copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Thursday, November 15, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ 21 tiếp theo . The July 4th Boat, part 21, by duongtiden.

.

.

.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ hai mươi mốt tiếp theo . by duongtiden.
.
.
.

Tôi đến trại tị nạn Batu 6, đầu tuần thứ nhì của tháng tám năm 77, đến cuối tháng một năm 78, thì rời Tangjung Pinang, bằng máy bay về Jakarta, thủ đô của xứ Nam Dương, đợi thủ tục sức khỏe và vé máy bay đi Mỹ. Lên đường bay tới Hồng Kông, qua Tokyo, rồi đến Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii vào ngày 14 tháng hai năm 78, ngày Valentine day.
.

Coi như sáu tháng ở trại tị nạn, một thời gian khá dài đối với tôi lúc đó, nhưng không thể nào so sánh với những người tị nạn CS đi thoát khỏi VN sau này, sau hơn mười năm từ ngày 30 tháng tư năm 75, họ không được coi là tị nạn chính trị, tị nạn CS nữa, mà bị đổi qua quy chế những người xin tị nạn vì lý do bị đàn áp, trả thù, hay vì lý do nào đó. Có rất nhiều người ở trại cả 7 tám năm, và cho đến lúc viết những dòng này, còn có người vẫn bị kẹt lại bên Phi luật Tân. Nên sáu tháng ở tại trại Batu 6 ở TP, hai tuần ở Jakarta, hơn môt tháng lang thang trên biển qua vài hòn đảo nhỏ, tổng cộng là 8 tháng từ ngày rời VN, cho đến ngày xuống phi trường Honolulu, không đáng là bao nhiêu để mà than phiền gì hết, mà ngược lại coi như quá là may mắn, vì có đủ tự do đi lại không bị giam giữ để mà hiểu biết khám phá xứ Nam Dương, và đã có thể nói được tiếng địa phương trong cuộc sống hàng ngày.
.
.

z-td-477-tpstreet.jpg picture by tddesign
.

đường phố ở Tangjung Pinang
.


Hồi ký này có thể được kết thúc từ bài trước, hay sớm hơn nữa, khi đã qua hồi nguy hiểm hay giật gân. Tuy nhiên, 6 tháng chờ đợi, cũng là một kinh nghiệm sống trong cuộc đời, có đủ thời gian chờ đợi, học kiên nhẫn, nuôi hy vọng, có dịp nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi trong tuổi đôi mươi, khoảng thời gian đứng yên đó, một thời gian mà những người tị nạn đường biển, những thuyền nhân nào cũng đều trải qua những kinh nghiệm chờ đợi dai dẳng, có thời gian để suy nghĩ, để mơ ước, để nuôi những hy vọng cho tương lai chắc cũng giống như nhau.

.

Tôi đang viết lại trong bài này, coi như bài chót của hồi ký (nhưng mà nếu nhớ ra gì nữa, thì chưa là bài chót đâu nhe, nếu cần sẽ câu thêm bài nữa), để kể đến những cảm nghĩ, những sự kiện, tuy không có hấp dẫn, nhiều tình tiết như đoạn đường trên biển, tuy nhiên, để ghi lại trọn quãng đường đi đến đất định cư, như một chứng tích lịch sử của dân tộc Việt, cho thế hệ sau của tôi, đã trên ba mươi hai năm, hơn một thế hệ sau đã ra đời, biết được câu chuyện của thế hệ người Việt tìm tự do, đã ra đi trước, lập một đầu cầu cho thế hệ Người Việt Tự Do hiện tại đang sinh sôi lớn mạnh trên toàn thế giới Tự Do. Tôi ghi lại vài chi tiết buồn vui trong trại tị nạn, vài chi tiết kinh nghiệm cá nhân của tôi khi chờ đợi đi định cư. Tại vì được tự do đi lại, nên có nhiều chuyện xí xọn để kể lại thôi.

.

Ngoài ra, vài năm gần đây, VC tìm cách xóa mọi chứng tích ở các trại tị nạn cũ, như Galang ở Nam Dương bằng cách bỏ tiền mua chuộc quan chức địa phương đập phá các bia tưởng niệm người tị nạn VN bỏ mình trên đại dương và trong trại tị nạn, cho mất dấu tích. Hy vọng sau này sẽ ngụy biện là: Không hề có người VN tị nạn CS, mà chỉ có người VN, tự ý bỏ đi đâu đó. y như những kẻ ngụy biện là không hề có thảm nạn Holocaust xẩy ra. Nhưng không bao giờ xóa được cái bia miệng đời đời ghi lại trong lịch sử nhân loại. Đời đời ghi lại trong lịch sử xứ Nam Dương đã mở vòng tay giúp đỡ người tị nạn VN liều chết ra đi vì Tụ Do. Xứ ND lại là xứ đã thành công trong trong việc đập tan CSND, khi CS địa phương đảo chánh cướp chính quyền vào năm 65. Chính dân tộc ND đẵ có kinh nghiệm thương đau với chủ thuyết CS, cũng như Mã lai Á. Chủ thuyết CS quốc tế đã thảm bại tại đây, hai quốc gia này đã tiến triển rất nhanh. Sự hiện diện của người VN tị nạn trên xứ họ, là một chứng tích rõ ràng cho dân tộc họ, thấy rõ sự chọn lựa của người VN. Đập được một cái bia nhỏ nhoi trong trại tị nạn cũ hoang tàn trên đảo vắng, thì một cái bia đồng mới, vừa hào hùng, bi tráng, lại mọc lên ở thành phố Hamburg, ở Đức Quốc, cám ơn những con tầu lương tâm nhân loại đã đi vớt người Việt tị nạn trên đại dương.

.
.

z-td-477-lambao-1.jpg picture by tddesign
.
những ngày dài trong trại tị nạn, chất chứa những suy nghĩ, khi đến đất mới đã tràn ra ngay tờ tạp chi trên, nhắc nhở mọi người đừng qua cầu chặt dây, đừng quên giúp đỡ những người tiếp tục tìm tự do trên biển. Phần trên những hàng chữ là bài bên trong, bài dịch những cảm nghĩ của dân Mỹ địa phương hổ trợ đón thêm người tị nạn vào Mỹ, đăng trong báo Oregonian..

.


Bây giờ ghi rõ lại những chuyện chờ đi, có người cho là nhàm chán trong trại tị nạn, đây không phải là câu chuyện giải trí, cần hồi hộp, mà là ghi lại lịch sử, cho những đứa bé, thế hệ dân tộc VN được sinh ngay ra trong trại tị nạn, như cô bé gái con của Hòa, hai vợ chồng sinh con trong tại tị nạn. Hơn ba mươi hai năm rồi, cô gái bé tí đó, nay đã có thể làm mẹ, sinh thêm thế hệ mới của dân tộc VN hưởng đầy đủ tự do nhân quyền trên thế giới không CS. Một ngày nào đó mở to mắt ra, đọc kỹ những giòng này, coi ông bà ngày xưa đã làm gì trong trại tị nạn, nơi xứ người để tiếp tục duy trì giòng máu dân tộc Việt, kiêu hùng sẵn sàng chết cho tự do. Ngàn đời không bao giờ xóa được bia miệng, che dấu được sự thật bẩn thỉu của lịch sử. Những câu chuyện nhỏ nhặt của từng cá nhân này, là chứng tích nhỏ, góp gió thành bão, ghi lại hành trình đầy hào hùng của dân tộc Việt ở trên toàn thế giới.
.
.

Chuyện xung đột giữa người VN, ở đâu cũng có.
.

Cái dễ thương của trại Batu 6, ngay ngày đầu mới đến, như đã kể bên trên, là trại rất thoải mái, tự do, không tên tuổi, không hàng rào, không cảnh sát ND, không ban điều hành, không gì cả, chừng 80 người già trẻ lớn bé, quây quần với nhau mà sống, chờ ngày lên đường đi định cư. Tuy nhiên ngày đầu, gia đình ông Cao đức Thắng, một chủ ghe dưới bến tầu, cho chúng tôi ăn cơm tối, bà Thắng có nói tôi coi chừng, mấy gia đình đã cho ăn trưa trong nhà kho. Tôi hoàn toàn không hiểu gì hết, trong chuyện tuyên truyền dành dân, dành đất này. Tôi thấy gia đình nào cũng tử tế đùm bọc chúng tôi khi ngày đầu mới tới, chưa có gì để ăn.
.

Sau đó, thì mơí khám phá ra, như đã nói, hai phần ba dân số trong trại là từ vùng Rạch Dừa, bên quốc lộ 15, bên ngoài thị xã Vũng Tầu, khu định cư của người Bắc vùng biển, di cư vào Nam năm 54, họ đi tiếp qua ND, vào năm 76. Chia ra hai phe, phe làm chủ ghe, bây giờ vẫn sống dưới ghe ở dưới bến trước trại, phe đi theo, chung tiền hay trả tiền đi chung, họ đều quen biết nhau từ Rạch Dừa. Sau đó, khi đến bờ, vì chuyện giải quyết tiền bạc với nhau khi ra đi rồi đến bờ như thế nào thì không rõ, bên dưới ghe, cho rằng mấy người đi theo chưa trả đủ tiền hay làm đúng theo thỏa thuận gì đó, nên họ hục hặc nhau, tuy cùng trại nhưng đi qua lại đều tránh nhau. Có lẽ hơi khó, nên đã có nhiều đụng chạm, chắc chỉ chửi bới qua lại.
.

Hai cha Piets và Alfons, thay nhau xuống làm thánh lễ mỗi tuần, lễ ngay giữa trại, bên trong nhà kho, trước bàn thờ to lớn. Thỉnh thoảng tôi cũng đứng ngoài xa nhìn tới, cho tinh thần thanh thản. Nhìn cha Piets, trẻ, rất đẹp trai, mặc quần Jean, áo sơ mi thường, cổ đeo một khăn thánh làm lễ, nhìn thấy thanh thản và bình dân, cũng khá đẹp. Cha có bàn tay, bị mất vài ngón khi làm mộc, khi làm lễ, đều nghiêng bàn tay cẩn thận che mấy ngón tay bị mất lại, sau thánh lễ, khi cha lên xe về rồi, thì từ bên trong khu chúng tôi trú ngụ, cuối tận cùng nhà kho, tôi nghe tiếng nhiều người la hét, đập phá, la lớn lên.
.

Đi ra ngoài coi, thì ngay trước bàn thờ Thiên Chúa, nơi cha vừa làm thánh lễ, chia ra hai phe, đồng bào Công Giáo Rạch Dừa của tôi chia làm hai phe, mấy phút trước đó, họ quần áo sạch sẽ đứng gần bên nhau cùng làm lễ, phe trên bờ trong trại, phe dưới ghe tràn lên, dao, búa bổ củi, gậy gộc đầy đủ. Hai bên dàn ra sửa soạn dao chiến, lời qua tiếng lại. Trong trại, có một số rất ít, cùng chúng tôi là Phật Giáo, đến từ nhiều nơi, chưa quen biết nhau tại VN, nên chỉ tò mò theo dõi, vì không biết nguyên nhân xung đột của họ là tại sao. Hai bên gầm gừ nhau, thiệt là nguy hiểm, nếu có án mạng xẩy ra.
.

Tôi rất là ngạc nhiên, vì chỉ ít phút trước, họ còn kính cẩn đứng bên cạnh nhau, cùng Cha cử hành thánh lễ. Thật tình tôi không rõ, những rất ngạc nhiên không hiểu tại sao, vừa xong thánh lễ, vừa nghe cha giảng những lời nhân ái, mà họ có thể sắp giao chiến với nhau, ngay khoảng trống trước bàn thờ, Chúa đang bị treo trên thánh giá trên cao, buồn bã nhìn xuống. Nhưng mà cũng như đóng phim gay cấn thôi, sau màn vờn qua lại, có lẽ hai bên quên chưa mài dao cho sắc, nên hồi lâu, chẳng thấy xung chiến, khán giả như tụi tui bỏ đi, thì hai bên cũng thu binh, hưu chiến.
.

Qua ngày hôm sau, lên văn phòng Cha làm việc, thì hai Cha buồn bã cho biết, chuyện như vậy đã xẩy ra vài lần, từ trước khi chúng tôi đến, các Cha không biết làm sao, chỉ khuyên can họ, và hy vọng mỗi gia đình đi định cư riêng, rồi sẽ hết chuyện. Cha cười, nói chúng tôi, những người còn lại, không phải là Công Giáo, không có ai săn sóc tinh thần đầy đủ như con chiên của Cha, mà lại đàng hoàng, yêu thương nhau, không gây ra phiền phức gì.
.

Đó là chuyện riêng tư của hai phe Rạch Dừa này. Còn ngoài ra, ai trong họ đều đối xử với chúng tôi rất tử tế vui vẻ, chung sức với nhau làm nhiều sinh hoạt trong trại. Ông Thắng, chủ ghe, tặng chiếc ghe đánh cá cho hội Công Giáo địa phương làm thuyền đi công tác giảng đạo và giúp đỡ những khu nghèo. Hai cha nhờ tôi vẽ kiểu ca bin lại. Gia đình ông Thắng chuyển lên trong nhà kho ở. Ghe được kéo ra ngoài TP để làm máy lại và đóng ca bin bên trên. Khi gỡ ghe ra, người ND, nhìn nể phục lắm, về tài đóng ghe, và gỗ qúy của VN, thân ghe bên dưới chỉ có 6 miếng ghép lại, dầy trên 15 cm, rất ít lằn nối ván dưới đáy, không biết làm sao lại có thể uốn cong từng tảng ván dầy như vậy. Gỡ bên trên ghe ra hết, tôi xuống ghe đo đạc kích thước, về văn phòng của cha, vẽ lại nguyên chiếc ghe, chia khoang, làm ca bin mới bên trên, phác họa ra cho cha Piets coi, và sửa đổi theo ý của ông.
.

Cha giao cho mấy người Hoa dưới bến TP làm ghe lại theo kiểu của tôi vẽ, làm máy. Tôi thì vài ngày, ghé qua thăm coi tiến triển, mỗi khi có dịp xuống TP đi chợ. Rất tiếc chưa tìm ra số hình lúc chụp ở TP, mấy chục năm không biết giờ thất lạc ở đâu. Tháng 12 thì làm xong, có tổ chức lễ khánh thành ngoài biển, làm lễ trên ghe, tôi có được mời đi theo, chạy chuyến khánh thành này. Đó cũng làm niềm vui, tôi là KTS, giờ vẽ kiểu ghe, coi hoàn thành, và trả ơn lại sự giúp đõ của hai Cha. Ngày nay, chắc chiếc ghe này vẫn còn hoạt động tại TP, đó là một điều rất hay, một con thuyền tị nạn đưa người VN đi tìm tự do, nay được làm sống lại đi vào phục vụ đời sống của người Nam Dương địa phương.
.

Bên trại tị nạn ở Senggarang, đối diện với TP, có một chuyến đi đào thoát, dùng nguyên một cái tầu kéo bằng sắt, tug boat, nhìn dễ nể lắm, lúc tôi đi qua đó chơi, hỏi người chủ tầu thì ông ta sẽ hy vọng bán lại cho địa phương chừng gần 20 ngàn đô la. Chuyến tầu này, kéo xà lan chở mấy đà cầu xuống miền Tây, ra biển, họ cắt dây thả xà lan và đà cầu lại cho VC, và ra đi luôn, nghe kể, họ có người cầm AK, mặc đồ vàng đứng gác, khi gặp tầu tuần của VC, thiệt đáng nể. Trên tầu có cô bé nhìn hấp dẫn, lúc gặp, cô ta mặc nguyên một cái mini jupe mầu hồng, và dĩ nhiên là tươi đẹp hơn con gái xứ Nam Dương rất nhiều.
.

Đừng can tui, để tui chém thấy mẹ cái thằng công an giả dân tị nạn này.
.

Chuyến đến sau tôi, có vài người, trong đó có một anh tài công lái tầu, đi một mình, anh ta hiền lắm, ít chuyện trò với ai, cho biết, bị công an bắt nhốt một lần, rồi đi sau mới đi thoát được. Một hôm, bên trại tị nạn thứ hai ở Senggarang, có người VN mới đến từ chuyến vượt biển sau, có một tên, đi qua bên trại Batu 6, kiếm coi có người nào quen ở bên này không.
.

Tôi đang ở trong nhà kho, nơi chỗ ngủ, thì thấy anh tài công này chạy vào, quên tên anh ta, nhớ anh chỉ mặc cái quần đùi, anh ta hầm hầm, chạy vô bơi móc kiếm cái gì, tôi hỏi kiếm cái gì, anh ta nói, tôi kiếm con dao, tui chém thấy mẹ nó, vừa nói anh ta vừa tìm dao của nhà khác. Tôi hỏi tại sao chém ai vậy, anh ta nói tui chém cái thằng công an, nó bắt tui vượt biển lần trước, giờ này nó giả làm dân tị nạn đi theo qua tới đây, tui hỏi thằng nào vậy, anh ta nói, cái thằng từ trại bên kia qua đây kiếm coi có người quen không. Lúc này thì anh ta đã kiếm được con dao chặt thịt, phóng ra ngoài, tui chạy theo. Anh ta ra ngoài sân, tôi kêu thêm mấy người nữa chạy theo.
.

Thấy tiếng động lao xao từ bên trong vang ra ngoài thì thấy tên thanh niên lạ, thấy động, nó có tật giật mình tự chạy ra xa phiá cầu tầu. Anh tài công chạy ra, kêu lớn, mấy người giữ thằng đó lại, nó là công an biên phòng, bắt tui đó, chỉa con dao vào hướng người thanh niên vừa chạy ra cầu tầu, vì có khoảng cách xa, nên chưa chém được, tên này chắc là công an nằm vùng thật, nên sẵn sàng đề phòng lo chạy trước. Mấy người nghe công an giả tị nạn thì chạy lao thêm ra mấy thanh niên nữa. Tên kia phóng xuống biển ngay cầu tầu, nguyên quần áo, bơi ra giữa dòng, mấy người trong trại lo tìm ghe rượt theo, thì lúc đó có cái tầu nhỏ ND chạy gần qua, tưởng người này rớt xuống biển, nên ghé cho lên, tên này leo lên tầu đi ra biển về phía TP. Anh tài công tức lắm, không chém được tên công an. Mấy người bàn, tụi mình đi ghe qua bên trại Senggarang chém cái thằng công an này, mấy người can, thôi lo thân mình, đừng đụng chạm pháp luật, đợi lâu lắm mới được đi định cư. Còn nếu bị ND trả về VN vì giết người thì coi như khó sống, nếu vô tay VC, đồng ý là nếu có dịp, chỉ chém nó bị thương thôi, rồi tố cáo nó là VC. Chuyện VC gài công an đi theo dân tị nạn có không ít, và ở các trại tị nạn khác, có công an VC bị thanh toán, cho đi định cư bên kia đời.
.
.
Chuyện sống hàng ngày ở trại.
.
.

Trại là một nửa nhà kho của Nam Dương ngay bến tầu tư nhân, bên ngoài nhà kho, gần ra khe biển là khu nhà tắm, nhà vệ sinh chồm ra phía biển và giếng. Gọi là khe biển, vì là cuối cái vịnh nhỏ, biển đi vào sâu bên trong, nhưng hẹp, như giòng sông nhỏ, bên kia bờ, không nhà, chỉ toàn cây tràm và khỉ ở bên đó. Bên ngoài ngang hông nhà kho, là khu nấu bếp, và sân chơi bóng chuyền.
.

Mỗi chiều, hay ra ngoài chơi bóng chuyền, đôi khi chơi với phu khuân vác gạo người ND, mỗi khi có tầu gạo tới, hay tầu hàng tới là những người phu ND ở chung quanh đến bốc dỡ hàng, cái nhà kho bên cạnh và bến tầu vẫn hoạt động khi có người VN tị nạn ở ngay đó. Mỗi lần đánh banh với phu khuân vác ND, có khi ăn, có khi thua cho phải phép, chung nhau mấy chai nước ngọt mua từ tiệm tạp hóa gần đó, rất là đề huề, không có gây gổ với dân địa phương.
.

Nấu bếp, thì ở bên hông nhà kho, ai ra trước, dùng bếp nào cũng được, dùng củi tràm ở gần đó. Khi củi gần hết, thì cả lũ thanh niên, thiếu niên, kéo nhau bơi qua bên kia biển ngắn đầy rừng tràm, chặt củi thành bè, bơi kéo về trại, phơi khô dùng. Trong trại không có điện, đêm đến thì chong đèn dầu hôi, đi mua từ TP, hay từ tiệm tạp hoá gần đó. Trại có sinh hoạt nhẹ nhàng, như nhóm nhà của người VN ở tạm, lẫn vào chung quanh thôn xóm của người ND, rất an lành.
.

Khi Boy bán lượng vàng, thì PhD mua cái máy chụp hình nhỏ, phim 110, mua một cái cassette nhỏ, thêm bình điện 6 volt, mỗi khi đi vô TP thì đưa sạc điện ở tiệm sửa xe gắn máy, rồi mang về trại nghe nhạc. Cơm nước thì chia ra nấu cho nhau ăn. Tôi cũng hay nấu thường trực. Có lần tôi nấu cơm xong, có nồi canh súp thịt bò khoai tây, bắp cải, cà rốt và hành tây đầy đủ hết, tôi nấu xong, tới bữa ăn thì Boy ra lấy vào. Thấy bữa ăn chỉ có cơm không, tôi hỏi nồi súp đâu, Boy nói chó ăn rồi, tôi hỏi chó ăn là làm sao? Boy nói là lúc bưng vô, nó làm đổ xuống đất hết trơn, tôi cười nói, đổ thì chỉ mất nước, lượm cái, lượm thịt lên, rửa nước lại, tráng nước sôi xong ăn cái là rau thịt khoai tây tiếp chứ, tại sao bỏ đi. Đúng là con nhà giầu, chưa biết ăn đói bao giờ, nó cứ để đó, cho chó chạy lại ăn. Hì hì, một kỷ niệm nhỏ, Boy không nhớ mới trước đó, lúc trên ghe đói rã họng không có gì ăn.

.

Chúng tôi có nuôi một con chó nhỏ cho vui, nó mầu đen, quên tên rồi, cưng lắm, một hôm nó bị xe vận tải chở gạo trước nhà kho cán chết chúng tôi mang đi đào lỗ chôn, mấy người Bắc Rạch Dừa cứ trách, tại sao không đưa chó cho họ nấu thịt ăn. hết ý kiến.
.

.

Một thú vui nữa, là ra trước cầu tầu câu cá nhỏ, cá không to lắm, bằng bàn tay, thấy mấy đứa nhỏ hay câu, nên bắt chước, nắn cơm lại thành cục lớn, rồi dùng sợi giây cước, cắt nhỏ ra từng cục vuông, móc lưỡi câu cá, giây nhợ quấn ống lon, ngồi trên cầu tầu thả, là có cá ăn, cũng tiêu khiển qua ngày.
.

Có một hôm, mấy đứa ra cầu tầu, buổi chiều, uống rượu mua từ tiệp tạp hoá của người Hoa, sâu bên trong chỗ đóng ghe thuyền, mấy đứa hay vào đây ngồi coi người Hoa đóng tầu để tiêu khiển, họ đóng hay lắm, lựa cây cong, đẽo bằng búa một hồi là ra cái khung cong của sườn tầu hay ghe. Trong đó có tiệm tạp hoá người Hoa, có bán rượu, còn người ND thì đạo Hồi, cấm uống rượu. PhD làm một hơi, không biết nó đã say chưa, lại rầu rĩ nhớ ai đó, lao xuống biển, đòi bơi ra TP, lúc đầu tưởng nó bơi chút đi lên, ai dè nó đi xa thiệt, sai mấy đứa nhỏ vô trại gọi thằng Boy ra, nhắn nó mang theo phao. Boy đang ngủ, chạy ra, thấy vậy lao xuống bơi theo PhD, Kêu thêm hai người dưới thuyền, mượn cái ghe nhỏ, chèo theo để đón hai đứa về, Cuối cùng thì cũng khiêng được PhD về trại. Té ra lâu lâu PhD vẫn còn lên cơn nhớ ai đó, nhất là khi nó uống rượu. Thành ra, ai cũng có phần mạng hết, vượt biển rộng không chết chìm, mà lại tự muốn chết chìm ngay trại tị nạn. may mà không xẩy ra !!!

.
.

z-td-477-trio-batu6.jpg picture by tddesign
.
.


Vậy thôi, cuộc sống đều đặn, tối về, nghẫm nghĩ viết thư qua Mỹ, oán trách tại sao giấy tờ chậm thế, đợi hoài vẫn chưa đi, bên Mỹ gửi thư qua, là anh lớn của tôi, nên nạt lại, từ từ để Mỹ lo, sau này qua đưa cho coi giấy can thiệp của Thượng nghị Sĩ tiểu bang, qua bộ Ngoại Giao Mỹ, có trả lời đàng hoàng, mới biết, bên Mỹ có thúc hối thiệt, có điều là vì không biết, quên không làm tờ giấy ký chứng nhận hứa hẹn giúp đỡ của người bảo lãnh. Thôi thì tui cũng xứng đáng được đi trước bốn đứa, vì đã có công viết thư hỏi tòa đại sứ tại sao chưa được đi, thì ra tờ giấy bị thiếu. Sau này hai anh em tui gặp nhau cười, hóa ra cũng giống nhau cái vụ la lối khiếu nại, thế mà tụi chính phủ Mỹ, cũng ra công trả lời cho một tên tị nạn VN, chưa vào tới Mỹ.

.
Chuyện giấy tờ, không phải chỉ là do bên Mỹ lo thôi, ở trại cũng lo tiếp được.
.

Sau khi tôi đến, có chuyến người VN đến sau nữa, có người thân nhân ở bên Mỹ lo giấy tờ làm sao, cô ta được đi Mỹ định cư trước tôi nữa. Thật thắc mắc, tôi lại thư qua Mỹ dục anh Hùng tôi tại sao giấy tờ của mình chậm vậy. Anh tôi cũng có vẻ giận,. nói là để tụi Mỹ làm, đừng có hối, còn gửi qua một lá thư, của người sponsor cho tôi là ông August Yee, một triệu phú nổi tiếng ở Honolulu, gửi thư cho ông Thượng nghị Sĩ tiểu bang Hawaii nhờ can thiệp với bộ ngoại giao Mỹ, thấy nguyên lá thư trả lời của ông TNS, Senator này, nên bên Mỹ cũng đã đốc thúc giữ lắm.
.

Gần giáng sinh, tháng 12, tôi nghĩ ra một kế, nhân dịp viết cái thiệp chúc mừng, nhân tiện hỏi thăm, chuyện giấy tờ của tôi đã đến đâu, có thể nào được vào Mỹ dịp giáng sinh này không, đó sẽ là món qùa lớn lao và qúy hoá cho gia đình tôi nhân dịp mùa lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Dùng hết tài Anh Ngữ, viết một lá thư thật lâm ly, gửi về tòa đại sứ Mỹ ở Jakarta, cho vợ chồng hai ông bà Robert & Sarah Hyams, Vice Consul, Phó lãnh Sự, hai người này đã xuống làm giấy tờ ở trại tị nạn. Thôi gửi thư cho có, coi như cũng có cố gắng tự lo thân, cũng là dịp học thêm tiếng Anh, uốn nắn thừ văn chương bắt buộc dùng sau này để sống ở Mỹ. Lúc đó mỗi ngày đều ráng học tiếng Anh, anh Hùng cũng gửi tạp chí Architectural Record đến trại cho đọc, dĩ nhiên tu luyện Anh văn là điều rất cần thiết. Thôi thư đi nhân dịp chúc năm mới, như vậy hay hơn, không làm cho họ khó chịu.
.
.

z-td-477-usconsul.jpg picture by tddesign
.
hai vợ chồng ông bà Hyams, Phó lãnh Sự Mỹ ở Jakarta, rất dễ thương, trả lời thư riêng của tôi, khi thăm hỏi, tại sao chưa được đi Mỹ.
.


Thế mà hai ông bà này gửi thư trả lời, bằng thư chính thức của toà đại sứ Mỹ, cho biết là hồ sơ của tôi chỉ còn thiếu tờ giấy chứng nhận của người bảo lãnh, cần ký tên trước notary public, là công chứng viên. Hóa ra ông sponsor đã gửi thư nhờ thượng nghị sĩ khiếu nại, tại USCC bên đó không làm giầy tờ đủ, chỉ thiếu tờ giấy trên. Hai ông bà này rất lịch sự xin lỗi là ước vọng của tôi được đoàn tụ vào Giáng Sinh không thành được, vì họ quá bận không thông báo là hồ sơ tôi thiếu tờ giấy đó, còn người đến sau mà đi trước tôi vì hồ sơ họ do cơ quan thiện nguyện làm đủ hết. Nhân tiện vì có thư tôi hỏi thăm, nên trả lời cho biết, hai ông bà Phó lãnh Sự chúc tôi một mùa lễ an lành ở trại tị nạn, và khi giấy tờ tôi qua là được đi ngay, có thể vẫn kịp đoàn tụ theo năm mới Âm Lịch. Không ngờ hai ông bà Mỹ này qúa lịch sự với một tên tị nạn VN. Và tôi cũng tự phục cái chuyện chẳng sợ gì hết của tôi, thay vì để thời gian ngáp ruồi trong trại, đã cố gắng viết cho bằng được lá thư tiếng Anh đầy lâm ly thắm thiết đến hỏi thăm, nhân tiện nhờ vả. Sau này thì PhD cũng viết thư cho bà Sarah hỏi thẳng giấy tờ của mình có đầy đủ không, chừng nào được đi Mỹ.
.

Mừng quá, tôi tức tốc đi đánh điện tín cho anh Hùng, anh cũng gửi điện tín qua xin lỗi. Chỉ tháng sau, là tôi có giấy tờ rời Tangjung Pinang, về Jakarta đợi chuyến bay đi Mỹ. Thành ra đừng nói là ở trại tị nạn, là không làm gì cho mình đi nhanh hơn được, tôi cho PhD và Boy biết, viết thư dục thân nhân bên Mỹ, coi lại giấy tờ có thiếu gì không, lỡ thiếu, chờ đại sứ Mỹ cho biết là còn lâu. Cứ việc thúc dục tối đa, lỡ mất lòng, sau này qua xin lỗi sau. Nếu không gửi thư hỏi thăm tòa đại sứ Mỹ, chắc tôi còn phải chờ dài dài. Giấy tờ qua thân nhân, có cái xui nếu làm thiếu giấy. Còn qua hội thiện nguyện làm cho, cũng có khi thiếu giấy, nếu người lo hồ sơ sơ xuất, còn người siêng năng, thì họ làm đầy đủ, vì đó là công việc được trả lương của họ.
.
.
.
z-td-477-ussen.jpg picture by tddesign
.

ông Yee là người sponsor, bảo lãnh về tài chánh cho tôi, do anh Lê qúy Phước KT63 giới thiệu, ông này đã bảo lãnh gia đình anh năm 75. Yee là tài phiệt ở Hawaii, nên Thượng Nghị Sĩ tiểu bang đều muốn ông ta vui lòng.
.
.



z-td-477-us-state.jpg picture by tddesign
.

thư của Bộ Ngoại Giao Mỹ trả lời cho Thượng nghị Sĩ tiểu bang Hawaii hỏi thăm về trường hợp của tôi, sao chậm đi Mỹ. lúc này thì tôi đã dời về Jakarta, chờ máy bay đi.

.

.

Thư từ, thư từ …. Và thư từ …
.
.

Sau thực phẩm, tiền bạc, phải nói đến thư từ, thư từ là nguồn sống tinh thần rất cần thiết ở trại tị nạn, thư từ mang đến niềm hy vọng, chuẩn bị tinh thần cho tương lai đi định cư. Nhờ là em của anh Hùng ở trong trường Đại Học Kiến Trúc Saigon, tất cả bạn bè đàn anh trên tôi cả chục năm đều thăm hỏi, kể cả những người bạn ngoài đời khác của anh H. Ngoài trường KT là đông nhất, kể luôn các thầy Hanh, Lắm và Lăng, thì tới bạn học chung trung học, bạn đi Hướng Đạo, Hướng Đạo Hải Ngoại đều loan tin và cho địa chỉ, có các bạn HĐ không quen, cũng như anh em một nhà đều có thư hỏi thăm.
.

Được thư, tiền bạc, thuốc lá, qùa, vật dụng cần thiết, gửi đến trại làm tinh thần lên rất cao, sau đó là những bức thư hàn huyên qua lại, hai bên trao đổi những câu chuyện, mới cũ, hỏi han người này người kia, kể chuyện đi du học trước, chuyện đi di tản năm 75, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống lập nghiệp lại, bao nhiêu là kinh nghiệm trao đổi cho tôi. Đến khi qua tới Mỹ, đó là những điều cần thiết, giúp tôi khởi sự lại nhanh hơn qua kinh nghiệm của bạn bè truyền cho. Họ tiếp tục hỏi han và giúp đỡ khi tôi cần.
.
.
z-td-477-mail-3-1.jpg picture by tddesign
.

.

z-td-477-mail-4.jpg picture by tddesign
.
.

một vài thư trong rất nhiều thư của mọi người gửi đến trại thăm hỏi
.


z-td-477-datmoi.jpg picture by tddesign
.
.

Thời gian dành để viết trong trại thật là nhiều, thời gian thì rất là dư giả. Viết lách có lẽ nhờ như vậy mà phần diễn tả có được đào luyện thêm, từ bạn bè, cho tới báo chí, trao đổi với nhau những nhu cầu về tinh thần. Người đọc thư, người viết thư đều có những giây phút thanh thản, để những kỷ niệm tình tự dân tộc xưa tràn về trong lòng của con người Việt ở khắp nơi sẽ thấy gần nhau hơn, để cho những tò mò, những mơ ước về tương lai được mở rộng.
.
.

Từ giã trại Batu Anan và Tangjung Pinang.
.
.

Cuối tháng một 78 là tôi lên đường rời TP. Nhân viên tòa đại xứ Mỹ xuống dẫn đi, thêm những người bên trại Senggarang nữa. Ba đứa còn lại đi xe taxi theo lên phi trường Kijang, ở khoảng giữa đảo Bintan, mấy đứa chụp hình kỷ niệm và chia tay sau nhiều tháng chung chuyến tìm tự do với nhau. Tôi lên đường đi định cư trước trong bốn đứa. Bay bằng máy bay chong chóng, ghé nghỉ ở Panka Pinang lấy nhiên liệu, nửa đường, rồi bay tiếp về Jakarta. Nhân viên tòa đại sứ Mỹ có xe van, đưa về trại tị nạn, nằm ở ngoại ô thủ đô, nơi đây còn lịch sự đẹp đẽ hơn TP rất nhiều, là trại dưỡng lão mới xây xong cho người già ở, nay cho người VN tị nạn dùng trước, nhiều căn nhà gạch, lót gạch bông, ngủ trên ghế bố đàng hoàng, và cũng được tự do, không ai canh gác, ra vào khỏi xin phép ai, tự do đi lại. Bây giờ chỉ ở đây chờ vé máy bay đi Mỹ.
.
.
z-td-477-kijang.jpg picture by tddesign
.

phi trường Kijang gần thành phố TP, nơi lên máy bay đi về Jakarta.
.


z-td-477-jkr-1.jpg picture by tddesign
.

hình nơi cầu vào trại tị nạn ở ngoại ô Jakarta, khu nhà mới trại dưỡng lão, tạm thời làm trại tị nạn. Hai anh em từ trái: Bình, Hòa (sinh viên sĩ quan Đà Lạt) và vợ ( người đẹp nhất trại tị nạn ở TP) con gái đẻ tại trại, Lan và Chi, hai người gốc ở Vũng Tầu, bạn của Bình, đang ở trại tị nạn Jakarta. Hai cô này dẫn tôi đi chơi nhiều nơi ở Jakarta sau này. Hình chụp lúc gia đình Hòa lên đường từ Batu 6 về thủ đô ND để đi Mỹ.
.

.

hết bài thứ hai mươi mốt … coi tiếp bài hai mươi hai … Hai tuần nghỉ hè ở Jakarta, thủ đô Nam Dương.
.

by duongtiden
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam
.
 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.