copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Friday, August 20, 2010

An Lộc, Bình Long và tôi .. một truyện dài. By duongtiden.

.
.


.
.
An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười một. By duongtiden.
.
.



Má nằm điều trị ở khu ngoại thương dành riêng cho nữ bịnh nhân, những vết thương cắt nát sau lưng chỉ là miểng đạn và những vết cắt của kiếng, lấy hết miểng ra, khâu vết thương lại, bà chỉ nằm BV để thay băng, tránh bị làm độc và chờ lành vết thương thôi. Má khỏe đi đứng được gần như bình thường. Mỗi ngày hay đi qua bên giường bịnh của ba bên khu của nam bịnh nhân coi sóc và chuyện trò với ba, má cũng đi ra ngoài BV Chợ Rẫy được để mua những thứ cần thiết. Còn ba, thì chụp quang tuyến X-ray, thấy miểng đạn nằm yên trong hai đầu gối, chui vô từ phía sau, nằm yên không thấy tàn phá xương hay gân gì. Bây giờ không biết có nên giải phẫu lấy miểng đạn ra hay không, vì như vậy sẽ đụng chạm gân hay dây thần kinh sẽ nguy hiểm hơn, ba cử động được phần chân bên dưới và còn có cảm giác đầy đủ. Như vậy là trúng miểng đạn, chứ không phải đầu đạn bắn thẳng vào.
.
.
ztdal-bvchoray-p.jpg picture by tddesign-1
.
hồi ba má nằm ở Chợ Rẫy, chỉ có mấy kiểu nhà như vầy, chia thành nhiều dẩy nhà bên trong BV.
.
.
.
 
Người bạn lớn hơn của anh Hai tôi, lúc trước khi anh hai chưa đi Mỹ, cò đến nhà tôi chơi, bác sĩ Trần xuân Ninh, lúc này mới tu nghiệp giải phẫu ở đại học Mỹ, John Hopkins ở Baltimore, Maryland về. Anh Hai nhờ anh Ninh đến khám cho ba, coi quyết định có nên mổ hay không. Sau khi coi kỹ X-ray và khám, anh Ninh khuyên là nên để yên như vậy, chờ coi biến chứng, chỉ kiểm soát chống nhiễm trùng, chở lành vết thương coi ba có hồi phục, đứng và đi lại được không, lúc đó sẽ tính tiếp, nếu tệ hại hơn thì sẽ mổ tiếp sau đó. Cứ như vậy, chúng tôi chia nhau vào thăm ông bà trong BV, má thì thỉnh thoảng cũng rời nhà thương đi về nhà, coi chúng tôi ra sao.
.
.
.
ztdal-bvchoray-p.jpg picture by tddesign-1
.
lúc 67, chưa có dẫy nhà nhà BV cao, do chính phủ Nhật xây tặng, trong chương trình bồi thường chiến tranh.
.
.
 
 
Sau ba tuần thì má lành vết thương, chỉ còn dán băng mỏng, xuất viện. Chỉ còn ba nằm tới mấy tháng, tập đi đứng. Mỗi chiều thứ năm, đuợc nghỉ hai giờ sau, giờ học giáo lý của học sinh Công Giáo ở Nguyễn bá Tòng, tôi lại tà tà đạp xe qua Hồng Thập Tự, đi dọc Hồng Bàng để vào Chợ Rẫy thăm ba, đường đi bên những hàng cây dầu cao, gió thổi bay những trái dầu, quay tròn hai đầu cánh chong chóng, tôi ngước lên nhìn trời, và cám ơn là ba má vẫn còn sống sót. Chiều tối đạp xe về hướng chợ cá Nguyễn Tri Phương, theo đường Tô Hiến Thành, đi về ngã ba Chợ Hòa Hưng, về nhà. Cứ đạp xe chầm chậm và vui, vì lần đầu tiên, tôi còn nhớ được, đây là lần đầu, mà tất cả mọi người trong gia đình đều ở chung một nơi, Sài Gòn. Tuy ba vẫn còn nằm trong BV, nhưng cũng về nhà sớm thôi. Bộ Công Chánh sắp xếp cho ba làm việc mới tại Khu 3 Công Chánh, ngay đường Nguyễn Thông, cũng không xa nhà lắm.
.
.
.
ztdal-tansonnaht-1969.jpg picture by tddesign-1
.
đám cưới tỉnh lẻ, lễ rước dâu đi từ dốc gần nhà ga An Lộc về chợ Cũ, những ngày bom đạn chưa tới, đầu những năm 1960.
.
.
.
z-td-anlochouse.jpg picture by tddesign-1
 
 
.
.
.
 
Khi lên Bình Long nhận việc, ba cũng thích sự yên lặng, an lành ở đây, nếu không có chiến tranh, thì cũng sẽ nghỉ già nơi này, nhà trên Bình Long có đầy đủ đồ đạc và giữ những sách vở, đồ đạc kỷ niệm của chúng tôi, vì mấy anh chị em sống ở Sài Gòn, cũng chỉ là thuê nhà, hay thay đổi chỗ ở sau vài năm. Bây giờ, ba má thoát An Lộc, sống sót trở về, chỉ có bộ quần áo ướt máu trên người thôi. Trong nhà trên An Lộc, bây giờ chắc bị người ta vào lấy hết đồ rồi. Ba làm bên Ty Công Chánh, chỉ cách nhà hơn trăm thước xéo bên Bệnh Viện Bình Long, hy vọng họ cho người qua coi và thu dọn nhà, mà đạn pháo bay vào thì chắc đồ đạc, tài sản cũng hư hại nhiều rồi. Ít tháng sau, thì mấy người trong Ty Công Chánh Bình Long, theo lời yêu cầu của Ba, khi có chuyến xe công tác chuyển về SG, họ mang đến tận nhà cái xe mô tô cho ba. Ông chỉ cần như vậy thôi. Đây là chiếc mô tô thứ hai, mầu đen, chứ không phải chiếc Peugeot mầu xanh lá cây mà tôi còn nhớ khi ở An Lộc. Chiếc xe bị mảnh đạn làm xì lốp, miếng kiếng che đèn trước, lủng một lỗ tròn to. Ba tìm thấy trong nhà có đĩa thủy tinh pha lê cùng cỡ, ông úp vào thay kiếng đèn, bắt dây sắt giữ kiếng lại. Nguyên căn nhà trên An Lộc bây giờ chỉ còn chiếc mô tô mang về được SG. Má nói: “thôi của đi thay người, vẫn còn may mắn là còn sống … “
.
.
.
d-papa1.jpg picture by tddesign-1
.
Chiếc xe mô tô của ba được mang về Saigon từ An Lộc, sau này sửa lại. nhìn kỹ trên hình, đèn xe vẫn là cái đĩa thủy tinh được dán băng keo vào khung đèn. Hình trên, ba chụp chắc vào năm 1979 hay 80, trước hồ Con Rùa ở Sàigòn.
.
.
 
Anh hai đi Mỹ về năm trước, đi vòng qua vài xứ như Nhật, Hongkong và Đài Loan, Taiwan, mua maý hình, mua những thước tê, rất đẹp của Nhật đựng trong bao, cán vặn ốc ra gấp thẳng theo chiều dài. Lúc này tôi được phép học chụp hình và dùng máy của anh, được dùng tê và êke để vẽ những họa đồ máy bay kiểu nhỏ của tôi từ những tạp chí và sách máy bay của Mỹ. Tôi cặm cụi vẽ họa đồ máy bay làm bằng gỗ, theo mẫu chiếc khu trục chong chóng Stuka của Đức trong đệ nhị thế chiến, nắn nót vẽ mực, trên hai tờ giấy khổ nhỏ gián lại, vì không có giấy khổ lớn, ghi chú đầy đủ bằng tiếng Anh, kích thước đàng hoàng, nắn nót thêm lá thư tiếng Anh nữa, đi ra bưu điện gửi cho một tạp chí máy bay kiểu nhỏ ở Mỹ, hy vọng họ sẽ đăng và trả công. Cuối cùng chẳng thấy gì, thôi cũng nhờ vậy mà biết vẽ họa đồ, để sau này thi vào Đại Học Kiến Trúc và biết thêm chút vốn liếng tiếng Anh, lúc đó mới học lớp đệ tứ, là lớp chín bây giờ, như vậy cũng là gan góc và chịu khó, tự tin lắm rồi. Mà con nít học lớp đệ tứ thời đó làm được gì hơn đâu, tui lại dám làm chuyện ruồi bu, vẽ bài, gửi cho tạp chí của Mỹ.
.
.
.
.
.
 
Bây giờ tìm lại còn sót tấm hình chiếc máy bay nhỏ do nhà mang qua khi đoàn tụ, còn lúc đó không hiểu tại sao không chụp hình ba má lúc nằm bịnh viện Chợ Rẫy. Có lẽ đây là chuyện buồn, tai nạn, nên không ai muốn ghi lại hình ảnh làm gì. Ba chống gậy tập đi, cuối cùng đi đứng lại bình thường, nhưng không được như trước khi bị bắn. Còn chiếc mô tô, chỉ để nghó chơi thôi, ba còn yếu, chưa chống nổi chiếc xe nặng nề này, ba đạp xe đạp đi làm hàng ngày. Mọi chuyện trong gia đình lại trở về bình thường. Chuyện An Lộc đi vào trong yên lặng của kỷ niệm của mọi người, có lẽ chỉ trong lòng, trong tim ba má, tôi, đứa em út là có nhiều An Lộc trong đó hơn, vì chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian sống ở nơi này.
.
.
Năm 67 là như vậy, có điều làm ba má rất vui là anh kế tôi, học Petrus Ký, thi tú tài một, đậu hạng Ưu, lại học sớm trước 1 tuổi. Tuy nhiên gia đình nghèo, nên anh cũng không được thưởng cái gì, vẫn đạp xe đạp đi học hàng ngày. Anh hai học kiến trúc của những năm chót, thỉnh thoảng có dịp đi Nhật hay đi Phi Luật Tân đại diện Tổng Hội Sinh Viên đi dự hội nghị quốc tế. Chị lớn tốt nghiệp đại học Văn Khoa. Mấy đứa em như tụi tôi thì đang học trung học. Coi như trong năm này, nhiều chuyện xẩy ra liên tiếp trong gia đình, như vậy mọi chuyện qua cũng nhanh. Cứ đợi anh hai đi ngoại quốc mua đồ mang về, hy vọng có chút đồ cho mình. Kể ra thì bây giờ nghĩ lại, ông anh lớn cũng dễ tính, cho nghịch ngợm máy hình, sách vở và đồ dùng của ông. Chỉ nhớ có một lần, chút xiú bị ông ta đinh cho vỡ mặt vì tội nghịch ngợm. Lúc đó anh hai mới đi Phi về, tôi mở cái máy hình Canon ra coi bên trong có gì lạ, mà không biết là có cuộn phim còn đang chụp ở bên Phi chưa xong, ánh sáng lọt vào là hư hết phim, không phải hình thường, mà hình đi ngoại quốc dự hội nghị sinh viên của anh ta. Chắc không mất nhiều hình, hay cuộn phim chỉ mới có ít tấm, nên không thấy ông ta nổi khùng đục cho tui một trận, mà chỉ thấy bị chửi chút ít thôi. Tò mò, và … thiếu suy nghĩ đắn đo là tui lúc đó, tuy nhiên sau thì cẩn thận hơn.
.
.
Lần đi Nhật thứ ba, anh hai mang về cái máy đan len hiệu Singer cho má. Cả nhà đâu ai biết xài, còn muốn biết thì phải đóng tiền đi học, người ta chỉ cho bằng tiếng Việt, mất thời gian và mấy ngàn tiền học phí. Má thì đan len bằng tay giỏi lắm và rất nhanh, nên cũng không ham đan bằng máy, nhưng nghĩ đi học đan máy ở tuổi đó là bà không ham rồi. Còn tui thì thấy máy móc là ham lắm, lần này thì xin phép đàng hoàng, xin anh hai cho phép tui vọc cái máy đan len, với cuốn sách chỉ dẫn bằng tiếng Anh. Tui và anh kế, giỏi tiếng Anh hơn tôi rất nhiều, hai anh em gỡ máy ra, tháo ráp cho thành hình, sau đó thì ông anh kế tui còn phải lo học thi tú tài, nên chỉ có mình tui vọc phá. Nói vậy chứ, nếu làm bậy chỉ có kẹt hay cong hay làm gẫy kim đan thôi, tuy nhiên cũng có sẵn năm saú cái kim đan dư, ngoài ra, hỏi gía, thì mua kim đan máy mới ở VN cũng không mắc lắm, cho nên, mấy người cũng tò mò coi cái máy đan ra sao nên khuyến khích tôi tự nhiên phá máy.
.
.
Rồi tui cũng tự mò, tự đọc sách chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tự đan được, không khó lắm, lúc đầu thì bắt đầu đan trơn, sau thì nhìn những thẻ mẫu, đổi qua đan kiểu, cứ thế mà mò mẫm quyển chỉ dẫn bằng tiếng Anh, coi như học sinh ngữ, một công hai ba chuyện. Cuối cùng thì tui đan phăng phăng, đan liên tục. Có điều đan gấu áo hơi khó, vì phải đan làm sao cho nó thun bó, hơi khó, và hình như phải mua thêm cái dàn đan gấu, mà máy mang về không có. Thế là má tôi sẵn sàng đan gấu bằng tay, rất nhanh, sau đó tôi chỉ móc phần gấu vào máy, tiếp tục đan phần trên, còn bao nhiêu mũi, to rộng dài như thế nào, thì má cứ việc chỉ dẫn. Thế là tôi ngồi sau dàn máy đan len, kéo máy kêu sành sạch, âm thanh vui tai. Con nhỏ Hồng, học thua tôi một hai lớp, ở ngay bên cạnh, đúng bên ban công lầu nhìn qua coi tui kéo máy đan, thiệt là phục tui sát đất, và thấy kỳ cục, một thằng con trai, cởi trần vì nóng, kéo máy đan xoành xạch. Có điều SG nóng qúa, đan áo chờ có dịp đi Đà Lạt thôi. Còn trong gia đình, thì anh hai cũng nhìn tui có vẻ lạ lùng lắm. Lúc này thì tui học luôn cách xài cái máy may điện của má, vì mỗi lần hàn thay hai cục than trong mô tơ cho bà, hay thay cái nút nhấn điện chế ra dưới chân để thay cho cục nhấn nguyên thủy đã hư từ lâu, tôi đều phải nhấn coi máy may chạy thử. Cuối cùng thì lấy luôn được cái chuyên hiệu thợ may, trong ngành Thiếu của Hướng Đạo. Thành ra biết xài máy đan len thiệt khó, rồi mới biết may máy may điện sau, trái ngược như vậy. Mà đàn ông con trai, con nít, lại rành đan máy với máy may.
.
.
Nói chuyện đi Hướng Đạo, ba về ở SG, một hôm có chú ý đến chuyện HĐ của tôi, biết ông Trần văn Lược lúc đó đang làm Tổng Ủy Viên của Hội HĐ, ba hỏi thêm về ông này, nói có anh là Trần văn Thao, ngày xưa ba cũng đi Hướng Đạo ở Hà Nội với hai anh em ông này, ba còn nhớ, hỏi ông này có phải răng hơi vẩu, tức là hơi hô phải không. Tôi nói chưa có dịp gặp mặt nên không biết. Sau có dịp gặp anh Lược (HĐ xưng hô với những người gìa cũng bằng Anh), quan sát thì đúng ông này hơi vẩu. Tới gặp ông ta và nói Ba tôi có lời hỏi thăm. Ông này hỏi ba làm ở đâu. Ít lâu sau, ba có kể là ông Lược có đến thăm ba ở nơi làm việc, Khu 3 của Bộ Công Chánh.
.
.
.


An Lộc và tôi không còn gì nối dính nữa, ba tôi sau thời gian dài, gần 10 năm, bỏ lại chút máu ở đó, má cũng vậy, thoát chết về được SG, gia đình lại đoàn tụ, ăn cơm ngồi chung bàn có đầy đủ tất cả gia đình, bao nhiêu năm mới có được một hai năm như vậy. Kể ra cũng lạ. Còn ba má cũng không thấy nhắc chuyện cũ An Lộc ra trước mặt chúng tôi nữa.
.
.
Qua năm sau. 68, năm Mậu Thân, sau trận Mậu Thân, VC bắt đầu pháo kích vào trong SG, không cần biết sẽ rớt vào chỗ nào. Nhà kê cái giường cây, lớp măt cây lên cao bằng những cục gạch, khi pháo kích ban đêm, thì chui xuống dưới giường. Còn tôi thì cứ nằm lì trên lầu là gác cây ngủ, không chịu xuống nhà chui dưới gầm giường. Má cằn nhằn sao tôi không chịu xuống. Tôi trả lời là trái 122 ly, trúng ngay nhà, chui dưới đó bị thương tàn tật mắc công lắm, nằm trên này, trúng trái hỏa tiễn 122 thì chết liền, khỏi thắc mắc. Ba chửi tôi là thằng điên. Tôi cũng phải bò xuống nhà cho ông bà vui lòng, nhìn thấy ba tôi run rẩy trong góc nhà, đầu đội cái nón an toàn dùng đi mô tô của ông, ba tui chống hỏa tiễn 122 ly bằng cái nón mô tô, thôi phải hiểu, ông đã thoát chết năm trước với lần tấn công trực tiếp và pháo kích của VC trên An Lộc.
.
.
Lúc này thì tôi dự khóa cứu thương của Hội Hướng Đạo Nam và Nữ, tổ chức tại hội quán Nữ Hướng Đạo gần ngay góc Hồng Thập Tự và Pasteur, ngay sau lần tấn công tết Mậu Thân để đi giúp đồng bào chiến nạn, học liên tiếp hai tuần lễ do các sinh viên năm cuối đại học Y khoa dậy, sau đó tôi theo anh Long, đi thực tập và bắt đầu phụ giúp ngay ở Bịnh Viện Nhi Đồng, gần chợ Cá Nguyễn tri Phương. Mỗi tối, mấy đứa nhỏ chúng tôi đến bịnh viện, phụ giúp khu cấp cứu vào ca đêm. Khi pháo kích bắt đầu nổ vang là chúng tôi ra khu cửa cấp cứu chờ, không bao lâu là xe cứu thương hụ còi chạy vào, chúng tôi kéo băng ca ra, khiêng những em nhỏ bị thương vào phòng cấp cứu, em nào đã chết rồi thì xếp qua một bên, chờ làm giấy tờ, ghi tên tuổi, gắn thẻ giấy trên người rồi chờ khiêng vào nhà xác.
.
.
.
ztdal-68-saigon.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
Lần đầu thấy máu thật, thấy thân thể vỡ tung ra, thật là khủng khiếp, ghi giấy tờ mà ghi không nổi, nam nữ đã thấy rõ ràng mà còn cứ hỏi nạn nhân nam hay nữ, thật là mất bình tĩnh. Sau đó thì lấy máu mang đi thử để truy ra loại máu, đi lấy máu để tiếp, rồi chờ được sai vặt, làm được chuyện gì thì làm, qua đêm như vậy rồi thì về gần sáng thì lắng dịu lại, không có pháo kích nữa thì không còn nạn nhân con nít được chở đến. Chúng tôi làm việc ở khu ngoại thương, tức là trị các thương tích từ bên ngoài vào, thường là do súng đạn hỏa tiển xâm nhập vào cơ thể. Hai tuần liên tiếp như vậy thì quen đi, làm nhanh hơn và có thì giờ chơi giỡn và đùa nghịch tiếp là coi ai gan dám vô khu nhà xác một mình. Như vậy mà coi như an toàn hơn cho mấy đứa con nít chúng tôi, không sợ pháo kích nữa vì ở trong nhà thương có tới bốn tầng lầu mái bê tông.
.
.
Lúc này trường học vẫn còn đóng cửa chưa được đi học vì các trận đánh trong thành phố còn tiếp diễn, tới thêm qua trận công kích tháng 5 kế tiếp. Không trực đêm khi hết pháo kích, thì chuyển qua làm phụ ca ngày, đi thay băng trong khu ngoại thương của BV Nhi Đồng do bác sĩ Trần xuân Ninh làm trưởng khu. Vì là bạn của anh hai tôi, nên ban ngày tôi được đi theo BS một vòng buổi sáng khám bệnh để học hỏi và quan sát. Khi làm việc thì anh Ninh không có dịu dàng nhỏ nhẹ như khi đến nhà chơi, mà rất là nghiêm khắc.
.
.
Lúc này thì qủa thật, khi nhớ về An Lộc, cũng thấy nhớ và buồn, bỏ thời kỷ niệm, bỏ tuổi thơ lại đó, gia đình mất hết tất cả những sách vở cũ, những hình ảnh, an bum, kỷ vật hồi nhỏ, ba má và gia đinh mất luôn tất cả những đồ kỷ niệm ít ỏi còn mang được từ hà Nội, khi bay vào Nam năm 54. Ba hay khoe cái búa và cái kềm của Pháp, mang vào từ Hà Nội. Tôi cũng thắc mắc là gia đình đi máy bay từ HN vào Tân Sơn Nhất, mà ba bỏ cái búa và kềm trong hành lý, nặng chết, thế mà cuối cùng mất hết ở An Lộc, kèm theo nhiều thứ đồ nghề như cưa bào đục vân vân mà ba mua cho tôi ở An Lộc, khi tôi tập làm thợ mộc, thêm cả những mỏ hàn thiếc nữa. Nhiều thứ lặt vặt, toàn là kỷ niệm. tất cả nằm lại ở An Lộc, một quá khứ nằm lại, chỉ còn thoát được về hai thân thể của ba má với nhiều vết đạn trên đó.
.
.
Năm 68, anh kế tui, lại làm cho gia đình rất vui, anh tiếp tục thi đậu tú tài hai với hạng Ưu, mới 17 tuổi. Có lẽ nhờ trong mấy tháng sau trận tấn công Mậu Thân, đóng cửa trường, anh tình nguyện đi làm nhà trong khu tị nạn thành Ô Ma, đường Lý Thái Tổ, gần bến xe PetrusKý, gần khu Bàn Cờ, anh ăn ngủ trong đó cả tháng, làm tình nguyện trong Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Phan Bội Châu, Đạo Cửu Long, nên được phúc đức trả lại, thi đậu cao như vậy. Hội ái hữu trường, do ông Trần văn Hương làm hội trưởng có làm tiệc mời mấy người đậu cao nhất, học sinh của Petrus Ký đến tham dự và tặng giải thưởng. Người đậu Tối Ưu năm đó, Tôi chỉ nhớ tên là Pháp, học ban Pháp Văn, sau đó là đến anh kế tôi. Còn ông Trần văn Hương là ai? Thì ông ta từng làm Thủ Tướng, Phó Tổng Thống, rồi Tổng Thống của VNCH.
.
.
.
ztdal-tranvanhuong.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
 
Sau đó thì gia đình mừng hơn nữa là anh xin được học bổng Colombo của chính phủ Úc, Australia và được chính phủ Úc cho học bổng. Anh lúc này có hai bằng tú tài đậu Ưu, có thêm chứng chỉ đã đậu thi TOEF về khả năng tiếng Anh của Mỹ, nên có thể học thẳng, không qua thời gian học sinh ngữ nữa. Thêm một điều vui nữa là anh cũng thi đậu luôn vào trường Y Khoa SG. Nhưng chuyện vui gì thì cũng có trục trặc, khi chính phủ Úc chuyển danh sách những người được cấp học bổng đi du học ở Úc, hoàn toàn miễn phí, chuyển qua cho Bộ Giáo Dục VNCH để chấp nhận thì lại có chuyện. Ông bộ trưởng lúc đó, tôi quên tên, cho người đến nhà tôi, yêu cầu gia đình đưa tiền hối lộ thì chuyện mới thành, mới được đi du học, họ đòi đâu trên trăm ngàn, sau khi đã coi khả năng gia đình tôi như thế nào. Má trả lời là gia đình nghèo không đủ tiền, thì họ nói cứ đi vay mượn, sau này con bà thành tài thì sẽ làm khối tiền trả lại. Tính ra còn lời hơn rất nhiều. Má không chịu, vì anh tôi giỏi, nhỏ tuổi, gia đình nghèo, được điểm cao, nên mới được học bổng, tại sao lại phải đút lót.
.
.
Không đưa tiền đút lót cho phía ông bộ trưởng giáo dục lúc đó, thì bộ giáo dục loại tên anh tôi ra khỏi danh sách sinh viên du học Úc của chính phủ Úc yêu cầu bên chính phủ VN chấp nhận. Qủa thật anh tôi mất học bổng đi Úc, trong khi những người đậu hạng thấp hơn, lớn tuổi hơn, điểm thấp hơn, vẫn được bộ giáo dục chấp nhận, và dĩ nhiên gia đình họ đều phải đóng tiền hối lộ do đường dây bên trong của ông bộ trưởng làm tiền, bán buôn chuyện du học này, nhất là học bổng của các chính phủ ngoại quốc. Gia đình tôi cũng không thèm, anh cũng đậu thi tuyển vào học Y Khoa SG. Như vậy, anh lại lọc cọc đạp xe đạp đi học ĐH Y Khoa, vì nhà nghèo, không có tiền thưởng cho anh cái Honda cũ, lúc đó chừng 20 ngàn, chứ đừng nói có trên trăm ngàn để đưa tiền người ta đòi nộp hối lộ cho anh đi du học miễn phí, mà mấy người đòi tiền cho biết học bổng này cho đến khi thành tài trị giá tới trên vài triệu bạc.
.
.
Chuyện du học, được học bổng của chính phủ Úc đâm ra tịt ngòi, trong khi bạn bè và người quen, khi biết tin vui đều mừng cho anh, qua tới Bộ Giáo Dục VNCH, thành bộ tham nhũng hối lộ, thì chuyện du học không còn nữa. Tôi cũng chẳng để ý, má chỉ nói sơ là bộ giáo dục cho người đến đòi tiền, gia đình mình nghèo, nên anh ở nhà đi học thành bác sĩ thôi, như vậy cũng là may mắn rồi. Năm ngoái, hai ông bà ba má tui vừa thoát chết trở về từ An Lộc, nên cũng không dám đòi hỏi nhiều hơn. Sau thì bê bối của ông bộ trưởng giáo dục chuyên ăn tiền này cũng nổi tiếng, báo chí SG lên tiếng tố cáo. Ông Trần văn Hương, lúc này làm thủ tướng, cách chức ông bộ trưởng ăn tiền này, nhưng không truy tố. Ông mới lên thay, là bác sĩ Lê minh Trí, nhận việc chưa được tới vài tháng, thì bị ném lựu đạn vào xe hơi khi đi tới bộ giáo dục. Ông này chết, ai cũng biết đây là một chuyện trả thù, vì ông bộ trưởng mới có hứa sẽ điều tra những vụ tham nhũng tai tiếng về buôn bán học bổng, thu tiền những người đi du học tự túc, coi như được hoãn dịch, thoát ra khỏi VN.
.
.
.
ztdal-leminhtri-giaoduc.jpg picture by tddesign-1
.
Vui lòng đọc thêm bài về nạn nhân, ông bộ trưởng Lê minh Trí, phần phụ lục cuối bài này.
.
.
.
 
Ông bộ trưởng giáo dục mới bị ám sát giữa ban ngày, ngay trước bộ giáo dục. Thủ tướng Trần văn Hương bây giờ kiêm luôn làm bộ trưởng giáo dục, ông không tuyển bộ trưởng mới, mà tự mình giữ chức này thời gian, coi ai muốn ám sát thì ám sát ngay thủ tướng Hương, ông muốn tự tay mình làm sạch sẽ bộ giáo dục. Gia đình tôi cũng theo dõi sơ sơ, vì chuyệm đòi tiền đổi học bổng, đã xẩy ra ngay cho anh kế của tôi vài tháng trước. Những người được học bổng Colombo, đi du học Úc, họ đi du học vài tháng trước đó rồi. Anh tôi đã đi học ĐH Y Khoa được vài tháng. Ăn tết xong, thì có người trên bộ giáo dục xuống, đưa thư mời của thủ tướng Hương, yêu cầu anh tôi lấy hẹn lên bộ gặp ông ta gấp. Ông Hương có từng gặp mặt anh tôi, trong tiệc khao thưởng những người đậu cao nhất, Hội Ái Hữa học sinh Petrus Ký, mà ông Hương từng làm hiệu trưởng trường này. Lúc này anh tôi vẫn còn là tên con nít 17 tuổi, chưa được tới 18.
.
.
Lại thêm một bất ngờ, anh đạp xe lên bộ giáo dục theo lời yêu cầu, rồi về nhà cho biết, Ông Hương cấp cho anh một học bổng quốc gia, đi qua Úc học ngay lập tức, vào ngay chương trình đã dự bị trước khi anh đã được chọn trong chương trình Colombo. Gia đình bằng lòng thì anh sẽ đi liền trong thời gian nhanh nhất, mọi chuyện do thủ tướng chấp nhận nên coi như qua bộ quốc phòng chỉ là thủ tục giấy tờ thôi, thủ tướng Hương sẽ ký giấy tờ một lượt tất cả luôn. Khi ông bộ trưởng giáo dục mới, là học trò của thủ tướng Hương bị ám sát khi vừa mới về bộ. Ông Hương buồn và giận lắm vì ai đó dám giết người ông ta chọn làm bộ trưởng thay thế ông cũ nổi tiếng mua bán chuyện du học, nên ông Hương vào thẳng bộ giáo dục tự mình coi xét hồ sơ du học liền, kéo ra hồ sơ anh tôi, đậu tú tài hai, điểm cao thứ nhì nhất nước (người đậu cao nhất, Tối Ưu, tên là Pháp đã được học bổng, du học tại Pháp), ông đã từng gặp trong tiệc thưởng của trường Petrus Ký. Mà giờ vẫn còn ở nhà, trong khi cả trăm người đậu dưới anh tôi đã lên đường du học. Bây giờ học bổng các nước ngoài cho VN, của niên khóa hiện thời không còn nữa, phải đợi đến niên khóa sau. Ông Hương dùng quyền bộ trưởng giáo dục và thủ tướng chính phủ cấp ngay anh tôi học bổng quốc gia, tức là du học bằng tiền của chính phủ VNCH, đi ngay để kịp những khóa học ở Úc. Còn lý do anh tôi thích đi Úc, vì thích sự yên ổn của xứ này, và anh đã học tiếng Anh với một ông mục sư người Úc trong nhiều năm, nên thích xứ Úc hơn.
.
.
Thật tình trong vài tháng, từ mừng anh tôi đậu cao, buồn vì không có tiền đóng tiền hối lộ cho con đi học bổng, mừng vì con đậu vào Y Khoa, bây giờ lại mừng hơn vì con lại được đi du học, lại đi cấp tốc, và hình như thủ tướng Hương còn cho thêm tiền sắm sửa hành trang. Ba má chỉ cần nghĩ lại mình vừa thoát chết ở An Lộc hai năm trước xong, như vậy chẳng có gì mừng hơn nữa. Thủ tướng Trần văn Hương là một ông gìa mô phạm đạo đức thanh liêm Nam Kỳ, từng đạp xe đạp đi làm, khi làm Đô Trưởng Saigon, chỉ biết anh tôi, là thằng nhóc 17 tuổi Bắc Kỳ học giỏi của trường Petrus Ký, con công chức nghèo là ba tôi vậy thôi. Chuyện gì thì cuối cùng cũng đã theo lẽ phải của nó, có lẽ là theo định mạng của anh tôi, của gia đình tôi, và theo định mạng của đất nước, có ông Trần văn Hương làm tới thủ tướng, phó tổng thống rồi tổng thống.
.
.
Phần dưới, có bài tôi trích lại trong đây về cái chết của bác sĩ Lê minh Trí, bị phe đảng nào đó ám sát, khi ông vừa mới nhận chức được vài tháng, người ta giết ông, nằm đợi chết giữa đường coi rất dã man. Nếu ông không bị giết, thì ông Hương không tự mình kiêm thêm chức bộ trưởng giáo dục, không điều tra những bê bối du học của ông bộ trưởng giáo dục trước ông Trí, thì không lòi ra hồ sơ du học của anh tôi. Không có những chuyện đó, thì không có chuyện anh tôi được đi du học miễn phí ở Úc, không có chuyện xẩy ra cho tôi sau này, cho ba má và gia đình tôi sau này. Một định mạng chung, từ gia đình tôi, ông Lê minh Trí, ông Trần văn Hương, chẳng ai biết ai, nhưng định mạng của mỗi người, mỗi gia đình, đều đưa từ chuyện này sang chuyện khác. Cuối cùng là điều thật may mắn cho gia đình tôi. Cho dù không có một lời yêu cầu hay dám mộng mơ gì của người trong cuộc. Anh tôi vội vàng may quần áo, đi trong thời gian nhanh nhất.
.
.
Anh tôi chỉ dùng học bổng quốc gia chỉ có một năm, chương trình Colombo lại nhận anh tôi sau đó cho học bổng tiếp, vì họ đã nhận anh tôi từ đầu, chỉ có ông bộ trưởng giáo dục khát máu ăn tiền gạt anh tôi ra khỏi danh sách, cho dù không phải dùng tiền của chính phủ VNCH hay của ông ta. Ngày nay tôi cũng thắc mắc muốn biết tên tuổi ông bộ trưởng Vô Giáo Dục này là ai, gia đình ông ở đâu để coi cái gia đình sống làm giầu bằng tiền máu mủ hối lộ tham nhũng bẩn thỉu này có còn đức để mà sống tới ba đời hay không. Chuyện đời có nhiều cái dã man, không có cái cảnh ông Lê minh Trí bị người ta ám sát nằm chờ chết giữa đường, thì không làm cho ông Trần văn Hương nổi giận, mở hổ sơ du học của anh tôi ra coi, thì anh tôi không có học ra Ph. D. đang ở Úc ngày nay, và từ đó, số phận hoàn cảnh của gia đình chúng tôi cũng thay đổi.
.
.
.
 
 ztdal-tansonnaht-1969.jpg picture by tddesign-1
.
.



Gia đình tôi chỉ đoàn tụ đông đủ được hai ba năm, qua năm 69, thì anh kế tôi được học bổng quốc gia, đi du học bên Úc, Australia, như vậy là gia đình cho tới nay, chưa một ngày nào, thêm đuợc bữa ăn có đông đủ tất cả mọi người trong gia đình. An Lộc vẫn còn đó, sau thì đường xá cũng an toàn, cho đến năm 72 khi trận tấn công hè đỏ lửa bắt đầu, nhưng tôi không có dịp hay có chuyện gì để đi lên An Lộc nữa. Ba má sau khi thoát chết ở đó về thì cũng không nhắc lại cái chuyện buồn nữa. Cho đến khi chiến trường An Lộc sôi động, thì An Lộc trở về trong tôi như thúc hối. Tôi tham gia những hoạt động tình nguyện đón tiếp những nạn nhân thoát ra khỏi An Lộc, và tham dự những lạc quyên gây qũy, cứu trợ giúp đồng bào tị nạn chiến trường An Lộc như đã nói trong những bài trước.
.
.
Từ 1959 cho tới mùa hè đỏ lửa của An Lộc năm 1972, coi như khoảng thời gian gắn bó nhất của tôi với An Lộc. Khoảng 72, mỗi ngày dán mắt vào TV coi những tin tức, theo dõi trận chiến An Lộc, sau đó những hoạt động cứu trợ cho đồng bào tị nạn chiến tranh từ An Lộc Bình Long thoát ra. Tới năm 1973, thì trường Đại Học Kiến Trúc SG, bảo trợ Tiểu Đoàn 51 Pháo Binh của Sư Đoàn 5, tôi lại có dịp đi lên Lai Khê thăm hậu cứ của TĐ này, và nghe thêm những câu chuyện chinh chiến về chiến trường An Lộc, được trao tặng một chiếc vòng đeo tay bằng vỏ nhôm của súng chống tăng M72, với những giòng chữ ghi tặng có tên tôi trong đó. Sau này không biết làm mất ở đâu, những khi phải tháo ra khỏi tay.
.
.
Lần tôi đi về ngược lại gần tới An Lộc nhất, đó là lúc tôi đạp xe đạp từ SG đi thăm mấy negres đang đi công tác lao động chặt cây sâu trong rừng, gần sông Bé, chổ đó, chỉ đi thêm một chút nữa là tới Chơn Thành, lúc đó là năm 1977, tôi dợt đi xe đạp lấy sức để rời khỏi VN cùng với hai negres đang lao đông trong trại ở đó. Đó là lần cuối, tôi đạp xe trên đường 13, trên đường về, cứ quay lại nhìn tử lộ này về hướng Bình Long, biết rằng nay mai tôi sẽ đi rất xa, bỏ lại tất cả kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, dọc đường gió bụi 13, không biết bao giờ có ngày trở lại.
.
.
.
ztdal-tansonnaht-1969.jpg picture by tddesign-1
.
đám cưới ở chùa Xá Lợi Saigon, đám cưới anh hai, một người phù rể là anh Phạm văn Đức, KT62, cựu trưởng tràng trường đại học Kiến Trúc, trong hình thiếu người anh kế tôi, đang du học tại Úc, hình năm 1971.
.
.
 
ztdal-tansonnaht-1969.jpg picture by tddesign-1
.
anh kế tôi từ Úc về thăm nhà, bây giờ chờ bay trở qua Úc, hình chụp trước Phi Trường Tân Sơn Nhất. Saigon. Bây giờ có thêm đứa cháu trai đầu tiên, con anh hai. Ngày nay, chú nhóc này, ngày hôm nay đã có vợ Mỹ, cả hai đều tốt nghiệp Đại Học Kiến Trúc, University of Oregon, nơi tôi ra trướng mấy chục năm trước, nhà bây giờ lại đầy Kiến trúc sư Mỹ, không hiểu tại sao.
.
.
 
.
.
 
 
Từ đó, cái tên An Lộc, thỉnh thoảng trở về trong tôi, ám ảnh, thôi thúc một ngày nào đó, tôi phải trở lại. Năm 2007, tôi trở về thăm An Lộc, 42 năm sau chuyến xe đò chót đưa tôi ra khỏi An Lộc Bình Long, chuyến xe đò miền đông, nằm ở bến xe Nguyễn Cư Trinh, giữa Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, Giữa rạp Quốc Thanh và rạp Hưng Đạo. Chi lên lại Bình Long, mấy chục năm sau, tôi cũng dùng xe đò, chen chúc chật chội, trên chuyến xe đò nhỏ, không còn được dành chỗ ư u tiến ghế trước bên cạnh tài xế và cửa sổ. Tôi không muốn bỏ tiền ra thuê xe đi riêng như những người vênh váo trở về khoe tiền, khoe tiện nghi giầu sang, mà tôi muốn ngồi trong chuyến xe đò trở về, ngồi giữa mọi người dân của Bình Long An Lộc, rất an lòng và vững tâm, không còn bom đạn, không còn VC giật mìn chận xe bắt đi. Cho nên chẳng có gì mà sợ nữa. Ra bến xe miền Đông bây giờ gần cầu Bình Triệu bên quận Bình Thạnh, mua vé xe đò, ra tìm số xe, cầm theo khúc bánh mì, chai nước, tôi đi lên An Lộc về tìm lại những gì thủa thời ấu thơ của tôi.
.
.
.
ztdal-68-saigon.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
 
Dọc đường 13, không còn nhận ra được một cái gì quen thuộc hết, xe vào An Lộc, không còn nhìn thấy sân vận động, thấy cổng của Tòa Hành Chánh, không thấy ngôi nhà mái đỏ cao hai từng, Tòa Tỉnh, không thấy trường Tiểu Học. Tôi loay hoay, luống cuống, không biết xuống chỗ nào khi người lơ xe hỏi, anh xuống đâu. Tôi chỉ ngay ngã tư đường trước mặt, tôi xuống ngay đây. Vì tôi biết An Lộc chỉ một chiều ba cây số, mỗi bên là hết rồi. bây giờ già rồi, chứ qua Mỹ thì thường chạy bộ 3 miles, là 4.5 cây số không khó khăn gì, gìờ thì gìa rồi, nhưng mà đi bộ tà tà thì ba cây số mỗi bề đâu có là bao nhiêu.
.
.
Nhẩy xuống xe, đứng bên lề đường, tôi hít hà bụi đất đỏ, tìm lại quen thuộc ngày nào. Hỏi người lơ trước khi xuống xe, chợ ở hướng nào bao xa, anh ta chỉ tay. Như vậy là tôi định hướng lại được An Lộc như ngày nào. Từ từ đi ngược ra đầu tỉnh trở lại, tìm lại hướng những con đường xưa, nhận ra được vị trí sân vận động cũ, ra khu tòa hành chánh, tiểu khu cũ. Biết rằng phía sau, là nơi ngày xưa có căn nhà tôi ở đó. Không vội vàng gì, chậm chạp đi từ từ, tôi tìm nơi ngồi uống nước ngoài đường, cho cơ thể quen từ từ con nóng và ánh nắng gắt, từ từ, tôi sẽ đi vòng qua căn nhà thời xưa, nơi ba má bị đổ máu, xuýt chết, nửa đêm bò lê lết từ nhà qua bịnh viện Bình Long, 40 năm về trước.
.
.
Tôi đã trở về, tìm lại An Lộc xưa ngày thơ của tôi … không tìm được tiếng kêu leng keng của chuông bán cà rem dạo, của anh đặc công VC chắc cũng chờ dịp ném lựu đạn giết ba tôi … không tìm được bụi đất đỏ ngầu bay phần phật dưới cánh quạt trực thăng … không tìm được chiếc bóng đổ dài của Phượng đạp xe đến trường từ Xa Cam ra … không còn gì thơ ấu của tôi nữa.
.
.
Đêm nay tôi ra vườn, nhìn lên trời tìm những vì sao xẹt, những băng hà cháy xém tiêu tan băng vào vũ trụ. Tuần này, tháng này nơi tôi đang ở là dịp nhìn thấy được nhiều nhất những vì sao đang cháy xém rồi tan biến mất, 60 vì sao cháy biến mất trong 10 phút. Tìm lại những ánh hỏa châu ngày nào:
.


… Những đốm sáng hỏa châu,
     Đang soi sáng địa đàng
     Như đôi mắt người tình,
     Ấm những lời hỏi han …
     Rồi ta đi với gió,
     Gieo hương tình nồng nàn,
     Bàn chân ai vẫn bước,
     Đi về cõi hư vô ….
     Lại vẫy tay chào An Lộc.
.
.

 viết xong tuần đầu tháng tám năm 2010, tại một nơi xa hơn An Lộc nửa vòng trái đất.
.
.
.
 
d-papa-cn-hn-523.jpg picture by tddesign-1
.
 
Ba qua đời đã lâu lắm rồi. Tất cả gia đình tôi còn lại ở VN đã qua Mỹ đoàn tụ từ năm 1990. Một tấm hình kỷ niệm của Ba ở Hà Nội, bên trên tại Hà Nội vào lúc tôi ra đời, hình chụp trên đường Cổ Ngư, một bên là Hồ Tây, một bên Hồ Trúc Bạch. Ba là người quyết định đến An Lộc, mang tuổi thơ của tôi dính với nơi miền đất đỏ này. Tôi có đến chỗ chụp tấm hình này trên đường Cổ Ngư, và nhớ ba có tấm hình ngồi mô tô ở đây. Tôi đã ngồi ở đây rất lâu, nhớ lại những tấm hình gia đình tôi tại đây, ba và chị lớn ngồi trên canô, hình má chụp ăn kem với mấy người cháu lai Tây, có người là chồng của người chị bà Kiều Chinh.
.
 
Ba là người rất nhỏ, cao chưa tới 1m50, nhưng không hiểu sao ông điều khiển được những chiếc mô tô to lớn nặng như vậy, và chưa bao giờ thấy ông té hay làm đổ xe ... không biết trong đời, ông đã lần lượt có mấy chiếc mô tô ?
.
 
.
...............................................................................................................................................................................
 
 
.
.
 
Bài phụ lục về cái chết của ông bộ trưởng Giáo Dục, bác sĩ Lê minh Trí:
.
bài và hình lấy từ Photo page của Phạm mạnh Hải, KT71.
.
 
  1. Nam Vit Nam: Cái giá ca s trong sch
Trích dẫn từ: Tạp chí Time Thứ sáu, 17-01-1969www.time.com/time/magazine/article/0,9171,838 867,00.html#...
NAM VIỆT NAM
Buổi sáng Sài Gòn hôm ấy trời oi nồng, và vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục luôn có thói quen đúng giờ, bác sĩ Lê Minh Trí đã rời ngôi biệt thự của mình hơi trễ để đến văn phòng Bộ. Khi chiếc Toyota của ông bộ trưởng phải dừng lại vì đèn đỏ cách văn phòng ông bốn dãy nhà, ông Trí, tài xế và người cận vệ chỉ chú ý đến tín hiệu giao thông hơn là chiếc xe gắn máy dừng cạnh bên xe mình. Chẳng ai kịp phản ứng gì khi một trong hai kẻ đi trên xe gắn máy ném vào trong xe một cái túi giấy, và khi chúng vọt đi thì một quả lựu đạn trong túi giấy đã phát nổ. Người tài xế chết ngay tức thì trong xác xe bốc cháy. Người cận vệ, chỉ bị hất tung ra, đã kéo được ông bộ trưởng ra khỏi ngọn lửa. Nhưng ông Trí, 43 tuổi, đã chết nửa ngày sau đó, bụng ông bị trúng đầy miểng, một mắt bị mất, một chân bị gãy và đầu ông bị thương tích trầm trọng.
Thông thường, sau những vụ tấn công như vậy chính quyền Sài Gòn đều lên án Việt Cộng. Lần này thì cả cảnh sát lẫn chính quyền đều hướng về nơi khác. Một ông bộ trưởng giáo dục, đặc biệt một người mới nắm chức vụ chưa đầy bốn tháng, thì khó thể là mục tiêu cho sự khủng bố. Hơn nữa, khi khảo sát mảnh lựu đạn thì thấy đây là loại của Mỹ chứ không phải loại của Trung Quốc mà Việt Cộng hay dùng. Cảnh sát ngay sau đó đã bắt giữ một trung sĩ thủy quân lục chiến Nam Việt Nam là một người đã bị thải khỏi quân đội, căn cứ vào điều mà họ mô tả là chứng cứ buộc tội: một chiếc xe gắn máy, những ghi chép về giờ giấc sinh hoạt hàng ngày của ông Trí, và số của chiếc xe Toyota (EG 0011) được viết bằng mực trên tay người này.
Thủ tướng Trần Văn Hương là người đã bổ nhiệm ông Trí, một trong những học trò cũ của ông trong những ngày ông Hương còn làm hiệu trưởng. Ông Hương đã khóc khi nghe được tin này. TT Nguyễn Văn Thiệu, Phó TT Nguyễn Cao Kỳ và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đều đến dự tang lễ, và TT Thiệu đã truy tặng ông Trí Đệ Nhị Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Trong khi đó, các bạn bè của người quá cố đã phẫn nộ cho rằng động cơ giết hại ông Trí là của một người nào đó có vị trí cao hơn là một viên trung sĩ thủy quân lục chiến. Trước đó Thủ tướng Hương đã loại khỏi nội các của mình vị bộ trưởng giáo dục tiền nhiệm của ông Trí sau khi biết được là các học bổng du học đại học ở nước ngoài, mà kèm theo đó là việc được miễn quân dịch, đã được đem bán cho con cái các nhà giàu thay vì cấp cho những học sinh hội đủ tiêu chuẩn. Ông Trí, một chuyên gia tai-mũi-họng và một bác sĩ phẫu thuật tạo hình và từng giảng dạy tại trường Y Khoa Quốc gia, đã nhận trách nhiệm được ông Hương giao, để chấm dứt việc làm tai tiếng này. Có vẻ như là ông đang đạt được các tiến bộ. Ông đã bị đe dọa bốn lần bằng điện thoại cũng như qua nhiều bức thư nặc danh.
===========================================
.
 
ztdal-leminhtri-giaoduc.jpg picture by tddesign-1
.
.

South Viet Nam: The Price of Honesty
TIME - Friday, Jan. 17, 1969
SOUTH VIET NAM
The morning was muggy in Saigon, and normally punctual Education Minister Dr. Le Minh Tri was late leaving his villa for the ministry. When a red light halted the minister's Toyota four blocks from the office, Tri, his chauffeur and his bodyguard were more intent on the signal than on the motorbike that drew up alongside them. None was quick enough when one of the bike's two riders tossed a paper bag into the car; as the bike sped away, a hand grenade in the bag exploded. The chauffeur died instantly in the car's flaming wreckage. The bodyguard, only shaken, managed to pull his minister from the flames. But Tri, 43, died half a day later, his stomach riddled by shrapnel, an eye gone, a leg broken and his head grievously battered.
Usually after such attacks, Saigon accuses the Viet Cong. This time both police and the government looked elsewhere. A minister of education, especially one in office not quite four months, is an odd target for terrorism. Moreover, examination of fragments showed that the grenade was a U.S. model rather than the Chinese type that the Viet Cong are likely to use. Police soon arrested a discharged South Vietnamese marine sergeant on the basis of what they described as incriminating evidence: a motorbike, notes on Tri's daily routine, and the Toyota's license (EG 0011) written in ink on his hand.
Premier Tran Van Huong, who had appointed Tri, one of his former pupils in Huong's schoolmaster days, cried when he heard the news. President Nguyen Van Thieu, Vice President Nguyen Cao Ky and U.S. Ambassador Ellsworth Bunker all attended the funeral, and Thieu honored Tri posthumously with the National Order, second class. Meanwhile the dead man's friends bitterly suggested a motive for someone more highly placed than a marine sergeant. Huong had tossed out the previous education minister after discovering that scholarships to universities abroad, which carry built-in exemptions from military duty, were being sold to rich men's sons instead of awarded on merit. Tri, an ear-nose-and-throat specialist and plastic surgeon who had been teaching at the National Medical School, accepted Huong's charge to clean up the scandal. He apparently was making progress. He had been threatened four times by telephone as well as in several unsigned letters.
 
.
.
Để cho các bạn không đọc comments của bài này, vì phải nhấn vào đọc .  Bạn Lubino, đã tìm ra ông bộ trưởng Vô Giáo Dục trước ông LMT là Tăng kim Đông.... có ai biết thêm về ba đời con cháu của ông Đông này thì cho biết.
.
.
 
.
By duongtiden, duongtiman, An Loc Binh Long va toi ..
.
.


Monday, August 16, 2010

An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười. By duongtiden.

.
.
 
 
 
 
An Lộc, Bình Long và tôi, một chuyện dài, bài thứ mười. By duongtiden.
.
.


Coi như chuyến xe đò năm 64, bị VC chận đường, đưa vào rừng cao su, là chuyến đi chót của tôi rời An Lộc. Mấy anh chị em tôi thuê nhà trong khu hẻm phía sau đình Phú Thạnh, đi vào từ đường Lê văn Duyệt, gần tòa đại sứ Cao Mên hay bên đường Phan đình Phùng đều được. Nhà thuê cách cái nhà thờ nhỏ trong đó một căn, sáng sớm trở mình thức dậy nghe tiếng đọc kinh rì rầm. Thằng Mão, là con của người giữ nhà thờ ở phía sau, nó cũng học chung lớp với tôi ở Nguyễn bá Tòng. Con hẻm tráng xi măng, mỗi ngày biết bao người bán dạo, gánh hàng, đạp xe đạp, đi bộ, đẩy xe ba bánh đi qua, mỗi người đi một giờ, cất tiếng rao hàng, là biết lúc đó vào khoảng thời gian nào, giờ nào. Một hoạt cảnh âm thanh sống động.
.
.
Lúc bấy giờ, thì tôi bắt đầu làm máy bay nhỏ bằng cây thông và giấy mỏng, quay chong chóng cây bằng giây thun rồi phóng lên trời, hay làm bánh xe cho chạy bay bổng lên chút rồi rớt xuống. Buổi tối gần chín mười gìờ đêm, gần giờ giới nghiêm là ra trước nhà, lúc đó ngõ vắng người, quay chong chóng, cho máy bay bay thử. Làm máy bay từ mấy miếng gỗ thông đóng thùng che mỏng ra, chong chóng không có đẽo từ cục gỗ thông được, vì khó quá, với lại nó phải xoắn hai bên đều góc và cân bằng từ trục giữa thì quay mới không rung, chong chóng phải cân bằng, đối xứng, khó làm lắm. Tôi chỉ giản dị cắt cục gỗ thông nhỏ chữ nhật làm trục chính, hai bên cưa khía hai lằn chéo sâu ngược nhau, rồi chẻ gỗ thông mỏng, vạt mỏng cắt hai cánh quạt đều nhau, cắm sâu vào khe, dán keo lại, là có được cái chong chóng máy bay, hai cánh quạt xéo góc ngược chiều nhau 45 độ. Treo sợi chỉ từ lỗ trục giữa, đưa cao lên coi có cân bằng hay không, thấy bên nào nặng kéo lệch xuống thì cứ thế mà mài mỏng cánh quạt, gọt dũa từ từ cho nhẹ đi. Làm cánh quạt to hay nhỏ, hay mỏng cho đến khi máy bay bay nhẹ, bay được mà chong chóng hay thân máy bay bị không gẫy.
.
.
.
ztd-maybaythun.jpg
.
.
.
.
 
Chỗ trục bắt chong chóng và giây thun quay, thì lả cái ống nhựa hình chữ nhật, đựng những thỏi chì nhỏ, trong những cây viết chì bấm của anh hai tôi, lúc đó đang học đại học kiến trúc, nên dùng những ống nhựa đựng lõi chì, nhập từ Đức hay Pháp, hay của Mỹ. Dùng hết chì bên trong, thì vứt đi hộp nhỏ đựng chì đi, nhưng thành đồ làm máy bay cho tôi. Hơ con dao nóng trên bếp lửa, cắt phần cuối ống nhựa trong đựng chì ra, rất dễ dàng. Còn móc sắt, làm trục quay chong chóng, thì dùng kẹp giấy, cũng nhập cảng, bẻ thẳng ra, rồi uốn theo hình thù muốn có. Nhờ làm máy bay nhỏ mà học được nhiều chi tiết về khoa học, lực gió, độ bốc của cánh, vân vân. Anh kế tôi, lúc đó học trên tôi hai lớp, cũng phụ giúp và giảng về nguyên tắc lực và khí, độ cong của cánh và gió nâng lên như thế nào.
.
.
Ngoài ra thì còn chơi những hình vật bằng nhựa, đổ khuôn, đúc thành từng người lính nhỏ, qùy bắn bazooka, hay đứng, hay nằm, đủ kiểu. Tụi con nít trong xóm hay mua, sưu tầm và chơi chọi hình ăn thua. Chơi chọi hình người thì đập vào tường cho văng ngược ra xa, đưá nào văng cao mà chưa vượt qua mức, thì chọi đứa ở dưới thấp, chọi trúng thì ăn được mẫu hình đó, làm bằng nhựa dẻo, nên liệng trúng đất cứ tưng lên. Tôi ăn được cả thùng nhỏ. Nhiều khi đang học bài trong nhà, có đứa nhỏ khác, gõ cửa nhà khiêu chiến, chơi chọi hình, tui lại bò ra ngõ chơi trước nhà, chơi cho đến khi ăn sạch hình người của nó. Chơi chọi hình ăn chán, hai anh em tui lại bầy ra chơi trong nhà, hai bên xếp thành quách là fortress, cho hình tượng lính núp chung quanh, rồi dùng súng bắn giây thun tự chế, bắn từng người lính nhựa núp phía sau lật nhào, cho tới khi ai bắn gục hết trước thì ăn. Bắn chán, hai anh em làm áo giáp bằng cách độn giấy báo, mặc áo lạnh, đội nón, đeo kiếng mát cho khỏi bị mù mắt, gấp bì giấy, bắn giây thun trúng vào nhau kêu chí chóe. Rồi ăn, rồi ngủ, rồi học bài, cắp sách đi bộ tới trường Nguyễn bá Tòng, ghé qua tiệm cơm ngay rạp Nam Quang, xách gà mên cơm về ăn. Má đặt cơm tháng ở đó cho tụi tui ăn. Còn má vẫn ở trên Bình Long, với ba, và đứa em út nhỏ.
.
.
Cuối năm 64, thì anh Hai, được học bổng đi qua Mỹ học gần hai năm, trong chương trình Thiện Nguyện của Mỹ, Volunteer Corp, để về VN, tổ chức những đoàn thanh niên thiện nguyện vào làng quê sống và giúp dân địa phương cải thiện đời sống, chăn nuôi, trồng trọt, hay cải thiện nhà cửa, điều kiện sống. Anh đi Mỹ rồi, thì má dời nhà thuê về dưới chợ Hòa Hưng, hẻm tiệm thuốc tây Vũ Hữu Chu, số 413, Lê văn Duyệt. Bây giờ tôi đi học bằng xe đạp, vì xa hơn nhiều lắm, không đi bộ nổi. Trước khi đi bằng xe đạp thì đi bằng xe Lam, xe ngựa, thích nhất là đi bằng xe ngựa, nếu được ngồi ngay hai bên càng xe, ngay bác tài có cái roi bện dây, kêu những tiếng chỉ có ngựa hiểu, đánh vào mông ngựa chét chét, con ngựa, ốm o gầy còm chạy lọc cọc một cách mệt nhọc.
.
.
Thỉnh thoảng Ba từ trên An Lộc cũng theo má đi xe đò về SG thăm tụi tui. Ba để tóc bạc và râu dài cho già đi, mang theo giấy căn cước giả, với tuổi cao, và làm nghề buôn bán để lỡ bị VC chận xe xét giấy thì đỡ nguy hiểm hơn. Buổi sáng sớm khi hai người đi về lại, tôi hay đi ra theo giả bộ phụ khiêng đồ, nhìn ông bà lên cái xe ngựa, buổi sáng sớm vừa dứt giới nghiêm còn tối, còn hơi lạnh, nhìn ba tôi đưa tay vẫy, cái xe ngựa đi xa về chợ Bến Thành, tôi đứng nhìn theo cho đến khi không thấy gì nữa, chuyến xe ngựa đưa ba má đi ra bến xe đò đi Bình Long, nằm ở đường Nguyễn cư Trinh, gần Trần hưng Đạo. Đến chợ Bến Thành, rồi đổi qua xe Lam, đường Trần hưng Đạo, đi Chợ Lớn là tới bến xe. Chỉ trăm cây số hơn, mà ngày xưa, mỗi chuyến đi là một ngày trời, bắt đầu từ sáng sớm trời còn tối, bắt đầu bằng tiếng móng sắt ngựa gõ lọc cọc trên đường Lê văn Duyệt, con ngựa già chạy từ Ngã Tư Bẩy Hiền lên … đưa ba má tôi về An Lộc, đợi tháng sau, má tôi lại về, còn ba thì cả năm chỉ về một lần thôi.
.
.
.
ztdal-xengua-nga6.jpg picture by tddesign-1
.
.
ztdal-xengua-nga6.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
Đứng nhìn theo, tôi thường lo sợ, không biết có phải lần chót nhìn thấy hai người không. Mỗi lần đi, má thường hay xoa đầu tôi: “ngày nào ba má còn sống, con ráng học nhe, không biết sẽ có chuyện gì xẩy ra, cố mà học, khi ba má còn nuôi được … “. Rồi tôi cố gắng xô đuổi cái ý nghĩ sợ hãi vẩn vơ đó ra khỏi đầu, bận bịu chơi đùa làm máy bay, đi Hướng Đạo, làm thủ công, đè xe đạp ra sơn lung tung, đổi mầu, đứng nhìn trời nghĩ vẩn vơ, rồi cuối cùng mới là học. Tôi học cũng không tệ lắm, cứ tháng nào cũng được xếp tứ hạng 1 tới 10, thì được bảng danh dự, được đủ hết thì được bớt 50% tiền học phí, thiếu một bảng danh dự, thì được bớt 30% học phí. Anh kế tôi, năm nào cũng được bớt 50% tiền học, còn tôi thì có năm cũng được bớt 50%, có năm vì lười biếng chỉ còn 30%, nhưng những chiếc máy bay nhỏ, vẫn bay cao trong con hẻm nhỏ, sau giờ giới nghiêm, nâng hồn tôi lên cao mơ mộng ngày nào đó sẽ thành kỹ sư chế máy bay.
.
.
Lúc này, anh kế tôi học sớm một tuổi, thi Trung Học, đậu hạng Bình, được nhận vào Petrus Ký, học miễn phí, má mừng lắm. Anh học buổi sáng, tôi buổi chiều, thay nhau nấu cơm hàng ngày, bây giờ thì tụi tui lớn, học nấu cơm, chụm bếp than củi, thích nấu ăn, không còn lấy cơm tháng ăn nữa. Má thì về lại SG ở, mang thằng em út về học tại SG, trên An Lộc giờ chỉ còn một mình Ba thôi, má cứ mỗi tháng đi lên một lần vài ngày, hay một tuần. Anh Hai cũng đã học xong ở Mỹ về, đi xa tổ chức một chương trình Thanh Niên Thiện Nguyện thí nghiệm ở Phan Rang, là tiền thân của Xây Dựng Nông Thôn sau này, rồi vẫn tiếp tục học những năm cuối ở Đại Học Kiến Trúc, rất bận rộn, ít khi ghé về nhà.
.
.
Lúc anh ở Mỹ, tôi thường viết thư qua năn nỉ xin mua cho một cái động cơ máy bay nhỏ là Cox Tee Dee, lòng máy xy lanh là .43, đã chơi máy bay giâu thun rồi, bây giờ tham vọng hơn, muốn chơi máy bay nhỏ gắn động cơ chạy xăng. Thèm lắm, tôi cứ ra chợ sách cũ đường Lê văn Duyệt bên cạnh trường Trường Sơn và rạp Nam Quang, mua những tạp chí cũ của Mỹ vế máy bay kiểu nhỏ, scale model, avion, radio control, cứ nhìn những cái máy bay nhỏ, đủ kiểu, đủ loại, chơi thi nhau như Olympic, mà thèm nhỏ rãi. Nhờ vậy mà tiếng Anh bắt đầu giỏi để đọc các tạp chí, tay chân cũng vẽ vời, đọc những bài vẽ máy bay nhỏ của Mỹ để làm ra máy bay nhỏ bắng gỗ balsa, hay gỗ nhẹ mua trên đường Nguyễn Huệ, từ Kios Rồng Xanh, chuyên bán đồ làm máy nhỏ, nhìn những động cơ máy bay chạy xăng, những cái bu gi nhỏ xíu mà thèm nhỏ rãi. Vài ngày, lại phải đạp xe ra đó mà ngó mấy cái máy bay, động cơ hàng giờ không chán. Những khi ông bán hàng rảnh rỗi, tui lại chui đầu vào hỏi đủ loại câu hỏi để học hỏi. Ông này rất dễ thương, cũng thích sự ham muốn học của tôi nên chỉ dậy tận tình, trả lời mọi câu hỏi.
.
.
.
 
ztdal-scaleairplane.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
 
 
Tôi chỉ có đủ tiền mua, gỗ nhẹ của ông làm từ VN, để làm máy bay bay bằng giây thun, còn cánh máy bay thì gián dấy mỏng, hay vải dù, keo dán thì là keo của Mỹ, dán cây, dán plastic, dùng dán mô hình, dán những mẫu máy bay nhỏ làm bằng nhựa của Nhật và của Mỹ, rồi đủ loại sơn để sơn máy bay, đủ hết đồ chơi, để cho những dân nhà giầu ở VN, mới có tiền chơi những loại này. Có cuốn sách mỏng, in ronéo, bằng tiếng VN của ông kỹ sư hàng không người Việt, cũng viết sách dậy làm máy bay nhỏ, những nguyên tắc làm cánh với độ cong để bốc lên, độ vặn của chong chóng. Tui nghiên cứu học rất kỹ, cũng làm toán, vẽ thiết đồ độ cong của cánh máy bay …. Cuối cùng giấc mơ khi anh Hai từ Mỹ trở về chỉ đuợc chút xíu mà thôi, chỉ được gói giấy đựng gỗ balsa, anh mua về làm mô hình kiến trúc và cho tui làm máy bay nhỏ. Chắc đồ máy bay mắc quá anh không mua, hay thằng nhỏ như tui, chưa có lý do gì để mà đam mê những thứ mắc của dân nhà giầu đó. Giấc mộng của tôi chỉ muốn trở thành kỹ sư hàng không chế máy bay sau này. tất cả mẫu máy bay chiến tranh thời đó, tôi gần như học thuộc lòng, mua sách về hàng không quân sự, đủ loại hình vẽ, kích thước, trang bị vũ khí của từng loại chiến đấu cơ, từng quốc gia, nhìn lên trời, thấy máy bay, là tui có thể nói rành rẽ loại gì, vũ khí ra sao. Sau này thì quên hết, không còn thú vui đó nữa.
.
.
Một năm, hai năm trôi qua, ba vẫn ở Bình Long tới năm 67, má vẫn đi lên xuống đều đặn, bằng máy bay của Mỹ, ra phi trường TSN hay đi lên Phú Lợi, Lai Khê Bình Dương. Thỉnh thoảng tui cũng nghĩ mà ớn, có ngày maý bay bị bắn rơi, hay hư động cơ thì sao. Sau mỗi chuyến đi, câu chuyện của má kể lại đều rất lý thú, nào đi máy bay thơ, máy bay tiếp tế, máy bay chở người đi nhận nhiệm sở, máy bay chở thương binh, chở xác người về sau khi đổ người mới lên, đổ tiếp tế súng đạn, lương thực lên, nào là phi công VN bay ra sao, phi công Mỹ bay ra sao. Thiệt là má to lớn khỏe mạnh cao tới 1m65, khỏe như voi, đi máy bay đủ loại, chẳng mệt mỏi hay nôn mửa bao giờ, chưa kể mang theo đồ đạc nữa.
.
.
Lúc này thì tiếng Anh của tui cũng phát triển nhanh hơn những đứa học cùng lớp, anh Hai mang về đủ sách Hướng đạo của Mỹ, ba cuốn Cub Scout, một cuốn Boy Scout handbook, bao nhiêu tạp chí Boy Life, đầy đủ đồ chơi, đồ thủ công và mưu sinh. Tôi mê lắm, cứ thế mà lật tự điển học tiếng Anh để hiểu được những cuốn sách Mỹ đó, công thêm đống tạp chí scale model, máy bay kiểu nhỏ của tui, bỏ tiền ra, mua cả thùng, lúc nào rảnh là cứ mở ra coi hàng giờ không chán, rồi trao đổi, mượn qua muợn lại sách của những đứa bạn nhà giầu, cũng thích máy bay kiểu nhỏ, tụi nó giầu có tiền nhiều mua máy bay nhỏ bằng nhựa scale model của Mỹ và Nhật về ráp, sơn mầu tác chiến coi mê lắm, rờ mái không chán, từng chi tiết, 1/48, 1/96 rút nhỏ từ mẫu máy bay thật, rồi bỏ vào tủ kiếng trưng bầy. Những thứ không có bán ở VN, phải nhờ người mang về.
.
.
ztdal-anlanh-chocu.jpg picture by tddesign-1
.
 
.
An Lộc bây giờ có phần rơi vào quên lãng một chút trông tâm tư tôi, chỉ còn ba trên đó, tui vui và bận rộn với đời sống ở SG, với thế giới mới lớn của con nít đang hiếu kỳ tìm tòi đủ thứ. Tôi học buổi chiều, một hôm về đến nhà, không thấy ai. Má thì đi lên An Lộc vài ngày trước, anh kế tôi học buổi sáng, chiều cũng không thấy có nhà, chỉ thấy có tờ giấy viết để trên bàn: “ba má bị thương đang nằm trong bịnh viện Chợ Rẫy, khu ngoại thương .. “. Chỉ vậy thôi, như cả một thế giới đổ xập xuống, mắt hoa, tai lùng bùng, ngực ngẹn thở, cố gắng, tôi lẩm bẩm: “ nhưng ba má còn sống mà… “
.
.
Chiến tranh không còn là chuyện bên ngoài, mà đang bước thẳng, bước ầm ầm, đổ ập ào ào máu lửa vào ngay gia đình tôi. Đến khu ngoại thương BV Chợ Rẫy, hỏi thăm chỉ dẫn thì người ta cho biết ba tôi nằm nơi nào, má nằm nơi nào. Bệnh nhân Nam và Nữ có khu nhà khác nhau. Ba và má được trực thăng tải thương về Tân sơn Nhất hồi sáng, xe cứu thương đưa vô Chợ Rẫy vì ba làm công chức của chính phủ, thuộc khu 3 của Bộ Công Chánh. Trên Bình Long gọi về SG thông báo, và Bộ Công Chánh cho người đến nhà đưa tin. Anh Chị tôi đã có mặt trong đó. Má còn đi đứng được, cũng qua bên giường ba tôi nằm. Hai chân ba băng kín hai đầu gối to lên một cục, còn tỉnh táo và nói năng bình thường, chỉ không tự di chuyển được thôi. Như vậy là ba má tôi còn sống, trên người chỉ còn bộ quần áo ướt thấm máu với dấu đạn khi thoát ra khỏi An Lộc. Chị tôi đã mang quần áo cho mẹ thay và mua quần áo mơí cho ba. Những ám ảnh khi nhìn ba má rời nhà vào những sáng sớm đi về lại An Lộc cũng trở thành sự thực, nhưng đầy may mắn, chỉ nửa sự thực thôi. May mắn qúa, hai người vẫn còn sống.
.
.
Đêm hôm qua, nửa đêm về sáng, ba má bị toán đặc công VC vào tận nhà, nhà chỉ cách bộ chỉ huy Tiểu Khu một cái sân trống, bị VC bắn, rồi trúng thêm đạn pháo kích nữa. Má từ từ kể lại câu chuyện. … bị bắn tối hôm qua. Thường thì khi có pháo kích, ba hay chui xuống hầm ngủ, hầm đào thêm trong nhà, ngay trong nhà bếp, hồi tôi còn ở trên đó thì không có hầm này. Khi má lên thì hai người nằm nói chuyện đến khua. Ba nghe có nhiều tiếng xầm xì và tiếng động khả nghi phía trước nhà. Khu này rất an toàn chỉ cách vách rào của Tiểu Khu chừng 50 mét thôi, nên không có chuyện VC vào đến đây. Ba nghe nhiều tiếng động và âm thanh lạ, nên mở cửa sổ phiá trước nhà nhìn ra, thấy một toán người mặc đồ lính VNCH, tuy nhiên vì gần nửa đêm, không rõ lắm. Ba lên tiếng hỏi họ thuộc đơn vị nào, tại sao lại đi phục kích trong khu cư xá … thì một loạt đạn AK từ trước cửa vườn bắn vào nhà, chưa tới 7 thước, không biết là ba có mở cửa ra ngoài không, vì bị trúng đạn vào hai đầu gối. Tiếp theo là một trái B40 thổi tới vào cửa sổ, chỗ má đứng phía sau cũng đang nhìn ra ngoài. Má bị mảnh đạn và nguyên cái tủ sách bằng kiếng bể đổ chụp xuống lưng, vì nghe súng bắn tới, má đã nằm xuống rồi. Loạt súng đạn nổ vang lên gần ngay bên tiểu khu như vậy, nên họ đã rú còi báo động lên, và có những loạt súng giao tranh tiếp gần đó. Đồng thời đạn pháo kích từ ngoài do VC bắn tới cũng rơi chung quanh. Ba bị nặng nhất là vết thương đạn vào hai đầu gối và những miểng nhỏ khác trên người, má bị mảnh đạn và mảnh kiếng bể cứa nát phía sau lưng, nhưng không vào sâu tới xương sống hay giây thần kinh. Hai người bị máu ra nhiều.
.
.
.
ztdal-akb40.jpg picture by tddesign-1
.
.
.
 
Má đã kéo được ba vào trong nhà, toán VC trước nhà rút ngay đi chỗ khác khi vừa nổ súng xong, vì trong Tiểu Khu đã báo động lên. Nhưng chung quanh không có ai đến tiếp cứu hai người hay coi có chuyện gì đã xẩy ra hết vì tình hình đang có báo động. Má tự băng bó cho mình và cho ba, rồi nằm chờ người đến sau khi đã kêu cứu, nhưng hai gian nhà bên cạnh hình như đêm tối không có người trong đó, hay họ đi trực trong cơ quan hết. Sau hồi lâu thì má quyết định sẽ dìu ba bò qua bên nhà thương, bịnh viện Bình Long, phía sau nhà chỉ hơn 50 mét, chứ hai người nằm trong nhà chờ tới khi có người đến cứu, hay tới sáng thì sẽ chết vì mất máu, hay trúng đạn pháo kích thêm vì không xuống hầm được. Quyết định như vậy, nên má lết đi và bò, kéo thêm ba qua bên bịnh viện, còn ba thì bị thương vào hai đầu gối nên không đứng được. Không biết hai người xoay sở ra sao tới bao lâu .. , cuối cùng cũng tới được bờ đường bên trước bịnh viện, la lớn kêu cứu, thì bên trong BV có người ra khiêng vào cấp cứu.
.
.
.
ztdal-nha-bv-tieukhu.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
Lúc đó vẫn có pháo kích rải rác chung quanh trung tâm tỉnh. Bên trong BV, những người trực đêm, họ băng bó cầm máu, bấm vết thương lại cho ba má. Họ quyết định liên lạc xin trực thăng tải thương ngay sáng sớm vì ba và má có gia đình sống ở SG, còn trên An Lộc không có ai nữa. Như vậy chỉ có lau rửa, bấm vết thương lại, cầm máu, tiếp nước biển rồi chờ tải thương thôi. Gia đình tôi đến Bình Long năm 59 hay 60 trên một chuyến xe vận tải chở hàng để dọn nhà đến, rồi bây giờ ba má từ gĩa An Lộc, trắng tay, chỉ có bộ quần áo đẫm máu trên người mà thôi. 59 đến 67, một quãng thời gian dài, gia đình chúng tôi thực sự rời An Lộc trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, bỏ nguyên căn nhà với đồ đạc, với kỷ niệm của gia đình trong đó. Ba má trở về Sài Gòn trên đôi băng ca, dưới cánh quạt trực thang phần phật gió lộng, từ gĩa gío bụi đỏ của Bình long An Lộc, tòng ten bên người những chai nước biển. Không biết má có cầm theo được túi đồ với tiền bạc hay không.
.
.
.
helioevac_vietnam_700.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
Hai người trở về với đàn con trên chiếc băng ca, trong chiếc trực thăng ... không biết sơn mầu gì, chắc mầu xanh olive của lính, nghe y như bài hát: anh trở về trên chiếc băng ca .. trên trực thăng sơn mầu tang trắng của Nhật Trường, Trần Thiện Thanh. Đúng là ba má tui có số đi mây về gió. Ngày xưa năm 54, cũng đi từ hà Nội vô SG bằng DC3. Rồi sau này thì bay Boeing qua tới tận Seattle ...
.
.
.
 
ztdal-cho_ray_2000.jpg picture by tddesign-1
.
.
 
còn tiếp ...
 
.
by duongtiden, an loc, binh long va toi.
.
.
 

Labels Loại Bài

Followers

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.