copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Friday, November 23, 2012

An Lộc, Bình Long và tôi, bài 6 tiếp tục. By duongtiden.





.
.

.
Cái thời gian đầu ở Bình Long, năm tôi học lớp nhì, lớp nhất, cho đến bây giờ, một nửa thế kỷ sau, vẫn là thời gian tôi cảm thấy thích thú nhất và nó đã ít nhiều gì làm ra con người tôi khi trưởng thành. Cuối tuần qua tôi đi San Jose ở bắc California, gặp lại anh Lý uy Thành, học trên tôi một lớp KT69, từ miền đông bay qua dự đại hội. Cho dù tôi rời An Lộc cuối năm lớp nhất, chắc chừng 10 tuổi, nhưng trí nhớ của tôi còn kéo dài trở về tận những ngày học mẫu giáo ở Bà Rịa mà tôi tự đi học tự đi về, không cần ai biết tôi học hành ra sau. Đến ngày hôm nay, nói chuyện với Thành, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa, năm 1972, khi trận chiến mùa hè xẩy ra ở An Lộc thì sinh viên trường Đại Học Kiến Trúc có tổ chức cứu trợ đồng bào chạy thoát ra từ An Lộc về tới Saigon, họ có một số được cho ở tạm bên trường tiểu học Thị Nghè. Sinh viên chúng tôi qua đó thăm hỏi và dọn dẹp vệ sinh cho họ, thấy những người lớn, thanh niên còn mạnh khỏe, ngồi hút thuốc, xả rác ra đầy chung quanh, chính họ không tự dọn dẹp lấy, nước thải ra dơ đầy chung quanh, chúng tôi đi hốt rác cho họ và lấy xẻng đào rãnh cho thoát nước, trong khi những thanh niên khỏe mạnh ngồi co giò trên ghế kiểu nước lụt và hút thuốc lá.

.
.
Sau ngày hôm đó trở về, ban đại diện SV, quyết định không đi cứu trợ kiểu đó nữa, là kiểu dọn dẹp hầu hạ trong khi chính họ không tự cứu lấy họ, tự ăn ở cho có sạch sẽ hơn, chuyện sống chết đã qua là chuyện đã qua, không bám lấy đó mà ngồi không xả rác bừa bãi. Chúng tôi không làm cái chuyện hầu hạ cho người lớn nữa. Ban đại diện quyết định tổ chức một buổi văn nghệ ở rạp Thống Nhât, đi mời những ca sĩ nổi tiếng của Saigon, họ bằng lòng hát miễn phí làm từ thiện, ban đại diện cử người đi bán vé khắp SG. Không hiểu làm sao, có bàn tay bí mật nào hổ trợ phía sau, nên số vé bán ra cũng khá. Hôm trình diễn, khán giả cũng ngồi đầy rạp.
.
.
z-td-anloc-lyuythanh.jpg picture by tddesign
.
trong hình có Lý uy Thành và Ng chí Thành, trong những người tích cực tổ chức cứu trợ đồng bào tị nạn An Lôc.
.
.
Lý uy Thành là người Việt gốc Hoa, ngày hôm đó anh mặc quần áo sang trọng lấy xe Mercedes của gia đình đón đưa tận nhà các ca sĩ nổi tiếng hát miễn phí cho buổi văn nghệ quyên tiền giúp nạn nhân chiến tranh ở An Lộc. Qua những ngày hôm sau thì anh lấy xe Volkwagen thùng của gia đình và quần áo bình thường chở chúng tôi đi lục xông xáo trong Chợ Lớn, tìm mua những nồi niêu xong chảo, đồ nhựa nấu bếp, xô nước, tương chao xì dầu, đến những chỗ nào không phải là nơi bang hội nói cùng thứ tiếng của anh, thì lại về trường kiếm anh sinh viên người gốc Hoa khác biết nói tiếng của bang hội đó đi theo để có thể mua đồ cứu trợ được giá rẻ hơn, để mua được nhiều hơn đồ cứu trợ cho dân tị nạn An Lộc, lúc này đã được đưa lên tạm trú ở làng cô nhi Long Thành.
.
.
Xin được vài chiếc xe GMC, chở đầy đồ cứu trợ, thực phẩm, đồ nhựa cho chuyện nấu ăn, cơm nước, chúng tôi đi lên Làng Cô Nhi Long Thành, nơi tạm trú cho một số đồng bào nạn nhân chiến tranh từ An Lộc, trời mưa tầm tã, tất cả mọi người đều vui mừng kiên nhẫn đứng suốt dưới cơn mưa, nhất là tôi, một đứa con nít từng ở An Lộc, nay được trao từng món qùa nhỏ đến tận tay những người cùng ở An Lộc ngày xưa. Rất là trật tự, mọi người xếp hàng dưới trời mưa nhận đồ, chúng tôi và đồng bào tất cả đều ướt nhẹp, có áo mưa cũng không mặc cho cùng ướt chung, chia xẻ mà.
.
.
Sau đó rồi thì anh Thành và các bạn khác trong trường chuẩn bị nhập ngũ, vì sau mùa hè đỏ lửa, tuổi hoãn dịch cho sinh viên đại học bị giảm xuống để lấy thêm quân số, anh Thành phải gia nhập quân đội, ngưng ngang chuyện học. Tôi lên năm thứ tư, thi bê tông, tôi cố tình thi rớt để được ngồi lại lớp, vì tôi dư tới ba tuổi hõan dịch, sau mùa hè 72, bị cắt bớt một vẫn còn dư hai tuổi, nên tôi phải ngồi lại lớp chứ không học đúng năm, ra trường sớm sẽ phải nhập ngũ. Lúc đó anh Thành là sĩ quan Công Binh, đồn trú ở Qui Nhơn hay Nha Trang gì đó, anh xin đi phép về trường thi môn bê tông cốt sắt năm thứ tư cùng với lớp tôi. Thầy Phạm minh Cảnh lấy bài giỏi nhất của anh Thành ra khen khi thi vấn đáp, và sỉ vả những tên thi rớt như tôi, bài dở nhất. Đó là anh người Việt gốc Hoa, Lý uy Thành, tôi mới biết gia đình anh làm ăn giầu có tới mức nào, khi đi chung với anh lo chuyện cứu trợ đồng bào An Lộc bằng phương tiện xe cộ riêng của gia đình anh, và tài lái xe hơi. Một người Việt yêu nước VNCH còn hơn nhiều những bạn bè khác của tôi. Trong khi gia đình anh rất giầu có, học chương trình Pháp, rất dễ dàng đi du học, thay vì chọn học ĐH tại Saigon, và sau cùng thì nhập ngũ như mọi người Việt khác.
.
.
Năm đó tôi chuẩn bị thi rớt cuối năm để ngồi lại lớp, tính ngồi hai lần, năm thứ tư rồi năm thứ năm hay thứ sáu cho hết tuổi được hoãn dịch, chọn môn bê tông để ngồi lại, vì môn này tôi không sợ. Thi cuối năm chỉ được có 8.5 điểm, dưới 10, là bị rớt, thi khóa hai rồi mà vẫn rớt như vậy là ngồi lại lớp. Chẳng may, còn có tên Đặng đăng Đẳng cùng lớp KT70, thi làm sao mà môn này chỉ được có 7.5 điểm, trong khi vừa khít tuổi hoãn dịch, rớt môn bê tông là đi lính, hết được hoãn dịch cho năm tới, phải nhập ngũ. Cả lớp thương hại Đẳng, nên xúm nhau lại viết đơn, đồng ký tên xin thầy Cảnh nâng điểm lên lên 9, coi như đậu vớt để khỏi phải đi lính, tôi còn được nhiều điểm hơn Đẳng, nên vớt tên này, điểm tôi cũng được tăng lên. Tôi không chịu, vì muốn rớt, nên Đẳng lại năn nỉ tui cùng xin nâng điểm, cả lớp đến nhà thầy Cảnh ở góc Vườn Chuối và Phan thanh Giản năn nỉ. Cuối cùng thương hại không muốn Đẳng phải đi lính, thầy cho thêm 1.5 điểm, Đẳng và tôi được đậu vớt. Tui bực mình, Đẳng thì coi như được trúng giấy hoãn dịch đáng giá mấy trăm ngàn, sau này không biết có kể công trạng này cho cách mạng hay không, chứ lúc hắn làm đoàn viên đội nón tai bèo dép râu đứng trước văn phòng trường nhìn anh em thì hách dịch lắm … nhưng những ngày nằm ở Galang chầu chực đi … chắc hết oai quyền.
.
.
(năm rồi, có dịp nói chuyện với đồng chí 3Đ Đặng đăng Đẳng, về chuyện rớt môn thi bê tông của thầy Cảnh, thì không phải là Đẳng và là Bùi quang Tân KT70, tục danh là Tân Toillete, và coi kỹ năm sinh của Đẳng thì vẫn còn tuổi để được hoãn dịch. Sẽ sửa lại đọan này, nhưng vẫn để như vậy, chĩ chú thích viết thêm. Nếu có dịp gặp Bùi quang Tân ở VN, tôi sẽ hỏi lại chuyện này. Có lời xin lỗi bạn Đẳng, tôi cứ để nguyên bài như khi viết đầu tiên, vì có người đã đọc rồi. Như vậy là Bùi quang Tân... Tân Toillette, mà cả lớp phải đi xin thẩy Cảnh cho Tân thêm điểm, nếu không sẽ bị đi lính vì thi rớt cuối năm thứ 4. Vẫn còn 1% là sai, không phải BQ Tân, nhưng cứ để như vậy, ghi chú thêm ngày 30 tháng 8, 2011)
.
.
Té ra cũng bất công, anh Lý uy Thành học giỏi, chẳng may chỉ vì đã lớn tuổi khi vào trường, nên phải nhập ngũ, đóng đơn vị ở xa, vẫn lặn lội xin đi phép về trường thi bê tông, còn tên (Tân ?) rong chơi tại SG học hành như thế nào, giờ phải năn nỉ xin vớt điểm, có lẽ nên để (Tân?) nhập ngũ, để anh Thành học hành tiếp cho khỏi uổng chỗ học miễn phí …. rồi lại làm hư kế hoạch muốn thi rớt của tôi. Thế rồi giòng đời trôi chẩy, tuần rồi tôi gặp anh Lý uy Thành họp bạn KT ở San Jose, chúng tôi giờ đều ở Mỹ, để kể lại những ngày xưa học Kiến Trúc, tổ chức cứu nạn đồng bào An Lộc mấy chục năm trước, giờ lại nửa vòng trái đất … xa lắm rồi, chỉ còn trong kỷ niệm.
.
.
Kỷ niệm thì khi qua năm sau, năm thứ năm tôi nộp bài thi môn bê tông năm thứ sáu trước cho thầy Cảnh, thầy hỏi tại sau giờ lại siêng năng dữ vậy, tôi cười, dạ muốn thi rớt cũng không được, nên bây giờ đổi cách, tôi sẽ cố gắng ra trường sớm hơn. Rồi tôi đến nhà thầy lần cuối cùng, trình bài tính bê tông cái vận động trường, bài ra trường tốt nghiệp chương trình học sáu năm ra KTS của tôi. Thầy chỉ hỏi nhỏ, ông anh KTS ra trường trước của tôi đi du học giờ đang ở đâu, rồi tôi có tính gì nữa sau khi trình đồ án hay không. Một người thầy khả kính. Sau này khi qua Mỹ, tôi học lại thêm hai năm bê tông nữa và làm teaching assistant cho môn structure III ở University of Oregon. Một đúa con nít từng học trường tiểu học An Lộc mà, phải làm cho Mỹ nể, từng được phần thường suốt mấy năm tiểu học ở đó mà lười biếng … giống như Đặng đăng Đẳng .. xin lỗi nhe … đâu có được.
.
 
.
Cho nên cho dù tôi rời An Lộc vào lúc chỉ 10 tuổi, nhưng AL, BL luôn đi theo tôi, luôn được tôi theo dõi, những gì xẩy ra cho An Lộc sau đó đều được tôi háo hức tìm hiểu, và ba tôi vẫn còn làm việc trên đó vào năm 67 cho đến khi bị thương nặng, được tải thương về SG. Cuối tuần trước, ở trên đất Mỹ này, tôi gặp lại anh Thành, sau 75, sau 35 năm hơn, chúng tôi nhắc lại buổi trời mưa, anh và tôi đứng dưới mưa trao tình thương, trao những cứu trợ nhỏ nhoi đến đồng bào tị nạn An Lộc, Bình Long, năm 1972, ba mươi tám năm trước. Nay nửa vòng trái đất, hay người bạn xưa lại nhắc đến hai chữ An Lộc, Bình Long. Tôi xin cám ơn anh Thành lần nữa, lời cám ơn của những người từng sống sót qua cuộc chiến thảm khốc mùa hè 72 này, những người từng sống ở An Lộc như tôi.
.
.
Tôi về SG đi học, nhưng hè là lại được lên An Lộc chơi cho rộng rãi tay chân, mùa hè ờ An Lộc thì vui lắm, cứ thế mà đi chơi, chẳng bị ai dòm ngó, và ba tôi rất dễ, lại đi làm ban ngày. Nhưng ngày vui qua mau, đến cuối năm 64, hay đầu năm 65, qua một biến cố nhỏ, tôi không được về lại nơi này nữa, mà chỉ nghe qua những câu chuyện má kể lại những chuyến đi về BL mà tháng nào bà cũng đi. Tôi sẽ kể đến cái biến cố đó ở phần sau.
.
.
Sau cái biến cố, bị mang trả phần thưởng lúc học lớp năm, tôi không còn bị gia đình nghi ngờ về khả năng học hành nữa, khi về SG học, vẫn lãnh phần thưởng tiếp, nên khi trở về BL học lại, nhất là ba tôi thì ông chẳng thèm dòm nghó đến tui học hành ra sao, còn tôi thì dòm nghó hết các sách vở trong nhà, có bộ Tam quốc Chí, Phong Thần, tui ghiền ráo và thích đọc sách nữa, các tạp chí Văn Hóa Ngày Nay gì đó của Nhất Linh tôi cũng ghiền ráo, truyện dài viết liên tục Xóm Cầu Mới với cô Mùi mắt toét, với thằng nhỏ gì làm công bán hàng cho cô Mùi, tôi cũng mê luôn, rồi bộ sách in nhiều tập nhỏ, Bá Tước Kích Tôn Sơn, dịch ra tiếng Việt, kể chuyện đi thuyền buôn bán, cướp tầu trong vùng biển Địa Trung Hải. Hết truyện rồi thì yêu cầu má đọc truyện trong Sellection là bản dịch tiếng Pháp của Reader Digest ra tiếng Việt cho tui nghe, má khoái nhất là chuyện của John Kennedy tổng thống Mỹ đánh bại Nixon bàng những ly trà của bà Jacqueline, chuyện ông Kennedy, đấm gục binh sĩ của ông trên biển để cứu người này thoát chết đuối vì anh ta cứ bám loạn vào ông này, sợ chết đuối chung vì không bơi được nên phải đấm anh này gục, rồi kéo theo, trong câu chuyện kể lúc TT trẻ này làm hạm trưởng chiếc PB ở Thái bình Dương bị Nhật đánh chìm. Rồi đến câu chuyện đắm ca nô ngoài biển, ông khác lấy dầu máy bôi khắp người để có thể chịu lạnh ngâm trong nước biển được lâu hơn, chờ được cứu.
 

Đọc hết sách trong nhà rồi, thì An Lộc chẳng có gì hấp dẫn, cái thị trấn buồn tênh, không có được cái rạp hát nữa, không như Bà Rịa còn được coi xi nê ma góc ngã ba đi Long Hải hay Vũng Tầu hát phim Ấn Độ, khóc mùi mẫn. Nhất là những cơn mưa rừng tràn đến, ngồi bó gối trong nhà nhìn qua cửa sổ, buồn lắm, mưa to xong cũng chẳng ham ra ngoài chơi vì mưa làm bùn đất đỏ nhão ra, đất dính chặt vào chân vào người, hết ham. May thay cả tỉnh còn có cái tiệm sách đầu chợ Cũ, ngay góc chợ với QL13, ba cũng hay ra đây mua sách báo, đi ra đó mới biết là có cho thuê truyện, những quyển sách bọc giấy dầu mầu nâu nhạt, đúng ra là đóng bìa loại giấy này luôn, rồi đóng dấu có số, xếp hành dài trên kệ sách, hỏi ba mới biết đó là sách cho thuê, hình như giá là năm cắc hay 1 đồng một tuần lễ. Tuì đòi ba mướn cho một cuốn về đọc.
.
.
z-td-anloc-chocu-tiemsach.jpg picture by tddesign
.
.

z-td-anloc-aerial73s.jpg picture by tddesign
.
.
Ông chủ tiệm sách hình như cũng có dậy học trong trường Trung Học tỉnh. Biết nhau hết nên ông ta không lấy tiền thế chân, còn trả tiền ra sao thì hình như ghi đó, rồi Ba ghé qua trả sau, tôi cứ việc tự chọn sách đọc, rồi mang trả, lấy quyển khác. Tôi có tật hay tưởng tượng nghĩ vẩn vơ, và rất thích đọc truyện, tuy nhiên cuốn sách nào mà không thích thì bỏ liền hay đọc mà không nhớ nữa, còn quyển nào thích thì đọc miệt mài cho đến hết mới thôi. Khi trả sách nhanh, ông chủ tiệm có hỏi tôi là thật sự có đọc thiệt không, hay chỉ mượn chơi thôi, vì lúc đó mới chín mười tuổi, tôi có lẽ là khách hàng nhỏ nhất của ông. Tôi trả lời là thật sự có đọc hết sách chứ.
.
.

 z-td-anloc-tramxangshell.jpg picture by tddesign
.
.

z-td-anloc-tiemsach-now.jpg picture by tddesign
.
.

Ông ta cầm cuốn sách tôi vừa thuê trả lại, lật lật coi rồi hỏi: vậy chứ kể chuyện trong sách cho ông nghe đi, đó là cuốn sách dịch: “Hai ngàn dặm dưới đáy biển” sách nói về chiếc tầu ngầm Nautilus đi xuyên đáy biển dưới Bắc Cực. Thấy tôi đọc sách hết và nhớ và đọc nhanh nữa, ông rất thích và tuyên bố: tôi cứ tự do lấy sách về đọc, tha hồ, ông ta không lấy tiền, cứ mang sách đọc rồi trả lại lấy quyển mới, vì tiền bạc không đáng bao nhiêu, và ông ta biết ba má tui nữa. Tôi về kể lại cho Ba biết để ba cám ơn ông ta.
.
.

z-td-anloc-chocu-now1.jpg picture by tddesign
.
.

Cứ thế mà tôi không biết đã đọc biết bao nhiêu cuốn sách, truyện cho thuê trong tiệm sách đó, thật là thoải mái trong những ngày hè, chẳng phải làm gì cả, mới chín mười tuổi mà, vậy chứ nhóm bếp củi, bếp than, nấu nước sôi rành lắm, rồi cứ thế, lạnh thì quấn chăn trong giường đọc truyện, nóng thì leo nóc nhà bếp, ngồi dựa ống khói hóng gió mà đọc truyện. Truyện người lớn, người nhỏ gì, truyện khiêu dâm gì cũng đọc tuốt, ông chủ tiệm chẳng để ý tôi đọc cái gì nữa, miễn đừng làm mất sách thôi. Giờ thì dở quá, không nhớ tên, hay nhớ ông ra sao nữa để gửi lời cám ơn, người cũng kỳ lạ và rộng rãi, hào hiệp cho tôi đọc sách miễn phí.
.
.
Cái tỉnh lỵ miền đông Nam Phần đó chẳng có gì lạ, cứ êm đềm, tuy nhiên sau 60, chiến tranh đã bò về từ từ, rải truyền đơn trong đồn điền, ám sát, cắt đầu các viên chức làng xã ở xa cũng lan tin về tỉnh, bên toà hành chánh làm hàng rào kín hết, đổi thành tiểu khu, xây thêm kho gạo bên trong, chứa gạo phòng thủ, kéo thêm cả đại bác 105 ly về trong đó, đêm tối thỉnh thoảng bắn đi làm tôi ăn cơm, nghe đại bác nổ rớt cả chén cơm, tính theo đường thẳng thì vị trí khẩu đại bác và nơi tôi ngồi ăn cơm không tới 100m.
.
.
.
z-td-anloc-h34chopper.jpg picture by tddesign
.
 
Sân vận động gần nhà, đối diện toà hành chánh, đôi khi trở thành bãi đáp trực thăng, đổ quân xuống hay tải thương đi, trực thăng lúc đó là loại mập ú, cái đầu cao, có bánh xe, phi công ngồi tuốt trên cao, H34, hay loại trực thăng hai đầu cánh quạt, thân cong ở giữa. Có lần ra coi mấy người lính bị thương, chờ trực thăng tới, mấy anh nằm rên hừ hừ trên băng ca, khi thấy trực thăng đến thì mấy người lính bị thương này tự ngồi dậy đi thẳng tới máy bay không cần ai giúp đỡ, có anh còn mất bàn tay, băng trắng, đeo khung sắt cong đỡ cánh tay, anh tay tự ngồi dậy ra thẳng máy bay, không cần ai giúp đỡ. Đại bác thả xuống, bắn ình ình mấy ngày, rồi lại câu đi, lại trả sự yên lặng về cho sân vận động.

 

Mỗi lần đến quốc khánh 26 tháng 10, sân vận động lại rộn rịp, đi diễn hành, lũ con nít tiểu học như tui, lại giầy vải thoa kem trắng, mặc quần sọc xanh dương đậm, áo sơ mi trắng, đi diễn hành, đều chân đánh tay cao, cũng được một đội như vậy, đại diện trường tiểu học. Má tui cao trên 1m64, nên tui cũng lây được cái cao lớn hồi nhỏ, lại đen đúa, nên diễn hành là được chọn ngay. Rồi văn nghệ, khán đài sân vận động được bọc lá dừa theo các chân cột, lên cao thì bẻ cong vòng cung lại, mấy người mặc đồng phục Thanh Niên Cộng Hòa, mầu xanh đậm, đàn ông độ bê rê, phụ nữ thì đội nón xanh rộng vành, thi đua văn nghệ. Có một nhóm không biết ở đâu, đưa ra một chú nhỏ đánh trống, bằng cỡ tui, ngồi chính giữa đánh đệm cho ban nhạc của họ, làm tui phục lăn ra. Kể ra giỏi thiệt, chơi nguyên dàn trống.

.

Rồi đường bộ chung quanh đường vô các đồn điền Pháp bị mất an ninh, mỗi tháng, sân vận động được lính Bảo An vây kín quanh lại, mấy thước đứng một người cầm súng, rồi chiếc máy bay Cessna một chong chóng bay vòng vòng qua lạng thấp xuống, trên đó đá xuống vài vali, bên dưới lấy cho lên xe chở đi, rồi giải tán, người ta nói đó là máy bay của đồn điền Pháp, từ SG bay lên, đá vali tiền xuống để trả lương cho công nhân. Tui có nghe ba tui lẩm bẩm với má: tụi nó đá vali thuốc phiện bay từ Lào hay Cam Bốt về. Lúc đó vẫn còn thấy những chuyến xe hàng dài, kéo theo rờ mọc là hai đốt xe, bọc vải kín chạy từ Snoul về qua Lộc Ninh hay ngược lại.

.
.
.
z-td-anloc-airconrong.jpg picture by tddesign
.
.
.

 z-td-anloc-tantruong-72.jpg picture by tddesign
.
.

Chiến tranh tăng dần, có lần họ đến sân trường tiểu học phía dưới các lớp thấp, căng lều to, rồi khám sức khỏe tại chỗ cho nhiều người, đó là cuộc tuyển mộ những người đi lính Bảo An, lính địa phương. Xong một ngày thì quân đội lại gỡ lều cất đi, trả sân trường tiểu học lại. Có lẽ sau sân vận động ra, trường tiểu học là nơi có sân trống rộng nhất. Có tới mấy sân. Sân chính nhỏ, là nơi chào cờ, ngay trước dẫy lớp nhì lớp nhất tôi học, sát đó là sân trồng trọt gọi là Học Đường Viên, mấy đứa dưới chợ, trong Xa Cam khi đi học mang theo mấy bó thân khoai mì chặt ngắn, tụi tui có xẻng cuốc, đánh luống, rồi tưới nước, học cách trồng khoai mì, rồi cây cũng cao tới đầu người, nhổ lên là có củ mì bên dưới. Đối với mấy đứa sống trong vườn hay chung quanh tỉnh thì thấy bình thường, còn tụi nhỏ sống trong tỉnh, hay trong cư xá thì qủa là vui thích thấy cây khoai mì mọc và ra củ như thế nào, một bài học thực tế. Khi về SG, tui mới thấy tụi học tiều học trong đây, ngày học mấy ca, không biết cục đất là gì nữa, nói chi sớ và thấy cây khoai mì mọc như thế nào.
.
.
.
z-td-anloc-map72.jpg picture by tddesign
.
.

.

 z-td-anloc-nhatoingayxua.jpg picture by tddesign
.
.
còn tiếp .
by duongtiden


duongtiden, duongtiman, an loc binh long va toi ... mot truyen dai. An Lộc, Bình Long và tôi, bài 6 tiếp tục. By duongtiden.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.