.
.
Lời phi lộ cho kỳ này:
.
Hồi Ký là những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, tác giả xin các bạn hiểu cho rằng tôi cũng như các bạn của thời hiện tại, so với thời xa xưa đó, đã thay đổi quá nhiều vừa thể xác lẫn tinh thần, bạn Nguyễn-duy-Hạnh KT65, đã khuyên lơn tôi:” mày đừng đá động đến những chuyện“chướng tai gai mắt”xảy ra trong các Họa Thất thời đó ( mặc dù Hạnh cũng là nạn nhân của cùng Họa Thất với tôi,) những chuyện thuộc về thầy và trò, những chuyện thuộc về tư cách và đạo đức là những việc đã qua rồi, không nên nhắc lại nữa, mày viết cái gì vui là được rồi”. Thật là bạn Hạnh đã thực sự đạt đến cõi giác, nghe bạn nói, tôi thầm nghĩ bạn đã thành một vị Thiền Sư rồi, tôi muốn gọi bạn là Thiền Sư Duy-Hạnh.
Thời gian ở nước ngoài, làm việc với các KTS Tây phương, họ rất kính trọng khả năng cùng sự hiểu biết của tôi và qua việc làm của mình họ cũng phải trọng vọng cái trường đã đào tạo ra mình, có người gọi tôi là “đồng nghiệp”, có người không ngần ngại giới thiệu với khách của họ:”Đây là M. Lam architecte...” mặc dù tôi không hề thi lấy bằng tương đương. Để được cái khả năng đó, chính là nhờ sự dạy dỗ của các vị giáo sư của chúng ta, cho nên tôi bị phân vân giữa đôi đường, ơn thầy không trả được thì cớ gì phải trả oán ? chuyện cũ bỏ qua, con người sống phải biết tha thứ... nhưng như thế thì trái với chủ trương nói ra sự thật và ghi lại những gì mắt thấy tai nghe trong khoảng thời gian đó. Tôi đã từng hân hạnh được đọc các bạn khác viết lại về trường KT rất vui, rất nhộn, rất thân thiết, rất đoàn kết, rất yêu thương nhau..v..v.., nhưng một người đọc không học ở KT (có các độc giả ngành khác) hoặc con cháu chúng ta, sẽ tự đặt câu hỏi:”Có thật là trên đời có một ngôi trường lý tưởng, không phe đảng, không thiên vị như vậy chăng?”. Như thế hóa ra tôi dối gạt các bạn, các độc giả đó và kể cả chính bãn thân tôi nữa sao?
Do vậy, tôi đã quyết định viết theo sự thật, mặc dù có người nói rằng sự thật đôi khi còn vượt xa hơn trí tưởng tượng nữa ! Trong khi viết, tôi tâm niệm hai điều: tôi thầm xin Vong Linh các Bậc thầy đã quá vãng thấu hiểu cho lòng tôi không còn oán hận trước những đối xử bất công và khắc nghiệt của vài thầy, không những đối với tôi thôi mà còn đối với rất nhiều SV khác, và cuối cùng, tôi sẽ không đụng chạm đến tên tuỗi của các SVKT thuộc loại nịnh thần hạng nặng kia.
LCQ
______________________________________________________________________________________
Viết tặng Nguyễn-Thị-Việt, Trần-Quang-Minh, Nguyễn-Bửu-Phiêu, Huỳnh-Văn-Diệp, tất cả bạn già KT và...Cam-Ranh, (phần 8)
Một kỳ về phép thi tiêu biểu
.
Như đã nói ở phần 3, lúc đổi ra Cam Ranh tôi chỉ mới “ăn”được 1 bài 1ère classe và chỉ trừ khi trường KT nghỉ hè, hầu như mỗi tháng tôi đều xin phép trở về trường làm bài thi, tính tổng cộng trong vòng 2 năm tôi đã xin về khoảng 15 lần ! Về khoảng 15 lần, không “ăn”được bài nào! Các cô Công Chức QP thấy tôi đi phép hàng tháng, đồn đãi với nhau rằng tôi thuộc loại COCC (con ông cháu cha) hạng nặng ! Các cô không thể nào hiểu nỗi tâm trạng mỗi khi xách bị, trong bị luôn luôn có đề bài thi tháng đó, đi ra khỏi”Thiên Đàng” để về đối diện với thực tế tại SG, tâm tư nặng trĩu, không biết mình có qua được kỳ này hay không ? Ngoài ra...
.
Mỗi lần về phép, bước lên xe đò, tôi lại bắt đầu va chạm với cõi trần ai. Trên đường về SG, xe đò luôn luôn ghé lại Phan-Thiết để nghỉ trưa, tại đây tôi hay mua một tờ báo để lên xe đọc, tôi vẫn nhớ hoài hai lần thật đau lòng khi các tựa in bằng chữ lớn 8 cột đập vào mắt: lần thứ nhất, cuối tháng Giêng năm 1974, Hải Quân VNCH bị thất trận tại Hoàng Sa, lần thứ hai, cuối tháng 12 năm 1975, Đại Tá Hồ-Văn-Phước tử trận anh dũng tại Phước Long. Một lần bị mất một phần của đất nước, một lần bị mất một phần của gia-đình, nỗi chua xót dâng lên nghẹn cổ. Nhìn ra cửa sổ, mắt nhìn cảnh vật chạy lui về phía sau nhưng không trông thấy, tâm hồn như vơ vẩn đâu đâu...đất nước, cha già, người yêu, bài vở “four” liên tiếp...
.
Thời gian đóng ở CR, có hai người bạn thân lò dò ra thăm, một người bạn hàng xóm, Trương-Minh-Dũng Louis không học KT ( bạn của tôi và Cường Fox KT66) và Nguyễn-Thanh-Hà KT63, ngoài ra hai bạn khác, vừa là bạn vừa là đồng môn ở hai nơi khác nhau là Nguyễn-Ngọc-Điệp KT66 và Nguyễn-Ngọc-Minh KT68 (q.c.)* hay liên lạc thơ từ với tôi. Trong 1 lá thơ, Minh, nguyên là nègre út của tôi, thuật cho tôi rằng có một bạn khi làm bài concours “Một cơn ác mộng” đã vẽ ác mộng của bạn đó là treo cổ trên cây sà ngang trước cửa văn phòng Khoa-Trưởng, bên dưới đất đầy những bản vẽ chất ngổn ngang, tất cả đều bị ghi “FOUR”! Tôi viết thơ hỏi:”Idée độc đáo quá, rồi bài đó có ăn không?”, Minh trả lời tôi trong lá thơ sau:”Dĩ nhiên là không ! Người đã gây ra ác mộng cho mình thì làm sao cho mình ăn được, anh ? ”.
.
Có nhiều bạn KT rất thông cảm, hiểu được nổi khổ tâm khi bài bị “four” liên tiếp. Thời điểm 73-74 có rất đông SVKT chưa đù túc số bài để thi tốt nghiệp đã phải nhập ngủ, tôi không biết có bao nhiêu bạn đi về phép thi như tôi và ở những nơi xa xôi khó đón xe để về SG đã làm nản chí các bạn không muốn đi. Lại có nhiều bạn trẻ hơn nghĩ rằng chắc thằng cha này quá tệ, đi về làm bài 15 lần mà chẳng ăn được bài nào cả ! Nỗi lo của tất cả SV KT là làm sao đũ bài để kết thúc việc học càng nhanh càng tốt, trái lại “trường” tìm cách kềm hảm số SV tốt nghiệp vì nhu cầu không cần số lượng KTS quá đông đảo ngoâi thị trường.
.
Thật ra mấy năm đầu, tôi đạt được túc số bài rất là dễ dàng, năm thứ Hai “ăn” 3 a-na-lô 1 lúc , qua năm thứ Ba lại “ăn” 10 mention seconde classe một loạt , cứ làm là “ăn” với sự trợ giúp của patron rất giỏi là Nguyễn-Thanh-Hà KT63 và các nègre xuất sắc như Phạm-Việt-Cường KT66 , Nguyễn-Sĩ-Tiệp KT67 và Nguyễn-Ngọc-Minh (quá cố) KT68, trừ ra 3 môn tự làm không cần nègre là: Cổ-điển Họa-Hình, Cổ-điển trang- hoàng và Cổ-điển nặn hình. Thế nhưng đến giữa năm thứ Tư tôi bị kẹt cái “esquisse” ôn dịch ! cho đến 1 lúc, Patron Thanh-Hà tin dị đoan, từ chối không làm nègre “esquisse” cho tôi nữa vì lý do anh đã từng bị kẹt “esquisse” như tôi ! Mãi cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nhớ ơn một người bạn học cùng lớp là Nguyễn-Thị-Việt KT65, nếu không có sự can thiệp của Việt, chưa chắc đến giờ này tôi đã tốt nghiệp !
.
Số là năm 1970. thầy Phạm-Văn-Thâng lên làm Khoa Trưởng, thầy vẫn còn nhớ cái lớp xuất sắc KT65 này nên trong 1 buỗi họp với lớp (̣tôi không có mặt), thầy hỏi:
- Có anh chị nào trong lớp này còn bị kẹt cái gì nữa không ?
- Thưa thầy,_Việt đưa tay lên nói, tôi không hiểu cả lớp hơn 100 SV, nhờ Trời, chỉ có Việt còn nhớ đến tôi? _ có anh LCQuyền còn bị kẹt esquisse.
.
Sau đó, thầy Khoa Trưởng cho gọi tôi vào hỏi chuyện. Trong lúc nói chuyện thầy luôn gọi tôi là “Tài tử Ti Vi”**, tôi trình bày và kỳ sau đó được qua cái “esquisse” ôn dịch kia. Lúc đó là cuối năm thứ Năm rồi. Ngày 22 tháng 2 năm 1972 tôi phải nhập ngủ vì hết hạn hoản dịch cho năm thứ Sáu, tôi đã bắt đầu xin phép về thi trong suốt 6 tháng ở trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi 6 tháng ở trường Công-Binh Bình Dương, tháng cuối cùng từ đây về phép thi, tôi “ăn” được 1 bài première classe đầu tiên, đề tài Làng Thế Vận với sự trợ giúp của các nègre bất-đắc-dĩ: Trần-Quang-Minh KT65, Huỳnh-Văn-Diệp KT66 và Đỗ-Bá-Khoa KT66...vì các nègre chánh thức lần lượt lên 1ère classe, không có thể làm nègre cho “đàn anh” được nữa ! Đã vậy, ăn được bài này, Phạm-Việt-Cường KT66 còn trêu tôi là:"Chống gậy ra đơn vị!",
.
Tranh thủ với thời-gian eo hẹp
.
Mỗi kỳ xin phép về thi, tôi xin đi 1 tuần lễ, bài thi projet-rendu thời hạn là một tháng, tôi không dám xin đi lâu hơn, vì xin đi lâu hơn chẳng thà đào ngủ phức cho rồi! Đường Cam-Ranh Sài Gòn độ 440 km , ở Bắc Mỹ chỉ đi độ 4 tiếng rưỡi, 5 tiếng thì tới. Tại VN khoảng đường này đi từ sáng sớm, xế chiều mới về đến nhà. Tôi có 7 ngày phép vậy thì trừ 1 ngày đi, 1 ngày về còn được 5 ngày. Thời gian nộp bài luôn luôn là 12 giờ trưa ngày Thứ Hai, vậy tôi còn được 4 ngày ½. Thường thường về đến SG nhằm chiều Thứ Tư, sáng sớm Thứ Năm phải lập tức đem giấy Canson, đồ đóng ghim giấy, bông đá vào trường căn bảng ngay. Nếu không may, nhân tiện, Sở KQSTT nhờ đem văn thư vào Bộ Tổng Tham Mưu, tôi lại mất thêm mấy tiếng đồng hồ quý báu và có khi còn lảnh thêm 1 tờ giấy phạt vi phạm Quân Phong Quân Kỹ về tội để tóc dài và bị viên Hạ-Sĩ-Quan gác cổng dẫn vào nơi hớt tóc gần cổng cạo trọc (thật ra còn vài sợi) liền lập tức cộng thêm thông báo về đơn vị ký cho mấy cũ! Trường hợp đó, còn được 4 ngày ! Vậy trong vòng 4 ngày đó tôi phải hoàn tất 1 đồ án đi mực, rendu đàng hoàng và nộp đúng giờ ! Lúc ấy tôi đang theo attelier của thầy Huỳnh-Kim-Mãng, thầy Mãng đòi hỏi mỗi SV phải sửa bài ít nhất 3 lần ̣(3 cái gạch chéo trong danh sách của thầy), tôi chỉ còn được 2 ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy để sửa bài, trừ ra vài tiếng đồng hồ nhậu !
.
.
______________________________________________________________________________________
chú thích: * xin đọc kỳ số5
** Các phim ngắn tôi đóng cho Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ thời này bắt đầu được chiếu trên TV
_Hình 1: biên lai đóng tiền trường đầu tháng 11/73 (về phép thi)
_Hình 2: di bút của bà ngoại tôi, nghe tôi nói đi thi, viết cho tôi 1 lời chúc, đầu tháng 12/73 (về phép thi)
(xin xem tiếp phần 8 bis kỳ sau: Mời thầy Nhạc uống rượu)
.
hết bài thứ 8 của anh Quyền
.
Phần phụ chú của tmd:
dưới đây có thêm ít hình ảnh của tôi và phụ chú để các bạn trẻ hiểu thêm về những danh từ riêng về đồ án kiến trúc của trường đại học kiến trúc mà anh Quyền viết bên trên. Đây là blog của tôi, dùng hình ảnh dĩ nhiên là của tôi nhiều hơn để diễn tả xúc tích thêm chứ không có ý định khoe khoang cái gì.
Bài "họa cảo" hay esquisse làm trong 12 tiếng từ lúc ra đề, là bài đòi hỏi phải có ít nhất là một, tối đa là hai, trong tổng số 10 trị số đồ án cấp hai, trước đó phải có hai bài analo, một bài esquìsse và chín bài đồ án kiến trúc, tổng cộng là 10 bài cấp hai. Phần trên anh Q. viết ăn 10 bài cấp hai mà kẹt esquìsse, hiểu ra là anh ăn mới có 9 bài cấp hai, còn bài họa cảo đòi hỏi thì bị kẹt là vẫn chưa đậu.
Bên trên là hình tôi ăn esquisse cấp hai ngay sau hai bài analo, đề tài là một vườn chơi cho trẻ em, ấu trĩ viên, đề tài này rất hợp với tính con nít của tôi, nên vẽ xong một loạt đồ chơi là những con thú vật, con này ngậm đuôi con kia, vừa vẽ vừa dỡn, là có người trong họa thất đoán là sẽ đậu. Tôi ăn thêm một esquisse cấp hai nữa ngay tháng sau đó, đề tài là một cái chùa trên núi. Đề tài này thì trái ngược lại, vẽ phải u uất trầm tĩnh và siêu siêu khó hiểu một chút .. anh Ng tất Tồng KT64 đi ngang qua, góp ý là tui nên thêm cây cối núi đá cho khó nhìn thấy chùa âm u một chút, tui lỡ tay, làm mất luôn cái chùa phải vén lá ra mới thấy, tính quay lại mắng vốn anh Tống, thì anh ta dọt mất tiêu. Có anh Tất Tống, bạn anh Quyền ở đây là vì anh Tống vô vẽ esquisse dùm cho Vũ thế Vương k69, hay Dương minh Mẫn k69, negres của anh Tống ... hì hì kỳ đó té ra bài anh Tống vẽ dùm bị four là rớt, vì anh xúi con nít, chứ chính mình không dám vẽ lá cây vô nhiều cho âm u, hay vẽ không tới, còn cái chùa tối tăm đầy lá xen giữa đá của tui lại ăn, là đâu.
Hai bài esquisse ăn liên tiếp của tui chẳng ăn nhậu gì đến nhau, vuờn chơi con nít, và cái am, chùa trên núi ... nhiều khi khó giải thích, có điều tôi mê vẽ và siêng năng, thích vẽ cho đã, bài nào cũng làm hết vì sợ có ngày sẽ kẹt esquìsse, và không dễ gì mà đậu, chắc chỉ 5, 10%. Thành ra, vẽ mà không hề nghĩ là sẽ đậu, không lo lắng, vẽ cho tự sướng, đâm ra dễ ăn bài hơn, mà may mắn nữa ...
.
.
.
Đọan đời ăn thua đồ án, bắt đầu bằng hai bài analo, KT cổ điển, đầu năm thứ hai, xong hai bài đậu, là hai trị số, gọi là dứt analo, thì bước vào cấp hai, làm đồ án kiến trúc đương thời và họa cảo vẽ nhanh, esquisse. Hôm nào viết về bài analo đầu của tôi, nó cũng góp phần vào đời sống tại Mỹ bây giờ. Có thấy cái túi da, do tui design và tự làm ra không ?, chắc sẽ phải có thêm bài, những cái túi trong đời tui làm ra, khá nhiều .. Ng tất Tống KT64 có một cái.
.
hình trên là bài đồ án cấp hai thứ 10, là bài chót của tôi, cuối năm thứ hai. Một đền Kỷ niệm, có anh Tiếu K66 làm negre một chút, có anh Hùng của tui đi phép về chơi trong trường, sửa bài một chút. Có người chọc anh tui là KTS vô vẽ bài cho em thì unfair, anh tui cười: vô sửa bài chó nó hên, vì là bài chót của cấp hai. sau đó qua năm thứ ba, tôi nghỉ làm đồ án 1 năm, vì chưa học cons năm thứ ba của thầy Tải, chưa được làm bài cấp một premiere .. tức là chưa biết đủ về kiến tạo !!!, nên tui buồn vác máy vào trường đi chụp bài cấp một từ bài thua tới bài đậu, miễn là tui thích, để làm tài liệu. Nguyễn ngọc Thắng trong hình trên là người dạy tui chụp hình bài, rửa và in hình tại nhà của Thắng.
.
.
hình trên là bài cấp một, loại concour làm nhanh trong 1 tuần. Tôi chụp hình bài thua, four, bài rớt của anh Phạm Việt Nam, kt65, bạn cùng lớp với anh LCQ. Vườn ác mộng, mà anh Quyền nhắc tới bên trên. Anh Q. phải cám ơn tấm hình này nhe, chứng tỏ anh nói có sách mách có chứng đàng hoàng. Có bài như của anh Nam thì four, có bài đậu thì tui hổng thèm chụp giữ, vì không thích.
.
.
Trên là bài cấp một, pre'miere, bài chấm đậu, trong họa thất 3 của thầy Phạm văn Thâng, tôi học suốt cấp một và ra trường dưới sự hướng dẫn của thầy Thâng.
.
.
Anh engineer này thấy máy lạnh nhà tui không lạnh, bàn là ra tiệm bán đồ xe hơi mua một két 24 hộp freon xe hơi freon 12, mang về bấm xạc vào cục air condensing máy lạnh ngoài vườn. Nghe lời anh kỹ sư điện lạnh học ở Mỹ này xong, vẫn không thấy lạnh. Qua ngày hôm sau, đi làm họp với thằng kỹ sư điện lạnh Mỹ trong project của tui, bèn hỏi nó. Nó cười văng cả cà fê ra ... freon 12 loại dùng cho xe hơi, không phài là loại dùng cho máy lạnh nhà, máy nhà bự hơn, dung lượng đặc hơn, dùng freon 22, không bán ngoài thị trường, chỉ bán cho contractor có license.
Nó chỉ chỗ suply cho tui đi mua, tui nói láo là mua cho thầu, lấy tên nó, tụi supply bán cho cái thùng nhỏ nhất, bự bằng cái thùng gas đốt. Rồi tôi phải vô thư viện central của Dallas, tự đọc sách mechanical, đi muợn máy pressure pump về bơm xúc sạch hết cái máy lạnh từ trong ra ngoài cho hết freon 12. sau đó bơm freon 22 vô, máy lạnh bắt đầu lạnh run. Không hề cho anh bạn Thanh, con ĐT Phước này biết.
Sau đó, gọi bạn bè nhà quen, đi đến charge thêm freon vô máy lạnh nhà họ miễn phí, vì tui mới dùng có hết nửa bình ... he he một bài học, vẫn rẻ hơn gọi thợ điện lạnh tới, không sợ bị lừa ...
Cám ơn ĐT Phước và gia đình, cám ơn Trung Gà mới có duyên ở chung với anh Thanh con ĐT trong vài tháng, và biết sửa máy lạnh. Cám ơn anh LCQ viết hồi ký này, nhắc chuyện, tôi mới có dịp nhắc lại kỷ niệm vui này để lại về sau .. thì sẽ còn mãi.
.
No comments:
Post a Comment