copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Tuesday, November 13, 2012

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ 15 tiếp theo. The July 4th Boat, part 15 cont. by duongtiden.



.
.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . Chuyến đi tìm tự do …
.

ghi chú: Loạt bài này khá dài, trong blog này có nhiều chủ đề khác nhau, nên dùng Tags ở phiá dưới mỗi bài để đọc riêng loạt bài nào thích, theo nhóm chủ để thì nhanh hơn. Dùng tags bên dưới, hay nhấn vào "home" dưới tên blog bên trên, sẽ đưa qua trang chính, có tags của toàn thể Blog từ trước đến giờ. Cám ơn, và hy vọng làm thỏa mãn được các bạn ... nếu cần, xin cho ý kiến.

.


loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ mười lăm, tiếp theo bài mười bốn lần trước .
.
.


Được nghỉ một chút để uống nước, mấy người sĩ quan chỉ huy ND trên đảo thì cũng nghỉ, ngồi nói chuyện riêng với nhau và hút thuốc lá.
.

Người Đại Úy biệt kích, bây giờ tiếp tục phần tra khảo của mình. Ông ta cho biết, có người tị nạn đã qua đây, đều có đủ, sĩ quan, binh lính trong quân đội VNCH, cái đó là bình thường, vì họ bị trả thù, bị tù tội hành hạ, nên đưa gia đình liều chết đi tìm tự do là tự nhiên. Chúng tôi nếu từng phục vụ trong quân đội VNCH, thì sẽ được giúp đỡ, vì Nam Dương cũng là quốc gia tự do chống CS quốc tế. Nước ND cũng từng bị CS địa phương đảo chính năm 65, và họ đã đánh bại đảng CSND từ đó, tuy nhiên những hoạt động ngấm ngầm của CS địa phương thì vẫn có thể có, và họ phải tiêu diệt. Cái chuyện chúng tôi phủ nhận không phải là thành phần của quân đội VNCH, đó mới là lạ. Còn thì ông ta không tin chúng tôi chỉ thuần tuý là Kiến trúc Sư hay Sinh Viên chưa từng tham gia gì trong chiến tranh. Với lại qua khả năng của chúng tôi đã vượt đại dương, với trang bị quân đội tối tân, và biết cách xử dùng các quân trang đó, đó không phải là khả năng của những người dân sự thuần túy. Ngoài ra, không ai thấy ghe thuyền của chúng tôi, nên theo như được mô tả, nó nhỏ như vậy thì rất là hoài nghi về khả năng đi biển của chiếc ghe.
.

Ngoài ra, ông ta chưa thấy ai tường trình về chiếc ghe chúng tôi đã dùng đi đến gần bờ, chuyến đi chỉ gồm toàn là bạn thân, còn những chuyến ghe đi tị nạn qua đây, thì rất đông người trên ghe, đủ mọi thành phần, đi lên tầu thuyền không quen biết nhau, họ trả tiền, nộp vàng, mua vé ra đi từ những người làm chủ tầu, rồi thì những người lái ghe tầu là dân chuyên nghiệp sống bằng nghề đi biển, trong ghe đầy đàn bà con nít, ai nấy đều rất sợ hãi, không mấy ghe có người biết nói tiếng Anh nữa nói chi, chúng tôi chỉ có bốn người, hoàn toàn là bạn của nhau, đầy ăn học, nói hai ba thứ tiếng, nhìn khỏe mạnh, rất bình tĩnh, không lo sợ, còn có vẻ thích thú trong chuyện mạo hiểm vượt biển, tại sao chúng tôi không mang theo thân nhân, hay chở thêm người để lấy tiền hay vàng. Như vậy đối với ông ta là quá lạ, so với những số đông người tị nạn khác, họ thường là thành phần bình thường trong xã hội ở những làng đánh cá sát biển.
.

z-td-477-laut.jpg picture by tddesign

.

hình tôi ở quân trường Quang Trung, hè năm 1971, sau khi thi xong cuối năm thứ nhất, lính sinh viên, cho nên tóc  mới dài qúa lỗ tai như vậy
.


Tôi trả lời cho ông ta biết là tôi đã có từng vào quân trường, trong chương trình Sinh Viên Học Đường phải thụ huấn quân sự trên một tháng,  học tháo ráp xử dụng vũ khí cá nhân M16, ném lựu đạn, đặt mìn Claymore, và căn bản quân sự, trong kế hoạch Quân Sự Học Đường mỗi năm vào mùa hè của Miền Nam, và tôi cũng nói láo, là mấy đứa sinh viên kia cũng y như vậy. Thực ra chương trình Quân Sự cho Sinh Viên được chấm dứt cuối năm 1971. PhD và Boy học KT năm 72. Ngoài ra tôi là Boy Scout, Hướng Đạo Sinh hoạt động thường trực từ bé, gần 10 năm liên tiếp, nên dĩ nhiên tôi được huấn luyện cách tìm sống, thoát hiểm từ nhỏ. Tôi kéo trong túi bao dù nâu đỏ ra cuốn Boy Scout Hand Book của Hướng Đạo Mỹ dầy tới mấy trăm trang mang theo, đó là cuốn sách Cẩm Nang của Hướng Đạo Mỹ mà tôi rất thích đọc, từ nhỏ tôi đã học tiếng Anh từ sách đó và trong sách có cả trăm cách ứng dụng để mưu sinh. PhD cũng kéo ra cuốn sách cẩm nang của Hướng Đạo Pháp, nó cũng mang theo. Còn thì gia đình của PhD giầu có khá giả, có điều kiện, sống ở Bạc Liêu gần biển, nó từng tự làm thuyền buồm đi ra biển chơi, nên có khả năng về thuyền bè hơn các sinh viên khác, vậy thôi.
.

Còn trong chiến tranh VN, thì quân trang, quân dụng loại hiện đại nhứt của quân đội Mỹ bỏ lại, nó lẫn lộn vào đời sống thường ngày của dân Miền Nam, đó là điều bình thường. sau ngày 30/4/75, thì những thứ quân dụng bỏ đầy chung quanh, chúng tôi thu giữ lại dấu đi, vì nghĩ có lúc sẽ cần dùng đến, đã phải lén lút dấu rất kỹ. Còn quần áo, đồ dùng quân đội cho đời sống bình thường hàng ngày, thì nó rất thông dụng ở Miền Nam, được mua đi bán lại trao đổi, vì toàn là sản phẩm của Mỹ, chế tạo rất là tốt. Ngoài ra, thân nhân chúng tôi đều có người phục vụ trong quân đội VNCH, nên có đồ đạc của quân đội trong nhà, giờ mang đi theo là thường thôi.
.

Ông Đại Úy cho biết, nếu chúng tôi khai thật, chức vụ, đã làm gì trong quân đội VNCH thì coi như xong, đó là lý do tự nhiên tại sao chúng tôi có khả năng vượt đại dương, đêm tối, chui từ biển lên Nam Dương. Ông ta bằng lòng với lời khai đó, mọi chuyện sẽ giản dị, chuyện chúng tôi xâm nhập vào xứ ND là hợp lệ, sẽ đưa chúng tôi di chuyển về trại tị nạn và gặp Phái Đoàn của Liên Hiệp Quốc làm giấy tờ đi nước khác định cư. Còn không thì ông ta sẽ có biện pháp điều tra riêng tiếp của ông ta.
.

Tôi trả lời là không nhận khai láo được, vì khai láo vào hồ sơ, sau này sẽ phải trả lời phái đoàn của những nước xin đi định cư về cấp bậc, đơn vị, số quân được, phải có bằng chứng, nên chúng tôi không nhận gian được, vì có mang theo giấy tờ chứng nhận là sinh viên, kiến trúc sư, thẻ căn cước. Thân nhân của chúng tôi ở các nước khác sẽ đều khai chúng tôi không là quân nhân của VNCH khi làm hồ sơ đoàn tụ, và có nhân chứng là bạn bè cũ, đã thoát đi từ trước, biết rõ chúng tôi chưa hề ở trong quân đội, có sao thì khai vậy. Cũng biết là trường hợp tụi tôi rất là đặc biệt, có lẽ là duy nhất trong lịch sử vượt biển của người VN đi tìm tự do là có 3 sinh viên học cùng trường, tự lấy ghe đi sông để vượt biển lấy, chưa chắc có cái ghe đi sông thứ hai nào mà có thể đi xa tới Nam Dương như ghe chúng tôi. Cho nên bây giờ viết lại hồi ký hôm nay, nghĩ lại thì người sĩ quan tình báo Nam Dương này đã không tin câu chuyện chúng tôi cũng là dễ hiểu. Không biết có chuyến đi nào ít người như bốn đứa chúng tôi, kể cả những người làm nghể đi biển, ngư phủ, hay thủy thủ chuyên nghiệp hay Biệt Hải thứ thiệt nữa hay không.
.

Bây giờ đến ông Cảnh Sát Trưởng kiêm Quận Trưởng điều tra, hỏi kỹ ngày giờ chúng tôi đã ghé qua đảo Laut, đảo đầu tiên mà không vào, ông ta cho biết là cảnh sát đã đến hỏi dân trên đảo, thì họ xác nhận là chiều hôm đó có nhìn thấy chiếc ghe nhỏ rất lạ, lởn vởn bên ngoài bờ đá san hô mà không vào. Lại hỏi chi tiết về buổi chiều trên biển lúc nhìn thấy đám cháy và chiếc máy bay trực thăng. Ông ta cho biết là đúng, vì có ngồi trên chiếc trực thăng đó, đi quan sát đám cháy gần dàn khoan dầu, cháy do dầu tràn trên mặt nước. Tôi nghĩ bụng, không biết ông ta có nói thật không. Tuy nhiên ông này đã nói, dân trên đảo Laut cho biết có nhìn ra biển thấy ghe nhỏ chúng tôi tìm đến đúng ngày giờ đã khai ra. Như vậy cũng là điều trùng hợp để chứng minh chúng tôi đi tới bằng ghe, chứ không phải do tầu ngẩm thả vào bờ. Mà chỉ có tầu ngầm của Nga thôi, chứ tầu ngầm Mỹ đâu rảnh làm chuyện đó làm gì, vì Nam Dương là Đồng Minh của Mỹ, xử dụng vũ khí của Mỹ cung cấp. Sự thực ra mấy người chính quyền Nam Dương này, nghi ngờ và lo ngại nhất là chúng tôi, gián điệp CS quốc tế do tầu ngầm Nga đưa vào để giúp đõ du kích Cộng sản ND nếu có ngoài những đảo hoang vắng, kế gần VN nhất.
.


Thấy chúng tôi không thay đổi lời khai y như từ ngày đầu khi bước chân lên đất Nam Dương. Người Đại Úy ra lệnh cho ông bác sĩ quân đội khám mấy đứa, ông sĩ quan nói, ông bác sĩ này sẽ cho biết chúng tôi có dính líu gì đến quân sự, lính tráng hay không. Tôi nói đâu có bệnh tật gì đâu phải khám, chỉ có thiếu ăn thôi. Người bác sĩ cười nói, không phải khám bệnh tật, mà khám coi chúng tôi có  phải là lính tráng hay không.
.

Bắt chúng tôi cởi quần áo ra, đứng xếp hàng ngang, cách xa nhau chừng sải tay, vẫn còn được mặc quần lót. Ông bác sĩ đi vòng quanh, khám tay chân, khám vai, sau lưng, dưới gót chân, tụt quần lót ra, rồi kéo lên lại, khám bàn tay, từng ngón tay rất kỹ. Sau gần cả tháng trên biển, gầy ốm, thân thể ba đứa kia bị lở loét vì những vết trầy hơi nhiều, nhưng qua hai tuần trên đảo Laut, tắm nước biển đã lành lặn hết. Rõ ràng là họ khám người để tìm bằng chứng, dấu vết như những vết chai ở chân khi đi giầy bốt đờ saut nhiều năm, vai có hằn dấu đeo ba lô hay vũ khí nặng, ngón tay có dấu chai nếu dùng bóp cò súng nhiều, có thương tích dấu đạn trên người hay không, nói chung là họ có lý do của họ, và biết cách khám xét.
.

Được mặc quần áo lại. Người sĩ quan bác sĩ, kết luận, ba đứa kia có ở trong quân đội, vì tay chân xương xẩu nhiều vết chai, chỉ có mình tôi, thì ông ta tin là Kiến trúc Sư, vì tay chân mềm mại và nhỏ. Đó là kết luận của những sĩ quan chính quyền Nam Dương. Lúc đó đến trưa. Họ dẫn chúng tôi ra phía sau. Một cái sàn cây rộng, có mái che, làm nổi trên bờ cát biển, nước rất thấp, bên cạnh có một cái phòng khá rộng, có cửa đôi ra vào, cửa sổ, trước mặt là sân sàn cây, thông với cái phòng đang dùng để thấm vấn. Trước sân cây là nơi cặp vài cái ca nô nhỏ của hải quân, xa hơn nữa thì nhìn thấy chút bờ biển với hàng cây thấp thoáng bên ngoài. Chỉ nhỉn được chút góc căn cứ hải quân, không biết nơi này lớn nhỏ ra sao.

.

Được cho biết sẽ cư ngụ trong căn phòng đó, chúng tôi chỉ được phép ra trước cái sàn cây có mái che khá rộng, chỉ như vậy thôi, coi như là bị giam lỏng. Lúc nào cũng có sự hiện diện của lính Hải Quân canh chừng. Bây giờ coi như là thực sự bị mất tự do 100%, bị giam giữ trong trại hải quân của Nam Dương, họ cho biết vẫn tiếp tục điều tra, khi nào thấy chúng tôi không làm nguy hiểm tới an ninh của Indonesia, lúc đó mới giao vô trại tị nạn dành riêng cho người Việt Nam ở thành phố khác. Mấy người lính lấy phần ăn ra cho chúng tôi, biết người VN không ăn bốc bằng tay như người ND, nên họ có tìm cho mấy cái muỗng để múc cơm ăn, chúng tôi không có ăn bốc. 

.


Qua thời gian nghỉ trưa xong, người sĩ quan tình báo, ông quận trưởng trở lại, dẫn theo một người sĩ quan cảnh sát, anh này tướng trắng trẻo vui vẻ, chỉ khoảng tuổi chúng tôi, người gốc Trung Hoa, trung úy Cảnh Sát nói được tiếng Anh đủ hiểu. Anh ta hỏi chúng tôi về cuộc sống ở SG lúc trước khi cộng sản vào, và nói có nhiều quân đội Mỹ, tới cả triệu người Mỹ ở miền Nam lúc chúng tôi lớn lên, như vậy có biết nhạc trẻ Tây Phương không, có biết Beatles không, và anh này nhê nha hát vài điệu nhạc tiếng Anh của Beatles và yêu cầu chúng tôi hát theo. Dĩ nhiên thì cũng dễ thôi, tôi hát rống biểu diễn cho anh ta nghe một đọan của bài Let it Be, nói về John Lenon, Paul McCartney, Ringo Star … rồi mấy đứa và anh này nhớ được câu nhạc Mỹ nào đều ca chung với nhau như .. there is a house in New Orlearn .. they call the house of the rising sun … cho đến .. who stop the rain … thêm mấy bài nhạc trẻ của Pháp nữa làm anh trung úy trẻ hippy này chịu lắm, vỗ vai chúng tôi cười hát chung rất là vui vẻ.
.

Người đại úy biệt kích và ông quận trưởng quan sát chúng tôi hát hò vài câu nhạc giựt với người trung uý gốc Hoa của họ cũng mỉm cười vui vẻ. Người đại úy chọc tôi: tình báo của Nga Sô cộng sản quốc tế cũng dậy dỗ về nhạc trẻ, phong trào hippy của thế giới Tây Phương, văn hóa Mỹ kỹ quá há. Bây giờ thì chắc ông ta có phần nào tin chúng tôi không phải là gián điệp tình báo do Nga Sô huấn luyện rồi thả từ tầu ngầm vào ban đêm, đột nhập lên đảo. Tuy nhiên, ông ta vẫn chưa điều tra xong đâu. Coi như xong phần của anh Trung Úy cảnh sát, tướng hippy tới nói chuyện với chúng tôi về những top hit, top ten thời còn quân đội Mỹ ở VN, cũng là một kỹ thuật điều tra của tình báo Nam Dương, nếu chúng tôi gốc do CS huấn luyện thì khó mà am tường về nhạc trẻ Âu Mỹ, Hippy a Go Go ... may mà ở đây toàn đạo Hồi, Muslim, chứ không thì họ đã mang vài cô Nam Dương tới nhẩy Be Bop với chúng tôi để thử coi có phải thật sự đã sống trong xã hội tư bản hay không.

.

Nói về nhạc trẻ, không lẽ khoe khoang chứ hồi đó tôi đi theo anh Minh Bò KT65, và Đan đình Thành KT66, tài tử phim Nhạc Trẻ VN, làm đề co cho Đại Hội Nhạc Trẻ ở Sở Thú SG, quyên tiền giúp Cô Nhi Tử Sĩ cho Cục Xã Hội và Cục tâm Lý Chiến, chương trình do Nam Lộc điều khiển. Lúc đó có xe Jeep đến trường KTSG đưa đón đi ăn sáng, rồi đi làm mỗi ngày, tôi có mấy tấm hình chụp trong Sở Thú tóc dài xuống gần vai như người Phi, ngồi cạnh anh Minh Bò, và cô tóc dài mắt kiếng đen to hippy đưa cái hình anh Minh mới vẽ ra sau đầu tôi, hình này bị lạc mất, nếu còn thì nhìn vui lắm. Còn nữa, đi theo anh Minh Bò làm đề co cho phim "Hoa mới Nở" của đạo diễn Lê Dân, lúc quay phim, còn mượn tôi cầm đàn Guitar khẩy accor cho ban nhạc Phi luật Tân ... chỉ chừng một tiếng thu hình, được trả một ngàn rưởi cho việc đó ... còn anh Minh Bò được đóng phim làm kẻ hiếp dâm cô tài tử chính, thiệt là đã ... may mà chỉ giả bộ thôi, làm việc ở khu nhà của ông chủ hãng phim Li Đô, Li Đắc gì đó bên kia cầu qua Khánh Hội đi dọc bờ sông. Thành ra đụng vô lãnh vực này, thì trúng tủ của tôi thôi.

.

.


map_southeast_asia.jpg picture by tddesign
.

Lúc ở VN, tôi không nghĩ VN có chung biên giới biển với Nam Dương. Có thấy hòn đảo Natuna trên bản đồ, nhưng nghĩ nó thuộc về Mã lai Á, từ dưới Vũng Tầu, đi thẳng sát Nam, chệch chừng 176 độ là đâm thẳng vào vùng quần đảo Natuna của Nam Dương, không xa lắm. Chúng tôi nếu có bản đồ hải hành, dư sức đi thẳng tới đó một mạch, có điều không hề dám nghĩ chiếc ghe đi sông có thể đi xa như vậy, kèm theo việc máy ghe bị đứng máy trong sông, thiếu nước, thiếu đồ ăn, nên chỉ hy vọng lang thang trên hải phận quốc tế để chờ vớt.
.


5140137_ee5343c06d.jpg picture by tddesign

.


Bên cạnh căn nhà nhỏ một phòng dành cho chúng tôi ở trong sàn cây còn là cái nhà nhỏ khác có máy phát điện chạy bên trong, gần đó là nhà tắm và vệ sinh, đi cầu thẳng xuống nước, đều là một chùm nhà sàn làm trên cột cây cắm xuống đáy biển. Đêm tối, phòng không có đèn, mà chỉ mở cửa lấy ánh đèn ngoài sàn cây trống ba mặt, và ánh đèn trong căn cứ rọi từ xa đến. Rồi ngủ qua đêm, ngủ rất sớm vì không có gì làm và tối. Dao cho biết ngủ rất đã, nằm trên ghe bên cạnh cái máy tầu bao nhiêu ngày, nghe tiếng máy ầm ĩ quen rồi, nay nghe tiếng máy điện chạy dầu kêu to tương tự gần bên, thành ra thấy quen thuộc trở lại và ngủ rất ngon.
.

Ngày hôm sau cũng chỉ ngồi bó gối, thơ thẩn trong cái sàn cây sáu bẩy thước mỗi bề, và cái phòng rộng để ngủ, vậy thôi, coi như bị giam giữ lâu lần đầu tiên trong đời. Ăn uống thì do lính hải quân trong đó cho ăn, doanh trại có nấu cơm cho lính nên chúng tôi thêm miệng ăn ké trong đó. Vào ra không biết làm gì cho hết thời giờ, có điều tốt hơn là không bị ăn đói, và có thêm đồ ăn ngoài cơm, không bị ăn đọt lá khoai mì như trên đảo Laut nữa.
.

Đang nằm trong phòng, thì bị đập vách kêu ra, thấy thiếu thằng Boy, không biết nó ra ngoài từ lúc nào. Đi ra ngoài sàn cây, thấy Boy ướt nhem, quấn cái khăn tắm nhỏ mầu xanh lá cây của quân đội Mỹ che bu gi. Một người lính hải quân đứng gần Boy, ra lệnh cho nó cứ đứng đó, còn chúng tôi thì xếp hàng ngồi dưới sàn phía trước. Tôi hỏi Boy chuyện gì vậy, nó nói tao đâu biết gì đâu, đang tắm, rồi lau chà người thì tên lính HQ này đi tới kéo nó ra ngoài, ra hiệu đứng đó chờ. Chúng tôi rất thắc mắc không biết chuyện gì xẩy ra đây.
.

Lính hải quân đi kêu người đại uý biệt kích và vài sĩ quan hải quân lại, vây chung quanh chúng tôi. Họ nói chuyện với lính của họ chút, rồi quay qua tra khảo chúng tôi. Người Đại Úy nói: Boy không hề đi lính, tại sau khi tắm, nó biết cách kéo cái khăn tắm, của lính Mỹ chéo sau lưng, kéo hai chiều khác nhau qua lại, chỉ có đi lính mới biết xài khăn tắm kiểu này thôi. Thiệt tình tôi nghe cũng quá tức cười mà không biết trả lời làm sao. Tôi mới hỏi bộ người Nam Dương không tắm như vậy sao, họ nói không, dân không có tắm như vậy, nếu đi lính, được phát khăn tắm thì biết tắm như vậy. Hồi lâu tôi mới nhớ là người ND mặc xà rông như cái váy dài, họ không dùng khăn tắm loại trung bình, hay loại rộng để tắm, họ dùng khăn mặt thì có, dùng xà rông lau người rồi giặt luôn.
.

Tôi mới trả lời là người VN tụi tao không mặc xà rông, nên đi tắm có khăn tắm để lau khô người, còn kéo khăn qua lại sau lưng, thì tụi tao có đi học quân sự mỗi năm một tháng trong quân trường, có tắm chung, nên biết cách kéo khăn kỳ cọ sau lưng đâu có gì lạ đâu. Cái này thì tôi nói láo, sau năm 1971, Sinh Viên miền Nam, không còn phải đi huấn luyện năm tuần trong quân trường nữa. Người sĩ quan tình báo không nói gì thêm, rồi họ bỏ đi hết, chỉ còn chúng tôi ở đó với nhau. Boy giờ đi lấy quần áo mặc vào, sau một hồi đứng tim .. he he vì hắn biết tắm kiểu lính, kéo chéo khăn tắm qua lại sau lưng. Hết ý kiến. Tuy nhiên đó là điều làm tôi phải suy nghĩ.

.

Vào trong phòng, khép cửa sơ lại, tôi nói chuyện với mấy đứa: như vậy là tụi lính Nam Dương đang theo dõi chúng tôi 24/24, theo dõi ngầm từ xa, mấy đứa đang bị rình rập, khi đi ị đi tắm đều bị ngó trộm, nhớ dùng tay phải chà xà bông, tay trái dùng móc chùi cái đó thì tụi ND mới không thấy bị đụng chạm nhe. Nhất là thèng Boy, hay dùng tay trái cho mọi chuyện nên chúng ghét, bị tóm lôi ra là phải rồi, từ đây đừng có hành động nào khả nghi hết nhe. Bây giờ tôi không biết trong hành lý từng đứa mang theo, có cái gì có thể làm cho họ nghi ngờ chúng tôi là VC, hay gián điệp CS hay không, thì mỗi tên phải tự nhớ ra những vật riêng tư mang theo có gì, có thể tạo ra thêm nghi ngờ nữa hay không, đồ gì mang theo trong hành trang thì là chuyện riêng của từng đứa, tuy nhiên đừng để làm liên lụy chung đến tất cả. Họ đã bắt chúng tôi tụt quần ra khám rồi, mà chưa khám hành lý, thì có lúc họ sẽ làm thôi, bây giờ là lúc thanh toán những gì dễ bị nghi ngờ.
.

Boy nhỏ nhẹ cho biết có có mang theo một tấm hình chụp cầm súng, tôi hỏi súng gì, cầm súng VC phải không. Tôi hết hồn, bàng hoàng, mày mang tấm hình chụp cầm súng VC đi theo làm gì, bộ mày thương nhớ súng VC tới độ mang hình qua Mỹ hù tụi nó hả. mày mang hình cha mẹ gia đình đi thì có lý, mang hình mày với súng VC đi làm gì, khùng hả … hình đâu. Chúng tôi ngó quanh, coi không có ai bên ngoài, quan sát chung quanh căn nhà thật kỹ, rồi ra dấu cho Boy kéo hình ra.
.

Nó kéo tấm hình mầu, mặc quần jean, áo thung trắng, tay cầm khẩu CKC, súng trường Nga báng đỏ, gỗ nâu đậm. Tôi chụp cho nó tấm hình này tháng 5/75, lúc đi giữ cái Vila ở Yên Đổ, gần ra góc Trương minh Giảng, nơi đây là sở vẽ kiến trúc của một nhà thầu Mỹ bỏ lại rất đầy đủ nguyên vẹn, từ vật dụng, đồ đạc dụng cụ vẽ, cho tới ngay cả cái danh sách nhân viên VN để di tản cho đến xe hơi, Toyota du lịch với chiều khóa, còn đầy đủ. Trong đó có nhiều súng ống, từ tiểu liển commando của Sweeden cho tới nguyên khẩu đại liên M60, còn khẩu CKC là do VC trong trường Kiến Trúc phát riêng cho sinh viên đi giữ nhà. Tôi đi mót xăng còn khá nhiều trong kho, để tập lái cái xe Toyota automatic trắng, sedan trong sân biệt thự rộng này, còn dư xăng thì nhắn gọi đám KT bạn khác ghé qua, đổ cho mỗi tên đầy bình xăng xe gắn máy.

.

Lúc đầu còn gác chung với một hai bộ đội, sau thì chỉ còn chúng tôi. Có hôm một người thường, đến trước cổng nói nhỏ với tôi là còn giấy tờ quan trọng bỏ quên trong đó, năn nỉ tôi cho vào tìm, tôi nói không, hỏi anh ta giấy tờ gì, nếu là giấy danh sách những người làm trong đó được đề nghị di tản qua Mỹ, thì tôi đã nhìn thấy và đốt đi từ ngày đầu rồi. Ngay chiều đó, tôi, Boy và PhD bắt được một đứa nhỏ chừng mười bẩy tuổi leo tường, vượt rào kẽm gai vào, chắc do người đàn ông này chỉ huy, trói ké lại chờ giải giao đi chỗ khác. Tối về nhà ăn cơm rồi trở lại, thì đứa nhỏ đã trốn mất tiêu, tôi hỏi thằng nhỏ bộ đội Bắc Kỳ tại sao thằng kia trốn được, tên này cho biết nó đòi đi tiểu, cởi trói cho nó đi tiểu, sau đó trói lại rồi mà, giờ thì nó trốn mất tiêu vì tên nhóc tì bộ đội này, kêu bạn bè gần đó xúm vào coi tạp chí ở truồng Penthouse của chúng tôi trong phòng riêng, quên luôn canh gác nhóc tì tù binh khác đang bị nhốt. Sau đó các đồng chí bộ đội này kéo nhau đi về trại riêng, tôi cho Penthouse nhưng không dám cầm về trại. Đêm tối thì chúng tôi tự coi nguyên cái biệt thự khổng lồ. Ban ngày thì bộ đội con, vài đứa hay kéo qua chơi nhờ vả này nọ, hay coi tiếp tạp chí đế quốc ở truồng.

.

Chưa hề khám phá hết cái biệt thự với toà nhà phía sau trước đây, vì chúng tôi ngại còn nhiều phòng có thể bị gài cạm bẫy hay đặt chất nổ bên trong. Nhưng nay vì có chú nhỏ nhốt trong này trốn thoát, nếu mà, không soát kỹ, chú còn núp trong nhà, đêm mò ra mần thịt mấy đứa tôi thì không xong. Chú nhỏ này là dân chơi, tay không, biết chúng tôi có súng ống mà vẫn vượt rào kẽm gai cao leo vào chẳng sợ gì, chẳng sợ bị bắn, rủi mà chú vớt được khẩu súng, lia một băng là đời tàn chúng tôi, lúc đó đâu biết ai theo phe đảng bên nào. Trang bị đầy đủ tiểu liên nòng ngắn lỗ tròn của Sweeden mà mấy đứa vẫn được phép giữ riêng, Tôi, Boy và PhD bắt đầu lục hết tất cả kho tàng còn lại từ từ cẩn thận, để rà soát tìm chú nhỏ leo vô hồi chiều nếu còn trong nhà thì phải lục cho ra, không biết trong này còn những thứ gì mà có người chú ý, nhất định xâm nhập vào. Kết quả thì có thật lạnh người, thâu được kho vũ khí nhỏ, thêm mấy khẩu tiểu liên, M16 và nguyên cây đại liên M60 cùng đạn được, cả lựu đạn. máy truyền tin đầy đủ, chỉ còn thiếu nguyên chiếc trực thăng mà thôi. Mang cây đại liên ra phòng ngoài, nơi có Phước KT72, đang canh chừng, Phước có cái xe đạp course dựng bên tường, mấy đứa loay hoay đùa dỡn với khẩu M60 làm sao mà nó cướp cò, khạc vài viên vào tường ngay chiếc xe đạp. Phước lớn chiếc xe đạp không dính viên đạn nào thế mới lạ.

.

Khi đi ra ngoài mở cổng cho xe cơm do Chung Già KT71 lái đưa cơm từ trường KT tới hay gặp VC đi tuần hàng ngày, thì Boy vác khẩu CKC báng đỏ này đi ra cho hợp lệ, có lẽ vì vậy cho nên tôi chụp tấm hình kỷ niệm, còn kho vũ khí riêng, vẫn dấu chỗ khác, chỉ đổi chỗ trong ngôi nhà đó, còn hỏi sau này có mang nộp kho tàng không, thì có, còn nộp đủ không, thì là chuyện riêng, xin đừng thắc mắc, được chia phần trăm công giữ của là điều tự nhiên.


.

Sau 75, thì tôi lấy phim mầu ra chụp cho hết, vì sẽ hết hạn, giấy thuốc rửa hình mầu cũng hết hạn. Tiệm rửa hình mầu ngoài Ngô đức Kế, tiệm Perfect cho giá rẻ, rửa hình khổ to post card chỉ bằng giá cõ nhỏ hơn, vì họ cũng muốn xài cho hết giấy, phim, thuốc rửa hình trước khi bị hư vì quá hạn. Nên tôi chụp hình mầu vung vít trong thời gian đổi đời này, Boy cũng được một tấm. Lúc đó tôi đi gác nhà chung với PhD và Boy. Tối đến lấy rượu Martel ra rửa dao, cắt đồ ăn nhậu và coi Penthouse thoải mái. Rượu đế quốc thì có người quen nhờ mang đi đổ dùm hàng thùng vì sợ VC giết, nhiều thứ ăn chơi tư bản lắm, kèm theo cả thùng xì gà, thùng tạp chí ở truồng Penthouse nữa. nên dư Martel để rửa dao và đốt xì gà thoải mái qua đêm.
.

Tôi nói với Boy, thôi mày thủ tiêu tấm hình đi, mấy đứa dàn ngang ngồi che cho Boy, xé nhỏ tấm hình, vài miếng nhỏ, thật nhỏ, rồi nó thả xuống kẽ sàn nhà, qua lớp ván, rớt xuống nước biển trong bên dưới. Nhưng gì mà kỳ vậy, tôi nhìn kỹ, vài miếng vụn hình rớt xuống, nó không thèm chìm mà nổi lềnh bềnh, trôi từ từ ra vùng nước trống trước nhà. Sợ tụi lính hải quân Nam Dương nhìn thấy vớt hình lên, tôi nói không được, không xé thả xuống nữa. bây giờ mày xé nhỏ tấm hình ra luôn bỏ vào miệng nhai nuốt đi. Giấy hình mầu Kodak tốt quá, nhẹ không chịu thấm nước, nổi lềnh bềnh. Boy đau khổ, từ từ bỏ miệng nhai nuốt hơn nửa tấm hình còn lại, thêm vài ngụm nước. Chắc ngày mai nó táo bón vì những chất hoá học tàn độc của đế quốc Mỹ. Đúng là không chết đói trên biển mà phải ăn tấm hình mầu, thằng Boy này phải ăn vì nó điên, tự nhiên mang hình có súng VC đi theo không biết để làm gì nữa, hết chuyện. Như vậy sau này qua Mỹ không biết Boy có bị biến chứng gì không? từ viên thuốc lạ tôi cho uống trong tiệm cà phê ở Cần Thơ, giờ tới tấm hình mầu giấy Kodak … hết ý kiến. Xong một kỷ niệm, rồi chuyện gì sẽ xẩy tới nữa đây.
.
.

hết bài thứ mười lăm … đọc tiếp bài thứ mười sáu … Ông quận trưởng chỉ mấy gốc cây đang đào lên dở để làm sân đánh tennis, nói chúng tôi sẽ phụ giúp làm chuyện dọn các gốc cây. Tôi từ chối, nói chúng tôi không phải là tù nhân, mà là người tị nạn, được Liên hiệp Quốc giúp đỡ, bảo vệ và trả mọi chi phí cho chính quyền địa phưong …. Người Đại Úy tình báo hỏi tôi tại sao nhiều xi măng và sắt quá vậy … tôi trả lời: ở miền Nam VN, đổ bê tông sàn tốt như vậy đó, giống y hệt tiêu chuẩn Mỹ …
.


by duongtiden
.
.
by duongtiden . duongtiman
con thuyen thang bay, july 4 boat, dai hoc kien truc saigon, kien truc viet nam, images vietnam architecture, 4 of july, can tho, escape from vietnam, boat people, thuyen nhan, ti nan viet nam.
 
.
 
 

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.