copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Sunday, July 26, 2009

bài thứ 9, về Cam Ranh và những bạn KT của anh Lâm Công Quyền KT65 .. nếu muốn coi đủ kiên tục những bài cũ nhấn vào tags

.
.


.
 
Viết tặng bạn Bùi-Nhất-Hanh, LCNam, tất cả bạn già KT và...Cam-Ranh, (phần 9)
Chân thành cảm tạ sự cố vấn về nhạc của nhạc sĩ Lê-Dinh và về hóa học của tiến sĩ Nguyễn-Thúc-Soạn, VĐH Sherbrooke, Qué., em rể của Tô-Minh-Kiêm KT70
.


Tham dự giảỉ Văn Nghệ
.

Trở về bán đảo Cam Ranh sau mỗi lần về làm bài thi, tôi có cảm tưởng “trở về tổ ấm”, nơi tôi có một người tôi yêu và yêu tôi đang chờ đợi. Gặp lại gương mặt xinh đẹp, nụ cười dễ thương nhờ chiếc răng khễnh, mọi ưu phiền của cuộc đời đều tan biến, quên hết mệt mõi, âm mưu, phe đảng, bất công, cạnh tranh, ganh tỵ, dèm pha... của  một thành phố lớn và với cái dại khờ của tuổi trẻ cứ nghĩ rằng mình trở lại một nơi thiên đàng, mọi việc đều tốt đẹp...
.


Cuối mùa đông năm73, tôi lại được Chỉ Huy Trưởng cắt cử tổ chức và trông coi 1 chương trình văn nghệ để tham dự Lễ kỷ niệm thành lập Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Nhiều khi tôi tự nghĩ, không hiểu tại sao, các vị CHT cứ chỉ định dân Kiến Trúc làm trưởng ban Văn Nghệ ? Thật là 1 thách đố thiên nan vạn nan, ở “hoang đảo” này, tìm đâu cho ra bản nhạc, kịch bản, nhạc cụ và nghệ sĩ ? Sẵn thân nhau với Th/uý Mai-Xuân-Lượng* từ Trường Bộ Binh Thủ Đức rồi Trường Công Binh Bình Dương đổi ra đây 1 lượt, Lượng là kỹ sư Công Chánh, có một cặp mắt to và đẹp, rất hiền lành, nói tiếng Việt hơi nặng vì là Việt kiều hồi hương từ Kam-Pu-Chia. Lượng có 1 cây guitar, tôi có 1 cây, tối tối hay đàn ca với nhau, đôi khi hướng dẫn lính tập ca bài Công Binh Hành Khúc,  nên lấy Lượng làm nồng cốt. Lại nhờ Tr/uý Tài người 54,  phòng Hành Chánh Tiếp Liệu vốn là bạn Tr/học với LCNam (3 gia-đình này ở 3 cái barrack liên tiếp nhau) quen thân với Đài Phát Thanh Nha-Trang , anh lấy chiếc Dodge 4 chở tôi ra đó mượn được 2 cây guitar điện, 2 cái ampli và 1 giàn trống đem về CR, từ đó lập ra 1 ban nhạc gồm có Thượng Sĩ Hoan, trống, Hạ sĩ Tánh (?) đàn basse và dĩ nhiên, Th/uý Lượng đãm nhiệm guitar solo kiêm phụ trách phần tập ca nhạc.
.


Tôi nghĩ ra 1 chương trình ca-nhạc-kịch, chọn các bản nhạc và 1 kịch bản, thiếu môn vũ vì tôi không có khả năng này,  rồi tuyển chọn những binh-sĩ, nữ công chức...để đảm nhiệm. Thật không ngờ việc này lại rất dễ dàng,  tôi đã chọn đũ ca nhạc sĩ, kịch sĩ bất đắc dĩ mong muốn. Rất may là Thượng sĩ Hân, người gốc 54 và Hạ sĩ I Mai-Non, người Nha-Trang đều là những diễn viên rất tự nhiên và có tài năng thiên phú. Tôi làm timing tất cả chương trình cho khớp với thời gian ấn định mỗi đơn vị là 20 phút. Xong xuôi, tôi lại được lệnh Tr/Tá CHT phải cho Tổng dợt trước mặt tấ́t cả quân nhân và công nhân viên cả Sở dưới sự chủ tọa của ông*.
.


Trong buổi Tổng dợt, tất  nhiên tôi phải đứng ra giới thiệu chương trình, vốn từ lâu học theo cách giới thiệu kiễu Bob Hope hay Ed Sullivan tức là nét mặt tỉnh bơ nhưng cách nói rất hài hước, cộng thêm vài ý từ Minh Bò KT 65, làm cử tọa cười ầm ỉ! Tr/Tá Sài tỏ ý hài lòng lắm, ông vừa cười vừa hỏi:
.

- Rồ...Rồ...Rồi...(ông có tật cà lăm)… bữa đó anh cũng nói...như...như...vậy chớ há ?
- Thưa Tr/Tá, dạ ̣được, tôi cũng sẽ nói y như vậy.
.


Cuộc thi đua Văn Nghệ được BCH 5 TV tổ chức tại Hội Trường NCO (̣Non-Commissioned Officer) của Mỹ cũ, có tất cả 13 đ/vị tham dự. Khi buổi lễ bắt đầu, ban giám khảo (không có đ/vị trưởng của chúng tôi trong đó)  tuyên bố cho mỗi đội “được” kéo dài thêm 5 phút, tức 25 phút, tôi ngơ ngác vì mình đã khổ cực gói ghém ch/trình cho đúng thời gian 20 phút. Kết cuộc, 3 đội có đại diện trong Ban Giám Khảo chiếm hạng Nhất, Nhì và Ba, còn đội chúng tôi về hạng 12 ! Vì để trống 5 phút ̣(thời-gian chết, temps mort) trên sân-khấu ! Với khả năng của một “showman”*, tôi có thể trám 5 phút nây dễ dàng nhưng quá chán ngán sự bất công, gian lận của các SQ cấp cao, tôi chẳng màng để ý đến nữa, tôi không có một chút hứng thú nào nhảy ra sân khấu ca hát, nhảy múa hay nói chuyện hài hước kiểu stand-up comedian cho họ xem.  
.


Buồn quá mức, tôi từ chối lên xe về chung với các “ca nhạc sĩ” của tôi và dù hơi xa, quyết định đi bộ lang thang trở về nhà với nàng TLN của tôi đi bên cạnh. Thật là đau lòng khi phải bảo toàn cho đúng các chữ điều lệ, DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM một lượt và càng đau lòng hơn nửa khi mình tôn trọng luật lệ thì bị thua trong khi kẽ tổ chức ăn gian tự sửa luật lệ của họ đặt ra lại thắng, tôi gia nhập vào đời như vậy sau khi thắng được giải xe hoa Phật Đản ngoài thị xã Cam Ranh, nơi đây với tập hợp QĐ đầy những người quyền thế, cho tôi bắt đầu thấy rõ sự bất công và gian xảo và như lãnh một cái tát vô mặt vì tội ngu dại.
.
.
z-td-camranh-ttri-2.jpg picture by tddesign
.
 
.



Tam Thập Lục Kế : Xáo trộn kinh khủng cố ý hay vô tình trong ngành Tiếp Vận ?
.

Tháng 3 năm 1974, Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, ra lệnh cải tổ toàn bộ Binh chủng Tiếp Vận. Vì có nhiệm vụ phụ trách tờ báo Thông Tin Nội Bộ, Th/Tá Ái có đưa tôi một số báo chí, tài liệu để tham khảo, nhờ đó biết rằng từ tháng Giêng 1974 Bộ TTM  được MACV cho biết viện trợ quân sự Mỹ trong tài khóa 74 – 75 bị cắt giảm 300 triệu Mỹ kim. Tổng Cục Tiếp Vận phụ trách việc cung cấp quân trang, quân dụng, xe cộ, vũ khí và đạn dược cho toàn thể quân lực VNCH đã nghiên cứu một kế hoạch để đáp ứng với tình hình mới. Tôi là một Th/Úy quèn dĩ nhiên không biết được nổi những lý do quyết định của cấp trên cùng, nhưng chỉ ba tháng sau đó, một sự xáo trộn kinh khủng đã xảy ra ngay tại bán đảo Cam Ranh vì lệnh của Tr/Tướng Đồng Văn Khuyên. Đầu tiên, danh xưng : Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận đổi thành Sở 5 Tiếp Vận, Khu Quân Sản Tạo Tác Nha Trang thành Sở 5 Công Binh, làm xáo trộn tất cả giấy tờ hành chánh, các khế ước, các đơn đặt hàng, giao hàng, tiếp đến trong nội bộ, sắp đặt lại cho hợp cách tổ chức mới, ai ở đâu, phòng nào ban nào, quân nhân công chức lũ lượt ôm chồng hồ sơ đi tới lui, đỗi qua nơi khác. Vài sĩ quan sợ bị mất chức hay đổi đi nơi khác lui tới văn phòng CHT tấp nập như đi chợ.
.


Tôi bàng hoàng nhìn rất đông lí́nh tráng từ vùng cao nguyên như Ban-Mê-Thuột, Đà Lạt đổi về đứng sắp hàng trong bãi đậu xe đợi bố trí, tội nghiệp nhất là những binh sĩ gốc thượng, mồ hôi nhể nhại vì không quen cái nóng của miền đồng bằng, các sĩ quan thì khỏi sấp hàng chung nhưng trông cũng bơ phờ và ngơ ngác vì lạ chỗ. Tôi rất phân vân trước sự hổn loạn này và hỏi Th/Tá Ái, Phó CHT, vị Th/Tá người Huế này tôi đã miêu tả giống như một ông quản thủ thư viện Pháp*, thật ra trong lòng tôi vẫn coi ông như một nhà bác học, tôi kính nể ông không những vì sự hiểu biết rộng lớn của ông, mà còn kính nể sự liêm khiết và trong sạch của ông, trái lại trong Sở có mười mấy sĩ quan ông chỉ thân với một mình tôi, ông và vợ con hay đi picnic, đi chợ với chúng tôi và chỉ nói chuyện với tôi ngoài giờ làm việc, tôi hỏi ông:
- Thưa Th/Tá, xáo trộn như vậy, làm sao mình làm việc được?
- Anh Quyền ơi, trong QĐ chúng ta phải tuân theo lệnh cấp trên, nhưng riêng giữa tôi và anh, thật tình tôi cũng đã nghĩ đến kế thứ 8 “Vô trung sinh hữu”* trong Tam Thập Lục Kế của Tôn Tử rồi.
.


Ông chỉ nói có bấy nhiêu đó thôi và không bàn thêm gì nửa, tôi biết vì cấp bậc trong QĐ không cho phép ông nói nhiều hơn. Nhưng đối với tôi, tôi hoàn toàn không hiểu ông muốn nói đến kế gì, thật hoàn toàn bí hiểm, Tam Thập Lục Kế ? tôi cũng như bao nhiêu thanh niên VN khác đã từng đọc không biết bao nhiêu tác phẩm Trung Hoa xưa: Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc, Thuỷ Hử, Tây Du Ký..., tác phẩm Trung Hoa cận đại gần nhất là của Kim Dung và dĩ nhiên cũng đã từng có đọc quyển Binh Pháp Tôn Tử, nhưng khi nói đến Tam Thập Lục Kế trong đầu tôi chỉ nghĩ đến Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách là kế cuối cùng trong 36 kế mà thôi. Nhưng bỏ chạy ? không đúng, tôi đâu thấy ai bỏ chạy đâu ? chắc có lẽ ông không muốn nói đến điều này. Tôi ườc có 1 cái Thư Viện ngay tại Cam Ranh để sưu khảo, nhưng rất tiếc QĐVNCH không có khả năng này.
.


Một chút flash-back về năm 1973: quê hương miền Trung
.

So với thời gian trước đó, năm 1973, tôi cũng đã làm việc hết mình, hoàn thành tốt đẹp tất cả projet được giao phó chánh thức kể cả SQ công trường và nhờ các việc làm này tôi được biết thêm một phần rộng lớn của nước Việt Nam trải dài từ Dục Mỹ* xuống đến Chi Khu Tạo Tác Phan Thiết, tại đây tôi gặp một anh Tr/Úy nguyên là cán sự KT, anh nói với tôi có hai người em học trường KT tên là Nguyễn-Văn-Minh-Trí KT65 và Nguyễn-Văn-Minh-Tâm KT66 (q.c.), ông cũng cao lớn , rất giống NVMTrí. Cũng nhờ các công tác đi xa đó, tôi biết được thêm rất nhiều về địa thể, về sự khổ cực, về con người nói chung của miền Trung. Từ thuở nhỏ tôi cũng như các bạn đều thuộc làu bản “Tình nước “ của Vũ-Hòa-Thanh :

                                Quê hương tôi, nước mặn đồng chua,
                                Làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá....

Vâng, bài hát thấm thía vào lòng tất cả  người Việt này, với thời gian trở thành một bài hát để than thở với nhau, quê hương tôi nghêo, đất đai tôi bị chua bị sõi đá...riết rồi chẳng ai để ý cải thiện vì bận lo chiến tranh, hết chiến tranh bận lo làm giàu, người dân nghèo kia trở thành công nhân cho các resort đẹp đẻ do các KTS ngoại quốc vẽ, để phục vụ du khách! Nước mặn vì ở cạnh biển, đồng chua vì phèn, chúng ta có đầy đủ chuyên gia, có đầy đủ hóa-học-gia dư sức tìm cách phân tích nước để tìm ra cách “trị đất”, Bộ Canh Nông trong các năm 60,70 phải nhờ người Đài Loan chỉ cho cách “trị đất” bằng phương pháp rãi vôi!   
.
 
.
z-td-camranh-ttri-1.jpg picture by tddesign
.
 
.
 


Tôi ghi nhận trong đầu những việc tiêu biểu sau đây trong thời gian đi công tác trên một phần đất khá rộng lớn của miền Trung, một việc có lẽ không có ai thèm để ý đến và cũng không do Sở yêu cầu:

- Lúc trên đường ra Nha Trang lần đầu, tôi để ý đến các cây cầu bắt ngang sông ở miền Trung cao nghệu, nhìn dưới lòng sông chỉ như một con lạch nhỏ trong Nam, tôi ngạc nhiên lắm nhưng khi chính mắt nhìn thấy nước lũ tại Dục Mỹ thật là kinh khiếp mới hiểu ra, nước từ dãy Trường Sơn kéo ầm ầm băng đồng, băng ngang nhà cửa ruộng nương, cây cối, cuồn cuộn chảy như khi nước lớn ở sông Cửu Long nhưng mênh mông không có bến bờ ! Nhìn dân quê nheo nhóc ngồi hết lên các tấm phản, tôi không hiểu làm sao họ có thể chịu đựng qua cơn mưa lũ kéo dài nhiều ngày như vậy? Tôi học được chữ “mưa thúi đất” từ đây.
.


Thời đó, nhìn cảnh nước lũ, tôi ước ao làm những mương bê tông ở lưng chừng dãy Trường Sơn, tập trung nước lại vào những hồ nhân tạo hoặc hướng về các giòng sông đã có sẵn, nhờ thế đất, tạo ra điện...Ôi, chỉ là mơ mộng !
.


- Tại Nha Trang, vì tánh luề xuề, nên được một binh sĩ mến mộ mời ăn cơm chiều cùng với gia-đình, vừa ăn vừa quan sát cả gia-đình 2 vợ chồng, 1 người cha già, 2 đứa em, 5 đứa con, thức ăn rất giản dị: 2 trái trứng vịt dầm nước mắm mặn không pha, 1 tô canh rau muống luộc, và vừa ăn vừa ái ngại vì sức của tôi nếu sơi tái cả mấy món này chắc chỉ trong vòng 5 phút ! Nhìn mấy đứa nhỏ thơ ngây ăn một cách ngon lành, không than thở, không giành giựt, thật tội nghiệp làm sao!
.


- Trong một công tác chung với LCNam tại Phan Rang, Nam dẫn tôi đến viếng thăm nhà bạn và giới thiệu với thân mẫu, tôi vốn mồ côi mẹ nên rất xúc động khi gặp bất cứ mẹ của bạn nào, nhìn thấy bà cụ hiền từ gầy ốm sống một mình trong một căn nhà nhỏ, lòng tôi nỗi lên một niềm thương cảm, đi qua các phòng ốc đều nhỏ nhỏ xinh xinh. Bước qua các cửa, dù tôi chỉ cao trung bình, 1m68 thêm đế giày botte de saut khoảng 2 cm thành 1m 70, tôi xém đụng đầu vào cửa mấy lần cho biết khái niệm về sự khác biệt giữa nhà ở miền Trung với trong Nam rất nhiều, sau này sống ở Bắc Mỹ mới thấy tất cả cửa nẻo đều có tiêu chuẩn và luật lệ xây cất được áp dụng chặt chẻ đồng đều cho cả xứ chớ không phải chỉ riêng một vùng nào.  
.
   

Những việc làm không chánh thức như vẽ Thiệp Chúc Tết nhiều màu cho đầu năm Dần rồi đem về Bộ TTM để in*, hoặc về Sài Gòn thay mặt Sở đi mua tràng hoa đến dự đám tang một vị Thiếu Tá CB mới vừa quá vãng*, vẽ plan “chùa” cho các người quen của Tr/Tá CHT ở Nha Trang..., sau vụ thắng giải xe hoa Phật Đản, tôi được lệnh yết kiến Đại Tá Mai “chuá đảo” bên Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Tôi tự nghĩ:” Chết m.,một SQ lè phè như tôi mà ông đã nghe tiếng rồi!”, ngoài tài xế, Sở cử Đại Úy Nguyên, một vị SQ cao lớn, đẹp trai, người Bắc 54 hướng dẫn tôi vào giới thiệu với Đại Tá. Bước vô văn phòng ông, tôi có cảm tưởng như KTS Đức Q.X. Albert Speer vào trình diện Hitler, thật ra ông chỉ muốn tôi về Sài Gòn trông coi sửa chữa nhà của ông thay thế anh Đỗ-Hữu-Hạnh KTS* đã đổi về Sài Gòn trước đó vài tháng. May phước cho tôi, ông Đ/Tá này đã được thuyên chuyển đi nơi khác sau đó nên tôi vẫn còn được gặp nàng TLN của tôi!    
Trong vòng mấy tháng có cuộc thay đổi lộn xộn trong năm 1974, chẳng ai làm gì được, chỉ trừ 2 nhà máy phát điện trực thuộc Sở 5 CB có trách nhiệm (trong đó có Th/Uý BVTùng KT63) giữ dòng điện liên tục 24/24. Cũng vì không có gì làm nên Hanh và tôi mới có nhiều dịp để nhậu nhẹt, tôi và Hanh là hai trong những Th/Uý quèn, tứ cố vô thân, không tài sản, không gia đình, không cần phải nịnh bợ CHT để được ở lại đơn vị, chẳng có gì để cạnh tranh với ai tại bán đảo này nên chúng tôi tự do như gió thoảng (libre comme le vent), QĐ có đổi chúng tôi đi đâu cũng được, chấp nhận lệnh không khác lính nhảy dù là mấy. nhân dịp gió đưa tôi đến uống rượu với các binh sĩ gốc Thượng, hiểu được sự khổ tâm của họ khi phải lìa xa gia đình và vùng cao nguyên quen thuộc từ lúc ra đời. Cả Hanh và tôi mấy chục năm sau , nhắc lại giai đoạn này hoàn toàn không nhớ nổi mình đã làm gì trừ ra tôi được giao phó trọng trách “Vét lòng vịnh Cam Ranh” cho đến phút cuối cùng đóng tại đây và Hanh được phó thác trang trí cho một cuộc triển lãm vật liệu xây cất.. Cũng trong thời gian này, tôi tình cờ bắt gặp quả tang một người bạn KT đang thóc mách về tôi với Tr/Tá CHT, theo đúng phép lịch sự, tôi gỏ cửa văn phòng trước khi bước vào, vừa nghe kịp thằng bạn học cùng trường đang nói đến tên tôi, vị CHT không ngần ngại vẫn nói tiếp:
- Nhưng tôi vẫn giữ ảnh ở đây vì tôi thấy ảnh làm việc được.
Nghe những lời này, tôi như bị sụp vào một cái hố sâu thâm thẩm nhưng vẫn giữ kín trong lòng không hé môi cho bất kỳ ai vì mình chịu ơn người ta thì mình không có quyền nói gì hết, nổi buồn không diễn tả được, trong môi trường cạnh tranh kinh khủng như trường ĐHKT Sài Gòn, chưa từng có SV nào đi ton hót bao giờ, nịnh bợ thầy thì có nhưng mách lẽo thì không, tại một nơi xa xôi có người “bạn” lại muốn xin CHT đổi tôi lên vùng cao nguyên! Lòng ganh tỵ và đố kỵ đã che mờ trí não của người “bạn” đến nổi không thấy được người ta đã cố ý bỏ ngõ vùng Tây Nguyên để chỉ vài tháng sau đó QĐVNCH đã thất trận đúng ngay từ đấy! Ôi, mới ra đời tôi đã học được thêm một bài học chua cay nửa, lại thêm một cú đấm vào mặt một thằng ngu ngốc!
.


Hanh lúc ấy đã tốt nghiệp rồi, chỉ còn BVTùng, LCNam và tôi thiếu bài, mục đích của Tùng và LCNam trong đời là gì, tôi không được biết, nhưng mục đích của tôi lúc đó 29 tuôi rất rõ ràng: “tốt nghiệp”. Quan niệm của tôi rất rõ, không cần đợi người Bắc Mỹ dạy mình cái gì trên đời cũng phải tính thành tiền, chỉ cần suy nghĩ cha mẹ mình đã tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt (thật vậy, chef xài xể, chưởi mắn...) nuôi mình để ăn học vậy phải làm sao đạt đến mức cho kỳ được, it́ nhất cho cha mẹ thấy thành quả của sự cố gắng đó. Giao kèo giữa Bộ Giáo Dục và Bộ Quốc Phòng là một sự khôn ngoan của một quốc gia, không muốn phí phạm nhân tài trong chiến tranh, giao kèo này cho phép bất cứ quân nhân nào, không phân biệt cấp bậc và binh chủng, đều được phép thi cử trong những cuộc thi mà bằng cấp ̣được Bộ GD chấp nhận.
.


Nếu bạn nói vì công vụ nên không thể bỏ Sở đi được về thi là  nói láo một cách trắng trợn, nếu bạn thật sự muốn chiến đấu bão vệ đất nước, bạn đầu quân vào lính chinh quy đi, nếu bạn nói công việc cạo giấy của bạn quá ư quan trọng không ai thay thế được là  khoác lác, QĐ nước nào cũng vậy, được lập ra với tiêu chuẩn, mất người này có người khác thay thế, người lính cầm cờ trúng một viên đạn, vừa nằm xuống, có người khác lên thế cầm ngay lập tức, Thiếu Uý tiểu đội trưởng vừa tử thương, Thượng Sĩ I lên thế ngay, cứ như vậy xuống đến Hạ Sĩ. Đó là nói đến chiến đấu ngoài mặt trận chớ cạo giấy thì ai cạo chắ̉ng được ?
Tôi không hiểu nổi tại sao LCNam lại kết cái chức trưởng ban này quá mức và quan trọng hóa chức vụ này như vậy, tôi không nghĩ Nam có thể bám cái chức nhỏ mọn này đến già cho được. Nam hãnh diện đến mức khoe với tôi:
- Anh Đinh-Hữu-Tường kỳ này mà về đây, ảnh sẽ phải làm dưới quyền tao !
.


Anh Đinh-Hữu-Tường KT60 là đàn anh của chúng tôi, đã tốt nghiệp KTS từ khuya rồi, hơn nữa anh học trước LCNam những 4 năm, trong những lúc xáo trộn vào nữa năm sau của 1974 có “tin cấp trên” cho biết anh sẽ “bị” đổi từ KQSTT Đà Lạt về Nha Trang (CR), tại sao lại hãnh diện đến như vậy? được làm “trên” anh ? Có phải do cái mặc cảm thua sút anh mà ra không ?* Hoặc là vì tư lợi ?
.
.
z-td-dhtuong-1.jpg picture by tddesign
.
.
.
 


Ôi, quyền hành, ôi, tư lợi, tôi có một người bạn thân tên Trần-Dân-Chủ gốc 54, nguyên là bạn trung-học của chúng tôi, Vũ-Triệu-Tấn KT64, Nguyễn-Tất-Tống KT64, Nguyễn-Ngọc-Điệp KT66…đang học MPC ở ĐHKH đã tình nguyện đầu quân, trở thành Th/Úy BĐQ, chiến đấu rất dũng mãnh, bị thương nặng, đáng lẽ đã được giải ngủ, quyết định trở lại đơn vị cũ, khi vừa đến nơi, lính than đói vì nhiều ngày không có ăn. Bạn tập hợp lính lại trước sân cờ, rồi mời vị CHT cùng phòng Hành Chánh, Tiếp Liệu ra đối chất trước mặt lính, vì vậy sau đó, lính mới có ăn. Sau đó, Chủ lại bị thương và bị bắt làm tù binh tại mặt trận, bây giờ là một người tàn phế ở tại Houston, TX.
.


Món quà đặc biệt
.

  
Một ngày nọ khoảng tháng Ba năm 1974, trong phòng Kỹ Thuật, 1 ông họa-viên lớn tuổi, ông Cẫm, người gốc Nha-Trang (ông chưa từng đi SG bao giờ vì đọc báo thấy...tai nạn nhiều quá nên sợ) nhờ tôi giúp ý kiến để con gái ông tham dự concours vẽ logo cho Viện Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải sắp mở ở Nha-Trang, ông đưa cho xem đề concours của VĐH này. Tôi xé ra 1 tờ giấy calque đặt lên bàn vẽ, lập tức vẽ một mạch 6 cái esquisse đưa cho ông rồi quên hẳn chuyện này. Độ 1,2 tháng sau, 1 buỗi sáng Công Nhân Viên vừa từ Nha-Trang vô tới, tôi vừa bước vào phòng KTh, chợt thấy ông Cẫm líu ríu cầm trong tay 1 gói quà hơi to, gói ghém rất đẹp tiến đến trao tận tay tôi, ông nói:

- Hôm trước, tôi có nhờ Th/uý giúp cho con gái tôi vài ý kiến để dự thi vẽ logo, nó lựa 2 cái đẹp nhất khai triễn rồi gởi đ̀i và nó đã thắng được Giải Nhì, cho nên hôm nay tôi gởi tặng Th/uý 1 món quà nhỏ để gọi là cám ơn ông. Tôi nói:
- Đâu có đáng chi đâu bác, đâu cần phải làm vậy.

Trong khi ông cứ nài nĩ, tôi nhìn gói quà to hết sức áí ngại, nghĩ công mình không đáng cở đó, nhưng không muốn ông buồn:
- Vậy tôi có mở ra được không bác ?
- Được chớ, Th/uý cứ mở ra xem.
.


Tôi lần lượt tháo dây ra, xé nhanh tờ giấy gói rất đẹp, thấy trên cùng có 2 cục kẹo, dưới là 3 quyển Kinh Tân Ước bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp ! Trời ơi, một thằng dân chơi Cầu Bến Nọc, Tứ Đổ Tường như tôi mà cho Thánh Kinh ! Phái chi ông cho tôi 3 chai Black & White với 3 nhãn hiệu đen,vàng, đỏ...hay 3 quyển Penthouse của 3 tháng khác nhau có lẽ hạp hơn ! Miệng tôi chắc cười méo méo đành nói:

- Cám ơn bác nhiều lắm.
- Tại vì, tuy Thiếu Uý như vậy (?) chớ tôi thấy bề trong Thiếu Uý có căn bãn đạo đức lắm nên tôi tặng Thiếu Uý mấy quyển Tân Ước để tìm hiểu thêm, đồng thời trau dồi thêm sinh ngữ đó mà._Ông vừa nói vừa cười rất tươi.
.


Tôi đành gói ghém lại đem về nhà cất, sau đó đem về SG, giữa tháng 3/75 tôi bắt đầu đọc vì những biến cố dồn dập xảy ra. Tôi chỉ đọc bản tiếng Việt và thầm cám ơn ông họa viên già người Nha-Trang đã giúp cho tôi hiểu được phần nào các biến cố đó, tôi có được một kiến thức rộng hơn về tôn giáo và hiểu tại sao một thiền sư Nhật sau khi được một người đệ tử thuật cho ông nghe về 1 câu nói của Giê-Su, ông nói rằng: “Người nào nói câu ấy Người đó đúng là một vị Phật”.


 
chú thích:
* Sẵn thân nhau với Th/uý Mai-Xuân-Lượng: có vợ tốt nghiệp trường Marie-Curie, con nhà giàu, v̀i sự thân thiết này đã khiến tôi mất 1 thằng bạn KT ?
* Tất cả hơn một trăm khán giả này đã ủng hộ bỏ phiếu tuyệt đối cho esquisse xe hoa Phật Đản của tôi trước đó, esquisse của bạn kia, chef direct của tôi, không phiếu nào, tôi hết sức áí ngại cho bạn. 
* showman: nguyên danh từ này do bà đạo diễn Mỹ tên là Barbara Owens gọi tôi, thuật lại cho Minh Bò nghe, bạn cứ ưu ái gọi tôi là showman từ đó.
* Vô trung sinh hữu: thật ra tôi không thể nhớ rõ chữ này nhưng chỉ nhớ kế thứ 8, từ đó phăng ra.
* Dục Mỹ cách thị trấn Ninh Hòa độ14 km về hướng Tây, nằm trong một thung lũng.
* Các công tác tại SG này đã chiếm mất vài tiếng đồng hồ quý báu khi về thi của tôi.
* Đ/Úy Đỗ-Hữu-Hạnh KTS: đã nói trong kỳ 1
* Đinh-Hữu-Tường KT60 (q.c.): qua đến Mỹ, anh Tường học lấy bằng lại tại ĐH Utah, hết ai so bì luôn !

 (xin xem tiếp phần 10)
.
.
hết bài 9 của LCQ.
.





ghi chú của tmd:
tôi lấy hai tấm hình phong cảnh Cam Ranh, từ blog site của TinhTri, trên Multiply này, hinh được chụp tháng 5. 2009
cám ơn TinhTri.
.
1./ Anh Đinh Hữu Tường cùng thầy Trương đức Nguyên dậy tôi học đồ án KT năm thứ nhất năm 70 tại ĐHKT SG, mỗi tháng sữa bài một thầy, luân chuyển. Tôi nhớ không lầm thì sau này anh Tường sửa bài họa thất cấp hai, hình như là Họa Thất 5, phía sau cùng bên canteen. Tại sao có chuyện năm 74, phục vụ Công Binh ở Đà Lạt. Năm 94, 95, tôi gặp lại anh Tường hai ba lần, lúc anh đang theo học Master in Architecture tại University of Utah, văn phòng Kiến Trúc tôi làm việc có chi nhánh trong campus của Viện Đại Học này, tôi thì vài tuần xuống campus làm việc, họp với những giáo sư của trường Y Khoa để thực hiện những phòng mổ (operation rooms) và phòng hồi sinh (PACU) theo những nghiên cứu mới của họ, rồi đến một trung tâm nghiên cứu cancer mới, Huntsman Cancer Center trên đỉnh đồi cao nhìn xuống Salt Lake City,  và lo dàn CAD của văn phòng chi nhánh ở đây, lúc đó đang sửa và nới rộng bịnh viện của trường Y khoa, nơi phát minh ra trái tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới và gắn vào bịnh nhân sống được nhiều tháng, khoàng đầu những năm thập niên 1980.
Thành ra lúc đó tôi đã là kts Mỹ, tốt nghiệp M. Arch. trường Mỹ accredit đã mười mấy năm, tôi đã được anh Tường dậy học KT năm thứ nhất tại ĐHKTSG, còn anh Tường lúc này lại là sinh viên đang bắt đầu theo học lại đại học Mỹ, tôi vẫn chỉ đáng là học trò vừa dở vừa ngu cũa thầy Tường.
Anh Tường qua đời đầu năm 2004, lúc đang làm việc cho Cal Trans ở gần LA.
Hình trên, anh Tường và anh Ý, anh Thành (Germany) tại Đại Hội KT kỳ hai ở Little SG, Nam cali

2./Nhân tiện nói về anh Tường dậy KT năm thứ nhất lớp tôi cùng với thầy Nguyên, nói thêm chuyện thầy trò của tôi với KTS Trương đức Nguyên, cũng tương giao với nhau ở Dallas, TX. Tôi đến Dallas làm việc cuối năm 83, sau khi đi đám cưới của Ng ngọc Dziễm KT70 vào mùa hè, Dziễm dẫn tôi vào interview với boss, hãng KT và KS kiến tạo, Dziễm làm kỹ sư ở đây, coi tụi nó có muốn mướn tôi hay không và tôi có thích hãng đó không. Hình như hai năm sau, tôi gặp thầy Nguyên, lúc lấy xong M. Arch. ở Tulane Univ. tại New Orlean, về làm việc cho một hãng kỹ sư kiến tạo ở Fort Worth, chứ không vẽ KT. Thầy có ý muốn tôi giới thiệu vào hãng KT tôi đang làm.
.
z-td-ht4-ktsg.jpg picture by tddesign
.
tmd và Ng ngọc Dziễm, trong hình còn có Trần ngọc Lâm thợ điện, Trương công Vàng, Nguyễn tri Kiệm, Trầm xuân Hiếu, Phạm minh Toàn, hoạ thất kt năm thứ nhất của hai thầy Trương đức Nguyên và Đinh hữu Tường.
.

Trả lời thầy là chỗ này không tốt, làm việc rất là trâu bò, là cái máy ghiền thịt, rất ư là bóc lột, lấy kinh nghiệm thì rất tốt, nhưng nhàn hạ thi không, rất là vất vả, đòi hỏi nhanh nhẹn tranh dành và dễ đau tim, không hợp với người lớn, thường là tụi nhỏ mới ra trường sức khỏe còn dồi dào, nhân sự rất ít cho mỗi project, thường phải làm nhiều giờ, rất ư bon chen, chà đạp nhau, không hạp với người lớn tuổi, nên không giới thiệu, còn thầy muốn xin cứ tự nhiên gửi đơn, resume' vào.

Có một sự thực nữa là tôi chỉ biết thầy Nguyên dậy KT năm thứ nhất nhất tại SG, nhưng tôi không biết gì về KTS Nguyên hết, không biết lúc phải đi làm công cho người khác tại Mỹ thì khả năng thầy ra sao, hoàn toàn không biết nên không giới thiệu được vì tôi còn phải giữ phần trách nhiệm mỗi khi giới thiệu ai, phải hiểu biết và đánh gía trị về người đó trước khi giới thiệu, nhất là ngay tại nơi mình đang kiếm cơm, còn level làm việc, thì vị trí của tôi khác, không có chuyện sợ bị cạnh tranh, vì hãng rất lớn. Tôi có thằng bạn cũng học ở Tulane ra, hỏi nó có biết thầy không, thì nó biết tên, còn học giỏi dở thì nó không biết vì không cùng chương trình học, nó chỉ có B. Arch. còn T. Nguyên là M. Arch. không có học chung với nó lớp nào.
Sau đó thì tôi có license, công viêc nhiều trách nhiệm hơn. Lúc này thầy Nguyên bị mất việc bên hãng kỹ sư, thầy hỏi tôi lần nữa, thì tôi cũng cho biết, hãng tôi cũng suy sụp, bây giờ vice president ngồi không đầy rẫy nhiều hơn tụi tui, họ kéo về từ những chi nhánh bị đóng cửa nên không hy vọng hãng sẽ mướn người mới, thầy muốn nộp đơn xin tự nhiên. Đó là thực tế, không lẽ tôi ngồi xuống hỏi thầy giỏi dở như thế nào, đòi coi portfolio, bài vẽ, mẫu vẽ của thầy để biết đường mà giới thiệu, dù sao cũng là thầy của mình, hơn rất nhiều tuổi.
Sau đó thì thầy chuyển lên gần Boston làm việc, nhưng rất muốn về lại Dallas, vì gia đình thì lại sống ở Bedford, gần đó. Tôi làm hãng này gần 6 năm, từ thấp lên cao, bắt đầu từ năm 86 kinh tế đi xuống, làm chết giấc, project thì lớn dần tha hồ muá may, làm kiểu nào cũng được tự do, nhưng lương thì không bò lên vì kinh tế đi xuống, đối xử càng ngày càng tệ, chẳng còn gì lưu luyến, lại muốn làm loại công trình khác chưa đụng tay bao giờ, cuối năm 89 tôi bỏ việc, bỏ nhà cửa đi về LA, tuần sau có việc mới, lương lên gần gấp đôi.

Thầy Nguyên biết tin tôi nghỉ việc ở Dallas, xin về làm hãng này ngay, và hãng nhận thầy vào làm. Năm sau tôi đi về Dallas dự đám cưới thằng bạn làm chung hãng cũ, thằng này học chung trường Tulane với thầy, nó cho biết thầy không còn làm việc ở đó nữa. Bên kiến trúc làm đưọc chút, tụi nó chuyển thầy qua làm bên kiến tạo như việc cũ của thầy trước kia, sau đó cho nghỉ luôn.

Thầy trở lại vùng Boston hay Connecticut gì đó làm việc lại, gia đình vẫn ở TX. Về sau thì nghe tin thầy bị đứng tim chết, đưa về Dallas an táng ... Hồi đó hay đuợc thầy kêu qua nhà chơi, nhìn nhà thầy có vài cái lồng chim sau vườn, làm lưới như cái phòng nhỏ ngoài trời, bước vào được, thầy thích cái nhà đó lắm, nên luôn muốn được về làm việc gần nhà.

Sau này nhiều năm, có Trung Gà KT66, cũng vào làm việc với cái hãng nói trên ở Dallas, thì Trung Gà có thể biết những chuyện vừa kể, qua những bạn Mỹ cũ của tôi còn làm trong hãng.

Chuyện đời nó là như vậy, mỗi người một hoàn cảnh, giỏi dở không nên bàn tới, vì điều kiện của mỗi người mỗi khác theo thời gian và nơi chốn, ở VN thầy Nguyên có thể dư sức làm khoa trưởng, bộ trưởng... nhưng ở Mỹ, dù có bằng Mỹ .. giỏi hay dở, có việc hay không .. đều do cái thằng Mỹ muớn mình nó quyết định .. sự lựa chọn ít khi nằm trong tay của mình.
Cám ơn hai thầy, ở bên kia thế giới nào đó, đã một lần dậy tôi học năm thứ nhất. Lần đầu tiên sửa bài, thầy Nguyên cầm tờ giấy calque tôi vẽ coi, rồi cười cưòi chọc quê với bạn cùng lớp tôi, ngồi bu quanh:
_ Anh nhờ thằng Hùng nó vẽ dùm cho anh phải không, anh làm sao vẽ được những nét như vầy?.
_ Thầy nói vậy sao được, anh Hùng đang ở cách SG mấy trăm cây số, thầy biết mà !!
Tôi có người anh là KTS Dương mạnh Hùng.
...
Lần khác, có ai đến sau lưng tôi, lúc đang ngồi một mình vẽ bài năm thứ nhất trong họa thất 4, vòng tay bịt mắt tôi, xức nước hoa đàn ông thơm phức, tôi không biết là ai mà thân đến độ bịt mắt mình, nên hõi:
_Ai mà xức nước hoa hôi quá vậy?.
Tay đang bịt mắt tôi liền đưa qua bẹo tai tôi khá đau ...
Quay lại thì hóa ra là thầy Nguyên, hay là anh Nguyên, rất cao lớn và rất đẹp trai, quần áo lúc nào cũng bảnh bao, trưởng một khu trong Bộ Công Chánh .. sau này có lần Thầy đi qua nhìn thấy tôi đang vẽ tranh sơn thủy "Sóng Thần" hết cái bài analogue của Phúc KT72, tôi đang rất ư là thỏai mái say sưa như phê thuốc, phóng cọ mầu nước lai láng. Thầy Nguyên rất là kinh hoàng, như chưa thấy ai từng làm vậy bao giờ, thốt lên: "anh đang phá bài của negre đó hả" , tôi trả lời:
_ Dạ hổng sao, thua bài này thì em phải ôm cho tới khi negre rửa đít analogue mới thôi.
Bài đó, Nguyễn hồng Phúc ăn liền, xong, hết kẹt analogue, tôi đã không dám vẽ tranh ở bài "Trường Hội Họa" kiến trúc Nhật của tôi mấy năm trước vì nhát tay, chỉ vẽ mẫu maquette cho đỡ ghiền, giờ tay đã cứng cựa nên lợi dụng thi thố ở bài của negre, tôi rất thèm vẽ bức tranh chi tiết Sóng Thần này, nổi tiếng của Nhật, trên bài "Hội Họa Học Hiệu" viết bằng chữ Nhật, giờ gặp lại đề tài bài cũ, chỉ việc đưa giấy calque có sẵn cho Phúc đi mực lần thứ hai, còn tôi đánh bóng, chơi nguyên bức tranh to hết bảng vẽ làm nền phía sau, không như bài nguyên thủy của tôi chỉ dám chơi rendu được vài nhánh cây vì nhát và chưa có patron nào dám vẽ tranh cho tới. Sẽ viết bài này sau. Phúc không phải là negre chính thức, tôi chỉ phụ duy nhất bài đó vì Phúc bị kẹt bài analogue khá lâu.
.
Còn thầy Tường, thì hiền hòa, nói rất nhỏ nhẹ, không có nhiều kỷ niệm chung ..

Thôi hai thầy vui vẻ với nhau bên kia trời nhe .. viết nãy giờ tưởng nhớ hai thầy đã thấy mỏi tay rồi, còn phải quay lại sửa dấu, vì viết một hơi ngay trên Blog, còn chuyện kể về trường KT và Kiến Trúc Dị Nhân hay Quái Nhân tới tiểu nhân thì chưa hết đâu, đúng ra, không bao giờ hết !!! ... thỉnh thoảng mời hai thầy bớt chuyện vui thiên đường ghé Blog học trò cũ chơi, nhưng thầy Nguyên không được bịt mắt nữa nhe, em sợ ma lắm ..!!
.



No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.