copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, November 24, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi.bài thứ bẩy .. anh bán cà rem trước trường tiểu học. By duongtiden.


.
.
.

.
.


Bài thứ bẩy .. anh bán cà rem trước trường tiểu học  .....
.
.

.

.
.

 
.

Trở về với sân trường tiểu học An Lộc, cái trường tỉnh lỵ có sân khá rộng, chia làm hai sân, sân sau ở phía dưới, dẫy nhà phòng học của những lớp nhỏ. Không hiểu tại sao tôi lại gọi là phía dưới, đó là nhìn về hướng bắc, dẫy nhà lớp học thật dài này có nền thấp, chỉ cao hơn mặt sân chừng vài chục cm. Còn tôi thì đứng ở dẫy lớp học cao hơn ở phía nam, khu lớp nhì và lớp nhất ở dẫy phòng học ngắn hơn song song với dẫy phía bắc, thẳng góc với quốc lộ. Từ đầu tỉnh vào theo quốc lộ 13, thì gặp dẫy lớp học này trước, nhà có nền khá cao phải đến trên 40cm, có vài bậc thềm bước lên, đứng từ đó trên hành lang phải coi chừng bước hụt sẽ bị té xuống sân, nhìn về phía trước, cách cả trăm mét, qua hai cái sân rộng mới tới dẫy lớp học mà tôi nói ở trên. Trường có một cổng dưới, coi như cổng chính, rồi phía trên gần lớp tôi học, có thêm một cổng nữa, nhỏ thôi và không xây cột to với bảng tên cao treo bên trên như cái cổng dưới đồ sộ. Có lẽ tôi chỉ nhớ nhiều hơn về khu trên này khi học lớp nhì và lớp nhất nơi dẫy nhà này, còn thì không có chuyện gì cần đi tới tuốt lớp học bên dưới, gần sát ra khu nhà ở nhỏ, còn đi vệ sinh thì ngay sau khu nhà ngang, sau văn phòng trường ở khoảng giữa. Dẫy nhà dọc đường bên kia hướng bắc là khu trường tiểu học Thượng, sau dẫy lớp học hướng bắc có một hàng nhà biệt lập quay mặt ra đường, có vài căn đầu dành cho các thầy dậy trong trường tiểu học cư ngụ. Hãnh diện nhất là làm học trò giỏi, được thầy cho phép cầm chồng tập vở gom lại trong lớp, đi theo mang về nhà cho thầy chấm bài. Chỉ mấy đứa học giỏi mới được ban cho cái đặc ân được bê chồng tập đi theo lẽo đẽo theo thầy về nhà.
.
.
.
z-td-anloc-tieuhoc-0.jpg picture by tddesign-1
.
.
.


Bên cạnh dẫy phòng học lớp nhất về hướng nam là coi như hết ranh của trường tiểu học, có hai căn nhà lùi rất xa từ mặt đường quốc lộ, đối diện bên kia là toà Tỉnh Trường. hai căn nhà này hình như dành cho gia đình sĩ quan ở. Tôi còn nhớ cái sân rộng này mọc đầy cỏ tranh khá cao, từ lớp học, nhìn qua cửa sổ là cái sân rộng này, có lần cỏ khô bị cháy trụi ở cái sân trước. Thiệt là vui, tụi con nít bỏ lớp học vì bị khói xông vào của sổ, con nít túa chạy ra coi, cỏ tranh khô cháy lẹ lắm, tụi tui tha hồ chạy đi kiếm chổi, kiếm cây đi đập tắt đám cỏ cháy này. Chắc có lẽ do người lớn ở bên đó hút thuốc quăng tàn ra cỏ chăng.
.
.
.


Ở lớp Nhất, có học chung với con nhỏ tên Nina, nó đẹp lắm, ở gần nhà, ba nó là sĩ quan Thiết Giáp mới đổi tới mang theo vài chiếc xe bọc sắt, làm trại dưới phía cuối cư xá tôi ở. Gia đình nó lấy miếng đất còn sót lại của cư xá về hướng tây, ba nó cho cất lên cái nhà mái tôn vách cây cho gia đình nó ở. Mang mấy người tù mặc quần áo nâu nhạt từ đề lao là nhà giam của tỉnh cách đó không xa, ngay sau Ty Công Chánh đến làm nhà, mấy người này không bị canh gác gì mấy. Một buổi trưa, tôi đi qua đứng coi, thấy họ thui một con chó, hay con cầy từ sáng rồi ngồi quanh vòng tròn ăn cơm thịt chó, mấy người tù nói tiếng Bắc Kỳ, lũ con nít tui lẩm bẩm, Bắc Kỳ ăn thịt chó (lúc đó tui không biết mình cũng là Bắc Kỳ), bàn nhau, họ là dân làm trong đồn điền, đi theo VC rồi bị nhốt tù chăng. Nina còn có con nhỏ em gái sát tuổi nó. Có lẽ tui cũng từng ngồi chơi bánh đánh đũa với hai đứa này, có trái banh tennis cũ thẩy tưng lên khi trải đũa ra rồi lượm đũa gom lại thật nhanh, có khi cầm bó đũa đánh vào khỷu tay cùi chỏ mấy cái trong khi coi đếm được mấy lần, trò chơi con gái, kèm theo luôn chơi rải ô quan, vẽ khung ra đất, rải hột me. Có lẽ tui thấy sướng tê mê khi chơi chung với con nhỏ Nina này. Chỉ nhớ là nó tóc dài, đẹp. Ngoài ra không nhớ nó ra sao nữa. Còn nhớ thêm là ba nó, đội mũ bê rê đen, đeo súng Colt ngang ngực, hình như là trung úy, chỉ huy mấy cái xe bọc sắt bánh cao su đạn bắn không lủng to tướng. Hỏi ba tui là tại sao ông ta không đeo súng ngang hông, ba nói đứng trong xe thiết giáp, nhô người ra thì đeo súng ngang trên ngực dễ rút ra hơn, đeo ngang hông thì dễ vướng vì trong xe chật chội, nghe rất có lý.
.
.
.
z-td-anloc-tieuhoc-0.jpg picture by tddesign-1
.
.

Mấy đứa trong lớp thì chọc phá nói tui và con Nina chịu nhau, hẹn mặc quần áo có chung mầu, tụi nó chỉ ra là quấn áo hai đứa mặc đều có mầu lẫn lộn giống nhau. Lúc đó đi học không phải mặc đồng phục quần xanh áo trắng, mà chỉ phải mặc đồng phục khi có lễ và được dặn trước thôi. Tui nhìn nó chỉ nhớ nó cười vì lời chọc này, mà không thấy nó nói gì hết. Không nhớ tên thật cô nàng là gì, có lẽ là Na, Ni Na viết rời ra. Lúc tôi về Saigon học, không nhớ là gia đình nó còn ở lại An Lộc hay không, chỉ biết là những khi tôi về Bình Long chơi, hay về mùa hè, không nhớ là tui có đi tìm nó hay không, chắc là quên người đẹp con nít Nina này rồi vì Saigon nhiều thứ vui và lạ hơn. Hay là lúc đó học trung học con trai riêng, không học chung với con gái, nên quên mất chuyện chơi với con gái rồi.


.
.
Chơi với con gái là chỉ để gần con Nina vì thấy khóai thôi khi chung đụng với con gái, còn chơi với mấy đứa con trai cùng lứa trong cư xá là vui nhất, mới đã nhất. Chơi đánh “gồng” có hai khúc cây một ngắn một dài, đào cái lỗ dưới đất, để cây ngăn ngang lỗ rồi dích văng xa bằng cây dài, đứa bên kia lượm cây ngắn quang trả về lỗ, nếu đụng cây dài để bên cạnh là coi như bị lấy lại phiên chơi. Rồi “táng” tung cây nhỏ lên trời đánh văng xa bằng cây dài, rồi “gồng” là để cây nhỏ chổng đầu lên trong khe lỗ dài, đập một đầu cho nó tung lên rồi trong lúc còn ở trên không, đánh trúng cho văng ra xa. Bên thua sẽ bị phạt “u” là nín hơi kêu u u u … chạy dọc suốt khoảng dài được giao ước trước là u mấy táng? Đưá nào “u” đứt hơi là phải ngưng u thở vào là bị táng cho u lại, táng là thẩy cây nhỏ lến, đánh văng ra xa bằng cây dài, rớt xuống đất, lại từ đó táng tiếp. Táng từ nhà tôi ra theo đường trước, táng ba cái là tới hàng rào Tiểu Khu hay Tòa Hành Chánh dễ dàng.
.
.
Ngoài ra là chơi đào lỗ, ném banh tennis, đào một hàng lỗ gần tường, mỗi đứa có một lỗ, thả lăn banh vào đó, vào lỗ của đứa nào thì nó chạy tới lượm banh ném vào lũ còn lại đang phải chạy xa ra né. Đứa nào bị banh ném trúng thì bị phạt, đứng xòe bàn tay lên tường cho mấy đứa khác ném banh tennis vào tay, trúng mặt trên bàn tay nhỏ bé thì khá đau đó, có đứa đau chẩy nước mắt luôn …. Có đứa thương bạn chỉ ném nhe nhẹ thui.
.

.

Thời gian đó, rừng cây cao su còn mọc sát đến đầu tỉnh, tơi ngay gần sân vận động mới dứt, về phía tay phải từ SG lên, rừng cây cao su còn kéo dài đến khu đất đối diện với sân vận động, sau này có Đài Chiến Sĩ ở đây. Lúc tôi ở đó cho tới 1963 thì chưa có đài kỷ niệm này. Trong suốt thời gian bị bao vây ba tháng, 8000 trái đạn rớt xuống trong hai tiếng trên 400 mét vuông của “ba xạo” Phan Nhật Nam viết theo tưởng tượng là có trung bình 20 trái đạn pháo nổ trên một mét vuông, thì đài kỷ niệm này vẫn còn gần nguyên vẹn tượng chiến sĩ đứng cầm súng đi bộ bên trên, chỉ sứt mẻ chung quanh bệ đôi chút. Chỗ này chỉ cách trung tâm hầm chỉ huy của tướng Hưng sư đoàn 5 không tới 200 mét. Thành ra số đạn pháo kích vào thị xã An Lộc, nhất là vào khu trung tâm tòa Tỉnh Trưởng, Tiểu Khu, Chi Khu và bộ chỉ huy sư đoàn 5 không lên tới con số kinh khủng 8000 ngàn trái cao điểm trong một ngày, trong vài giờ, hay 200 ngàn trái đạn trong suốt thời gian bị bao vây ba tháng, con số này quá cao và theo tưởng tượng, vì nhìn hình không ảnh, hình chụp gần sau cuôc chiến, sự đổ vỡ của nhà cửa thì chỉ hư hại mái, còn khung nhà vẫn còn nguyên, trừ một ít căn xây bằng vật liệu nhẹ bị cháy tiêu. Lúc tui ở An Lộc thì chưa thấy có đài chiến sĩ cầm súng đi bộ này.
.
.
.

z-td-anloc-aerialsouth.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

Lớp học tiểu học của tôi cách hầm tướng Hưng 100 mét, nhà tôi cách đó 120 mét theo đường thẳng, sau trận chiến, nhìn không ảnh thấy vẫn còn nguyên, có lẽ chỉ bể mái mà thôi. Chứ mô tả kiểu chưa đặt chân vào An Lộc của Phan Nhật Nam, 20 trái đạn trên một thước vuông, hay kiểu mô tả của VC: đế quốc Mỹ thả bom B52 vào nhà thương BL, nơi đây chỉ cách hầm tưóng Hưng chừng gần 200 mét, thì tất cả thị xã thành bình địa toàn hố bom B52, mỗi cái to bằng cái ao, cách đều nhau, chẳng còn có cái gì đứng vững để sau đó có những phái đoàn bay vào thăm chụp hình như củaTổng Thống VNCH vào đầu tháng 7, của những nhà quân sự nổi tiếng, như Sir Robert Thompson lần lượt sau đó. Hình chụp sau cuộc chiến cho thấy toàn khu phía Nam những  nhà cửa, cơ sở phòng thủ đều còn tường và mái, chỉ một số ít bị cháy rụi. Ngay căn nhà liên kế mà gia đình tôi từng ở, vẫn còn nguyên, dĩ nhiên là sẽ xác xơ với lỗ đạn và bể mái, chứ không tan thành bình địa bởi bom B52 theo tưởng tượng của VC, hay theo bàn đèn thuốc phiện 20 trái đạn trên thước vuông trên 400 mét vuông của Phan Nhật Nam.
.
.
Ngay dẫy phòng học lớp Nhất là sân chính với cột cờ của trường tiểu học, kế sát đó là cổng phụ trên QL13, nơi đây là chỗ bán quà bánh cho con nít chúng tôi. Có hai vợ chồng người bán nước, hình như có cái xe được đẩy tới, rồi cái bàn kê ra mỗi ngày, rồi lại dẹp đi khi tan trường. Hình như cũng có mấy người gánh, hay bê thúng tới bán xôi, bán đồ ăn gì đó. Hai vợ chồng bán nước uống, anh chồng có con dao chặt nước đá, dao hình chữ nhật với hàng răng cưa lớn, cưa vào cục nước đá lấy ra từ cái thùng cây, trong có vỏ trấu và vải bao gạo sợi to mầu vàng để giữ lạnh cho đá cục bớt tan. Anh chồng cứa cục nước đá to, chặt một cái ra cục nhỏ, đổ nước rửa tráng một cái, rồi cho lên cái bàn bào đá, bào đá xuống tô, rồi nhận nước đá vô cái ly, xịt si rô ngọt lên trên, ba mầu, rồi hình như chỉ như vậy, trút tay hay ra giấy đưa cho tụi tui mút chùn chụt đá bào nhận xi rô hay cắn đá ăn. Ngoài ra còn có những thứ linh tinh như chùm ruột ngâm chua ghim vô cây tre dài nhỏ, hay tầm ruột ngâm ngọt thành mứt, kẹo bánh lung tung, hình in thành tấm lớn, mua tấm lớn rồi cắt nhỏ ra để chơi tạt hình, hay chơi “dích” hình, nói chung là những thứ mà con nít hay mê ăn hay mê chơi lắm, bây giờ già rồi nhớ hổng hết nổi những thứ hấp dẫn thời thơ ấu đó. Trước cổng trường này là chỗ bán hàng kiếm sống của một vài người lớn.

.
.

Rồi một hôm ở cái cổng trường tiểu học vùng đất đỏ An Lộc này xuất hiện một nhân vật mới, anh ta đầu trần mặt rám nắng người cao ốm, chân đi đất, tay rung cái chuông kêu keng keng, tay ghì ghi đông, quay cái xe đạp đàn ông, vòng bánh 700, xe cũ kỹ, quay xe ngang qua, chân đứng trên bàn đạp, tay gạt chuông xe đạp kêu kinh kong, đứng yên hồi lâu, xe đạp đứng tại chỗ, anh ta cỗ gắng không chống chân xuống đất mà cứ xoay tay ghi đông, quẹo mình qua lại giữ thăng bằng cho xe và người đứng tại chỗ, không té. Rồi lại quay một vòng, biểu diễn thêm, miệng bắt đầu rao : “cà r e e e m … cà re e e m … câ â ây đây”. Rồi anh ta dưa chân qua khung xe nhón mình nhẩy xuống đất, quay cái xe đạp, đằng sau yên, bọc ba ga là cái thùng bọc sắt tôn, có nắp đậy. Đó là thùng đựng cà rem, có hai lớp, chứa trấu ở giữa và bỏ muối hột, để giữ cho cà rem thỏi khỏi chẩy. Anh ta bán cà rem cây.
.
.
Sự mới lạ được mang đến cổng trường, nhân vật mới, hành động mới, món hàng ăn chơi cũng mới, cà rem cây, mà trước đó chưa có bán ở cổng trường. Anh ta chỉ tới vào giờ ra chơi, tan trường về, và tới buổi trưa trước khi trường mở cửa lại. Khi tới anh ta lại gạt kinh kong cái chuông xe đạp, rung leng keng cái chuông bán cà rem, huýt sáo nhạc thời trang, cua xe đạp biểu diễn, thế là bọn con nít vỗ tay rần rần và dĩ nhiên là anh ta bán cà rem đắt hàng lắm. Vài ngày như vậy, chưa có gì xẩy ra, chỉ thấy hai vợ chồng bán hàng nước đá dòm nghó anh này bằng cử chỉ khó chịu, có khi hắt cả thau nước dơ về phía xe đạp cà rem của anh này.
.
.
Mở nắp thùng kem ra, anh ta lôi ra một cái thớt nhỏ bằng cây, để lên trên thùng, kéo trong thùng ra một thỏi cà rem dài hình chữ nhật chừng hai gang tay, tay cầm con dao, khứa nhẹ, chia đều ra từng thỏi, rồi khứa sâu cắt ra một cục cà rem chừng hai đốt tay, bề kia chừng 5cm, kéo cây tre đã chẻ sẵn vuốt đầu nhọn, cắm vào thỏi kem, đưa cho tên nhóc tì mua cà rem, rồi lại cho thỏi kem chưa bán tiếp trở lại vào thùng cho khỏi bị chẩy, thường là kem đâu xanh mầu xanh lá cây nhạt, kem sầu riêng mầu trắng, hay kem vị sô cô la mầu nâu nhạt. Lúc ở không, anh ta lôi cây tre ra chẻ nhỏ làm cây cắm cà rem, rồi dắt lên hai vành tai. Ở nơi nóng, đầy nắng vùng đất đỏ này, thì kem quả thật là món hấp dẫn số một, và dĩ nhiên hổng có rẻ, không nhớ giá lúc đó là bao nhiêu, tuy nhiên cũng hợp túi tiền của những nhóc tì tiểu học từ năm cắc tới một đồng. Bây giờ nghĩ lại, hai bàn tay anh ta chắc là không sạch rồi có bụi đất đỏ, không biết có chùi rửa không, bốc cắt kem, rồi lại cầm tay ghi đông xe, hay móc cứt mũi, dụi mắt, chưa nói là hỉ mũi, cây tre cắm dắt lỗ tai, thế mà không có ai phàn nàn gì hay biết đó là dơ dáy theo tiêu chuẩn Mỹ ngày nay, kem vẫn ngon, vẫn hấp dẫn. Giờ nghĩ lại thì cái gì lúc đó cũng dơ bẩn hết mà chẳng có nhóc tì con nít nào đau bụng, có lẽ bị cũng không biết nữa. Còn kem cây làm sẵn, bọc giấy hay rời ra như ở SG thì lúc đó không có trên Bình Long xa xôi, chỉ có kem thỏi dài, cắt nhỏ ra, cắm cây tre tùy theo muốn mua cỡ to hay nhỏ.
.
.
Rồi thì một hôm, tôi đứng trên hàng ba cao của lớp học, có hàng cột bên ngoài, nhìn xuống cổng trường ngắm anh bán cà rem. Hai vợ chồng người bán nước đá và đồ linh tinh bắt đầu cãi vã lớn, chửi rủa anh bán cà rem là cướp mất khách con nít của họ, đuổi anh ta đi, vì họ đã dành được chỗ bán ở đây từ lâu rồi. Lời qua tiếng lại gì đó, anh ta không đi vì đang có nhiều nhóc tì mua cà rem. Người chồng lớn tuổi bán nước đá, anh ta ăn mặc sạch sẽ nhìn có vẻ có tiền hơn anh bán cà rem đi chân đất, quần áo bạc dơ. Anh bán nưóc đá, cầm con dao chặt đá tới gần doạ anh cà rem, sau đó chém dọa mấy cái, rồi anh này chém thiệt, anh cà rem đưa tay lên đỡ, máu chẩy ra. Con dao chặt đá là con dao dầy và cùn để cưa chặt đá, nhưng cũng làm tay anh kia chẩy máu.
.
.
Tôi đứng trên này thấy hoa mắt, lợm giọng, thấy muốn nôn ọe, cái cãm giác khó tả, lần đầu tiên trong đời tôi, đứa con nít thấy người ta chém nhau, giành ăn, giành kiếm sống, lồng ngực tui đánh thình thịch, thấy ghê tởm, thấy sao mà cuộc sống có cái bần tiện bẩn thỉu của nó. Anh cà rem, cởi áo ra, bọc cánh tay chẩy máu lại, dựng xe đạp có thùng kem bị ngã xuống đất lên. Nhìn anh ta cố gắng lên yên xe bằng một tay, một cách khó khăn, chậm chạp đạp bỏ đi. Lũ con nít kinh hoàng nhìn theo.
.
.
Sau đó thì tôi cũng chẳng mua đồ của hai vợ chồng bán nước đá nữa, tôi nhìn cái mặt ông chồng cũng chẳng có gì là gian ác, mà vác dao chém người ta, chi vì dành ăn buôn bán. Hôm đó chuyện xẩy ra cho tôi cái cảm giác kỳ lạ, nghĩ về cuộc sống, cho dù mới chín mười tuổi, thấy cái lạ kỳ có phần chán nản. Cho dù tui đã ghiền gẫm nhiều cuốn truyện thuê không mất tiền từ các truyện nghèo khổ của Victor Hugo, Hồ biểu Chánh viết ra “nồi cháo lú” những câu chuyện nghèo khổ cùng cực đau đớn … nhưng khi nhìn thấy người ta chém nhau trước cổng trường con nít học vì dành chỗ kiếm sống, tôi thấy cuộc đời có mầu máu đỏ kinh hoàng chẩy theo cánh tay của anh bán cà rem. Một nhân vật khó tả. Anh ta không trở lại cổng trường nữa, tôi lấy làm lạ, vì mất cái chỗ bán đông nhất, nhiều nhất.

.
.
.
z-td-anloc-embankem.jpg picture by tddesign-1
.
không có hình anh bán cà rem, lúc đó nhỏ quá chưa biết chụp hình, có chắc cũng không có máy hình. Tìm thấy tấm hình em bé bán cà rem này trên trang photo sưu tầm củ PMH KT71. Em bé này quần áo còn lành lặn, áo ca rô, đi chân đất, có lẽ vì thích đi đất, hồi nhỏ tôi cũng vậy. Sau này, sau 75, khi đạp xe tới gần Chơn Thành, tôi thấy nhiều em, không có được cái áo, nếu có thì vá đâynầhững miếng vá chằng chịt. Lúc này thì An Lộc đã có cà rem cây đúng nghĩa là kem được đổ khuôn với cây cầm có sẵn trong đó.
.
.
.


Một hôm đi học về gần trưa, tôi nghe tiếng chuông kinh kong xe đạp quen thuộc phiá sau, quay lại, té ra là anh bán cà rem, anh ta nháy mắt cười với tôi, đạp qua mặt, rồi bất thình lình quay ngược xe lại, ráng đứng trên hai pê đan, bàn đạp xe, tay gồng ghi đông lắc qua lại để giữ thăng bằng, xe đứng yên một chỗ mà chân vẫn hổng đất. Tôi vỗ tay rồi mua kem ăn, hình như anh ta cắt cho tui cục kem bự hơn. Anh ta hỏi tôi ở đây à, tôi gật đầu chỉ vào căn nhà trước mặt trong khu cư xá công chức. Lúc này, cư xá toàn tỉnh chỉ có khu này, và vài nhà rời ở lẻ tẻ những chỗ khác. Năm khối nhà liên kế, trước mặt bịnh viện Bình Long, và bên hông khu Tòa hành Chánh và Tiểu Khu.
.
.

Mấy ngày sau, thì tôi thấy ngày nào anh ta củng đi qua bán lảng vảng bên khu cư xá, không có mấy qúy vị con nít khách hàng, vì phải bận đi học, anh ta thấy tôi đều mời mua kem và gợi chuyện. Tôi thì củng thấy thương hại anh vì bị người ta chém, bây gìờ không dám đến bán trước cổng trường tiểu học nữa. Nhưng không phải lúc nào tôi củng có tiền mua cà rem, nên có lúc không mua, thì anh ta gạ bán không lấy tiền hay cho thiếu. Tôi nói ba má không cho phép làm như vậy. Anh ta gạ chuyện, xin tôi nước uống, đổi lấy cà rem. Tôi trả lời sẽ lấy nước cho anh ta uống, nhưng không lấy cà rem, vì nước có sẵn. Lúc đó, tôi còn nhớ là anh ta có con mắt lanh lắm, đảo qua lại nhìn khắp mọi nơi. Từ đó anh ta hay ghé trước nhà tôi ngồi nghỉ, và xin nước uống.
.
.
Một hôm anh ta hỏi, tôi ở nhà có một mình à, tôi gật đầu, anh ta hỏi ba tôi làm gì, tôi không trả lời, vì tôi thừa biết anh ta dư sức biết ba tôi làm công chức nên mới ở trong này. Rồi bất thình lình anh ta hỏi tiếp, trong nhà có súng không?. Câu hỏi này làm tôi ngạc nhiên, nó chẳng dính líu gì đến chuyện bán cà rem của anh ta. Tuy nhiên tôi cũng nói: ở trong này, nhà nào mà không có súng. Tôi không kể cho ba nghe về chuyện có người hỏi nhà mình có súng không. Chuyện có súng vào lúc đó thì ở thị xã An Lộc này nó là chuyện bình thường. Thị xã có thể cắt ngang làm hay phần, lấy đại lộ Hoàng Hôn làm ranh bắc nam, phía bắc, là toàn khu dân cư, trừ phi trường và đồi Đồng Long, phía Nam toàn căn cứ, cơ sở chính quyền, tiểu khu, thì phần phía Nam thị xã, nhà nào mà không có súng, toàn là cơ sở hành chánh, cư xá công chức, và trại gia binh.

.
.

Thấy dọ hỏi, mà tui cũng chẳng nói gì, sau cũng không thấy anh ta lai vãng bán cà rem trong cư xá nữa. Má lúc này ở Saigon thường xuyên hơn, mỗi tháng lên ở An Lộc một hai ngày gì đó rồi lại đi. Một hôm má lên, chủ nhật ở nhà nấu nướng và ăn uống, nghe chuyện Saigon của má. Ngày hôm sau ba đi làm về cho biết, nhờ má lên nên ngày hôm qua ở nhà mà thoát chết, ba kể hôm qua chủ nhật đáng lẽ đi dự lễ giỗ Đình, Đình nằm ở khu bến xe đi ra bìa tỉnh về hướng tây, đi sâu vào nữa. Ty Công Chánh có làm đường tu bổ lối đi vào Đình, nên họ có mời vài người của Ty Công Chánh đã giúp sửa đường đến ăn mừng lễ cúng Đình cùng với ăn tiệc sau đó. Sau lễ cúng Đình thì đặc công VC ném lựu đạn vào tiệc, có người chết và bị thương. Người ta bắt được tên VC ném lựu đạn, là người đi xe đạp bán cà rem trước Đình. Ba nói có thể đã thấy anh bán cà rem này trong cư xá trước nhà, và có đi bán chung quanh khu nhà ở của công nhân làm việc cho Ty Công Chánh. Ba hỏi tui có biết anh bán cà rem này không, có lần ba nhìn thấy anh này, cao, ốm, đi xe đạp đàn ông bánh 700. Tui im lặng không nói gì hết. Người ta bắt được anh ta tại chỗ vì đúng lúc đó có xe của cảnh sát đến dự lễ, họ đến trễ.
.
.
Thêm một chuyện phức tạp xẩy ra như vậy, làm cho cái đầu óc con nít non nớt của tôi, chín mười tuổi, đã phải làm chứng nhân cho chuyện sống còn của người lớn, của lịch sử kỳ quặc như vậy. Nếu tôi trả lời trong nhà có súng gì với chi tiết đầy đủ thì anh tbán cà rem đã xông vào, lụi cho tui một dao rất im lặng, cướp súng trong nhà đem đi, hay một ngày nào đó, anh ta cũng sẽ quăng một trái lựu đạn vào nhà tôi. Tôi không hình dung được anh ta lại là một đặc công VC, nằm vùng, la cà bán cà rem chung quanh những khu cần được theo dõi. Khi bị chém, thì anh ta dư sức chém lại ông ban nước đá, nhưng lặng lẽ rút đi vì không muốn bị um xùm, cảnh sát đến sẽ có thể bị lộ ra là VC nằm vùng. Giữa người thường và VC có khác gì đâu, ai cũng có thể là VC và cũng không là VC, mọi người đều giống như nhau thôi. Nhìn anh ta bị chém, đưa tay lên đỡ con dao của người bán nước đá, tranh giành vào đồng cắc của tụi con nít nhi đồng, tôi đã thấy nghẹn họng, sững sờ thấm thía chuyện cuộc đời trong thế giới của người lớn. Giờ biết anh ta là tên VC khát máu, nhưng đâu giống như trong hình vẽ tuyên truyền, tay cầm mã tấu chém đầu người, nay thì anh ta cầm lựu đạn ném chết được nhiều người hơn, có mấy người làm đường cho người dân đến Đình dễ dàng hơn, nói chung là những người làm cho chính phủ VNCH, và người dân sống trong chế độ không CS không tự nguyện theo VC là đủ đáng tội chết rồi. Tôi càng hoang mang hơn, cái óc non nớt thấy chán cho sự phức tạp này.
.
.
Tôi không thể hình dung, anh ta không có vẻ gì là tàn ác dữ dằn, chỉ có đôi mắt láo liên quan sát, lúc đó làm người thanh niên kiếm sống bán cà rem trong tỉnh, chắc chẳng ai để ý, thời gian đó còn thái bình, chưa thấy ai bị chận xét giấy quân dịch, hay bị thắc mắc tại sao làm thanh niên mà chưa đi lính, có lẽ lúc đó chưa có chuyện phải đi quân dịch. Lúc anh cà rem bị ông bán nước đá chém, trong thùng cà rem của anh ta đang có trái lựu đạn nào dấu trong đó hay không, chỉ thấy anh ta không chống cự, chỉ bỏ đi với cánh tay đầy máu. Ông bán nước đá chắc không hề biết mình đã lập thành tích chém một tên đặc công VC.
.
.

Chuyện xẩy ra, làm tôi suy nghĩ một thời gian. Tuy nhiên nghĩ tới những người bị ném lựu đạn chết, tôi không hề thắc mắc hỏi han là người ta đã làm gì đối với anh bán cà rem kiêm đặc công VC này, mà theo thời gian lúc đó, phải gọi là tên đặc công VC. Có lẽ sinh nghề thì tử nghiệp thôi. Nghiệp bán cà rem thì chỉ bị dao chặt nước đá chém, còn nghề đặc công thì có vinh có quang, có tử của nó thôi.

.
.
Từ đó trở đi, tôi rất nghét những người tò mò hỏi tôi trong nhà có gì không? Có chứ, có nhiều thứ lắm, những tôi cất kỹ trong óc tôi trong tâm tôi, sẽ không ai biết. Tôi chưa hề kể lại chuyện anh bán cà rem, cũng là đặc công VC giết người cho ba má tui biết, rồi tự quên đi cho tới ngày nay, nghĩ lại, vẫn còn nhớ anh bán cà rem, quần áo giản dị, chỉ một mầu bạc phếch, không nón, chân đất, chuyên biểu diễn xe đạp, cái xe đạp cũ mèm, cái chuông kinh kong trên ghi đông gạt qua gạt lại, cái chuông leng keng lắc trên tay, chuông bán cà rem. Anh ta chuyên chạy xe qua mặt tôi, ròi bất thình lình, đạp ngược pê đan, quay lại, bắt đầu biểu diễn vòng cua xe đạp thật gắt, quay lại, ghìm ghi đông, lắc qua lại, đứng yên trên pê đan hồi lâu rồi mới nhẫy phóc xuống, cười hỏi em ăn cà rem không? . Tôi lắc đầu không có tiền, rồi vô nhà lấy cho anh ta ly nước uống. Bây giờ thì đổi lại: lấy cho tên đặc công VC ly nước uống, để anh ta có sức sau này thẩy cho ba tui một trái lựu đạn, nhưng may mắn, ngày hôm đó má lên chơi, nên tui và ba má nấu cơm ở nhà ăn với nhau, nên ba thoát chết. Cái tuổi thơ của tui trên thị xã An Lộc, có ông bán nước đá chém đặc công VC bán cà rem vì dành mối kiếm ăn của con nít mà không biết. Có tui lấy nước cho đặc công VC uống vài lần, trong khi có hai khẩu súng trong tủ áo, một khẩu tiểu liên nhỏ dành cho tui … vì nó nhỏ tui bắn được, sao mà cái tuổi thơ của tui nó phức tạp như vậy, từ những chuyện mơ mộng thiên đường trong những cuốn truyện thuê miễn phí dưới chợ Cũ, tới chuyện Phong Thần hô phóng phép lên trời, cho tới những xác chết nằm trên băng ca chạy vô bịnh viện BL, cho đến những tiếng cà nông 105 mm dề pa bắn đi, cho tới trái lựu đạn, lần đấu tiên mang xuống dưới suối ném cá để biết thực hành ném lựu đạn ra sao? … An Lộc, Bình Long và tuổi thơ của tôi … của những giọt nước mưa rớt nặng trên mặt tôi khi lớn lên, trên mặt anh Lý uy Thành, trên mặt bạn bè trường Đại Học Kiến Trúc … trên mặt những người dân chạy thoát ra từ An Lộc đang im lặng nhẫn nại đứng xếp hàng dài ở Làng Cô Nhi Long Thành để nhận từng phần đồ cứu trợ … xa lắm rồi, nhưng lại đang trở về trong tôi, rất gần trong tầm mắt.

.
.
.

Anh bán cà rem bị chém trước cổng trường Tiểu Học An Lộc, cũng là tên đặc công VC ném lựu đạn giết người trong lễ Đình, anh còn sống không, hay đã chết trẻ, tử trận … hay đã chết gìa, còn hai vợ chồng người bán nước đá, còn ham chém ai sau đó nữa không vì tham kiếm tiền … cái xã hội thời chín mười tuổi của tôi ở An Lộc là như vậy. Nếu biết anh bán cà rem là đặc công VC, từng đứng trước cửa nhà tui xin nước uống, tui có vào trong nhà mở tủ áo, lấy khẩu tiểu liên ra, chơi cho anh ta một băng, cho xứng với trái lựu đạn của tên VC ném tới hay không? một khoảnh khắc trong cuộc đời chúng ta đã gặp nhau, tương giao, may mắn hơn, bên những cây cà rem trả tiền sòng phẳng, những ly nước được cám ơn đầy đủ …!!! bằng tiếng Việt Nam đầy đủ tình đứa con nít trong đó. Giết nhau chi, chỉ vì chủ nghĩa của những lũ da trắng rác rưởi bẩn thỉu mũi lõ. White Trash. Không có thằng da trắng nào tử tế cả, kể cả những thằng không có khả năng đến chiếm được đất VN vì nó nghèo quá bận đi lên thiên đường CS, hay bị những thằng da trắng khác đã nhanh chân đến trước dành chỗ thuộc địa mất rồi.
.
.
z-td-anloc-tieuhoc-0.jpg picture by tddesign-1
.
khẩu tiên liên bắn đạn colt 45, trong tủ áo nhà tôi.
.

.

.

.
.
.

Thương cho An Lộc những ngày thơ ấu của tôi … Sau này tôi ở Mỹ, nghe các bác lớn, hãnh diện tâm sự:
.
“Bác phải mua nhà ở Richardson, vì khu vực này trường học tốt nhất, hy vọng các em sẽ lên đại học hết”
.
.


Tôi trả lời thầm, tôi đây, hãnh diện tốt nghiệp trường tiểu học An Lộc nè, có sao đâu? chưa biết một chữ tiếng Anh lúc đó, nói vậy chữ cũng có ít chữ dắt túi rồi. Tôi cũng biết tự mang mình qua đây, cũng đã tốt nghiệp graduate school của đại học Mỹ nè, có sao đâu. Thương ơi là thương cái trường tiểu học An Lộc nhỏ bé của tôi ngày nào, qua 8000 trái đạn trong hai tiếng tưởng tượng của nhà văn nổi tiếng mà nó vẫn còn tường còn mái … vì nó quá rộng hơn 400 mét vuông, VC không đủ đạn bắn tới, nhưng giờ thì nó hoàn toàn không còn nữa. Sau chiến tranh, sau chiến thắng, người ta đã xoá bỏ trường Tiểu Học An Lộc của con nít tôi rồi.
.
.
.

Gìờ thì trên quốc lộ 13 trước trường cũ, đang nhắm mắt lại thì tôi thấy anh bán cà rem miệng huýt sáo, chân đất đạp xe, quay vòng bánh đứng yên trên pê đan bàn đạp biểu diễn, rồi anh nhẩy xuống, vui vẻ khoác tay ông bán nước đá, hai người thân mật ôm nhau nhẩy đồ la mi son rê gì với vòng tay thân ái, còn tôi thì ngồi bên kia đường, trên lề Tiểu Khu, đưa máy hình chụp những ngôi nhà hai ba tầng kiểu cọ mầu sắc đậm cải lương cái gì cũng có, mới mọc khít nhau dọc quốc lộ, nay đã che mất, đã đẩy xa khu trường Tiểu Học An Lộc thời ấu thơ của tôi ra phía sau đi mất vào dĩ vãng, xa xăm lắm rồi. Có thằng con ông Toản hay Toán gì đó, tỉnh trưởng Bình Long, nó đi học bằng xe Volkwagen có tài xế chở, nó xuống xe vào cổng sau, đi qua cây phượng đỏ, nó vẫy tay rất lễ phép chào tôi.
.
.
.
z-td-anloc-tieuhoc-0.jpg picture by tddesign-1
.
.
.

Mỗi buổi trưa tỉnh lẻ mang một mầu bụi đỏ, của tiếng hát vọng cổ bài “trái gùi Bến Cát” trong chương trình vọng cổ lúc 11 gìớ sáng của đài phát thanh Saigon, vào lúc tan trường về nhà đợi ba về ăn cơm mà tôi hay nghe. Ứa nước mắt cho chuyện đứa nhỏ mất mẹ, mẹ nó đi buôn bán trên chuyến xe lửa SG Lộc Ninh, té rớt xuống đường rầy xe lửa cán chết trong khi ráng mua những trái gùi về làm qùa cho con ăn. Thằng nhỏ đứng hoài đợi má ở nhà ga … má nó không bao giờ về nữa. Có lẽ má nó là vợ anh bán cà rem, cũng là đặc công giao liên VC trên đường xe lửa Saigon Lộc Ninh hay chăng?. hơn năm chục năm sau, viết nhớ lại những giòng này, cũng có một giọt nước mắt ứa ra từ hơn nửa vòng trái đất, trên nửa đời người rồi ...
.
.

.
.




by duongtiden, duongtiman, an loc binh long va toi, truong tieu hoc an loc. duongtiden, duongtiman, an loc binh long va toi ... mot truyen dai. An Lộc, Bình Long và tôi, bài 6 tiếp tục. By duongtiden. An Lộc, Bình Long và tôi.bài thứ bẩy .. anh bán cà rem trước trường tiểu học. By duongtiden.
.
.


.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.