.
.
.
Bạn KT- Cục Công Binh, Sài Gòn (kỳ3)
.
Tặng tất cả các bạn KT đã đến chơi với tôi tại khu phố nghèo và tất cả người đẹp đã đến với tôi tại đây. Tất cả những người già trẻ, trai, gái, trẻ con trong chương này đều là những người vô tội, hồn nhiên, đáng sống một cuộc đời hạnh phúc, làm việc, học hành, buôn bán.., vui chơi, giải trí....xứng đáng là người của một xứ tuy chậm tiến nhưng đang cố vương lên, không phải nhằm mục đích khoe rằng tôi có nhiều bạn đâu, các bạn sẽ hiểu tại sao.
.
Nhà tôi trong xóm bình dân
.
Bước chân vào nơi trước khi đi lính là “tổ ấm tạm” của gia đình chúng tôi, vô đến phòng khách, chào ông thân và bà kế mẫu, biết tôi về, đã đến ăn chiều với tôi để tôi khỏi buồn. Tôi kéo cái sac-marin tới ghế canapé, mở khoá ra, thò tay lục đôi dép Nhật mà tôi mang hàng ngày ngoài Cam Ranh, cởi đôi giày botte lính ra, mang vào chân ngay. Mặc dù tại nhà vẫn có sẵn đôi dép để mỗi khi về nhà mang nhưng đôi dép đem từ CR về này là một chút kỷ niệm dấu kín trong lòng, trước mặt mọi người chắc chẳng ai để ý. Ông thân hỏi:
- Tụi bây* có biết cậu Ba của tụi bây* tử trận chưa?
- Dạ biết, con có coi báo hồi trưa nay rồi, mình sẽ làm sao bây giờ?
- Để mai Ba hỏi cậu Hai rồi sẽ tính.
- Dạ!
.
Từ năm ngoái sau khi ông thân tôi bị đứng tim, được VICACO đưa vô Grall cứu chửa kịp thời*, kế mẫu của tôi đã dùng đường giây Tiger* gọi ra dặn dò tôi đũ chuyện, bà nói lại bác sĩ khuyên gia đình tránh không nên nói hoặc làm gì khiến ông có thể bị xúc động mạnh, vì vậy cho đến nay cả ông lẫn tôi đều không đá động gì đến chuyện bồ bịch, vợ con hôn nhân của tôi gì nửa và cố gắng của bà làm mai cho tôi một cô thư ký làm việc chung với bà trong hảng bảo hiễm Hưng Việt, nguyên là con gái của một vị Thẫm Phán Toà Án SG, bị thất bại! Trong túi áo sơ-mi của ông già giờ đây luôn luôn có hộp thuốc trợ tim Trinitrine, khi cảm thấy có triệu chứng, ông phải lấy 1 viên bỏ vô miệng ngậm liền lập tức! Trong cả giòng họ, ông đã là con trai duy nhất, bây giờ là tôi, tôi lại chưa có vợ con gì cả cho nên tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng.
.
Sau bữa ăn chiều, ông bà ra về, tôi coi sơ qua trên bàn cà phê các thơ từ, tạp chí của tôi, bật cái TiVi lên coi sơ qua, bây giờ chỉ còn đài Sài Gòn duy nhất thật chán phèo. Mấy năm chưa đi lính, ngoài việc nghe nhạc “top hit songs” của đài phát thanh Mỹ, tôi cũng là fan của đài TV của họ, tha hồ mà coi, phim dài, nhất là tối thứ Năm, thứ Bảy và Chúa Nhật, chiếu liên tiếp 3 phim, phim ngắn, nhạc cổ điển, nhạc Rock, đời sống thú vật hoang dã, séries Star Trek, Mission Impossible, Hawaii Five-O, Bonanza, Wild Wild West...,show đũ thứ, Ed Sullivan Show, The Carol Burnett Show, Hee Haw...hoặc được xem cặp Simon and Garfunken hát trên sân khấu của 1 trường Đại Học các bản The sound of silence, I am a rock.. v..v...là một niềm thú vị khó tả! Vì vậy,“patron” Hà khổng lồ trêu tôi là bị Mỹ hóa. Cho đến khi nhập ngủ kể từ tháng 2/1972, tôi đã không còn dịp coi cho đến khi Đài QĐ Mỹ đóng cửa vì Hiệp Định Paris, hôm nay về tới SG, đài này không còn nửa!
.
.
.
Về gần nhà độ 10m trên xe Suzuki M12, hẽm 35, đường Minh Mạng, fan trẻ con đang đón chào, cô bé a Din chụp hình
.
Ngôi nhà biệt thự song lập trong khu villa hẽm 36 đường Cách Mạng 1/11 do ông thân hùn với một người bạn học Pétrus Ký xây, đã cho một viên kỹ sư Mỹ thuê từ năm 1967, nên ông tìm được một nhà rẻ hơn trong khu bình dân, hẽm 35 đường Minh Mạng, mướn thợ sửa chửa lại để ở. Từ 1968 cho đến năm 1970, sau khi cô em và người chị đi du học, trẻ con trong xóm kể cả trẻ gốc Hoa, thường hay vô thật đông trong nhà để xem TV Mỹ, vì ở nhà chúng nó cha mẹ thường xem cải lương, hát bội hay thoại kịch..v..v..bên đài VN, khi chúng đến, tôi sắp ghế cho từng đứa, đôi khi cho bánh kẹo hay nước uống nhưng chúng thích nhất là được nghe dịch lại bằng tiếng Việt. Mặc dù khả năng Anh Ngữ của tôi cũng có giới hạn nhưng vì câu nào nghe không ra cũng ứng khẩu dịch luôn, vì vậy cứ nghe tôi bật đài Mỹ, là chúng nó uà vào. Nhờ gần trẻ con như vậy nên biết được chúng đặt tên Việt cho rất nhiều show Mỹ, thí dụ Stars Trek: Lỗ tai lừa, The Fugitif: Kẽ đào tẩu, Perry Mason: Thám tử què, the Wild Wild West: Wai Wai Wết...Thôi, cuộc vui của tôi lẫn mấy đừa trẻ con này chấm dứt rồi, tôi chán nản bước đến bấm tắt.
.
Căn nhà tạm, tôi gọi “tạm” là vì lúc nào chúng tôi cũng tưởng sẽ trở về ở lại nhà cũ, cách đầu ngõ độ 50m, tuy gọi là hẽm nhưng khá rộng cho phép 2 xe nhà qua lại được. Lúc dọn đến năm 1967, chưa có đường điện chánh thức vô tới nên cả khu này đều dùng điện câu lại, cho nên đèn leo lét, qua năm sau bắt đầu có TiVi, điện lại càng tệ hơn, TV nào cũng phải gắn thêm 1 cái tăng thế (survolteur) nếu không hình ảnh trở thành một đớm ánh sánh nhỏ bằng đầu ngón chân cái! Muà mưa con đường ̣đất trở nên lầy lội, ̣ để tránh nước đọng trườc nhà, mạnh nhà nào nấy tự tìm xà bần đổ thêm lên, cho nên mặt đường càng ngày càng cao hơn trong nhà. Ban ngày, nếu nhìn sơ qua xóm này với đũ loại nhà cửa đũ màu sắc, cái lồi ra, cái thụt vào, cái cao cái thấp, giây điện câu tứ giăng, giống như các họa sĩ thường hay vẽ xóm nghèo, ban đêm khi đi về khuya dưới ánh đèn mờ hắt ra từ vài nhà còn thức, tôi liên tưởng đến bản Xóm đêm của nhạc sĩ Phạm-Đình-Chương:
.
Đường về canh thâu,
Đêm khuya ngõ sâu như không màu.
Qua phênh vênh có bao mái đầu,
Hắt hiu vàng ánh điện câu…
.
Bên hông phải của nhà này, còn độ 4, 5 căn nhà lụp xụp nữa là giáp với tường rào của trường tiểu học Võ Tánh. Năm 1968, binh đội CS miền Bắc xâm nhập ở ngoại ô đô thành, coi dân lành, ông bà lão, đàn bà trẻ con như người ngoại quốc nào đó hay tệ hơn, một loại thú vật nào đó, đã bắn bừa bãi hoả tiển 122 ly của Nga-Xô vào Sài Gòn, có một trái rơi đúng nhà của người gác-dan trường VT làm ông tan xác, cả gia-đình bị thương nặng. Trái hỏa tiển này như vậy đã nổ cách nhà tôi có chừng vài chục mét, làn sóng chấn động (onde de choc) đã bật dựng lên hai hàng mái ngói của hai dãy nhà ngay trước mặt phòng của tôi nghe clắc, clắc, clắc, clắc,... ra xa nghe nhỏ dần cho đến khi hai dãy nhà này chấm dứt gần đầu ngõ, sau đó hai hàng mái ngói lại rơi trở lại vị trí cũ lại nghe rốp, rốp, rốp, rốp,...cũng từ gần cho đến xa vì miếng ngói nào bật lên trước thì rơi trở lại vị trí trước. Hoả tiển 122 ly nổ có tiếng dội nghe rất kinh khủng, cộng thêm tiếng bật lên và rơi xuống của hàng ngàn miếng ngói là một loại âm thanh kinh dị tạo ra bởi một con sóng vô hình lướt ngang qua đầu của mình rồi tan biến khi ra xa, tôi không bao giờ quên được nhờ cư ngụ tại xóm bình dân này. Nên nhớ, nếu lấy trường tiểu học Võ Tánh làm tâm điễm của vòng tròn, trong vòng bán kính khoảng 5km không có căn cứ quân sự nào của Mỹ hay VNCH, nơi gần nhất là Tổng Y Viện Cộng Hoà, cách đó độ 3, 4km.
.
Trước khi dọn về ở, trong khi mướn thợ sửa nhà, ông thân tôi đã vận động mọi người trong xóm làm đơn chung để Công Ty nước Đồng Nai đem nước đến tận nhà rồi năm sau, xin Công Ty Điện Lực đem điện vô đến từng nhà, kế đó ông lên chương trình làm cống rãnh và tráng xi-măng xong kêu gọi mọi người góp tiền để thực hiện, nhờ đó kể từ khi chúng tôi dọn lại đây, hạ tầng cơ sở (infrastructure) của xóm này đã được cải thiện rất nhiều, mải đến sau này bà con chòm xóm kể cả người Việt gốc Hoa còn nhắc đến công ơn của “Ông Ba”, tức là ông thân của tôi, người lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích và an sinh của mọi người chung quanh.
.
Ông thân của tôi một mặt giúp đở tài chánh cho cả hai bà mẹ (bà nội và bà ngoại của tôi), em cháu cả hai bên nội ngoại, ông còn bảo tôi tìm coi đứa trẻ nào trong xóm thông minh hiếu học cho chúng học bổng, trong số có hai anh em Dũng và Kim là con một ông phu xích lô ở phía trong xa. Ông đem thằng Dũng vô sở làm lon-ton cho có việc làm, còn con Kim thì cho học bổng. Kim mặt mày rất sáng, khoảng 14 tuỗi, mỗi khi đi ngang nhà luôn luôn chào chúng tôi với một nụ cười rất tươi. Học bổng này đã giúp K. học tiếp tục bậc trung học. Bánh xe Luân Hồi, sau này K. tìm cách giúp lại tôi.
.
.
Phênh vênh, điện câu, ông già, HCDanh SVSQ Võ Bị, bạn và các cô em họ trước cửa phòng tôi
.
Trong xóm tôi chơi thân với ông chủ lò hủ tiếu “Xám Xúc” (chú Ba), người Việt gốc Hoa và anh Hùng người Bắc 54, chủ lò giò chả, đôi khi có những người chủ nhà khác đi lính về phép cùng chúng tôi hay nhậu nhẹt với nhau, nên đám thanh niên du đảng không dám đụng tới, thật ra thanh niên không còn bao nhiêu, vừa đến tuỗi đều phải đi lính gần hết. Nhậu say, đánh nhau với Xám Xúc, ông ta xô ngã cái cổng sắt trước nhà vài ngày trước khi đi ra Cam Ranh làm ông già giận kinh khủng.
.
Ông thân của tôi một mặt giúp đở tài chánh cho cả hai bà mẹ (bà nội và bà ngoại của tôi), em cháu cả hai bên nội ngoại, ông còn bảo tôi tìm coi đứa trẻ nào trong xóm thông minh hiếu học cho chúng học bổng, trong số có hai anh em Dũng và Kim là con một ông phu xích lô ở phía trong xa. Ông đem thằng Dũng vô sở làm lon-ton cho có việc làm, còn con Kim thì cho học bổng. Kim mặt mày rất sáng, khoảng 14 tuỗi, mỗi khi đi ngang nhà luôn luôn chào chúng tôi với một nụ cười rất tươi. Học bổng này đã giúp K. học tiếp tục bậc trung học. Bánh xe Luân Hồi, sau này K. tìm cách giúp lại tôi.
.
Các bạn trai đến chơi, Võ-Minh-Cẫm KT65...
.
Trong khi ngôi nhà trong hẽm 36 đường Cách Mạng có rất nhiều bạn bè trung-học đến chơi và vài bạn KT như NNĐiệp 66, PVĐạt 65..., cái nhà trong xóm bình dân này hóa ra lại có rất nhiều bạn bè KT biết đến, trong đó có Minh Bò KT65, Diệp Say 65, NNĐiệp 66, PLViệt KT70(q.c.), Hà-Nguyên-Hùng KT71, Võ-Trung-Trực KT72..., cả băng Thanh-Hà 63, PVCường 66, NSTiệp 67, NNMinh 68 (q.c.),...gần như tất cả đều lên đến phòng của tôi trên gác, bước ra balcon nhìn ra đường, thời gian nứt xương chân phải bó bột, Cường fox thường xuyên đến thăm tôi tại phòng này. Hè 1970 VMCẫm 65 đến nhà rủ tôi hát trong một buỗi họp mặt hướng đạo. Lúc đầu tôi rất ái ngại từ chối vì lý do không phải là hướng-đạo-sinh, nhưng Cẫm cố thuyết phục:
- Mày còn bộ đồ ka ki QSHĐ không?
- Còn chớ, tao còn hai bộ lận!
- Vậy thì dễ, để tao rendu cho mày giống y Hướng Đạo, đừng lo._ Thế là C. đến đây để tập hoà ca với tôi nhiều ngày. Bữa kế đó, C. đem đến mấy cái phù hiệu HĐ dặn tôi: “mày phải may cái này vô chỗ này, còn cái này vô chỗ này..v..v..” vậy là tôi đã biến thành một HĐ sinh! C. còn mang đến một cây guitar và một cặp maracas (quả lắc), tôi có sẳn một cây guitar, C. chọn 2 bản để trình diễn rồi đến đây tập dợt suốt 3, 4 tuần lễ nên tôi thuộc làu và vẫn còn nhớ vài ba câu mở đầu mãi cho đến ngày hôm nay, đầu tiên là Tiếng trống cao nguyên của Y-Vân theo nhịp sống động:
.
Từng hồi trống, xé tan đêm buồn,
Lửa bùng lên, sáng soi rừng đêm.
Trống khua dồn, đêm không còn vắng.
Trống vang dồn, như bao nhịp sống...
.
Kế đến là một bản nhạc tình nhẹ, Giã từ đêm mưa của Văn Phụng:
.
Đêm khuya, mưa rơi, rơi trên đường vắng.
Đôi chân lang thang, tâm tư trầm lắng.
Hạt mưa reo rắt nỗi buồn...
Cho thế gian sầu, thương mối duyên đầu...
.
Chúng tôi chia nhau đứa hát giọng chánh, đừa hát giọng bè, khi thì hát đệm:”A, Á, A, À... A, Á, A, À...” nghe cũng hay hay. Cả hai bản đều được C. đệm theo bằng guitar, còn tôi đệm theo bằng cặp maracas nghe cũng khá giựt gân.
.
Xen lẫn trong những màn trình diễn của các “đạo” khác, dĩ nhiên phần trình diễn của chúng tôi tại phòng khách một nhà của “sói” trưởng ở Đa Kao được hoan nghinh nhiệt liệt. Với sự nài nỉ của khán giả, đa số là hướng-đạo-sinh và một số khách mời, tôi vừa đánh nhịp bằng cặp maracas vừa hát bản I can’t get no...Satisfaction của The Rolling Stones, không ngờ buỗi trình diễn này đã lọt vào cặp mắt xanh của một cô gái thật xinh mới 17 tuỗi tôi gọi là DCL, cũng là khách mời, sau đó nàng đã ban cho tôi một tình yêu nồng nàn trước khi nhập ngủ...
.
C. đến nhà tôi rất thường đến độ có khi nhất định nài nĩ tôi đổi với bạn đôi giày sandal Hippy của tôi đóng ở tiệm Gia bên Khánh Hội lấy cái áo sweater hiệu Montagut láng bóng màu xám nhạt mà các tài xế xe đò thường mặc. Điều đó ít đau hơn khi C. thấy tập nhạc dầy cộm vô giá của ông thân tôi trong đó có những bản nhạc của nhà xuát bản Tinh Hoa, Hà Nội* mà ông mua và ký tên từ năm 1939 lúc ông còn học luật tại Hà Nội cho đến cận đây do tôi mua bổ túc, C. nhất định nài nĩ, ỉ ôi mượn cho kỳ được để rối sau đó mỗi lần tôi hỏi đòi lại C. đều nói:
.
- Thôi mày ơi, đừng nói tới tập nhạc đó nửa!_nói xong, ngó lơ chỗ khác hay bỏ đi mất.
- ?!?!?!?!*
.
Vì tôi cứ gặp mặt là đòi lại tập nhạc, một bữa C. đem đền tôi một tập nhạc khác kém giá trị hơn nhiều đã được đóng bià cứng, dĩ nhiên là tôi không đời nào chịu! C. có trí nhớ rất tốt, một lần đến nhìn thấy ông già tôi đang xem Ti Vi tay cầm kềm bóp hột dẻ, mà vẫn còn ghi nhớ cho mãi đến sau này và cũng không quên những chuyện đã nói với người chị của tôi thời đó. Thời gian này, C. thân với tôi đến mức tôi lấy chiếc Toyota 800 của ông già chở bạn về quê nội tôi ở Sa-Đéc chơi vài ngày.
.
Ngoài dân KT, còn hai bạn Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Nguyễn-bá-Khoa, Nguyễn-Văn-Sang, khoá 3 thoại kịch*. Cuối năm 1971, tôi không còn làm việc chánh thức (full time) với Trung Tâm Đắc Lộ nữa, vì vậy nghệ sĩ lão thành Sáu Trọng, cũng ở Phú Nhuận, được TTĐL nhờ mang kịch bãn cho tôi đọc trước kỳ quay kịch tới, xui cho ông hôm đó vừa ngừng chiếc xe đạp trước nhà, gặp phải ông già tôi, bị ông sạt:
.
- Mấy anh không ̣để cho nó học hành, tối ngày cứ rủ ren nó đi đóng kịch hoài!
.
Dĩ nhiên không phải lỗi của chú Sáu Trọng, mặc dù tôi đã xin lỗi chú, chú nói không sao nhưng tôi phải dẫn ông đi nhậu sau đó để đền bù. Sau khi rượu vô sần sần, ông lại rủ tôi đến nhà thăm Bạch-Liên*, BL là học sinh đẹp nhất của ngành ca-kịch (cải lương) trường QGAN&KN, có mái tóc dài đến ngang lưng, được qua audition của TTĐL và chuyên môn đóng cặp rất xứng với tôi nên chú Sáu có lòng cáp đôi chúng tôi. Có lần BL nói thích đọc sách lắm nên tôi mời đến nhà tôi vì chúng tôi có rất nhiều sách, BL vừa cười híp mắt, lông mi dày nên thành hai đường đen đậm, vừa nói:
.
- Thôi, em không dám đến đâu, nguy hiểm lắm!
- Nguy hiểm? Một người hiền lành ham nghe nhạc, đọc sách như anh có gì đâu mà nguy hiểm?
.
Quán cà phê Lều Tranh
.
Ngoài ra, còn người bạn giang hồ ở xóm cũ của tôi Trương-Minh-Dũng tự là Louis đến nhà rất thường, kể cả người anh kế của Louis là Trương-Minh-Thanh Laurent và người anh lớn hơn nửa là Trương-Minh-Tuấn André là chủ quán cà phê Lều Tranh bên đường Lê-Quang-Định dẫn lên Gò Vấp, là quán mà tôi có dịp vẽ hoạ đồ xin phép sửa chửa vào năm 1969, rồi trang trí từ đầu chí cuối với cái quày tính tiền bọc thân tre chẻ đôi, đèn cho từng bàn có chụp là nón lá, các bức mành tre dấu phía sau là các giàn đèn màu, chỉ chừa lỗ cho 2 mặt loa của bộ stéréo phía trước và 2 mặt loa của bộ stéréo phía sau, ngoài mái hiên, hành lang dẫn vào cửa đều lợp tranh, tôi bảo André mua một cái lu và một cái gáo dừa để ngay dưới chân cột trông rất vui và quen mắt. Ngoài ra tôi còn vẽ cho quán 3 bừc tranh sơn dầu khổ Grand-Aigle kết hợp với ánh sáng ghim ngay trên bức tranh, giống các bức tranh trong các lễ truyền thống KT cuối năm. Idée tổng quát do ông Frank Tierney Jr. người kỹ sư điện Mỹ, gốc Texas, thuê nhà của ông thân tôi cho ý kiến, vì khi tôi đem khoe ông cái esquisse nội ốc màu xanh, trắng, đỏ tôi vẽ cho quán, ông nói:
.
- Anh không nên dùng màu sắc Tây phương quá, hảy dùng màu sằc nào hợp mắt người VN, những gì khách hàng thường thấy hàng ngày mà không để ý nhưng nhập tâm , thí dụ màu vàng, cam, nâu..., làm sao cho họ đến quán tự nhiên, không ngượng ngùng như đến một nơi quen thuộc của họ...
.
.
Lời khuyên của ông làm tôi ngạc nhiên, GS trang trí nội ốc của trường (tôi quên mất tên) chưa hề dạy điều đó. Nếu không, quán này hoá ra Tây mất vì tôi coi theo các tạp chí Trang Trí Nội Thất của Pháp! Ngoài tài pha cà phê tuyệt ngon, André có một giàn máy stéréo thuộc loại top thời đó và chọn những băng nhạc rất hay nên quán này thành công kinh khủng, ngày khai trương có cả luật sư Vũ-Ngọc-Trân, thân sinh của Trường-Kỳ đến dự, nguyên ông là cha đở đầu của chị Lan, vợ André, nguyên chị cũng là người Bắc. Lúc tôi không có mặt ở quán, A. cho biết có KTS Ngô-Viết-Thụ đến uống cà phê, nhìn khung cảnh, khen nức nở và hết lời ca tụng. Cả băng patron, nègre đều có đến đây nhất là ngày tôi thực hiện một bức tranh bằng cách nắm màu trong bàn tay rồi chọi lên giấy trước nét mặt thích thú của patron Thanh-Hà KT63 và nègre NNMinh KT68 (q.c.)...
.
Quán này vì rất có đông khách nên là một nơi trà trộn của công an, nhân viên an ninh QĐ và biết đâu cả phía bên kia nửa, kết cuộc A. đã bị cơ quan An Ninh QĐ bắt giữ vài tháng vì tình nghi dùng quán cà phê làm nơi tụ họp của sinh viên “phản chiến”, thật ra chỉ có Louis và tôi! Chưa hết, sau khi A. được thả ra, năm 1974 lại bị một vị Đại Úy an ninh của toà tỉnh GV bắt chẹt phải để ông ta “đi ngủ” với chị Lan, nếu không ông ta sẽ bắt A. về tội đào ngủ. Dĩ nhiên là anh không chịu chấp nhận đề nghị cuả vị SQ khả ố này.Vì những việc phức tạp như vậy, cho nên chúng tôi ít qua đó chơi như trước, mặc dù rất gần nhà và mỗi khi cần đến tôi, A. phải qua nhà tìm.
.
.
.
Phụ lục: trang đầu bản thảo truyện Phá Tháp Chàm, 1983
(kỳ sau: Các người đẹp đến thăm)
.
__________________________________________________________________________________
.
chú thích:
.
* Tụi bây: ông gọi tôi bằng số nhiều, lịch sự kiễu Pháp.
* Vụ ông thân của tôi bị đứng tim , đã nói đến trong HK Bạn KT CR – kỳ 10.
* đường giây Tiger: do QĐ Mỹ thiết lập, sau HĐ Paris, họ để lại cho QĐVNCH.
* Bản nhạc (nhạc và lời) in trên giấy khá dầy khổ 9”x12”(23cm x 30cm) mở ra có thể để đứng trên giá nhạc, bìa được minh hoạ và đề tựa rất đẹp. Sau này sống ở Bắc Mỹ mới biết đó là kiễu mẫu quốc tế, đã có từ cả thế kỹ nay.
* Đạo diễn Lê-Dân cũng khám phá tài năng Bạch Liên này trên các show của đài Đắc Lộ, đã mời cô thủ vai chánh của phim Hoa Mới Nở, trong đó có sự tham dự của Minh Bò, Nguyễn-Thanh-Cần, Hứa-Huy-Hùng, Phan-Lạc-Việt...
* Cũng giống như hàng triệu người bỏ nước ra đi, chúng tôi cũng chịu rất nhiều mất mát, ngoài nhà cửa đất đai, tài sản, các sách vở, hình ảnh kỹ niệm...đều trở thành vô nghĩa , tuy nhiên việc mất tích tập nhạc vô cùng quý giá của ông thân tôi đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
* Khóa 1: Trần-Quang, Bích-Thủy, Vũ-Tùng, Hà-Bay...,khoá 2: Đinh-Ngọc-Mô, Đỗ-Anh.. tôi vào khoá 4, NTiên-Quang KT66 thuộc khoá 5. Nếu tôi nhớ không lầm, ca sĩ Vũ-Khanh thuộc khoá 6 hay 7 gì đó.
by lamcongquyen
.
lời bàn của tmd:
Trong lời chú thích, anh Q. có nhắc tới phim "hoa mới nở" của đạo diễn Lê Dân và hãng phim Li Đắc, Li Đô gì đó. Tôi có theo anh Minh Bò làm decor cho phim này, phim trường là cái khu nhà ba từng bên kia con kinh Khánh Hội đi sâu tuốt vô trong. Trong phim này, dân KT có hai người hiện hình lên màn ảnh, là anh Minh Bò trong cảnh hiếp dâm tài tử chính Liên, và tôi, làm tay chơi accord trong ban nhạc rock Phi luật Tân, đệm đàn cho mấy ca sĩ hát. Tui mất tiền mua vé đi coi hình của mình đâu được chừng 15, 30 chục giây gì đó. Phim khá rẻ tiền.
Nhiều lần tôi có nói chuyện với ông đạo diễn kiêm luật sư Lê Dân về mầu sắc của phim, nhất là khi ông ta cố tìm cho ra cái áo sơ mi đầy hoa mầu cho tui mặc làm tay nhạc sĩ trong ban nhạc Phi, chỉ quay nửa người, nên may mắn, tui không cần phải mặc cái quần bông cắc kè cho đủ bộ. " thưa đạo diễn, phim của đd chỗ nào cũng mầu sắc xanh đỏ, nhỏ và nhiễn tới độ không có chỗ nào cho con mắt nó được nghỉ một chút, quần áo nào cũng có bông, có sọc, chưa thấy áo mầu trơn, bức tường nào cũng đầy đồ, đầy tranh, đầy mầu, nhìn rất chóng mặt ... không hề có sự yên lặng, tương phản trong mầu sắc, mầu sắc phải có kích thước một chút .. có lẽ ông LD này hãnh diện phim technicolor sẽ được rửa ở HK, cho nên xài mầu sắc tối đa xuống tận cùng cm2 cho đỡ tốn tiền mua phim mầu." vậy mà cái ông này cũng ở học ở Tây về.
Cái xe gắn máy Bridgestone đen dơ dáy của anh Minh Bò được ông Dân này bắt một ông già mang đi rửa sáng láng cóng sạch sẽ cho tới khi con ruồi không đậu được .. tui cũng nói, xe của du đãng anh chị bụi đời thì có ai rửa xe bao giờ ... cho tới khi du đãng Minh Bò đấm tài tử chính, tui nói phải đấm gục dí mặt xuống cống rãnh bên lề đường, nhấc mặt lên, quay gần profile nhìn nước chẩy ròng ròng thì mới thấy phê ... he he phim ảnh của VN lúc đó ... nội cái tên " hoa mới nở" thấy cũng qúa rẻ tiền.
Được có cái đã nhất là mỗi ngày được trả lương 1500 tì, đâu được một tháng, đóng phim làm tay chơi guitar accord chừng nửa tiếng được 2000 tì ... công nhận là nguồn tài chính hiếm có khi đang đi học KT, không có lương, lúc đó hình như học năm thứ ba KT.
.
.
từ thư của anh Minh Bò:
"
Hoi ky lan nay hay qua
Chuyện viết hay, gợi nhớ nhiều thứ
Những bạn già quá vui , vì được hồi ức
Tao xin bổ sung 1 ít, ĐD Lê Dân làm phim Hoa mới nở, anh em KT tham gia khá đông , là nhờ Nguyễn Thanh Cần giới thiệu
(Cũng như ở Đài Truyền hình Đắc lộ , anh em KT có mặt cũng nhiều là do mày giới thiệu)
Bạch Liên tóc rất dài ,lúc đó nổi tiếng là Đắc Lộ chi bảo, trong phim Hoa mới nở (Cô gái Hyppy lạc loài), có đoạn bị thân phụ cạo đầu, lúc đó cắt tóc a la garconne (cạo đầu thấy tội quá), quay thật luôn, BL khóc quá trời , thành ra diễn suất quá hay, và hảng phim phải trả 2 triệu đồng cho mái tóc
Tao vô tham gia phim với công việc là trang trí phim, kéo theo 1 đám negres gồm Phan Lạc Việt KT70 (đã mất) Hoàng Hoa Cương KT70, còn 1 em nữa , không nhớ là Dương Mạnh Tiến hay Trần Ngọc Lâm KT70
Tất cả lấy tên là Nhóm 4 trái măng cục
Trưa nào tao cũng hát cho anh em hậu đài nghỉ trưa , tiếng lành đồn xa , cs sĩ Mỹ Hòa , ca sĩ Pauline Ngọc tìm đến làm quen , và sau này quen rất thân
Trong 1 scene dạ vũ hóa trang , tao về trường KT rủ anh em tham dự (có trả tiền) lúc đó có Hà Nguyên Hùng KT71(hiện ở Canada), có Nguyễn Thanh Sơn KT 69(Sơn mọi), va gan 10 em nữa , tao quên mất
Sau đó DD Lê Dân thấy tao dễ thương nhờ tao đóng vai Hùng đen , trùm du đãng , bỏ thuốc mê và phá hại đòi BL
Nhắc lại chút ít cho thêm vui
.
MinhBo
"
No comments:
Post a Comment