Hôm nay rất vui mừng, lại được đón tiếp những hồi ký về Cam Ranh, đang chuyển lần về Cục Công Binh, ghi nhận những chi tiết của lịch sử dưới tầm mắt gần của một Thiếu Úy trẻ và cuộc sống binh ngũ chung quanh anh cùng việc theo học trường Đại Học Kiến Trúc rất là dài hơi ... kiên nhẫn. tmddesign cám ơn anh Quyền rất nhiều, cho phép lưu giữ hồi ký tại đây ... như lưu giữ lịch sử qua con mắt những người bình thường từng dự phần sống qua cuộc chiến ... hết lời tựa của tmd.
.
.
.
.
.
.
Đối với việc “bị” đổi về Sài-Gòn, tôi cho rằng như thể bị đưổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, danh từ này đã từng được John Steinbeck dùng cho quyển tiểu thuyết trứ danh của ông, East of Eden đã từng được quay thành phim nhiều lần. Tôi xin trích dịch một trang trong Phần đầu của quyển sách này để giới thiệu:
.
Tôi tin rằng có những loài quái vật sinh ra trong đời bởi cha mẹ bình thường. Có đứa như bạn thấy, dị dạng và kinh khiếp, với cái đầu thật to hoặc thân thể cực nhỏ, có đứa không tay, không chân, vài đứa có đến ba tay, có đứa có cả đuôi hoặc miệng ở những chỗ đặc biệt. Những vụ này thường được coi như là tai biến và không phải do lỗi của ai cả. Ngày xưa việc sinh ra quái thai này được coi như là Thượng Đế trừng phạt các người làm ra tội lỗi mà cố che dấu.
.
Và cũng giống như đã có những quái vật về thể chất, có thể nào có một loại quái vật về tinh thần hoặc tâm lý được sinh ra chăng ? Mặt mũi và thân người có thể bình thường, nhưng mầm giống bị trục trặc hoặc noãn sào bị dị dạng đã sản sinh ra quái vật dị dạng, có thể nào cùng nguyên tắc ấy đã sinh sản ra một linh hồn quái thai không ?
.
Quái thai là những sự biến đổi khác với hình dạng bình thường ta có thể chấp nhận được đến một mức độ cao hơn hay kém hơn. Cũng giống như một đứa bé sinh ra không tay, có đứa lại được sinh ra không biết sự tử tế là gì hoặc thiếu hẳn lương tâm. Một người bị mất hai cánh tay vì tai nạn phải cố gắng tối đa để thích hợp với sự thiếu sót, nhưng một người sinh ra không tay, chỉ đau khổ vì những người khác thấy họ không giống ai. Vì chưa từng có tay, người ấy không cảm thấy thiếu nó. Đôi khi lúc còn trẻ chúng ta hay tưởng tượng cái cảm giác như thế nào nếu chúng ta có được một cặp cánh, nhưng chẳng có lý do nào để nói rằng loài chim cũng có cái cảm giác tương tự. Đối với một quái nhân, những gì gọi là khuôn khổ bình thường của chúng ta, đối với họ đúng là quái dị, vì lý do tất cả mọi người đều nhìn thấy là mình bình thường. Đối với một quái vật trong nội tâm, điều đó càng khó hiểu hơn, vì hắn chẳng có gì nhìn thấy được để mà so sánh với người khác. Đối với một kẽ sinh ra không có lương tâm, người có tâm hồn chính chắn quả là kỳ cục. Đối với một tên tội đồ, liêm khiết là một sự điên rồ. Bạn đừng quên rằng quái vật chỉ là sự khác biệt, và đối với quái vật những khuôn khổ của người thường đều là quái đản.
.
Phần Thứ nhất, chương 8
Miền Đông vườn Địa Đàng ̣(East of Eden)
John Steinbeck
.
Bạn KT- Cục Công Binh, Sài Gòn (kỳ1)
Viết tặng các anh Trần-Quang-Nhật-Huân KT63, Ngô-Đình-Kha KT63, Nguyễn-Văn-Thọ (Thọ điếc) KT60?, các bạn Đỗ-Duy-Tùng KT64, Trương-Công-Tâm KT65, Nguyễn-Văn-Nghi KT66, Phạm-Việt-Cường KT66, Nguyễn-Hữu-Tấn KT65, Nguyễn-Hoàng-Phố KT69...và tất cả bạn già KT.
.
Lời nói đầu
.
Trước khi tiếp theo loạt bài Hồi Ký bạn Kiến Trúc , tôi xin tỏ lòng biết ơn với tất cả các bạn bè đã nhắc tôi nhớ lại, cùng những ký giả và cựu binh sĩ, Hạ Sĩ Quan đến cấp Tướng đã không ngại bỏ công viết lại hồi ký thuật lại các trận đánh cũng có, các cuộc hành quân và quan trọng nhất là thuật lại các biến cố trong hai tháng 3 và tháng 4 năm 1975. Tất cả các Hồi Ký này đều là tài sản của trí tuệ, là những chi tiết sự thật của Lịch Sử , nhờ đó giúp tôi hiểu thêm nhiều chi tiết của những ngày cuối cùng đó và đồng thời giúp cái trí nhớ nhỏ nhoi của tôi càng ngày càng phai nhạt đi được hâm nóng lại. Các hồi ký này, đương nhiên bị đối phương nguyền rủa và xuyên tạc.
.
Bài “Phó Đề Đốc Hoàng-Cơ-Minh” của cựu Trung Tá Hải Quân Phan-Lạc-Tiếp, là một tác giả của nhiều bài vở rất có giá trị, ông và ký giả David Butler, tác giả quyển sách thuộc loại Best Seller “the Fall of Saigon”,1985 ( trang 211) đều xác nhận PĐĐ Hoàng-Cơ-Minh nguyên là Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ, vùng đồng bằng Cửu Long được chỉ định ra làm Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải gần cuối tháng 3 năm 1975 và ông chỉ có mặt trên chiến hạm HQ3 kể từ đó. Nhờ những hồi ký này giúp tôi chứng minh việc Tướng Minh ra lịnh cho 1 Th/Úy quèn của KQSTT và là 1 SV tầm thường của trường Kiến Trúc, đến Bộ TL phía Nam bán đảo CR trình diện ông đầu năm 1974 là một chuyện hoàn toàn bịa đặt, vô lương tâm, nhằm mục đích hạ uy tín ông và lường gạt kiến thức của các bạn và các chị KT không phải đi lính trong thời gian chiến tranh khốn khổ đó.
.
Tôi cũng nhân dịp ghi nhận nơi đây lòng cảm phục sâu xa hồi ký Con thuyền tháng 7 năm 77 của người bạn trẻ DMT KT70, bạn đã bỏ công viết lại một giai đoạn đời rất ly kỳ và gay cấn, câu chuyện này mà tôi cho là còn hay hơn cả quyển Papillon của Henri Charrière nửa. Vì lý do nó gần gũi với chúng ta, nói đến những người bạn của chúng ta, cùng là một tài liệu sống thực vô cùng hiếm có và quý giá. Chúng ta đã từng được đọc lịch sử của Trường KT do vài bậc đàn anh viết nhưng hồi ký thì tuyệt nhiên không vì viết hồi ký đòi hỏi không những phải chỉ có một trí nhớ ngoại hạng, nó còn đòi hỏi thời gian đó cặp mắt đôi tai phải ghi nhận tất cả sự việc bao quanh và cuối cùng, khi viết, trái tim vẫn còn rung động như thời trẻ vậy.
.
LCQ
.
.
Cổng Thiên Đàng
.
Chiếc GMC chở đồ đạc dọn nhà của tôi ra đến Cổng Mỹ Ca nhập vào đoàn xe của Quân Vận khoảng 20 chiếc để chờ khám xét trước khi cho phép ra khỏi bán đảo. Tôi không biết được Thánh St-Pierre có xét ai khi ra Cổng Thiên Đàng hay không, nhưng ở đây một toán lính Địa-Phương-Quân trang bị vũ khí, đang chia nhau lục soát và xem giấy tờ các xe đầu và đang tiến từ từ đến xe tôi, trong lòng hơi e ngại vì trên xe tôi, có những bàn, ghế, tủ, 2 thùng gỗ dùng để sách, 1 giường sắt của Mỹ & bộ nệm..v..v.. đa số đều do tự tay tôi đóng lấy, những đồ đạc này tôi không có giấy phép đem chúng ra khỏi đảo.
.
Cổng Mỹ Ca này trong 2 năm trời tôi qua lại không biết bao nhiêu lần, do một Đại Đội Địa Phương Quân trấn giữ, phía bên trong đầu cầu Long Hồ với nhiệm vụ kiễm soát ra vào bán đảo, nếu cầu bị giựt sập, đơn vị này vẫn còn ở tại chỗ. Lúc tôi lên phòng Hành-Chánh Tiếp Liệu gặp Thượng Sĩ I Biền, người cao lớn, đen đủi, cặp môi thâm sì, yêu cầu cấp cho giấy chứng nhận để xuất đảo, y không chấp thuận mặc dù không biết tôi có những thứ gì:
- Th/Úy muốn gì qua nói với Đại Úy Sáu kia.
Bước qua Đại Úy Trần-Văn-Sáu trưởng phòng, em rể của Thượng–sĩ Chương* (làm cùng Phòng Kỹ-Thuật với tôi), Ông này, đầu có vẻ to, người có bề ngang mà không có bề cao, cao khoảng 1m54, ông cũng không chịu, vừa cười vừa nói bóng gió phải có “2 chai 3 dĩa”, tôi cũng cười cười nói với ông ta:
- Ồ không sao, Đại Úy để tôi lo cũng được._ Tôi nghĩ trong lòng sẽ có cách qua được Cổng Mỳ Ca.
Nếu tôi không nghĩ đến ý định lập gia-đình, tôi cũng chẳng cần đem mấy đồ đạc nầy về SG làm chi. Lúc ra đây chỉ có một túi sac-marin đựng đủ thứ mùng, mền, chiếu, gối, một hộp sà bông, một cái khăn lông, một cái chén, một đôi đủa, xấp giấy viết thơ, vài cây viết, một quyển Penthouse...còn cây porte-mine bất ly thân Steadler màu xanh mua từ 1965 vắt trong túi áo cùng với đề thi Đồ án KT tháng đó xếp làm tư. Tấm thẻ bài ghi tên, số quân và loại máu kèm theo cái mảnh đồ khui đồ hộp thì đeo lủng lẳng nơi cổ. Tất cả lính Mỹ và VNCH đều trang bị tương tự như vậy kể từ Đệ Nhất Thế Chiến đến nay, tôi có thể ra khỏi Cổng với ngần ấy thứ, chẳng cần phải lo âu bị làm khó dễ, tịch thu đồ đạc..v..v..
.
Bỏ ra mấy ngàn đồng đãi mấy người này để có được 1 tờ giấy là một việc tôi không bao giờ chấp nhận, ngày thường gặp nhau chào hỏi niềm nở, có khi tôi vô tình kiếm tiền cho ông bỏ túi, bây giờ trở mặt, nhờ không được. Tôi phải dài giòng thuật lại như sau: nguyên có một đêm đến phiên tôi phải làm SQ trực tại đơn vị, (trong tất cả SQ, chỉ có chỉ có tôi và Thiếu Úy Mai-Xuân-Lượng, kỷ sư CC chịu khó ngủ tại phòng trực, giữa khuya đi một vòng kiễm soát các vọng canh) có một binh sì̃ chạy vào báo:
- Th/Úy, dưới kia đang có một bọn đang tháo gở tôle.
Bổn phận SQ trực phải giải quyết cấp thời về an ninh, nhưng vì đơn vị của chúng tôi tên là Khu Quân Sản Tạo Tác cho nên lại phải bảo vệ tài sản QĐ do người Mỹ giao lại càng ngày càng vơi đi, một số binh sĩ của các đơn vị khác đợi đêm xuống đi tháo gở tôle, ván ép, bồn cầu, dây điện, ống nước..v..v..Tôi lập tức tập họp các binh sĩ trực, khoảng 3 người, để đi xuống đó đồng thời báo cáo cho SQ trực cấp cao hơn là Đ/Úy Sáu hôm ấy biết tôi dẫn lính đi đâu.
.
Tôi cùng toán lính của Sở còn cách độ 150m, thấy bóng 2, 3 người đang hí hoáy tháo gỡ mái tôle cái barrack thứ́ 2 đầu dãy nhà bỏ hoang không ai ở, tôi bảo Hạ sĩ I Tánh đang cầm khẩu súng phóng lựu M-79:
- Em nã cho anh 1 trái ngay đầu dãy chỗ cái lùm cây kia, khéo coi chừng đừng trúng ngay họ.
Hạ sĩ I Tánh nhắm khẩu M-79 về hướng tôi chỉ, bấm cò, “Ầm !”, một cột khói nhỏ bốc lên, tôi ra lệnh xung phong theo hàng ngang, đến nơi cho một binh-sĩ bọc ngay đầu dãy, chừa nguyên 2 cạnh trống đàng sau và bên trái để “địch” có chỗ chạy* theo Tôn Tử chỉ bảo. Thật vậy, chúng tôi vừa chạy lên vừa hô “xung phong” vừa bắn mấy phát M2 dọa “Bốp”, “Bốp”...đến nơi không còn ai nửa chỉ còn thấy 1 đống tôle khổng lồ! Tôi cho 1 binh sĩ chạy về báo Đ/Úy Sáu, ông lập tức cho một xe Dodge 4 đến chở hết “tang vật” đống tôle về Sở, đoạn ra lệnh mở cửa nhà kho lớn rồi bảo binh-sĩ đem hết đống tôle ấy vào. Tôi ngơ ngẩn sao không thấy ông gọi Quân Cảnh đến làm biên bản. Ghé về nhà uống nước sau khi “action” khan cả cổ đồng thời trấn an patron Ng-Thanh-Hà KT63 đi công tác cho DAO ghé lại chơi với tôi vài ngày, anh nghe tiếng súng gần nhà hơi ngại nên tôi thuật cho anh nghe tự sự, anh nói:
- Bồ đâu cần làm chi mấy chuyện đó!_ Tôi không nói chi, chỉ thầm nghĩ, tôi đang lãnh nhiệm vụ SQ trực, lính báo cáo có chuyện, chẳng lẽ tôi lặng thinh, bất động ?
.
Đến chiều hai hôm sau, Đ/Úy Sáu tìm tôi và dúi vô tay một tờ giấy bạc 500 $, ông vừa nói vừa cười:
- Giữ cái này uống bia, công của anh bảo vệ tài sản của quân đội_ Tôi học bài học giang hồ như vậy, thì ra đống tôle này đã được thanh toán ngoài mấy tiệm bán đồ lạc xon ngoài Cây Số 9, tôi tính nhẩm: hôm ấy có 6 người trực trừ ông, 6 lần 5 = 30, ông cao cấp hơn, chắc phần ông khoảng 2 ngàn ! Các vị SQ lớn nhỏ, hiền hay dử đêm đó đều yên lành giấc điệp, chẳng hay biết điều gì kể cả vị CHT.
Việc này cho thấy chiếc xe chở đống tôle ra cổng, hoặc là có giấy xuất bán đảo, hoặc là một ông Đ/Úy ngồi trên xe, hoặc hối lộ người lính gác tại đó. Có một lần tôi đã định đem lính ra bắt mấy tên ĐPQ tại đây về trị rồi nhưng Th/Tá Ái Phó CHT đã ngăn tôi lại, không cho phép.
.
Bất công tại Cổng Thiên Đàng
.
Một chiều Chúa Nhật nọ, tôi lái xe Jeep đưa gia đình ông bà Th/Tá Ái, phó CHT và vài đứa con của ông bà cùng nàng TLN của tôi ra ngoài Ba Ngòi đi chợ, ông được cấp phát một tài xế riêng nhưng ông không muốn làm phiền người binh sĩ đó, thường thường cuối tuần ông cho anh ta trở về Nha Trang với gia đình, vì lúc hai vợ chồng ông rủ chúng tôi ra chợ hoặc đi picnic đã có người bạn trẻ thay thế. Khi trở về, người lính ĐPQ gác tại Cổng 1 bắt buộc tất cả xuống xe đi bộ vào trạm kiễm soát để trình giấy tờ, chỉ trừ tôi lái xe và ông Th/Tá Ái ngồi bên cạnh. Tôi giận kinh khủng vì sự bất công này, tôi đã từng ra chơi ngoài Cây Số 9 không biết bao nhiêu lần, đi với các SQ “nhà đèn “ cũng có, đi với các SQ, binh sĩ của Sở cũng có, tôi đã từng trông thấy các SQ “nhà đèn “ chở các cô em ca-ve ra vào bán đảo khỏi phải xuống xe, cũng chẳng cần trình giấy tờ, binh sĩ gác Cổng 1 rồi Cổng 2 đều điềm nhiên để cho qua một cách dễ dàng, chỉ cần trên xe vị SQ cười cười với họ một phát là đủ !
.
Bãi Dài ở hướng Bắc, nơi tôi nói chuyện với Thiếu Tá Ái lần cuối cùng, (trong HK CR kỳ 10)
.
Trong số SQ “nhà đèn “, chỉ có hai người không ăn chơi nhậu nhẹt đàn điếm là hai ông kỷ sư điện Trung Úy Nhưỡng và Tr/Úy Nguyễn-Văn-Hải, trước kia là bạn trung học của anh Trần-Văn-Tý KT64. Cả đời tôi không thể quên hai ông Tr/Úy đàng hoàng và rất dễ thương người gốc Khánh-Hòa này, Ông Nhưỡng tốt nghiệp điện ở Mỹ về nên tôi hay yêu cầu ông kể cho nghe đời sống bên Mỹ và hỏi thăm chuyện gặp gỡ ông Toàn Phong Nguyễn-Xuân-Vinh như thế nào. Có một buỗi cuối tuần ông nhìn thấy tôi mặc quần jean màu xanh Levi’s rách đầu gối, nguyên cái quần này do Huy-Anh vợ HĐThưởng KT65 mua bên Mỹ gởi về, Thưởng bán lại cho tôi cách đó vài năm nên đã bắt đầu mục, thứ Hai sau ông cho tôi miếng vải jean để vá mà ông mua bên Mỹ, chỉ cần dùng bàn ũi nóng ũi lên chỗ rách thì dính, chẳng cần phải vá mạng gì cả. Còn Tr/Úy Hải nhờ chúng tôi nấu cơm tháng cho ông, ông trả tiền trước cho một tháng nhưng mỗi tháng ông chỉ ghé đến ăn có một lần làm nàng TLN của tôi rất ái ngại! Mãi sau này tôi mới nghĩ ra vì thấy chúng tôi rất thanh bạch, nên ông muốn giúp chúng tôi một cách khéo léo.
.
Nhìn thấy người đàn bà Huế, vợ Th/Tá CHP này cùng nàng TLN đi lếch thếch với mấy đứa con nhỏ vào trạm, tôi nổi xung thiên, đậu xe sát bên trạm, tôi chạy vào hỏi người Trưởng trạm:
- Tại sao mấy anh lại bắt buộc bà Thiếu Tá Chỉ-Huy-Phó của chúng tôi với mấy đứa con của bà đi bộ vào ?
- Thiếu Uý, đây là lệnh trên, áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người.
- Vậy tại sao mấy anh lại không áp dụng cho mấy con “chị em ta” đi qua Cổng này?
- Đi qua lúc nào, Thiếu Uý có bằng chứng không?
.
Bằng chứng ? Bọn người ăn nói lật lọng này, trắng hóa đen, đen hóa trắng, người xấu hóa ra tốt và tốt hóa ra xấu, miệng lưỡi của chúng như miệng rắn, bàn tay chúng chỉ có tiền là xong. Phi trường Cam Ranh do Công Binh Mỹ xây gồm có 2 phi đạo song song, đều dài 3000m x 60m theo hướng Nam Tây Nam –Bắc Đông Bắc, 1 cái cạnh Tây tráng nhựa còn cái bên cạnh Đông làm bằng vỉ sắt có lỗ PSP*. Ai chịu trách nhiệm vụ tháo gở mấy trăm mètre vỉ sắt PSP dùng làm phi đạo này, ta cứ nhân ra thì biết con số là mấy ngàn tấm, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận nằm kế bên phi-trường, một vụ thá́o gỡ vĩ đại như vậy mà Đại Tá Mai, CHT không biết ? Mấy ngàn tấm vỉ sắt này chở bằng mấy chục xe “Lô Bồi” đi ầm ầm qua Cổng Mỹ Ca ngon ơ, chẳng có vấn đề gì, binh sĩ gọi ông ta là Chúa Đảo chắc không sai lắm, người nào đã từng đóng tại bán đảo nói không biết vụ này hoặc là đại ngu hoặc được trám cứng miệng bằng vài đồng bạc thừa rồi.
.
.
.
.
Phi đạo bằng vỉ sắt PSP ở Cam Ranh
.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment