kiến trúc bền vững, độ bền trong kiến trúc .. the longevity of architecture
.
.
Có phát biểu bên dưới, thay vì trả lời trong đó, tôi viết thành bài dài ở đây mới đủ chỗ.
.
.
Comments(1 total) Post a CommentThaiL… Offline Vậy theo chú định nghĩa về kiến trúc bền vững là như thế nào ạ ? Nó có phải là 1 xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại và phát triển theo chiều tiền hóa của nhân loại ko ạ ? Theo chú ý kiến dưới đây có hợp lí ko ? "Để đưa ra 1 định nghĩa đầy đủ thế nào là kiến trúc bền vững thì tớ chịu Định nghĩa những thứ trừu tượng như vậy thì dễ bị bắt bẻ như chơi Tớ không nhằm tới định nghĩa, chỉ "phát biểu cảm tưởng" thôi (cho nó chắc)
Anh bạn người Ý kia cảm tưởng thấy 1 cái gì bền vững từ những nét kiến trúc thời Pháp có lẽ không có gì lạ. Ở 1 góc xa xôi nào có trong ký ức của anh ta đã được "nạp" sẵn những dữ liệu hình ảnh tương tự. Khi thị giác cung cấp 1 phần hình ảnh "quét" được hiện tại và truyền về CPU, nó sẽ đối chiếu dữ liệu có sẵn trong HDD, ROM, BIOS... nào đó. Khi sự so sánh có nhiều trùng lặp, CPU "lệnh" cho một số tuyến nội tiết tiết ra một thứ, hình như có tên adrenalin... hóa chất này tạo ra cảm giác được gọi (cũng hình như) là xúc động.
Vậy mấu chốt trong câu chuyện đó là sự tương đồng giữa dữ liệu hiện tại và dữ liệu lưu trữ có sẵn.
Tớ thú thực là chả thấy xúc động
.
.
.
.
Kiến Trúc bền vững.
.
.
Nhân tiện để trả lời cho Thailinh, về “kiến trúc bền vững” trong câu hỏi phần góp ý bên bài dưới, và có lẽ trong những “kiến trúc bền vững” mà tôi viết trong blog này.
Kiến trúc và độ bền vững, khái niệm này có nơi được ứng dụng như khoa học, thành một môn học đàng hoàng: value engineering. ngành kỹ sư định giá trị, nhiệm vụ là so sánh độ bền vững của vật liệu trong công trình theo mọi yếu tố, duy trì, điều hành, sửa chữa, trong một khoảng thời gian, thí dụ là 20 năm, trên một tổng số chi phí như thế nào, so sánh mức lợi với số tiền bỏ ra đầu tư lúc ban đầu. Có nơi nó tùy ý theo sở thích mỗi người chủ khi xây dựng kiến trúc. Thay vì viết nhiều và dài dòng, tôi sẽ thí dụ vài chuyện cho dễ hiểu.
Tại xứ Mỹ, hầu hết mọi nơi có luật xây cất, không thể nào làm khác hơn cách xử dụng vật liệu, cách kết cấu, công trình to nhỏ, diện tích như thế nào, khác nhau về bố cục và sắp đặt thế nào theo luật định.
Nhà loại nào thì được làm bằng cây, bao lớn, rộng bao nhiêu, nhà gạch, nhà bê tông, nhà sắt thép. Không phải muốn xây thế nào cũng được. Mỗi loại vật liệu có độ bền khác nhau, nói chung là sự bền vững, vật liệu cháy dễ, vật liệu cháy với thời gian lâu, hoặc là vật liệu không hề cháy. Mỗi vật liệu như vậy sẽ được dùng cho loại nhà với chức năng nào, và diện tích nhà to nhỏ cũng được giới hạn bởi vật liệu.
Thí dụ, nếu làm trường học bằng cây, vật liệu cháy, thì diện tích tối đa bao nhiêu, tối đa được bao nhiêu học sinh, cách khoảng sân bao nhiêu trườc khi giáp ranh nhà khác. Trường học bằng bê tông gạch đá thép, thì diện tích tối đa là bao nhiêu, bao nhiêu từng cao, tối đa xử dụng cho bao nhiêu người. Nói chung thì độ bền vững càng cao cho những công trình chứa đựng nhiều người, công trình quan trọng, và chồng chất trong mật độ cao, nhiều tầng.
Luật xây cất ở Mỹ chia rõ ràng từng loại vật liệu, loại nào chỉ được xử dụng ở đâu, độ bền vững nhu thế nào. Loại nhà có chức năng nào, loại xử dụng nào, thì phải làm bằng vật liệu nào, rất là chi tiết và có quy luật. Chi tiết ghi rõ định nghĩa (nội chuyện định nghĩa cũng dễ dàng dẫn đến phải tranh luận, danh từ dùng trong vật liệu đôi khi phải do viện định chuẩn quốc gia định nghĩa) của từng loại vật liệu, độ bền bao nhiêu, thành phần cấu tạo như thế nào, thành phần khoa học như thế nào, đều ghi rất rõ, cho tới từng khúc cây gỗ giống cây nào, sức chịu đựng bao nhiêu, cây đinh loại nào, sắt kẽm bao nhiêu, tiết diện, số của đinh đều ghi rõ, khi sản xuất, mối nối cây gỗ như thế nào, đóng bao nhiêu cây đinh, xắp xếp đinh như thế nào, đinh số mấy, và không tưởng tượng là có kiểm soát viên của thành phố, có bằng cấp, có giấy hành nghề tầm mức quốc gia hay tiểu bang đến kiểm soát từng phần rồi mới cho làm đến phần tiếp hay lấp lại, đóng che qua phần khác, nên độ bền của vật liệu, sự bền vững của kiến trúc, được quy định bởi vật liệu, bởi luật xây cất, và chức năng cũa từng loại nhà, từng loại công trình kiến trúc.
Về độ bền của vật liệu, thí dụ nhà ở thông thường nhất ở nước Mỹ, mái nhà thường là loại asphalt shingles, là những miếng lợp nhà bằng hỗn hợp sợi giấy ép lẫn với nhựa đường, trải đá vụn mỏng bên trên, loại này ở VN không có. Mái đá nhựa đường miếng này, có ba loại độ bền khác nhau, 10 năm, 15, 20 năm và bây gìờ lên đến 30 năm. Loại tối thiểu luật pháp cho phép là 10 năm, sức chịu cháy, trọng lượng như thế nào, được mang loại dấu hiệu nào, tất cả các nhà sản suất vật liệu mái, đều phải đạt đúng tiêu chuẩn tối thiểu về phẩm lượng, dán dấu hiệu chung của cả xứ Hoa Kỳ, luật xây cất bắt buộc độ dốc mái, thành phần mái gồm những gì, đóng bao nhiêu cái đinh, vân vân, phải đúng luật định ở mức tối thiểu.
Giá vật liệu mái, 10, 20, 30 năm bền vững, giá tiền khác nhau, khi xây cất, có chương trình, program, viết định trước, mái loại gì bao nhiêu năm, máng xối loại gì bao nhiêu năm, tường vách, cửa sổ độ bền bao nhiêu năm, đều có lý do và xác định trước khi vẽ công trình, để kts và kỹ sư tính toán và vẽ chi tiết cho đúng, thích hợp. Giá tiền khác nhau theo độ bền vững của kiến trúc. Khi mua bán, người chủ sẽ phải lượng giá độ bền vững của kiến trúc, kết cấu để định giá thành phải trả, coi có đúng giá phải trả hay không.
Khi mua bán những công trình lớn, thân chủ nên có kts cố vấn, coi bản vẽ cũ, đi khảo sát hiện trạng độ bền kiến trúc để cố vấn cho thân chủ về trị giá thực sự của công trình để dễ mua bán, không bị thiệt thòi vì thiếu chuyên môn hiểu biết về kiến trúc.
Khi vẽ kiểu các công trình lớn, phải có chương trình, program, có tiêu chuẩn vật liệu, có đòi hỏi kỹ thuật, độ bền của từng phần chức năng, phải đạt mức tối thiểu theo luật định, ngoài ra KTS phải khuyên thân chủ nên làm thế nào cho đúng với độ bền kiến trúc để hoạt động bên trong toà nhà được tận dụng tới mức tối đa.
Thí dụ, một phòng thí nghiệm, máy móc rất là mắc tiền, thì kt và kết cấu phải tương xứng, vật liệu không cháy, chịu động đất, có hệ thống chữa lửa tự động, khung tường sắt thép bê tông, gạch, chống trộm, chống rung động mạnh, an toàn, không nằm nơi kẹt để khi bị cháy chung quanh, có lối vào trực tiếp có thể cứu chữa nhanh chóng và di tản các máy móc qúy gia bên trong tránh thiệt hại tài sản và dữ kiện, và phần mái bên trên phải là mái bền vững lâu nhất , không thấm nước, phòng thí nghiệm không thể bị dột được.
Đòi hỏi về luật pháp xây cất được đặt ở mức tối thiểu. Kts không ngừng ở đây mà đôi khi phải nâng cao sự bền vững hơn nữa tùy theo chức năng và nhiệm vụ của kiến trúc, thân chủ cần được kts hướng dẫn và khuyên bảo, advice. Đúng luật pháp, dùng chữ luật pháp vì khi bị nhà cháy, xập, chết người, an toàn công cộng bị xâm phạm, kts hay kỹ sư bị lỗi lầm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên những cơ quan kiểm soát, nằm ở những thành phần luật pháp khác nhau, hành pháp, tư pháp, lập pháp, hệ thống phân quyền tam chế này độc lập để kiểm soát lẫn nhau, tránh đút lót tham nhũng che chở qua mặt luật xây cất chung.
Thí dụ: Hành Pháp kiểm soát cho phép nhà máy làm ra sản phẩm lợp mái và kiểm soát chất lượng. Lập Pháp hay quốc hội làm ra luật, cho phép ai được làm kts, làm kỹ sư, ai được phép xây cất, cách lập ra luật xây cất. Còn Tư Pháp, cuối cùng đứng xét xử theo luật đang có của lập pháp, coi tại sao mái lợp nhà bị làm ăn gian, chỉ bền 5 năm thay vì phải 10 năm như dấu hiệu, tại sao chính quyền lo kiểm soát vật liệu mái không kiểm soát được, hay chính quyền đồng loã ăn hối lộ, luật pháp sẽ xử tại sao một miếng mái không đóng đủ số đinh theo luật xây cất, người thợ không đủ chuyên môn, hay nhà thầu không kiểm soát, không đủ chuyên môn hay cố tình lừa gạt, và theo đó mà xử theo luật pháp để bồi thường cho nạn nhân, rút bằng kts, kỹ sư, bằng thầu xây cất, hay hơn nữa, phạt tù những người có trách nhiệm, khi có người chết vì công trình kiến trúc, xây cất không đủ bền vững theo luật pháp. Đó là sự bền vững bắt buộc của kiến trúc qua khía cạnh chính trị quốc gia. Chính quyền thành phố bị toà án kết tội và phải bồi thường cho nạn nhân là chuyện thông thường trên xứ Mỹ, đúng theo tinh thần dân chúng làm chủ và chính quyền là người làm công.
Đó là độ bền vững của công trình kiến trúc theo luật pháp về xây cất tại Mỹ, mấy bộ luật này rất dầy, được thay đổi và thêm thắt thường xuyên, và sự suy diễn hiểu biết về luật cũng rất khác nhau đôi khi, kts phải họp bàn thông luật với thành phố, với bộ phận chính quyền coi về xây dựng, và phải có giấy phép chấp thuận bảng vẽ, điều kiện sách, tính toán, bằng hành nghề đúng luật xây cất, trước khi công trình có thể bắt đầu. Khi hoàn thành, mọi hư hại, không đúng luật, xây dựng sai, vật liệu không đúng tiêu chuẩn, bảo đảm, đều có thể bị điều tra lại và thưa kiện, mang qua ngành tư pháp, ngành này độc lập với quốc hội và chính quyền, không ai có thể ra lệnh cho toà án. Và cuối cùng nếu không đồng ý, mọi bên đều có thể thưa kiện tới cơ quan toà tối cao của Hoa Kỳ, gọi là Tối cao Pháp Viện, gồm chín quan toà, nhiệm vụ xuốt đời, không ai bãi nhiệm hay chỉ huy được họ, sau khi họ đã được chỉ định bởi tổng thống Hành Pháp, và được quốc hội Lập Pháp chấp nhận.
Độ bền vững kiến trúc, mà trên khía cạnh căn bản tôi nói ở đây chỉ thông qua khiá cạnh luật pháp tối thiểu của kiến trúc xây dựng ở Hoa Kỳ, có tự do nhưng đầy luật lệ, và không ai bước được bước qua luật pháp, cho dù bây giờ phạm luật chưa ai thấy ra, nhưng sau này vẫn bị trách nhiệm khi bị khám phá.
Còn độ bền vững kiến trúc qua những khiá cạnh khác thì sẽ viết sau. Một chủ đề cao hơn nữa là độ bền của KT qua sức chịu cháy của vật liệu, có loại kiến trúc, theo chức năng của toà nhà, tường phải chịu cháy được mấy giờ, thí dụ mái 1 giờ, đà 2 giờ, cột 4 giờ, sàn 1 giờ, tường chung quanh 1 giờ … cột phải chịu cháy lâu hơn, nếu cột xập trước thì đà , mái xập theo. Mục đích nhà cháy lâu mới xập để cho mọi người thoát hiểm, còn mà xây cái nhà không bao giờ cháy thì tốn quá nhiều tiền, sẽ không xây nổi vì qúa tốn kém. Ở đây, độ chống cháy được bao lâu, chỉ dùng để cứu sinh mạng theo một tiêu chuẩn nào đó, do luật pháp định.
Rồi có loại chức năng kiến trúc, đòi kết cấu không được làm bằng cây vì lý do an toàn, hoặc là nhà phải cách xa nhau bao nhiêu tối thiểu, hay nhà chung sát vách, thì vách mỗi bên phải chịu cháy tối thiểu, 2, 4 giờ, đê khỏi cháy lan, hay tường chung phải cao hơn mái bao nhiêu để lửa không lan qua.
Cho nên nói về độ bến vững của KT phải đúng luật xây cất là điều căn bản, rồi độ bền vững kiến trúc tùy theo chức năng, tùy theo nhiệm vụ kinh tế, tùy theo sự bảo hành, hay tùy theo một sự tính toán nào khác theo sự làm ăn thương mại, mục đích của chủ nhân. Đó là chương trình đòi hỏi được đặt ra trưóc khi vẽ và tính giá trị công trình.
.
.
.
.
Đó là nói về công trình kiến trúc đương thời, còn các công trình kiến trúc cổ, có độ bền vững như thế nào, độ chạm trổ phức tạp như thế nào, thì tùy theo tình trạng kinh tế, chính trị , tôn giáo trong quá khứ để định giá hay bàn bạc ở đây. Trong quá khứ, các công trình kiến trúc của vua chúa , của đế quốc, của tầng lớp cai trị hay của tôn giáo nằm trên khía cạnh khác, như khía cạnh cai trị, chiếm đoạt vật liệu tài sản, cai trị con người, nô lệ không công, nên kiến trúc có tính chất bền vững ở đây để nói lên uy quyền, để khoe khoang tài sản, của một triều đại, đế quốc hay dân tộc nào dựa trên chiến lợi phẩm do sự chiến thắng chiến tranh chiếm đoạt đã mang lại, rồi dựa trên số nô lệ để xây dựng, mà có những công trình kiến trúc quá bền vững để lại tới ngày nay.
Thí dụ, tại sao ngày xưa người ta có thì giờ đẽo cục đá ra tượng cả năm trời, vì đá không tốn tiền mua, nô lệ không được trả công, hay nói kiểu khác phải có chuyện cho nô lệ làm đến chết, không để nô lệ ở không được, nô lệ sẽ nổi loạn. Hay trong lịch sử, những triều đại vua chúa Trung Hoa, bắt các nước nhỏ triều phục phải triều cống đá qúy, gỗ quý mang đến dâng cho Bắc Kinh, cộng với những tay nghề thợ xây cất giỏi bị xung công đi làm nô lệ cả đời. Cho nên tại sao có các công trình kiến trúc bền vững, mà ngày nay chủ nhân của nó hãnh diện.
Nói chuyện kiến trúc bền vửng ngày xưa và ngày nay, dựa trên chút khái niệm và thực tế khác nhau. Và dĩ nhiên tùy từng chức năng của mỗi công trình, hoàn cảnh, địa dư, do ai làm chủ, và nhu cầu, mà những công trình kiến trúc có độ bền khác nhau.
Để các bài sau, sẽ nói thêm chuyện kiến trúc bền vững.
.
.
.
duongtiman, duongtiden, tmddesign.
.
No comments:
Post a Comment