.
.
(tiếp theo kỳ trước)
.
Bạn KT- Cục Công Binh, về đến Sài Gòn (kỳ 2ter)
.
Những việc chưa hoàn tất:
.
Đi khỏi CR, có việc tôi chưa hoàn tất, đang dang dở chưa xong nhưng không luyến tiếc, có việc hài lòng và có những việc như một bài “hoà-tấu-khúc viết chưa xong” ̣(symphonie inachevée) vẫn còn đè nặng trong tâm tư:
.
Vét lòng vịnh Cam Ranh
.
Như đã nói trước đây, công việc cuối cùng tôi được giao phó tại Sở 5 Công Binh (trước tháng 8 năm 1974 nguyên là Khu Quân Sản Tạo Tác Nha Trang) là lập dự án vét lòng vịnh Cam Ranh, có tên “Cầu tàu, bãi ũi”, trước hết lo vét các nơi có tàu bè cập bến, song song vét đến các hải lộ dẫn đến các bến tàu đó rồi sau cùng mới hết cả vịnh.
.
Bán đảo Cam Ranh dài 34km, vịnh bề dài 16km, bề ngang 32km, cả hạm đội của Nga Hoàng năm 1904 đã vô đây nghỉ ngơi sau một lộ trình dài, đồng thời mua thêm lương thực và than đá trước khi lên đường trực chỉ biển Nhật Bổn để đánh nhau với Nhật, đến eo biển Đối Mã bị hạm đội dưới quyền chỉ huy của Đề Đốc Togo đánh chìm. Thế Chiến thứ 2, Nhật lại lấy làm căn cứ Hải Quân để đánh chiếm các nước vùng Đông-Nam-Á. Giữa những thời kỳ này, tuy Pháp không có hạm đội nhưng tàu chiến của HQ họ vẫn có mặt tại CR cho đến 1954. Từ thời điểm ấy cho đến 1965: VNCH, cùng năm đó người Mỹ đã ký khế ước thuê bán đảo 99 năm và vì Hiệp Định Paris, họ đã giao trả lại cho VNCH tháng Giêng năm 1973. Tôi phải nhắc lại dài giòng lịch sử để các bạn thấy cái nghịch lý khi tất cả các hạm đội vĩ đại đó lui tới vịnh này cùng cái tầm quan trọng của nó, bây giờ giao vào tay một tên Th/Úy CB quèn khờ dại 29 tuỗi lo nạo vét! Tôi cảm thấy không khác gì một con dã tràng trong cái vịnh to lớn này! Ngẫm nghĩ đến câu ca dao:
.
Dã tràng se cát biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cáng gì.
.
Thời gian xáo trộn cả miền Nam do lệnh của Tướng Đồng-Văn-Khuyên, TCT TCTV vào nửa năm sau 1974, tôi nhận nhiệm vụ này một cách tự nhiên như bất cứ dự án nào khàc, mặc dù chúng tôi đã được qua một khóa huấn luyện 6 tháng căn bãn CB về làm cầu, đường, trắc lượng, mìn bẫy...hoàn toàn không có môn nào thuộc về vét lòng sông hay biển, nhưng vẫn tháo vát theo thói quen học ở trường KT, trước nhất tìm tài liệu nghiên cứu: hải đồ, các loại tàu, cầu tàu...lập dự án, song song phải đi khảo sát tại chỗ, trước đó phải nhờ cấp trên liên lạc với bên Quân Vận để xin cấp phương tiện chuyên chở, QV cũng là một ngành thuộc Tiếp Vận nên có rất nhiều tàu bè, họ cho biết ngày tháng và điểm hẹn ở cầu tàu số..., vịnh CR. Phòng Kỹ Thuật phái cho tôi một trắc-lượng-viên, anh Võ-Văn-Vinh, người bạn nhậu quen thuộc của tôi và BNHanh KT66, người đồng đội trong cuộc thi bơi 300m lúc trước* .
.
Tôi và VVVinh đến nơi, hơi thất vọng vì trông thấy người lính QV đang chờ trên bờ, dưới cầu, chiếc “tàu” để đi khảo sát và đo chiều sâu đáy vịnh chẳng qua chỉ là một chiếc ca-nô nhỏ xíu với cái máy Evinrude sơn màu xanh QĐ sau đuôi! Tôi hỏi a. Vinh:
.
- Rồi anh lấy cái gì để đo độ sâu?_ Anh chỉ tôi cuồn dây đem theo, đầu dây buột chặt 1 hòn đá khá to.
- Từ nảy giờ tôi cứ tưởng anh sợ chìm tàu nên đem theo cuồn dây theo để cột cho an toàn!_Tôi nhìn thấy nụ cười gượng gạo của người trắc-lượng-viên gốc Quãng Bình cao lớn, trắng trẽo, luôn chải tóc theo kiễu Elvis Presley. Thật tội nghiệp người công chức QP làm sao, làm việc cho QĐ văn minh, tân tiến này, anh phải tự tháo vát chế ra dụng cụ đo độ sâu!
.
.
thuyền trưởng hải tặc râu đỏ
.
.
Chúng tôi tất cả 3 người trèo lên ca-nô, người lính QV mở máy, từ từ cho ca-nô tách ra và đi theo chỗ chúng tôi chỉ, neo lại, VVV. thả dây xuống đến khi cục đá chạm đáy, rồi phăng lên, đếm từng gút dây đoạn đọc lên cho tôi ghi lên cái hải đồ in lại để khỏi làm hư bản chánh! Ngồi trên ca-nô, nhìn a. Vinh thả giây xuống rồi rút lên đếm từng gút, tôi cảm thấy tũi hổ cho QLVNCH quá chừng, cái máy SONAR dùng phương pháp dội âm để đo độ sâu và các chướng ngại vật kẻ cả tàu lặn địch được phát minh từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, bây giờ là năm 1974, nhân viên của S5CB đang làm giống hệt truyện bằng tranh Bỉ Barbe Rouge * của Victor Hubinon miêu tả vào đầu thế kỷ 18, thủy thủ chỉ biết thả dây từ trên xuồng chèo để đo độ sâu trước khi cho tàu buồm hải tặc của họ vô vùng vịnh lạ. VVV. và tôi như vậy đã tốn không biết bao nhiêu ngày đội nắng cháy da và lênh đênh chung quanh mấy cầu tàu, đếm không biết bao nhiêu gút dây để ghi lên mấy tấm hải đồ đen đũi, lem luốt, hai tay VVV. dọp vì nước biễn...tôi nghĩ có đến hai con dã tràng trong vịnh đang lò dò khắp nơi, Tôi vẫn không hiểu nổi khả năng hiểu biết và làm việc của nhị vị trưởng ban, trưởng phòng của Phòng Kỹ Thuật, họ không hề biết rất nhiều tàu của HQ có trang bị sonar, mà chắc họ cũng không biết sonar là cái quái khỉ gì? Tôi có trình bày việc này “lên” họ trực tiếp nhưng họ cứ bình chân như vại, lè phè như mấy ông nhà quê nhàn rỗi đang ngồi tán dóc trong cái tháp ngà. Máy này đo độ sâu nhanh chóng và rất chính xác, trong khi đó đo độ sâu bằng dây thừng mất bao nhiêu ngày lại không chính xác, chỉ cần 5 phút nó đã có thể cho kết quả của vùng chung quanh 1 cái cầu tàu!
.
.
.
bãi ủi cho tầu há mồm
.
.
Nhờ nghiên cứu tất cả các loại tàu kể cả tàu viễn dương trên 10 ngàn tấn, tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu tuần duyên...tôi biết được các tàu mang chữ L (landing) như LCL, LCM, LCU… mà người bình dân miền Bắc lúc di cư gọi là “tầu há mồm”, thường thường dùng đổ bộ thẳng lên bờ, các chiếc nhỏ không có trang bị sonar, các tàu lớn hơn như tuần-dương-hạm, hải-dương-hạm, khu-trục-hạm..v..v..đều có trang bị sonar, các tàu nhỏ nhưng chạy nhanh mang chữ P (patrol) như PTF, PCF, PGM…cũng có trang bị sonar. Coi trong danh sách tàu, tôi thấy ghi “PTF: TỐI MẬT, không xử dụng tại vùng 2 duyên hải”, chỉ riêng chiếc Giang đỉnh làm tại HQ Công Xưởng, Sài Gòn bằng ferro-ciment nhại theo kiễu PCF, tôi không biết có trang bị thứ này hay không?.
.
.
.
cầu tầu tại Cam Ranh
.
Có người sau này hỏi sao tôi không than phiền thẳng với CHT? Xin thưa rằng chúng tôi vốn được huấn luyện như một robot, chỉ nhận lệnh cấp trên trực tiếp, thi hành trước, khiếu nại sau và không bao giờ được đi thẳng với CHT trong công việc, vốn chân ướt chân ráo mới “tốt nghiệp” TBB Thủ Đức ra nên tôn trọng nguyên tắc của QĐ, đi ton hót là hành động của kẽ đê tiện, không phải của chúng tôi, Hanh, Lượng và vài Th/Úy mới đỗi ra CR. QV có rất nhiều tàu LCU và LCM có thể há mồm được để đổ bộ thẳng lên bãi cát nhưng không có sonar, còn đối với công tác tối ư quan trọng như vậy, Sở có thể nhờ cấp cao hơn liên lạc với cấp cao ngang hàng bên HQ để họ biệt phái cho bất cứ tàu nàu có trang bị sonar. Vét lòng vịnh không phải chỉ để tàu bè HQ ra vào dễ dàng mà thôi, tàu còn phải chở TQLC, quân cụ, vũ khí, đạn dược cho tất cả mọi binh chủng kể cả HQ, còn PCF không phải để một Th/Úy Sở 5 CB tưởng tượng dùng đổ bộ lên bờ Mũi Dinh cùng với trắc-lượng-viên, ước-lượng-viên, kèm theo cái chân 3 càng và máy Alidas (máy tachéomètre), giấy tờ, hồ sơ...lội bì bỏm từ 20m vào bờ, mỗi người một tay dìu ông Th/Úy không biết bơi, lên tới bờ xong ướt trũng, nếu ông Th/Úy này còn sống, còn phải lội bộ trên đường ngoằn nghoèo để leo lên đến Đài Kiễm Báo ở cao độ 450m*! Trong khi việc đó chỉ nhờ Tiểu Đoàn 63 CBCĐ thuộc Liên Đoàn 6 CBCĐ, có Bùi-Đình-Quang KT65*, đóng tại CR lái Jeep vào là xong ngay một cách dễ dàng!
Chờ không được nữa, tôi vẫn cứ tiến hành hồ sơ, tôi nói với VVVinh:
- Tôi thấy chung quanh các cầu tàu độ sâu không thay đổi nhiều, chúng ta không cần đi đo kiễu này nữa. Nếu họ không tin, họ cứ đi kiễm lại theo kiễu anh và tôi đã làm_ Đúng như tôi nói với anh Vinh, chẳng ai thèm kiễm soát vì không có cách kiễm soát nào trừ phi chịu đựng cực khổ như chúng tôi đã làm!
.
.
.
PCF bị mắc cạn
.
Và nhân một dịp về phép thi, đã đem hồ sơ duyệt xong vào liên lạc với Cơ Quan Xáng Thị Nghè là nơi duy nhất tại VN có khả năng đào sông, vét biển! Việc liên lạc này đã làm tôi mất thêm vài tiếng đồng hồ quý báu*! Lần cuối cùng, CQX Thị Nghè đã gởi chuyên viên ra CR quan sát tại chỗ, tôi hết sức ngạc nhiên vì người chuyên viên này là một người Mỹ, không biết tiếng Việt! Tôi hướng dẫn ông ta vào chào Tr/Tá Sài*, đoạn bước qua phòng Kỹ Thuật chào trưởng phòng đồng thời yêu cầu đưa đi quan sát tận nơi các cầu tàu, Đ/Úy Ngữ trưởng phòng đã cùng với tôi lấy chiếc Jeep cao do anh Hạ sĩ Hào lái đưa người Mỹ đại diện Cơ Quan Xáng Thị Nghè đi quan sát tất cả các cầu tàu, bãi ũi trên bán đảo rồi mới đáo trở về Sở. Ngồi nơi băng sau với người Mỹ mới gặp lần đầu này thật ngại ngùng, chắc y cũng vậy, Đ/Úy Ngữ là một người đàn ông rất đẹp trai, tóc dợn sóng, da hồng hào như một người Mỹ nhưng ông chỉ im lặng , cười cười từ đầu chí cuối, bận về, nhìn thấy biển mênh mông bên tay phải, phản chiếu dưới trời nắng rất đẹp, tôi nói bâng quơ:
.
- Cái học như thể đại dương, chúng ta học không biết bao giờ cho hết được.
- Vâng, vâng, tôi đồng ý với anh, anh có lý lắm_người Mỹ nói.
.
Về đến nơi, Đ/Úy Ngữ nhờ tôi mời người chuyên viên Mỹ xuống câu-lạc-bộ Lan Khanh uống nước, ông Đ/Úy không nói tiếng Anh và người Mỹ này không nói tiếng Việt, cho nên không có gì để nói, khi cạn ly thì ông ta ra về. Dự án vét vịnh CR đã chấm dứt ngay lúc ấy vì sau đó tôi nhận được lệnh đổi về SG nên hoàn toàn không hiểu dự án này được tiếp nối ra sao. Như đã nói trong vài kỳ trước, trong QĐ, không có người này đã có người khác thay thế, tôi không mấy lo lắng, chỉ nghĩ đem một chiếc xáng kềng càng từ SG ra đến CR không phải là dễ, tất nhiên là được nhưng rất tốn kém, trong tình trạng Mỹ cắt viện trợ tôi không biết được rốt cuộc, dự án đó có được đem ra thực hiện hay không?
.
Trung Tướng Nguyễn-Văn-Toàn bị cách chức
.
Tháng 10/1974, vì quá mức tham nhũng, Tướng Toàn đã bị loại khỏi chức Tổng Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật, đó là tin vui nhất của tôi trước khi đổi đi. Quyết định này của TT Thiệu có hơi trể, ông Tướng này đã vơ vét không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của lính, buôn lậu ma túy, cho lính đốn quế... để trở thành giàu sụ và ăn uống đến nổi nức người ra. Khi dẫn lính ra Nha Trang dàn chào ông ta, đứng đầu hàng, ông ta đi ngang qua tôi không biết ông ta có trông thấy cặp mắt đổ lửa của tôi chăng, dù sao đi nửa tôi đã kềm chế được cái tính điên điên của tôi lúc đó là hạ một người để trả hận cho hàng ngàn người. Nhìn thấy hai cận vệ của ông mang súng ống kè ké, tôi bỏ ý định hạ ông bằng tay không!
.
Những việc còn dang dở
.
Có một thiếu nữ và một sinh vật thân yêu khi dọn về SG tôi không thể nào đem theo được, không cần phải nói, người đọc biết ngay đó là nàng Tiễu-Long-Nữ của tôi và con chó trung thành Milou.
.
Milou
.
Lúc mới ra đến đơn vị, Sở sắp cho tôi ở tạm nơi “Nhà vãng lai”, là một ngôi nhà nhỏ, hai bên là hai phòng ngủ khá rộng cùng phòng vệ sinh riêng cho mỗi phòng. Vì không có hàng quán ở bán đảo nên tuần lễ thứ nhì ra đến CR, cuối tuần tôi ra Nha Trang mua một cái bếp điện nhỏ, một nồi nấu cơm, một nồi để nấu canh và một cái chảo, sau đó tự đi chợ nấu cơm lấy. Mỗi khi về phép thi đều có đem ra vài món nấu sẵn và một lon Guigoz thịt chà bông. Một buỗi trưa Chúa Nhật đang chuẫn bị ăn thì khám phá thấy lon chà bông bắt đầu nổi mốc, tôi không có tủ lạnh, nhìn thấy bên ngoài trời nắng tốt nên đem lon Guigoz ra trước nhà phơi cho ráo. Một lúc sau ra, thấy lon chà bông vơi đi một khoảng, giận quá nghĩ ở đây chắc có thú vật hoang dã nào đó ăn lén. Nhìn chung quanh chợt thấy cái đầu một con chó đang núp sau góc nhà, tôi biết ngay nó là thủ phạm nên lượm một cục đá chạy ra chọi nó. Nó bỏ chạy ngoài tầm chọi của tôi rồi đứng nhìn lại, lúc ấy tôi mới nhìn thấy là một con berger Đức lưng đen và có bốn chân màu vàng, hai tai nhọn thẳng đứng, nó cứ đi vòng vòng và nhìn lại tôi chớ không bỏ chạy luôn.
.
Tôi đem lon Guigoz vô nhà và định đi ngủ trưa thì lại thấy nó vừa đi ngang trước vừa cửa nhìn vào, tôi đoán là con chó này đói, nên lui cui lấy cơm dư lúc nảy trộn tạm cho nó một chén, đem ra bên ngoài để đó và gọi nó bằng̀ cách tặc lưỡi: “tróc, tróc, tróc...”. Sau vài bước do dự, con berger đến ăn ngon lành. Độ vài hôm sau, tôi đã vổ được lên đầu và vuốt lên cái lưng khá gầy guộc của nó. Từ đó, cứ ngày hai buỗi, trưa và chiều tôi cứ cho nó ăn như vậy, lúc ấy không hề biết cách nuôi chó theo kiễu Bắc Mỹ, không cột dây, không có thức ăn làm sẵn cho chó ngoài chợ và không có dây dẫn. Tôi đi đâu thì nó cứ đi theo đó, vô Sở làm việc thì nó không giám theo, đi đâu đó vòng vòng, cứ trưa và chiều thì theo tôi về nhà.
.
Vốn tự tin vào cái đồng hồ tâm linh của mình nên tôi không bao giờ xử dụng đồng hồ reo báo thức, vào một sáng Thứ Hai, đang ngủ say sưa vì khuya qua nhậu đến 2,3giờ, thình lình Th/Úy Mai-Xuân-Lượng, kỹ sư CC, chạy ầm ầm vô (tôi ngủ không có khóa cửa) la lên:”Q.! bữa nay là sáng Thứ Hai, dậy chào cờ!” nói xong chạy mất. Thất kinh hồn vía, lập tức xỏ đồ lính vô, mang botte, chụp ngay cái nón sắt chỉ trong 30 giây (chúng tôi được huấn luyện điều này tại Thủ Đức) rồi chạy ngay ra sân cờ.
(còn tiếp)
.
______________________________________________________________________________________
.
chú thích:
.
* cuộc thi bơi 300m: xin xem HK_Bạn KT CR_kỳ 7
.
* Barbe Rouge:Thuyền trưởng hải tặc Râu Đỏ, tranh của Victor Hubinon, truyện của Jean-Michel Charlier.
.
* Đài Kiễm Báo ở cao độ 450m. HQ Mỹ đã làm đài radar này cao hơn hải đăng Mũi Dinh được người Pháp xây ở cao độ 300m.
.
* Bùi-Đình-Quang KT65, Tiểu Đoàn 63 CBCĐ: thỉnh thoảng ghé thăm tôi, trong HK_Bạn KT CR_kỳ 10
.
by lamcongquyen
.
No comments:
Post a Comment