copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Sunday, June 21, 2009

anh LCQ kt65 viết tiếp bài 6 về Cam Ranh và bạn bè KT ..

.

anh Lâm công Quyền kt65 viết về Cam Ranh và bạn bè KT, kỳ 6 .. tiếp
Viết tặng các bạn Lê-Chí-Nam, Bùi-Nhất-Hanh, tất cả bạn già KT và...Cam-Ranh, (phần 6)

Thú vật và cây cỏ trên bán đảo

Nếu không có những sinh hoạt như câu cá, bắn cá, bắt cua, bắt ốc ..v..v.. Hanh và tôi đã ngủm củ tỏi vì rượu (overdose, tai nạn, cướp cò súng...) và cũng nhờ đó tôi đã có dịp biết thêm rất nhiều về sinh vật sống tại đây, biết có lẽ còn nhiều hơn vùng đồng bằng Cửu Long là nơi tôi sinh ra nữa và cũng nhờ đó mà càng cảm nhận được sự phong phú vô cùng của cái đất nước này ! Từ thuở nhỏ tôi chưa từng thấy một cuốn sách, một cuộn phim nào nói về thú vật hoang dã của nước VN ta trong khi chúng ta có hàng muôn triệu loài sinh sống trên cái dãy đất hình cong chữ S kia!

Tôi đã được dịp may học ở hai trường đều dạy phải quan sát (observation), Thầy Vũ-Khắc-Khoan, ngành Thoại Kịch dạy quan sát con người, thầy Phạm-Văn-Thâng ở ĐHKT dạy vẽ theo ký ức, quan sát một toà nhà, ghi nhớ trong đầu để về vẽ lại. Trong một dịp sửa bài, thầy Thâng có phê bình một bạn rendu vẽ cây dừa là “vẽ dừa không có ngọn”, chỉ vì câu nói ấy mà mỗi khi có dịp về quê ở Sa-Đéc, tôi quan sát thật kỹ các cây dừa, cây chuối, cây tre, học cấu trúc của từng cái cây ngọn cỏ và nhờ vậy tôi đã quan sát rồi học thuộc lòng các loại cỏ mọc trên các đụn cát kể cả các ổ dông dọc theo Bãi Dài ở Cam Ranh.
.
z-tcq-cr-1-1.jpg picture by tddesign
.

LCNam có tài ngoại giao rất giỏi, thỉnh thoảng xin được 1 quả lựu đạn để đi bắn cá. Khi Nam, tôi và vài binh-sĩ đến nơi, thường thường ở gần cầu tàu, Nam rút chốt quăng xuống, “Ùm” một cái, chúng tôi lặn ngay tới đáy để vớt, có khi được 2,3 con cá dìa, là 1 loại cá không vảy, thịt rất ngon, lại phải tốn thêm vài chai bia ! Có lúc sáng sớm rủ nhau đi lượm trứng vít ngoài Bãi Dài, vít là 1 loại rùa biển, ban đêm từ ngoài khơi Thái-Bình-Dương bò vào bờ khoảng 10 mét để đẻ trứng, nó dùng 2 chân sau đào cát lên, đẻ vào đó, một lần hàng trăm quả trứng, xong lấp lại. Chúng tôi chỉ cần dò theo dấu chân thì tìm ra, lượm đầy 1 thùng dầu lửa. Trứng nhiều đến độ mỗi khi nấu mì gói, tôi bỏ vô 3, 4 cái trứng, quá nhiều cholestérole, ăn xong lại khó tiêu ! Hoặc có khi đi với lính bắt còng gió, là 1 loại cua khá nhỏ chạy ngờ ngờ trên bãi lúc chiều chạng vạng, bề ngang thân đo độ 1 lóng tay, cũng bắt độ 1 thùng dầu lửa đem về, tôi hỏi người lính trẻ:
- Em tính nấu nướng ra làm sao ?
- Thì mình rang muối rồi ăn cả con luôn, Th/uý.
OK, ăn cả con, nhai luôn vỏ, luôn càng...tất cả, nhiều calcium thật... và sau đó bị bón luôn cả tuần lễ, không đi cầu được ! Từ đó tôi không bao giờ dám đi bắt còng gió nữa. Tóm lại trên bãi biển chỉ có sò là ăn ngon và vô hại, tuy nhiên rất khó tìm, sáng sớm, đi hàng giờ trên chỗ lấp sấp nước, khi khô, khi cạn chỉ đào được khoảng chừng 1 chục con, đem về nếu không ngâm nước trước, luộc xong ăn đầy cát, nghe rào rào !

Có những binh-sĩ gốc là dân chài nhìn từ xa đoán được đàn cá, liệng chận đầu 1 quả lựu đạn, chỉ trong vài giây, cả đàn cá đối hàng ngàn con chết sạch, nổi lều bều ! Nhiều quá hốt không hết, họ phải trở về trại kêu viện binh ra cùng 1 chiếc GMC chở đầy 1 xe chia khắp mọi người, tất cả tủ lạnh đều chật nứt cá đối, họ phải đem ra chợ bán bớt, liên tiếp mấy ngày phải ăn toàn là cá đối: kho, nấu canh, chiên... Tôi hết sức bất mãn với lối đánh cá này, nhưng vì không phận sự, nên nói không ai nghe ! Có vài binh-sĩ đi đâm cá, chỉ cần mang kính lặn, 1 cặp chân vịt, 1 ống thở hình chữ J, lội dài dài theo bờ thỉnh thoảng đâm được hoặc cá hoặc tôm hoặc mực đem lên bờ chỉ cần luộc chín tại chỗ, ăn rất ngon và không hại các gìống hải sản, mực để nguyên con luộc xong cứ thế mà ăn, mực đen chảy đầy môi, càm trông rất tức cười. Tr/uý Xuân phòng KTh cuả chúng tôi thì lại thích đi câu chình, là 1 loại lươn sống trong những kẻ đá dưới đáy biển. Trên những đụn cát dọc theo bờ biển có đầy những ổ nhông hay dông, giống như con kỳ nhông trong Nam nhưng to hơn 1 chút. Tôi đã được dân địa phương cho ăn thử dông xào lăn, họ bằm nhuyễn cả thịt lẫn xương rồi xào với hành tiêu, ngũ vị hương, ăn lỗn ngỗn vụn xương trong miệng xảm xì chẳng ngon lành gì cả !
Phía trong vịnh, vẫn còn là nước mặn nhưng hơi lợ, vì có các sông nhỏ chảy từ dãy Trường Sơn đổ xuống đây, cũng là nơi đi câu lý tưởng nhưng đáy đầy đá lẫn rong rêu, chúng tôi dùng ngón chân để lượm dòm (moule, mussel) là 1 loại nghêu sống lâu năm trong vùng vịnh không ai bắt nên rất lớn, đôi khi dài hơn 15 cm, thịt nhiều và dai ăn rất ngán do đó cũng kh̉ông thích đi bất nữa. Ở tại vùng này lần cuối cùng tôi bị 1 con cá dài độ 40 cm, mũi nhọn hoắc, di chuyển rất nhanh cứ đâm thẳng vào cẳng chân, Thượng-Sĩ Ánh và Hạ-Sĩ I Hào, tài xế, đi với chúng tôi nghi là cá ép, là 1 loại cá chuyên đeo sát thân của cá mập, LCNam cũng nghe nói, nhợn cơ không dám bước xuống nước, nên chúng tôi đành bỏ về.

Nói đến cá mập, đôi khi trên đường công tác xuống phía Nam bán đảo, chúng tôi rất thán phục khi nhìn thấy 1 toán Người Nhái đang tập luyện ngoài khơi, và thấy rất rõ 1 đàn cá mập đang lởn vởn chung quanh.

Một chiều nọ, có một người lính của một đơn vị khác đang ngồi câu gần cầu Long Hồ đã bị một con cá khá to kéo chìm xuống nước, ba ngày sau người ta tìm thấy xác của anh ta gần đó. Binh sĩ đồn đãi rằng anh ta đã bị con cá nược chống đặc công người nhái giựt chìm, một bầy cá nược 5 con do Hải Quân Mỹ huấn luyện và đem từ Mỹ qua để bảo vệ an ninh vùng Vịnh, lúc họ rút lui, bị thất lạc một con. (Vụ thất lạc 1 con cá nược sau này tôi được đọc trên 1 site cuả HQ Mỹ xác nhận là có thật) Tôi nói đùa với lính rằng, chắc nó tìm được tình yêu mới rồi nên không chịu về nhà nữa ! Từ đó, chúng tôi càng quyết định th̀ôi không đi câu cá hay bắt dòm trong Vịnh nữa.

Trên suốt một dãy đất dài 34 km bao quanh 3 bề bởi nước mặn, có những đầm nước ngọt, cái lớn nhất nằm cạnh phi trường phía Bắc, gần Sở của chúng tôi, ngoài các loại cá con va tôm tép, nơi đây có rất nhiều cá rô Phi, thịt cá này tuy ngon nhưng có mùi dầu, có lẽ vì gần phi trường và nhà máy điện. Tại đầm này còn rất nhiều kỳ đà và rắn nữa. Tr/sĩ I Phạm-Văn-Thành của Sở đập chết một con kỳ đà quàng quanh cổ đem về, cũng xào lăn, ăn vào cũng chẳng thấy ngon lành gì.

Thời gian đầu, mới đến bán đảo, có một con chó berger Đức v̀ốn thuộc Đội K 9* của Mỹ bị bỏ lại, làm quen với tôi và tôi nuôi nó luôn cho đến lúc cuối cùng. Tôi đặt tên nó là Milou, dù không bao giờ cột, nó vẫn đi khắp nơi mà không bị bắt làm thịt ! Nhờ con Milou luôn luôn đi trước nên tôi thoát dẫm lên một con rắn dài độ 1m50 trên đường đi lên Sở làm việc, nó vừa nhìn thấy, lập tức nhảy lùi lại. Trên trần nhà trong phòng tắm của chúng tôi có một con cắc kè thật to chưa từng thấy, màu đỏ, đen, trắng, mặt coi rất hung tợn, tôi lấy gậy đuổi đi và không nói một lời với nàng TLN của tôi vì sợ nàng phát khiếp.
.
z-td-CamRanh_snake.jpg picture by tddesign
.

Cuối tuần tôi hay làm tài xế cho Th/Tá Ái, Phó CHT, ra QL1 đi chợ với vợ ông và nàng TLN của tôi hoặc đi picnic với cả gia-đình ông tại hồ Bạch Hổ (Tiger Lake), như đã nói phần trước, hồ nước ngọt này cũng là nơi có cá và tép, nhìn thấy tép búng người rẹt rẹt để di chuyển thật thích thú ! Còn quả núi phía bên kia bờ hồ, cây cối rậm rạp, người ta đồn rằng khi xưa có cả cọp và heo rừng nữa. Thượng-Sĩ Chương, người gốc Bà Rịa, một ông già cao to, mập mạp, nh/v phòng KTh, đã kể cho chúng tôi nghe chuyện hai người lính đi săn heo rừng tại đây bị chúng rượt, phải quăng súng leo lên cây để trốn !

Trên bán đảo rất it́ cây cối ngoài các bụi cây hoang, tôi thấy dừa rất nhiều nhưng chỉ ở Tu viện Phanxico và Làng (làng dân cư phía Nam bán đảo, bị rào lại, chỉ liên lạc được với đắt liền bằng đò băng ngang vịnh). Trong khi chỉnh trang doanh trại người Mỹ đã cho trồng dừa kiểng và cây phát tài dọc theo các dãy barrack và dọc theo đường đi, về cây cối thiên nhiên, chúng tôi thấy có nhiều rặng thùy dương và các khu rừng mà gia đình binh sĩ rất thích là nhãn và mai. Mùa hè, họ thi nhau hái nhãn để ăn, nhãn nhỏ trái nhưng rát ngọt, còn mùa xuân họ lũ lượt lên rừng chặt nhánh mai đem về chưng Tết.
.
z-td-CamRanh-2.jpg picture by tddesign
.

Dọc theo bờ biển cát trắng tinh, có những đụn cát do gió biển tạo nên, để giữ không cho cát tràn vào mặt đường, Công Binh Mỹ dùng loại hàng rào làm bằng nẹp gỗ thô ½ “x 1”x 4’ (1,25cm x 2,51 cm x 1,20m) đã được traité, kết song song bằng dây kẽm (loại này ở Canada gọi là hàng rào cản tuyết) thỉnh thoảng đóng dọc theo ven đường phía biển. Ngoài ra thiên nhiên cũng giúp giữ cát bằng nhiều loại cây thấp trong đó có loại tôi gọi là cây phát tài và nhiều loại cỏ khác nhau, trong đó có hai loại rất đặc biệt: một loại thoạt nhìn trông giống cỏ thường, nhưng cọng ra hoa lên đến đỉnh chia làm 3, 4 nhánh nhỏ mang hoa màu trắng lưa thưa như lông chồn, loại thứ hai bò sát trên mặt cát có lá nhỏ hai bên maù tím sẩm, hai loại cỏ này đan xen kẻ nhau xuống đến bãi cát thì hết vì cát bắt đầu mặn. Tôi chưa từng thấy hai loại cỏ này ở các bờ biển khác tại Việt Nam như Đà Nẳng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Bà Rịa, Gò Công, Rạch Giá...

Sau này, tôi có dịp đi dọc theo bờ biển tỉnh Kuantan, Mã Lai cùng nhiều bãi biển miền Đông Hoa-Kỳ, từ Old Ochard Beach đổ xuống Ocean City, Atlantic City, Virginia Beach, Nags Head, đến Myrtle Beach...để ý quan sát các loại cỏ trên đụn cát, không thấy loại nào giống cỏ ở Cam Ranh cả, có lẽ cũng y như đi tìm khắp thế gian một người nào khác giống như người yêu của mình đã bị thất lạc, để rồi cả đời không bao giờ tìm ra được nữa !
.
lam-cong-quyen.jpg picture by tddesign
Anh Lâm công Quyền, KT65, do anh Minh Bò KT65 minh họa

.
__________________________________________________________________________________
*chú thích: con chó berger Đức này rất tội nghiệp, xứng đáng là đầu đề của 1 câu chuyện ngắn.

(xin xem tiếp phần 7)

.

.


Phần ghi thêm của tmd dưới đây:
.
z-td-dh-kt-lcn-vpd.jpg picture by tddesign
.
hình trên tại đại hội KTVN tại Tampa, 08: (1) ac Ng đang mạnh Trúc, (2) ac Trần nguyên Đôn, (3) ac Võ phượng Đằng, (4) anh Lê chí Nam, trong bài trên của LCQ, người quăng lựu đạn bắt cá ở Cam Ranh.
.
.
hai hình dưới có anh Bùi nhật Hanh, mặc áo sơ mi xanh, người bạn nhậu trong bài của LCQ.
.
z-dh-kt-ballroom-bnh.jpg picture by tddesign
.
.
z-dh-lqa-k66-bnh.jpg picture by tddesign
.
.




2 comments:

  1. Chợt thoáng thấy từ Cam Ranh nên ghé nhà vì tôi cũng sống ở nơi ấy từ năm 1965 -1975...

    ReplyDelete
  2. như vậy thân mời đọc thêm những bài trước về Cam Ranh, từ bài 1, nhấn vào tag: lcq cam ranh, Cám ơn bạn ghé qua và comment. Có thêm cái nhà bảo tàng ở CR nữa.

    ReplyDelete

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.