copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 17, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 1977 . chuyến đi tìm tự do . phần phụ lục . Một người mẹ Việt Nam, bài hai tiếp theo . by duongtiden


.

.
Mẹ của PhD đứng giữa hình áo beige nhạt và PhD vét đậm sơ mi trắng giữa hình, phía trước là mô hình cổng chào của Người Việt Tự Do, trên Đại Lộ Bolsa. Little Saigon.
.
.

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 1977 . chuyến đi tìm tự do . phần phụ lục . bài hai  tiếp theo . by duongtiden
.
một người mẹ VN đằng sau chuyến đi.
.
Nhân vật chính trong chuyến đi của chúng tôi là PhD, người bỏ công sức nhiều nhất và đằng sau đó là một người mẹ, mẹ của thuyền trưởng. Dễ hiểu là không có mẹ là không có chuyến đi sau này.
.
Trước 75, khi quen biết với PhD trong trường, được biết là gia đình ở dưới Bạc Liêu. Ba là bác sĩ Trưởng Ty Y Tế tỉnh, mẹ là Cô Mụ, có nhà bảo sanh riêng. Gia đình nổi tiếng dưới đó, có anh chị du học, chị hai cũng là bác sĩ. Cùng ở Bạc Liẻu và học cùng lớp KT72 trong trường KTSG có Hùng túy Trước, gốc người Hoa, thỉnh thoảng nghe hai đứa này hỏi thăm nhau: “Trưóc mới ở dưới Bạc Liêu lên, có mang theo qùa gì không?”. “ông cũng ở dưới cũng biết BL có gì rồi, mà cũng hỏi!”. Tôi nghe vậy cũng hỏi theo:
_ Lần sau về quê, lên thì mang theo qùa cho biết quê BL ra sao chứ ?
_ Dễ mà, mang cho anh ký muối, BL chỉ có muối thôi.
Trước trả lời dễ dàng và cười cười chọc quê.
_ Tưởng gì, chứ muối, thì chỉ mang theo một nhúm thôi, để nếm cho biết mùi Bac Liêu.
Nói vậy thôi chứ Trước cũng quên luôn mang lên theo muối những lần về thăm  nhà.
.
Gia đình PhD có nhà ở SG, Nguyễn Biểu, gần cầu chữ Y, ngay Trần Hưng Đạo đi vào. Tôi có đến đây ít lần trước 75, sau đó thì thường xuyên hơn, coi như là sào huyệt. Căn nhà cổ, rộng rãi, mái ngói âm u, phía trước, không rõ để làm gì, có lối đi hông rộng cho xe hơi chạy vào, bên kia cũng không chung đụng với hàng xóm. Phòng riêng của PhD bên đó, cửa sổ bịt kín, dựng che thêm mấy tấm nệm mút cho âm thanh không lọt ra, rồi tha hồ nghe nhạc vàng từ máy stereo tape lớn Sony. Nghe nhạc Ngô thụy Miên, Beatles, Bee Gees và Carpenter rất là thấm thía lắm..
.
Ba của PhD đi học tập, sau trở về, có lần lên SG, tôi cũng có gặp, ông ít nói. Lúc này thì tôi và PhD đã bàn tính để rời VN. Hai đưá thường đạp chung xe đạp quanh SG và Thủ Đức, đi chơi nói chuyện ra đi, chuẩn bị tập luyện cơ thể cho có thêm sức chịu đựng. Có lần đạp về hướng Cát Lái, qua phà, bọc lên Long Thành, trời chiều, đạp riết mới nhớ là phải quay lại cho kịp chuyến phà chót về SG qua xa lộ, nếu không là phải đạp vòng tới Long Thành luôn mới quay về SG qua ngả xa lộ Biên Hòa. Lúc đó thì đạp trối chết chạy về bến phà Cát Lái, hai đứa đạp chết bỏ, qua một xóm bên đường, thì một đứa nhỏ xíu từ bên trong nhà bất thình lình chạy băng qua đường. Tôi thắng hết ga, té lăn ra , mới không đụng phải chú nhỏ này, nếu trúng, chắc là tiêu đời chú bé.
.
Bây giờ thì mẹ của PhD đã biết chuyện chúng tôi đang chuẩn bị, hình như mỗi tháng bà đều từ Bạc Liêu lên SG một lần, có khi hơn, nên mỗi lần, bà đều mang về theo một món đồ nghề nhỏ của chúng tôi, dự trù cho chuyến đi, như dao găm, địa bàn, ống nhòm vân vân … không nhớ bao nhiêu lần tất cả, và mang như thế nào, và cất dấu ở đâu. Nhìn bên ngoài thì mẹ PhD là người đứng tuổi, cao trên trung bình, nhìn gọn gàng nhanh nhẹn, người làm chủ một nhà bảo sanh dưới BL. Lúc đi đường mà trong hành trang có mang theo những thứ của chúng tôi thì thật là can đảm và tỉnh queo.
.
Chuyện sửa soạn của chúng tôi, không qua mặt được chú em út của PhD, một hôm PhD cho biết tin buồn, chú này đã lấy mất cái thuyền đi biển chính, cùng một nhóm bạn nữa, chưa tên nào trên 18 tuổi đã ra đi rồi, trong nhóm đó có hai anh em con chủ vườn Lan Orchid, trên xa lộ Đại Hàn gần Biên Hòa mà mình từng đạp xe lên đó. Bây giờ mất cái ghe đi biển rồi, mình chỉ còn ghe nhỏ đi sông là ghe dùng để chuyển người thôi, chỉ còn chiếc đó để ra đi.
.
Sau đó thì được biết chuyến đi em của PhD, ra biển bị mắc cạn và bị bắt hết. Tôi hỏi làm sao biết. PhD cho biết, đêm hôm đó, cùng khi ra đi, có hai ba thuyền cùng ra biển một lúc, có nhìn thấy nhau, sau đó mỗi chiếc bị mắc cạn mỗi nơi gần đó. Khi công an, buổi sáng đi ra, bắt được chiếc bên ngoài nằm trên đất bùn vì dễ thấy, thì có người đàn bà, không biết ghen tức ra sao, chỉ cho công an biết là tối qua có một hai chiếc nữa, cũng mắc cạn đâu đây phía bên trong. Lúc này thì nhóm em của PhD thấy bị mắc cạn nơi vắng, không ai nhìn thấy, nên quyết định thay vì bỏ thuyền vào bờ thoát thân, thì mấy đứa ở lại chờ cơn nước lớn lên, sẽ nổi thuyền lên đi tiếp. Thế là bị công an, đi vào sâu hơn sục xạo tìm ra, và bắt hết, thiệt hại cả chục ngàn mỹ kim mang theo.
.
Khi vào trại tù, thì bà kia vì lương tâm dằn vặt gì đó, nên đến gặp và xin lỗi chuyện đã cho công an biết còn có ghe khác mắc cạn nữa. Bà này có con nhỏ nên VC tha cho về trước, em PhD nhờ bà này đến nhà báo tin, nên mới biết chuyến đi này bị VC tóm hết vì thuyền bị mắc cạn. Không có người lớn đi mà chỉ mấy chú nhỏ lén trộm thuyền đi trước.
.
Nhìn mẹ của PhD, ngồi trước bàn máy may, đang ghép mấy cái dù trắng hỏa châu lại thành cái buồm nhỏ cho chuyến ra đi của tôi và PhD. Bà bình thản, yên lặng, rất vui vẻ cười hỏi thăm tôi rất nhẹ nhàng mỗi khi tôi đến nhà. Nhìn bà yên lặng chăm chú may cái buồm cho con trai đi vượt biển, người chồng đang trong lao tù cải tạo, người con út đang ở một trại tù khác, những người con, cháu đang ở mọi nơi xa xăm khác bên kia bờ đại dương. Tiếng máy may điện cứ vang lên, tôi hé cửa phòng PhD, lén nhìn ra cánh buồm trắng bé nhỏ dưới bàn tay của một người mẹ VN. Bàn tay qua cả năm trời, mang từ con dao găm, từng cái phao, từng mọi thứ nguy hiểm khác, dọc đường gió bụi, qua bao ngày tháng để chuẩn bị sẵn có đó cho chuyến đi của tôi và PhD.
.
Nhìn bà bình thản, bên những đường chỉ may cái buồm, tôi tự nghĩ, không biết bà đang nghĩ gì, nhớ người chồng, người con đang trong trại lao tù, nhớ những người con, cháu, đang xa cách bên các bờ đại dương, vẫn mỉm cười nhìn tôi đang hé cửa phòng nhìn ra … bà mẹ VN và cái buồm đang được bàn tay âu yiếm đó nâng niu gửi nhiều may mắn vào đường chỉ. Mẹ tôi thì thua xa, tôi chỉ cho biết tin gần một tuần trước khi ra đi, sợ mẹ tôi sẽ có những hành động xúc động không bình thường, làm mọi người chung quanh sẽ biết.
.
Trong những chuẩn bị, thì phải nói đến chuyến đạp xe đạp đi Vũng Tầu, đi và trở về trong ngày, một lượt là đâu chừng 125 km, đi về là 250 km. Mục đích để coi thực sự hai đứa có khỏe mạnh và bền chí như mình tự nghĩ cho chuyến đi xa sắp tới, không biết hiểm nguy gian khổ như thế nào. Những chuyến đạp xe đi gần dưới trăm cây số thì đã có làm rồi. Bây giờ tới chuyến xa hơn.
.
Tôi không nhớ rõ chuyến đi Vũng Tầu là vào đầu năm 77, hay trước đó nữa. Sau một tuần ăn ngủ đầy đủ, sáng sớm, vừa dứt giới nghiêm đâu 5 giờ sáng là chúng tôi từ nhà PhD lên đường đi ngay. Hai đưá có xe course ba số, xe PhD của Nhật làm, mầu vàng, vòng xe chỉ có 660 cm, xe khá nặng niền bánh bằng sắt, xe tôi nhẹ hơn nhiều, ba số, vòng bánh 700 cm, do anh Ng công Hưng KT66 ráp ngay tháng 5/75, sau này thì tôi tân trang thêm, sơn lại mầu trắng. Từ SG ra qua Thủ Đức thì còn nhìn thấy PhD, ít khi PhD qua mặt tôi, hay chỉ khi nào tôi chậm lại thì mới thấy, trao đổi vài câu. Lúc đó trời vẫn tối mờ mịt, đường không bóng xe, không ánh đèn, hai bên đường qua Thủ Đức rồi còn hoang vu, vì trong chiến tranh, không cho phép ai làm nhà gần xa lộ.
.
Qua nghĩa trang Quân Đội, nghó chung quanh thì không thấy PhD đâu nữa, qua đồi bác sĩ Tín, cũng không nhìn thấy. Đạp xe đua thì cúi gập sát người xuống dưới cho đỡ bị cản gió, tay lái cong nằm bên dưới, chỉ nhìn thẳng dưới thấp, nên khó nhìn chung quanh, trừ khi thẳng lưng lên nghỉ ngơi, thả hai tay ra, xoay người cho dãn và đỡ mỏi lưng, lúc đó mới tìm coi chung quanh có ai. Tôi mang theo hai bình nước, chuối và bánh trong túi, có ít đồ sửa xe, mặc cái áo chơi football của Mỹ, mầu trắng, sọc lằn mầu tím, số 73 hay 69 rất to trước ngực và lưng, cho xe cộ chung quanh dễ nhìn thấy, thân xe đạp mầu trắng có dán decal phản chiếu.
.
Tới ngã ba, bỏ xa lộ Biên Hòa để rẽ đi Long Thành, thì tôi ngừng lại, chờ coi có thấy PhD, nhưng lại chợt dạ là nếu PhD đã qua mặt tôi từ lâu, thì chỉ tốn giờ và càng bị bỏ lại đàng sau. Tôi lại cặm cụi đạp tiếp. Lúc đầu trời tối quá, lo an toàn, ráng nhìn ổ gà mặt đường cho khỏi bị lao vào hư xe, bây giờ qua Long Thành rồi thì trời đã sáng rõ. Mới có thì giờ nhìn chung quanh, ruộng luá, cây cối, nhìn cảnh vật, hít hơi không khí trong lành chút, còn trong đoạn đường Long Bình, Long Thành thì đường nguy hiểm, dốc lên xuống, đồi dốc, rất là mệt và còn tăm tối, phần sợ nguy hiểm cướp bóc nữa.
.
Bỏ LT rồi, đường thẳng băng không dốc, thì thấy một vài người bu quanh cái xác, quấn chiếu dọc đường. Tôi lướt qua chầm chậm chứ không ngừng, thì biết người này, tối qua ra giữa lộ nằm ngủ, sáng sớm trời tối xe đi qua không thấy cán chết rồi bỏ đi luôn. Đạp thêm chút nữa .. thì thấy người đàn bà áo bà ba trắng, tay cầm cái nón lá, chạy vào đường bờ đất bên trong, hướng về cái nhà tranh .. la bải hải:
_ … Chị … ơi, thằng … tối ra ngủ ngoài lộ đã bị xe cán chết kìa …
Lúc này thì tôi đạp nhanh lên, để xua tiếng la hét của người đàn bà đang tất tả chạy vào con dường đất bên trong để báo cái tin hãi hùng đó cho thân nhân ..
.
Trời sáng rực nắng hơn, chuyến xe đò đầu tiên từ SG chạy ra, ngang qua tôi, rồi bỏ xa, chậm chạp già nua, người lơ bám đong đưa đằng sau nhìn tôi tò mò. Trời sáng hơn nữa, bắt đầu ấm nóng, tôi vẫn tiết kiệm nước uống, nên có lẽ đủ đến Vũng Tầu, không cần ngừng lấy nước. Tôi dự định đi đường trong vào Bà Rịa, lên cầu Long Hương, qua chợ ngày xưa đề nhìn xuống con dốc nhỏ bên cầu sông Long Hương, dưới con dốc, hồi nhỏ tôi có sống ở đó, đi học leo lên con dốc đi qua cầu, lên qua nhà lồng chợ, cái tháp nước có mấy cái loa phóng thanh đầy chim yến, rồi rẽ trái, đi vào trường tiểu học Bà Rịa, nằm phía trước trường trung học Châu Văn Tiếp. Nhưng thôi, chuyến đi này không có đủ giờ, không biết có đủ sức về lại SG trong đêm, không phải ngủ lại dọc đường hay không, còn đang phải tìm coi PhD đang ở đâu.
.
Tới ngã ba, quẹo đi thẳng VT, bỏ Bà Rịa qua một bên, lầm lũi đạp đi, đường vắng lặng, chỉ thấy xe đò, xe lambro, ít xe gắn máy, đông một chút chỗ Phước Tuy Bà Rịa, qua cái cầu Cây … Khế hay Cỏ May gì đó mà ba tui kể chuyện, ngày xưa có cái cô gì con nhà giầu, lái xe du lịch chở bạn đi chơi từ SG, tới đây lao xuống cầu chết … rồi qua cái cầu gì rất cao chênh vênh, mấy nhịp đủ loại chắp nối. Hồi nhỏ, đứng trên xe Lambretta của ông già, đi ngang qua, nhìn xuống nước thấy chóng mặt và sợ lắm, và ông già hay nhắc, giữ nón lại coi chừng bay … tôi bay đã bị bay mất nón hồi nhỏ ở đây rồi.
.
Vào tới Rạch Dừa, nghỉ chút, trước cái nhà thờ xứ Xâm Bồ, bên đường kiểu KT chùa VN, mái ngói, do anh hai của tôi vẽ, lúc làm việc ở trung tâm huấn luyện cán bộ Xây Dựng Nông Thôn gần đó. Bây giờ không gấp rút nữa, tà tà vào chợ VT, tôi biết là đã bỏ qua mặt PhD rồi, sau mà lâu vậy, nên nấn ná trước chợ một chút. Lúc nãy nhìn thấy chiếc xe đò ban sáng quay lại SG, đang chờ khách cú chót trước khi ra khỏi Rạch Dừa, tôi quay lại hỏi anh lơ xe có thấy ai đạp xe đua mầu vàng phía truớc tôi không, anh ta nói có thấy khi gần tới LT, còn trước tôi thì không có. Không biết PhD có bỏ cuộc vì xe hư hay không, hay lý do gì đó.
.
Tôi đạp ra bãi trước, qua góc đường từ chợ rẽ ra, hồi đó anh hai của tui có vẽ phác họa cái Đền Hùng dự trù xây ở đây và có đăng lên báo chí, mấy lần tôi ra chơi được anh chở đi chơi chỉ chỏ chỗ này kia và ăn uống với mấy người bạn. Có người hỏi tôi: “ sao hai anh em lại đều là KTS, nếu anh học bác sĩ, lỡ có bị VC bắt, chúng sẽ còn giữ để xử dụng”. Tôi trả lời là: “VC bắt được KTS cũng hữu dụng lắm, cho làm phụ tá”. Ông này hỏi: “phụ tá gì, phụ tá cho ai?”. Tôi trả lời: “phụ tá cho Huỳnh tấn Phát, thủ tướng VC, vì ông này cũng là KTS”.
.
Bây giờ vừa đạp xe, vừa nghĩ đến gia đình người anh đang ở Mỹ, đã nhìn thấy hình mấy đứa cháu chụp hình tắm biển ở Hawaii gửi về, vừa nghĩ đến chuyến vượt biển sắp tới, nghĩ tới đang đạp xe thử thách, để sẽ hy vọng gặp lại anh Hai của tôi bên kia bờ đại dương. Tôi nhìn ra lằn nước biển, bầu trời xanh thẳm, mím môi nhấn từng bàn đạp, chân đã bắt đầu thấy nhức nhối mỏi mệt, đang đạp cuối bãi trước, lên con dốc ra bãi Ô Quắn, vòng ra bãi sau.
.
.
z-td-vt.jpg picture by tddesign
.
.
Biển đẹp, trời nắng đẹp trong xanh, tôi nhìn biển, biết rằng sau đó là hãi hùng chết chóc ngàn dặm xa xôi hơn phía sau chân trời, mà tôi sẽ đối đầu trong những ngày tháng tới. Biển xanh, cát trắng chỉ là cái vỏ bọc đường bên ngoài. Tới La perch au roche noir … tôi viết theo âm trong đầu, chẳng cần phải tìm lại viết cho đúng, đó là Hòn Đá Đen, nơi có cái nhà hàng nhô ra đó. Nghỉ một chút để chuẩn bị lên con dốc cao nhất, rất cao qua Ô Quắn, để đổ xuống Bãi Sau. Phía trước núi ở đây, hồi trước có nhà nghỉ mát riêng của Nguyễn văn Thiệu.
.
Qua lên đỉnh dốc, ngang qua cái vila ngày xưa đi công tác cho Tổng Cục Du Lịch cùng với Nguyễn Bửu Phiêu và Nguyễn Chí Thành KT69. Bên dưới là lối đi xuống bãi cát Ô Quắn, lúc đó còn có con tầu sắt ủi bãi do tai nạn và mắc cạn, có sợi dây xích khổng lồ của cái neo thả xuống. Mùa hè 70, mới thi đậu tú tài hai xong, Annie dẫn ra ngoài này chơi nằm tắm biển, nhìn Annie mặc bikini hấp dẫn, nằm nghe top hit, hát vớ vẩn theo và vu vơ. Giờ thì cũng không biết Annie đang ở bên bờ đại dương nào đó, vì không thấy còn ở VN.
.
Bây giờ là đoạn đường sướng nhất, thả hai tay, tuột dốc xuống Bãi Sau, tuy nhiên vẫn phải nhìn đá nhỏ trên đường, gió hiu hiu lồng lộng. Đã hẹn với PhD sẽ ra bãi sau nằm, ngày thường chẳng có ai, tìm ra chắc cũng dễ. Vùi cát nóng lên hai đôi chân, ôi sao mà đã, hai đôi chân mỏi dừ, giờ gặp cát nóng, như những giọt dầu nóng, làm êm ả lại những bắp thị đường gân làm việc vất vả từ sáng đến giờ, cũng phải là trên mười một gìờ sáng. Nghỉ chừng 1 giờ, sẽ lên đường về, lần về vì mệt sẽ đạp chậm hơn lần đi, và đít thì giờ ê lắm rồi, quần đạp xe đạp như cua rơ thì không có, nên lớp vải cọ vào chung quanh háng qua nhiều tiếng, giờ cũng đỏ lên và rát. Mang xe xuống gần biển để coi chừng và ngâm nước mát hai đôi chân mỏi nhừ, cái mông tê dại.
.
Ngồi nhìn đại dương xuôi về hướng Nam, cứ nhìn mãi, nghĩ đến chuyến đi sắp tới, có thể nào, đây là lần cuối cùng, ngồi ở chỗ này chăng. Năm 93, tôi trở về, ra ngồi lại chỗ này mấy chục năm sau, để cám ơn ai đó, cám ơn lòng kiên trì, liều mạng của mình. Một vòng trái đất đã trở lại.
.
Bây giờ chỉ còn nửa chặng đường đạp quay về SG, cam go hơn, tuy nhiên chỉ có việc đạp hết sức mà về. Từ Bãi Sau quay về chợ, coi như không còn gặp được PhD, không biết hắn có đạp ra tới VT hay không. Ghé chợ ăn uống chút, lấy nước đầy đủ, cho ít đồ ăn vào cái túi nhỏ sau lưng. Tôi đạp về. Cứ thế mà đạp. Chiếc xe đò nhỏ chậm chạp đã gặp, đi được vài chuyến ra vô SG rồi. Mỗi lần thấy tôi, tài xế chạy chậm lại bóp còi dơ tay chào. Có lần chạy thật chậm để cho anh lơ xe dụ tôi bỏ xe đạp lên đi về SG cho nhanh, còn nói cho đi không, không lấy tiền, vì thấy tôi can đảm qúa. Mọi người trong xe đò nhìn ra tôi cười thích thú, còn đưa tay ra mời lên xe nữa. Rồi chuyến xe chót bỏ tôi một mình trên đường chiều hoang vắng, họ đã về đến SG trước khi trời tối.
.
Tôi đi qua chỗ người thanh niên nằm ngủ ngoài lộ bị xe cán chết hồi sáng, lâm râm nguyện cho anh đi về miền thanh thản, chung quanh chẳng còn dấu tích gì, người ta đã thu dọn hết, mà có gì đâu để thu dọn, một kiếp người đã ra đi trong giấc ngủ về sáng !!! trong một hoàn cảnh thiệt kỳ cục và lãng xẹt.
.
Qua Long Thành là trời chập choạng tối. Qua mấy cái dốc để đi về hướng Long Bình, tôi thấy một anh nhỏ hơn tôi, cố gắng đạp xe đạp theo tôi hết mình, cái xe đạp cũ như muốn tung ra kêu xòng xọc, tôi đạp chậm lại hỏi anh ta:
_ Anh làm gì chạy dữ vậy, bộ anh tính đua xe chơi cho vui à ?
Anh này vừa thở hổn hển vừa nói:
_ Không có, chỗ này trời tối và vắng, tụi nó hay chạy xe gắn máy, cầm dao vớt người cướp xe, xe đẹp như anh là coi như xong rồi, nên tôi phải đạp hết sức cho qua chỗ này. Đua với tử thần thì có, anh không phải là người ở đây nên không biết.
.
Trời !!! giờ thì tui vẫy tay chào anh ta, rồi dọt, đạp hết ga, bỏ mặc anh ta lại, chắc chắn là tụi nó sẽ chọn xe của tui rồi. Phóng mạnh cho qua hết mọi cái dốc, tôi lần ra gần ngoài căn cứ Long Bình, khi có tiếng xe gắn máy từ dưới lên, tôi đều thẳng lưng lên quay lại nhìn, và tránh xa qua lề đường, chống tay vào hông, quay lại nhìn cho họ thấy tôi sẵn sàng đề phòng, an toàn rồi, thì bàn chân phải đau lắm, nhấn xuống thì được, kéo lên thì bắp chuối rất đau, cà nhắc một chút. Tôi ngừng bên hàng rào chắn xe lật ở khúc cua, vẫn ngồi trên yên xe, tháo bớt dây giầy ra, lấy thêm dây từ cái túi đeo, cột luôn bàn chân phải vào bàn đạp xe. Cứ như vậy, nhấn chân trái mạnh hơn, bàn đạp sẽ tự đưa chân phải lên, cho đõ đau.
.
Ra tới được xa lộ Biên Hòa, nhiều xe di chuyển hơn một chút. Như vậy là bây giờ cứ từ từ lết về SG, càng gần về tới SG càng mệt mỏi hơn, cuối cùng trên chín giờ đêm, tôi về tới SG, phải ngồi yên trên cái xe đạp hồi lâu, ôm cột đèn chút, rồi mới từ từ vịn mà tuột xuống xe được để không bị té, khép chân lại ngồi xuống duỗi chân ra cho cái bàn tọa ngồi thẳng trên vỉa hè. Chu choa sao mà đã, dắt bộ cái xe chút cho đỡ tê cái mông, kiếm cái gì ăn rồi bò về nhà … nằm lăn ra mà ngủ.
.
Gần chiều tối hôm sau, mới qua nhà PhD để coi tên này ra sao. Gặp mẹ PhD ngồi ngoài bàn, chỉ tay vô trong phòng PhD, “nó nằm bẹp trong đó con vô với nó … lát ra bác chích cho con mũi vitamin C, mặt con nhìn xanh lè à, con còn đạp xe qua đây được là khá lắm đó”.
.
Lát tui ra, nằm xuống ván, mẹ của PhD lấy đồ nghề ra, chích cho tôi một mũi Vitamin C vào mông. Chuyến đi rồi, PhD đạp xe đằng sau, cũng ra tời VT, đi vòng ra bãi trước, nhưng lúc lên cái dốc cao nhất tại Ô Quắn thì hết sức qua không nổi, nên quay xe lại, ra bãi trước nằm, nên hai đứa chúng tôi không gặp nhau được. Thành ra chuyến đạp xe đi ra Vũng Tầu chung, hoá ra chỉ chập chờn trên đoạn đường tăm tối lúc sáng, qua nghĩa trang Biên Hòa là lạc mất nhau rồi. Vì chuyến đi quá xa, phải đạp nhanh mới đi về cùng ngày được, đâm ra lạc nhau dễ dàng. Chuyện đáng nhớ là bốn năm ngày sau tôi mới hết ê cái đít và mới có thể đi cầu nổi.
.
Lần sau đó thì PhD về dưới quê ở lâu hơn để chuẩn bị ghe, tôi không đến nhà PhD ở SG nữa, không nhớ lần chót lúc gặp mẹ PhD vào lúc nào, chỉ nhớ lúc ra về bà có ôm chặt tôi một cái như chúc may mắn và từ giã.
.
Đằng sau những chuyến đi, những thành công hay thất bại đều có một bà mẹ VN nào đó, tôi chưa biết ai hơn mẹ của Phúc, chỉ bình thản ngồi may cái buồm cho đưá con trai ra đi, chồng và con khác còn nằm trong ngục tù, nguời mẹ VN quá can đảm từng lần một suốt năm mang hết những đồ chơi của chúng tôi lần hồi xuống dưới ghe, không thiếu cái gì. Lúc kéo gói đồ từ đáy ghe lên mới biết cám ơn công khổ cực và thật là nguy hiểm do mẹ của PhD đã dóng góp, và nhất là cho ra đời, người thuyền trưởng của tôi: Captain PhD.
.
Mấy chục năm sau, viết những lời tri ân đến một bà mẹ VN tuyệt vời. Bây giờ bác đang ở dưới Nam Cali, người em trai út của PhD cũng ra tù sau đó, đi chuyến khác vượt biển, và bây giờ là bác sĩ, đã tốt nghiệp từ UCLA ra rất lâu. Chuyện một bà mẹ VN ngồi may buồm cho con trai đi vượt biển.
.
Bài phụ lục cho Con thuyền tháng bẩy, 77 …
.
By duongtiden

con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam . Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77. chuyến đi tìm tự do, bài thứ 22 tiếp theo. The July 4th Boat, part 22 cont. by duongtiden
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.