copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, September 26, 2009

Loạt bài Kiến Trúc . Cục Công Binh của anh Lâm công Quyền KT65 . bài thứ 2 tiếp theo . by lamcongquyen

.
.

                                              anh chị Lâm công Quyền, Montreal, Canada
.

Bạn KT- Cục Công Binh, về đến Sài Gòn (kỳ2)
 
.
 


Viết tặng bạn Bùi-Nhật-Hanh KT65, các bậc đàn anh SQ HLV trường Công Binh Bình Dương, Hồ-Hữu-Thành, Đỗ-Hữu-Nam, Nguyễn-Chánh-Thiện, Vũ-Lập,  các anh đã làm việc tại CCB Trần-Quang-Nhật-Huân KT63, Ngô-Đình-Kha KT63, Nguyễn-Văn-Thọ (Thọ điếc) KT60?, các bạn Đỗ-Duy-Tùng KT64, Trương-Công-Tâm KT65, Nguyễn-Hữu-Tấn KT65, Nguyễn-Văn-Nghi KT66, Phạm-Việt-Cường KT66, ,  Nguyễn-Hoàng-Phố KT69...và  tất cả bạn già KT.
 
.


Đoàn xe chạy đều về hướng Nam, cảnh vật vẫn như trong vòng hai năm tôi di chuyển trên QL1 nên không còn để ý đến nửa, tâm tư bắt đầu suy nghĩ đến những việc đã qua và những việc sắp đến đang đón chờ mình.
.
 


Hôm nay là ngày cuối năm, chỉ còn hai tháng đúng nữa tôi sẽ “lên” 30 tuổi. tuổi hai mươi mấy thấy vẫn còn trẻ, lên đến ba mươi, tôi có cảm giác bắt đầu già rồi. Trái lại với lúc ngồi trên xe ra Cam Ranh hoặc Nha Trang, lúc nào cũng ngủ say sưa vì nhiều ngày không được ngủ, chuyến về Sài-Gòn, lúc nào cũng tỉnh queo nên suy nghĩ mông lung. Sắp ba mươi rồi mà cuộc đời chẳng có gì, không vợ, không con, không bằng tốt nghiệp cũng chẳng làm được gì cho gia-đình, xã hội, nước non. Năm 18 tuổi lập ban nhạc rock lúc Sài Gòn chỉ có vài ba ban, vì lời hứa với ông thân, phải lo thi Tú Tài II nên giải tán, đậu xong TT, vừa học Đại Học lại thi vào học Thoại Kịch (Dramatic Art) cũng chỉ vì ảnh hưởng của cái lò kịch nghệ Actor’s Studio của Mỹ với các tài tử Marlon Brando, Montgomery Clift và James Dean! Lẽ dỉ nhiên ông già càng ghét hơn!
.


Quá khứ
.
 


Thật ra tôi đã đóng kịch từ các lớp tiểu học, cuối năm lớp nhứt 1956, đạo diễn và thủ vai chánh vở ” Cái radio của tôi”, năm sau, được cô giáo lớp Tiếp Liên chọn đóng vai Lê Lai, trong khi Nguyễn-Ngọc-Điệp KT66 vai Lê Lợi, cùng trong lớp này còn có Hoàng-Thỉ-Thạch KT66 và Hoàng-Thị-Thanh-Xuân (không có bà con với HTThạch), em ruột của HĐThưởng KT65 (q.c.), vì Điệp mặt mày rất oai nghi với cặp chân mày như chổi xể, nhưng sau khi tập vài lần cô giáo đã đổi lại vì giọng nói rõ và mạnh công thêm diễn xuất của tôi khá hơn. Tôi nhớ mãi, ngày lễ cuối năm học, trường sắp cho một cô giáo trẻ đẹp trang điểm cho vai Lê Lợi, cô bắc ghế ngồi ngay trước mặt “vua”đang mặc áo cẩm bào màu vàng, vén vạt áo dài của cô qua một bên, bẹt hai chân ra và ngồi sát vào để vẽ mặt cho Lê Lợi. Hai đầu gối của vua LL chạm vào hai bắp đùi non của cô, cô không biết được đây là lần đụng chạm nam nữ đầu tiên của “vua” nên “vua” bị xúc động mãnh liệt, xin độc giả thông cảm lúc ấy tôi không có tà ý gì, đó chỉ là phản ứng tự nhiên của con người. Thời đó tôi cũng không có mặc slip nên không kềm chế được và ước mong giây phút đê mê này kéo dài vô tận, đến khi làm xong, cô giáo đứng lên đi để “vua” ngồi lại không dám đứng lên và tiếc ngẫn tiếc ngơ!  
.
.
z-LCQ_64.jpg picture by tddesign
.
chính vì bức ảnh chụp tại Đà Lạt năm 1964 này làm chị và em tôi trêu là "bắt chước" James Dean
.
.
 


Tánh con người thật khác nhau quá đổi, mỗi người một cá tính do ảnh hưởng gia-đình (giáo dục và di truyền), trường học, bạn bè, xã hội, ngoài ra còn sách vở, báo chí, điện ảnh và tuỳ cách hấp thụ của từng người trước những yếu tố đó, con người lại khác nhau thêm. Nếu nói tôi bị ảnh hưởng nhân vật trong sách vở, người đọc đoán ra rồi, đó là d’Artagnan trong Les Trois Mousquetaires của Alexandre Dumas và mới hơn, Lệnh-Hồ-Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung với tánh ương ngạnh, thích binh vực người cô thế và có thể nhậu rượu với bất cứ ai, còn do ảnh hưởng ciné, thời các năm 50, 60, kể cả hiện nay, rất đông người bắt chước James Dean kể cả Lý-Tiểu-Long! Cũng vì con đường kịch nghệ song song với kiến trúc này đã làm tôi mất thì giờ đáng lẽ phải bon chen trong trường. dù con đường kịch nghệ có hơi giống các tài tử ciné Mỹ, thủ các vai nhỏ trong các chương trình TV, các vai phụ cho ciné, xong đến các vai chánh trong những chương trình TV với sự chứng kiến và tham gia của các vai phụ của Minh Bò KT65, Sơn Ốm KT66 và Hùng Điên KT66, rốt cuộc cũng chẳng đưa đến đâu. Và cũng giống như đạo diễn bên Mỹ, người đạo diễn VN sau khi xem mấy show này đã vô Trung Tâm Đắc Lộ* tìm tôi mời thủ vai chánh cho một phim mới sắp quay, ở đó trả lời là:”Rất tiếc, anh ấy đã nhập ngũ rồi !” Kết luận, mặc dù hết sức say mê và đã hết mình trong bất cứ ngành nào, hát rock trước hàng ngàn khán giả, cả triệu người xem TV...cái định mệnh oái oăm khiến cho tôi không đạt được bất cứ mục đích nào và cũng chẳng ai biết mình là ai cả, kể cả đứa em gái ở Canada, nói nó chẳng tin, trả lời:”Có thiệt không đó?”!
 
.
 


Cuối năm 1971, hạn hoản dịch sắp hết, các bạn cùng lớp 65 lo “chạy” khắp nơi. Không kể Trần-Ngọc-Toàn chạy sang đến tận Bỉ sau khi trình đồ án tốt nghiệp, gần như tất cả đều ghi tên làm cho Bộ Canh Nông và tôi cũng không đến nổi ngu lắm, hỏi thăm Hoàng-Đình-Thưởng (q.c.), nó đã chỉ nộp đơn chỗ nào, cho ai..v..v..Về nhà nắn nót một tờ đơn xin việc với những lời lẽ lịch sự nhất, mặc đồ sạch sẻ, quần xanh đậm, áo sơ-mi trắng, đem đơn ra Tổng Nha Điền Địa đường Hai-Bà-Trưng, sau lưng Tổng Nha Bưu Điện, vào nói với cô thơ ký trẻ đẹp xin gặp ông Tổng-Giám-Đốc, 30 giây sau cô ta trở ra nói với tôi rất lịch sự:
.

- Xin anh cảm phiền, ông Tổng-Giám-Đốc hôm nay mắc bận đi họp, mời anh trở lại ngày mốt lúc 10giờ...
.

Vốn không thích làm công chức, cộng với bãn tánh ngang ngược, dại khờ, vừa đi ra xe vừa nghĩ:
“Mẹ họ, ỷ làm lớn, muốn gặp không được, chẳng thà đi lính phức cho rồi !”_ngồi lên chiếc Suzuki M12, vọt đi thật nhanh trở ngược lại Phú Nhuận, trong đầu đã chọn quyết định. Vì vậy, đã đợi đúng ngày 22/2/1972 xách khăn gói đi trình diện nhập ngũ. Bây giờ ghĩ lại cái dại khờ của mình, người ta là ông lớn, mình là một thằng hèn, không kèn không trống tự nhiên đến đòi gặp, thật là vô lý!
.
 


Ngoài đời không thành công, ngược lại, Quân Đội đã cho tôi đạt mục đích hết sức dễ dàng, sau 6 tháng thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đã đậu lên chức Chuẩn Úy, vì các bạn cùng lớp đã “chạy” hết nên khóa 5/71 chỉ có 1 mình tôi là KT!  Sáu tháng sau đó thụ huấn khóa 2/72 SQ Căn Bãn Công Binh tại trường CB Bình Dương, cùng khóa có Tr/Úy Nguyễn-Thành-Liêm là người đã từng có học qua năm thứ nhất KT nên vì “phe đảng”, anh đã sắp tôi làm thơ-ký khóa. Ngoài anh ra, trường Công Binh có rất nhiều đàn anh là SQ cán bộ tại đây: Các anh  Hồ-Hữu-Thành KT61, Đỗ-Hữu-Nam KT61, Nguyễn-Chánh-Thiện KT63, Vũ-Lập KT63 trước đây thường hay gặp ở trường. Tưởng cũng nên nói đến Tr/Úy Hổ, không phải dân KT ta, là một HLV về mìn bẩy vô cùng giỏi, ông sưu tập ngoài tài liệu của Mỹ, của phe XHCN, tất cả những gì về mìn bẩy để đọc thêm. Ngược lại tôi rất thờ ơ về bộ môn này để rồi sau đó hối tiếc và thầm cám ơn Tr/Úy Hổ đã cứu mạng mình trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
.
 


Anh HHThành, người thật đen, tánh thật hiền, lúc nào cũng cười chúm chím, thường hay gặp trong xóm vì anh có bà con với Nguyễn-Tấn-Cang KT65 ở gần nhà tôi. Nguyễn-Chánh-Thiện KT63 người cao trán cũng cao, ốm , môi dưới trề ra và tôi là hai tên SVKT đáp lời mời của Trần-Kim-Trúc* tự Trúc Dâm KT64, da ngâm đen và đặc điễm của anh là móm xọm, dẫn đào đến nhà anh ở Chợ Lớn tham dự bal cuối năm. Tôi vẫn còn nhớ, lúc ba cặp đang du dương trong một bản slow mùi, đứa con nhỏ tí của vợ chồng Trúc đến níu chân mẹ nó nên Trúc bế nó lên nhảy luôn. Tôi không biết được, Thiện phu nhân ngày hôm nay có phải là người đẹp con chủ tiệm giày ở đường Võ-Di-Nguy, Phú Nhuận ngày đó không? Còn anh Vũ Lập, người trắng trẻo, không cao lắm, lúc nào mặt cũng khó đăm đăm nên tôi không dám bắt chuyện với anh. Tôi không nhớ nỗi anh ĐHNam, ngừng nghĩ ngợi vì:

À, xe đang vào địa phận thị xã Phan Rang...
.


Tháp Chàm
.
.


Xe vừa lướt qua ngã ba vô thành phố Phan Rang, sắp đến ngã ba QL1 và Lộ 27 phía bên phải, đường lên Đà Lạt qua ngã đèo Ngoạn Mục. Từ xa tôi đã nhìn thấy cái tháp Chàm này ngự trị trên đỉnh một ngọn đồi, nỗi bật trong cảnh trí thiên nhiên, tháp Chàm gồm một tháp chánh lớn nhất và hai tháp nhỏ bao quanh tất cả đều xây bằng gạch đỏ, gợi nhớ một kỹ niệm không lâu trước đó.
.
.
 
z-LCQ_71.jpg picture by tddesign
.
tác giả tại tháp Po Nagar, Nha Trang tháng 6/1970, ảnh này và ảnh trên đều do ông thân chụp.
.




Vào giữa năm 1967, nhân lúc tìm tài liệu trong thư viện của trường để làm bài a-na-lô thứ 3, hai bài trước đó thuộc về KTVN: bài thứ nhất: Bìa sách Kiến Trúc Cổ Điễn VN, bài thứ nhì: Một sân trong, bài kỳ này là So sánh kiễu thức (ordre) cột cổ điễn tây phương, tôi trông thấy ở dãy tủ sách áp chót, hướng về sân sau, hai quyển sách dày cộm phủ đầy bụi của KTS Pháp Henri Parmentier  (tốt nghiệp từ l’École des Beaux-Arts của Paris) nói về KT Chàm, tò mò, bắt đầu đọc ngay tại thư viện một cách thích thú vì quan niệm nền văn minh Chàm có ngay tại trên nước mình mà chẳng có thầy nào dạy, a-na-lô không có, các bài học trong Lịch Sử KT, từ gs Pinaud lẫn gs Nhạc, đều không nói đến, các thầy dạy lịch sử KT của các nước xa xôi, của vùng Trung Đông như nền văn minh Mésopotamie có nghĩa là cái xứ nằm giữa hai con sông, sông Le Tigre và Euphrate (nay là Iran), rồi lại phải calque mấy cái lâu đài Pháp trong sách in nhỏ xíu muốn đui con mắt. KT Chàm tuyệt nhiên không! Tại sao họ xây các tháp khắp nơi? Kỹ thuật xây ra sao? Xây để làm gì?
.
 


Tôi đọc làm nhiều lần tại thư viện trường và dù thời gian có trôi qua, vẫn nhớ được các điểm chánh yếu sau:
.

- Tên của người KTS-khảo-cổ-gia làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d’Extrême – Orient), rất có công đối với VN này.
- Trong chương nghiên cứu về KT các tháp Chàm, ông chữi thậm tệ, gọi là “ngu xuẫn” tất cả các KTS nào nghe theo lời đồn của người địa phương, tất cả đều là người Việt, nói rằng người Chàm sắp gạch non (chưa nung) thành tháp rồi nung cả tháp, ông nói:
+ Không thể nào sắp gạch non thành một cái tháp cao khoảng 19, 20 mét được. Đất sét chưa nung rất mềm, sắp lên nó sẽ tự sụm hết.
+ Không thể nung một tòa nhà một lúc được vì với khối lượng lớn, đất sét chỉ chín phía ngoài và còn sống phía trong.
- Ông đã kiễm chứng tất cả các tháp Chàm khắp nơi ở VN, tất cả gạch để xây tháp là gạch đã được nung trước rồi xây sau vì vậy tất cả gạch đều chín đều cả viên *
- Gạch được xây bằng một loại keo đặc biệt *
- Chính Henri Parmentier là KTS lập nên Viện Bão Tàng Chàm tại Đà Nẵng, trùng tu các tháp Po Nagar* hay Tháp Bà, Nha Trang và Tháp Poklong Garai* hay Tháp Chàm, Phan Rang.
.


Hè 1970, đi với ông thân ra Nha Trang, tôi đã đến kiễm chứng ngay tại Tháp Bà, Nha Trang và thấy KTS Parmentier nói rất đúng. Tuần đầu tháng Giêng năm 1971, có dịp viếng thăm Viện Bão Tàng Chàm tại Đà Nẵng, tôi rất thất vọng vì chỉ được trông thấy các tượng chạm trên đá, đa số khá lớn và không có mô hình hay hình vẽ giải thích KT Chàm. Mùa Hè năm đó, tôi và người bạn lối xóm cùng máu giang hồ tên Trương-Minh-Dũng* (cũng là bạn với  Cường fox KT66), đã làm một chuyến phiêu lưu Sài Gòn-Phan Rang-Nha Trang-Phan Rang-Đà Lạt- Sài Gòn bằng Lambretta 175cc trước khi đi lính, chúng tôi đã ngừng tại tháp Poklong Garai này trước khi lên đường đi Đà Lạt, leo lên tháp trên ngọn đồi khá cao, hoang vu không một bóng người* và chụp gần một cuồn phim Kodak 36 poses tại đây. Sau khi cầm lên xem và quan sát thật kỹ các viên gạch rơi dưới chân tháp, tôi công nhận nghiên cứu của KTS Parmentier là đúng, đứng ngay trước cửa tháp ngó về hướng Bắc, nhìn khung cảnh chung quanh, tôi nói đùa:
.
- Y (Dũng tên thật là Louis, ở nhà gọi là Y) ơi, tao định viết một truyện ngắn tựa là “Phá tháp Chàm*”.
- Ờ...tại sao?
- Tao cứ nghĩ là người Chàm họ xây nên các tháp này khắp nơi là để trấn ếm ai xâm phạm đến đất nước của họ, chiến tranh VN kéo dài quá rồi, có phải họ ếm bằng mấy cái đền này để chúng ta chém giết nhau cho đến kỳ cùng và kết cuộc bị mất nước không chừng! Nếu phá hủy các tháp này đi, mình sẽ tránh được thảm họa đó._tôi vừa nói vừa nhìn chung quanh như thể xem thử có vị thần nào nghe không và nói tiếp:_đây là truyện fantastique kiễu Edgar Poe thôi, không có thật đâu.
.

- Mày nói nghe cũng có lý nhưng không có vẻ khoa học chút nào hết!
.

- Vụ trấn ếm long mạch của người Tàu tuy không khoa học nhưng được vua chúa Tàu và Việt Nam áp dụng từ mấy ngàn năm trước rồi, người Chàm cũng có giao tiếp với người Trung-Hoa vì vậy chắc chắn họ cũng biết, hoặc có thể ảnh hưởng từ Ấn Độ hay Kam-Pu-Chia qua cũng không chừng. 
.
.
z-lcq-Louis_71.jpg picture by tddesign
.
Tôi chụp Trương-Minh-Dũng với chiếc Lambretta, Silver, người bạn giang hồ của tôi trên đường ra Hòn Chồng tháng 7/1971, cảnh trí xung quanh ngày nay không còn nửa, tu viện Phăn-Xi-Cô không biết được còn hay không? 
.
 


Về đến Sài Gòn, ch́úng tôi mua các bao thơ rửa hình của hảng Kodak tại Hawaii, bán đầy ngoài hè đường Nguyễn Huệ, gởi 2 cuồn phim đi, đợi mấy tháng không nhận được, tôi gởi thơ khiếu nại, được Kodak Hawaii trả lời là phim của chúng tôi đã được rửa và gởi trở lại VN từ lâu rồi. Tính lại thời gian, đúng lúc Khu Bưu Kiện góc Nguyễn Du - Hai Bà Trưng bị hoả hoạn cháy tiêu tan, có lẽ kẻ cả cuồn phim và hình chúng tôi chụp tại tháp Poklong Garai, Phan Rang! Cuồn thứ 3 chúng tôi rửa tại Sài Gòn nên an toàn!
.
 


Lẽ dỉ nhiên tôi đã chia xẻ những hiểu biết về Tháp Chàm với patron và các nègre của tôi, nhưng có vẻ như không ai chịu lưu ý trừ Nguyễn-Ngọc-Minh (q.c.) KT68, patron NTHà KT63 là một người có đời sống tình dục rất mạnh, ngoài bộ môn KT anh chỉ có đam mê là đàn guitar và trên hết là “đàn bà” mà thôi!

Thôi, vĩnh biệt Tháp Chàm, không biết bao giờ được nhìn thấy các kỳ quan này nữa.
.
 


(còn tiếp)
.
 


 
.
 
chú thích:
.

* Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ do các Cha dòng Tên (Jesuite) thiết lập, đường Yên Đỗ, SG.
* Trần-Kim-Trúc là em của tiến-sĩ  Trần-Kim-Thạch, tác giả quyển sách “Thềm lục địa VN có dầu hỏa hay không?”, dựa theo những khảo sát cổ lổ sĩ của Pháp, ông kết luận:”không thể nào có” . Tôi đọc quyển này năm 1972, lúc các giàn khoan của Mỹ đào ngoài khơi VN, mũi nào trúng mũi nấy!  
* nhìn toàn thể một cục gạch nung bể đôi, ta thấy từ ngoài lẫn trong đều đồng màu, đồng chất. 
* keo đặc biệt: dưới chân tháp Po Nagar, thân phụ tôi nói người Chàm dùng a-dao trộn mật ong nhưng sau này nhờ các máy phân tích tinh vi của VĐH Ý, họ đã tìm được là tinh chất từ cây “dầu rái”.
* Po Nagar và Poklong Garai: các tên này được ghi trên bia bê tông đặt ngay lối vô của tháp.
* Trương-Minh-Dũng:đã nói đến trong HK_Ban CR_kỳ 8, bây giờ là triệu phú ở South Bend, Indiana.
* không một bóng người: “Ruộng xanh biến thành bể dâu”, nơi này hiện nay nhà cửa chen chúc, biến thành một khu Bàn Cờ, kế bên có xây một Nhà lưu niệm do một KTS nào đó vẽ nhái theo các toà nhà của Thái và Kam-Pu-Chia in trong lịch biếu không ngoài chợ Tàu.
* Năm 1983, nhân đi coi công trường l’Église basse à Ste-Anne-de-Beaupré, cách thành phố Québec độ 21km, tôi được Cha Giám Đốc nhà giòng Chúa Cứu Thế (Rédemptoriste) tại đây cấp cho một phòng ngủ để nghỉ qua đêm, còn quá sớm, tôi thấy trên bàn giấy có xấp giấy và cây viết, nên bắt đầu viết truyện “Phá tháp Chàm”. Viết một hơi mấy chục trang mới chịu đi ngủ, bản thảo này đã bị thất lạc sau 6 lần dọn nhà. Trong một đoạn tôi viết:”Có phải việc ông T.T. cuối cùng sanh tại Phan Rang, là một vị chỉ huy tối cao của QĐVHCH đã đưa ra lệnh rút lui khỏi miền Trung và kéo theo sự sụp đổ toàn diện, phe địch vào đến Phan Rang đã cho đào xới, phá nát mồ mả tổ tiên của ông tại đây là một sự ngẫu nhiên hay không ?”Năm 1971 khi tôi có ý định viết truyện “Phá tháp Chàm”dỉ nhiên không có đoạn này.

.
by lamcongquyen
.
.
z-td-lamcongquyen-1.jpg picture by tddesign
.
một người, tôi có nhiều cảm nhận với, là anh Lâm công Quyền. tôi đang góp nhặt làm thử một tấm poster cho anh.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.