.
.
.
loạt bài con thuyền tháng bẩy, 77 … chuyến đi tìm tự do.
bài thứ mười bẩy . tiếp theo bài thứ mười sáu, kỳ rồi ..
.
.
Trưa ngày hôm sau, ngồi ngoài sàn cây chơi, ngó hai người lính hải quân Nam Dương, cột cái ca nô nhỏ, phía trước gần đó ngay cạnh sàn gỗ, họ gỡ máy ho bo ra tu sửa, loại máy gắn vào thành sau ca nô, không nhớ máy hiệu Johnson hay Everdure gì đó, khỏi google chữ viết, vẫn nhớ âm là như vậy, hai loại máy này rất thông dụng của Mỹ dùng cho ca nô, ho bo. Họ loay hoay sửa máy, sau đó chạy thử một hồi bên ngoài biển, rồi trở vào. Lúc trở vào, thì lại chạy ngược số de, là đuôi ca nô đi vô trước, họ có vẻ bực mình, hai người lính nói chuyện to tiếng như cự nự nhau, sửa một chập nữa, nhưng máy chỉ chạy de, ca nô chỉ đi ngược chứ không đi tới. Có vẻ họ bó tay ngồi nghỉ, và rầu rĩ vì làm hư máy.
.
Chúng tôi không có gì làm, ngồi nhìn từ đầu đến giờ để giải trí thấy cũng mắc cười, PhD nói thôi để giúp họ một chút, PhD và Boy đi tới, ra hiệu cho biết có thể giúp họ làm cho ca nô chạy tới. Hai người lính có vẻ ngạc nhiên, nhưng không biết làm gì hơn là để cho hai đứa giúp đỡ. PhD và Boy, gỡ phần dưới của máy, nơi hộp số chuyển qua chân vịt, tụi nó tháo hết ra, rồi từ từ lắp lại. Sau đó thì nổ máy, kéo ngược máy hổng chân vịt lên khỏi mặt nước để thử, thì bây giờ, chân vịt quay chiều nào cũng được, như vậy là chạy tới, hay chạy de cũng đuợc. Hai người lính hải quân nhẩy lên thử ca nô, đi tới đi lui. Vui mừng quay lại, neo ca nô, cám ơn và mời chúng tôi hút thuốc. Têri ma Kassi là cám ơn … qua vài tuần rồi, chúng tôi cũng biết ít tiếng Nam Dương.
.
.
.
khi lên bờ thi PhD ghi lại hình ảnh ngay theo trí nhớ hay vẽ tại chỗ bằng những phác họa, lúc lên Sedanau, thì không dám vẽ hay ghi chú gì, vì đang bị điều tra kỹ quá, sợ bị nghi là gián điệp. Bài kỳ này thiếu minh họa, nên tôi vẽ lại cái sàn cây trước phòng sau ba mươi mấy năm trí nhớ được có vậy, có điều vẽ xong mới thấy hai người lính HQ, thân hình lớn quá, không đúng tỷ lệ, và nhớ lại là họ mặc quần ngắn, mai mốt sẽ sửa lại sau. Còn cái nhà tắm và cầu tiêu ở bên trái, đại khái là như vậy. nơi Boy bị rình rập lúc đang ở truồng ..
.
.
Thấy vui vì giúp đõ được người khác, Hướng đạo Sinh giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào, tròn bổn phận, kéo nhau vô phòng nằm ngủ gật, chờ cơm chiều. Lại có tiếng đập cửa, lính hải quân kêu mấy đứa ra ngoài hết. Vài sĩ quan hải quân, người đại úy biệt kích lại có mặt, hai người lính hải quân vừa được giúp sửa máy ho bo, cũng đứng đó, vẻ mặt hơi đỏ. Lại dàn hàng ngang như ngày hôm qua bắt Boy ra khi đang tắm. Đại Úy tình báo tra hỏi tiếp chúng tôi. Tại sao không hề đi lính hải quân, mà lại biết sửa máy ca nô của hải quân, vậy thì khai thiệt đi, lính hải quân chuyên nghiệp (ND) ở đây không sửa được, tại sao PhD và Boy, chỉ là sinh viên lại sửa được.
.
Ông ta cười nói, cho mấy người lính này (lính Hải Quân Nam Dương) đi vượt biển từ ND qua VN, chắc chết chìm hết, đâu thành công như chúng tôi, máy ca nô không biết sửa, phải để cho chúng tôi sửa dùm.Tôi cũng buồn cười hơn là tức, vì làm ơn mắc oán, tôi, PhD và Boy cho biết cái máy ca nô gắn đàng sau của Mỹ rất thông dụng, ở VN có thiếu gì máy ca nô của Mỹ, nhà tụi nó có ca nô kéo người đi trượt nước trên sông, đi săn bắn cá ngoài biển, ca nô rất thông dụng ở VN, gia đình tụi nó khá giả, có ca nô riêng, từng sửa cái máy Johnson này nhiều lần. Tôi cười thầm trong bụng, lính HQND của ông ẹ qúa, không sửa nổi cái máy ho bo, lính thời bình có khác !! hay là vì PhD và Boy là hai đứa giỏi qúa mức trung bình .. hai thằng thông thạo ba thứ tiếng, một thằng huy chương vàng bơi lội sinh viên SG, săn bắn dưói biển … còn thằng là PhD thì thông thái qúa, cái gì mà nó không biết. !! đi trốn, mà nó còn mang theo cái nồi nấu bằng thùng gas trên biển … nếu ông Đại Úy này mà nhìn được đầy đủ đồ trang bị của chúng tôi trên ghe không thiếu thứ nào … hi hi .. chỉ thiếu hai thứ cần thiết nhất là nước uống và thiếu đồ ăn thì ông ta còn nể phục nữa … dĩ nhiên hai đứa đó giỏi hơn lính Hải Quân ND của ông ta … hi hi … giờ viết tới đây, quên đã không kể ra cái chuyện tài giỏi của PhD, không biết nhớt máy và nhớt hộp số lỏng và đặc khác nhau như thế nào, không thèm đổ nhớt vô hộp số lại sau khi thay nhớt … làm máy ghe chết không chạy nữa trên sông lúc khởi hành, rồi hai thằng không biết hướng 260 độ là hướng gần Tây, cứ tưởng là Đông Nam, đi lạc một cú suýt chết, thì chắc ông Đại Úy biệt kích, tình báo này sẽ cười chúng tôi bể bụng, và tin ngay, PhD và Boy chưa hề đi Hải Quân bao giờ. Địa phương Quân hay ngay cả Nhân Dân Tự Vệ cũng chưa được gia nhập. Khỏi phải mất công điều tra nữa.
.
Nghe có lý, nên người đại úy và mấy sĩ quan hải quân không nói gì nữa, rồi bỏ chúng tôi ở đó, không hạch hỏi nữa. Hồi sau thì hai người lính lấy ca nô dời đi chỗ khác, ra dấu cho biết họ không có nói gì để tạo ra chuyện vừa rồi, nhưng có mấy đứa lính khác bên trong nhìn thấy, nên tụi nó đi báo cáo, kéo những người chỉ huy xuống để hạch hỏi. Chúng tôi cũng cười, ra dấu thông cảm và dơ tay chào họ. Mấy đứa bật cười, nói với nhau, hai thằng cha này quê chết, sửa máy làm máy hư dám bị phạt, đâu dám đi khaí báo tụi mình sửa máy dùm cho đâu. Như vậy cũng có chuyện vui kiểu cười chẩy ra nước mắt, qua buổi chiều. Có điều không biết lúc nào mới hết bị điều tra, và được đưa đến trại tị nạn để Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc chính thức có danh sách của chúng tôi đây, cứ bị nhốt ở đây riết để điều tra thì cũng rầu lắm. Đành chờ đợi thôi. Đi từ VN qua chỉ có 11 ngày đêm trên biển, nay đi lang thang theo giải giao gần ba tuần lễ, vẫn chưa biết sẽ được đi đến đâu nữa đây, chừng nào mới đến được trại tị nạn.
.
.
.
cảnh hoàng hôn trên một đảo Nam Dương, ở gần Sedanau, nhìn giống như bờ đá san hô chung quanh đảo Laut, đảo đàu tiên thấy trên đường ghe đi.
.
Sáng ngày hôm sau, ông quận trưởng đến kêu tôi ra, tách riêng, nói tôi sửa soạn lên trên văn phòng quận với ông. Tôi còn bộ đồ quần dài xanh lá cây đậm, áo sơ mi trắng mang theo, đi dép cao su mới được cho, nhìn chưa đến nỗi tệ hại lắm, còn tóc tai râu ria thì khỏi bàn đến. Đi ra ngoài khỏi khu nhà sàn, tới cái sân nhỏ, ông này đưa chiều khóa, chỉ cái xe Honda đàn bà, gọi là xe dame, ra dấu hiệu là tôi sẽ dùng xe chở ông ta đi. Dễ thôi, tôi tra chìa khóa đạp xe, lên ga nổ máy dễ dàng. Ông quận trưởng ngồi sau ôm bụng tôi.
.
Rồ ga lên, đạp số, phóng ga, chồm lên hơi giưt mạnh mấy cái, lâu quá chưa lái xe Honda. Đi biển lâu quá, giờ lên bờ, đi bộ còn lạng quạng vì say đất. Hồi trước thì tôi có cái Honda Scrambler, đàn ông, bóp tay am-bray-a rồi đạp số, sau đổi qua cái Honda PC cho tới lúc đi vượt biển, từ đó tới giờ ít có dịp lái xe Honda Dame lắm, nên khi buông số, và tay ga chưa êm, giật chồm mấy cái, đi lên thêm chừng trăm mét nữa, thì ông Quận Trưởng ra dấu hiệu đủ rồi, kêu tôi ra sau ngồi, để cho ông ta lái, có lẽ sợ tôi gây ra tai nạn. Té ra, lại tiếp tục điều tra, coi nếu là gián điệp CS, thì có thể chưa biết chạy xe Honda. Đúng là họ cũng nghĩ rằng loại Cán Ngố CS như tôi thì làm gì biết lái xe Honda .. hay cái nồi ngồi trên cái cốc, thử sẽ biết liền.
.
Lên trụ sở quận, gần đó, qua con đường nhỏ, trên này không nhìn thấy xe hơi, nên không có đường lớn. Đi vào sân, thì gặp lại người đại úy sĩ quan biệt kích, tình báo gì đó, giao tôi cho ông sĩ quan này, rồi ông quận trưởng bỏ đi. Người đại úy, dẫn tôi đến một cái sân rộng đang được đốn cây, đào lên, dọn trống ra, gốc rễ cây còn ngổn ngang. Cho biết đây là chỗ quận đang làm một cái sân tennis. Vì tôi là Kiến trúc Sư, nên ông ta nhờ tôi vẽ cái sân tennis, tính toán sàn nền bê tông, hàng rào lưới sắt chung quanh. Tôi nghĩ bụng, đây lại là một cách điều tra của ông ta coi thử tôi có thật sự là KTS như đã khai hay không.
.
Ông quận trưởng quay lại chỉ tay vào cái sân đất ngổn ngang gốc rễ cây lớn và nói, mấy đứa bạn đi chung với tôi, không có chuyện gì làm, ở không, bây giờ ông ta sẽ kêu mấy đứa lên dọn gốc cây. Tôi nói không, chúng tôi không phải là tù nhân đang đền tội, mà là người VN đi tị nạn CS, tìm tự do, được Liên Hiệp Quốc chính thức bảo vệ, giúp đỡ, và quỹ Tị Nạn LHQ đã trang trải mọi chi phí cho các chính quyền địa phương nơi có người tị nạn VN đến. Thấy tôi biết rõ ràng mọi chuyện và nói trả lời ngắn gọn. Ông quận trưởng này chỉ nhìn người đại úy rồi cười, không nói gì nữa, rồi bỏ đi.
.
Tôi cho ông đại úy biết, chuyện ông ta nhờ, không có gì là khó khăn, tuy nhiên tôi cần kích thước chi tiết của sân tennis, là sân quần vợt, vì không nhớ sẵn trong đầu, còn ghi chú, sẽ ghi chú bằng tiếnh Anh, hoặc tiếng Pháp theo khả năng của tôi. Người sĩ quan, dẫn tôi vào văn phòng quận, ngồi uống nước trà nóng, hút thuốc lá, trong khi nhân viên trong quận, đi lấy giấy bút và thước vẽ, ê ke cho tôi, rồi cho bàn làm việc. Tôi chỉ ngồi đôi chút, ghi chép kích thước, phác họa vị trí miếng đất, nhà cửa chung quanh rất nhanh, rồi cho biết tôi có thể trở về nơi trại hải quân, làm việc trong đó. Ý trong bụng là tôi không muốn cách xa mấy đứa kia, không biết có chuyện gì lộn xộn lại xẩy ra hay không tại nơi đó.
.
Lúc này, người đại úy thân thiện hơn, ông sĩ quan này khô khan lạnh lùng, nét mặt lầm lì, khắc khổ, không dỡn như ông quận trưởng, tuy nhiên không hề nói chuyện có vẻ lợi dụng hay hỏi có tiền bạc như ông quận trưởng kiêm cảnh sát trưởng. Người đại úy hỏi tôi một số câu hỏi về tình hình quân sự của VC tại Miền Nam sau 75, những điều mà một sĩ quan biệt kích tình báo, đang trấn giữ biên cương của thế giới Tự Do, có chung biên giới với CS, đều cần hỏi cho biết, cũng có thể hỏi để so sánh với những chi tiết ông ta cũng đã có thể biết.
.
Khi trở về trại Hải Quân, lần này thì người sĩ quan đại úy chở xe Honda cho tôi về, cầm theo xấp giấy, bút, đồ vẽ. Vào trong thì không thấy ba đứa kia đâu hết, tôi hỏi thăm thì được biết, ông quận trưởng đã đến dẫn ba đứa kia đi đâu mất, chỉ lo rằng ông ta bắt tụi nó đi lao động dọn gốc cây thì tôi sẽ cự nự sau. Tôi xin họ cái bàn và ghế, rồi kê trong cái sàn cây, gần phòng ngủ, bắt đầu vẽ và tính toán bê tông đổ nền, và đổ móng chân cột hàng rào. Lúc đó, thì vẫn còn nhớ tỷ lệ xi măng, cát, sỏi hay đá, theo kiểu tính bê tông do thầy Phạm minh Cảnh dậy, còn bây giờ lúc viết lại hồi ký này, hơn ba chục năm sau, thì quên hết rồi, vì dùng bê tông theo kiểu Mỹ quen, không có trộn tay từng bao xi măng, mà chỉ gọi xe vận tải, loại xe thùng quay, mang bê tông trộn sẵn đến đổ, muốn loại nào, 3000, 4000, hay 5000 psi, cứ việc cho biết, hãng trộn bê tông sẽ tự động trộn đúng công thức theo luật xây cất, bảo đảm, không hề có ăn gian. Sau khi đổ vài tuần, có thử ép bể mẫu bê tông cho biết có đạt được đúng sức chịu đưng theo qui định hay không.
.
Vẽ sân bê tông, chia lằn dãn nở đều mọi nơi, chia khe dãn nở ngay giữa sân, lỗ chôn cột sắt kéo lưới. Dàn cột gỗ, hay cột sắt, tùy ý họ chọn lựa, cửa ra vào, chăng lưới sắt vuông, hay lưới mắt cáo, hình lục giác hay hình vuông chéo góc. Vẽ chi tiết móng của cột, độ sâu bao nhiêu đầy đủ, ghi chú bằng tiếng Anh, cũng không đến nỗi bị bí danh từ chuyên môn nào. Tính bê tông, chia sắt ra đặt đều cho khỏi bị rút nứt, cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ đổ sàn bê tông, rồi làm hàng rào, thấp hai bên hông, cao ở hai bề cuối sân.
.
Trưa thì thấy mấy đứa từ đâu đó trở về để ăn cơm trưa chung với nhau. Hỏi tụi nó bị dẫn đi đâu vậy, mấy đứa cho biết, ông quận trưởng dẫn đi vô văn phòng quận, vào phòng, nhờ vẽ cho ông ta mấy tấm bản đồ, tô mầu, loại bản đồ và biểu đồ dùng để thuyết trình. Đây cũng là một cách điều tra, thử coi nếu đã khai là Sinh Viên Kiến Trúc SG, thì phải biết vẽ và tô mầu. Đúng là họ làm mọi cách vừa điều tra chúng tôi, vừa có lợi cho họ, như vậy cũng hay, ít ra coi như sự trao đổi và chúng tôi cũng cảm thấy vui, vì đã học Kiến Trúc, nên có chuyện được người khác nhờ vả chút chuyên môn, hơn là ở không.
.
Đến chiều, thì tôi làm xong hết, vẽ chi tiết, tính toán đầy đủ, bình đồ, thiết đồ, thêm vài chi tiết kết cấu. PhD, Boy và Dao đi làm tiếp buổi chiều vẽ bản đồ và biểu đồ trên văn phòng quận cũng trở về. Đại Úy tình báo đến nói chuyện với tôi, nhận tập giấy vẽ và tính toán bê tông, coi cẩn thận, hỏi ít câu, rồi hỏi tại sao dùng nhiều xi măng và sắt quá vậy. Tôi cũng biết mình tính dư một chút, cố ý để cho tụi ND biết, bên VN đổ bê tông tốt hơn. Tôi trả lời, ở Miền Nam học đại học theo tiêu chuẩn của Mỹ và Pháp, nên tính toán bê tông như Mỹ vậy. Ông ta có vẻ hài lòng lắm, nhìn những tờ giấy vẽ chì, ghi chú tiếng Anh, có vẻ tò mò, tôi không nghĩ là ông ta sẽ hiểu hết những ghi chú. Có điều, không biết vì cần tôi vẽ giúp, hay chỉ là một cách điều tra của ông ta coi tôi có đúng là KTS không, như đã khai, cho nên tôi cũng có biểu diễn vẽ và nhá tiếng Anh một chút.
.
.
lấy tấm hình này trên net, mới đây, một cái nhà gì đó ở Sedanau, hơn ba chục năm trước thì không có nhà lớn và khang trang như vầy.
.
.
Trước khi tôi rời SG, thì đang làm KTS cho Tổng Cục Hoá Chất, văn phòng trong trụ sở của Pháp Văn Đồng Minh Hội cũ bên cạnh trường Tabert phía sau đường Gia Long, nôm na là trụ sở Văn Hóa Pháp. Bên này dụ tôi qua làm việc từ Viện Quy Hoạch của anh Lê văn Năm và ông KTS Ng hữuThiện, nơi cũ này chưa có ký hợp đồng với tôi, vì đã nhận làm từ hồi còn là sinh viên. Còn bên Tổng Cục Hoá Chất của anh Đơn làm giám đốc nhân viên, có ký hợp đồng với tôi đàng hoàng. Bên VQH, kêu anh Đơn qua, cự nự, tôi cố tình đi ngang qua văn phòng họp của ông Thiện và anh Năm để nghe lén, thì nghe anh Đơn nói: tại sao có nhân viên giỏi mà không ký hợp đồng, với lại anh Đơn cần người biết tiếng Anh để vẽ cái nhà máy phân bón do Đan Mạch viện trợ tiếp, phải vẽ bằng tiếng Anh, nên đã dụ tôi qua ký hợp đồng rồi, thôi tôi làm việc chỗ nào, cũng là làm việc cho cách mạng thôi. Hết chuyện.
.
Lúc đó, tôi có quyển sách Architects' Data bằng tiếng Anh, do ông anh từ Úc mang về, tức là quyển Neufert, sách Cẩm Nang Kiến trúc của Pháp, ấn bản tiếng Anh, dùng sách đó, vẽ bài bằng tiếng Anh, nên danh từ Kiến Trúc đã có thêm số vốn tiếng Anh, để đi du học như ý muốn từ trước, hay đi trốn khỏi VN, nếu có dịp. Lúc bây giờ thì có dịp trổ tài vẽ cái sân quần vợt, ghi chú toàn bằng tiếng Anh. Lúc đi trốn, còn để lại cuốn sách khổ lớn dầy mấy trăm trang, Architects' Data này, và nguyên hộp bút vẽ mực Rotring, tại văn phòng ở SG để cho khỏi bị nghi ngờ là khi dọn sạch đồ là sẽ đi trốn. Không biết tên nào còn ở lại chôm đồ KT của tôi đi bán chợ trời, hình như Thành Râu, cựu trung sĩ Hải Quân, vì tôi đổi sợi giây lưng quần bằng da lấy con dao găm biệt kích mới tinh của tên này, và cho biết sẽ ra đi, để hôm nào hỏi anh Trần mạnh Đức KT66, đã cùng làm ở Tổng Cục Hoá Chất, còn ở lại sau, thì biết.
.
Qua một ngày làm việc đàng hoàng như Kiến trúc Sư trên đất Nam Dương, có điều không được lương mà thôi … thấy cũng vui, ngày mai có chuyện gì nữa đây? … sẽ bị điều tra tiếp như thế nào. Tôi suy nghĩ là chắc họ, là mấy sĩ quan ở Sedanau này đang chờ lệnh từ bên trên, sau khi gửi tường trình cuộc điều tra về chúng tôi đi lên bộ chỉ huy của họ, để cấp trên quyết định. Tôi nghĩ thầm và bật cười, hay là họ gửi chi tiết của chúng tôi về toà Đại Sứ Mỹ ở Jakarta để coi có phải là nhân viên CIA của Mỹ bỏ lại nằm vùng ở VN, nay đi lạc qua được ND, thì Mỹ tới mà đón về .. hi hi .. tôi đi ngủ trong giấc mơ, mình là điệp viên xuất sắc 009 của Xịa … nay thì anh hùng đào thoát ra .. sắp sửa được Xịa đón về gắn huy chương và trả lương rắp pen … hi hi cười mà đi vào giấc ngủ … hình như buổi chiều họ tăng thêm phần ăn của chúng tôi, và hình như có cho thêm bao thuốc lá nữa.
.
.
.
No comments:
Post a Comment