.
.
(tiếp theo kỳ trước)
.
Bạn KT- Cục Công Binh, về đến Sài Gòn (kỳ2bis)
.
Viết tặng thêm bậc đàn anh SQ HLV trường Công Binh Bình Dương, anh Nguyễn-Bá-Côn KT62 ,Pháp
và Nguyễn-Thanh-Hà KT63, patron của tôi, VN.
Để tưởng niệm Bùi-Văn-Tùng KT63, tặng chị Thanh vợ Tùng và các con Bảo, Thư, Huân, Thi hình ảnh của gia-đình anh chị gắn liền với Cam Ranh trong tâm não tôi.
.
Mũi Dinh
.
Đoàn xe qua khỏi giao lộ 27 độ chừng 10 phút thấy một ngã ba, bản chỉ mũi tên bên trái “Mũi Dinh”, tôi rất tiếc thời gian qua đã không có dịp đến nơi đây vì Sở hoàn toàn không có công tác nào tại Mũi Dinh, trong khi nghe vài nhân viên tại KQSTT đều khen là đẹp, tôi hỏi Thượng Sĩ Ánh*:
.
- Tôi nghe nói Mũi Dinh đẹp lắm, anh Ánh có từng đi đến đó chưa ?
- Đất nào mà tui không đạp tới, từ QL1, Th/Úy đi vô làng Sơn Hãi khoảng mười mấy cây số, rồi băng qua một đoạn dài mấy cây số toàn là cát mà người ta kêu là sa mạc, qua khỏi đó, ngay dưới chân trái núi trên cao là nơi có một hải đăng do người Pháp làm từ lâu lắm rồi, đẹp lắm, ngoài ra trên đó còn có đài kiễm báo nửa*._Tôi nghe mà ngạc nhiên, vì từ nhỏ cho đến lớn, thật dại khờ, nghĩ VN mình chỉ có hải đăng Vũng Tàu mà thôi!
- Ở đó có yên không ?_Tôi hỏi
- Trời ơi, ở đó mà không yên thì ở đâu mà yên? Một cái núi toàn đá lởm chởm với bụi cây thấp, chung quanh là sa mạc và biển, VC biết núp chỗ nào? Ở trên đó chừng một ngày là chết khát, khỏi cần đánh đấm gì hết. Nếu ở đây không yên thì thành phố Phan Rang tiêu từ lâu rồi, vì từ mũi Dinh tới Phan Rang gần xịt hè, nhảy một cái cũng tới! Bọc vòng về phía Nam là Cà Ná, trở lại gặp QL1._Nếu tôi không đổi ra đây, không thăm hỏi mọi người, không đi khắp nơi chắc tôi từ khờ dại biến thành ngu dốt, ai gạt cũng được!
.
Mũi Dinh, núi đá và bụi cây thấp
Cà Ná - Một chút hóa học
.
Một lúc sau, đoàn xe đã vô đến địa phận Cà Ná, đây là đoạn đường đẹp nhầt trên đường Nha Trang - Sài gòn, con đường uốn quanh co, bên trái là biển, bên phải là núi đá, đôi khi dựng đứng như một bức vách, lẫn lộn cây cối rong rêu như tranh “Tàu”, hừm, mà tại sao lại phải gọi là tranh Tàu? Tôi nghĩ vô lý quá, phong cảnh nước mình, mình vẽ đáng lẽ phải nói tranh Việt Nam mới đúng! Nhưng tranh không nói lên được tài nguyên của Việt Nam, đi ngang nơi đây tôi nhớ đến một tài nguyên khác của biển không kể đến hải sản.
.
.
Cà Ná, biển đẹp, nước trong nhưng đầy đá
.
Lần đần tiên ra Nha Trang để nhận nhiệm sở, tôi quá giang xe Hoa-Kỳ 8 máy do hảng VICACO* thuê để ông thân tôi và ông TGĐ ra Cà Ná thương thuyết mua muối biển, nhân tiện, các vị này ra tận bờ biển để ngắm cảnh, đi ngang qua những thửa ruộng muối để ra biển, lúc ấy tôi chưa được biết các bãi Đại Lãnh, Rù Rì, Cam Ranh, Ninh Chữ, Mũi Né...tôi tự nghĩ VN có bờ biển đẹp quá, nhìn biển cả mênh mông, gió ào ào, sóng đánh vào từ hàng triệu năm làm các hòn đá lớn nhỏ đũ cở tròn lẳng, tôi tự nghĩ “đẹp thật nhưng không thể tắm ở đây được vì đá quá nhiều”, tôi hỏi ông thân của tôi:
.
- Sao hảng không mua muối ở Bà Rịa hay Vũng Tàu cho gần mà ra đến đây chi cho xa xôi vậy, Ba?
- Vì nước biển ở đây có nồng độ muối cao nhứt trong các bờ biển ở VN, nên mua ở đây lợi hơn.
Nhờ đó được biết thêm điều mà không trường nào dạy, không sách vở nào trước đó nói đến. Tinh thể muối nặng hơn nườc, mỗi khi đập vào đá khiến muối cứ đọng tại chỗ, lâu dần nồng độ muối tại Cà Ná lớn hơn bất cứ nơi nào có sóng chỉ tràn lên bãi cát như các nơi khác dọc theo bờ biển dài 2 ngàn km của VN. Ngoài ra, nước biển Cà Ná sạch hơn bất cứ nơi nào khác, thí dụ Vũng Tàu hay Bà Rịa cũng có ruộng muối nhưng vì nước biển đục nên bị trộn lẫn cát hay bùn, thí dụ cùng một lượng nước biển, tại Vũng Tàu chỉ cho có 1% muối, trong khi tại Cà Ná ta thu được đến 5% muối, ngoài ra ở Cà Ná nắng nhiều hơn và độ ẩm ít hơn nên nước bốc hơi nhanh hơn do đó tốc độ thu hoạch nhanh hơn.
.
Vì tôi cũng còn nhớ một ít về Hóa Học nên nghĩ ngay đến công thức học được từ trung học:
NaCl + H2O à NaOH + HCl
Chlorure de sodium + nước à soude caustique + acide chlorhydrique
Chúng tôi học chương trình Việt lúc ấy đọc là cloruya na-tri cộng với nước cho ra sút (đọc theo tiếng Bắc) và acít clo-hy-dric.
.
Người ta đem muối biển về đến cơ xưởng ở khu kỹ nghệ Biên Hòa, pha trộn lại với nước trong những bồn điện giải, cho điện phân tích, sẽ nhận được soude caustique và acide chlorhydrique. Từ soude (NaOH) người ta biến chế ra xà bông, làm xì dầu*... từ acide chlorhydrique (HCl) pha loảng dùng rửa sàn, rửa hồ tắm, ống nước... bị nghẽn do chất calcaire đóng, lại điện giải từ HCl ra được chlor để khử nước cho sạch...và hydrogène pha với các chất khác để dùng chế hơi đốt propane, acétylène ..v..v..Như vậy nguồn lợi từ biển này phải nói là vô tận. Tuần cuối tháng Hai năm 1973 tôi đứng với hai nhà tư bãn gộc này ngay phía Nam của Mũi Dinh rất an lành, cái xe Mỹ bự chần dần là một mục tiêu quá dễ cho một người xử dụng B-40 và là một vật tượng trưng quá rõ cho một cán bộ chánh-trị CS !
.
Chợt nghe tiếng tchậc, tchậc, tchậc…văng vẳng phía sau rồi dần dần rõ hơn phía trên mui xe, tiến rất nhanh về phía trước, một chiếc trực thăng loại chiến đấu bay lướt qua về hướng Nam, một lát sau một chiếc khác, rồi lại một chiếc nữa. Vốn say mê bất cứ máy bay, tàu bò, phi thuyền, vệ tinh..v..v..nên nhìn chúng một cách say mê, tôi nói với người Hạ Sĩ tài xế:
.
- Chắc mấy chiếc trực thăng này bay cùng đường với mình về Sài Gòn thì phải?
- Không đâu, Th/Úy, họ đi hộ tống mình đó. Trực thăng sẽ hộ tống đoà̀n xe cho đến Phan Thiết_Tôi lấy làm thích thú, từ nhỏ tới lớn đây là lần đầu tiên đi đường được trực thăng hộ tống, hỏi tiếp:
- Sao sáng giờ không thấy họ ?
- Vì đoàn xe sắp đi vô đoạn nguy hiễm cạnh Mật Khu “tam giác sắt” đó, Th/Úy, nhứt là đoạn ngang qua Hàm Thuận Bắc nổi tiếng lắm. Trực thăng chỉ yễm trợ đoạn này thôi.
- Hừm, vậy mà tôi đi công tác xuống Phan Thiết đâu thấy gì đâu?_Nghĩ cấp trên mình thiệt là có lòng tốt*!
- Th/Úy nói đúng, đoạn đường này hai năm nay từ khi Hiệp Định Ba Lê đến giờ rất yên, tụi tui đi qua lại hà rầm chẳng có sao hết.
.
Vì tốc độ trực thăng nhanh hơn nên mỗi khi lướt qua khỏi đoàn xe rồi, các phi công đã phải quay trở lại và bay trên đầu chúng tôi thêm một lần nữa, rồi lần nữa, lần nữa...thật là vô cùng kiên nhẫn.
.
Suy tư tiếp tục
.
Trong lòng bình thản như các kỳ đi phép thi về SG, nay lại thêm trực thăng hộ tống, tôi hoàn toàn không bận tâm lo lắng về an ninh, đoàn xe càng lúc càng lìa xa Nha Trang-Cam Ranh, tôi lại tiếp tục suy tư.
.
Rời xa Cam Ranh, nơi tôi coi như quê hương thứ hai, xa những người thân còn ở lại, trừ một công tá́c chưa làm xong, còn những nhiệm vụ được giao trọng trách tôi đã làm tròn, có việc làm cho Sở đoạt giải nhất và đem lại tiền cho Sở, ông ......Long, người công chức trọng tuổi người Khánh Hoà, da ngâm ngâm, đeo kiếng, phụ trách kế toán, sau khi nhận được tiền thưởng Xe Hoa của Toà thị sảnh Cam Ranh, vừa cười vừa nói với tôi:
.
- Thiếu Úy là người đầu tiên và duy nhứt đã đem tiền lại cho Sở, trước giờ chỉ toàn là xuất không hà.
.
Tôi chỉ mĩm cười, nói không có chi và tiếp tục từ tốn với mọi người, không những từ tốn trong lời ăn, tiếng nói mà còn từ tốn trong cử chỉ, đi đứng, không bao giờ “đâm sắp dập ngữa”, ngay cả khi đi ngao du sơn thủy trên dãy đất thần tiên này, đó là giáo dục của gia-đình, có lẽ vì vậy người ta nói đàn anh Bùi-Văn-Tùng KT63 bên Chi Khu T.T. nói rằng: “ước gì được tà tà như thằng Q.”. Tôi hiểu không phải T. muốn ám chỉ tôi lè phè, lười biếng, một người năng động như tôi ai cũng biết, học một lần 2 trường, đóng kịch, đóng TV, vẽ truyện bằng tranh cho Bùi-Quốc-Vinh KT65 , tập võ, bơi lội... làm sao lười biếng, lè phè cho được?
.
Bùi-Văn-Tùng KT 63
.
Nói đến Bùi-Văn-Tùng là cả một rừng kỹ niệm, tôi không thể nào quên được người đàn anh nhỏ con này, Tùng nhỏ con nhưng khi đứng gần các bạn cùng lớp khổng lồ như Nguyễn-Thanh-Hà, Trần-Quang-Nhựt-Huân, Phan-Thế-Đẳng, Nguyễn-Bá-Côn KT62, Trương-Trung-Trực KT62...ta không thấy Tùng nhỏ chút nào, trái lại T. có tiếng nói rõ ràng, tự tin, nụ cười đặc biệt nhờ cái răng “lòi xỉ”, môi dưới hơi trề ra, một người đàn anh có tư cách, rộng lượng và rộng rải, so với Hà khổng lồ là hai thái cực! Tôi không nhớ nỗi T. có tài mỹ thuật hay nghệ sĩ như các đàn anh khác cùng lớp của anh, nhưng khi ở Cam Ranh, trong khi tôi cởi áo lính ra, chỉ mặc cái áo thun trắng ̣để lăng xăng làm việc chung với thợ thì T. thường hay xắn tay áo giúp tôi trong những công trình ngoại hạng như Xe Hoa Phật Đản hay trang trí cho party khiêu vũ nhân Noël năm 1973, lúc tôi đang suy nghĩ không biết phải làm sao để đổi màu cho hai cái đèn rọi (sunlight) sân khấu, T. hỏi ý tôi, đoạn tự ý vẽ kiễu rồi nhờ thợ mộc thực hiện luôn cho tôi. Ba tờ giấy kiếng màu xanh, vàng, đỏ tôi nhờ TLN mua tại Nha Trang.
.
Đèn màu sân khấu do anh Bùi-Văn-Tùng KT63 design
.
Trên bán đảo quân sự dài 34km không có cây xăng tư nào, Tùng là một trong 3 SQ nhà đèn (cùng với Tr/Úy Phú, Th/Úy Công) cung cấp xăng cho thằng bạn có xe riêng duy nhất tại đây, thỉnh thoảng dẫn đàn em như tôi và Hanh đi nhậu, T. bao hết. Anh thật hiền và tốt bụng nhưng khi đổ quạu, cũng khinh khủng lắm, một tối anh và LCNam đi Jeep lùn đến nhà tôi lúc tôi đang xỉn, một lúc T. phát chán quyết định ra về thì tôi làm nư, chận đầu xe, lè nhè:
.
- Tùng, đừng về, đừng về...
- Mày tránh ra ngay không tao chạy tới à!
- Tao thách mày dám chạy tới, giỏi cứ chạy tới!_Dù T. lớn tuỗi hơn và học trước nhiều năm, sự thân mật đã khiến chúng tôi xưng hô mày tao như vậy. Tôi quên, không nhớ Hanh có mày tao với T. không.
.
T. rú máy vọt xe tiến tới hết ga làm tôi mất thăng bằng phải nằm dài trên ca-pô, hai tay bám vào những gì có thể bám được. T. vừa rồ máy chạy, tay lái thì quặt qua quặt lại mong hất tôi văng ra, nhưng vì tôi vẫn còn bám chặt nên đến ngã ba đành ngừng lại cho tôi đứng xuống, từ nhà đến đó độ 30m, đi bộ lật khật về nhà. LCNam đứng chứng kiến màn stunt thông thường chỉ thấy trong ciné, im khe không nói một tiếng*!
.
Thật ra đó chỉ là một trường hợp hiếm có, người ta nhớ đến T. vui với vợ con trên Bãi Dài, các đứa Bảo, Thư, Huân, Thi. Tôi nhìn T. chơi đùa với mấy đứa con trên bãi biển một cách thích thú và tự nhiên cảm thấy thương mấy đứa nhỏ này, có lẽ trong tiềm thức nhắc lại hơn 20 năm trước đó là hình ảnh của ba chị em chúng tôi, giờ đây lớn lên, mỗi người mỗi ngã. Hay là bãn năng sinh tồn khiến tôi nghĩ mình cũng thích có mấy đứa con như vậy? Riêng TLN, ngoài những lúc trò chuyện vớí chị Thanh, vợ T., nàng đùa giởn với mấy đứa trẻ một cách hồn nhiên, cùng làm lâu đài cát với Bảo, dổ dành thằng Huân hay khóc nhè, trêu hàm răng sún của bé Thư và hay hát ghẹo bé Thi, con út của anh chị T.:
Thi ơi Thi, Thi biết không Thi?
.
Chị Thanh là hình ảnh người mẹ VN tiêu biểu, thương yêu chăm lo cho 4 đừa con trong khi chồng lo quân vụ, chăm nom 3 đứa con đi học ở Sài Gòn, ba tháng hè vất vả cộ cả 4 đứa bé con đi xe đò lặn lội ra tới CR, trông thấy T. rất hạnh phúc khi gần được vợ con trong ba tháng hè này, hình ảnh dễ thương ấy ghi đậm trong tâm tư tôi như một cuộn phim ciné..., còn một người nữa…
.
Nguyễn-Thanh-Ngọc
.
Cách CR 60km về phía Bắc, một người bạn tuy không học ở trường KT nhưng có một chút liên quan với KT vì là cháu ruột của Nguyễn-Thanh-Hà KT63, gọi Hà khổng lồ là chú, tên Nguyễn-Thanh-Ngọc.
.
Nguyên do trong vô số tác phẩm của Edgar Poe, tôi thích nhất truyện William Wilson*, miêu tả trong cuộc đời William, lúc nào làm gì sai trái đều có một người giống hệt mình xuất hiện ngăn cản. Vì Ngọc có́ nhiều điểm giống tôi nên định lấy ý của Poe viết truyện “Phá Tháp Chàm”. Năm 1970, lúc sắp tốt nghiệp môn Chánh Trị Kinh Doanh tại VĐH Đà Lạt, Ngọc làm đám cưới và nhờ tôi làm rễ phụ, Ng. là một người trầm lặng, ít nói do đó cũng không có nhiều bạn, nể tình Hà, tôi nhận lời. Tối tiệc cưới, bà cô ruột của Ngọc tưởng tôi là nó, tôi đính chánh thì bà trố mắt nói:
.
- Trời ơi! Sao con giống nó quá, cô cứ tưởng là nó tự nảy giờ!
.
Tôi nhìn lại, thật ra mode thời đó thanh niên đều để tóc dài, Ng. cao bằng tôi, đeo cặp kiếng cận thị giống của tôi, gọng nhựa màu nâu, tròng kiếng thời đó khổ to, ngoài ra bộ complet màu charcoal (than) sậm xẻ hai đường nơi vạt áo sau kiểu Beatles là mode ai cũng mặc. Chưa hết, Ng. và tôi đều sanh năm 1945, trước đó vài tháng, Ng. bị nứt xương mắt cá ngoài, phải bó bột và chống gậy một thời gian y hệt như tôi bị một năm trước đó. Ng. có người yêu xinh đẹp có cha mẹ từ Hà Nội vô Nam năm 54 thì tôi cũng vậy!
.
Sau khi lấy vợ, Ng. tốt nghiệp, hết hạn hoãn dịch phải nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện Thủ Đức, Ng.
được đổi về Sư Đoàn 7. Trải qua hai năm tác chiến khinh khủng sát bên Đồng Tháp Mười, Ng. “chạy” qua Cảnh Sát và được đổi ra Nha Trang, chỉ sau 2 tháng tôi ra đến KQSTT Nha Trang! Hà khổng lồ rất thương đứa cháu mất cha này nên trong một lần ra CR, đã rủ tôi ra Nha Trang để đi nhậu với Ng. Vài tuần sau đó, không có anh Hà, tôi đã đi Nha Trang mời Ng. đi ăn tối với tôi. Tôi tìm ra một quán nhậu xinh xinh nổi tiếng dọc đường Duy Tân cạnh bờ biển, lựa một bàn nhìn ra biển, ngồi đối mặt nhau, tôi đặt ra những câu hỏi vô tình như một phóng viên, Ng. trả lời khúc chiết, mạch lạc, đầy đũ chi tiết, dù không có ghi lên giấy nhưng tôi thuộc lòng bài phỏng vấn này. Tôi tự hỏi, tại sao cái người mang danh ít nói này chịu thổ lộ kể cả những gì sâu kín nhất trong lòng, với một người không thân thiết lắm như tôi?
.
Ngồi nghe Ng. nói, tôi quan sát nét mặt của nó. Không, Ng. không giống tôi chút nào cả, tuy mũi và miệng hơi giống tôi nhưng Ng. có cặp mắt đẹp với lông mi lông mày rậm như Hà khổng lồ, nhưng cặp mắt có vẻ như lúc nào cũng ươn ướt như đang khóc. Tôi nghĩ chắc vì mồ côi cha rất sớm nên Ng. lúc nào cùng buồn tủi, vì mồ côi mẹ nên tôi có ý nghĩ như vậy. Ng. kể rất nhiều chuyện, ngoài những trận đánh kinh hồn, lính chết như rạ, xe vào thu nhặt xác đôi khi phải cán lên những thi thể nát bấy để vô tới, Ng. kể:
.
“Đêm 21/1/1973, ngày Hiệp Định Paris được ký, tụi tôi được lịnh đi kích tuốt sâu trong đồng. Tôi chỉ huy một Đại Đội*, đến nơi, đào hố cá nhân xong, chia phiên gác canh với lính. Tôi ngồi trong hố cá nhân, suy nghĩ mông lung, không biết mình có thể sống sót qua khỏi đêm nay không? Sáng mai, Hiệp Định mới bắt đầu có hiệu lực tại VN, không biết mình có thể sống vài tiếng nửa để được hưởng Hoà Bình không? Trời sáng lại, may quá, đêm qua không có đụng độ, tiểu đoàn được lịnh rút về, kéo ra Quốc Lộ 4. Tôi đang đi gần ra tới Lộ thì nhìn thấy Hoài (tên của vợ Ng.) đang đứng với hai đứa con bên cạnh xe M-113, đậu lẫn trong một đoàn convoi dài, tự nhiên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, không thể kềm chế được.”
.
Ng. kể đến đây, miệng thì cười nhưng hai mắt rưng rưng nước và vì tôi mang tiếng giống nó cho nên, tôi cũng vậy! Tôi tự nhủ, khi nào có dịp, tôi sẽ viết lại bài phỏng vấn này. Đi khỏi vùng Cam Ranh - Nha Trang, tôi không có cơ hội chào từ giả Ng. là một việc mà tôi rất hối tiếc.
.
.
(còn tiếp)
.
.
Ảnh cuối của Th/Úy LCQ chụp tại Nha Trang tháng 12/1974
_________________________________________________________________________________
.
chú thích:
.
* Thượng Sĩ Ánh: người HSQ cao to, tham dự bơi ở vịnh CR, đã nói đến trong HK_Ban CR_kỳ 7.
* Đài kiễm báo: đài ra đa do HQ Mỹ thiết lập dọc theo suốt vùng duyên hải từ vĩ tuyến 17 xuống đến Cà Mau. Ngược lại miền Bắc cũng có một hệ thống đài kiễm báo từ vĩ tuyến 17 lên đến tận Mong Cáy.
* Hảng VICACO: (Việt-Nam Chlorine và Alkali Cty), trụ sở đường Ng-Công-Trứ, SG, cơ xưởng ở Biên-Hòa, đã nói đến trong HK_Ban CR_kỳ 10.
* xì dầu: trong 1 dịp ông thân tôi dẫn đi viếng xưởng làm tàu vị yểu hiệu “Con Chuột”, tôi leo lên một bồn chứa khổng lồ, trong đó người ta ngâm các loại xương bò, heo..v..v.. trong dung dịch sút (NaOH) pha với những bành bánh đậu (nành), tôi trông thấy xác một con chuột cống nổi lềnh bềnh, không ai buồn vớt ra, chắc có lẽ vì có nhiều chất đạm! Tôi hiểu ra tại sao gọi là tàu vị yểu hiệu “Con Chuột” và không dám dùng hiệu ấy kể từ đó! Nói chuyện này với Lâm-Tỷ KT68, bạn nói:”Ồ̀, hiệu nào cũng như hiệu nấy!”.
* Lòng tốt của cấp trên chỉ định tôi đi công tác một mình ở Phan Thiết, xem HK_Ban KT_CụcCB_1bis.
* Năm 1999, bà xã tôi dẫn 3 đứa con đến thăm vợ chồng Tùng tại nhà ở SG, T. vẩn còn thích chí kể chuyện tôi làm stunt- man này cho chúng nó nghe! Tôi lấy làm mắc cỡ khi chúng hỏi tôi vụ này.
* William Wilson: đã được quay thành phim trong một tập hợp 3 phim ngắn, Spirits of the Dead hay Histoires extraordinaires, 1968, trong đó vai W.Wilson do Alain Delon đóng, có chiếu tại rạp Rex, SàiGòn.
* Đại Đội: trên nguyên tắc, 1 ĐĐ có khoảng 100 người, nhưng vì tử trận quá nhiều, năm 1972, 1 ĐĐ chỉ còn có 25 người là vừa khả năng của một Th/Úy được huấn luyện từ trường Bộ Binh Thủ Đức ra.
.
No comments:
Post a Comment