copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Tuesday, November 13, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ 14 tiếp theo. The July 4th Boat, part 14 cont. by duongtiden.




.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ mười bốn tiếp theo
.

tiếp theo bài thứ mười ba lần trước ..


.

Lầm lũi kéo nhau về lại căn nhà sàn ngoài biển, mấy đứa tức lắm, bị ăn cắp đồ, bị trêu chọc, bị tụi côn đồ ỷ đông ăn hiếp, tình hình theo điệu này, tình trạng ở đây càng tệ hại hơn, không biết lúc nào thì có Cảng Sát ND đến dẫn đi về trại tị nạn đây. Bước qua đến tuần thứ hai, chẳng thấy tụi nó nói năng gì đến chuyện được di chuyển về trung ương.
.

PhD lại bàn với tôi chuyện tự bỏ hòn đảo này đi chỗ khác, hai đứa bắt đầu quan sát tình hình trên đảo, ngoài bãi, ngoài xóm nhà sàn ở đây, không thấy tầu thuyền gì lớn để đi vượt biển xa, chỉ có ít ghe nhỏ đậu ở đâu đó. Có một cái ghe, như đò máy, khoảng ba bốn ngày thì nó đi qua các đảo khác, chở hàng và người coi như con đò liên lạc. Chiếc ghe máy này, khi đến neo vào cái cầu ván, chung quanh là những nhà sàn ngoài bìa biển, ở chỗ biển sâu, nằm ở đó, nhiều khi không có ai ở trên. Từ nhà chúng tôi cư ngụ có thể theo dõi thấy lúc nào có chiếc ghe này đậu chỗ đó.
.

PhD bàn là đợi khi nào nó lên dầu vô ghe rồi, thì tối kéo qua chiếm đoạt ghe đi xứ khác, có thể xuôi Đông Nam đi vô Tây Mã lai Á, hay xuôi Nam xuống đảo khác. Tôi nói không được đâu, khi cướp ghe rồi là tụi ND báo động gửi điện cho các đảo khác của Nam Dương, chúng tôi khó mà đến bờ ND lại với y chang 4 đứa như tụi ở đây đã nhận diện. Chỉ có đi qua hẳn xứ khác như Mã lai Á hay Singapore mà thôi. Với lại tôi nghĩ, tối có thể có người ngủ giữ ghe, còn không thì phải rình cho kỹ, cướp ghe vào lúc không có người, và ghe phải có đầy dầu sẵn thì mới đi được. Ngoài ra, nếu xô xát đụng chạm thì có thể bị thương hay chết người, vũ khí dùng để hăm dọa thì mình không có, muốn có vũ khí, thì phải ăn trộm hay cướp nữa.
.

Tôi không biết tình trạng sẽ ra sao, đi mười một ngày trên biển thì tới bờ, giờ nằm không trên này gần 15 ngày rồi. Thỉnh thoảng lại nghĩ đến chuyện tại sao tôi không đi theo tầu đánh cá Hồng Kông, giờ thi có thể đã về đến Hồng Kông, thành phố lớn, tha hồ liên lạc với gia đình bên Mỹ và bên Úc, bên Pháp. Ngoài ra, tôi nói với PhD, suy nghĩ cho kỹ, cướp ghe, là có thể đụng chạm, giết người chứ không chơi đâu, không giết tụi nó, thì tụi nó cũng giết lại. Ngoài ra, người giữ ghe, người chủ ghe, không phải là những người đã ăn cắp đồ, đã đối xử không đẹp với chúng mình, họ vô tội. Tụi mất dậy, là mấy đứa du đãng con trên đảo này thôi.
.

Bây giờ thì ngày nào cũng ngó quan sát con đò, đến một buổi sáng gần trưa, nó trở về, lần này hơi lạ, nó không đi về chỗ đậu cũ, bên bờ cầu ván chỗ mọi lần, mà nó cặp vào cầu ván, nơi chúng tôi đã đến hôm nào, té ra chỗ cầu ván này là chỗ chính, khi có chuyện mới ghé thôi, còn chỗ kia có lẽ là gần nơi nhà của chủ ghe.
.


Có hai người mặc sắc phục mầu ka ki, mũ, phù hiệu trên áo, dây đai bụng, giầy bốt, đội nón kết, chỉ không có đeo súng, xuống thuyền, đi về phía chúng tôi, lúc này ngồi bên ngoài nhà sàn gần đó, ngó chiếc đò máy ghé vào. Không ai xuống thêm nữa, chiếc đò đi ghé đến chỗ đậu cũ gần đó. Hai người có vẻ là cảnh sát, một người trung niên, nhìn rất vui vẻ, một người trè hơn, có lẽ là cấp dưới. Họ đi đến nhìn chúng tôi cười, dơ tay chào, nói gì đó tiếng ND, rồi bỏ đi thẳng vào trong làng theo đường cầu ván của khu nhà sàn.
.

Như vậy là có người của chính quyền Nam Dương từ chỗ khác đến rồi, chúng tôi chuẩn bị, và bắt đầu thấy vui. Lát sau thì, mấy người lớn, chức sắc trong làng, đã gặp những hôm đầu, đến kêu chúng tôi đi vào trong, đến chỗ tiệm chạp phô, tạp hoá của người gốc Hoa, có mấy cái bàn làm chỗ bán đồ uống luôn, họ biến chỗ đó thành nơi làm việc. Người chủ người Hoa cho chúng tôi uống trà hay cà phê, loại cà phê bỏ luôn vào ly nước sôi, đợi bã cà phê lắng xuống đáy thi uống phần bên. Có thuốc lá nữa, mùi hăng và lạ lắm, loại tẩm bằng lá Clove, có tên là Gudang Garam, hút có vị ngọt ngọt đầu lưỡi.
.

Hai người đó là Cảnh Sát từ quận Sedanau đến giải chúng tôi về đó, người đứng tuổi là Trung Sĩ, người kia chỉ là cảnh sát thường, cho biết là ngày mai, chúng tôi sẽ theo lên cái đò hồi sáng đến để về Sedanau. Mấy người trong làng mang vũ khí, dao găm của chúng tôi giao cho cảnh sát. Sau đó hai người này muốn đến nhà mấy đứa ở để nhìn qua đồ đạc của chúng tôi mang theo. Người Trung Sĩ Cảnh Sát già ngỏ ý muốn xin mấy cái áo phao cấp cứu, cho con của ông ta đi biển vì theo ông này, ông ta có đứa con lớn đã chết vì chìm tầu. Với lại xin ngay bây giờ vì khi về đến Sedanau, cấp trên của ông ta mà thấy đồ đạc của chúng tôi rồi thì sẽ không xin được gì nữa.

.
.


z-td-477-tmd.jpg picture by tddesign
.
.



Tôi không cho cái áo phao loại gập nhỏ, có bình hơi của tôi, có từ lức đi Trường Sa năm 74. Còn thì mấy đứa kia cho hai bộ áo pháo nổi, một cái đeo cổ, một bộ hai cái đeo ngang hông. Lấy áo phao xong thì hai người CS kéo nhau đi vào làng, còn chúng tôi thì sửa soạn, đi lòng vòng trên xóm, từ giã mấy người tốt, đợi ngày mai rời nơi này đi. Vậy mà cũng ở đến hai tuần trên này, trong cái hoàn cảnh kỳ cục, không biết lúc nào được rời đảo, rồi bị ăn cắp đồ vì ngu. Nói chung thì ghét của nào trời cho của đó, nói cho ngay, lênh đênh trên biển chìm tầu, mà trời cho gặp đảo đến mấy lần, lại được lựa với chọn. Cũng may là trong lúc tính chuyện phạm tội là sẽ cướp ghe đò đi tiếp, Cảnh Sát đến ngay đúng lúc, nếu không, cũng không biết chuyện gì không hay sẽ xẩy ra nữa.
.

Sáng hôm sau, họ cho ăn uống xong, chúng tôi và hai người cảnh sát ND lên đò trước, sau đó ít nguời dân trên đảo đi lên như hành khách thông thường. Bên trong, chở thêm những bành cao su khô và dừa khô. Ngồi bên ngoài ghe hồi lâu rồi thì tôi chui vào trong ghe kiếm chỗ nằm chút, thì bị ngộp hơi mùi dầu diesel và mùi dầu dừa, mùi cao su thúi, lại chui ra ngoài tầu, ra phiá sau ói mửa một cái, như bị say sóng, không biết mấy người ND có nhìn thấy buồn cười hay không. Phải ngồi trên mui, ngoài bong tầu cho thoáng gió, không biết làm sao, lại làm rớt chiếc dép cao su, hay đôi dép xuống biển, khi thòng chân ra ngoài tầu. Giờ thì đi chân đất.
.

.

z-td-477-map-natuna.jpg picture by tddesign
.
.



Qua đêm tới sáng hôm sau, thì tầu ghé vào một đảo, có làng xã to lớn hơn, không thấy có xe hơi hay đường xá lớn, thấy có xe gắn máy, Honda. Đó là Đảo Sedanau, nơi đặt quận lỵ của quần đảo lớn Natuna. Có chợ, và phố bên những con đường nhỏ. Mấy người ND xuống tầu, chúngtôi ngồi chờ, hai cảnh sát cũng lên trưóc, rồi quay trở lại dẫn chúng tôi từ bến tầu đi lên con đường chính, hình như tráng xi măng, hai bên là phố chợ buôn bán. mấy đứa đeo túi đi theo sau hai người CS đi trước. Tôi thi đi chân đất. Khi đi qua những tiệm tạp hoá của người Hoa gốc ND, bầy đồ bán lẻ ra ngoài đường, tôi khều người cảnh sát già, chỉ chân đất, làm dấu tay xin đôi dép. Ông cảnh sát vui vẻ ngừng ngay tiệm người Hoa, nói chuyện, thì người chủ kéo ra cho tôi đôi dép cao su loại rẻ tiền nhất, không lấy tiền, rồi còn cho mỗi đứa mấy cái bánh ngọt. Có lẽ người cảnh sát cho biết, chúng tôi là dân Việt Nam trốn chạy cộng sản, mà người ND thì họ thù hằn CS lắm, năm 1965, CS Nam Dương cướp chính quyền, bị thua, người ND giết cả triệu CSND thả xác trôi biển.
.

Sau đó ghé tiệm cà phê kiểu bàn ghế ngoài trời, uống cà phê, trà, và hình như người cảnh sát già trả tiền, không biết có như vậy hay không, hay người Hoa làm chủ, tử tế, thương hại mấy đứa tị nạn, rủ lòng thương làm việc thiện đãi không. Chúng tôi được dẫn vào một căn cứ quân sự Hải Quân, nằm cuối đường từ cầu tầu của chợ, đi thẳng con đường đến, bàn giao xong, hai người cảnh sát, bắt tay chào chia tay. Người trung sĩ CS già rất là vui vẻ, còn nhắn nhỏ, đừng nói gì đến việc đã cho ông ta hai cái phao cấp cứu thổi hơi.
.


Bây giờ thì mọi chuyện bắt đầu bắt đầu trở nên quan trọng hơn, họ dẫn chúng tôi vào bên trong căn cứ, không có sân gì hết, chỉ là khu nhà nằm sát biển bên trong, không rộng rãi như căn cứ của VN hồi xưa, mà chỉ là nhà gỗ cây, cũng là nhà sàn trên biển, hơi chật chội. Ngồi trong căn phòng rộng, không được nhìn ra ngoài rõ, nên không thấy có tầu bè, hay tầu chiến gì hết, không nhìn thấy được toàn bộ căn cứ. Một người sĩ quan đến, mặc đồ xanh lá cây bộ binh, nhìn khắc khổ, lạnh lùng nói được tiếng Anh, giới thiệu là Đại Úy, chỉ huy biệt kích, commando trên đảo, một người mặc đồ quân phục màu ka ki lớn tuổi, mập, nhìn vui vẻ, giới thiệu là Đại Úy Cảnh Sát kiêm Quận Trưởng.
.

Họ bắt đầu nghe câu chuyện vượt biển của chúng tôi xong, hỏi rõ lý lịch mấy đứa, và cư ngụ ở đâu tại VN, khi biết chúng tôi đều từng là sinh viên sống ở Sagon, người Đại Úy commando hỏi tôi có biết số 10 (mấy chục năm rồi không nhớ rõ lắm, nhưng là số nhỏ) đường Trần quốc Toản không. Tôi nói có biết. Người sĩ quan này hay hỏi tôi nhiều hơn, vì biết tôi khai là đã là Kiến trúc Sư tốt nghiệp trên một năm, còn mấy đứa kia còn là Sinh Viên nên ông này cứ coi tôi như là tên cầm đầu.
.

Ông ta hỏi tôi biết gì về số 10 đường Trần quốc Toản SG, tôi trả lời đó là trụ sở của ICCS, toà nhà lớn chừng 4 tầng, sơn mầu trắng, gần cái chùa lớn là Viện Hóa Đạo, và tôi hỏi lại là ông ta có phục vụ trong Ủy Ban Bốn Phương Kiểm Soát Đình Chiến của Hiệp Định Paris 1973, trong phái đoàn quân sự của Indonesia tại Saigon không? . Ông này cười, nói có, và có vẻ có thiện cảm với tôi hơn, có vẻ vui vẻ hơn, tuy nhiên, con mắt nhà tình báo của ông ta lộ rõ ra khi hỏi chuyện, và quan sát ngầm chúng tôi, ngắm nghía đồ trang bị của mấy đứa, cầm từng con dao găm lên quan sát, tuy nhiên chỉ nhìn bên ngoài chứ không khám xét đồ bên trong túi xách hay túi đeo của chúng tôi.
.

Có mấy người sĩ quan và cảnh sát dưới quyền của hai người cầm đầu chính quyền tại đây ghi chép, những lời chúng tôi đối đáp, hay ghi chú gì đó, khi người sĩ quan quay lại nói tiếng Nam Dương với họ. Người quận trưởng chỉ dòm nghó chúng tôi và nghe ngóng thôi, người sỹ quan Đại Úy biệt kích mới là người hỏi cung chính. Bây gìờ tới phiên ông ta nói chuyện.
.


Theo báo cáo của dân địa phương, thì chúng tôi là 4 người từ dưới biển đi lên, không có đàn bà con gái, không con nít, nhìn tướng tá có vẻ lớn con so với người VN trung bình (Boy và PhD chừng 1m75, tôi 1m70, Dao chừng 1m60), nhìn có vẻ được huấn luyện trong một tổ chức nào đó, như có đã trải qua huấn luyện quân sự, biết săn bắn, lặn bắn cá, nói năng đàng hoàng, giỏi tiếng Anh, nói đuợc tiếng Pháp, ba đứa học trường trung học Pháp, biết về thế giới bên ngoài VN nhiều, nói chuyện trả lời bằng tiếng Anh có hệ thống. Ông ta không tin chúng tôi là người tị nạn bình thường. Quan trọng nhất, chúng tôi lên bờ không có ghe, đến một hòn đảo hẻo lánh, xa nhất của Nam Dương, đảo này chỉ có người vào mùa hái dừa mà thôi, không thèm lên đảo có đông dân. Ông ta nói, chúng tôi tránh đảo đầu tiên, Laut, không lên, vì chỗ đó đông dân, lên đảo Semiun vì chỗ đó không dân, đó là có chủ ý đến nơi không người để làm chuyện bí mật. Chúng tôi từ VN qua để hẹn gặp những người địa phương đặc biệt của ND (CSND).
.

.

z-td-477-tmd.jpg picture by tddesign

.

hai tấm hình tôi tự chụp lấy ở Trường Sa năm 1974, chụp mất cái đầu lâu sọ của con vít .. hình như thế này, tướng tá như thế, cho nên người sĩ quan tình báo xứ Indonesia cứ nhất định nói tôi là một sĩ quan hải kích, cứ nhận đi đâu có sao .. không biết lúc đó, sau một tháng trời, dung nhan tôi ra sao, mà họ không tin là người tị nạn ..
.




Ông ta chỉ vào tôi, rồi chỉ vào người ông ta và nói tiếng Anh “you just looked like me ! a commando officer !  very well trained !” . Anh cũng là một người sĩ quan biệt kích như tôi, được huấn luyện rất kỹ … tuổi của anh, trình độ tiếng Anh, tầm vóc, dư sức là một sĩ quan biệt kích trong cuộc chiến VN, mà tất cả các anh khai, chưa bao giờ nhập ngũ, chưa hề tham gia trong chiến tranh VN, tôi chỉ lớn hơn anh vài tuổi thôi. Mà trong chiến tranh VN kinh hoàng như vậy, làm sao các anh lại không phải ở trong quân đội, chưa hề nhập ngũ, chưa hề đi lính Hải Quân mà đi từ VN lái ghe nhỏ đi qua tới được một hòn đảo không người, lên bờ với trang bị còn tốt hơn trang bị của quân đội Nam Dương.

.

Ông ta cầm một sợi dây TAB của chúng tôi mang theo, là dây đeo bụng của quân đội Mỹ, để đeo tất cả trang bị súng đạn nhỏ trên đó, sợi dây này mới nhất, khóa nhựa đen ABS, đưa vào là dính ngay, bấm một cái nó tung ra, lính của tôi, biệt kích còn chưa được trang bị như vậy. Còn xài dây từ đệ nhị thế chiến, có móc bằng đồng. Còn bao phao của anh nữa, nhỏ gọn, với bình hơi nén, chỉ cần kéo tay ra là tự động bơm hơi lên .. mà các anh lại khai là chưa từng đi lính bên nào hết VNCH hay VC .. làm sao tôi có thể tin được. Chưa có ghe thuyền của người tị nạn VN đã đến đây mà là tự làm, tự lái đi lấy, hầu như chỉ là ghe của ngư phủ, rồi họ tổ chức đi tìm tự do mang theo thêm rất nhiều người bằng cách thu tiền, thu vàng, họ sống bằng nghề đi biển, chưa có chuyến đi nào mà ít như vậy, chỉ có bốn người thanh niên không phụ nữ và con nít như các anh, lại không có bằng chứng, đến bằng ghe tầu như thế nào, chỉ từ dưới biển đi vào đêm tối, lên cách VN tới một đại dương, làm sao chúng tôi có thể tin được câu chuyện của các anh, những người chưa hề lái ghe đi biển bao giờ !!!

.

Các anh là gián điệp, do tầu ngầm, không biết của CS hay của Mỹ thả các anh vào bờ biển Nam Dương, nơi có chung biên giới với VN. Là người của CIA, thì gọi về toà đại sứ Mỹ ở Jakarta ngay đi, tôi đưa máy, đưa điện thoại cho gọi, mấy anh đóng kịch làm dân tị nạn, vô trại tị nạn làm gì, gọi CIA ở Jakarta đón mấy anh về đi dưỡng sức sau thời gian dài nằm vùng ở lại ở VN sau 75, giờ đào thoát đi, vô trại tị nạn làm chi cho khổ. Mà các anh cũng là gián điệp của CS, biệt kích CS, tầu ngầm Nga đổ các anh lên bờ để liên lạc với du kích của đảng CS Nam Dương, lên đảo hoang vắng để hẹn gặp thành viên của CS Indonesia địa phương, rồi các anh chuyển vũ khí từ CSVN qua chi viện cho CS Nam Duơng để gây tiếp chiến tranh bành trướng CS quốc tế, nên mấy anh lên đảo hoang vắng để bắt đầu chỗ cất chuyển vũ khi đi bành trướng CS xuống Đông Nam Á. Như vậy thì mấy anh là gián điệp của CS quốc tế, rồi lại tự đi nộp mình cho chúng tôi, đi vô đây làm gì ??? giở trò gì vậy. Dĩ nhiên, bây giờ viêt hồi ký, văn vẻ, xuông xẻ theo ngôn ngữ Việt. Lúc đó thì là tiếng Anh, nói đủ hiểu, của một sĩ quan ND, nhưng ý nghĩa viết xuôi ra tiếng Việt, trơn tru là như vậy … Lúc này tiếng Anh của tôi chắc không bằng như năm thứ nhất, bẩy năm trước khi mới rời trung học, sau bẩy năm học Anh Ngữ.

.

Còn người Đại Úy tình báo này, từng qua VN trong Ủy Ban Đình Chiến của Hiệp Định Paris, thì ông ta phải có đầy đủ khả năng Anh Ngữ để làm nhiệm vụ quốc tế đó. Bây giờ được cử từ trung ương ra đóng quân tại quần đảo này, nơi có chung biên giới biển đường thẳng với VNCS, để phòng thủ chiến tuyến của Indonesia trước nguy cơ xâm lăng của chủ thuyết CS quốc tế, trong nghĩa vụ biến toàn thế giới thành CS, như vậy là quốc phòng Indonesia coi chuyện đóng biệt kích, tình báo ở đây rất là quan trọng. Nên giờ ông sĩ quan tình báo ND này phải quan tâm điều tra chúng tôi hết khả năng thì không có gì lạ. Chứng tỏ là các xứ Đông nam Á chung quanh đang canh chừng và lo sợ VC xâm lấn rất là cẩn thận. Còn tình hình trước khi tôi rời VN là đang có xung đột giữa Khmer Đỏ với VC dọc biên giới, và tình hình giữa VC và Trung Cộng cũng bắt đầu căng thẳng.

.

Hoá ra tình trạng, tình hình bị thẩm vấn gay cấn hơn tôi tưởng, dưới con mắt của họ, chúng tôi là những tên biệt kích biển, hay gọi là Hải Kích rất chuyên nghiệp, cỡ sĩ quan mới có khả năng ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp ??? chuyện nhức đầu, chứ không phải chơi. Chính quyền Indonesia không tin bốn đứa chúng tôi là người tị nạn CS bình thường !  giản dị đi tìm tự do bằng cách tự lái ghe đi lấy !!!
.

Bây giờ thì họ mang đến một ông sĩ quan, cho biết là bác sĩ của quân đội … không biết để làm gì đây ???
.


hết bài thứ mười bốn …. đọc tiếp bài thứ mười lăm …. Tôi bàng hoàng .. Boy cho biết nó có mang theo một tấm hình cầm súng … súng gì ?   tôi nhìn tấm hình mầu rửa ờ Perfect ở Ngô đức Kế ngoài Tự Do … tôi chụp tháng 5, 75, chụp cho nó tay cầm khẩu súng trường CKC của Nga .. mặt Boy cười tươi … hết ý kiến, nó mang theo làm gì vậy … người ta mang giấy tờ bằng cấp quan trọng .. Boy mang theo tấm hình mầu để chứng minh nó là VC ? tay cầm CKC !!!
.
.
by duongtiden . duongtiman
.
.
by duongtiden . duongtiman
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam.
.
.
 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.