copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Sunday, November 11, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . .. bài thứ tám tiếp theo ….The July Boat, part 8, by duongtiden, Sept, 2009.


.

.
.

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . .. bài thứ tám tiếp theo ….

.
 
Tiếp theo bài thứ bẩy … Thuyền đã thoát vùng biển cạn đầy cát … sống biển đã nhồi tới … chúng tôi lao thẳng ra ..
.

 
Cảm giác lúc đó thiệt khó diễn tả, chúng tôi lao thẳng ra biển càng nhanh càng tốt, vừa thoát được khu sông cạn, đầy lươn cát, không bị mắc cạn, không bị săn đuổi nữa, vừa mừng, lại vừa chợt bồi hồi là mình đang rời bỏ quê hương VN, không biết tương lai sống chết ra sao, đại dương tăm tối với những cơn sóng đang nhồi ghe lên xuống thăm thẳm đêm dài và định mệnh đang chờ đợi đằng trước. Biết đâu đây là lần chót nhìn thấy quê hương ! chúng tôi nhìn ra sau ánh đèn đỏ của bờ, của dàn đáy nhỏ dần, biết mất từ đằng sau.
.
 
Bây giờ chỉ đi thẳng ra biển sâu, theo chương trình hải hành như đã bàn tính trước với PhD, chuẩn bị phân công nhân sự, rồi chúng tôi đi thẳng hướng Đông Nam, giữa đất liền và Côn Sơn, đến gần sáng sẽ chuyển qua hướng Đông, tránh Côn Sơn để tìm ra hải phận quốc tế càng sớm càng tốt. Niềm hy vọng, ước mơ nhỏ với chiếc ghe đi sông nhỏ bé này là chỉ lang thang vài ngày trên hải phận quốc tế, nơi khúc biển mà tầu ngoại quốc sẽ đi gần bờ biển VN nhất, để được cứu vớt, khoảng trên Vũng Tầu cho đến Nha Trang, vì là khúc biển sâu, không có đảo nhỏ hay biển cạn san hô.

.
Nói đến hải hành, thì chúng tôi không có bản đồ gì hết, vì vô ích, biển rộng bao la, tôi và PhD chỉ học thuộc bản đồ vùng biển chung quanh VN cho đến bờ bên kia phía Đông và Đông Nam theo trí nhớ. Tôi từng đi ra Trường Sa trên một tháng, đi Phú Quốc, Hòn Heo, Côn Sơn, Thổ Châu, đi biển dọc Hà Tiên, nên cũng có khá nhiều hiểu biết về phương hướng. Còn bản đồ chi tiết thì coi như không cần, vì chúng tôi không có một hải cụ nào để định chính xác được vị trí của mình trên biển. Tôi chỉ có thuộc lòng chùm sao Nam Tào, hay sao Hiệp Sĩ nếu thấy đuợc ban đêm để định hướng Nam. Ngoài ra coi địa bàn, thì thông thuộc lắm cách xử dụng từ hồi còn nhỏ đi Hướng Đạo đã thực tập nhiều lần, và có nhiều chuyến Thám Du tự ghi chú và vẽ bản đồ cùng phương hướng chính xác khi trở về. Ngoài ra khi đi biển, tôi thường bon chen lên đài chỉ huy coi lái tầu, lái chiến hạm và hay tò mò có nhiều câu hỏi, nên có được các sĩ quan Hải Quân chỉ dẫn tường tận những phương pháp hải hành, định hướng cho con tầu.

.
Trang bị thì có cái địa bàn nhỏ loại của bộ binh hành quân, có nắp đậy, bật nắp lên làm đồ nhắm hướng, có nút dây đeo vào cổ cho khỏi rớt. Một ống nhòm hải quân loại lớn, một miếng kiếng dùng để chiếu máy bay, hay chiếu ra hiệu loại có lỗ trống ở giữa để nhắm, còn thì dùng coi dung nhan râu ria lởm chởm tới cỡ nào, vậy thôi, còn bản đồ thì nhớ trong trí óc. Không hy vọng gì cái ghe đi sông nhỏ có thể đi tới bờ bên kia, tuy nhiên nếu cần, thì vẫn bám theo hướng trực đông mà đi thẳng qua Phi Luật Tân, qua vùng biển Trường Sa. Chúng tôi ra biển từ phía Nam, sông Hậu Giang, nhánh thứ nhì của sông Cửu Long, đúng ra nên xuôi nam sang Thái Lan, nhưng ghe nhỏ, ít nhiên liệu, chúng tôi không hy vọng đi xa, lại là vùng biển có thể có nhiều tầu của VC giao thông, nên tránh là tốt nhất, vì ghe chúng tôi không hề giống một tầu đánh cá, có thể làm bất cứ ai đều nghi ngờ khi nhìn thấy. Ngoài ra, hải phận quốc tế vùng này lại xuôi xuống phía cực Nam thật xa mới gặp đường tầu quốc tế vào Singapore, như vậy là coi như đi đến bờ luôn rồi. Chúng tôi chỉ ao ước được tầu quốc tế vớt. Kinh nghiệm hải hành thì chưa bao giờ đi trên biển xa như vậy, chỉ có đi biển gần bờ rồi đi vô sông. vậy thôi.

 
Bây giờ thì PhD, huấn luyện ba đứa cách lái ghe trên biển, không phải là dễ, bắt đầu có sóng to rồi, ghe bị nhồi nhiều. Tôi không thể nào lái khá hơn, nhiều lần PhD phải chụp tay lái sửa lại. Đêm tối, khó nhìn thấy rõ cơn sóng đến phía trước như thế nào để biết đường cho mũi ghe đón sóng, lái ngang sóng thì dễ bị lật vì sóng ngang, đón sóng tới thẳng đứng, gặp sóng to là cũng dễ bị hất tung lên lật ghe. Thật là nguy hiểm, tôi và Dao thất bại cái chuyện học lái ghe trên biển ngay lúc có sóng to này.

.
Trời thấm mưa, biển cũng động, không dễ gì học lái ghe ngay lúc này. Boy thì có khả năng thiên phú nên lái rất được không khó khăn lắm, chỉ có PhD là hay nhất, đón sóng đến với góc độ vừa phải, lên giữa sóng bằng cách lái ngang, rồi khi cơn sóng dãn ra thì lao thẳng xuống, có khi không thấy được cơn sóng đằng mũi ra sao, vì đứng sau, ghe thấp cuối ghe, chứ không phải ca bin đằng trước nhu ghe đi biển, thì PhD quay ngược lại, nhìn cơn sóng ra đằng sau ghe mà đoán sóng phía trườc tới ra sau, tức là ngó đàng sau ghe, lái ngược, thật kỳ diệu. Boy cũng thực hành được điều này. Khi đứng lái ghe phía sau thì có cột dây móc vào người, phòng khi bị sóng đánh rớt xuống biển không ai biết, vì hoàn toán đứng trống trải bên ngoài. Mặc áo mưa và đội nón cho đỡ ướt.
 

Bây giờ chia làm hai ca. Tôi và PhD một ca, PhD lái, tôi ngồi dưới tát nưóc từ hầm máy ra sau ghe bằng lon sắt lớn. Boy lái ca nhì, Dao tát nước, cứ như vậy mà thay đổi. Tát nước thì cực khổ hơn và tốn nhiều sức, đau bả vai, nước kéo theo dầu chẩy từ trên đầu xuống, không thể tránh bị ướt, vì ngồi xổm cạnh chân láp máy, múc nước cuối máy, nâng lên vai, đổ ra sau ghe qua cửa trống, thỉnh thoảngnhìn tên lái coi còn đó không, lâu lâu rờ chân nó coi có tỉnh táo không, hay nói chuyện cho đỡ đơn độc. Cái máy bơm tính gắn vào trục máy từ chiều, bây giờ coi như thất bại vì nhiều chuyện xẩy ra ngoài ý muốn.
.
.
 z-td-477-storm.jpg picture by tddesign
.
.

Biển mưa và động lớn, nhìn cơn sóng ập đến thật là kinh hãi, nhiều khi đổ sóng xuống, nhìn thấy cái đít ghe chỉa lên trời thiếu điều lói chân vịt ra, mỗi lần như vậy, nếu mà không yếu bóng vía thì thật là đứt ruột vì sợ. Có điều chỉ có 4 người, không có máy bơm, nên coi như hai người đi ca rất là bận rộn, một lái, một tát nước ra, hai chuyện đếu đòi hỏi nhiều sức lực và chú tâm. Lái bên ngoài mưa gío ướt lạnh giữa trời không che đậy, tát nước thì phải tỉnh táo, tránh cái máy, cái trục máy quay, không cẩn thận thì đút tay vào đó, coi như xong. Tát nước tốn sức lao động, nước đầy mùi dầu, dơ dáy, cặn bã, chẩy từ cổ xuống … thiệt kinh hoàng.
.
Hôm nay ngồi viết lại những giòng này, hình như chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện ăn, chỉ có uống. Mỗi lần uống nước, phải uống hai đứa, giữ thùng nước cho chặt, không làm đổ, và không nên uống nhiều hơn cần thiết. Qua đêm, cơn say sóng bây giờ tràn đến, lắc lư con tầu đi. Tôi thì hợp với tần số lắc mạnh, ít say hơn, chỉ say khi gặp tần số chậm, thật chậm. Tôi đi PCF thì không bị say, gặp Dương vận Hạm đáy bằng là say lẹ, Khu trục Hạm hay Tuần dương Hạm chỉ say khi biển động. Hình như tối nay, khi trời về sáng cũng say sóng, có lẽ say vì bụng không ăn gì, từ trưa ngày hôm trước, hơn mười mấy tiếng không ăn. Cũng chẳng có gì ăn, cầm cái búa chặt được trái dừa trong con thuyền lắc lư không phải dễ, không chặt vào ngón tay là may lắm rồi, muốn ăn được cùi dừa thì phải bổ được trái dừa ra, chúng tôi không có dao chặt dừa, chỉ có búa đẽo, như cái rựa.
.
PhD mang theo cái lò gas nhỏ, brutane, bình gas ở dưới, lò đốt ngay bên trên, coi như rất phong lưu, có lò gas nấu, chúng tôi cũng loay hoay pha ra được bịch bột Bích Chi, quện thành bột nâu dẻo quánh, tối trời không biết nó ra sao, nhưng cũng  cho được mấy muỗng bột gạo lức Bích Chi đầy mối mọt vào miệng mà nuốt bột, không mùi vị nhạt thếch, không có gì hết. Có điều mưa hầu như suốt đêm, mang khăn tắm ra bỏ trên mui ghe, vắt nước uống, có lẽ sạch hơn nước trong sông.
.
.

 z-td-477-water.jpg picture by tddesign
.
 
Tới mờ sáng, qua đêm, có lẽ PhD lái suốt đêm hay có Boy thay thế, tôi không nhớ rõ, nhưng mờ sáng, chúng tôi đều đợi trời sáng để nhìn ra chung quanh, đồng thời cũng là lúc đổi sang hướng Đông đi ra hải phận quốc tế để hy vọng được tầu quốc tế vớt. PhD có chuẩn bị cái tấm vải trắng nhỏ có hàng chữ S.O.S như cái cờ để phất vẫy khi gặp tầu lớn. Trời u ám, mưa lất phất, biển không động nhiều như lúc mới ra đêm qua, có lẽ gần trưa chúng tôi mới thấy bóng tầu lớn đầu tiên, phía trước, nhưng xa lắm. Vẫn tiếp tục đi thẳng hướng Đông. PhD và Boy thay phiên nhau lái, tôi và Dao, theo ca mà tát nước. Bây giờ cơn đói thỉnh thoảng đến, say sóng thì tuỳ lúc, có lúc biển không động, cũng say. Tuy nhiên lúc có nhiệm vụ phải làm như tát nước thì cơn say biến đi. Còn nằm không ngủ được thì cơn say đến dễ lắm.

.
Hết cơn say sóng, thì đến cơn đói, tuy nhiên bao tử chưa bị dằn vặt lắm vì trước đó đã ăn ngủ kỹ cả tháng để chuẩn bị dư thịt mỡ trong người rồi. Cũng chẳng có gì hơn bột lức Bích Chi và dừa. Dừa thì say sóng qúa cũng không chặt ra nổi, cũng nghĩ ra kế là chặt chút vỏ ra, rồi cắm cái khoan tay khá lớn vào rồi khoan, đứa giữ dừa, đứa khoan, rồi cũng xong phần lấy nước dừa uống, đập bể dừa ra cảp cùi, thường là dừa già, cạp cùi dừa cũng không dễ và khá lâu mỏi răng. Có được bịch chanh, mua lúc ở chợ CT, cũng mang từ SG xuống được cà phê và đường, coi như để ăn chơi.

.
Đến trưa thì nhìn thấy những tầu lớn, xa nhỏ trên chân trời, coi như là đã vào khu hải phận quốc tế, có tầu lớn qua lại, tuy nhiên khá xa ở bên ngoài, không hy vọng họ thấy được ghe chúng tôi. Mà có thấy, thì đối với họ cũng chẳng có ý nghĩa gì, tại sao chúng tôi có mặt ngoài biển làm gì, chắc chẳng có ai bận tâm, đây là hải phận quốc tế mà, tự do đi lại, nếu có là khi nào tình cờ lại gần thì may ra họ mới nhận được dấu hiệu cầu cứu của chúng tôi. Tới chiều tối, cũng chẳng có gì mới mẻ hơn, nếu có thấy tầu lớn thì lại qúa xa, không lẽ chúng tôi đuổi theo, làm sao kịp tốc độ của họ, may mắn ra là nếu đi đúng đường ngược chiều với nhau thì sẽ gặp. Nguyên ngày âm u, khi chợt mưa nhỏ, không thấy ánh nắng mặt trời, như vậy thì phần nước uống, cứ vắt khăn ướt trên mui ghe ra mà uống. Sóng gió thì có vẻ đỡ hơn hôm tối về sáng ra đi. Cái giấc mơ ra được hải phận quốc tế là có tầu vớt liền như trương hợp của ai đó, chắc giờ là trong mơ thôi. Nghĩ lại, phần trong ghe ít người, không đông người như các tầu tị nạn khác, không đàn bà con nít, có đứng hết ra ngoài, 4 thằng thanh niên, thì coi như những người đi ghe chuyên nghiệp, đang làm chuyện gì đó, chưa chắc hẳn là đi tìm tự do.
.
 
Hình như đến chiều có gặp vài chiếc tầu hàng khá to, khi thấy có tầu nào xa là chúng tôi nôn nức lắm, ngoài biển xanh xám xịt, không nắng trời ảm đạm, bầu trời xám như cái vung nồi nhỏ úp xuống, chung quanh chỉ một mầu, không có gì để nhìn. Khi thấy tầu lớn từ xa là chúng tôi đều ra ngoài phía sau ghe, đứng trên cái sàn nhỏ xíu bàn tán, đoán đường tầu đi coi chận đầu hay đuổi theo, nhưng tất cả hầu như đều tránh ghe chúng tôi, hay tăng tốc độ bỏ xa. Chúng tôi trưng cái cờ trắng nhỏ có hàng chữ S.O.S, vẫy phao đỏ, vàng cầu cứu cũng không ăn thua gì, có lẽ như dự đoán là vì chúng tôi ít người, không đàn bà con nít, ghe lại quá nhỏ, rất thấp sát biển, không cabin như các loại ghe, tầu đánh cá mà họ thường thấy, biết đâu chăng, chính chúng tôi là hải tặc làm bộ lại gần, họ sợ lại gần nguy hiểm, có thể bị cướp tầu.
.
.
z-td-477-help.jpg picture by tddesign
.

 
Lúc đó không có nghĩ ra là cái ghe chúng tôi, bọc vải từ mũi ra sau, hình thù quái dị tới như vậy đâu, chỉ hơi bất ngờ là tại sau họ không cứu vớt, hay để chúng tôi lại gần coi chuyện gì !!! Thôi thây kệ, bây giờ thì qua ngày thứ nhì, cũng đói lắm rồi không có gì hơn là bột Bích Chi, nuốt không nổi vì nhạt nhẽo, chỉ uống nước dừa và cạp cùi dừa cầm hơi. Ra ngoài ghe, thấy những đàn cá Heo vui đùa, đuổi từ sau ghe ra trước, rồi xuyên qua lại cắt mũi ghe đùa giỡn, Phải chi bắt được một con làm thịt!. Rồi qua tới đêm tối, cũng chẳng trăng sao gì, có khi mưa, có khi nhồi sóng, say sóng ngất ngư, cứ vậy mà chia ra hai ca, thay nhau lái tát nước và ngủ. Đêm tăm tối cùng ca lái ghe và tát nước với PhD, hai đứa ra sau ghe ngồi hay đúng trên sàn nói chuyện, lạnh lẽo, mưa ướt, tội nghiệp cho PhD mặc áo mưa, quần đùi đội nói lái ghe một mình ở ngoài trời, tôi thì cũng chẳng khá hơn, ướt át mùi dầu cặn múc nước dưới hầm ghe, chung quanh cây láp máy, đưa ra sau đổ qua vai, nước tung văng lại chẩy từ cổ xuống. Thỉnh thoảng nghỉ tay, tôi rờ đôi chân của PhD, như hỏi han thầm, chỉ sợ nó buồn ngủ té văng xuống biển chăng?

.
Qua sáng ngày thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 77, buổi sáng không thấy bóng tầu nào, trời mưa lất phất và u ám, từ hôm ra đi tới giờ chưa thấy ánh sáng mặt trời rực rỡ nắng lên gì hết, toàn u ám và mưa. Đến trưa thì chúng tôi bắt được bóng một cái tầu rất nhỏ và cao, tìm hướng thì hình như chúng tôi và họ đang đi ngược chiều sẽ đến gần nhau. Đoán là tầu này cũng thấy chúng tôi, nhưng không đổi hướng, có lẽ tầu này không lo sợ gì ghe chúng tôi, có lẽ họ tò mò chăng. Trên ống nhòm quan sát từ xa thì hình như là loại  tầu đánh cá nhỏ, không phải là kỉểu của VN, vì hình dáng không mấy quen thuộc. Lại gần hơn chút nữa thì tôi và PhD đoán là tầu đánh cá của người Tầu vì đằng sau tầu họ đóng theo kiểu cao lên thành cái phòng ngủ, phía dưới thì lại hổng, chỉa ra như cái ban công bên trên, tầu đánh cá của Phi luật tân thì chúng tôi không biết. Vấn đề là Ba Tầu nào, Tầu Hồng Kông, Tầu Đài Loan và Tầu Cộng. Gần hơn nữa, nhìn được cái cờ đỏ trên cột, nguy hiểm quá, xứ Ba Tầu nào đây, cờ cũng có mầu đỏ, như theo trí nhớ, phải lại gần hơn nữa mới biết lá cờ rõ hơn coi có mầu gì khác không, không mầu hay hình phụ, chỉ toàn đỏ, có chút sao là phải đổi hướng ghe chạy gấp, gặp tầu đánh cá của Trung Cộng thường làm kèm theo nhiệm vụ do thám.
.
.

Hết bài thứ tám .. coi tiếp bài thứ chin … mệt và đói qúa, chúng tôi cột lái lại, ngủ hết ban đêm không lái, không tát nước, sáng ra, thức dậy ..  cứ thế lái tiếp về hướng Đông …
.
.
by duongtiden . duongtiman ..
.
.
duongtmd, duongtiden, tmddesign . duongtiman. dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, con thuyen thang bay , the july boat.
 

.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.