.
.
.
.
Viết tặng bạn Bùi-Nhất-Hanh, tất cả bạn già KT và...Cam-Ranh, (phần 10)
.
Một kỳ đi ăn đáng giá một trị số
.
Có một lần nọ về phép thi khoảng tháng 3/1974, nhân dịp ông thân sinh mời em rể của bà kế mẫu của tôi, Chuẩn Tướng tư lệnh Sư Đoàn 1 Không Quân từ Đà Nẳng vào SG có việc quan trọng*, ông già đã gọi tôi đi ăn cùng ông tại Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng, vì mỗi lần về SG làm đồ án, cha con hiếm khi gặp nhau. Trước khi đi, từ trường KT, chiều Thứ Bảy, tôi đã “cho phép” nègre nghỉ đến 9gi00 tối rồi cấp tốc ra xe Suzuki M12 chạy về hướng bến Bạch Đằng. Ông già đã dặn phải có mặt lúc 6gi chiều, tôi đến nơi lúc 6gi30 hơn, từ xa nhìn thấy nhà hàng đã lên đèn, cảm thấy quá trể, tôi lật đật khóa xe rồi chạy thẳng xuống cây cầu gỗ bắt từ bờ xuống đến Nhà Hàng, ngay tại đầu cầu này, khoảng năm 1969 VC đã đặt 2 trái mìn nổ cách nhau vài phút đã làm thiệt mạng Tổng Trưởng Tài Chánh Tăng Hồng* và vài người nửa.....chỉ kịp đảo mắt tìm xem hai người đang ngồi ở đâu, đi nhanh đến để nghe ông già sạt một mách:
- Tụi bây*, lúc nào cũng trể nải, để người lớn ngồi chờ !_Tôi cười cười ngại ngùng vì cái tánh charette của mình đồng thời rất ái ngại đã để ông Tướng chờ đợi một Th/Úy quèn, sau khi chào hỏi, lập tức xin lỗi:
- Cháu xin lỗi chú* đã đi trể._Ông Tướng cũng cười nói rằng không sao, cả ông và tôi đều mặc y phục dân sự, nhờ vậy đở một phần cái cảnh ngược đời. Trong khi chờ đợi servir, tôi im lặng nghe ông nói về tình hình vùng giới tuyến và không để ý gì đến cách bố trí của nhà hàng, bàn ghế, quày tính tiền, lối ra vào của bồi bàn, phòng vệ sinh..v..v.., ông nói:
- Tình hình ngoài Vùng 1 hết sức bi đát, máy bay thám thính của chúng tôi chụp không ảnh cho thấy có một sự động binh lớn lao chưa từng có kể từ 1972, họ tập trung đông đảo binh lính, xe vận tải, xe tăng, trọng pháo, cao xạ, tiếp liệu... đông đến nổi chúng tôi ước lượng gần cả chục sư đoàn.
- Vậy mà cháu đọc báo, thấy CIA nói họ không thấy dấu hiệu động binh gì hết của phía bên kia ?_Tôi hỏi.
- Tôi cũng không hiểu nổi tại sao họ nói như vậy. Bộ Binh bị khiêu khích, bắn qua 1 trái, họ bắn trả lại 10 trái._Ông vừa nói vừa mỉm cười chua chát.
- Ủa, cháu tưởng đâu Hiệp Định Paris có câu “viện trợ quân sự Mỹ vẫn được thi hành trên căn bản một đổi một” mà ?
Ông Tướng vẫn cười méo xệch nhưng nhe cả hàm răng:
- Hiệp Định là thế, nhưng thực tế tại chỗ cho thấy là 100 đổi 1 có lẽ đúng hơn. Đã thế, lệnh trên đưa xuống bắt phải thay đổi tất cả cơ cấu của mọi binh chủng tại Vùng 1 chiến thuật, rất là lộn xộn!
- Ngoài Cam Ranh chỗ cháu đóng thuộc Vùǹg 2 cũng vậy._nói xong uống một ngụm bia cho trôi xuống, điều gì đó đang chận ngang họng…TLN của tôi, giờ này đang ở đâu ? ăn chưa?
.
Ăn trên nhà hàng nổi thật khác thường, người nhẹ nhàng bềnh bồng xém quên cả tình hình chiến sự, gió trên sông cho khách một cảm giác mát mẻ, khác hẵn cái nóng trên bờ kia. Tôi miên man nghĩ đến sự hổn loạn đ̣ang xảy ra tại Vùng 1, Vùng 2, theo luận lý, điều đó cho phép ta suy luận rằng Vùng 3 và 4 cũng thế và tóm lại là cả xứ ! Nhưng tâm lý con người là như vậy, khi có một sự đe dọa không thể chống lại được tiến dần đến, người ta kiếm cách chối bỏ sự thật vì nếu chấp nhận sự thật là chấp nhận thua thấy rõ, có một sự nghịch lý là nếu sẽ thua thì hiện hữu của mình hiện giờ là gì, mình phải tiếp tục sống, tiếp tục yêu, sinh hoạt bình thường chăng? Kết cuộc trong hoàn cảnh như thế, con người chỉ còn hy vọng. Người ta hy vọng có một sự đổi thay tình thế, một đột biến (coup de théatre) nào đó ! Tôi thán phục vị Tướng này, ông và gia-đình ở ngay tuyến đầu của đất nước và thấy rõ sự đe dọa đó, ông vẫn cứ để gia-đình ở yên tại chỗ.
.
Ăn uống xong xuôi, tôi cáo từ hai vị để trở lại trường cũng hấp tấp như lúc đến, không kịp lưu ý các đặc điểm quan trọng nhất của nhà hàng này, cái bãn tánh hay quan sát của tôi bỏ mất trong dịp này và sau đó đã làm cho tôi “four” thêm một bài nửa rất oan uổng! Ngồi trên yên xe, chuẩn bị nổ máy, một con muỗi bay đến chích vào cánh tay đau điếng, “Bốp” một phát, nó nát nghiến như tương, tôi lẩm bẩm:”Trời sinh chi loại ký-sinh-trùng này, không sản xuất chi, chỉ bám theo người ta để hút máu, tao xém mất mạng vì tụi bây!”
.
Một chút y-khoa, flash-back trở lại 1973
.
Không như QĐ Hoa-Kỳ, mỗi ngày trên đài phát thanh của họ đều nhắc nhở binh sĩ:” Hôm nay bạn có uống kwai nanh (quinine) chưa ?”, vì bịnh sốt rét của vùng nhiệt đới này rất dễ gây ra tử vong. Tại bán đảo CR, đơn vị của chúng tôi ở gần một vùng có nhiều đầm lầy, tất nhiên có rất nhiều muỗi, nhưng tuyệt nhiên chẩng bao giờ được cấp phát quinine cả. Thời gian Hanh chưa ra đến, có một lần tôi bị bịnh nặng, lúc đầu tưởng bị cảm thường chỉ uống aspirine qua loa, không khỏi, sau đó nhứt đầu, chóng mặt, nôn mữa... nóng lạnh, cứ hết lạnh run lập cập, có bao nhiêu chăn mền đem ra đắp hết lên người cũng không ấm, mặc thêm mấy bộ đồ lính vẫn lạnh, lạnh từ trong xương lạnh ra, hai hàm răng cứ đánh bò cạp sau đó lại đến nóng sốt hừng hực, lật tung chăn mền ra hết, chắc có lúc bị sảng, chỉ nhớ là nóng đến độ la thét thất thanh trong gian nhà trống. Vì thấy không ai chăm sóc nên nàng TLN của tôi quyết định ở lại nhà tôi để nấu ăn, giặt giũ, cho uống thuốc…, rất tội nghiệp, nàng tìm đâu đó một mảnh ván ép tôi thu nhặt được để chuẩn bị sửa nhà, trải ngay dưới sàn bên cạnh giường của tôi để ngủ tạm không trở về Nha Trang hằng ngày như thường lệ. Thật là khổ sở, xa nhà, xa thân nhân họ hàng, chỉ còn một người duy nhất có khả năng chở tôi đi Bệnh Viện là LCNam, tôi không bao giờ quên được việc Nam đã chở tôi qua Trung Tâm Hồi Lực trong bán đảo để bác sĩ quân y khám bệnh, không thuyên giảm, rồi lại chở ra phòng mạch “bác sĩ” trong Thị xã Cam Ranh* để khám tiếp, ông “bác sĩ” này cũng mặc blouse trắng, đeo ống stétho trước ngực, cũng bắt mạch, đo tension...rồi cho toa... thật ra toa này do chính tôi đề nghị, vì tôi nói :
.
- Tôi không biết bị thương hàn hay sốt rét, vậy xin “bác sĩ” làm ơn cho Tyfomycine và Quinine 1 lúc luôn.
.
Thế̀ rồi ông cũng cho toa đúng 2 thứ thuốc đó, không hơn, không kém. Trước khi bước ra khỏi phòng mạch này, tôi nhìn qua cách trang trí và bày biện trông rất rẽ tiền, tự hỏi ông này có phải là bác sĩ thật không?
.
Ngoài LCNam ra, bạn Nguyễn-Ngọc-Điệp KT66 từ SG gởi ra cho tôi 2 vĩ thuốc Conbantrim là loại trụ sinh mới có khả năng tiêu hủy các loại vi-trùng đã quen thuốc. Điệp thời đó là trình-dược–viên của OPV do dược sĩ Nguyễn-Cao-Thăng làm chủ, Đ. có các loại mẫu thuốc rất nhiều cho nên lựa loại tốt nhất để gởi theo ngã Bưu Điện ra cho tôi. Tôi rất may mắn có những người bạn tốt hiếm có.
Nằm suốt hơn một tuần lễ không đứng lên đi làm được, có một ngày Nam đến nhà gọi:
.
- Quyền, Tr/Tá kêu mày lên trình diện !
- Mày làm ơn nói với ổng là tao đi không nổi làm sao mà trình diện !_tôi nói thều thào, khó khăn.
.
Trung Tá Chỉ-Huy-Trưởng và tôi
.
Cả đời tôi không bao giờ quên ơn ông Tr/Tá này, là một người có học với 2 bằng kỹ sư từ Pháp về, ông nói giỏi 2 thứ tiếng Anh và Pháp. Lúc tôi phụ trách Dự án vét lòng Vịnh CR, người đại diện Cơ Quan Xáng Thị Nghè ra để quan sát tại chỗ là một người Mỹ, tôi dẫn y vào nói chuyện với ông mới biết được ông nói tiếng Anh lưu loát*. Ngoài việc ông ký phép cho tôi về SG thi một cách dễ dàng, thỉnh thoảng ông hay rầy la tôi nhưng không hề cảnh cáo hay ra lệnh phạt bao giờ một người SQ bê bối như tôi.
.
Ngoài đơn vị, tôi để tóc dài vì thời đó vẫn còn là thời hippy, khi gió mạnh thì tóc bay lất phất tôi nghĩ chắc là trông “cool” lắm, và luôn luôn đội nón vải của QĐ Úc cuốn 2 bên vành lên chớ không đội mũ lưỡi trai như mọi người, cũng chỉ vì “không giống ai” cho nên rất ngại gặp ông. Một chiều thứ Bảy, tất cả công nhân viên và quân nhân đang ngồi trên xe GMC chờ trở về Nha Trang thì một người bạn cùng lớp, Bùi-Đình-Quang KT65 lái Jeep đến với 3 QN khác cùng đơn vị, Liên Đoàn 63 CB Kiến Tạo, Quang đậu ngay sau xe GMC kia, Q. biết có anh em KT ở đây nên thỉnh thoảng hay ghé thăm*, tôi nhìn thấy Q. đeo một khẩu súng lục Colt 45 coi oai quá, nên hỏi:
- Ê Quang, mày có thể cho tao xem khẩu Colt của mày được không ?
Q. thản nhiên rút khẩu Colt đưa cho tôi, tôi đưa ngang khẩu súng lục lên, chỉa về hướng đồi “Ngọa Long Cang” về hướng Nam giả bộ bắn, miệng hét:”Bang”, các cô thư ký tưởng thật, hoảng hốt co rúm người lại, tôi hạ súng xuống và cười cười trả khẩu súng lại cho Q., Q. cũng tỉnh bơ cười tủm tỉm chẳng nói chi, bọn SVKT chơi nhiều trò còn nghịch ngợm hơn. Sự thân thiết lâu năm giữa anh em KT đã phá luật lệ QĐ, không ai được quyền giao súng cá nhân cho người khác, nếu ông CHT của tôi trông thấy, chắc lại thêm một màn rầy rà cái thằng “con nít” ngỗ nghịch này nửa !
.
Tuy ngỗ nghịch nhưng chắc ông cảm thấy tên Th/Úy trẻ này hơi ngồ ngộ, cuối tuần ông rủ hắn đi câu cá ngoài Bãi Dài, có khi nó lại dẫn theo nàng TLN của nó, ra đến bãi, nó với nàng đi thật xa ra khỏi tằm mắt của ông, để ông đứng câu một mình, chúng nó ngụp lặn xong đến khi mệt nhoài mới trở lại với ông! Hoậc có khi ông nhờ nó vẽ plan sửa chữa lại một cái trailer của CHT Mỹ bỏ lại thành nhà ở thêm cho ông với cái sàn nhảy trá́ng xi-măng thật rộng nối liền với căn nhà nơi ông hiện ở, tất cả đều được che bởi một mái tôle khổng lồ với các cột đều được nó cẩn thận vẽ các contreventement đũ cả 2 chiều đúng như thầy Tải dạy*, trên mái tôle nó cho lính bắt chước các toà nhà do CB Mỹ cất tại CR dằn bao cát lên vì tùy mùa, gió ở bán đảo cực mạnh. Sau đó nơi đây chính là nơi tập dợt khiêu vũ thường xuyên của Tr/Tá Sài, Đ/Úy Nguyên* và nó, thường hay tập dợt nhảy đầm với nhau để chuẩn bị cho Bal lớn nhân dịp Noël 1973 cũng tại nơi đây, vị CHT chỉ nó vài bước tango, nó chỉ lại ông và Đ/Úy Nguyên vài bước (pas) bebop, cha cha và valse là các môn sở trường của nó. Thỉnh thoảng vài SQ thích nhảy có ghé đến tập dợt như Tr/Úy Phú hay Th/Úy Công*. CHT này đánh billard franc và cờ tướng rất giỏi, tôi bị ông hạ hoài nên sau đó từ chối không đấu với ông nửa. Tất cả những việc này đều ngoài sự hiểu biết của các vị SQ hiền lành khác như Th/Tá Ái chỉ lo đọc sách báo, Tr/Úy Phát cứ đi lui tới trước nhà, mỗi tay một cục gạch thẻ co lên, duỗi xuống để tập thể dục, “vị” trưởng ban của nó thì lên xe LaDalat mới cáo cạnh* đi ngao du sơn thủy với người vợ đẹp và con khôn hoặc bận nấu cơm cho vợ ăn, còn “vị” Đ/Úy trưởng phòng của nó thường hay về Nha-Trang để săn sóc người vợ chẳng may bị bệnh tâm thần, vì vậy y không ngờ được nó thân thiết với vị CHT thế nào.
.
“Vị” Đ/Úy trưởng phòng này cũng có tính mách lẽo giống hệt tên tài lọt của y, nửa năm sau đó, trong một trận đánh boule (pétanque) với Tr/Tá Sài nơi đất trống cạnh câu-lạc-bộ của Lan-Khanh, y mách với CHT:
.
- Thưa Trung Tá, ông Th/Úy Quyền tối ngày cứ nhậu nhẹt với lính hoài.
- U..Ủa, ổng nha..nhậu..với ai ngoài giờ la..làm việc...thì là tờ..tờ..tùy ổng ch..chớ..
.
Nghe CHT nói như thế,“vị” Đ/Úy trưởng phòng bị tịt ngòi, im lặng một lúc, nói sang chuyện khác.
Đôi khi nó tự cảm thấy giống nhân vật Lệnh-Hồ-Xung của Kim Dung, thích la cà nhậu nhẹt với thượng vàng hạ cám từ binh Nhì đến Ch/Tướng cho nên được Tuấn-Khanh (q.c.) em Lan-Khanh, nhân tiếp bia cho hai vị trên, nói lại cho biết chuyện này và không có vẻ kính phục y chút nào, thằng “con nít” nghỗ nghịch chỉ mỉm cười và không bao giờ mua Black & White đem ra CR nửa !
.
Một hôm nọ, cuối tuần ông đang đứng trước nhà, gọi nó lại nói chuyện 1 lúc, ông nhìn nó hỏi:
- Tóc anh dà...dà...dài... quá, sao không chịu...chịu...ca…ca…cắt ?
- Dạ thưa Trung Tá tại tôi không có thì giờ đi cắt.
- A..anh...nói..nói..cái gì..̣không có thì giờ? Anh..nha…nhậu..mấy tiếng đồng hồ thì được ! (nó định nói xin lỗi Tr/Tá chứ tại vì Hạ Sĩ Thành hớt tóc cũng chuyên môn nhậu với nó, nhưng thôi)
.
Cha tôi,
.
Sau khi tôi khỏi bệnh thì đến phiên thân phụ ở SG bị đứng tim, bà kế mẫu gọi đ/th ra cho hay, tôi điếng hồn tuy nhiên cũng an tâm vì sở ông đã chở ông vào Grall cứu chửa kịp thời và ông đã bình phục rồi.
.
Thân phụ tôi nguyên là một người theo Nho giáo chính thống, ông tôn trọng các lễ nghi, ông giữ kỷ tôn ti giữa các người trong gia-đình, giữ kỷ sự liên quan trật tự giữa những con người trong xã hội, tuy theo Tây Học nhưng răm rắp theo Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử..., ra Hà-Nội học Luật, 1941 người ta đã gọi ông trở về Sa-Đéc để tham gia kháng chiến. Ông nhảy valse, tango rất giỏi nhưng ông lên cặp đèn đám cưới rất đúng kiểu cách, ông cũng nói cũng cười nhưng thật sự ra ông rất nghiêm khắc kể cả với chính ông! Sự liêm khiết tối đa khiến lúc ông còn làm Giám Đốc văn phòng (1953-1963) và cụ Trần-Văn-Hương (q.c.) làm Tổng-Thư-Ký Hội Hồng-Thập-Tự VN là 2 người duy nhất đi xe đạp tại đây. Thời gian này, ông huấn luyện thanh niên cấp cứu HTT và nữ y tá. Trong số TNCC HTT có 2 người chắc các bạn biết là: Lê-Minh-Nam KT64 và ca sĩ Hùng Cường.* Tính khảng khái, ông đã từ chức Giám Đốc Hội HTT để phản đối T.T. Ngô-Đình-Diệm khi T.T. Diệm đưa bác sĩ Hạc vô làm Chủ Tịch Hội, bị thất nghiệp trong vài năm nhưng không bao giờ để ba chị em chúng tôi đói khổ và thiếu sách vở để học.
.
.
hiình trên: toán thanh niên cấp cứu Hồng Thập Tự thực tập cứu người trên sông. Lê-Minh-Nam KT64 ngồi bên phải gần hình. Tôi ngồi đầu bên trái lúc 15 tuổi
.
Sau khi mẹ tôi mất sớm vào năm 1955, vì không muốn ba chị em chúng tôi phải chịu cảnh “mẹ ghẻ con chồng” ông đã ở vậy cho đến mãi 13 năm sau, chị và em gái tôi tốt nghiệp Đại Học rồi*, ông mới tái giá. Chính ông là tác giả đã làm cuộc tình trước đó của tôi đổ vở, tóm lại ông là một người rất nghiêm khắc, trọng đạo Thánh Hiền, những ai mới gặp không biết được và ông coi tôi như một người nổi loạn! Ông khuyên tôi đọc các quyển Nho Giáo, Khổng Giáo, chừng 3 trang tôi đã ngủ mất! Thật ra, tôi tự coi như một con người mới, vào thời “psychedelic”,“sex revolution” này mà đọc những lý luận như:
Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung,
Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu.
Thật là chán ngấy vâ cực kỳ vô lý, tôi còn cho rằng xã hội Việt Nam lẫn Trung-Hoa chậm tiến là tại mấy ông Tàu này.
.
Tháng 4 năm 1973, nhân ra Cà Ná, Phan Thiết thương thuyết mua muối cho hảng VICACO*, ông đến bán đảo CR thăm tôi, tôi đưa ông ra tắm ở Bãi Dài, ông khen tắm tắc bãi biển giống như một cái piscine, sau đó vừa đưa ông đến nhà LCNam để giới thiệu với ông người bạn học tử tế của tôi, Nam mét (mách) ngay:
.
- Thằng Q. ở ngoài này nó ghê lắm bác ơi !
.
Tôi hết hồn, không bụm miệng nó lại kịp, tôi đứng cách nó khoảng 2 m và trông thấy nét mặt thay đổi của ông. Tôi không nhớ nổi có giây phút nào LCNam đứng riêng với ông không ? Có lẽ LCNam coi nhẹ câu này, coi như nói chơi, vô tội vô vạ nhưng về đến nhà ông đã viết 1 lá thơ cật vấn tôi: “Người ta nói với Ba là ở ngoài đó, tụi bây* ở với một người đàn bà, con gái..v..v..” Tôi hết sức bực bội thứ nhất là vì sai sự thật và thứ hai là tôi đũ lớn khôn để tự quyết định cuộc đời, trong lúc trên giường bịnh đã viết cho ông 1 lá thơ đanh thép chưa từng viết trong đời, có lẽ chính lá thơ này đã làm cho ông đứng tim khi nhận được nó tại sở ở SG. Ân nhơn LCNam thóc mách với ông và đã xém lấy mạng ông thân của tôi !
.
Thiên Đàng đóng cửa
.
Cuộc vui đến đâu cũng đến lúc phải chấm dứt, thiên đàng hạ giới không đi ngoài định luật đó.
.
Vụ đứng tim của ông già làm tôi suy nghĩ ở xa nhà thật bất tiện và chợt nghĩ đến giải pháp xin đổi về SG. Nghĩ nhưng không thi hành vì còn luyến tiếc cái Thiên Đàng Hạ giới này, chắc khi xưa tâm tư của Từ Thức cũng không khác mấy!
.
Chưa kịp quyết định gì thì cuối tháng 8/74, tôi nhận được thơ của Bộ Tổng Tham Mưu gởi ra nói rằng tôi đã đủ điều kiện xa nhà hơn 2 năm để xin về “Phục vụ gần nguyên quán”, nếu muốn thì chính đương sự phải nộp đơn. Tôi đem thơ của BTTM về nhà và cho TLN của tôi xem, nhìn phản ứng của 1 người con gái đẹp mới 19 tuỗi, yêu nhau vừa được hơn một năm, hạnh phúc đang bị lung lay nhưng rất bình tĩnh:
.
- Rồi anh có định nộp đơn không ?
- Anh bắt buộc phải về SG vì 2 lý do: ba của anh bị đau tim nặng và anh phải làm mấy cái đồ án KT cho xong để lo thi tốt nghiệp. Chắc chắn anh sẽ tìm cách gặp lại em.
.
.
.
.
Tôi nộp đơn xin “Phục vụ gần nguyên quán” về BTTM, SG. Ba tháng sau tôi đã nhận được lệnh thuyên chuyển, nhận được lệnh này, lúc đọc nó người khác chấc phái nhảy lên mừng rỡ, riêng tôi, cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cuống họng và rất khó để báo tin cho người đã yêu mình mặn nồng gần 2 năm qua trên “hoang đảo” này. Cầm tờ giấy quý giá trong tay, tâm hồn tôi như tê dại...nghĩ đến sự bất công mình sắp tạo ra cho một người con gái vô tội, cha mẹ trốn chạy từ Vĩnh Yên, Hà Nội đến Hải Phòng rồi được tàu “há mồm” của Hải Quân Mỹ đưa đến hải cảng gần nhất là Đà Nẳng, năm sau hạ sanh nàng tại đây, lớn lên lại phải lưu lạc Sài Gòn, Nha Trang bây giờ vào đến Cam Ranh…để yêu…tôi và sắp chịu khổ vì ...tôi!
.
Tôi phải làm tất cả thủ tục hành chánh phiền toái, trả lại những quân dụng kể cả vật bất ly thân là cái bi-đông và bao của nó*, vũ khí...do đơn vị cấp phát, ký nhận chứng chỉ ngưng lương..v..v..cuối cùng liên lạc với bên Quân Vận để quá giang xe dọn “nhà” về SG ! QV đã cấp giấy cho tháp tùng đoàn convoi về SG ngày 31/12/1974.
.
Người ta chờ đợi tôi khao ăn mừng chứ họ không đãi tôi như lúc chúng tôi đãi Đ/Úy Đỗ-Hữu-Hạnh KTS về SG, tiền đâu đãi cả Sở ! Trái lại chỉ có VVV và Hanh nhậu với tôi lần cuối, tôi ra Nha Trang chào từ giả gia-đình TLN, nhân tiện Tròn, em Binh I gác cổng ngoài hậu cứ S5CB tại Nha Trang mời tôi đội chung với em một cái poncho ngồi uống rượu tiển đưa dưới trời mưa phùn cuối năm, em nói:
- Em từ Bộ Binh đổi qua, em nói thật, nếu ở ngoài mặt trận, em sẽ che chở cho Th/Úy hết mình luôn.
Tôi ứa nước mắt, em Binh I này còn trẻ hơn tôi nhiều, bị thương nặng rồi mới đổi qua CB, cám ơn em, khi nào có dịp tôi sẽ ghi lại lời nói này của em đâu đó.
.
Ngày 28/12/74, vợ chồng Th/Tá Ái, Phó Chỉ̉-Huy-Trưởng mời hai đứa tôi đi dạo lần cuối tại Bãi Dài.
Tôi ra đến Cam Ranh vào mùa Đông, giờ đây chuẫn bị bỏ đi cũng mùa Đông, bầu trời mây đen bao phủ, gió từ ngoài khơi thổi vào ào ào, sóng biển thi nhau cuồn cuộn từ xa chạy vào và vở tung khi đập vào bờ. Thật là trái ngược, chính tại nơi đây, lúc chúng tôi mới bắt đầu yêu nhau trời nắng chói chan, gió hiu hiu, mặt biển phẳng lặng không một ngọn sóng !
.
Tôi đi song song nói chuyện với ông, có lẽ tôi là người Th/uý trẻ duy nhất trong Sở mà ông thương mến và ngược lại tôi rất kính trọng vị Thiếu Tá già trí thức này. Mấy đứa con của ông chạy lăng xăng đàng trước với con Milou, tiếp đó vợ ông với nàng TLN của tôi, tôi và Th/Tá Ái đi sau cùng. Nhìn ông già người Huế “quản thủ thư viện Pháp” này thấy ông không có vẻ gì hạp với QĐ cả, người ông đã lom khom, trời mùa đông khá lạnh, ông mậc thêm 1 cái fuy-jacket của QĐ Mỹ rộng lùng thùng, dưới chân đôi botte de saut ông mang có vẻ lớn hơn cỡ chân của ông. Riêng tôi, mặc thêm bên ngoài cái áo blouson màu beige của bà chị từ Pháp gởi cho không giông bất cứ lính nào trên đời vì Quân Đội VNCH không có trang bị quân phục chống lạnh, sợ gió thổi bay mũ, tôi gở ra cầm, tóc thì dài, rối bời trước gió !
.
Đang đi lệt bệt trên cát như nhân vật trong truyện bằng tranh Gaston của họa sĩ người Bỉ Franquin, ông quay nhìn tôi, nói:
- Này anh Quyền, tôi có cảm giác người Mỹ đã bỏ rơi chúng ta rồi.
Tôi cũng nhìn thẳng vào ông, tay phải chỉ thẳng ra phía biển và nói một cách quyết liệt:
- Thưa Th/Tá, ngoài khơi kia biển Việt Nam của chúng ta đầy dầu hỏa, đào mủi nào trúng mủi nấy, mà dầu hỏa là tiền bạc, người Mỹ đời nào lại bỏ tiền ?_vừa nói xong tôi chợt nghĩ:“ Ừ mà nếu Mỹ nó làm giả thì sao, mình đã từng xem phim Giant với James Dean rồi mà, cảnh dầu phun lên y như thật ?”
- Ấy vậy mà họ vẫn cứ bỏ, tôi có rất nhiều người quen ở ngoại quốc họ xác nhận với tôi như thế!_ Chị tôi bên Pháp và cô em gái ở Canada cũng nói như ông đã làm tôi nhất quyết viết thơ cải lại, phủ nhận việc ấy.
.
Ngày 29/12/1974, tôi đi chào từ giả tất cả mọi người trong Sở, siết tay thật chặt các bạn bè nhất là các bạn KT còn lại ở đây, tôi nói:
- Mình còn gặp lại nhau ở trường mà !
.
Ngày 30/12/1974, xe GMC của Quân Vận đến. Người binh sĩ tài xế tiếp tôi chuyển đồ đạc lên xe, cho tôi giờ hẹn sáng mai.
.
Ngày 31/12/1974, tôi dậy thật sớm, uống ly cà phê cuối cùng TLN pha cho tôi, hôn nàng một hơi dài, cố ghi nhớ mùi hương tự nhiên của nàng trong bộ óc của tôi và quyết định leo lên xe. Tài xế nổ máy, xe từ từ tiến tới, tôi ngoái đầu nhìn lại TLN còn đứng trước căn nhà yêu dấu nhìn theo, xe đi xa dần, đến khúc quanh không còn nhìn thấy hình dáng nàng nửa...vĩnh biệt...vĩnh biệt Cam Ranh.
.
HẾT
.
Lời kết:
Tôi chân thành cám ơn tất cả bạn hữu trong Ba tháng qua đã theo dõi và nhiệt liệt ủng hộ Hồi Ký CR này của tôi. Qua 29 trang giấy (kh̉ổ chữ 10) không kể hình ảnh đính kèm, tôi đã cố gắng viết lại những gì xảy ra tại một phần đất yêu quí của chúng ta mà nhờ QĐVNCH, tôi có dịp sống ở đó gần 2 năm.
.
Trong 2 năm trường, biết bao nhiêu kỹ niệm mà tôi không thể nhớ hết được vì với thời gian trí nhớ con người không cho phép ghi hết được và trong những trang giấy hạn hẹp, tôi lại phải cô đọng lại, bỏ qua những việc không đáng vì vô ích cũng có, vì sợ làm dơ bẩn ký ức cũng có. Như có bạn nhìn thấy, thật sự chúng tôi không phải sống trên 1 “ hoang đảo”mà sống trong 1 tập hợp QĐ, là nơi có đầy đũ các cấp chỉ huy và đầy đủ mọi loại chỉ huy, tôi đã cố giải thích một cách rất con người, có nghĩa là có con người thì có đũ mọi loại hỷ, nộ, ái, ố. Có hai loại truyện “hoang đảo”: loại the Blue Lagoon với Brooke Shield hay Robinson Crusoë hoặc TV series LOST, dỉ nhiên dù tưởng tượng LOST vẫn đở chán hơn. Vì vậy, trên “hoang đảo”này không phải chỉ có một mình tôi và người yêu của tôi. Cũng như mọi người trẻ mới lớn, chúng tôi ước mong sống một cuộc đời thần tiên đẹp đẻ, giản dị, êm đẹp, trong sạch, mọi người yêu thương nhau nhưng ngược lại chúng tôi phải tranh đấu chống lại mọi sự xấu xa, rắc rối, âm mưu, hại người, hại bạn, cướp của công...có vài bạn vừa ra đời từ hiền lành tử tế sau đó đã trở thành một con người trái ngược lại. Tóm lại, muốn trình bày đầy đủ, phải có một tài năng như Kim-Dung và cả một pho truyện dài 6 quyển!
Tôi đã có ý định viết tiếp đoạn sau, Cục Công Binh Sài Gòn, Trường KT tháng 5,6/1975, Trại Cải Tạo, Viện Quy-Hoạch & Thiết Kế Tổng Hợp, Trại Tỵ Nạn..v..v..vì chính tại những nơi đây tôi lại gặp gở dân KT và có những chuyện đáng ghi lại nửa ! Trong khi đó, tôi cầu mong sao bán đảo Cam Ranh vẫn còn thuộc về Việt Nam của chúng ta.
.
Thời đại internet này, các bạn chỉ cần vô Google, gỏ Cam Ranh bay, bạn sẽ thấy vô số cụu chiến binh Mỹ có dịp đóng tại đây, từ binh nhì đến cấp tướng có bài viết hoặc hình ảnh về CR chứng tỏ có một sự yêu thương, quyến luyến nào đó đối với bán đảo, phía VN ta có hàng mấy ngàn binh lính đóng tại đó, tôi chưa được hân hạnh đọc được bài nào cả. Người VN ta ở hải ngoại chỉ đợi người khác viết rồi chửi bới người viết, chắc đó là cách dễ viết nhất không cần đòi hỏi khối óc và con tim mình hoạt động, rất may tôi không thuộc loại người này.
.
Lâm-Công-Quyền, St-Hubert, ngày 5 tháng 8 năm 2009
.
Chú thích: * Ông Chuẩn Tướng (q.c.) này vì nghe phong phanh bị đổi nên chạy vào SG để chạy được ở lại, sau đó ông “được” ở lại nhưng trả giá khá đắt khi phải lội ra tàu với Tr/Tướng Ngô-Quang-Trưởng (q.c.)
* T.Tr Tăng Hồng ch̉i mới nhậm chức có 3,4 tuần thì thiệt mạng vì vụ này và sau đó được thay thế bởi Hà-Xuân-Trừng là anh ruột của Hà-Xuân-Ba KT64, Trừng và vợ là Nguyễn-Thị-Kim-Anh là cặp vợ chồng mà DMTiến có nói đến trong 1 áp-phe do HĐThưởng (q.c.) giao.
* Tụi bây: là 1 cách gọi người đối thoại bằng số nhiều như g.s. BQHanh gọi SV là vous
* Tôi gọi theo cách của người Trung.
* Từ trong KQSTT ra đến thị xã Cam Ranh khoảng 20 km.
* 1974, khi tôi đưa viên kỹ sư người Mỹ này viếng qua phòng Kỹ Thuật, không ai biết nói tiếng Anh kẻ cả nhị vị trưởng phòng và trưởng ban, nay thì “vị” trưởng ban này chắc đở hơn nhiều lắm rồi.
* thăm: thật sự ra các bạn KT này chỉ ghé thăm tôi, còn có 1 SQ Không Quân tên Hiếu KT66 người 54 từ Nha Trang ghé vào với 3 binh sĩ KQ, sau này tôi có gặp lại Hiếu trong trại Cải Tạo, Trảng Lớn, Tây Ninh.
* Các contreventement này tỏ ra rất hiệu quả, khi cái mái che bị cháy 1 phần vì vị CHT say mê đánh cờ tướng, khói kế bên không hay ,nhà ông ra tro nhưng cả mái nhà nói trên đều đứng vửng.
* Đ/Úy Nguyên là SQ đã hướng dẫn tôi vào yết kiến Đ/Tá Mai CHT Bộ CH 5 T V, CR, đã nói kỳ rồi.
Valse là một môn xưa như trái đất nên các em ca-ve trẻ ngoài Cây số 9 không biết nhảy đến độ nó và Đ/Úy Nguyên phải nhảy với nhau giữa sự hoan nghênh ầm ỉ của mấy em
* Các SQ này tôi đã nói đến trong phần đầu.
* Đây là chiếc xe nhà dân sự duy nhất trong bán đảo, lương Th/Úy 24 500 đ/tháng, nhà gia-đình rất khiêm tốn, làm sao mua được ?
* Ông cụ chờ tôi tốt nghiệp không được vì lâu quá!
* Hùng-Cường nguyên là 1 thanh niên miền Bắc di cư vô Nam 1954, nhìn thấy hoạt động của TNCC và Hội HTT, quá cảm kích, sau khi ổn định, đã tình nguyện trở lại để học làm TNCC tại đây.
* VICACO (Việt-Nam Chlor và Alkali Cty), trụ sở: đường Ng-Công-Trứ, SG, cơ xưởng ở Biên-Hòa.
* Trả lại quân trang vì lúc ấy chiến trường không còn được thay thế đầy đũ như trước nửa, vì vụ trả lại cái bi đông này, tôi xém chết khát sau đó.
No comments:
Post a Comment