.
.
.
Loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 . chuyến tìm tự do . bài thứ mười chín .. tiếp theo.
.
.
Qua ngày hôm sau, mấy đứa sáng dậy sớm, vì tối qua không đèn đi ngủ qúa sớm, nôn nao đợi đi chợ, tức là tự do đi ra ngoài Tangjung Pinang để mua ít thứ cần thiết. Hôm qua Cha Alfons đã đưa cho ít tiền Nam Dương, hôm nay lần đầu tiên có dịp xài tiền, và cần nhất là mấy đứa đi đánh điện tín cho người trong gia đình ở các nước khác, báo tin là đã rời VN an toàn. Tôi thì sẽ gửi điện tín cho qua cho người anh ở bên Úc , Australia , rồi anh này sẽ chuyển tin qua Mỹ cho anh Hùng của tôi, rồi báo về Saigon cho mẹ tôi hết lo lắng.
.
Sáng có một hai xe loại khá cũ, cũng nhỏ như xe Taxi ở SG hồi trước 75. Xe thường, không có dấu hiệu gì, chẳng có tên công ty hay đồng hồ tính tiền, coi như xe cho thuê, mặc cả giá tiền, cứ gọi là taxi cho tiện, mỗi người đi chung với nhau thì trả tiền riêng từng người. Họ vô trại đậu đó chờ người VN cần đi ra ngoài TP để kiếm khách. Đi theo một người bạn nhỏ quên tên rồi, đã ở trại tị nạn lâu từ trước, nói tiếng ND rành, để giúp cho mầy đứa biết chợ, nhà bưu điện và mua bán như thế nào.
.
Xuống dưới phố, lần đi đầu tiên, không có ai áp giải, thật là lạ lùng và thích thú, tha hồ đi lăng quăng, cho bõ những ngày gò bó trên ghe, trên bờ biển của đảo nhỏ, của năm ngày bó gối trong trại hải Quân. Giờ thì phong cảnh, mùi vị, cảnh sinh hoạt Nam Dương ở thành phố biên giới, thật hấp dẫn tấp nập, gì cũng lạ. Bây giờ cũng đã học được mấy chữ chào hỏi, đếm, từ khi lang thang trên đảo Laut. Tôi đánh điện tín cho người anh đang ở Úc, cho biết đã thoát ra khỏi VN, anh này đi du học từ năm 69 và đã tốt nghiệp Ph. D. giờ đã có quốc tịch Australia. Điạ chỉ thì tôi học thuộc lòng, khi ra tới biển quốc tế thì viết lại ra giấy, đã trao cho tầu Hồng Kông một lá thư. Gửi đi vài chữ bằng điện tín, nối vài chữ dính chung lại cho đỡ tốn tiền, với địa chỉ tại TP là của Cha Alfons. Dùng tiền của cha cho để gửi đi, như vậy là xong phần chót của cuộc đào thoát, là báo tin cho gia đình biết vẫn còn sống.
.
Nhắc chuyện điện tín, mới nhớ, lúc đó cũng biết khôn, biết cách nối hai ba chữ Việt lại, bưu điện ND không biết, không tính tiền nhiều, sau này tham hơn, nối liền tù tì mấy chữ thật dài, tụi ND hỏi tại sao chữ VN dài như vậy, có quá nhiều mẫu tự trong một chữ, không chịu. Từ đó tụi nó có lẽ tìm hiểu chữ viết của VN, ra luật là những chữ dài trên bẩy hay chín mẫu tự thì tụi nó cắt ra làm đôi tính tiền hai chữ. Như vậy cũng công bằng, thí dụ viết “ bình thường mạnh khỏe” như vậy là bốn chữ, viết “binhthuongmanhkhoe” thì trả tiền có một chữ. Ngoài ra chữ VN là đơn âm, chữ đơn, không như chữ kép của Nam Dương, nên đè ra tính từng chữ đơn âm thì cũng quá mắc cho dân tị nạn nghèo! Cũng kéo ra được mấy tháng trước khi tụi ND khám phá ra cái mẹo ghép chữ.
.
.
.
.
ngày xưa và bây giờ vẫn như vậy, nhìn hình, thấy chẳng khác gì hết ..
.
.
Đi theo chú nhỏ, giờ không nhớ chính xác là ai, ốm cao, có thể là Tuấn, xuống dưới góc phố toàn là nhà sàn trên biển, nơi đó là chợ và hàng quán của người Hoa. Phố xá trên bờ, nhìn cũng giống như những khu trung bình trong Chợ Lớn, nhà thường cao hai từng, có bán đủ thứ, cho tới thịt heo. Người Nam Dương theo đạo Hồi nên không đụng tới heo. Thương mại ở TP thì chủ chốt do người Hoa nắm giữ. Tuy nhiên, khá lạ, là không có bảng hiệu nào có chữ Trung Hoa.
.
Mua đồ ăn xong, vài thứ lặt vặt, rồi thì giờ tới cái mùng, hay cái màn theo tiếng người Bắc, là thứ nhiều tiền nhất. Chú nhỏ chỉ chỗ cho mua, rồi đi mua bán riêng, hẹn gặp lại trước bưu điện sau, để dẫn lên nhà của hai Cha, nơi làm trụ sở của Công Giáo địa phương. Hỏi giá tiền hai cái mùng, tính là hai thằng nằm chung một mùng, rồi PhD cười cười, chỉ qua mấy xe bán trái cây lạnh và nước uống ngay đó, hỏi mua mùng hay mua coca … mấy chai cô ca ướp lạnh … nằm đằng sau tủ kiếng trong ngăn đầy nước đá .. ôi sau hấp dẫn … chúng tôi ngồi bệt dưới lề đường bằng đá, duỗi chân ra, nhìn ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào mặt, vào mắt, choé lên những đốm sáng đủ mầu … từ nhỏ chạy ra xa… tôi chỉ tay xin chút muối, để lên mặt trên bàn tay, liếm một cái, vô một ngụm cô ca lạnh, ngậm trong cuối miệng, tôi quàng vai PhD, nhìn nó rất lâu, đập vai nó nhẹ nhẹ, mà ứa nước mắt. Hai đứa cụng chai cô ca … mừng Tự Do, nơi vỉa hè đầy cát bụi của phố xá TP, thật tầm thường, nhưng hai đưá đã biết đoạn đường trên cả năm, từ ngày, nói cho nhau nghe ý định ra đi tìm tự do. Tôi đưa chai cô ca lên nhìn ánh mặt trời xuyên qua làn nước nâu đang sủi bọt, áp chặt vào tai hơi lạnh và những tiếng sủi bọt lăn tăn truyền qua … ôi cái cảm giác thần tiên, nơi vỉa hè, ngồi bệt xuống đất, nơi trời mây nước xứ Nam Dương … ngày nào. Ôi Tự Do nó qúy làm sao !!!
.
.
.
.
khu dẫy phố của người Hoa trên bờ, bây giờ không khác mấy hơn ba mươi năm trước. Không được phép dùng chữ Hoa cho cửa tiệm.
.
Thế là coi như cái cảm giác, vui hưởng giây phút tự do đầu tiên, một mình đó đáng giá ngàn vàng hơn là sẽ bị muỗi đốt, không còn đủ tiền mua mùng nữa, đã dùng tiền để uống 4 chai côca rồi, dĩ nhiên là cô ca khá mắc, nhập từ Singapore, chứ không phải là nước ngọt ở địa phuơng. Bàn với nhau là Boy còn một lượng vàng dấu kỹ trong quần lót, ngày mai sẽ xuống đây lại để bán ra, giờ thì còn đủ tiền để trả tiền xe đi về.
.
Chú nhỏ dẫn lên nhà của hai Cha, đó là cái vila nhỏ, gần ngay phố, không xa cầu tầu, đi bộ chút thì tới, cái nhà một tầng, Gặp thêm linh mục trẻ, người Hoà Lan, ND trước đây là thuộc địa của Hoà Lan, Cha Piet Hoedemaekers, Pastoran Katolik, Nhà là nơi làm việc của giáo hội Công Giáo địa phương, do hai Cha điều hành chi nhánh từ trung ương bên Âu Châu, và cũng là tư thất. Hai linh mục hỏi han về chuyến đi của chúng tôi và rất thích mấy đứa vì có thể trao đổi không bị trở ngại ngôn ngữ, tuy nhiên cũng hơi phức tạp một chút. Cha già Alfons thích nói tiếng Pháp, giới hạn tiếng Anh vì không giỏi, tuy nhiên nếu nói với tôi thì phải nói bằng tiếng Anh, Cha Piet thì nói tiếng Anh, không biết tiếng Pháp. Hai cha nói chuyện với nhau thì bằng tiếng Nam Dưong, bahasa Indo. Ba đứa kia thì nói với cha Alfons bằng tiếng Pháp, nói tiếng Anh với cha Piet. Tôi và cha Piet thì tiếng Anh, và dĩ nhiên tiếng Việt thì mấy đứa dùng với nhau. Câu chuyện cũng vui vẻ thông suốt, không trở ngại gì hết, dù qua lại bằng mấy thứ ngôn ngữ.
.
Tôi hỏi cha về việc, tiền bạc từ bên ngoài gửi đến cho chúng tôi thì ra sao. Cha Alfons là xếp ở đây cho biết, sẽ cho mượn số chương mục cá nhân của cha, chuyển tiền thẳng vào đó, khi tiền đến, cha sẽ viết ngân phìếu, rồi tôi ra ngân hàng lãnh tiền. Cha có thể dẫn ra ngân hàng lần đầu chỉ cho biết thủ tục, ngân hàng ngay gần đây, trước mặt. Cha hỏi mấy đứa đã mua mùng chưa để khỏi bị muỗi đốt. PhD phải thú thật là đã dùng tiền mua mùng đi mua coca uống rồi, để mừng Tự Do, Cha cười thông cảm, nói sẽ cho tiền mua mùng lại. Ngày hôm qua nói chuyện, cha thừa sức biết chúng tôi không phải là Công Giáo rồi, nên cha nói tiếp, ở đây cũng có Chùa Phật Giáo của người Hoa, nên có thể đến đó cảm tạ cầu nguyện.
.
Chúng tôi trao thư cho cha nhờ dán tem gửi cho thân nhân nhân. Tổ chức của hai cha, từ bên Âu Châu có gửi thêm ngân qũy từ bên đó qua để giúp cho người tị nạn, nên cha trả tiền tem cho tất cả thư gửi đi của người VN, có người giúp việc làm chuyện cân và dán tem, cũng như nhận thư gửi đến, soạn ra cho trại tị nạn, rồi hai cha mang xuống trại, hình như mỗi ngày. Thật là may mắn cho người tị nạn ở đây, vì qúy nhất là không bị mất thư hay tiền bạc gửi đến. Điều đó không có so với những trại tị nạn sau này ở khắp nơi trên Đông Nam Á. Riêng phần chúng tôi, thì suốt thời gian sau khi ở trại, tôi, Boy và PhD làm rất nhiều chuyện thiện nguyện cho hội CG địa phương để trả ơn lại, còn giáo dân của cha, tặng lại hai thuyền đánh cá VN, tu sửa lại, biến thành tầu đi truyền đạo cho hai cha. Tôi vẽ kiểu lại chiếc đầu tiên, làm ca bin, tân trang, và còn được ở lại dự lễ thánh lễ khánh thành, đi ngoài biển chuyến đầu tiên.
.
.
Trưa về thì có chuyến phát đồ ăn tiếp tế cho trại, người ND chỉ lái xe đến trước trại, người tị nạn khiêng vô để giữa nhà kho, rồi tự chia ra cho nhau, không có tranh giành hơn thua hay cãi vã gì hết, những gia đình hay người có thân nhân tiếp tế tiền từ bên ngoài, thì cũng không lấy đủ phần mình làm gì, chỉ lấy những gì cần, để lại cho những người không có thân nhân tiếp tế, hay thiếu tiền bạc, thành ra cũng không thấy ai có vẻ đói rách cho lắm. Còn những người sống tần tiện thì là chuyện riêng, tiết kiệm, để dành, tùy theo người.
.
Những ngày tiếp theo thì càng khá hơn. Boy bán lượng vàng ra, tôi cũng nhận được điện tín từ người anh ở Úc, kèm theo tiền chuyển vào chương mục của Cha Alfons, chỉ cầm check, ngân phiếu từ cha, đi ra nhà ngân hàng lãnh tiền mặt, chỉ cần cầm tờ giấy xác nhận của cha. Tiền bạc đó dùng lo chung chuyện ăn uống, căn bản cho tất cả bốn đứa. Boy có em ở Mỹ, PhD có chị ở Mỹ, anh em ở Pháp, điện tín đã gửi đi và nhận lại. Gia đình ở VN đã biết được tin chúng tôi đến bờ bình an. Coi như xong một chặng đường nặng nề nhất.
.
Những gì mượn dùng của những người chung quanh trong trại đã được trả lại, kèm thêm nhiều hoa hồng cám ơn hậu hĩ. Trong trại thì hình như chỉ có hai gia đình ở Sài Gòn, gia đình người Hoa, vài người đi chỉ có hai anh em hay độc thân. Còn mấy qúy vị con nít chơi ngoài sân, lúc tôi mới đến ngày đầu, nghe mấy chú bé này hay văng tục ĐM, đó là thuộc hai ba gia đình “danh ca” dưới bến, còn nói chung mọi em nhỏ, thanh niên, thiếu niên, kể luôn chúng tôi đều hiền khô và lịch sự sống vui vẻ. Thỉnh thoảng xúm nhau lại, hát những bài hát cộng đồng. Tôi và PhD ghi chép lại những bài hát, cùng các em trong trại hát hò sinh hoạt, dùng máy đánh chữ trên văn phòng của hai Cha, đánh máy, vẽ trên stencil, quay ronéo ra một tập nhạc nhỏ, để sinh hoạt và kỷ niệm, mang qua trại tị nạn thứ nhì ở Senggarang tặng gần hai chục tập, thăm người tị nạn VN bên đó, đồng thời gửi cho bạn bè nơi khác trên thế giới làm kỷ niệm. Gửi qua bên Singapore cho tổ chức Người Việt Tự Do, để họ đến phân phát ở các trại tị nạn bên Mã Lai, khi đến đó thăm. Cha cho giấy, mực, stencil, quay máy in miễn phí.
.
.
.
.
tháng đầu tiên ở trại, ấn hành được tập bài hát sinh hoạt cộng đồng, và nhiều bài hát Hướng Đạo, ghi chép lại theo trí nhớ.
.
.
.
Những ngày đầu, thu nhập những báo chí cũ tiếng VN, từ hải ngoại gửi qua cho người trong trại, tôi sưu tầm địa chỉ của báo, gửi thư đi, xin nhắn tin cho bạn bè Kiến Trúc và Hướng Đạo, những người đã ra đi từ trước 75, hay đi du học., gửi tin VN cho họ, viết về chuyến đi, kể ra cũng dựa vào lòng hảo tâm tiền tem cho không của hai cha, muốn gửi bao nhiêu thư cũng được, nếu có sức viết. Lúc đầu thôi, còn sau, gửi gì nặng, thì tôi tự đi ra bưu điện gửi lấy, vì có thẻ gửi thư lại quốc tế đã trả tiền trước, do bạn bè kèm theo thư, và tôi cũng dùng tiền riêng.
.
Thư từ bên ngoài gửi trở lại Nam Dương, thật không ngờ, phải nói là quá nhiều, phải trả lời bá thở. Từ các báo ở Hải Ngoại, ở Mỹ và Pháp, không những chỉ nhắn tin tìm bạn bè dùm cho chúng tôi, mà họ chạy tít lớn, loan tin về chuyến đi của chúng tôi trên trang nhất, còn gửi ngay điện tín, yêu cầu tôi viết tin, kể chuyện ở VN tiếp tục, vì mọi người bên ngoài rất nóng lòng muốn nghe kể những chuyện ở VN sau 75, VN vẫn còn bị bưng bít đầy bí mật, tin trong VN ra rất là nóng hổi, và rất khan hiếm vì ai cũng lo lắng thương nhớ thân nhân còn lại, muốn biết từ những người đào thoát ra như tôi, hay để ý nhiều chuyện, lại ham diễn tả. Người nhiệt tình nhất phải nói là ông Võ văn Ái, báo Quê Mẹ ở Paris, gửi ngay điện tín, rồi báo đều đặn cho tôi, trong suốt thời gian ở trại, bằng airmail, thư hàng không. Còn có Đất Mới ở Seattle , Trắng Đen ở Cali .. vân vân, cho tới Người Việt Tự Do ở Tokyo .
.
Bây giờ hai Cha đã khám phá ra ba đứa có nhiều tài vặt, nên hầu như mỗi ngày chúng tôi đều lên văn phòng làm việc, PhD là họa sỹ tài danh, vẽ watercolor rất ngọt, mầu nước lai láng, vẽ những bản họa về cơ thể con người, về vạn vật, rendu như analô, vẽ thành những tấm bích chương khổ lớn, dùng trong việc dậy học trong trường trung học Công Giáo ở đây. Boy làm phụ tá rất tích cực. Thấy chúng tôi, vẽ trên stencil in ronéo đẹp, nên cha nhờ design và vẽ bìa báo của CG địa phương, vẽ bìa báo hàng tháng, vẽ luôn cả năm trước để dành. Tất cả chuyện vẽ vời, phác họa, graphic design, chúng tôi đều làm tuốt hết, vừa vui, thấy ngày giờ qua mau. Hai cha cũng vui vẻ có thêm người giúp đõ về tất cả những cần thiết về vẽ vời, trang trí cho tờ báo CG và trường học tại địa phương. Bù lại cần gì trên văn phòng, cha đều cho phép tự nhiên xử dụng, nên rất là đầy đủ tiện nghi mà dưới trại tị nạn không có, như không có điện. Có cái phòng làm việc sẵn, ba đứa cứ ở trong đó dùng đồ đạc có sẵn, coi sách báo của hai cha, và thích nhất là tạp chí National Geographic.
.
.
.
phác họa của PhD, nhà của dân Nam Dương, gần chung quanh trại tị nạn Batu Anan, hay Batu 6, trại Cây Số 6.
.
Còn tôi đi ra ngoài chợ, mua vải nhung nâu, kim chỉ, nút bấm, về văn phòng, lấy máy may của cha ra, may luôn cho mình một cái túi đeo, sau này mang vào Hawaii, đeo, vẫn thấy không mắc cở với Mỹ. Thành ra, cần gì, lên trên nhà hai cha, là có đầy đủ hết, nhất là sách báo.
.
Nhiều ngày, thời khóa biểu, cứ sáng ra chợ, ăn uống, đi mua bán, chơi chút, rồi vào văn phòng của hai cha làm việc, trưa chiều ra phố ăn trưa, đi chơi tiếp , hay có khi đi xi nê, rồi lên xe taxi về trại. Nhiều khi, bây giờ ngồi nghĩ lại như những tháng hè rất đẹp. Tiếng Nam Dương, thì bây giờ đã biết nói đủ thông dụng mua bán, và diễn tả, mua bán, ăn uống, không bị trở ngại gì. Bây giờ nghĩ lại, phải cám ơn người anh của tôi ở Úc qúa ư là rộng rãi thương em út rất nhiều.
.
Tôi cho anh tôi biết là bốn đứa ở trại, lúc đầu có lượng vàng của Boy bán ra, PhD và Boy có thân nhân ở Mỹ, nhưng họ mới qua năm 75, nên chưa có khá, không có gửi tiền qua giúp nhiều, còn Dao, không có thân nhân, coi như không có tiếp tế từ đâu hết, thành ra tiền anh tôi gửi cho, tôi đều chia ra cho ba người bạn kia xài thêm nữa, vả lại tôi cũng góp phần không lớn vào chi phí trang trải cho chuyến đi, còn phần lớn là do tài sản của PhD, nên cần trả lại cho bạn này. Còn nếu tôi chỉ chi dùng cho một phần tôi thôi thì không cần nhiều. Tuy nhiên nếu làm phiền anh tôi thì không dám, cho nhiêu cũng được tùy ý, chúng tôi cũng không đến nỗi phải đói. Anh tôi thông cảm, nên mỗi tháng gửi cho một trăm đô la, lúc đó là quá đủ tiêu xài cho bốn đứa, đủ đi ăn tiệm những khi thích, may mặc, mua sắm quần áo một chút. Nói chung là có phần phây phả sung sướng hơn những người khác trong trại. Tuy nhiên chúng tôi cũng không có lộ sự khác biệt ra bên ngoài.
.
Hai ba ngày sau khi mới đến, là có điện tín của anh tôi gửi ngay qua lại, như vậy là phần tinh thần, đã có tin về VN cho mẹ tôi biết là tôi còn sống đã đến bờ. Hai ba tuần sau thì thư của bạn bè, người thân bắt đầu đến. Bây giờ nghĩ lại thì hơi mắc cở, nhắn tin trên báo tìm bạn bè, đề ngay là làm ơn gửi thuốc Pall Mall về đó, làm như không có thuốc là sẽ chết, thư viết cho bạn bè lúc nào cũng xin thuốc lá hút, mà xin thuốc Mỹ, Pall Mall mới được. Tôi đâu có ghiền hút thuốc đâu chỉ hút cho vui, mà thuốc lá ở đâu lại chẳng có, thuốc Nam Dương, Gudang Garam, có vị Clove trong đó cũng rất hấp dẫn, nhưng phải viết thơ xin thuốc Pall Mall, mà lại gửi bằng máy bay. Bây gìờ, và lúc sau này qua Mỹ sống mới thấy là mình đã lố bịch, kệch kỡm, không bị đói, không bị bệnh, là qúa may mắn rồi, ở đó cứ ngồi xin thuốc hút. Năm 77, mọi người mới qua Mỹ vừa hai năm, làm gì có dư tiền mà gửi thuốc lá qua. Hút thuốc lá ND là may lắm rồi. Thật là mắc cở và bây giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc đó mình lại tham lam, và không biết điều, phải nói là lố bịch như vậy, không biết hai Cha nghĩ gì về tôi khi thấy từng tút thuốc Pall Mall từ Mỹ gửi qua đều đều. Khi tôi đã đi Mỹ rồi, mà thuốc vẫn còn gửi qua cho tôi, mấy đứa đi sau còn gửi thư cho biết. Không hiểu tại sao, lúc đó, bắt chước ai nghĩ ra chuyện xin xỏ đó. Mà tôi đâu có hút bao nhiêu. PhD và Boy hút mới nhiều. Thiệt là mắc cở cho chuyện đòi hỏi thuốc lá đế quốc Mỹ, trong khi đang làm kiếp tị nạn do Liên Hiệp Quốc nuôi ăn.
.
Thôi xin lỗi, đâu biết là chỉ sau đó, những người VN đến sau bị đối xử tàn tệ hơn cả trăm lần, không được tự do mua bán, bịnh tật chỉ sợ bị chết. Thôi thì được voi đòi tiên, tại được tự do đi lại mua bán, nên có xin xỏ thêm thuốc lá. Không biết là bao nhiêu, nhưng có lẽ có đến trên mười cây thuốc được gửi từ Mỹ qua. Bạn bè đông, bạn trung học, bạn đi Hướng Đạo, đông nhất bạn học Kiến Trúc. Ngày nào tôi cũng có nhiều thơ nhất, nhiều khi Cha Alfons quăng cho một tập thơ, nói tất cả thư mày đây, tôi vẫn đứng coi cha phát thơ tiếp cho người khác, tôi vẫn đứng chờ, lúc đó cha mới cười cười, kéo túi thuốc lá to ra, và thêm những thư khác ra cho tôi. Có lẽ cha phải thắc mắc về sự quen biết rộng của tôi, và nhất là những số tiền gửi vào chương mục của cha rất đều đặn.
.
.
Nhưng để được lòng ưu ái của bạn bè từ hải ngoại, rời VN trước, tôi phải chong đèn dầu hôi, viết thư trẹo cả tay hằng đêm, kể chuyện VN, kể chuyện bạn bè còn lại, theo thơ hỏi thăm riêng của từng người, mỗi người hỏi thăm mỗi thứ, bạn cũ, nhà cửa, bồ bịch còn ở VN. Mỗi lá thư của tôi, không có cái nào ngắn, mà như cái truyện dài, một mẫu chính, chép đi chép lại thành thư riêng cho từng người, thêm từng chi tiết riêng theo lời hỏi thăm. Nên thư tôi đi qua, mang lại cho họ niềm vui, thanh thản một chút kỷ niệm, thành ra thư lần sau yêu cầu viết tiếp, hấp dẫn quá … , đều kèm theo thuốc Pall Mall, đôi khi 10 tì, 20 tì, hay check kèm trong thơ coi như giúp đỡ, đồng thời, chờ đọc truyện ngắn kế tiếp do tôi gửi sang. Viết thơ mỗi ngày, chiếm rất nhiều thời gian. kể cả những người chưa quen biết, cũng gửi thư đến thăm hỏi, cho biết có địa chỉ trên báo khi nhắn tin, địa chỉ từ Hướng Đạo Hải Ngoại, từ Hội Công Giáo Nam Dương, do hai Cha đăng tin, viết bài nói có chúng tôi làm việc giúp đỡ cho văn phòng CG ở TP. Thơ của một cô sinh viên Nam Dương, ở Yojakarta, gửi đến, đấu tiếng Anh, cho đến khi tôi qua tới Mỹ, còn giữ hình của cô này. Đúng là lúc đó chuyện vượt biển còn qúa mới qúa lạ, đang gây nhiều thích thú, được nhiều người trên thế giới chú ý, và săn sóc giúp đỡ, thôi đi trước ăn cỗ ngon vậy …
.
Tôi đâm ra cũng là một nơi cho mọi người liên lạc tìm nhau, kể cả bên Mỹ, tìm nhau cũng qua tôi, hỏi tôi biết địa chỉ người này người kia không, cho dùm, rồi tin bạn bè đến sau, qua các trại tị nạn bên Mã lai Á, Phi. Từ Hùng Sùi, Cung Mù ở Phi, tới Lâm Tỷ, Hùng túy Trước, Nguyễn văn Tư râu, Phạm văn Đạt ở Mã Lai, thư từ không phải chỉ từ Mỹ Pháp, châu Âu gửi qua mà còn từ trại tị nạn ở Mã và Phi đi qua Nam Dương. Thiệt là nối vòng tay lớn. Còn những người trong trại tôi ở ít có thư, chỉ vì họ không chịu viết thư cho ai, lấy địa chỉ báo VN ở hải ngoại, viết thư cho họ xin nhắn tin tìm bạn cũ, hay chỉ xin mọi người làm quen, viết tin VN cho họ, báo chí cần dùng tin tức lạ để viết bài, họ đều trả lễ bằng cách gửi thư sang cám ơn, cho báo và có khi cho tiền nữa, hay ít ra cũng chuyển thư đến các hội thiện nguyện để lo hồ sơ dùm nếu cần, có thể giúp được đi định cư nhanh hơn. Nhất là may mắn hơn, hội CG của hai cha, trả tiền gửi thư cho, không tốn tiền túi.
.
.
Bốn đứa, dùng tiền được tiếp tế, phần lớn do anh tôi gửi đều đặn, đôi khi có ăn xài hoang một chút, đôi khi cũng xài bậy, đôi khi cũng say xỉn, nhưng mà tuổi trẻ lúc đó mới hơn đôi mươi, thì chắc, tương lai hay trách nhiệm cũng chưa có chút khaí niệm dành dụm nào. Xài qúa, hết tiền, thì kéo nhau đi bộ hơn 6 cây số mỗi lượt ra vào TP, nhịn đi taxi thôi. Tôi cũng không muốn bạn bè nói là mình bủn xỉn về tiền bạc, nhưng cũng nên biết tiền là do ông anh ở Úc cầy bừa cực khổ mới ra, may mà ông ta còn độc thân chưa phải nuôi dưỡng ai, cũng không đúng, ông ta vẫn phải nuôi gia đình tôi còn ở bên VN, nay thêm thằng em và bạn nó ở bên Nam Dương nữa. Nên có khi tôi cũng không dám vòi thêm tiền, chỉ hy vọng, thân nhân ba đứa bạn sẽ tiếp tế, hay có thêm cho tụi nó, thì tôi nói anh tôi giảm xuống. Không biết có lúc nào, mấy người bạn đi chung, có nghĩ là tôi bần tiện không, tôi cũng chỉ là tên ăn mày trong trại tị nạn đâu có tự kiếm ra tiền, cũng há miệng xin tiền thôi, hàng đêm nắn nót từng lá thư làm vui lòng bạn bè, hy vọng thư đi qua có chút tiền lẻ trong đó, cũng là lao động tinh thần mới có chút thuốc lá chùa từ đế quốc gửi qua cho bạn bè hút, dĩ nhiên là mấy đứa hút nhiều hơn tôi, vì tôi không ghiền thuốc.
.
.
.
người anh ruột của tôi, ở Úc, về thăm nhà năm 1974, anh trang trải mọi chi phí khi tôi ở trại tị nạn
.
Hết bài thứ mười chín … đọc tiếp bài thứ hai mươi … Như điện tín đã đánh qua hẹn trước, trưa thứ bẩy, hai người đến tìm tôi ở trại tị nạn bằng xe taxi, một người Hoa to lớn, Soh Hwee Beng, một phi công trong Không Quân Singapore, một người Úc Richard Gan là bạn của nó, anh tôi ở Úc, có nhờ Beng qua coi tình trạng sức khỏe của tôi, nơi trại tị nạn, mang dùm cho gói đồ gồm 50 AUS dollars, hộp thuốc bổ, hộp thuốc chống sốt rét, một quyển sách “How things work” giải thích mọi thứ máy móc, hay sản xuất kỹ nghệ, để học thêm tiếng Anh. Dẫn anh Phi Công này đi một vòng coi trại, coi nơi tôi ở. Như đã nói chuyện trong thơ với tôi, anh tôi cho biết đang tính chuyện, Beng có thể bảo lãnh tôi qua Singapore ở nếu tôi thích, anh tôi sẽ trả mọi chi phí. Beng là sĩ quan không quân, nên nó có thể đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về tôi khi ở Singapore . Nhà nó rộng, không có trở ngại gì hết. Beng hỏi tôi, mày có muốn qua ở với tao không, nó chỉ thằng Úc đi theo, thằng này cũng đang ở nhờ nhà tao, nó về Úc ngay, thì mày qua, không phiền gì hết …
.
.
viết thêm: hồi này mới biết tôi bị thất lạc một thùng giấy, trong đó có hình ảnh lúc ở trại tị nạn, có hình phim từ VN, có hình đội Túc Cầu trường ĐHKT sau 75, giờ tìm chưa ra vì dọn nhà nhiều lần, qua nhiều tiểu bang .. hy vọng sẽ tìm ra, có hình Cha Alfons và Cha Piet .. hy vọng.
.
.
by duongtiden
.
.
No comments:
Post a Comment