.
.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77. chuyến đi tìm tự do, bài thứ hai mươi tiếp theo.
.
.
Chuyện làm giấy tờ xin đi định cư tại quốc gia thứ ba.
.
Tháng đầu tiên có phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến làm giấy tờ sơ khởi, để có tên tuổi danh sách. Các bạn nào cùng đi ra khỏi VN trong thời gian này, hoặc sau đó thì biết những thủ tục tiên khởi này. LHQ đến để đếm nhân số, ghi nhận chi tiết để so sánh với những chi phí cần trang trải cho chính quyền xứ địa phương và cung cấp thực phẩm, nhu cầu. Còn chuyện xin đi định cư, tùy theo ý thích và tình trạng gia đình, chính trị của mỗi người mà nộp đơn xin đi định cư tại quốc gia nào thích, như Mỹ, Canada, Pháp, Úc và vân vân. Ngoài những lựa chọn theo thân nhân hay ngôn ngữ riêng, bằng cấp sẵn có, và những người ghét Mỹ, thích đi quốc gia khác, còn thì hầu như đa số ai cũng muốn đi Mỹ, nên đi Mỹ, thường đợi hơi lâu.
.
Có thân nhân sẵn trong vòng gia đình gần như anh chị em, cha mẹ, ở Mỹ, Úc … thì thủ tục nhanh hơn, thân nhân đến hội thiện nguyện, lấy giấy tờ, điền hồ sơ, xin bảo lãnh qua. Còn không có gia đình, thì ghi tên xin đến quốc gia muốn đi, Đại Sứ tại địa phương sẽ có người cứu xét sau, tùy theo tiêu chuẩn của từng quốc gia, hay sự liên hệ của từng cá nhân đến quốc gia đó. Cứ theo thứ tự, tình hình của từng nước có trại tị nạn mà làm hồ sơ cho đi nhanh hay chậm, tùy theo tổ chức thiện nguyện trong quốc gia sẽ thu nhận người tị nạn, Mỗi cơ quan thiện nguyện tư nhân này làm việc nhanh hay chậm tùy theo tổ chức của họ. Thí dụ như Lutheran hay Quaker có thể làm giấy tờ nhanh hơn là USCC (US Catholic Charities) vì tổ chức Công Giáo này bị tràn ngập hồ hơ của người CG VN và được quen thuộc tên tuổi được biết đến nhiều hơn, như hồ sơ của tôi cũng được làm qua USCC. Còn các tổ chức Tin Lành, ít được thân nhân người tị nạn chọn làm hồ sơ hơn, nên số hồ sơ qua họ ít hơn, họ làm nhanh chóng hơn bên USCC.
.
Trường hợp tôi, có hai chọn lựa, đi Úc thì nhanh hơn, vì anh tôi đã là công dân Úc, sẽ trả tiền chi phí riêng, không cần trợ cấp chính phủ, như là bảo lãnh thân nhân đoàn tụ. Ngày 4 tháng mười, thì có Phó lãnh Sự Úc, và một nhân viên đi cùng từ Jarkarta đến làm hồ sơ cho tôi và ba đứa, tất cả là 4, một hồ sơ xin đi Úc riêng, theo sự bảo lãnh của anh tôi. Họ làm xong thủ tục, còn chuyện muốn đi, thì do tôi và người anh, sẽ quyết định sau việc hoàn tất mọi giấy tờ tiếp theo đó. Anh Hùng của tôi, cũng làm xong hồ sơ bảo lãnh từ Mỹ, bắt đầu gửi đi qua Jakarta, nhưng chừng nào phái đoàn của Mỹ đến làm giấy tờ thì chưa biết, vì khi họ đến, sẽ làm cho nhiều người xin đi Mỹ trong toàn trại nữa.
.
Còn lần này, Úc xuống trại, làm giấy tờ riêng chỉ cho có bốn đứa do hồ sơ của anh tôi lo. Còn những người xin đi Úc khác, không thấy nói đến. Cha Piet và Alfons về sau hỏi tôi có liên hệ gì với Úc mà Phó lãnh Sự đích thân xuống đây làm giấy tờ riêng vậy. Tôi cũng hỏi lại, bộ lạ lắm sao, tôi tưởng ai cũng vậy thôi. Hai cha nói, mấy năm nay, không có nhân viên cao cấp của Đại Sứ Úc đi xuống tỉnh nhỏ như ở đây. Tôi hỏi tại sao. Cha nói vì Úc và Nam Dương đang hục hặc nhau về ngoại giao, thiếu điều rút Đại Sứ về vì Nam Dương tiến chiếm, cai trị xứ Đông Timor, ở sát ngay gần Úc. Còn đến trại tị nạn làm giấy tờ cho dân VN xin đi Úc, chỉ là nhân viên thường, còn Phó lãnh Sự, khi di chuyển, phải thông báo trước cho chính quyền địa phương của Nam Dương đồng ý. Tôi chỉ trả lời là anh tôi là công dân Úc, nên làm hồ sơ đoàn tụ thân nhân cho tôi, còn ba tên bạn, là hồ sơ tị nạn chính trị xin định cư, vơí chi phí riêng, có lẽ như vậy mà Phó lãnh Sự nhân tiện đi chơi cho vui, chứ đâu có quan trọng gì đâu. Cha cười, nói Đại Tá tỉnh trưởng ND có hỏi thăm cha, dưới trại tị nạn có gì lạ không, mà Phó lãnh sự Úc, thông báo đi đến đó.
.
.
.
.
Ngày 14 tháng mười, thì hai nhân viên toà Đại Sứ Mỹ ở Jakarta xuống làm giấy tờ, lấy lời khai, chụp hình cho bốn đứa, và số ít người VN đã đến từ trước, tôi hỏi tên và làm quen, thì là họ là hai vợ chồng, bà vợ tên là Sarah, họ có đưa cho danh thiếp. Qua ngày 16, thì phái đoàn khác của Mỹ từ Hồng Kông đến, ba bốn người, đây là Xịa thứ thiệt, bắt dơ tay tuyên thệ thề nói sự thực, lăn dấy tay, rồi họ muốn hỏi gì thì hỏi khi thẩm vấn từng đơn vị hồ sơ chung hay riêng. Đại khái có câu quan trọng nhất là, có liên hệ hoạt động gì cho CSVN hay không?. Có chuyện buồn cười là tuy có người thông dịch, khi hai anh em người Hoa (hình như một đứa tên là Khai), chừng 16, 14 tuổi bị thẩm vấn, hai đưá nói tiếng Tầu riêng với nhau không nói tiếng Việt với người thông dịch, nói qua lại gì đó, thì người Mỹ thẩm vấn chính (CIA) nói câu gì, không cần thông dịch, hai anh em này xanh mặt đứng im, run lên thiếu điều muốn khóc. Tôi tuy đừng gần, nhưng không nghe rõ câu chuyện.
.
Sau khi xong rồi, đi về hết, tôi thăm hỏi chuyện gì vậy, thì hai nhóc tì này thú thực. Tụi em mang theo giấy khai sanh giả để đi, đang bàn nhau nên chọn giấy nào để cùng tên cha mẹ, nói bằng tiếng Quảng, tưởng không ai biết, đâu ngờ ông Mỹ nói: mấy giấy khaí sanh nào của tụi bay, cái nào cũng là giấy gỉa hết, chọn đại một cái, tao không có thời giờ dư ở đây nhiều, còn làm cho người khác nữa. Ông ta nói bằng tiếng Quảng. Đâu dè đã nói dối gì ông ta đã nghe biết rõ hết. Như vậy ông Mỹ này mang theo thông dịch viên tiếng Việt làm gì. Tôi cũng nói, thằng cha đó còn biết tiếng VN nữa, vì đó là tiếng chính của người tị nạn CS mà. He he … hai đứa chắc sợ muốn tè ra quần. Chắc thiếu gì chuyện như vậy đã xẩy ra tương tự trong các trại tị nạn khác. Trong chiến tranh VN, CIA có thiếu gì nhân viên biết mấy thứ tiếng, nhất là tiếng Việt, để dùng trong chuyện đi thẩm vấn dân tị nạn VN này.
.
Như vậy, hồ sơ Úc xong, hồ sơ Mỹ xong ở cái phần phỏng vấn, thề tuyên thệ ở trại tị nạn, bây giờ chỉ do hội thiện nguyện và Đại Sứ Mỹ làm việc tiếp với nhau thôi. Tôi thì chọn đi Mỹ, vì đến Mỹ, không thích, xin đi xứ khác thì được, còn đến xứ khác rồi xin vào Mỹ sau thì trần ai hơn và tốn nhiều thời gian. Hồ sơ xin đi Úc, không tiếp tục làm thêm giấy tờ nữa thì không sao, khi cần thì làm tiếp.
.
Tình hình lúc tôi tới trại tị nạn ở ND, thì người tị nạn ở Hồng Kông có thời gian chờ đợi ngắn nhất, vì chi phí nuôi dân tị nạn ở HK rất mắc, tốn kém, và HK quá nhỏ, không chứa được đông, vì lúc đó tị nạn được ở Hotel, thí dụ như Hotel Singapore, lúc tôi đi Mỹ, ghé HK, ngủ ở Hotel này, thấy người tị nạn VN ngụ tại đây, trên khu tầng riêng, ra vào chung cửa với khách, có bồi mở cửa. Ở Thái Lan, Phi và Mã lai Á đi cũng nhanh vì đông quá, và bị đối xử kém tử tế, người tị nạn cũng hay xung đột với nhau … còn ở Nam Dương thì tà tà chậm nhất, vì được tự do đi lại, mua bán làm giầu cho dân địa phương, được chính quyền ND ưu ái, nên từ từ đi sau, nhường ưu tiên cho các xứ khác. Toàn Nam Dương rải rác chừng ba bốn trăm người VN là cùng. Nhưng chưa tới hai năm sau, thì ND đổi cách đối xử, vì người VN đến ND đông qúa, giam lại hết, và lập ra trại trung ương trên đảo Galang lên tới cả chục ngàn người.
.
Những chuyện vui vẻ .. như nghỉ hè.
.
Nếu có chút tiền, cộng thêm tinh thần bụi đời, thích cắm trại, yêu thiên nhiên, ngủ trên ván cây, thì những ngày ở trại, được tự do, đi đâu cũng được, đêm khuya cửa bỏ ngỏ, về lúc nào thì về, thì ở trại coi như những ngày nghỉ hè, không trả tiền nhà. Chỉ rầu rĩ cái vụ chờ đợi lâu không biết chừng nào được đi Mỹ. Còn kéo nhau xuống phố, ăn uống cơm Tầu, may quần áo, mua đồ lặt vặt, làm mắt kiếng, mua máy hình, chụp rửa hình, ôi thì đủ cả, ham lắm, vì hai năm ở với VC, gìờ ra bên ngoài thế giới thấy có thêm nhiều sản phẩm mới, ai mà chả ham. Mấy cô Tầu Chợ Lớn bên gia đình bác Tạ, đến trại trước chúng tôi, như A Lòi, A Dung, A Yến, A Em, rồi A Tỷ, học ở Bác Ái, chương trình Pháp, đều rất thân với tụi tui, đi may áo dài, mặc tha thướt đi dạo dưới phố Tangjung Pinang để chụp hình kỷ niệm, du côn ND đi theo tán tỉnh quá trời, nên cần có bốn đứa đi theo cho tụi ND sợ.
.
A Lòi, cao lớn nẩy nở, môi dầy đỏ tươi, nên được mấy chàng người Hoa ND ở địa phương theo đuổi, hy vọng đi Mỹ ké, có một chàng cứ phóng xe môtô từ TP vô trại đứng đợi. A Lòi rất hấp dẫn, nói tiếng Việt lơ lớ, vui lắm, cũng khoái PhD, vì captain của tôi cũng cao lớn đẹp trai nè, tụi tui hay ví thân thể A Lòi như đánh bài binh xập xám, dách đầu, giữa thùng, cuối cừu lủ. Trên ngực là dách ách đưa thẳng ra, giữa eo thon, dưới mông tròn … hi hi .. mấy lần, mấy đứa kéo nhau ra nằm, ngồi ngoài cầu tầu trước trại hóng gió trong đêm, PhD nằm cạnh, A Lòi thì ngồi, tôi đưa tay ra vuốt chân, rồi từ từ lên mông A Lòi, không thấy bị phản đối gì, có lẽ A Lòi tưởng là bàn tay của PhD nên để yên, tay PhD đâu có mềm mại như tay tôi, tên sĩ quan Hải Quân bác sĩ ND, có nói tay tôi mềm mại nhất từ hồi bị khám ở Sedanau mà … he he … sau đó thì mấy đứa bỏ vô, chỉ để lại A Lòi với PhD, không biết lúc đó A Lòi có thấy tay ai sao giờ hết mềm mại hay không … hỏi PhD thì rõ. Còn mấy A kia thì vui lắm, nói tiếng Việt rất giỏi đùa dỡn tối ngày với tụi tôi. Đẹp nhất và nhỏ nhất là A Em, lúc đó chắc chừng mười bốn hay mười lăm. Còn A Yến, thì đánh ping pong rất giỏi, hạ tui dễ dàng, hai đứa đánh đôi nam nữ dưói nhà của Cha, hạ tụi ND rất dễ dàng. Tui có mua tặng cây vợt Butterfly cho A Yến, khi gia đình bác Tạ Minh đi Pháp trước tháng 12. Còn A Lòi thì đi Mỹ, cũng đi trước. Có hình mấy cô Tầu mặc áo dài VN đủ hết, tôi chưa kiếm ra. PhD chắc còn có đủ. Lúc đó nghe A Yến nói tiếng Việt là ở VN bị tụi VC “rửa óc” hết trơn, ở lại riết là không còn biết đúng sai là gì, A Yến không biết chữ “tẩy não”, nên nói bị VC rửa óc, làm tôi nghe lạnh xương sống, phải nói nghe rửa óc nó áp phê hơn là tẩy não rất nhiều. Người Hoa như A Yến, chữ tẩy não là quá kiến thức rồi, không tới đó.
.
.
.
.
Vậy thôi, còn giai nhân độc thân thì hình như không có ai, hay là những người lớn hơn chúng tôi nhiều, nên chuyện thả dê, coi như không có. Hình như toàn trại chỉ không tới 80 người, còn thả dê gái ND thì không dám, phần không đẹp, phần vì sợ ở lại TP luôn. Dưới TP, thì người ND gốc Hoa rất nhiều, có rất nhiều cô bé người Hoa rất đẹp, nhưng chỉ nhìn cho đã ghiền thôi chứ chẳng ai muốn ở lại ND lập nghiệp. Còn trong trại hình như cũng có vài một hai cặp, cặp với nhau. Chuyện riêng của người ta. Có một cặp nhỏ với nhau, con chủ ghe và người mua vé đi, hai bên người lớn, thỉnh thoảng vác dao gậy ra hỏi thăm nhau về tiền bạc, cặp này bỏ lên rừng dựng chòi ở, vì hai bên gia đình không cho phép cặp. Phải năn nỉ hai đứa nhóc này về trại lại cho an toàn. Thấy yêu thương quá, nên gia đình hai bên để yên. Khi hai bên giao chiến tiếp, thì hai đứa này nhìn chỉ biết khóc không bênh ai. Để kể chuyện giao chiến trong trại sau … thực ra là giao miệng thui, tuy nhiên tay có cầm dao gậy sẵn sàng phập nhau như thật, nên cũng hấp dẫn như đang đóng phim gay cấn.
.
.
trẻ em người Indo
.
Nói tới đóng phim, thì tụi này có vô rạp coi phim một lần ở TP, lúc đó chiếu phim, một đứa nhỏ Mỹ dùng du thuyền buồm đi một mình từ Cali qua Thái bình Dương, qua Úc, Nam Dương vân vân, rồi trở về Mỹ, lúc đi chơi lấy vợ luôn, chuyện này có trên tạp chí National Geographic mà tui và PhD đều có một quyển, gác đầu dường đọc nghiên cứu trong những ngày còn tổ chức chuyến đi ở VN. Vì biết câu chuyện, nay thấy chiếu phim mới đóng sau này, nên vô rạp Nam Dương coi, phim phụ đề chữ ND, nói tiếng Mỹ. Đọc sách rồi, giờ thì coi phim, thấy thua xa chuyến đi điên khùng, diễu cợt vừa qua của tụi tôi, có điều tên này gặp bạn gái rồi lấy vợ, còn tụi tôi thì chẳng gặp ai !
.
Những gặp gỡ tình cờ không ngờ ở trại tị nạn.
.
Trước khi rời VN, tôi có địa chỉ một gia đình người Hoa ở Johor Bahru, tên người em gái, của bạn anh tôi ở bên Úc, người Mã Lai này học chung đại học với anh tôi, để nếu đến Mã Lai thì liên lạc khi cần giúp đõ. Khi tôi đến Nam Dương, người bạn anh tôi biết chuyện, nói cho biết tình cờ đang có thằng em từ Singapore đến Úc thụ huấn quân sự hai tuần, thằng này phục vụ trong Không Lực. Anh tôi gặp thằng sĩ quan này nói chuyện, đại khái gia đình người Hoa này bàn, hay mày để em mày qua Sing ở, bên đó lớn và thoải mái hơn, có nhiều toà đại sứ của Mỹ, Úc ngay bên cạnh, làm giấy tờ đi định cư nhanh hơn, ngoài ra có gia đình tụi nó, chỗ ở không phiền, mày cho nó mỗi tháng một trăm đô qúa dư sống, ngoài ra gia đình tao có thể kiếm chuyện cho nó làm việc cho đỡ buồn. Đó cũng là một ý kiến hay, ông anh tôi cũng là dân Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Phan bội Châu, Đạo Cửu Long, nên cũng xoay sở lanh lẹ.
.
Để tính chuyện cho tôi đi qua Sing, anh tôi lại kiếm ra một thằng bạn Úc học chung trường, bây giờ nó làm thương mại, xuất nhập cảng đồ từ Nam Dương vào Úc bán, tên là Peter, tên này lấy một cô vợ Nam Dương, có cha là Brigadier General, Chuẩn Tướng một sao Subroto Kusmardjo ở Jarkarta, sẽ viết thư hỏi ông này giúp đỡ tôi, gìới thiệu với Đại Tá Tỉnh Trưởng ở Riau. nếu lên đò rời TP, rời đất Nam Dương đi thì tụi ND chắc không ngăn cản gì. Qua đến Sing thì thằng sĩ quan Không Quân lo giấy tờ, khai là tị nạn chính trị CS, rồi nó lo bảo lãnh lấy ra khỏi tạm giữ của sở di trú, Sing vẫn có nhận người tị nạn VN tạm trú tuy nhiên phải qua bảo lãnh của công dân Sing. Còn muốn ở lại ND, thì xin đi về Jakarta, ở đó cũng có trại tị nạn cho người VN, và những ai sửa soạn lên máy bay đi định cư đều được chuyển về thủ đô Nam Dương chờ chuyến bay đi nước khác. Về thủ đô Jakarta , thì có gia đình ông Chuẩn Tướng bảo lãnh, thằng bạn người Úc của anh tôi, con rể ông tướng này, thì đi qua lại hai nước đều đặn. Anh tôi từ Úc muốn qua chơi cũng dễ. Tôi muốn ra ngoài ở riêng thì cũng có thể không khó khăn gì, vì người tị nạn VN chưa bị cô lập mất tự do lúc đó. Sau này khi tôi về Jakarta , thì có đến nhà ông tướng này chơi để cám ơn, sẽ kể sau.
.
.
.
ông Tướng Nam Dương này có thăm hỏi khi tôi đã định cư ở Mỹ.
.
.
Rồi tới ngày 23 tháng chín, thì thằng sĩ quan Sing này, theo lời nhờ vả của anh tôi, tới tìm tôi ở TP. Như điện tín đã đánh qua hẹn trước, trưa thứ bẩy, hai người đến gặp ở trại tị nạn bằng xe taxi, một người Hoa to lớn, Soh Hwee Beng, phi công trong Không Quân Singapore, một người Úc Richard Gan là bạn của nó, anh tôi ở Úc, có nhờ Beng qua coi tình trạng sức khỏe của tôi, nơi trại tị nạn, mang dùm cho gói đồ của anh tôi gồm 50 AUS dollars, chuyển ra 53 USD, hộp thuốc bổ, hộp thuốc chống sốt rét, một quyển sách “How things work” giải thích mọi thứ máy móc, hay sản xuất kỹ nghệ, để học thêm tiếng Anh. Dẫn đi một vòng coi trại, coi nơi tôi ở, như đã nói chuyện trong thơ với tôi, anh tôi có nói, Beng có thể bảo lãnh tôi qua Singapore ở nếu thích, anh tôi sẽ trả mọi chi phí. Beng là sĩ quan không quân, nên nó có thể đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về tôi khi ở Singapore . Nhà nó rộng, không có trở ngại gì hết, nó hỏi tôi, mày có muốn qua ở với tao không, nó chỉ thằng Úc đi theo, thằng này cũng đang ở nhờ nhà tao, nó về Úc ngay, thì mày qua, không phiền gì hết. Khi đi ra TP để về, nó dẫn tôi đi ăn uống một chầu thịnh soạn, khi lên đò về Sing, lúc tạm biệt, Beng tháo tay cho tôi cái đồng hồ Tissot đang đeo.
.
Qua đầu tháng mười thì hai toà đại sứ, Úc trước, Mỹ sau, đều đến làm giấy tờ cho tôi, ông Tướng Nam Dương, gởi thư giới thiệu, bảo lãnh, làm như giấy tùy thân cho tôi, gửi bản sao đến ĐT Tỉnh Trưởng Riau ở TP, gửi cho hai Cha nữa. Ông tỉnh trưởng gửi cho cái giấy nhắn, khi nào ra TP, gặp ông, sau đó gặp lần thứ hai, ông ta chỉ hỏi làm sao biết được ông tướng ở Jakarta , cứ ở đây vui vẻ chờ đi định cư, đừng làm gì phạm pháp thì rất an toàn. Hai Cha cũng hỏi, sao mày quen biết lớn vậy, tôi chỉ giải thích đó là ông anh tôi ở Úc quen bạn bè học chung suốt mấy năm ở bên đó. Đó cũng là điều qúa may mắn cho tôi, để phòng thân thôi. Tuy nhiên, hiền hòa, an phận như tôi, thì suốt thời gian ở ND không có làm gì đụng chạm tới cảnh sát ở đây. Có khi say xỉn ở dưới phố TP, thì gọi xe ôm, ôm về tới trại tị nạn, nói lảm nhảm tiếng ND chút thôi. Khi đến trại, thằng xe ôm ngạc nhiên hỏi mày là tị nạn VN à, ừa, có gì phiền hà hay không. Còn tui thì đen thùi lùi, không thua gì ND, còn khi say xỉn thì nói tiếng ND trật lất, khó nghe là phải rồi.
.
Như vậy là khỏi đi đâu cho lộn xộn giấy tờ thủ tục đã làm xong, chỉ nằm tại trại tị nạn chờ định cư, còn xin di chuyển về trại ở Jakarta, thì chỉ trả tiền máy bay đi lấy, nhưng mà thôi ở đây có bạn vui hơn, còn chia thuốc lá Pall Mall cho nhau hút nữa chứ. Sau thì cũng có được hai tuần đi chơi ở Jakarta , đầy đủ để biết thành phố này.
.
.
Hết bài thứ hai mươi … đọc tiếp bài thứ hai mươi mốt .. những chuyện vui buồn trong trại tị nạn tiếp ..
.
by duongtiden
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam
.
.
No comments:
Post a Comment