copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Wednesday, October 7, 2009

Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ hai mươi hai tiếp theo . bài chót . by duongtiden

.

.

.


Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến đi tìm tự do . bài thứ hai mươi hai tiếp theo .  bài chót . by duongtiden

.
 
 


Trại tị nạn Jakarta, là một khu nhà dưỡng lão mới xây, từng nhà gạch rời rộng ra riêng biệt với vườn chung quanh, nền gạch bông sạch bóng, mới tinh, rộng rãi, không chật chội và có ghế bố để nằm ngủ. Còn ăn uống thì hình như có được nấu sẵn cho ăn, thiệt tình tôi không nhớ rõ, nhưng chắc là không phải nấu ăn, và cũng không có mang theo đồ dùng bát chén để ăn uống theo. Gia đình Chi, là người bạn của Bình ở trại Batu Anan, học chung với nhau ở Vũng Tầu. Gia đình Bình đi Mỹ trước, nên có giới thiệu tôi. Khi đến Jakarta thì tôi ở chung trong căn nhà với gia đình Chi.

.
 

Họ đã ở đây thời gian lâu, nên nói tiếng ND rất rành, và dĩ nhiên là biết đường đi đứng chung quanh thủ đô này, đó là sự may mắn cho tôi. Chi, thêm người em gái quên tên, người bà con là Lan, và cô bạn nhỏ nữa, dẫn tôi đi một nơi chơi rất là thích thú. Đó là Taman Mini, một khu vườn văn hoá, giải trí, bắt chước theo Disney Land của Mỹ, nhưng không nặng phần trò chơi, mỗi tỉnh, mỗi vùng đều có kiến trúc, kiến tạo địa phương, triển lãm văn hóa thắng cảnh, đồ mỹ nghệ riêng của họ, phải đi cả ngày hay hơn mới hết.

.
 

Taman Mini
.
 


Còn nhớ, tất cả mặc đồ diện đẹp để đi chơi, ra khỏi trại đi đường tắt băng ra lộ lớn, lên xe đò vào thành phố, chuyển qua xe bus, rồi thì tới Taman Mini. Tôi chỉ có việc đi theo, chi tiền và ngồi coi cảnh lạ, vui và lần đầu mới thấy, người đâu mà đông dữ vậy, mấy lần hơn Saigon. Trong công viên vườn và kiến trúc này, rất là đẹp với tôi, chưa từng thấy tại VN có cái gì lớn hơn sở thú Saigon, nhất là xứ họ, thái bình, không chiến tranh từ bao nhiêu năm trước. Chụp rất nhiều hình kỷ niệm, rất tiếc là chưa tìm ra được hình cũ. Nhìn cả bọn, cứ như du khách đến từ VN, Chi mặc áo dài xanh, cho người ND biết y phục cổ truyền VN ra sao, có lẽ không ai ngờ chúng tôi là một nhóm tị nạn VN, vài tháng trước còn đói khát gần chết trên biển.

.
.
 
z-td-477-jkr-taman1.jpg picture by tddesign
.
phía trước lối vào Taman Mini, Chi đừng bên cạnh tôi, mấy cô em gái và bà con.
.
 
 

Khi gặp người bạn của anh tôi là Peter ở Jakarta, lấy tiền ứng trước, tôi lại rủ mấy cô bé này đi thăm Taman Mini thêm lần nữa thì mới coi hết được những cái đẹp. Thích nhất là những kiến trúc dân gian cổ truyền Nam Dương, mỗi vùng, mỗi địa phương đều có kiến trúc với đạc thù riêng, những công trình đúng kích thước khá to lớn, nên đối với con mắt KTS của tôi thì thất là thích thú khám phá. Đi vào những ngày thường, không đông người nên rất rộng rãi tha hồ mà chụp hình.

.

.
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
những mẫu nhà kiến trúc dân tộc Nam Dương, theo từng địa phương
.
.
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
hồ nước lớn chính giữa hình bản đồ Nam Dương với những hòn đảo lớn
.

z-td-477-taman-02.jpg picture by tddesign
.
.
 
 

Được dẫn đi vào coi khu trung tâm của người Hoa ở thủ đô Jakarta, thật to lớn nhiều cửa hàng, siêu thị, có điều là không có hàng chữ Hoa nào. Hán tự, bị tuyệt đối cấm và nói, được biết là không có báo chí, sách vở chữ Hoa, học chữ Hoa là phạm pháp và phải học lén. Người Hoa, cũng phải dùng tên Nam Dương hết, không có phiên âm tiếng Hán ra. Có cái hay từ đó, là trung tâm Chinese Town không có bị tràn đầy quảng cáo bằng chữ Hán. Coi cho vui thôi, chứ không mua sắm gì, vì trên đường đi Mỹ, tôi sẽ được ghé Hồng Kông, được tự do đi mua bán, nên để dành đến đó. Còn thì đi coi đồ cho biết, sau hai ba năm sau 75, thì thế gìới bên ngoài có những hoàng hóa mới gì khác lạ, coi cho biết, lựa chọn, rồi sẽ mua ở Hồng Kông.

.
 

Đến thăm gia đình ông Chuẩn Tướng Nam Dương, lấy tiền.

.
 

Mọi việc đã được chuẩn bị trước, địa chỉ, số điện thoại, tôi đến thăm gia đình ông tưóng này, hi hi, để lấy tiền của anh tôi ở Úc gửi, vì đi khỏi TP, không chuyển tiền kịp nữa. Có chú bé chừng 15 tuổi, hình như là em của Chi, rất là rành đường đi đứng và tiếng Nam Dương, tôi và chú nhỏ này mặc đồ lịch sự, coi bản đồ dò địa chỉ như đi hành quân, gọi điện thoại, hẹn gặp vào buổi tối. lên xe bus, qua mấy chuyến xe, tới chừng gần hai cây số, thay đổi gọi xe taxi đi đến cho trúng nhà theo địa chỉ.

.
 

Một cái vila hai từng, nhà bê tông gạch, kiểu mới cũng giống như vila bên SG. Gặp ông tướng, lớn tuổi, đeo kính cận, coi bộ ông này cũng sắp về hưu, nhìn cũng lớn tuổi như ba của tôi. Nói chuyện hỏi thăm, cám ơn ông ta, không có hỏi ông ta thuộc về binh chủng nào. Mấy người trong gia đình cũng tò mò ra gặp hết, người quan trọng nhất là Peter, con rể ông tướng này, người Úc là bạn học của anh tôi, chị dâu của nó, bà ND này chỉ nói vắn tắt là bà ta không biết tiếng Anh, thêm thằng em vợ nữa, nói được tiếng Anh, còn vợ Peter thì đang ở bên Úc.

.
 

Sau đó là đến phần công chuyện riêng tư của Peter với tôi, là chuyện chính, anh tôi ở Úc nhờ Peter đưa cho 200 đô la usd. Tên này lấy tiền ra đưa, rồi lấy máy Polaroid chụp tôi một tấm hình làm kỷ niệm, đúng như dân giang hồ, không cần viết giấy nhận tiền … hi hi anh tôi thấy hình của tôi là biết đã đưa đúng nguời rồi. Thiệt là tụi người Tây Phương, giản dị lẹ làng, khi đưa tiền, nó còn hỏi, mày lấy tiền chẵn hay tiền lẻ. Tưởng như vậy là xong, mục tiêu lấy tiền đã xong, nhưng chưa hết. mấy người nói chuyện bằng tiếng Nam Dương với chú nhỏ tị nạn đi theo tôi, hỏi han trại tị nạn ra sao, họ khen chú bé này nói tiếng ND giỏi quá. Peter nói, mày đừng về vội, để tao dẫn mày đi chơi Jakarta về đêm, tao bao hai đưá mày.

.
.
 
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
31 năm trước, không nhiều cao ốc như bây giờ, tuy nhiên cũng lớn lắm
.
.
 

Mục gì, chứ mục đi ăn chơi thì đâu ai nỡ từ chối, mà ăn chơi gì ở xứ đạo Hồi, không uống rượu này. Peter đi thay đồ, có thằng em vợ chừng tuổi tôi đi theo nữa, làm tài xế, nó lấy xe hơi ra, chở mấy đứa đi lòng vòng Jakarta chơi. Bốn đứa chạy quanh thành phố, vào trung tâm, đi qua quãng trường chính Merdeka, là Độc Lập. Peter chỉ cho thấy những toà nhà chính, dinh tổng thống, quốc hội, đài kỷ niệm .. bây giờ quên hết rồi. Lúc đó Jakarta, lớn hơn SG nhiều, nhà cửa đèn đuốc choáng lộn. Bây giờ tới màn ăn chơi, rất là nghiêm chỉnh, thằng em Peter nói, tao dẫn tụi bay tới cái tiệm cà phê này, tụi đồng tình luyến ái hay ngồi, thằng Peter không tin tao là ở Jakarta lại có vụ mấy đứa đồng bóng này, xứ Hồi Giáo mà.

.
 

Tụi nó dẫn vào nhà hàng cà phê thật đẹp, nghe nhạc pop, tôi và chú nhỏ tị nạn, hai đứa làm hai tô cà rem lớn với trái cây trong đó, thiệt tình tui chỉ còn thiếu chơi cà rem thôi, mấy tháng, phải nói, mấy năm, chỉ thèm cà rem tô của đế quốc, một tô lớn cho đã, còn rượu bia, cà phê thì bỏ qua không thèm. Thằng Peter và em vợ nó, thì ngó quanh tìm mấy thằng con nhà giầu, hay pê đê giả gái gì đó, coi cho biết. Tôi và chú nhỏ tị nạn cũng ngó quanh, tha hồ ngó cái gì cũng lạ, nghe nhạc, và vô hai tô cà rem bự khổng lồ, rồi nước uống nữa. Chắc tên Peter này cũng phải chi tới mười mấy đô la lúc đó.

.
 

Ở hiền gặp lành thôi, tôi đòi Peter đưa về, nói dối trại ở xa, không nên về khua, đúng ra là sợ hết xe bus về đêm, xin về nhà Peter lại, vì từ đó mới nhớ đường đi ngược về trại. Khi về, người nhà ông tướng gọi cho cái taxi, lại màn cũ ngược lại, tôi và chú nhóc chỉ đi taxi chừng hơn cây số, ra chỗ bến xe bus, rồi từ đó đi hai hay ba chuyến bus nữa về trại, chứ tiền đâu mà trả nổi chuyến xe taxi về thẳng trại, xa lắm, còn để dành tiền đi HK sắm đồ nữa.

.
 

Qua ngày hôm sau, chú nhỏ kể cho nguời gia đình Chi, họ nể tui về chỗ nào cũng có quen biết lớn này lắm. Có thêm tiền, tôi cũng bao nguyên mấy đứa đi chơi Taman Mini lần nữa và chụp hình cho đã. Hai tuần ở Jakarta, chỉ có mỗi chuyện lên bịnh viện khám sơ sơ, chụp cái hình phổi to tổ bố, để cầm qua Mỹ. Đứng là hai tuần an lành, chỉ ăn uống, ngủ, đợi vé máy bay đi Mỹ.

.
.
z-td-477--senayan.jpg picture by tddesign
.
hai tuần ở Jakarta, chuyến đi chơi do Peter dẫn đi, sau này tôi có dịp design một project cho RTKL ngay ở cạnh quãng trường Merdeka, ngày nào làm tên tị nạn đã ngồi xe đi quanh đó.
 
.
 

Rồi ngày đi cũng tới. Trong trại có một ông khoe làm cho sở Mỹ hồi ở SG, làm thông dịch cho tòa đại sứ Mỹ, khi họ xuống trại làm việc. Chuyến đi qua Mỹ của tôi có chung 30 người đi một lượt, tôi được toà đại sứ chọn làm người cầm giấy tờ, courier, cầm giấy tờ quan trọng của tất cả mọi người, chung một bao lớn. Có nhiệm vụ đếm cho đủ người những khi đến và đi. Đến mỗi phi trường thì tôi đi trước cầm cái bảng nhỏ, nhìn người đón có cái bảng tương tự, rồi đi theo họ. Ông ở trại tị nạn Jakarta này hỏi rõ tôi đi đâu ở Mỹ, rồi tự khoe là gia đình ông ta sẽ đi định cư vùng Washington D.C, chỗ đó gần chính quyền Mỹ, chỉ dành cho những người giỏi tiếng Anh, thích hợp như ông ta, tui bái phục ông này quá trời, hy vọng ông ta sẽ dư tiếng Mỹ sống an lành chung với tụi Mỹ da đen, nơi có nhiều án mạng giết người nhất nước Mỹ. Nên chúc mừng, và bái phục ông ta lần nữa, cho biết người bất tài như tôi chính phủ Mỹ phải dấu tuốt ở Hawaii chỉ cho ở không đi tắm biển thôi. Ông ta có vẻ hả dạ tự thỏa mãn, tự sướng về sự qúy tộc tị nạn của mình lắm.

.
 

Rời Jakarta lên đường đi qua xích đạo thêm lần nữa, hai lần tất cả.

.
 

Ngày lên đường, xe bus xuống trại đón, đi vào phi trường Jakarta, phi trường quốc tế, khi tôi từ TP đến, là phi trường quốc nội. Hành trang tôi đã sắm hết từ TP, vì giá rẻ hơn, đưa thẳng từ Singapore qua. Vali, cặp xách tay, quần áo may sẵn, đầy đủ, gọn gàng, nhìn tươm tất như dân đi du lịch rẻ tiền, chứ không giống người tị nạn mấy, chỉ vì đi có một mình. Nhận giấy tờ phong bì lớn bảng dấu hiệu nhận diện, mỗi gia đình một cái túi plastic trắng. Tôi được giao cái phong bì lớn, tới Hồng Kông, mới được xé ra, coi căn dặn gì trong đó thì làm tiếp, trong đó có bao phong bì thứ nhì, khi tới phi trường Tokyo thì xé ra, coi căn dặn làm tiếp. Y như là trong chuyện Tam quốc Chí, Khổng Minh giao sẵn mật thư để giao chiến, đến đâu làm gì, xé thư ra mà thi hành.

.
.
 
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
hành trình đì ghe, đi biền từ Cần Thơ đến Tangjung Pinang, kế cận Singapore, hành trình bay từ TP về Jakarta, rồi lên Hồng Kông
.
 

Hồi này trên thế giới đang có nhiều không tặc, cướp máy bay, cho nổ trên phi đạo, chết người. Đi từ trong hành lang bước lên cầu thang vào máy bay, lính commando, biệt kích ND, đeo súng, đứng cách sải tay hai hàng, canh chừng rất nghiêm ngặt. Đi hãng Air Garuda hãng hàng không quốc gia Nam Dương lên HK, qua xích đạo thêm lần nữa, lần đầu là đi máy bay từ TP về Jakarta, xuống dưới xích đạo, giờ lại đi lên trên xích đạo. Khi đi qua, máy bay có thông báo, và phát giấy chứng nhận cho ai muốn lấy. Phần đông hành khách là người Úc. Khi hạ cánh ở HK, họ vỗ tay đế cám ơn phi hành đoàn.

.
 

Khi còn ở trại tị nạn TP những người rời đi Mỹ định cư trước, có diễn tả chuyến đi sẽ như thế nào, bay từ đâu, nghỉ ở đâu, nên tôi biết trước. Khi tới Mỹ, tôi cũng viết thư diễn tả lại cho ba đứa còn ở lại trại Batu Anan, đợi đi sau.

.
 


Trên máy bay, hãng xếp những người tị nạn ngồi gần nhau, chung một khu, ai cần gì thì nhờ tôi thông dịch với tiếp viên hàng không, vui vẻ, được đối xử tử tế, ai nấy đều qúa sướng ra mặt sau thời gian chờ đợi dài, hầu như ai cũng mới đi máy bay DC-10 lần đầu nên dzui lắm. Tới HK, đưa cái bảng ICEM ra trước ngực dẫn đoàn người VN ra sau, một chút, cho khỏi lạc, tiếp viên hàng không cũng nhìn kỹ coi thiếu ai không, tôi cũng điểm danh. Ngay trước của có người cũng cầm cái bảng như của tôi đợi sẵn, dẫn nguyên đoàn vào cửa quan thuế Hồng Kông, xé cái phong thư ra, xé cái thư ở HK, kéo ra giấy tờ, đưa cho người nhân viên chính quyền HK, đọc, đóng dấu gì đó, điểm danh mọi người, không kiểm soát hay khám hành lý. Rời phi trường, lên xe bus riêng đợi sẵn, chở đến khách sạn Singapore.
.
.
z-td-477-icem.jpg picture by tddesign
.
.
 
 
 

Nơi này, có nhiều từng riêng dành cho người tị nạn VN tạm trú ở HK, tôi và một tên nữa, chia một phòng khách sạn, trên từng cao. Bên trong có phòng ăn riêng, được dọn phần cho ăn. Trong khách sạn vẫn có khách riêng của họ tại các từng khác, ra vào chung cửa chính bên dưới, ra vào khỏi mở cửa, có bồi mở cho. Hèn gì, lúc này người tị nạn ở HK được đi định cư nhanh lắm, vì tốn tiền hotel. Sau này thì chính quyền HK cho vào trại giam tù để ở khi có qúa nhiều người tị nạn ồ ạt ra đi từ miền Bắc.

.
 

Hình như tôi ở chung phòng với Tạ sô Hùng, gốc người Hoa, cùng ở trại TP. Tối ăn xong là hai tên phóng xuống phố, màn mua sắm của tôi bắt đầu. Hai bên đường làm hàng rào song sắt không cho băng xuống đường bậy bạ, chỉ qua đường ở ngã tư. Tôi đi một vòng, trước tiên là cái áo lạnh simili, giả da, không dám mua da thật vì quá mắc, mua loại giả chừng 20 đô, mặc cho đỡ lạnh, tháng hai ở HK mà, rồi tới đồng hồ, gặp người bán, biết nói tiếng VN, trước ở Chợ Lớn nên nói tiếng Việt giúp đỡ giải nghĩa coi thành thật lắm? chắc vậy.
.
.
z-td-477-khnite.jpg picture by tddesign
.
.
 
 
Xong cái đồng hồ Citizen, kiểu mắt hưu mắt cá gì đó, nói đùa theo phim quảng cáo ở SG coi trong rạp, cái đồng hồ số điện tử, vì chưa thấy có ở VN lúc đó, khá đẹp, qua Mỹ nhiều đứa hỏi thăm, mầu đen xì, chắc đâu 50 đô. Tiếp theo cái cassette raido luôn, mầu đen, ngầu lằm, qua Mỹ coi vẫn đẹp, hai chục đô, anh bán hàng sẽ xin chủ bớt giá, nếu tui làm luôn mọi thứ coi như gia tài nhỏ đi Mỹ định cư.

.
 

Tôi đồng ý, giờ qua cái thích nhất là cái máy hình. Nikon, coi như không dám đụng rồi, không đủ tiền, 35mm, mua hiệu khác rẻ hơn, nhưng chắc không đủ mua SLR, nhìn thẳng qua ống kính. Anh này cũng tử tế cho biết, mua đồ ở HK, mang qua Mỹ không được bảo đảm và sửa chữa mĩễn phí, vì hàng bán ở Mỹ, chất lượng khác, tốt hơn và giá cao hơn. Mua đồ mắc ở HK thì không nên. Nên tôi đã nhắm trước cái Minolta 110 mm phim, SLR, có zoom nữa top on the line, máy cao nhất trong loại 110, tôi thấy quảng cáo trong tạp chí Time, coi ngầu lắm, nên tóm tên này. Trả giá xong, kêu manager quản lý ra, bớt được thêm 15 tì, cái máy hình coi như 110 usd. Ôm một đống gia tài về khách sạn, hai tay hai bao, bồi mở cửa chào tôi, coi y chang như dân đi du lịch loại rẻ tiền, mới đi mua sắm về. Xong. lại phóng xuống đường, hai thằng đi lăng quăng cho biết HK, chung quanh khách sạn, tên kia nói tiếng Quảng, hỏi thăm cho bán cháo khuya, hai đứa đi vào ngõ hẻm, cũng như ngõ ở VN ăn uống cho rẻ tiền.

.
 

Sáng sớm hôm sau dậy thật sớm, trước khi khách sạn rung điện thoại đánh thức cho khỏi trễ máy bay, qua bên kia đường vào quán nghèo trong hẻm ăn bánh bao, khi trời vẫn mờ tối, nhìn đứa bé hầu bàn, nó mặc cái áo rách vá vai, quay về khách sạn ăn sáng tiếp, xong là xe bus chở ra phi trường, điểm danh, không thiếu, cũng không thêm ai. Lại đi qua cửa đặc biệt qua quan thuế, chẳng khám xét gì, chẳng khai tiền bạc gì hết, lên máy bay di Tokyo. Tôi lại cầm bịch giấy tờ, cầm bảng nhỏ đi trước, nhân viên tòa đại sứ Mỹ ở đây dẫn đưòng, lên máy bay vô Tokyo, bằng hãng NW. Lúc bay lên phi đạo, mới nhớ hồi xưa có cái máy bay Air Vietnam, Air con Rồng, bị rớt cuối phi đạo chết một số người. Khấn thầm, không phải lần này nhe.

.
 

Xuống phi trường Tokyo, lại tiếp tục màn như khi đến HK, cầm bảng ra cửa, có người dơ bảng đón, lại xé phong bì, đề tên Tokyo ra, đưa giấy tờ cho nhân viên ra đón. Bây giờ chỉ ở trong phi trường chừng vài tiếng chờ đi chuyến tiếp, phong bì lớn lại chia ra phong bì nhỏ cho những gia đình đi chung chuyến khác, vì điểm tới, Honolulu, là chuyến chót của tôi, tôi đi ra ở đây. Còn những gia đình khác đi tới đây sẽ đi tiếp vào đại lục Mỹ về từng nơi định cư riêng. Ngồi ở phi trường, ngó xứ người, thấy sao mà nó tân tiến, đẹp đẽ quá, từ VN qua tới Nhật, thật là hai thế giới.

.
 

Từ trại tị nạn, ... tới thiên đường hạ giới Hawaii, Aloha!

.
 

Qua chuyến bay đêm bằng NW Air Line, sáng hôm sau thì tôi tới Honolulu, đi lấy hành lý, bây giờ cầm phong bì riêng của tôi, xé ra, cầm giấy tờ đi qua quan thuế, cũng chẳng bị khám xét gì, có lẽ cái dấu hiệu ICEM của dân tị nạn làm cho nhân viên thông cảm. Cứ từ từ qua tất cả các cửa, rồi cửa sau cùng là ngưỡng cửa tự do mở rộng, hai vợ chồng anh tôi, anh Hùng, hai đứa cháu nhỏ, tay cầm vòng hoa Hawaii. Nhận ra nhau quá dễ dàng, chuyến bay không đông, người ra không nhiều. Ngày tự do bắt đầu, kéo nhau ra trước phi trường chụp vài tấm hình kỷ niệm. Tôi đến đất Mỹ ngày 14 tháng 2 năm 1978. Bước chân chót của hành trình tìm tự do. Từ bước chân đầu xuống bến Ninh Kiều Cần Thơ, nay là bước kết thúc, bước chân ra khỏi phi trường Honolulu.
.
 

Aloha, Good morning American, Thank You.

.
.
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign

.
khi đến chỗ này, từ trên cao nhìn xuống dưới, tôi cảm thấy đã đi qua đây từ trước, đó là trong giấc mơ trên ghe, khi đi lạc ra khu hòn đảo, chờ chết ... đã nằm mơ thấy khu vực này. cái túi nâu đậm là do tôi tự may lấy ở Nam Dương. Quần may, mắt kiếng mua ở TP, đồng hồ mua ở HK, giờ nhìn lại thấy mắc cười ..
.
 
 
 
Ngày hôm sau, anh Lê Qúy Phước KT63 đến ngay, hỏi thăm, chở đi chơi một vòng. Anh ở thành phố Waipahu, gần Honolulu. Khi lên núi cao nhìn xuống, thì tự nhiên tôi chột dạ, thấy cảnh vật quen thuộc như đã nhìn thấy đâu đó một lần rồi. Đó là giấc mơ trong đêm, khi đi hụt mất đảo, quay ghe về chờ chìm, trong giấc mơ hôm đó, tôi đã nhìn thấy mình bay là là trên vùng đồi núi rất đẹp nhà cửa như thiên đường, bây giờ đứng trên cao nhìn xuống, giống y như giấc mơ vậy. Sáng hôm đó, tôi có kể cho PhD về giấc mơ lạ của tôi. Mỗi người có một định mệnh, có khi nào, trong tiềm thức có ghi sẵn  như vậy chăng, như phép lạ. Cám ơn những may mắn đã đến trong cuộc đời, giờ đứng đây giữa trời mây nước Hawaii, và may mắn có anh Phước đứng bên, đang chụp cho tấm hình, và anh cũng là người nhờ ông August Yee làm người bảo lãnh tài chánh cho tôi. Từ trường đại học KT, họa thất ba, làm bài chung với nhau, dưới sự hướng dẫn của thầy Thâng. Hôm nay, anh cùng tôi chụp chung tấm hình, mừng tự do đang đến cho tôi.

.
.
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
ngày thứ nhì tới Honolulu, anh Phước KT63, dẫn đi ngoạn cảnh, cái áo mua ở TP.
.
 
z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign

.
anh Lê qúy Phước và tôi, từ trường ĐHKT, cho tới Hawaii rồi Houston, qua vài chục năm
.
.
 
 
Những ngày ở Hawaii êm đềm, ở cái studio lầu tám, đằng trước trụ sở cứu hỏa, trên đường Kapiolani, tối ngày nghe xe hụ còi đi cứu du khách ở Waikiki, tôi ở ngay sát khu thương mại Aloa Mana, shopping center, ngay bãi biển, mặc đồ tắm, đi xuống thang máy, băng qua bên kia đường chỉ hai khúc ngắn là tới bãi biển cát thật đẹp, tha hồ nhìn người đẹp. Tôi ở lại đây chờ anh tôi từ bên Úc qua chơi, anh này chưa được đến thiên đường hạ giới này bao giờ, nên nhắn tôi ở đó đợi anh. Còn anh Hùng và gia đình đã di chuyển vào Portland, Oregon, vì ở đảo thấy tù túng quá.
.
 
z-td-477-kapiolani.jpg picture by tddesign
.
.
 
 
Hai anh em tôi gặp nhau lại ở Honolulu sau 4 năm, từ ngày anh tôi về VN chơi năm 74. Hành trình đi tìm tự do có anh tôi giúp đỡ phần lớn trong đó. Tháng bẩy năm 78, gia đình chúng tôi, một phần gia đình hội ngộ nhau tại Oregon, nơi tôi khởi sự cuộc sống mới sau vài tháng tắm biển Hawaii …. Thật là được nghỉ hè trước khi làm việc. Nhìn lại mà hơn ba mươi hai năm rồi.
 .
.
z-td-477-alamoana.jpg picture by tddesign
.
ở bãi biển Ala Moana Beach Park, ở phía sau rặng dừa, trên cao ốc lầu thứ tám, đi bộ ra tắm ở đây hầu như mỗi ngày
.
.

z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign
.
những ngày hè, từ TP tới Jakarta, giờ thì Honolulu, Hawaii
.
.
 
Hết thời gian nghỉ hè với nắng trời mây nước ấm áp, khởi sự cuộc đời lại ở Portland, Oregon, dưới đây là một công việc kiến trúc tự do đầu tiên bắt được, Rose City Transit, dùng hoovercraft, khinh tốc đỉnh chở hành khách đi trên sông ...  tháng chín, năm 78 ..
 
 
.
z-td-477-hoovercraft.jpg picture by tddesign
 
.
 
 
 
khởi sự nghiệp kiến trúc ở Mỹ, rồi đi học KT lần thứ hai, xong cái bằng Master of Architecture ở University of Oregon, sau này thành Kiến Trúc Sư Mỹ, AIA ... rồi giòng đời đi qua, theo nợ cơm áo, rồi cũng tầm thường như mọi người chạy theo vật chất, đua đòi này kia .. tham sân si vậy thôi .. bây giờ thì tìm sự an vui trong tâm hồn, có chút thảnh thơi ghi lại chuyện xưa này.
 
.

.... vài năm sau ...

.

.

z-td-477-taman-01.jpg picture by tddesign

.
Nam California, 1984, từ phải qua, Boy, PhD và tmd
 
.
.



Bây giờ thì PhD là một kiến trúc sư hành nghề ở tiểu bang California, tốt nghiệp Kiến Trúc ở Cal-Pomona. Boy làm việc cho một hãng kiến tạo, ở gần PhD, vùng Nam Cali. Dao cũng ở gần đó. Còn tôi thì bây giờ cuối cùng cũng viết được những giòng chót của tập hồi ký này. Nhờ sự khuyến khích, yêu cầu của hai anh Võ minh Cẩm KT65, và Lâm công Quyền KT65. Cám ơn hai anh. Cám ơn PhD, Boy và Dao, ghi ơn những người đã ngã gục, hy sinh thân thể trong cuộc chiến cho tôi được lớn lên và hưởng tự do. Xin gởi lời nguyện cầu cho đồng bào tôi đã bỏ mình trên đại dương trên hành trình tìm tự do, sự hy sinh của họ đã đánh thức lương tâm nhân loại, đã cứu vớt các thuyền nhân đi sau, giúp đỡ những đồng bào Việt Nam tị nạn chính trị, tái lập đời sống sống mới, tự do trên toàn thế giới.

.
 
.
 
cám ơn cho những kỷ niệm ... thanks for the memories
.
 
 
 

Chấm dứt hồi ký … tuy nhiên còn vài bài phụ lục nhỏ, viết về những nhân vật đằng sau chuyến đi. Đón đọc tiếp.
.
 

by duongtiden
.
.
lời riêng:
bây giờ đi lấy beer uống mừng, viết xong cái hồi ký chuyến đi của đời người này, mong muốn bao năm nay, giờ mới viết hết bài chót, nhưng chưa xong đâu, chưa hết ý. Còn chừng hai bài phụ, nói tiếp chuyến đi vào Mỹ của ba người bạn còn lại, PhD, Boy và Dao. Một bài nói về một người mẹ ở đằng sau chuyến đi này, người rất quan trọng, không có Thân Mẫu của PhD, là không có thuyền trưởng con thuyền tháng bẩy, không có nguyên bọc đồ chơi và hành trang lên đường ... vẫn còn tiếp ..
rồi vào từng bài sửa lỗi gõ chữ, sửa đổi chút lại ... còn chuyện phải làm ..
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.