.
.
Cái nhà này của anh, gần tất cả những nơi cần thiết, chỉ cần đi bộ, và gần luôn cái nghĩa trang trước mặt nữa.
.
Bên kia ngã tư đường 82 và đường Holgate, mùa xuân đã vào độ được hai tháng rồi, mưa nhiều hơn nắng, nên xanh tươi đầy lá cây đủ loại, nhưng gần hai tuần nay thì khô, sáng chủ nhật hôm nay, trời trở lại lâm râm không ướt người. Giọt ngắn giọt dài, nước mưa nhiểu xuống từng chậu hứng nước dọc cái mái sân bằng cây ở nhả tôi. Làm nhớ đến hơn nửa thế kỷ về trước ở bên kia trời, bên kia đời : Trong các tạp chí Xây Dựng Mới của Tổng Nha Kiến Thiết, có in tranh bút lông vẽ nhanh, người phụ nữ áo bà ba tóc xõa dài đứng bên mái tranh, bên dưới những chậu hứng nước nhìn mưa rơi, tạp chí in nguyên trang làm tranh quảng cáo:
.
Nhìn hàng chậu hứng nước mưa,
Chưa mua vé số là chưa yên lòng.
.
Vé số ở đây là " .. Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà .. giầu sang mấy hồi .." mà Nhạc sĩ quái kiệt Trần văn Trạch hay ca trên đài phát thanh Quốc Gia của một thời dĩ vãng những trưa ngày thứ ba mở số qua cái radio, cái la dô National của Nhật ngày tôi còn rất nhỏ, bên trời vùng đất đỏ An Lộc, bên khung cửa sổ đầy ánh sáng bên ống khói gạch của nhà bếp, vùi đầu nhìn từng mẫu nhà trong các đặc san Xây Dựng Mới của bố tôi.
.
.
.
.
Bên kia ngã tư đường chiều chủ nhật, trời vừa mát lạnh, hơi u ám, những hàng cây xanh ẩn hiện đủ tông mầu xanh, nhạt, đậm, từng hàng xanh đậm ngát của những cây thông Fir, nhọn đầu, những cây xanh nhạt hơn điểm tông mầu xanh khác thay đổi xen lẫn vào nhau. Một cây xanh lá cây của mùa xuân phủ gần đầy hoa đỏ từ dưới lên trên, gần trăm thước qua ngã tư mà hoa vẫn đủ lớn để hiện lên. Bên kia đường, nghĩa trang của những người khai phá ra vùng đất này, đúng ra là cướp đất của người Da Đỏ vài trăm năm trước, Multnomah County Pioneer Cemetery.
.
.
.
.
.
.
Ngồi trong Starbuck, bên góc đường đối diện, tôi nhớ lại câu nói ngày hôm qua khi chở người bạn đi ngang qua cái nhà tôi đã làm chủ hoàn toàn:
_ Nhà này cái gì cũng gần, Thư Viện chỉ hai khúc đường, bên kia gần ngay nghĩa trang, xéo góc là Starbuck rồi khu Walmart …. Qua con dốc bên trên là trạm xe điện đi vào trung tâm thành phố, với bãi đậu xe hơi đầy đủ. Ở đây, chung quanh đều có thể đi bộ được hết hay đạp xe. Đường 82 có xe bus chạy thẳng vào phi trường Quốc tế cuối đường 82 về hướng Bắc, cuối hướng Nam là trung tâm shopping center, Town Center.
Hôm nay, ngày chủ nhật, vừa từ downtown trở ra góc đường sau khi trả người bạn xuống nhà ga xe lửa thành phố, Union Station, lại nhớ bài hát có câu: Ga Lyon đèn vàng, nhìn em anh khẽ nói ...
.
Có tiếng điện thoại, Heo gọi:
_ Anh đã thấy có gì chưa?
_ Có cái gì, nghĩa là sao?, cái lối nói chuyện không đầu đuôi, cứ tưởng ai cũng có cùng bộ óc vừa đang suy nghĩ y như mình.
_ Đã nhìn thấy Nhật Thực, eclipse chưa, ở chỗ em chẳng thấy gì.
.
Tôi buồn cười, nhìn qua bên nghỉa trang, mặt trời nếu có sau bầu trời nhiều mây xám ảm đạm, thì đã vòng qua sau đầu tôi, đâu thấy gì:
_ Trời u ám đầy mây xám, có thấy mặt trời đâu, sao mà thấy được nhật thực.
_ Lần trước anh có thấy không?
Tôi ngẫm nghĩ nhớ lại, thời gian đó hãng xe hơi Mitsubishi ra một loại xe sport nhỏ, mang tên Esclipe trước đó vài năm:
_ À, lúc đó khoảng năm 1994, anh chẳng nhớ lúc đó ra sao hết.
Bên kia Heo dẫn giải:
_ Không phải chỗ nào trên nước Mỹ đều thấy, chỉ có nửa xứ Mỹ bên miền Tây mới nhìn thấy nhật thực thôi.
_ Thôi em chịu khó ra tìm mặt trời mà ngóng đi, chừng nào thì hết còn nhật thực vậy ..
.
.
Nhà tôi có, gần mọi thứ cần thiết, chỉ cần đi bộ hay đạp xe chung quanh. Công viên ở cuối block có sân basket, có sân quần vượt, mấy ngưòi Việt hay đánh banh ở đó, bên kia đường gần trường Tiểu Học, cũng mới làm xong cái công viên nhỏ, có nửa sân chơi basketball với mái che, gần thư viện … và ngạc nhiên hơn, tới hôm qua tôi mới để ý, nhà tôi cũng rất gần nghĩa trang. Không nhìn thấy được từ nhà, nhưng chỉ quanh hai khúc đường mà thôi. Phía sau nhà, ngửa lên nhìn trời về hướng tây là có thể nhìn thấy khu đại học Y Khoa Nhà Thương trên núi, mấy cái đèn đỏ của các tháp phát tuyến TV dọc khu đồi núi cao.
Ngó chéo qua hướng Đông Nam trên lầu cao, nhìn về đỉnh núi Mount Scott kế bên kia đường freeway là nhà giầu của Tô minh Kiêm, nhà trên núi nhìn xuống, chỉ thấy lờ mờ bóng thôi chứ khó nhận ra được cái nhà nào chính xác. Nhìn qua đông nữa là đỉnh núi tuyết Mount Hood chỉ hiện lên trong những ngày nắng, tuy nhiên, giờ hết thấy vì rặng tre khu nhà đối diện, rặng thông khu nhà đối diện, qua 13 năm, các ngọn cây này đã lên qúa cao che mất hết ngọn núi tuyết Mount Hood. Có lẽ leo thêm lên đứng trên đỉnh cao nóc nhà thì có thể thấy.
.
Tự nhiên, sau hơn 13 năm, từ ngày mua cái nhà để bỏ không, ngày hôm qua tôi mới nhận ra, cái nhà tôi có đó, gần tất cả mọi thứ, kể thêm cả nghĩa trang nữa. Cuối xuống nhìn màn hình cái Lap Top. Tôi phải viết ghi lại chuyện có nhà gần nghĩa trang này, và ngày hôm nay cũng là ngày có nhật thực ở miền Tây nước Mỹ. Còn từ nhà tôi đang ở đi dến cái nghĩa trang cổ kính trên hai trăm năm bên kia đường, nếu đi bộ thì khá xa phải bốn cây số rưỡi lận .. nói chung là khá xa. Tuy nhiên, nó vẫn là cái nghĩa trang, công viên của người chết, gần nhà nhất, vì không có mấy nghĩa trang nằm trong thành phố.
.
Thỉnh thoảng ngừng đợi đèn đỏ, tôi thường nhìn vào, vài mô bia đá đen thui, nhỏ nhô lên đất, thỉnh thoảng vài mái lều tạm kéo lên cao, máy đang đào huyệt mộ mới. Hay một đống hoa đã phủ lên, một đám tang vừa xong, mọi người đã ra về trừ người nằm lại, có khi một loạt cờ Hoa Kỳ nhỏ được cắm hay bông để trên từng bia đá, một vài bia mộ cũ trên vài trăm năm nhô lên, còn thì những bia mới hơn nằm sát mặt đất lẫn vào cỏ, nhìn nhanh không biết đó là cư xá của những người chết, mà chỉ là một công viên xanh mát, vài con đường sỏi đá ngang dọc, không cần cổng, mọi người tôn trọng người chết. Đến mùa thu, mưa nhẹ ảm đạm, lá vàng đủ mầu sắc từ từ khoe sắc để rơi sau, đủ loại maple vàng đỏ, hiện rực lên bên mầu xanh lá cây thông đậm quanh năm.
.
Bây giờ sực nhớ, lại sắp đến cuối tháng 5, Memorial Day, ngày lễ tưởng niệm những người qúa cố sắp đến, ngày đầu tuần thứ hai vào cuối tháng 5 hàng năm, nếu để ý, sẽ nghe tiếng vang dội trên không của hai chiếc máy bay chiến đấu cơ F115, bay qua lễ tưởng niệm bên trên nghĩa trang Chiến Sĩ Quốc Gia trên đồi cao cũa núi Mount Scott, hi hi, cũng không xa nhà Tô minh Kiêm là mấy, nhưng phải lái xe, không đi bộ nổi, lại thêm một tên KT có nhà không xa nghĩa trang.
.
.
.
.
.
Tôi chưa hề bước qua bên kia đường vào nghĩa trang đó, bên con đường thương mại lớn 82, dập dìu xe qua lại, kế bên, ngày xưa có nhà Pizza Organ, bán bánh, bên trong có dàn đàn Organ làm rất to nguyên nhà, ăn pizza nhìn và nghe trình diễn nhạc rất vui với những ống hơi mở nắp phập phập phát ra tiếng đàn … bây giờ không còn, trên 35 năm về trước thấy rất vui, và lạ của những ngày đầu tiên vào đất Mỹ.
.
.
Tôi lại nhớ được người nhờ chở vào nghĩa trang Mạc đĩnh Chi cho Nga than khóc cho một người bị nằm xuống trên chuyến bay Boeing của Hàng Không Việt Nam bị nổ tung ở Phan Rang. Khi đi vòng quanh, bất nhờ nhìn thấy hình ai quen quen đang cười, thằng bạn, học chung ở Nguyễn bá Tòng, Thiếu Úy Lê tấn Quan, Địa phương Quân, tử trận ở Chương Thiện, chắc là ba bẩy hai mươi mốt ngày sau khi ra khỏi Thủ Đức. Gần đó không xa, thấy ngôi mộ sáng tạo rất đẹp nhiều ý nghĩa và hiện đại làm bắt mắt tôi.
.
Lại gần, trên mộ, KTS Trang sĩ Nghiệp, anh ta chưa tốt nghiệp KTS, nhưng trên bia ghi như vậy. Nghe nói, anh KTS Quỳnh Thuyên sáng tạo mộ này. Mấy chục năm sau, tôi bước vòng quanh công viên Lê văn Tám, nhìn người ta ôm ấp nhau qua gốc cây vì thiếu nơi làm chuyện đó, bên những lối đi, người ta hối hả bước hay chạy chậm tập thể dục, người chết hai lần mộ bia nát tan. Lại nhớ nhà của Ngô quang Tuấn ngày xưa, ở phía sau, đối diện bên kia đường nghĩa trang MĐC, nhà thằng này sát ngay, gần nghĩa địa nhất và gần tất cả mọi thứ, chỉ cần đi bộ.
.
Lẩn thẩn ghi lại vài giòng, ngày có nhật thực 20 tháng 5, 2012, nhưng không nhìn thấy gì hết chỉ thấy những hàng cây đầy sức sống của nghĩa trang bên kia đường qua khung của kính, storefront, chắc của hãng Kawneer, méo mó nghề nghiệp KTS ở đây một chút, khung cửa ra vào, tôi mỉm cười, đúng luật ADA cho người tàn tật, dưới đáy cửa ra vào phải có tối thiểu cao 12”, gần 30 cm phần khung trước khi gắn kiếng cho bánh xe lăn đụng vào khung cửa để không chạm kiếng.
.
.
Tôi lại mỉm cười, xứ giầu có an toàn qúa, người tàn tật thoải mái lăn xe từ đây qua ngã tư đầy xe bao giờ cũng ngừng ngay lằn trắng ở đèn đỏ tôn trọng luật giao thông, qua đường lăn xe lên xe bus ra phi trường quốc tế, bay về thiên đường hay về khung trời chiến tranh VN ngày nào, hay lăn xe qua bên kia đường, lăn vào nghĩa trang Pioneer mà không bị trở ngại nào. Người sống và người chết, chuyển giao thế giới với nhau đúng luật ADA của chính phủ liên bang, với đầy đủ luật lệ xây cất làm đường và giao thông cho người tàn tật mà không vấp váp một thay đổi chiều cao trên mặt đường nào cao hơn 2cm. À mới nhận ra, mới nhớ ra, đối diện nghĩa trang là một trụ sở mua máu tươi của người sống nữa, nhà lịch sự đẹp qúa nên đi qua nhanh sẽ không biết đó là nơi mua máu người sống. Lần sau người bạn đó đến, tôi chở qua đây, sẽ nói thêm:
_ Anh mới nhớ ra, nhà anh có, ở đường 76, còn gần một thứ nữa ngoài nghĩa trang, là gần nơi bán máu nữa, anh thấy họ ngồi chờ bán máu qua khung cửa kiếng trên hàng ghế êm ả lịch sự, không biết một lần bán máu được bao nhiêu?
.
.
.
.
.
Ngã tư, 82 và Holgate, rất bận bịu, nhiều khi đèn đỏ phải đợi tới hai đèn mới quẹo được, có khi xe đậu dài từ 82 ngược xuống tới 76 đầu nhà tôi, có đủ hết từ thư viện, nghĩa trang, mua bán máu tươi, Starbuck, Chinese Hong Kong buffet, tiệm bán thực phảm Á Đông nhỏ, Sandwitch Subway, nhà bank, hotel, có điếm đứng góc đường, hình như cả mấy đứa bán ma túy, bây giờ bị dẹp hết, tuy nhiên cũng có khi nhìn thấy có ả thiếu quần áo hở hang sexy tiệm trả tiền của công ty điện, hai nơi bán thay bánh xe hơi, hình như gần đó còn có tiệm ở truồng, múa sexy ở truồng nữa, tiệm bán rượu của tiểu bang … và nhà thờ cũng không xa, tiệm ăn VN cũng gần đó, tất cả đều có trên đường 82. Tất cả đều đúng luật ADA cho người tàn tật lăn xe đi đến được mọi chỗ. Walmart đang làm ăn khấm khá nên đang sửa nới rộng ra, à gần đó còn có nhà tập thể dục to lớn nữa … còn ít tiền thì Dollar Tree, tiệm bán đồ mọi thứ chì một dollar, bãi đậu xe lúc nào cũng kín, bên trong là nơi đồ China kiếm tiền về cho Trung Cộng. Quên nữa, nơi tiểu bang tôi ở mua bán cái gì cũng không có lấy thuế, nên rất rẻ. kể cả vô nghĩa địa trả tiền đất cát cũng không có thuế.
.
Ngã tư này, chỉ còn thiếu cái trạm xăng.
.
.
.
.
.
.
.
Ôi cuối cùng cũng vào nghĩa trang thôi, chắc cũng không rẻ đâu, lại tốn đất. thôi cứ hỏa thiêu là xong, đốt ra tro là xong. Ngày chủ nhật, nhật thực và nghĩa trang, bên ly cà phê của Starbuck, nơi bóc lột nhân công của các xứ nghèo khó.
.
.
.
duongtiden, duongtiman, chuyen nghia trang .
.
No comments:
Post a Comment