copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Wednesday, November 14, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ 17 tiếp theo. The July 4th Boat, part 17 cont. by duongtiden.



.nhà sàn trên biển, giống như cái nhà chúng tôi ở hai tuần trên đảo Laut
.

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ mười bẩy tiếp theo bài thhứ mười sáu kỳ trước …
.
.
Ngày nữa trôi qua, bình lặng, không nhớ ngày này có gì lạ không, chắc chỉ ngồi chơi quanh chỗ bị giam, đến chiều tối, ăn cơm rồi rút vào trong phòng nằm ngủ sớm thôi.
.

Hình như tôi nghe tiếng ai gọi tên cúng cơm của tôi, gọi cái giọng phát âm cũng khá đúng, người Nam Dương, giọng phát âm cũng giống như tiếng của người VN, cũng dùng chữ mẫu tự abc. Rõ ràng có người gọi tên tôi ngoài cửa. Chưa có người Nam Dương nào biết và gọi tên tôi hết từ lúc lên bờ, không phải là ngủ mơ, tôi đâu đã ngủ, mới chừng chắc 8 giờ tối. Bò dậy ra mở cửa. Thì ngạc nhiên, thấy ông Quận Trưởng đứng ngay trước cửa, đằng sau có vài người, sao họ không gây tiếng động, hay đập cửa khi muốn nói chuyện với chúng tôi như trước đây.
.

Hơn tám giờ tối, ông quận trưởng, với quân phục chỉnh tề, đến trước phòng, gọi tên tôi ra. Tôi vuốt tóc tai, quần áo lại cho lịch sự, mấy đứa cũng vậy, rồi kéo ra ngoài sàn cây, có đèn sáng, còn trong phòng thì không có đèn. Không biết chuyện gì mà họ đến gặp lúc tối như vầy. Phía sau ông ta còn mấy người nữa chưa gặp bao giờ. Ông quận trưởng quay lại phía sau, tránh ra cho tôi thấy một người đàn bà mặc y phục cổ truyền Nam Dương, quấn váy, đeo khăn đầu, rồi giới thiệu, đó là vợ ông ta, bà này muốn đến gặp để biết chúng tôi ra sao. Tôi cúi đầu chào bà này, trong khi bà ta mỉm cười và chào lại. Chỉ cười chứ không nói gì hết.
.

Ông hỏi tôi có tiền đô la hay vàng không. Tôi nói không, chỉ có tiền VC thôi. Tôi hỏi ông ta cần tiền để làm gì. Ông này nói, tụi bay cần có tiền để mua vé tầu để đi khỏi chỗ này. Tôi không hiểu ý ông ta muốn nói gì. Ông nói tiếp, tiền VC cũng được. Tôi móc túi dù ra ít tờ giấy tiền in hình đồng chí Minh Râu. Ông này rút vài tờ, đưa cho bà vợ cầm tò mò coi, rồi cười vỗ vai tôi, nói tụi mình sắp sửa goodbye với nhau rồi.
.

Tôi ngạc nhiên lắm vẫn chưa hiểu gì, thì ông ta đưa tay từ đằng sau ra, ông ta cứ chắp tay phía sau, hay chống một tay sau lưng nãy giờ, từ đằng sau, tay đưa ra một tút thuốc, một cây thuốc, mười gói thuốc lá, đưa cho tôi, không biết tại sao tối nay ông ta vui vẻ như vậy, lại cho thuốc lá, hay là trả công chúng tôi đã làm việc cho quận ngày hôm qua. Ông ta nói chậm chậm và từ từ rõ cho tất cả chúng tôi nghe để hiểu:
.

_ Tầu lớn đã ghé bến ngoài biển, tối nay mấy anh được phép rời khỏi đây, đi theo tầu khách lớn, về Tangjung Pinang, tới trại Tị Nạn cho người VN, nơi đặt hành chánh Tỉnh Riau, chỗ đó rất gần Singapore.
.

Mừng lắm, và rất ngạc nhiên vì bất ngờ, không hề được cho biết trước, đang sửa soạn đi ngủ, thì tự nhiên được dựng cổ dậy, được cho thuốc lá, và cho biết sửa soạn lên đường đi về trại Tị Nạn ngay bây giờ. Thật là bất ngờ, nhất là không bao giờ nghĩ là lên đường đi tiếp vào ban đêm. Mừng ơi là mừng, đồ đạc thì sẵn có ngay cái túi bên cạnh, rất nhanh chóng, chúng tôi mừng rỡ, vuốt quần áo lại một chút, rửa mặt, là sẵn sàng bỏ nơi này đi liền không luyến tiếc.
.

Theo ông Quận Trưởng đi ra ngoài khỏi căn cứ, giơ tay vẫy chào mấy người lính Hải Quân, ban đêm ít người, chỉ có những người lính canh gác, không thấy người Đại Úy biệt kích, chỉ có hai vợ chồng ông Quận Trưởng và hai người Cảnh Sát. Ra khỏi cổng trại Hải Quân, dưới ánh đèn sáng bên đường tráng xi măng, là những cửa tiệm buôn bán, họ vẫn còn bán buôn ban đêm. Ông ta dẫn tôi đi ngang hàng, nói chuyện. Mấy người chung quanh, thấy ông QT đều chào, và tò mò nhìn bốn đứa chúng tôi đi chung với Cảnh Sát thành một đoàn người.
.

Chỉ tay ra hướng cầu tầu cuối đường, nơi chúng tôi đã được đưa lên từ mấy ngày trước, Ông QT, đưa chúng tôi đi ra tầu lớn. Nói chuyện với tôi là mai mốt qua Mỹ trở thành Big Man, thành công to tát, hay thành người mập địt, đừng có quên ông ta nhe. Bàn tay với ngón tay xoè ra như đếm tiền, ngụ ý lúc đó tôi đã giầu lo đếm tiền. Trong lòng ông ta, có lẽ từng nói chuyện với ông Đại Úy về sự may mắn của chúng tôi sẽ được đi Mỹ sau này lập cuộc đời mới, sống sung túc, không biết họ có so sánh gia đình của họ không được đi Mỹ sống con cái không được đi Mỹ học, như nhiều người trên thế giới ao ước được sống ở Mỹ không, có lẽ có.

.

Cho nên sau này khi nhiều người tị nạn VN đến sau, có cả trăm ngàn người, nên dân địa phương có ghen tỵ về chuyện tị nạn được đi định cư ở Tây Phương như Mỹ, thành ra có số ít người du côn du đãng đối xử không tốt với dân tị nạn VN chăng. Khi đi tìm hình ảnh của Sedanau và người tị nạn VN, tôi gặp những trang web site khác, diễn tả sự đối xử tàn tệ của cảnh sát và binh sĩ ND trên các vùng hoang vắng, có những hành động hãm hiếp hội đồng phụ nữ VN, và đánh chết những người đối kháng lại, giữa hàng trăm người tị nạn bị bỏ giam nơi hoang vắng, không có tổ chức của Liên hiệp Quốc can thiệp. Trong tất cả những giống dân nào, cũng có những súc vật làm người trong đó.

.

Nghĩ tôi vô duyên, không hề biết tên ông ta hay người Đại Úy tình báo tên là gì, họ có đeo bảng tên nhỏ trên ngực, nhưng đâu dám ghi chép lại, hay vô phép hỏi tên họ là gì. Với lại trong tình trạng đang bị điều tra, vì không biết là khúc cuối có được họ đối xử tốt hay không nên chưa cần biết tên vội.
.

Bây giờ đã thấy mùi hơi nước biển và gió xông lên mạnh hơn, tuy là chúng tôi mấy ngày ngủ trong nhà sàn, cũng chỉ chừng hơn một mét là tới nước biển, nhưng bây giờ ngoài không gian rộng rãi, không như khu giam giữ, thấy trời mây nước gió biển lồng lộng thật là đã, đã hơn gần năm ngày bị giam lỏng. Nguyên một con tầu sắt to lớn, loại tầu hàng, đài chỉ huy cao và cột tầu ngoài trước, sơn mầu vàng úa nhạt, mầu beige, đèn đưốc sáng trưng, đậu chần dần trước mặt, nhìn thật huy hoàng. Ông Quận Trưởng, dừng lại nơi cầu tầu, bắt tay tôi chúc may mắn, rồi nói từ giã bốn đứa tôi, còn nhắn nhủ:
.

_ Lần sau đến đây, nhớ là phải có Passport của Mỹ nhe, không có Thông Hành, là tôi sẽ nhốt trong tù rất lâu.
.
Chúng tôi cười, cám ơn lòng ưu ái của ông, cám ơn tút thuốc lá, cám ơn đã được giam giữ ở đây, tôi gửi lời chào người Đại Úy biệt kích, Ông ta nói không sao, ông cười nói cũng cám ơn mấy đứa đã sửa máy cho lính Hải Quân, còn ở Nam Dương ai cũng sợ và ghét cộng sản lắm, nên chúng tôi liều chết ra đi là phải, ông ta mừng là không phải sống với communist. Từ gĩa hai vợ chồng QT, rồi đi theo hai người Cảnh Sát dẫn lên tầu. Được biết họ là hai Trung Sĩ được cử đi theo, dẫn lên tuốt trên đài chỉ huy, gặp người thuyền trưởng, hai người Cảnh Sát giao chúng tôi cho ông ta. Ông này cũng vui vẻ, nói được tiếng Anh, bắt tay, chào hỏi, rồi mở cửa ra phía sau đài chỉ huy, có môt cái sàn sân sắt nhỏ, ngay bên cạnh, trên có mái che bằng vải, cho biết chúng tôi sẽ ở đó trong chuyến đi về Tangjung Pinang, còn khá lâu trên một ngày. Cần gì thì cho ông ta biết, ngoài ra, tầu ghé đây đổ khách, giờ thì đợi khách lên tiếp rồi khởi hành, nên ông ta đang bận điều hành, yêu cầu chúng tôi ở đây đừng đi lẫn chung vào hành khách, chỉ cần lên xuống khi đi vệ sinh thôi, còn ăn uống sẽ có người mang đồ ăn đến.
.


Chuyến tầu này đến đây mỗi tháng một lần, có lẽ vậy mà chính quyền ND đã tính trước mà chia ra thời gian cho chúng tôi chờ đợi ở đảo Laut, rồi ở đây, theo đúng lịch trình di chuyển của tầu chuyên chở tới nơi biên giới tận cùng này. Đảo Laut là nơi biên giới xa và cao nhất về hướng Cực Bắc của Nam Dương, Quận Sedanau này trong quần đảo Natuna Besar, quần đảo xa nhất về hướng Bắc từ thủ đô của Nam Dương, nơi chia chung thềm lục địa dầu hỏa với VN. Đâu có gần nhau như VN mà có xe đò, hay đò chạy hàng ngày. Một tháng một lần, trễ chuyến tầu này, là đợi thêm một tháng nữa.
.

Được ở ngay cái sân sau đài chỉ huy, vị trí thật tốt trên cao, thật đẹp, quan sát được nhiều thứ, rất thông thoáng, đầy gió biển, không ngộp như ở dưới tầng thấp trong tầu. Thật là may mắn, còn hơn lúc đi tầu Hải Quân VNCH ra Phú Quốc, hay ra Trường Sa (đi Trường Sa, ngủ trong phòng của Hạ sĩ Quan, không cửa sổ và ngộp hơi). nếu có mưa cũng không bị hắt ướt vì cái sàn mái che cũng khá rộng. Còn hai người Cảnh Sát ND dẫn lên, cũng đi xuống dưới tầu, không biết họ ở đâu, không ai dòm ngó chúng tôi nữa, bốn đứa ở riêng cái sàn sắt trống đó, được đặt dưới sự coi sóc của ông thuyền trưởng.
.

Từ trên cao, tôi nhìn xuống Sedanau, Nhưng thật tiếc, hơn ba chục năm, không còn nhớ gì về quang cảnh để diễn tả. Còn trên tầu, không biết họ đã đi từ đâu đến, đã có hành khách sẵn, đủ loại, đủ hạng, loại đi trên tầu, nằm trên bong, chỗ có mái che, chỗ không có, khách đi dựng mái che riêng, loại đi có phòng ở riêng, tôi chỉ quan sát bên ngoài, khi lên xuống ra vào chỗ đi vệ sinh. Như vậy nơi sàn chúng tôi nằm còn ngon lành đẹp hơn những nơi hành khách Nam Dương phải trả tiền. Đằng sau sàn, có cầu thang riêng xuống dưới thấp, có sợi dây xích chận ngang, với biển, hình như là khu vực giới hạn dành riêng cho thủy thủ đoàn. Nên không có ai lạ đi lên chỗ chúng tôi, hay chúng tôi không phải đi vào trong đài chỉ huy để đi xuống chỗ khác.
.
.

z-td-477-TP-view.jpg picture by tddesign
.

Tangjung Pinang, thủ phủ của tỉnh Riau, nơi con tầu sắt hành khách lớn, sẽ đưa chúng tôi đến, chỗ này có trại tị nạn dành cho người VN tị nạn chính trị, đi tìm tự do.

.


Hành khách đi tầu, lục tục kéo lên, tầu chất hàng lên, gần nửa đêm thì kéo còi lớn, khởi hành đi trong đêm. Ngày hôm sau, có người trên tầu mang đồ ăn uống lên cho chúng tôi, không có muỗng, Boy phải làm dấu, sẽ ăn bốc bằng tay trái, người lo chuyện cho chúng tôi ăn này sợ quá đi lấy cho mấy cái muỗng sắt (người ND làm chuyện đó bằng tay trái, nên dùng tay trái là rất bất lịch sự). Còn những người hành khách đi tầu, thì thấy mấy người đi trên bong, mang theo đồ ăn riêng hay đi mua đồ ăn từ chỗ nào đó trong tầu, chắc là nơi nhà ăn. Lâu lâu thì thấy ông thuyền trưởng mở cửa ngó ra cười với mấy đứa, đôi khi hỏi thăm gì đó, bây giờ không nhớ được nữa.
.

Hai người Trung Sĩ cảnh sát đi theo từ Sedanau, thỉnh thoảng cũng đi qua, ngó lên từ dưới đưa tay vẫy, hay có khi leo lên trên sàn, ngồi hút thuốc lá chung. Giờ thì chúng tôi rất vui vẻ an tâm, đang trên đường về Tỉnh Lỵ của Riau là Tangjung Pinang, hai CS cũng ra dấu là họ cũng rất vui được đi về đó chơi, với dấu hiệu cho biết là nơi đó, thành phố lớn, không thiếu thứ gì. Người thuyền trưởng cũng nói, TP rất đầy đủ vật chất và có rất nhiều người Hoa, có nhiều thứ ăn uống hơn đồ ăn Nam Dương, ý ông ta muốn nói nếu chúng tôi thèm ăn thịt heo. Coi như một chuyến đi du lịch bất đắc dĩ, rất may mắn mọi thứ đều miễn phí, kể cũng vui và được nhìn thấy nhiều thứ rất lạ lùng, thỏa mãn trí tò mò lòng mạo hiểm của tôi.

.

Mây trời, gió nắng, và cơm ngày hai ba bữa, thuốc lá no đủ, thỉnh thoảng nghe nhạc Nam Dương vui vẻ vang lên trên tầu, thiệt không dám phàn nàn, cám ơn họ đối xử tử tế với chúng tôi quá mức. Vì chỉ sau đó chừng hai năm, những người tị nạn VN đến sau, bị đánh đập xua đuổi, thậm chí bị cướp bóc, bị vứt lên hoang đảo, tự mưu sinh lấy trong rừng rú, bỏ mặc cho bịnh tật chết, không ai săn sóc, sống như người rừng, có đến trên 2 ngàn người VN, đã chết trên hoang đảo, hay trại tị nạn như trại tù, được chính quyền ND ghi nhận, còn nhiều người chết mà không ai hay biết nữa. Thật là may mắn cho những người đi tiên phong vượt biển lượt đầu tiên như bốn đứa chúng tôi, được đối xử khá, vì chính quyền Nam Dương còn tò mò, và muốn sự có mặt của người VN tị nạn chính trị, trốn chạy CS để cho dân ND thấy đó mà biết sự bạo tàn của cộng sản quốc tế.
.

Tầu đi xuôi Tây Nam đến quần đảo Anambas, ghé thành phố Letung, cho người lên xuống, rồi tầu xuôi Nam. được gần nửa đường đi về Tỉnh Lỵ của Riau là Tangjung Pinang. Hành khách lại xuống và lên, nhìn họ lên xuống cũng vui, người đưa đón, từ gĩa, y như mọi chuyến đi xa khác trên thế giới này. Ngủ qua đêm, sáng hôm sau thì chúng tôi đến một vùng đảo to lắm, tầu bè đậu rải rác đầy vùng biển, nhìn lên thành phố trên đồi, có xe chạy, nhà cửa không cao hai ba tầng là nhiều, vài từng, nhìn từ ngoài biển vào thấy thành phố sinh hoạt tấp nập, đò chèo qua lại trên biển, làng xóm chung quanh khá nhiều, nhà sàn ngoài biển, nhà trên đồi lẫn vào những hàng dừa xanh. Tầu bỏ neo cặp bến Tangjung Pinang. Một số người trên tầu sửa soạn đi xuống, còn một số thì vẫn chờ đi tiếp đến thành phố biển nào khác.
.

.

z-td-477-TP-port.jpg picture by tddesign
.

Bến tầu, nơi cặp vào Tangjung Pinang, mấy chục năm trước vẫn mấy cái nhà này, con tầu sắt đưa chúng tôi đến, cũng giống kiểu tầu trên, to hơn một chút, sơn mầu vàng úa nhạt, mầu beige

.


Hai người Trung Sĩ cảnh sát, sắc phục gọn gàng, vui vẻ, lên gặp chúng tôi. Mấy đứa cám ơn người Thuyền Trưởng, bắt tay chào, ông rất tử tế, chúc chúng tôi gặp nhiều may mắn, mau được đoàn tụ với gia đình. Theo cảnh sát xuống tầu, đi bộ vào khu nhà chính quyền trên đồi, gần cầu tầu, không xa lắm. Hai người Trung Sĩ đi trước, bốn đứa theo sau, qủa thật lần đầu tiên đến một thành phố bên ngoài xứ VN, coi như khá lớn, cỡ cũng chừng một phần tư lớn như Vũng Tầu, xe cộ, phố xá, người qua lại ồn ào chẳng hiểu họ nói năng gì, nhìn chúng tôi tò mò, tiếng còi xe, nắng sáng rọi lên ấm những bước chân đi tìm tự do. Thật là lạ lùng, cái gì cũng mới mẻ, tha hồ mà nhìn, mà ngắm. Chúng tôi bước chân lên đảo Bintan, thành phố TP ngày 9 tháng 8 năm 1977, một tháng, bốn ngày sau khi rời Cần Thơ.
.

Bàn giao chúng tôi cho nhân viên toà hành chánh tỉnh lỵ xong, hai người Trung Sĩ đi theo từ Sedanau, cười chào rồi đi mất. Ngồi làm thủ tục, điền giấy tờ, được cho biết, ông Đại Tá Hải Quân Nam Dương, Tỉnh Trưởng tỉnh Riau muốn gặp chúng tôi một chút. Trong lúc ngồi đợi, tôi suy nghĩ, ông tỉnh trưởng, kiêm chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tỉnh Riau, là nơi có chia chung biên giới đường biển thẳng hàng hướng Bắc với VN, như vậy là có quan tâm đến tình hình đang xẩy ra tại VN, mấy khi gặp người biết nói tiếng Anh như chúng tôi, nên ông ta dư giờ muốn nói chuyện, còn những nhóm người tị nạn khác, lóc nhóc đàn bà con gái lê thê lếch thếch, đùm đàn, thì không biết Đại Tá có đích thân thèm gặp trong văn phòng không.
.

Quan sát, thì chúng tôi râu tóc dài lê thê, nhìn bụi đời lắm, tuy nhiên vẫn sạch sẽ, quần áo vương bụi sương gió bạc vì lang thang nhiều ngày, nhưng không có mùi gì dơ bẩn, bây giờ sẽ được gặp ông Đại Tá Hải Quân, tỉnh trưởng tỉnh Riau của Nam Dương, bốn đứa chúng tôi nhìn cũng không đến nỗi tệ hại, làm mất mặt nước VNCH. Hay là ông ta đã đọc tường trình về chúng tôi, về cái vụ bị tình nghi là gián điệp CS, vì đi từ biển lên trong một đêm tối, không thuyền, không ghe, không đàn bà con gái … nên ông ta tò mò muốn gặp, và dĩ nhiên đã biết trước chúng tôi nói được Anh và Pháp. Chờ coi ….
.
.

z-td-477-map-trip.jpg picture by tddesign

.
.
.

hết bài thứ mười bẩy … coi tiếp bài thứ mười tám … xe ngừng lại, tài xế ra dấu cho chúng tôi mang đồ xuống, xe ngừng ngay giữa sàn sân xi măng, tôi nhìn thấy quần đen đàn bà, áo bà ba, nón lá … và nghe tiếng mấy đứa nhỏ chạy qua lại chơi và chửi thề … đụ mẹ … rồi đụ má …. He he … vui quá, đúng là người Việt Nam, đồng hương của tôi đây rồi !!!!
.
.


by duongtiden
by duongtiden . duongtiman
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam.
.
 
 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.