con. Má đứa nhỏ không còn sống nữa, đâu cần chuyến xe lửa để lên tầu mang những trái gùi Bến cát mang về làm qùa cho con ăn. nếu câu chuyện có thật, chắc đứa bé phải khóc nhiều lắm, hàng ngày ra chờ đón má về trên chuyến xe lửa hàng ngày …. chuyến xe lửa cuối cùng bò đường rầy, bỏ nhà ga, bỏ làn bụi đất đỏ, bỏ những hàng cây cao su, bỏ núi rừng hoang vu, bỏ đạn mìn, bỏ thây người ngã gục, bỏ người An Lộc Bình Long Hớn Quản lại, chuyến xe lửa, đầu tầu, kéo toa hàng chót, bỏ lại đằng sau đám người lố nhố trên sân ga, nhìn theo, chắc thế nào cũng có người rưng rưng nước mắt, chờ một ngày nào đó, đoàn tầu sẽ trở lại. Nay đã qua thế kỷ sau, đoàn tầu chưa trở lại.
.
.
.
z-td-anloc-gaxelua.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

Tôi cũng rất buồn, từ nay mất cái thú cùng bạn bè rủ nhau mang nút khoén xếp đầy trên đường rầy xe lửa, chờ xe qua cán nghiền xẹp lép nút khoén, có khi nút bay mất tiêu, không tìm thấy, rồi mấy đứa đứng hai bên đường vẫy tay khi xe chạy qua. Muốn vô tới đường xe lửa không dễ, từ trường tiểu học, mấy đứa dẫn tôi đi theo vào Sóc ăn trái cây trong vườn. Cứ trả một đồng hay năm cắc, rồi leo lên cây, muốn ăn gì thì ăn, nhưng đừng dại ham ăn mấy trái điều nha, nhiều nước, nhưng sau đó sẽ làm cho chát cổ, khe cổ, không muốn ăn gì nữa. Ăn trái điều sau cùng, cứ chơi trong vườn, ăn bao nhiêu cũng được, nhưng không được hái mang về. Đường đi vào vườn cũng lắt léo, phải có mấy đứa ở dưới vườn đó dẫn theo thì mới biết đường quanh co đi tắt, nhiều khi vượt bãi cỏ hay leo qua hàng rào. Thế nào cũng băng qua đường xe lửa, nên mang theo bịch nút khoén để dành để trên đường rầy cho xe lửa cán bẹt ra, nghịch chơi như vậy, chứ muốn cán bẹt ra mà còn xài được thì cũng phải đập sơ cho cái nút khoén banh miệng ra, còn không, thì xe lửa cán bẹp thành một cục, hay bay mất, không dùng chơi tạt nút khoén được.
.
.
z-td-anloc-conit.jpg picture by tddesign-1
.

.
Khi nhỏ, con nít hay chơi nút khoén, là cái nút sắt đóng nắp chai nước ngọt, chai bia, khi khui nắp ra, con nít giữ nắp lại, đập dẹp ra, gỡ bỏ miếng bấc dán ở mặt trong đi. Hồi xưa dug bấc, vỏ cây cùng loại với nút chai, để ép chặt nắp chai không cho xì hơi. Bây giờ thì nắp vỏ chai, ép plastic bên trong làm mặt đệm, không dùng loại vỏ cây làm nút chai nữa. Nút khoén đập phẳng ra, xếp chồng lên một cọc để chơi tạt nút khoén. Dùng nút khoén như là tiền để trao đổi hay chơi những trò ăn thua, cũng giống, như đi thu lượm bao thuốc lá, xếp lại hình tam giác làm tiền chơi, rồi dùng xếp đống lên chơi tạt bao thuốc giống như chơi tạt hình vậy. Ngoài ra lúc đó, nếu tìm ra 6 cái vỏ nút chai Pepsi có dấu chữ bên trong, là mang đi đổi được chai nước ngọt mới tinh.
.
.
.
z-td-anloc-hotcaosu-1.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

z-td-anloc-hotcaosu-1.jpg picture by tddesign-1
.
cái búa này được phát không với thùng đồ nghề bằng sắt, khi dự khóa huấn luyện làm thợ mộc trong chương trình CETA của chính phủ Mỹ năm 1978.

.
.
z-td-mole-4.jpg picture by tddesign-1
.
 
Con nít tỉnh lẻ thời đó, giầu hay nghèo, có những lối chơi khác, tự xoay sở, tự tìm kiếm những cái thừa cặn bỏ đi mà tái dùng lại tự làm ra đồ chơi, loay hoay thu lượm, nhặt từng cái nắp chai, những bao thuốc lá vứt đi của người lớn, mà chính người lớn cũng dành giữ lại làm qùa cho con nít, từng nắm nắp chai, vài bao thuốc lá, thay vì vò vụn vứt xuống đất xả rác. Con nít chúng tôi nâng niu, tay tập cầm cái búa, gõ phẳng ra thành cái nút khoén, đi kiếm đinh 10 phân, đục hai cái lỗ, tìm vỏ bao xi măng, tháo những sợi chỉ may nắp bao ra, nối xe quấn lại, xỏ vào hai lổ trên nút khoén, nối vòng giây lại, hai ngón tay hai bên vòng giây xe lại kéo căng ra, thả trũng lại, giấy quấn cái nút khoén ỏ giữa xoay tròn kêu vù vù, đưa lên đưa xuống theo hai bàn tay, như vậy là đủ cho chúng tôi cười tít mắt thích thú. Những cái đồ chơi từ đồ vứt đi như vậy đã luyện con mắt, hai bàn tay, ngón tay cầm búa biết đóng đinh đục lỗ, nheo mắt xỏ chỉ qua lỗ trong khi nín thở. Những cái đó làm nên thế hệ con nít tỉnh kẻ chúng tôi, vui đùa bên những thứ không mất tiền, cuối ngày, nhìn vuốt gia sản trong cái hộp giấy, cái lon bự, trong đó có đống nút khoén, những bao thuốc lá vuốt thẳng ra, gập lại thành chồng, những hột me, chơi thả ô quan, những hột cao su khô để chơi chọc phá nhau và để làm đồ chơi khác. Những cái hộp quẹt diêm cây trống dùng để nuôi dế hộp quẹt trong đó. Ngắm nghía cái gia tài nhỏ bé, xếp kín một góc đâu đó rồi cười mãn nguyện đi ngủ, trong giấc mơ chờ sáng ngày mai dược con dế than hay dế lửa đá rất chì cất tiếng gáy đánh thức dậy, tung chăn ra vườn, tìm mấy lá rau sam tròn nhỏ còn đọng sương để đút cho con dế cưng ăn, nó nhe hai càng ra, ngấu nghiến cọng cỏ ngon lành. Từng lon sữa bò được giành nhau để chơi tạt lon, để cột giây vào kéo hai tay lên cho lon dưới hai bàn chân đi trên lon sữa bò trên đướng nhựa kêu lộp cộp.
.
.
Cái thơ ngây, thích tự kiếm, thích tự chế ra trò chơi, tự tiêu khiển cho qua thời gian, so với con nít ngày nay, vào tiệm bấu víu cha mẹ, chỉ chỏ đòi mua cái này cái kia mà khóc lóc vòi vĩnh, rồi khám phá ra có chất độc này kia trong đồ chơi làm từ nhà máy, phải mang trả lại, lên TV tin tức tùm lum. Cái tuổi thơ tỉnh nhỏ Bình Long, chẳng có cái gì bán ngoài tiệm mà chúng tôi không thèm thuồng, tuy nhiên có những thứ tự chế, tự làm sở hữu chủ một cách hãnh diện hơn. Mùa hè, tôi từ Saigon về, khoe khầu súng bằng thiếc sơn đen, bắn pháo, cuộn pháo giấy đỏ, u lên những hột thốc nổ, cái cò súng bóp lại, cuộn pháo cuốn lên nòng, cái quy lát đập xuống, tiến pháo nổ vang ra tóe lửa. Mấy cuộn pháo mang về làm mấy đứa ở An Lộc lé mắt. Dĩ nhiên là ngu vì khoe, sau đó lúc chơi với nhau có đứa nào ăn trộm, địa mất khẩu súng bắn pháo của tôi, không biết đứa nào. Trong khi có một khẩu súng tiểu liên thiệt, bắn đạn súng colt 45, nằm trong tủ áo, chẳng có đứa nào dám đụng đến, để đó chờ khi VC tấn công vào.
.
 
.
z-td-anloc-tieuhoc-tl.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
z-td-anloc-th-tanloi.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
Thôi rồi, chuyến xe lửa đi mất rồi, mang tuổi thơ của tôi đi theo luôn, cho tôi thấy sự chết chóc trong thế giới người lớn đang bắt đầu xẩy ra chung quanh, trầm trọng hơn. Hồi đó, nhà thờ của Bình Long chưa nằm phía cuối đại lộ Hoàng Hôn, năm 62, 63 còn nằm trong khu cũng không xa nhà Ga mấy, từ dốc cuối chợ Cũ đi Quản Lợi, rẽ phải, đi ngược hướng nam là vào khu có nhà thờ, lúc đó cũng chẳng có gì to lớn hay đáng nhớ ra sao. Mùa hè ở An Lộc, Bình Long an nhàn thảnh thơi cho chú con nít tôi, chẳng phải làm gì. Má thì ở Saigon, ba và tôi ăn cơm tháng mang đến tận nhà, ăn thêm cái gì thì tui và ba chế biến ra thêm. Nhà bếp thì có chỗ nấu củi, nấu than tha hồ, có ống khói dẫn lên cao, nên khói không tỏa ra nhà. Tôi thì nhóm lửa nấu bếp, nấu cơm cũng đã biết cách, còn biết lùi khoai lang vào bếp than với tro nóng mà ăn.
.

Một vật nhỏ đáng nhớ của Bình Long vùng cao su ngút ngàn mà qúy vị con nít hay chơi đùa, đó là cái hột cao su, mầu nâu đậm khi khô, cái vỏ bóng loáng. mấy đứa hay có trong túi, khi ngồi học trong lớp, lén lấy ra, chà mạnh vào quần sọc rồi dí vào đùi non thăng ngồi bên cạnh, nó sẽ dựng lên kêu nhỏ vì bị nóng rát. Chà hột cao su cho nóng lên, dí vào da là trò chơi của An Lộc. Còn thì công phu hơn, lấy đầu dao xoáy một cái lỗ nhỏ ngang hông hột cao su, lấy cái móc tai bằng đồng, móc hết nhân hột bên trong ra chỉ cón vỏ cứng của hột bên ngoài. Rồi đục hai đầu lỗ trên và dưới cho cây tăm tre nhỏ thông qua được, chẻ thanh tre vẹt ra, chuốt mỏng làm cái cánh quạt, ghim vào giữa cánh quạt, xỏ vào hột cao su, lấy sợi chỉ to, xỏ qua cái lỗ nhỏ ở ngang thân hột, quấn dây vào thân trục chong chong. Cầm hột cao su, có cái thân cây, đầu có chong chóng, giữa cuộn dây chỉ, cứ thế kéo ra, chong chóng quay theo trớn, quay tiếp lại cuộn sợi dây chỉ lại, lại cầm đầu chỉ kéo ngược ra, chong chong lại quay. Đầu chỉ không tuột luôn khi bị quay tròn vào thân hột cao su, vì đầu giây chỉ được thắt nút to lại, không chui qua lỗ được. Gìờ này mấy chục năm sau, không biết có còn quý vị con nít nào chơi như vậy bên những rừng cao su ngút ngàn hay không, hay chúi đầu vào chơi game, nhanh con mắt lẹ mấy ngón tay, ngồi bị muỗi đốt bên bàn phím, bấm con chuột.
.
.
z-td-anloc-hotcaosu-1.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

z-td-anloc-an-lanh-2.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
Thảnh thơi mùa hè, không gì làm thì đọc truyện thuê không mất tiền, lấy truyện về đọc ở tiệm sách đầu Chợ Cũ và QL13. Ngoài ra thì ba cũng dậy vẽ, có những sách của Pháp, cứ mở ra coi, ba chỉ dẫn thêm một chút, như vẽ những con ngựa bằng cách vẽ ra những vòng tròn, vòng elclip nối vào nhau, nhưng tôi không ham ngựa cho lắm. ba cũng chở mô tô vào Quản Lợi, dậy vẽ phác viết chì trên giấy bìa cứng cái nhà nguyện bằng đá trong đó. Cuối cùng thì ba lấy thước nhựa, đóng thêm cái cán, làm thành thước Tê cho tui vẽ nhà hay vẽ đồ đạc. Học cách chuốt viết chì cây, chà giấy nhám cho nhọn đầu chì, rồi vẽ bằng tê và ê ke, mấy kiểu nhà vila Pháp trong sách tạp chí Popular Mechanic hay System “D”.
.
.
.
z-td-mole-4.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

Năm lớp nhất thì trong trường có cuộc thi vẽ để chọn bài tham dự thi vẽ nhi đồng quốc tế ở Ấn Độ. Tui vẽ hình mẫu nhà với vườn và cây trái chung quanh, với lối vẽ và tô mầu đặc như các sách tryện họa hình. Có mấy đứa được chọn hình vẽ trong đó có tôi. Thằng Thọ dưới chợ cũng được chọn, mẫu vẽ của nó là con thuyền đi sông dưới trăng, dừa nhà tranh dọc hai bên bờ, nhìn chuyên nghiệp lắm, mầu đặc, nhìn biết ngay là không phải nó vẽ được. Nhưng mà trường không lấy bài vẽ từ nhà mang tới. Thầy gì dậy lớp nhất tôi quên tên, nhắn ngày chủ nhật, mấy đứa có bài đuợc chọn, đi vào lớp vẽ lại trước mặt các thầy, mang theo dụng cụ bút và mầu cần thiết, vẽ bao lâu cũng được. Thế là mấy đúa vô vẽ lại, lần này thì thằng Thọ không đến, vì bài vẽ của nó do ai đó vẽ dùm. Té ra là như vậy, mỗi đứa được phát mẫu giấy vẽ y hệt nhau được in sẵn của ban tổ chức bên Ấn Độ, có phần ghi tên tuổi trong khung riêng, rồi có ám số, khi chấm bài, phần tên bị cắt đi, chỉ còn là những con số, cho công bình, không biết ai vẽ hết. Vẽ cả ngày, trưa bỏ về nhà ăn cơm, thầy khóa lớp học lại, chiều vô vẽ tiếp. Tài năng tui chỉ có vậy, chỉ có được chọn đi dự ở Tiểu Học An Lộc mà thôi, còn gửi bài đi Ấn Độ thì bài đi luôn bặt tin luôn, bài cũ vẽ gắn ở cửa sổ phòng khách, mỗi sáng mở cửa ra đưa bài ra phơi nắng khoe, ai đi ngang ngoài đường, nhìn vô nhà đều thấy căn nhà mộng mơ của tôi với vườn đầy hoa trái, dán trên cánh cửa sổ.
.
.
Có một lần có phong trào toàn quốc thi đua vệ sinh Tiểu Học gì đó, có số bài ca dao, bài vè gì, đưa ra ngày trước, về học thuộc hôm sau vô trả bài ai thuộc nhất thì trúng giải thưởng vệ sinh, đại khái bài về rửa tay rửa mặt mỗi ngày. Qua thứ hai sau lễ chào cờ tui lên thi trả bài thuộc lòng trước mặt cả trăm con nít Bình Long, đứng nhất, thuộc nhiều bài nhất. Được phát phần thưởng ngay sân cờ là một đóng khăn lau mặt và xà bông. Mấy thứ này chỉ làm cho sạch sẽ bụi đất đỏ bám vào tay chân, vào người, nhưng da tui vẫn đen thui như đứa con nít thượng vì vốn đen sẵn, nay lại thêm nắng Bình Long nóng bỏng.
.
.
z-td-anloc-loanno.jpg picture by tddesign-1
.
.
Con nít nào mà không ham đá dế, bắt dế than dế lửa, rồi bắt cả dế cơm, bắt cho vui, con dế này to hơn ngón tay cái, nhìn hung hăng, nhưng không có biết đá, chỉ dùng ăn thịt thôi, vặt đầu móc bụng nướng trên lửa than, hay nhồi đậu phọng tẩm bột rồi chiên, tui cũng ăn thử, nhưng không ham, chỉ thấ một mớ lộn xộn trong miệng, chẳng có mùi thịt. Nhưng ham bắt, nhốt chúng lại đút cỏ vào miệng coi nó nhe hai hàm ra nghiến cọng cỏ hay cọng giá. Còn anh em thằng Hòa thằng gì ở dẫy cư xá đầu đối diện bịnh viện BL, tụi nó nuôi đầy dế, đổ đất trong những thùng giấy đựng sữa hộp, nuôi đủ dế trống dế mái, dế cha mẹ sanh đẻ ra dế con nhỏ xíu chạy lăng quăng.
.
.
Đi bắt dế ham lắm, vũ khí chính để bắt dế cơm là kiến Bù Chích, đen bóng nhánh, cắn một cái là sưng đỏ lên một cục nhức nhối. Kiếm thu kiến này thì phải dùng bông cỏ tranh, bông lau trắng, có vào mùa hè, nhúng đầu bông vào ổ kiến, kiến bám đầy theo bông cỏ trắng, để lên trên miện lon sữa bò, vuốt bông cỏ thật nhanh từ cọng cỏ giộng đầu xuống cho kiến rớt vô lon, vuốt thật nhanh thì kiến rớt xuống lon, không kịp bám vào bàn tay để cắn. Đi kiếm hang lỗ, nghi là ổ dế cơm, thì tìm thêm lỗ kế coi có thông nhau không, chận đầu kia, khi thả kiến xuống lỗ sẽ cắn dế cơm chạy ra theo đầu kia, chỉ chờ chụp dế. Thả kiến vô lỗ, cùng làm y như lúc bắt thu kiến, nhúng cỏ lau vào lon, kiến bò lên bám vô bông cỏ, mang tới trước lỗ dế, vuốt nhanh cho kiến rớt xuống sẽ đi tìm dế cắn để chiếm hang. Tuy nhiên đứa nào cũng sợ gặp lỗ hang của rắn, thường lỗ rắn to hơn, chỉ có một lỗ chứ không có thông hai lỗ. Nghe chuyện là rắn độc cắn là phải chặt ngón tay, chặt bàn tay cho khỏi chết vì nọc độc, đứa nào cũng sợ, nhưng đâu có mang dao theo mà chặt ngón tay như đọc trong truyện. Tuy nhiên may mắn chưa thả lầm kiến Bù Chích vô ổ hang rắn bao giờ.
.
.
Còn bắt dế đá, dế lửa hay dế than, thì phải đi bới cỏ, khi nghe tiếng dế kêu, lật đá, lật gạch, lặt củi cây nằm trên đất, trong hóc kẹt để tìm ra mấy con dế nằm trốn bên dưới, bắt chụp con dế xong, phải phân biệt ra dế mái hay dế trống là dế đá, con trông thì lông trên lưng của nó xoắn lại theo hình vẩy, thả mấy con mái đi. Có lần hai mấy đứa đi bắt dế phía sau con đuờng phục vụ giữa phía sau hai dẫy nhà, đi lật tấm nắp bê tông che miệng cống gì đó, tôi nhắc một đầu, thằng kia nhắc đấu kia, còn thằng nữa chờ kiếm dế. Bỗng dưng một thằng la lên, rắn, có con rắn nhỏ phóng ra, thằng cầm đầu tấm bê tông thả tay bỏ chạy. Tôi la lên kinh hoàng, miếng nắp bê tông rớt xuống ngay đầu ngón chân cái tui, mắu đỏ tuôn ra, đau lắm, cắt ngang móng chân, dập móng chân luôn. mấy thằng dìu tui về nhà, rửa chân, quấn vải băng lại, rồi lên lên giường nằm đắp chăn rên hừ hừ vì đau nhức kinh khủng, cũng biết rửa thuốc đỏ và bôi ten tua đi ốt.
.
.

Chiều ba đi làm về, không thấy nhà mở cửa và tôi ngồi ngoài vườn như mọi lần ông gọi kiếm tui, rồi thấy tui nằm yên trên giường mới hỏi chuyện gì vậy. Chỉ tay vào chân, nói cho biết chuyện gì đã xẩy ra. Ba vội vàng nói, để tao đi kiếm bác Triệu. Bác là người y tá cao niên nhất, đang coi bệnh viện, lúc đó chưa có bác sĩ thường trực ở đây. Bác ở cùng khu cư xá, dẫy nhà phía trước BV. Bác qua nhà tôi với thùng thuốc và đồ nghề, rau rửa, băn g bó ngón chân tui, rồi đè mông ra chích cho một mũi tê ta nốt, ngừa bị phong đòn gánh nhiễm trùng. Lần hồi rồi ngón chân lành vết thương, móng chân thì bị mất bong ra phần trước, móng mới mọc ra từ từ, mà quý vị con nít bạn hay đòi coi ngón chân tui đang tiến triển lành da như thế nào, tụi nó rất khoái coi cái móng chân mới mọc ra từ từ. Như vậy là cũng đi cà nhắc cả tuần, không chơi đá banh được cả tháng, lúc nào cũng phải giữ chân cho sạch.
.
.
.

z-td-anloc-thbl-anlanh.jpg picture by tddesign-1
.
.

.
.
z-td-anloc-tiemsach-cu.jpg picture by tddesign-1
.

Chân bị đau không chạy nhẩy, đá banh, chơi năm mười với con gái, hay tạt lon, chơi u với con trai, thì nằm đọc truyện thuê không mất tiền, chờ ba chở đi ăn tiệm cuối tuần, lúc này khu chợ mới đang xây mấy dẫy phố mới, ba hay dẫn đi ăn sáng, ăn tiệm những hàng mới mở ra để thử cho biết. Sống vơí ba thì không có kỷ luật gì hết, tha hồ muốn làm gì thì làm, đừng phá phách hàng xóm cho ai phải than phiền thôi. Thời gian này ba muốn mua một cái xe Tracxion trắc xông gì đócủa Pháp, xe hơi đen bốn cửa , đầu máy dài đen nằm phía trước có hai cửa gió mở xếp lên hai bên hông, phía trước có lỗ đút cây ma nu ven gì đó vô để quay đề máy xe. Người ta đưa xe cho ba lái đi lên Lộc Ninh chơi, họ cũng đi theo và chia phiên lái, đi lên Lộc Ninh chơi, bây giờ tui cũng không nhớ Lộc Ninh ra sao nữa, đi tới tận biên giới có mốc giữa VN và Cam Bốt. Chỉ nhớ hai bên đưòng thường là rừng gìa thưa với những vạt cỏ vàng cháy, chứ không có nhiều rừng cao su lấn ra sát lộ như từ Xa Cam vào An Lộc. Sau thì không thấy ba nhắc chuyện mua chiếc xe hơi này nữa, đâu có gì phải cần nó đâu, nghe nói thời đó người ta đòi giá nó là 35 ngàn. Chắc ba không có tiền.
.

còn tiếp.
.
By duongtiden
.
by duongtiden, duongtiman, tieu hoc an loc binh long, ga xe lua hon quan.
An Lộc, Bình Long và tôi. Một truyện dài … Bài thứ tám tiếp theo. By duongtiden.


 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.