copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Monday, November 12, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . .. bài thứ 9 tiếp theo … The July Boat, part 9 cont. by duongtiden.







Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . .. bài thứ chín tiếp theo ….



bài thứ chin tiếp theo … bài thứ tám. … không biết là tầu của xứ Tầu nào đây ? … Đài Loan, Hồng Kông .. hay tệ hơn nữa … Trung Cộng !


Tiếp xúc với người .. đầu tiên trên biển ..


Hướng về chiếc tầu nhỏ, đoán là tầu đánh cá lần đầu tiên gặp trên biển, họ cứ giữ hướng đi sẵn có từ trước giờ không thay đổi, còn ghe chúng tôi thì tăng tốc độ lại gần hơn. Bây giờ đã quan sát được lá cờ đỏ quấn trên đỉnh cột cao của tầu này. Tôi và PhD bàn là chắc không phải là tầu của Trung Cộng, họ đâu có cho dân đi đánh cá xa bờ đâu, cũng sẽ tị nạn CS luôn. Đây là chiếc tầu đánh cá bằng gỗ, sơn mầu nâu đậm và đỏ. Chúng tôi cứ tiến lại gần, nếu đúng là tầu của Trung Cộng, thì họ cũng chẳng làm được gì chúng tôi, tầu của họ không phải là loại lớn, không lẽ họ dùng súng cá nhân bắn vào ghe, vả lại đâu biết chúng tôi từ đâu ra, từ nước nào, ngoài này là hải phận quốc tế mà.


Từ hôm qua đến nay, trời ảm đạm, ra biển tới giờ chưa thấy nắng, chỉ mưa lúc to lúc nhẹ, nên lá cờ cũng ủ rũ bám vào cột như bị ướt chăng. Đúng lúc đó thì cơn gió thổi đến, mở ra cái cờ đỏ, một góc xanh đậm tung ra, đó là cờ của Trung Hoa Quốc Gia, tức là Đài Loan. Chúng tôi mừng lắm, tống ga cho ghe chạy thẳng lại gần. Bây giờ trên tầu của họ, nổi khá cao so với mặt biển, có hai người ra vịn thành tầu nhìn xuống chúng tôi, nhìn qua cabin thì thấy hình như có thêm hai người nữa trong đó, họ giảm tốc độ xuống di chuyển chậm tầu lại. Lúc này bốn đứa đã đứng tất cả ngoài đằng sau ghe, đưa tay vẫy, vẫy quần áo, vẫy phao đỏ, vẫy lá cờ nhỏ có chữ S.O.S đen to vẽ trên đó. Ghe chúng tôi đi sát gần lại song song với tầu của họ, nhưng giữ khoảng cách không đụng vào nhau, muốn cặp sát cũng không được vì họ lại đưa tầu ra xa ghe tôi.


Chúng tôi hét lớn lên bằng tiếng Anh, rồi tiếng Pháp, xin được vớt, cấp cứu, cho họ biết ghe từ VN cộng sản thoát ra đi tìm tự do. Hai người trên tầu nhìn xuống, họ lắc đầu ra dấu không hiểu, tuy nhiên vẫn im lặng không hét lên tiếng của họ, là tiếng Trung Hoa. Phải nói là hét nếu muốn được nghe thấy vì tiếng máy của hai cái tầu, ghe, và sóng biển. PhD kiếm ra cuộn dây nhỏ và cái cục gì nặng, cùng tập sổ vẽ, giơ lên làm hiệu xin được quang dây qua trao đổi bằng chữ viết trên giấy. Chúng tôi quăng dây qua, họ đón bắt và chuyển lên tờ giấy cột vào đó, viết cầu cứu bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, xin được vớt đi theo họ. Họ viết gì trong đó rồi chuyển xuống, tôi thấy toàn chữ Hoa, coi như huề vốn, chúng tôi cũng chẳng hiểu gì. Cái khổ ở đây là trên ghe, không có đàn bà con nít, mà chỉ là 4 thanh niên, dưới con mắt họ có lẽ đều khỏe mạnh và rành nghề đi biển nên mới có mặt ở đây, giữa đại dương nơi rất xa bờ. Ghe chúng tôi chẳng giống gì ghe đánh cá, không có mũi nhọn cắt sóng, phủ lên tấm vải che hầu hết ghe, làm cho họ nghi ngờ chúng tôi có thể cướp tầu của họ hay mang đến sự nguy hiểm.

Tuy nhiên họ không bỏ đi, không viết chữ được thì PhD lại vẽ giấy lên vẽ hình giải nghĩa là chúng tôi muốn được đi theo đến đất liền, vẽ tranh phác họa. Họ đón lên tò mò coi rồi cũng vẽ lại nguệch ngoạc là có thể cho đồ ăn, nước uống, vậy thôi. Chúng tôi hội ý, coi vẻ họ không chịu vớt người như mong muốn. PhD bàn là bây giờ có hai giải pháp, bỏ ghe nhẩy xuống biển thì về lòng nhân đạo của những người đi biển coi như họ phải vớt, tôi không đồng ý, xuống biển mà họ không vớt thì như không, tự nhiên đang có ghe để sống, nay chết chắc, hay họ nổi lòng tham, chỉ cần bỏ kệ chúng tôi trên biển, cặp vào ghe rồi qua lấy đồ hay kéo theo thì cũng như không, cũng lấy được cái máy ghe và dầu.Với lại họ đâu biết chúng tôi chỉ có 4 người, lỡ trong ghe kín che vải bên dưới còn nhiều người ẩn nấp bên trong thì sau, sẽ nhào ra cướp tầu khi có đồng bọn được kéo lên trên tầu làm nội ứng.

 
Suy nghĩ một hồi thì PhD quyết định sẽ lái ghe đâm vào tầu ĐL. Tầu này lớn hơn sẽ không sao, ghe chúng tôi vỡ chìm thì họ sẽ phải vớt thôi. Thiệt là một ý nghĩ điên rồ, nhưng PhD nhất định làm. nghe của PhD mà. Chúng tôi đều đeo phao vào người, thổi hơi phao lên hết, quấn theo túi cá nhân, sẵn sàng bị văng xuống biển. Bây giờ, PhD lái ghe quay ngang ra, chạy vòng ngang, để đâm vào tầu Đài Loan này. Khi thấy chúng tôi chuyển hướng, thì họ chỉ nhìn coi, đến lúc chúng tôi tăng tốc độ hướng thẳng vào tầu lao tới, thì người lái tầu trên cabin cao biết ý định chúng tôi, hai người bên ngoài chạy trên bong coi chúng tôi làm gì, họ tăng tốc độ chuyển hướng né dễ dàng. PhD chạy tuốt qua bên kia vì đâm hụt, lại quay mũi ghe lại húc tiếp. Trên tầu cao, họ chia người ra coi chừng chúng tôi ở hai bên thành tầu để báo động cho người lái tầu trên cabin cao, biết đường mà lái tránh.


PhD lại đổi kiểu, đâm ngang hơi khó, gìờ đâm phía sau đít tầu của họ. Giờ viết lại đoạn này, tôi có thắc mắc tại sao tầu nàyt không tăng máy tầu bỏ đi nhanh hơn sau khi chúng tôi đâm hụt, mà cứ từ từ ở đó, như muốn dự cuộc chơi đâm tầu với chúng tôi đầy thích thú này để giải trí sau nhiều ngày đi biển qúa nhàm chán chăng. PhD nhắm vào đít tầu họ đâm ngang. Chiếc tầu Đài Loan tăng máy, quẹo tránh, lúc này thì PhD đâm thiệt, hai lần đầu cũng chưa thực tình muốn đâm, chỉ cho họ biết tình cảnh tuyệt vọng của chúng tôi muốn bỏ ghe, muốn đưọc cứu vớt. Lúc đâm thẳng vào cuối tầu để cho người lái tầu ĐL khó thấy, họ tăng tốc độ, tầu chồm lên, phía sau đít tầu hạ thấp xuống, vừa lúc PhD lao ghe qua lọt tuốt sau, đít tầu ĐL đập xuống không xa chỗ PhD đứng lái, đập tung hết lan can giây và cột sắt của ghe chúng tôi, đập văng miếng ván cuối thường để ngồi bám ị luôn.

 
Bây giờ hai chiếc tầu và ghe tách ra ngoài, PhD cũng hoảng hồn vì tầu ĐL đập vào chút xíu là trúng người, sẽ bị thương hay chết nữa, chứ đừng nói là bể ghe văng xuống biển. Chúng tôi coi thiệt hại ra sao. Trên tầu ĐL cũng cho người ra sau coi thiệt hại tầu của họ, không có gì, chúng tôi bị nặng hơn văng hết lan can. Bây giờ hai chiếc tách xa ra, chúng tôi hoảng hồn, chưa biết tính sẽ làm gì tiếp đây. Nghĩ cũng rất là đau đớn, tìm gặp được tầu giữa biển, nhìn thấy người, trao đổi được tín hiệu mà giờ vẫn chưa được cứu thoát.

Chiếc tầu ĐL cũng hạ máy, đứng yên hồi lâu, không biết họ toan tính gì, nhưng lạ là nếu bị chúng tôi làm phiền quá, tại sao tầu này không làm chuyện giản dị nhất là tăng máy bỏ đi, hay sách súng ra bắn vài phát hăm doạ chúng tôi đừng làm phiền họ nữa. Lúc sau, khỏi lo, bây giờ tầu ĐL tăng ga lái xa ra, bỏ đi. Nhưng không ! , họ quay lại, chỉ đánh nửa vòng tròn, bây giờ hai người ra ngoài mũi tầu đứng trên đó, quay lại lái thẳng vào chúng tôi, bây giờ đến phiên tầu ĐL chơi trò đâm lại chăng. Chúng tôi hoảng hốt, nếu họ đâm vỡ ghe chúng tôi vì bực tức chăng. Họ đâm thiệt, tăng tốc độ, đâm ngang chúng tôi. Tất cả im lặng không biết gì sẽ xẩy ra, phao đã đeo vào người, túi trang bị đeo theo người, chúng tôi đã chuẩn bị để đâm tầu, đã đâm vài lần, để văng xuống biển mà.


Bây giờ tới phiên tầu Đài Loan đâm thẳng vào ghe chúng tôi …

 
Chiếc tầu ĐL lớn mấy lần hơn chiếc ghe nhỏ bé của chúng tôi, lừng lững đi tới, chúng tôi chi im lặng đứng ghe yên chỗ chờ đợi thôi, muốn đâm bể ghe để xuống biển, thì bây giờ họ giúp làm chuyện đó, đâm ghe chúng tôi bằng mũi tầu cao và chắc chắn … rồi bỏ đi không vớt thì sao, chết là chắc rồi. Trên tầu ĐL, thêm người ra hông tầu nhìn chúng tôi. Hai người ở đằng mũi, la hét gì đó lên cabin lái..

Khi sát đến gần ghe chúng tôi, chiếc tầu ĐL chuyển mũi nhẹ, hai người đầu tầu chồm lên, thật sát đầu ghe chúng tôi, họ quăng xuống một cái bao to, làm ghe chúng tôi chòng chàng, rồi chiếc tầu đánh cá ĐL, lừng lững đi ngang suốt mũi ghe chúng tôi, mấy người chồm ra mạn tầu ngó xuống vẫy tay chào chúng tôi, sóng từ tầu ĐL làm rung động chiếc ghe nhỏ … trong sự sửng sốt bàng hoàng, không biết làm gì hơn ngoài chuyện lái ghe ra xa chỗ sóng của tầu ĐL bỏ lại.

Họ đã bỏ đi rồi. Chúng tôi vẫn bàng hoàng và ân hận, phải chi trên tầu có được một người biết chữ Hoa, tiếng Hoa, là dễ năn nỉ để được vớt rồi, còn tiếng Pháp, ba thằng có bằng Bac II, tiếng Anh gì ở trong hoàn cảnh này chẳng có chút tiện lợi gì hết, hay nếu chúng tôi có đàn bà con gái, con nít đi theo, thì cũng xong rồi, được vớt lên rồi. Thực ra khá tiếc, nếu không có màn đâm tầu của họ, thì chúng tôi có thể thương lượng xin giúp đỡ biết phương hướng và vị trí của mình trên biển, đang ở đâu, vì chúng tôi không hề biết mình đang ở đâu trên biển. Rồi xin giúp đỡ thực phẩm, phương hướng đi tiếp, nếu tầu ĐL vẫn từ chối vớt.

Trong bao vải do tầu vứt xuống, có mì gói và những chai sữa đậu nành rất lạnh, bây giờ không nhớ rõ là bao nhiêu gói mì, nhưng không nhiều. Còn những chai sữa đậu lành lạnh, thì phải nói là tuyệt vời. Chúng tôi chia nhau một chai ra uống, không dám uống, mà chỉ ngậm từng ngụm nhỏ, cho thấm dần xuống họng, thời gian đó, chiến tranh và nghèo đói sau 75 của VN, chưa hề thấy loại chai sữa đậu nành lạnh được sản xuất kỹ nghệ, có thêm chút đậu xanh trong đó, được Pasteurize sẵn, chỉ vặn nắp ra uống, thật là ngọt ngào lạnh mát, đồ uống từ thế giới bên ngoài, sau mấy năm với VC. Thực tình mà nói, không ngờ người bên ngoài được tiếp xúc đầu tiên là người Trung Hoa, lúc đó có hét lên là Ngộ ái Nị, thì họ cũng chẳng hiểu gì, vì đó là tiếng Quảng Đông, còn Quan Thoại thì không biết chữ nào. Sự giúp đỡ đầu tiên không từ tầu hàng lớn mà đến từ người Đài Loan đánh cá, không biết Anh Pháp gì hết.

Rồi chiều tối đến, đụng chạm được với người đầu tiên từ khi rời bờ đến giờ, mang lại nhiều xúc cảm lẫn lộn cho chúng tôi. Cái cảm giác thấy tầu, thấy người trên biển nó đỡ cô đơn làm sao, tai nạn đụng tầu xẩy ra tại chúng tôi muốn, không có bị thiệt hại gì nhiều, giờ thêm được chút đồ ăn, đồ uống, nhưng câu hỏi chính là bây giờ chúng tôi đang ở đâu, chính xác ở đâu trên biển, ngày mai đi về đâu. Cuộc đụng chạm ngày hôm nay, cho chúng tôi biết là hy vọng được tầu vớt là chuyện có thể không xẩy ra nữa đâu. Chiều nay, đã nhìn thấy mặt nhau, đã rờ được tầu khác rồi mà giờ đây lại vẫn một mình lang thang trên biển. Đêm đó, hai gói mì, mỗi đứa nửa gói, hai chai sữa đậu nành pha đậu xanh, coi như bữa tiệc vui chút, hơn hẳn bột Bích Chi và dừa, bột thì hết ngay ngày đầu, dừa thì đập ra được một trái, không dễ, nhất khi là lắc lư ghe đi và say sóng nở bong bóng mửa ra lỗ mũi, phải coi là đại tiệc, bập bùng ánh lửa từ cái lò gas phát ra để nấu mì gói. Sau đó lại im lặng đi trong đêm, mỗi đứa theo đuổi những ý ghĩ riêng của mình. … ngày mai ra sao … một câu hỏi lớn đi vào giấc ngủ nằm trên những trái dừa tròn cứng ngắc, đau cả lưng.

.

z-td-477-soup.jpg picture by tddesign

 

Vẫn đều đặn, hai ca, người lái, người tát nước, chúng tôi tiếp tục đi ngày như đêm, cứ đi về hướng Đông, coi như không ai vớt thì sẽ đi qua tới Phi luôn, máy ghe vẫn nổ đều đặn, hộp số vẫn quay, không có triệu chứng gì là sẽ hư máy hết vì thiếu dầu hộp số, dầu thì giảm xuống một phần, chưa có gì là đã dùng tới nửa số dầu, lúc này khi mưa gió, thì gió thổi xuôi ghe đi về hướng Đông cũng đỡ tốn dầu.

 
Hôm sau, trời vẫn âm u, thấy vài tầu lớn, vội vàng phóng lại gần được, lại diễn ra màn đeo phao vào, vẫy phao đỏ vàng, vẫy cờ S.O.S cầu cứu, rồi lại gần hơn đọc được cả tên trên thân tầu hàng lớn như Manhattan King, nhưng không thấy bóng ai trên tầu, có lẽ trên đài chỉ huy họ đều nhìn thấy ghe chúng tôi từ xa bằng ống nhòm, nhưng bỏ mặc kệ. Xáp ghe lại gần coi có dây nào có thể leo trèo lên không, nhưng không có gì, đành xuôi ghe dạt sang một bên cho khỏi lọt vào cơn sóng sủi bọt cuốn ra sau tầu lớn. Nhìn lên cái tầu sắt lớn kinh khủng, nhìn bờ tầu sắt lạnh lẽo, vẫn di chuyển với tốc độ nhanh, ghe chúng tôi chỉ như chiếc lá trôi trên biển, không nghĩa lý gì với họ. Rồi ngày qua, qua tới đêm, mưa gió bão tăng lên. Đêm không còn đủ sức lái ghe nữa mà, cột lái, thả xuôi về hướng Đông, để máy nổ, cứ thế mà ngủ luôn 4, 5 tiếng mới thức dậy tát nước, nếu nước không ngập nhiều thì lại lăn ra ngủ nữa vì say sóng và mệt.

Ngày sau nữa, cũng thấy tầu lớn ngoài xa, nhưng thây kệ, chúng tôi không tốn sức lái tìm theo nữa mà chỉ tìm cách đến chiếc nào tình cờ đi ngược chiều lại gần. Gần đến có thể thấy chữ tên như King Corvais. Không chiếc nào có bóng người ra ngoài nhìn chúng tôi mà chỉ lặng lẽ tiếp tục hành trình riêng của họ. Vẫn chưa hề có nắng, đúng là ra đi vào mùa giông bão, không lo thiếu nước, vì vắt được nhiều nước mưa, nước dơ dáy vắt từ cái khăn tắm của đứa nào chưa được giặt khi ra đi, uống vào mà chưa có đứa nào bịnh hay ỉa chẩy, chỉ có ướt át quần áo, lúc ngủ về đêm, rất lạnh. Boy và PhD và Dao thì bắt đầu bị lở mụt da và ngứa, mấy đứa ban ngày không lạnh, hay ra ngoài lái ghe, tụi nó trần truồng không quần áo, giữ cho quần khô, nên để bên trong, đợi lúc vào sẽ mặc đồ khô để ngủ. Nhiều khi thấy tầu lớn ngoài xa, phải nhắc chừng mặc quần vào vì sợ trên tầu lớn họ nhìn bằng ống nhòm thấy ở truồng thì không cứu.

.

z-td-477-tmd.jpg picture by tddesign

.
hình này tôi tự chụp năm 74 tại Trường Sa, năm 77, ba năm sau, chắc tôi cũng không khác mấy, dùng phao vẫy tầu cứu, hay mặc phao vào những khi nguy hiểm. Bây giờ vẫn còn giữ cái phao này.

.

Có lúc chán qúa, thấy bóng tầu ngoài xa, cũng thây kệ, không thèm muốn đến gần hay cầu cứu nữa. Một buổi chiều, còn chút cà phê đường, Boy làm cà phê uống với chút sữa đậu nành, sau đó chui xuống dưới nằm trên đống dừa nghỉ ngơi, chút sau trời nổi giông lắc lư ghe đi, Boy chạy ra ngoài cuối ghe mửa vì say sóng, tiếc bữa ăn chiều, nửa gói mì và ly cà phê sữa mới làm xong, tiếc hùi hụi, đêm lắc lư giông bão, lần sau khi gần say sóng thì nhịn ăn, vì tiếc đồ ăn. Một đêm sóng nhồi to qúa, PhD bị nước đánh mạnh khi lái bên ngoài, cái ống nhòm rất bự của hải quân văng mất xuống biển. Bây giờ mỗi khi đổi ca lái ghe, thì hai đứa chuyền cái địa bàn đeo cổ bên trong ghe, thắt chặt lại trước khi đi ra ngoài lái, sợ văng mất địa bàn nữa là xong. Ngày đi, đêm nào động quá thì ngủ tuốt, bắt đầu không còn thấy tầu lớn qua lại nữa. Chúng tôi biết là đã bỏ đường tầu quốc tế đi lên xuống từ đường Hồng Kông - Singapore rồi, bây giờ chỉ có biển vắng lặng, và giông bão làm bạn mà thôi.

Một buổi sáng, bắt đầu có mặt trời, hết mưa nhẹ, chút mặt trời thôi, PhD và tôi đang trên ca, PhD nói vọng xuống cho biết có bóng tầu, tới ba cái lận. Tôi bỏ tát nước, phóng lên trên ra ngoài. Bây giờ thì định hướng tầu lớn, coi hướng di chuyển của họ, nghề lắm rồi, nhưng phát giác ra là mấy chiếc tầu này hình như không di chuyển, PhD và tôi quyết định lại gần, vùng này nước biển không xanh thẫm sâu và chuyển qua xanh nhạt, xanh có mầu lá cây, biển không sâu, có lẽ là đoàn tầu đánh cá, họ kéo lưới chung chăng, hay bỏ neo nghỉ gần nhau, hay có đảo gần đó. Tôi đoán là như vậy, theo dự đoán, vùng biển chúng tôi đi vào là cạnh bên ngoài của quần đảo Trường Sa, vùng biển này tôi có đi một lần trên Tuần Dương Hạm số 5, Trần bình Trọng, từ cửa sông Vàm Cỏ, dưới Vũng Tầu, đi thẳng ra hướng Đông.

Một hồi lâu sau, kêu Boy và Dao ra hết ngoài, chúng tôi đã nhận ra ba bóng tầu đều mầu trắng, không phải là tầu hàng, mà là tầu sắt đánh cá nhỏ có hai ba cột cao, hiện rõ từ từ ngoài xa, trời nắng đẹp, gió nhè nhẹ, biển thong thả không sóng gíó gì nhiều. Một ngày thật tốt, đón ánh nắng thiếu xót cả tuần nay …

.


Hết bài thứ chín ... coi tiếp bài thứ mười ... những hôm cột lái ngủ ban đêm, mà lao vào khu biển cạn đầy san hô này là coi như vỡ ghe, nằm đó chờ chết đói mà thôi ..


by duongtiden . duongtiman
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam.
.
 
 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.