copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, March 6, 2010

Loạt bài hồi ký của anh Lâm Công Quyền KT65 tiếp theo . Bạn Kiến Trúc, Cục Công Binh . bài thứ 20 . by lamcongquyen

.
.

.

.
I have not told half of what I saw, for I knew I would not be believed
                                                      Marco Polo 1254-1324

Hồi Ký Bạn Kiến Trúc _kỳ 20 (tiếp theo)

Ban  Đại Diện ngành Kịch Nghệ
.
 
z-lcq-kichnghe.jpg picture by tddesign


.
.

Không ít lâu sau khi tôi trở vào trường QGAN & KN để học lại năm thứ tư thoại kịch vào đầu tháng 9 năm 1969, chúng tôi báo với ông V.K.Khoan về cuộc bầu cử chọn ban đại diện thoại kịch, nhưng ông, với tư cách trưởng ngành Kịch Nghệ, khuyên chúng tôi nên bầu đại diện cho cả ngành K.N. hơn là chỉ riêng cho ngành thoại kịch. Nhận thấy ông nói đúng, chúng tôi lo tổ chức bầu ban đại diện KN, chúng tôi thấy chỉ có Lê-Văn-Tần, vốn thuộc phe H.T.Miên ra tranh cử chống lại chúng tôi. Tần, người Nam, cao trung bình, nước da ngâm đen pha vàng, môi mỏng, mũi quặp, ăn nói ngông nghênh, xấc xược, rất ghét người Mỹ.
.


Việc vận động để cả các ngành kịch nghệ gồm đũ 4 bộ môn thoại kịch, ca kịch, hát bộ, hát chèo, ủng hộ mình không khó lắm, chỉ chịu khó làm việc, uốn ba tấc lưỡi, một chút mà thôi và tôi vốn quen biết bên ba ngành kia trước đó cho nên rốt cuộc, liên danh của chúng tôi đã đắc cử với số phiếu trội hơn rất nhiều so với liên danh kia chỉ có 2 phiếu! Đắc cử xong rồi tôi cũng tổ chức B.Đ.D. với các chức phó chủ tịch nội vụ, ngoại vụ, thủ quỷ..v..v..rập khuông theo bên trường KT. Vừa bầu bán, tổ chức xong xuôi, tôi đã thảo một chương trình Đại Hội Kịch Nghệ nhân dịp trước Tết, đây là một buổi trình diễn cho cả bốn ngành, là lần đầu tiên trong lịch sử trường QGAN & KN, tôi sáng chế ra các giải thưởng cho 4 môn, rồi điều khiển cho các học viên kịch nghệ người đánh máy thiệp mời, liên lạc với báo chí, người lo gởi các thiệp đi, vẽ tờ chương-trình..., tất cả những việc này rất tốn kém nên lại phải tìm cách gây quỹ, một đầu xin trường yểm trợ, làm một quyển Sổ Vàng, một đầu bán vé...Tôi đã đích thân đến Phủ Quốc-Vụ-Khanh đặc trách Văn-Hóa, người bí thư của cụ Mai-Thọ-Truyền, QVKĐTVH, là Nghiêm-Phú-Phát [1]  hướng dẫn tôi vào yết kiến cụ để mời cụ chủ tọa buổi Đại Hội, trình quyển Sổ Vàng và trực tiếp đưa giấy mời tận tay. Tất cả đều được cụ chấp thuận một cách vui vẻ.
.


Bà Phùng Há
.


Tôi ôm quyển Sổ Vàng này đi xin tiền khắp nơi trong trường, ông Giám Đốc Nguyễn-Phụng (q.c.), ông nhạc trưởng kiêm Phó G.Đ. Nghiêm-Phú-Phi (q.c.) , các vị trưởng mỗi ngành: ô. Vũ-Khắc-Khoan (q.c.) , thoại kịch, ô. Năm Châu (q.c.), ca kịch, ô. Đinh-Bằng-Phi, hát bộ và bà Hồng-Vân [2], hát chèo. Tôi gặp bất cứ ai nổi tiếng có dịp ghé đến trường là mời ký tên vô Sổ Vàng, một ngày nọ, nghe các bạn báo cho biết có bà Phùng-Há (q.c.)ghé qua, tôi vội vàng xách quyển Sổ Vàng chạy vào Thính Đường vì nghe nói bà đang ngồi đợi ai đó trong rạp. Thính đường vắng hoe, tôi bước đến nhè nhẹ từ sau lưng bà, theo lối đi giữa hai dãy ghế, đến trước bà rồi rẽ ngang đến để không làm bà giật mình, bà đang ngồi một mình trên chiếc ghế fauteuil màu đỏ ngay chính giữa, hàng đầu, trong lòng tôi hết sức xúc động vì đang bước đến diện kiến một tên tuổi vĩ đại của ngành sân khấu Việt Nam. Tôi tự giới thiệu, trình bày lý do với những từ ngữ lịch sự tối đa tôi có thể nói được, bà đọc sơ qua rồi rút tiền trong xách tay ra tặng xong, ký tên vào quyển Sổ Vàng, đoạn nói:

- Cô sắp đi Pháp trình diễn theo lời mời của chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà, có cả Kim-Cương nữa, vậy mấy con có cần mua sách gì để nghiên cứu thêm về kịch, ghi cho cô tựa để cô tìm mua cho.
.

Bà kể một lô tên tác giả viết về kịch Pháp mà tôi không còn nhớ nữa, trong lòng thoáng cảm phục một người tôi đã trọng nễ từ lâu nhưng sự hiểu biết của bà làm tôi càng kinh ngạc hơn. Chỉ có bấy nhiêu thôi, tôi đang ngồi trên ghế bên tay mặt của bà, lắng nghe những lời trầm ấm, đầy tình cảm xuất phát từ một người đàn bà trọng tuổi, đẹp đẻ, cao lớn gợi lại hình ảnh mẹ tôi đã mất cách đó 14 năm, những lời nói trầm ấm, dạt dào tình cảm này từ 14 năm qua chưa từng nghe ai nói với tôi, ngoại trừ người dì ruột, rất nhỏ con, có nhân dáng không giống bà. Những lời này như một cái khóa nước mở ra, làm hai hàng nước mắt tự dưng chảy tuông không thể kềm chế được, tôi không giám quay lại bà và cố dấu không cho bà thấy, bà sẽ không hiểu nổi cái thằng điên này là ai, tự dưng gặp bà lại chảy nước mắt? Bà đâu có đang đóng tuồng đâu? Hàng triệu khán giả ái mộ bà kẻ cả hai vị Hắc và Bạch Công Tử tranh nhau đem bông vào phòng hoá trang tặng
.
.
 
z-lcq-phungha.jpg picture by tddesign


 
.

Bà Phùng Há khoảng vài năm sau khi tôi được gặp bà
.


bà có phải là luôn luôn đến với nụ cười? Tôi cám ơn bà vội vả, rồi chạy đi tìm chỗ kín đáu để lau mặt. Một người nghệ sĩ nổi tiếng, ngoài tài năng, nhân dáng, tuyệt đẹp nhưng phải dễ nhận ra, giọng nói cũng phải có một căn cước riêng, nhưng lời nói có phải là xuất phát từ tâm ra, cái tâm hiền từ, nhân hậu? Một người vô danh tiểu tốt như tôi, mới gặp lần đầu, tuy bà không biết là ai, nhưng xuyên qua chức vụ trưởng ban đ.d., bà chứng tỏ có một sự lo lắng nào đó không một chút suy tính đối với tất cả đàn con cháu đang chập chửng bước vô nghề? Tôi nghĩ bà Phùng-Há  thành công, người chung quanh yêu mến bà và không thể nào quên bà được là nhờ gồm đũ những yếu tố này.
.


Bà đạo diễn Mỹ Barbara Owens
 .

Cũng trong thời gian này, có một bà đạo diễn người Mỹ tên là Barbara Owens, gốc ở Alabama, đến trường để tìm hiểu về ngành kịch nghệ của VN, một học viên dẫn bà đến gặp tôi vì tôi vừa là trưởng ban ĐD KN vừa nói được tiếng Anh. Trước đó cũng có một cô người Mỹ trẻ đẹp (tôi quên tên) cũng đến cùng mục đích, nhưng sau khi tôi chỉ cô để đi ra nhà vệ sinh, cô không bao giờ trở lại nửa! Tôi dẫn bà Owens  giới thiệu với ô. G.Đ. Nguyễn-Phụng cho đúng phép tắc xong, hướng dẫn bà đi vòng quanh trường để chỉ nơi học của các bộ môn kịch, giới thiệu bà cho các vị giáo sư trách nhiệm từng ngành và thông dịch khi bà cần, chỉ riêng lớp hát bộ vì ô. Đinh-Bằng-Phi nói giỏi tiếng Anh nên không cần đến tôi. Tuần sau đó, tôi mời bà dự buổi trình diễn vở kịch Ngã Ba của ông Mỹ Tín, do ban kịch Vượt Khơi tổ chức tại Hội Việt Mỹ ngày 23 tháng Chạp, dù vở kịch nó́i tiếng Việt nhưng bà cũng đến tham dự từ đầu chí cuối và không ngờ bà đã quan sát đến con người và cách diễn xuất của tôi. Sau một lần đến trường để tiếp tục công việc, tôi đưa bà ra cổng và nói xã giao:
- Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được làm việc dưới quyền điều khiển của bà.
- Tôi cũng hy vọng như thế!_bà tươi cười trả lời.
Tôi tưởng rằng bà cũng chỉ đàp lại lời nói xã giao của tôi mà thôi, không ngờ chừng một, hai tuần sau, bà Owens đến trường mời tôi thủ vai chánh cho vở kịch Awaiting wife mountain (Hòn Vọng Phu) của Nguyễn-Ý-Mỗ [3], thoạt tiên tôi từ chối, tôi nói với bà :
- Thuở giờ tôi chưa bao giờ đóng kịch bằng tiếng Anh cả, sợ không làm nổi.
.

Bà cố thuyết phục tôi:
- Không sao đâu, anh chỉ cần học thuộc lòng thôi, anh sẽ thấy không có gì khó cả.
Vì vậy tôi đã nhận lời rồi cứ đến Hội Việt Mỹ tập dợt với Kim-Hương (học sinh cuả Hội V.M.), Nguyễn-Thị-Phụng (khoá 7 th.k.), Nghiêm-Phú-Phát (gs Anh văn tại HVM, bí thư của cụ Mai-Thọ-Truyền,
.
.
z-lcq-choilongga.jpg picture by tddesign
.
Kịch Ngã Ba của Mỹ Tín, ngày 23/12/1969 tại Thính Đường của Hội Việt Mỹ
Với các học viên thoại kịch sau tôi vài khóa, Bạch-Xuân và Thanh-Hằng.
.
.
 


QVKĐTVH tôi đã gặp trước đó, trưởng đoàn Nguồn Sống, em ruột của nhạc trưởng Ng.P.Phi) và một người lính G.I. Mỹ vốn là kịch sĩ (tôi quên tên). Làm việc với bà Owens, tôi hết sức thán phục sự làm việc của người Mỹ. Một bà đạo diễn kịch bình thường từ một nước siêu cường qua một nước nhược tiểu, không quen biết ai hết, bà lặn lội vô trường QGAN & KN tìm hiểu nền kịch nghệ ở đây, bà vào trường Đại Học Văn Khoa để tìm kịch bản VN viết bằng tiếng Anh, rồi tự đi tìm diễn viên để dựng kịch tại VN!  Tôi học với bà, cách tập trung tư tưởng, cách đạo diễn, diễn xuất bằng cử chỉ, bằng giọng nói...và dĩ nhiên, trau dồi thêm được tiếng Anh rất nhiều, trong vòng 3 tháng, nghề kịch của tôi đã tiến xa hơn học 5 năm tại trường QGAN & KN! Chưa hết, bà còn lo âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu, dụng cụ, y phục, nhạc đệm, cả cách chào khán giả sau khi hạ màn, rồi sau cùng lại lo quảng cáo, mời mọc nửa!
.
 

Tôi thật sự không được biết có đạo diễn người Pháp, Canada, Trung-Hoa, Nhựt-Bổn hay Nga-Xô gì đó có thể làm được như bà hay không [4] ? Về phần nhạc đệm, tôi cũng không hiểu bà làm cách nào để biết và tìm ra 3 bản Hòn Vọng phu 1, 2, 3 của Lê-Thương rồi mời hai nữ danh tài đàn tranh cũng của trường QGAN & KN, Kim-Oanh và Ngọc-Dung [5] đến tập dợt với chúng tôi. Dưới sự điều khiển của bà, các cô sẽ đàn đệm chỗ nào, lúc nào im lặng, khi thì chừng vài nốt, khi thì cả câu hoặc cả bản, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc nhặt, lúc khoan thật là điêu luyện và nghệ thuật! Trước kia, với phương tiện khiêm tốn, chỉ cần một cây đàn dương cầm người ta có thể đệm được một vở kịch, nhưng đây, một người đàn bà Mỹ đã cho thấy với cây đàn tranh cổ truyền của VN cũng có khả năng làm cùng việc đó hết sức tốt đẹp!
.
.
z-lcq-dantranh.jpg picture by tddesign
.
Đầu gối và bàn tay của bà Barbara Owens sát bên trái, Kim-Oanh và Ngọc-Dung
của trường QGAN & KN  và tôi. Hai cô đang dạo thử nhạc đệm cho vở kịch
Awaiting wife mountain tại Thính Đường của Hội Việt-Mỹ, ngày 18/3/1970.
.
.


Bà Owens áp dụng lối dựng kịch rất tân kỳ là lúc mở đầu, trong khi chờ đợi khán giả lần lượt đổ vào thính đường, tất cả diễn viên đều chia ra ngồi lẫn lộn với họ, chỉ từ từ bước lên sân khấu khi đến lượt vai mình. Làm như vậy, bà muốn nói lên sự gần gũi với khán giả và chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai trong xã hội [6]. Cùng thời gian này, bà Owens  lại thích thú khám phá thấy người Việt Nam từ xưa đã từng xử dụng mặt nạ khác nhau tuỳ theo vai để diễn kịch trên sân khấu giống hệt thời Cổ Hy-Lạp, vì vậy bà đã cho N.P.Phát diễn hai vai khác nhau bằng cách cầm cái mặt nạ có hai mặt, một mặt là vai thầy bói tượng trưng cho Định Mệnh, mặt kia là một nhà sư tượng trưng cho sự giải quyết đối với Định Mệnh.
.


Có một hôm bà Owens đến tìm tôi và gặp tôi ngay trước cồng trường QGÂN & KN, tôi đang đi cùng bà bước vào cổng, Lê-Văn-Tần cũng đang ngồi đó với vài đứa bạn, nghe bà nói chuyện với tôi, nó trề môi, lè lưỡi và nhái:
- Nhễy, nhễy, nhễy, nhễy...
Tôi thấy bà trố mắt nhìn, có vẻ lo ngại. Tôi rất thông cảm cho bà, vốn là một người lạ, qua làm việc trong một nước đang có chiến tranh, tôi không muốn một kẽ kỳ thị, mất dạy, làm bà nghĩ người ta ghét mình hoặc đang bị V.C. kiếm chuyện, tôi rất sẵn sàng đập tên này nếu cần và may thay, nó không khiêu khích thêm hơn nữa. Tôi trấn an bà:
- He’s just bad educated.
Bà nói:
- Yes, I think he is! 
.


Thời gian đang tập dợt vở kịch Awaiting wife mountain, chúng tôi vẫn tiến hành Đại Hội Kịch Nghệ và buỗi lễ đã diễn ra suốt 3 tiếng đồng hồ tại Thính Đường của trường dưới sự chủ toạ của ô. Mai-Thọ-Truyền, QVKĐTVH, thành công mỹ mản. Buỗi lễ vừa chấm dứt, quan khách còn đang lục tục ra về, bà Owens tìm đến tôi ôm chầm và nói:
- Quyen, you’re really a showman [7]!
Tôi quá hiểu chữ showman này rất là vinh dự, bên Mỹ không phải ai cũng được gọi là showman đâu, nên tôi thành thật cám ơn bà. Đạo diễn Thân-Trọng-Kỳ vì là người đã từng đi tu nghiệp bên Mỹ nên nói được tiếng Anh, nấng ná ở lại nói chuyện với bà và tôi. Vì tôi tổ chức tặng giải thưởng xuất sắc cho cả 4 ngành, vừa giải thưởng màn trình diễn xuất sắc nhất, vừa cá nhân xuất sắc nhất..v..v..cho mọi người nên bà Owens cười rất tươi, hỏi đùa tôi:
- And so,...Quyen, where is your prize?_ tôi ứng khẩu trả lới ngay lập tức:
- My prize is that the audience stay until the end of the show.
Tôi vừa nói vừa đưa bàn tay ngữa ra về phía các hàng ghế, ông T.T.Kỳ nghe vậy thích chí lắm, nói ngay:
- Very good dialogue!
.
.
z-lcq-hvm.jpg picture by tddesign
.

18/3/70, tổng dợt vở Awaiting wife mountain tại s.k.Hội Việt Mỹ, LCQ bên trái, Nghiêm-Phú-Phát bên phải trong vai người Thầy Bói, với chiếc aó sơ-mi xa-ten đen của Nguyễn-Bá-Cung KT 65, phiá sau là người lính G.I. Mỹ trong vai Ông Tơ ( từ đơn vị đến nên không kịp mang theo y phục mặc trong vở kịch) và Nguyễn-Thị-Phụng trong vai Bà Nguyệt.
.

.

Sắp đến ngày tổng dợt kịch Awaiting wife mountain, bà yêu cầu tất cả vai nam đều phải mặc đồ màu đen hoặc sậm, tôi đã có sẵn một áo sơ-mi màu xám sậm [8], nên đem vào cho bà xem, bà chấp nhận ngay,
.

N.P.Phát nhờ tôi tìm dùm một sơ-mi màu sậm, tôi hứa sẽ tìm dùm cho anh ta. Tình cờ hôm sau tại sân trường KT, tôi trông thấy thằng bạn cùng lớp, Nguyễn-Bá-Cung KT 65, mặc một áo bằng xa-ten màu đen rất đẹp, tôi hỏi:
- Cung, mày có thể cho tao mượn cái áo đen này của mày để đóng kịch được không?
- Ờ, được chớ, để tao đem về giặt sạch rối đưa cho.
- Không cần giặt đâu, tao sẽ giặt sau.
Ngày hôm sau, Cung gói ghém cẩn thận đem cái áo sơ-mi đưa tôi, rồi tôi đem cho N.P.Phát mặc để tổng dợt và trình diễn luôn trong 2 ngày 20, 21/3/1970. Trong 2 đêm trình diễn, rạp lúc nào cũng chật quan khách vừa Mỹ vừa Việt, vở kịch VN bằng tiếng Anh này như vậy đã thành công hoàn toàn, cho đến nay tôi vẫn không biết được tác giả vở kịch, Nguyễn-Ý-Mỗ, có đến xem hay không? Vài ngày sau, tôi đòi lại cái áo của Cung,  N.P.Phát  lúc đầu nói chưa kịp giặt, sau thì nói bỏ quên ở nhà, rốt cuộc tôi đành phải nói với Cung:
- Cái aó của mày, tao đòi hoài mà Nghiêm-Phú-Phát không chịu trả!
- Kệ nó, không sao đâu, thôi bỏ đi._Tôi hết sức aí ngại, mặc dù Cung tốt bụng và rộng rãi, nhưng tôi vẫn coi như là một món nợ không trả được, thật là bực mình và còn nhớ mãi đến mấy chục năm sau.
.


Ngay vài tuần sau khi vở Awaiting wife mountain trình diễn xong tại Sài-Gòn, bà Owens đã liên lạc với Viện Đại Học Cần Thơ và VĐH Đà Lạt, lập dự án đem vở kịch đi trình diễn tại các nơi đó. Vì chúng tôi, trừ người lính G.I., đều đang đòi hỏi về thù lao, bà cũng chuyển yêu cầu lên cấp trên tại cơ quan JUSPAO, Sài Gòn để giải quyết nên trong khi chờ đợi, theo lời yêu cầu của bà, tôi đã chở bà đến nhà (apartment) của ông Vũ-Khắc-Khoan, nơi góc Duy-Tân và Hiền Vương, thông dịch để bà thương lượng với ông dịch lại kịch Thành-Cát-Tư-Hãn ra tiếng Anh và trình diễn tại California. VN lúc ấy chưa có hệ thống điện thoại rộng lớn, cho nên rất bất tiện, vì tôi cũng không có thì giờ nhiều, nhà cũng không có điện thoại nên không thể giúp được bà trong các kỳ gặp thầy Khoan sau đó, cho nên tôi cũng không được biết kết quả ra sao.
.


Một ngày nọ, bà Owens hỏi tôi có thể hướng dẫn bà đi coi vài danh lam của Sài Gòn không, tôi chấp nhận và chở bà trên chiếc Suzuki M12 của tôi. Khách đi đường tò mò nhìn tôi chở một người đàn bà Mỹ sau lưng, bà trông dễ nhìn, đẻ tóc kiểu Julie Andrews [9], luôn luôn mặc áo đầm rộng, có lẽ để che cái bụng khá to của bà, nên họ tưởng là bà vợ Mỹ của tôi đang có bầu? Trước tiên đi ngang qua trường Kiến Trúc, số 196 đường Phan-Đình-Phùng và nói với bà đây là trường học chánh thức của tôi, trong lòng hơi tủi khi nghĩ đến bao nhiêu trường Đại Học to lớn bên Mỹ. Bà nói đã biết Viện Bảo Tàng và nhà Kỷ Niệm trong Sở Thú rồi, nên tôi lở lấy đường Hồng-Thập-Tự để vòng qua đó, bèn rẽ về hướng đường Duy-Tân, dự tính đi ngang qua Đa Kao để qua Lăng Ông Bà Chiểu, khi ngang qua trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn số 4 Duy-Tân , tôi thấy trụ sở mới được xây lại rất đẹp nên mời bà ghé vào coi một tí, vừa bước từ ngoài vào, tôi trông thấy một Thính Đường cở nhỏ cho khoảng 300 chỗ trên gradin theo hình cánh cung và một sân khấu nhỏ thật đẹp còn mới tinh khôi, tôi và bà theo bậc tam cấp bước lên sân khấu, sàn gỗ đánh vernis bóng loáng, tôi đứng trước hàng đèn chân tắt ngúm, nhìn ra phía khán giả, có cảm giác như đang đứng trên sân khấu nhỏ của một nước Âu Châu nào đó, nhìn cảnh ngẩu hứng, tôi đọc vài câu bất hũ trong kịch Hamlet, vì chỉ nghĩ đơn giản là bà biết và cũng không ngờ là tất cả học sinh gốc Anh-Mỹ đều phải học qua kịch này [10]:   
.
 
To be, or not to be,  that is the question...
... ... ... ... ... ...
To die, to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache,

.

Vở kịch tôi say mê này đã được ông Hoàng-Trọng-Miên (q.c.) chuyển dịch ra Việt văn, được ông xử dụng làm bài tập cho chúng tôi, chớ chẳng bao giờ được dựng vì lý do “không hợp với đạo lý của người Việt Nam”. Cũng chính vì đam mê này, tôi đã bị ông và Hà Bay đánh rớt khi tốt nghiệp. Tôi nghe tiếng vổ tay lốp bốp của bà Owens nên cúi gập người cảm tạ khán giả làm bà cười ròn rả, sau đó ra khỏi đây tôi mới chở bà đi viếng Lăng Ông. Nhờ cuộc du ngoạn ngắn ngủi này, sau đó có lúc bà đến trường KT tìm tôi nhưng không gặp, hôm sau bà nói với tôi rằng bà có gặp 2 tên “Big Boys” tại trường KT nói tiếng Anh rất giỏi và rất lịch sự, nói là biết tôi nhưng không biết tôi hiện đang ở đâu, bà Owens nói với tôi rằng không khí ở đây có vẻ dễ chịu hơn đằng trường QGAN & KN, tôi nói: “Of course!”. Tôi đoán 2 tên “Big Boys”  không ai khác hơn là Nguyễn-Thanh-Hà 62 và Trần-Quang-Nhựt-Huân 63. Sau đó, chính anh Huân nói lại là bà có đến tìm tôi.
.


Một chút về các bộ môn kịch của Việt-Nam
.


Sau một thời gian nghiên cứu của bà Owens về nền kịch nghệ VN, tôi hỏi bà thích bộ môn nào nhứt? Bà trả lời như sau: 
- Kịch nói thì ở đâu cũng giống nhau, tôi không thích môn Cải lương vì dáng điệu, trang phục, trang điễm đều có vẻ bình dân, Hát chèo khó hiểu lắm và khi hát không thay đổi tiết điệu nhiều, rất tiếc tôi không đũ thì giờ để nghiên cứu thêm. Tôi thích nhất là Hát Bội với tánh cách tượng trưng của nó, mỗi vật dụng, mỗi điệu bộ và mỗi cách hoá trang trên sân khấu đều có mang một ý nghĩa. Tôi tiếc là qua mấy trăm năm, ngành này không được đổi mới. Tuy nhiên tôi rất thán phục ông Đinh-Bang-Phi [11] vì ông ̣đang cố gắng cải tiến ngành này và tôi thấy rằng ông là người có rất nhiều tư tưởng tiến bộ.
.
.
z-lcq-vstar2.jpg picture by tddesign
.
Ông Đinh-Bằng-Phi,  gs Hát Bội cho đến 1975
.
 


Tôi im lặng thán phục sự chịu khó tìm hiểu của bà, nhưng nghĩ dù sao cũng là quan điểm của cá nhân bà sau khi nghiên cứu trong vòng vài tuần một góc nhỏ của văn hóa VN. Tôi nghĩ không có đũ thời gian để giải thích chỉ riêng về cải lương, vốn là một bộ môn văn hóa đặc biệt của miền Nam, từ khi sanh ra đến lớn, chúng tôi sống cạnh cải lương, cải lương bao trùm chúng tôi khắp mọi nơi từ thôn quê đến thành thị, phải chi ngay tại trường QGÂN & KN hay tại Đại Học Văn Khoa Sài-Gòn có nguyên một thư viện về cải lương với đầy đủ tài liệu sách báo, dĩa hát, phim ảnh [12] , tôi có thể trong vài tuần lễ, chứng minh giá trị của bộ môn này cho bà Owens biết. Các soạn giả viết ra kịch bản cho một vở tuồng là cả một công trình văn học, ngoài một kịch bản có chủ đề hẳn hoi, người soạn giả còn phải viết lời ca cho những bài bản theo các thể điệu khác nhau: 6 câu vọng cổ, nam ai, nam xuân, sơn đông hớn mã, sa mạc, xàng xê, nhiều loại lý khác nhau..v..v..do đó, viết một vở tuồng cải lương là cả một công trình phức tạp, đòi hỏi soạn giả làm việc khó khăn gấp ngàn lần viết một vở kịch nói, có thể nói ngang hàng hay khó hơn một vở music-hall của Mỹ. Nếu người ta có thể cải tiến về trang phục, hóa trang, tranh cảnh...tôi nghĩ có thể làm cho môn cải lương tiến bộ hơn.
.

Tôi có nói với bà về sự tương tự của chèo cổ VN với kịch cổ của Nhật. Khi xem phim Nhật, tôi hay quan sát các màn Kabuki hoặc kịch và cứ cho rằng chúng tương đương với Hát chèo của miền Bắc, sau khi được các thầy Việt văn ở trung học rồi các thầy kịch nghệ nói sơ qua về Hát Ả Đào thì tôi lại cho rằng lối hát này tương đương với Hát Geisha cũng của Nhật. Tuy không có khiếu để theo các bộ môn này nhưng tôi cũng thuộc làu vài câu ca trù để khi nhậu có dịp biểu diễn cho bạn bè nghe và nói gạt là chèo cổ Bắc phần, tôi cố bắt chước giọng của một ông già nhà quê miền phụ lưu sông Hồng :
.

Hồng Hồng (mà) Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi...
.


Dĩ nhiên tôi chỉ hát mấy câu này sau khi “vô” vài ly và làm bạn bè ôm bụng cười sặc sụa nhưng dù sao, vẫn còn thua xa khi nghe Minh Bò hát 6 câu vọng cổ! Giọng và nhịp rất trúng, nhưng lời do bạn chế biến, cộng thêm nhìn bộ mặt tuy nghiêm lại có vẻ hài hước, cặp kiếng cận thị dày cộm, cái mũi lân với hàm râu lưa thưa, tua tủa, đóng vai một cô gái trẻ có người yêu đi ra chiến trận xa nhà! Minh Bò ca bài vọng cổ này lúc xuất thần và có lẽ không bao giờ lặp lại lần thứ hai trong đời hết. 
.

.
z-lcq-hatcheo.jpg picture by tddesign
.
Một cảnh Hát chèo của thời hiện tại
.
.
.
z-lcq-vanhoa.jpg picture by tddesign
.
Từ trái qua phải: một học sinh lớp Đệ Nhị, Ngô-Như-Tâm, tay guitar solo nhạc Rock, biết Hát Bội rất giỏi và LCQ.
Lễ văn nghệ tất niên của trường Võ-Trường-Toản, xuân năm 1963 tổ chức tại rạp Văn Hoa, Đa-Kao, SG.
.
.
 


Lễ văn nghệ cuối năm Đệ Tam tại trường trung-học VTT,  năm 1962, người bạn thân trong lớp tên Ngô-Như-Tâm đã trình diễn một màn Hát Bội thật độc đáo và hiếm có, khiến tôi cũng ước muốn khi nào có cơ hội, sẽ học một tí về môn này. Ngô-Như-Tâm hát bội rất giỏi, nhưng năm sau đó đã trở thành tay đàn đệm guitar solo cho ban The Sunliters của chúng tôi, quả là hai thái cực, một thật xưa và một rất tân thời. Do đó, tôi đồng ý trước sự giải thích của bà về Hát Bội, vì nó gợi lại một ao ước được học môn này từ 8 năm trước và bao giờ cũng tiếc không có đũ thời giờ để học thêm cho biết, cả ba cuộc đời song song của tôi: kiến trúc, kịch nghệ và gia-đình... không còn cho phép tôi kịp thở, chớ còn mong chi làm thêm chút gì nữa, ngoại trừ thời giờ dành riêng cho (các) bạn bè và (các) người yêu xinh đẹp của tôi.
.


Một chút về vở nhạc kịch HAIR và thời Hippy
.


Trong thời gian tập kịch, có một hôm bà Owens nói với tôi là cuối tuần qua, bà đã đi xem một concert nhạc rock do các ban nhạc rock VN trình diễn tại hội Cercle Sportif Saigonnais rất hay, bà nói trong khi các ban đang hát, có người vẽ tại chỗ rồi chiếu lên màn ảnh trên phông phía sau, các hình ảnh bông hoa Hippy, thay đổi liên tục, thật là đẹp. Tôi nói tiếc quá, không biết để đi xem, trong bụng nghĩ chắc Trường-Kỳ tổ chức chớ không ai khác. Nhân tiện, tôi đề cập với bà về vở nhạc kịch Hair lúc đó nổi tiếng bên Mỹ, tôi được coi hình ảnh thanh niên nam nữ khỏa thân trong vở kịch Hair này trên tạp chí Playboy, nên hỏi:
- Chắc là vở nhạc kịch này táo bạo và vi phạm luân lý lắm phải không?
- Ồ, không đâu, trái lại, tôi đã từng coi vở này rồi ngay tại Broadway, New York, rất là hay. Vở kịch chỉ
.
.
z-lcq-hair.jpg picture by tddesign
.


Poster của vở Nhạc Kịch HAIR, 1968
.
 


ca tụng Hoà Bình, vẻ đẹp thiên nhiên của Tạo Hóa, sự Hòa Hợp và Thông Cảm giữa mọi mgười, khi họ hát ca tụng bốn mùa, đến mùa Đông, các thanh niên nam nữ mặc quần aó Hippy chạy túa ra bốn bên vòng quanh thính đường phía trên cao, rãi tuyết giả rơi lả tả xuống khán giả, khi muà Xuân đến, các người trẻ Hippy lại chạy vòng trên cao rãi bông hoa đũ màu xuống, đẹp tuyệt vời. Chắc anh biết bản Aquarius chứ?
- Biết chớ, tôi biết..._Tôi lẩm nhẩm:
When the moon is in the Seventh House
And Jupiter aligns with Mars
...
- Đúng là bản đó…
Và tôi tiếp theo với vài câu: Let the sunshine, let the sunshine in, the sunshine in...
- Thật ra ban The Fifth Dimension đã lấy bản The Age of Aquarius trong màn mở đầu của Hồi 1 rồi nhập lại với Let the sunshine in  ở màn cuối cùng của Hồi 2 thành một Medley. Bản Let the sunshine in là bản cuối cùng của vở nhạc kịch, các diễn viên vừa hát vừa mời khán giả leo cả lên sân khấu hát chung với họ đến lúc chấm dứt rất hay và cảm động.
.
.


Như vậy, tôi đã có một khái niệm khác về vở nhạc kịch Hair, vở này sau đó được trình diễn và thành công khắp nơi trên thế giới, là tiêu biểu cho phong trào Hippy là một phong trào rất đặc biệt đã ảnh hưởng đến gần như mọi ngành trong đời sống của tất cả mọi người tại các nước tự do lúc đó, hội họa, âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh, kiến trúc, xe cộ và nhất là y phục. Ngoài thanh niên nam nữ đều để tóc dài, mode áo eo, quần ống loe (patte d’éléphant) hay xì gà, mini jupe lan tận sang Việt Nam và tiệm may Dung tại Đa-Kao Sài Gòn đã sáng chế ra chiếc áo dài mini được tất cả đàn bà, con gái cả Miền Nam ái mộ nhiệt liệt, chiếc áo dài raglan-mini với cổ áo chỉ có khoảng 25mm, vạt ngắn tới đầu gối, không nhấn pince nhưng trông thật sexy, vì áo ôm theo đường cong nét lượn trên thân người và hở một khoảng tam giác hai bên eo ngay nơi thắt lưng của chiếc quần ống loe. Ngay cả tại Sa-Đéc, Đà-Nẳng, Nha-Trang hay Cam Ranh các bà, các cô mặc áo dài mini màu đi làm việc, các nữ sinh mặc áo dài mini trắng đi xe Honda PC 50 là một hình ảnh khó quên cho đến khi tôi trở về đến Sài Gòn. Ngoài ra còn chiếc Cady của hảng Motobécane, Pháp, tuy trông xí hơn và bất tiện hơn một bậc cũng góp một phần nhỏ trong thời kỳ Hippy này.
.
.
z-lcq-hondapc.jpg picture by tddesign
.
Chiếc PC50 đời 69
.
.
 

z-lcq-mini.jpg picture by tddesign
.
Nữ sinh mặc áo dài mini trắng, đi xe đạp mini
.


Thời kỳ Hippy là như vậy, thanh niên Mỹ kêu gọi Peace and Love (Hoà Bình và Yêu Thương) trong khi chiến tranh tiếp diễn ác liệt tại Việt Nam. Một năm sau, sau khi QĐVNCH thất trận tại Hạ Lào, Trường Kỳ(q.c.) đã tổ chức một Đại-Nhạc-Hội Trẻ tại sân Hoa-Lư, Đa-Kao ngày 29/5/1971 với sự tham dự đông đảo của các ban nhạc Rock và hàng ngàn khán gỉả trẻ, hầu như tất cả đều mặc đồ Hippy, lính G.I. Mỹ... trong đó có gian hàng bán poster và huy hiệu của 3 tên KT65, Phạm-Việt-Nam, Võ-Phượng-Đằng và tôi (tôi sẽ viết lại vụ này trong dịp khác). Tại trường KT, không ai phủ nhận Minh Bò là  “Hippy Chúa” cả, ngoài tóc và râu dài, áo gi-lê Hippy, quần patte, còn xách nách một cái túi vải có tua tụi, đựng đủ thứ đồ đạc linh tinh trong đó. Trong trường cũng có những bạn chỉ chăm lo học hành, không mốt miếc, híp py, híp piếc gì cả như Nguyễn-Tấn-Cang 65, Nguyễn-Trọng-Tuấn 66, ...Hùm, Trương-Thị-Nguyện 69 chẳng hạn.
.
.


Nhắc đến thời kỳ Hippy phải nói đến vụ “streaking” (truồng chạy). Tại trường Kiến Trúc, streaking trong sân trường là thường, nhưng tôi đã thực hiện được streaking ngoài Cam-Ranh sau đó, nhân một đêm thanh vắng, tôi cởi hết quần áo ra chạy một vòng chung quanh nhà, đến nhà tắm hơi Mỹ Hoàng (bỏ hoang) quay trở lại, làm nàng TLN của tôi ôm bụng cười ngặt nghẹo. Như vậy tôi đã thực hiện được 1 trong 100 điều khiến nhiều người, nam lẫn nữ, ao ước làm trong đời mà không thể làm được!
.


Bãi khóa chống Lonnol
.


Trước khi chúng tôi tổng dợt kịch Awaiting wife mountain khoảng 1 tuần, bên Cam-Pu-Chia xảy ra vụ đảo chánh của hai ông Lonnol và Sirik Matak lật đổ ông Hoàng Norodom Sihanook. Tình hình càng ngày càng rối ren, sau đó Lonnol và Sirik Matak ra lệnh cho tất cả lực lượng V.C. và B.V. phải rút khỏi Cam-Pu-Chia trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Cuối tháng 3 bên Cam-Pu-Chia có các cuộc biễu tình ũng hộ Sihanook, song song nạn “cáp duồng” (chặt đầu) người Miên gốc Việt xảy ra, khiến cho rất đông Việt kiều ùn ùn chạy sang Việt Nam tỵ nạn thì tháng 4 quân đội VNCH đổ quân sang Cam-Pu-Chia. Tại Sài-Gòn lập tức, các trường học lần lượt bãi khoá để chống Lonnol như một vết dầu loang, sau trường này, tiếp đến trường kia. Các học viên tại trường QGAN & KN không thoát khỏi vết dầu này, nhất là các bạn trẻ trong ban ĐD KN nóng lòng hỏi tôi:
- Anh Q., mấy trường khác ai cũng bãi khoá hết, mình tính sao đây?
- Thì dĩ nhiên mình cũng phải làm chớ sao.
.

Tôi vốn không theo bên cánh tả, sau này nghĩ lại chẳng qua có người kích động, xuí giục ban đầu, rồi sau đó các trường cứ tự động bị lây như bịnh dịch chớ chẳng có ai xúi giục ai cả, đã mang trách nhiệm trưởng ban đại diện, tôi không thể nào làm thinh được. Tôi cho trưởng ban ngoại vụ liên lạc mời báo chí, đài truyền thanh, truyền hình đến họp báo theo ngày ấn định. Đoạn lên văn phòng giám đốc Nguyễn-Phụng (q.c.) thông báo quyết định baĩ khoá của chúng tôi và treo biểu ngữ, ông dựa người ra lưng ghế, nhìn tôi xuyên qua cặp kính dày cộm, vảnh râu nói:
.
.
z-lcq-vstar1.jpg picture by tddesign
.
Ông Nguyễn-Phụng (q.c.), giám đốc trường QGAN & KN
.
.
 


- Ờ, các anh cứ làm gì theo ý các anh thấy cần phải làm.
Lập tức, tôi lấy tiền quỹ ra cho anh em đi mua vãi, cọ, sơn dầu làm một tấm biểu ngữ thật lớn, cao khoảng 8 tấc, dài khoảng 10 m trên viết:
“ ĐẢ ĐẢO LONNOL,  NGƯNG TÀN SÁT VIỆT KIỀU VÔ TỘI ”
Vừa viết xong, chúng tôi tìm cách leo lên nóc nhà phía mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Du treo lên dãy balustrade phía bìa nóc. Vừa xuống đến văn phòng BĐD khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ sau, một bạn trẻ chạy vào báo khẩn cấp:
- Anh Q. ơi! Có người leo lên đem biểu ngữ của mình xuống rồi!
Tôi lập tức chạy ra sân trước, chỉ kịp thấy một chiếc xe Jeep chạy vù ra cổng, trên xe có 4 người mặc đồ thường phục, người ngồi phiá sau còn ôm trong lòng tấm biểu ngữ chưa khô sơn. Tôi thật tức giận, không biết làm gì, lượm một cục đá dưới đất chọi theo nhưng chiếc xe đã vọt chạy đến ngã ba Nguyễn-Du và Huyền-Trân Công Chúa sau lưng Dinh Độc Lập rồi khuất dạng. Người lính Thủy Quân Lục Chiến Đại Hàn đứng gác trước cửa villa Đại sứ ngay trước mặt trường QGÂN & KN nhìn theo sự việc xảy ra và cuối cùng nhìn tôi chăm chăm, tay vẫn còn giữ chặt quai súng M-16 đang đeo trên vai. Tôi bước vào trường suy nghĩ tại sao công an có tin nhanh như vậy được? Cả trường chỉ có mỗi hai cái điện thoại, một trong phòng làm việc cuả ông Giám Đốc, một của phòng hành chánh, tôi có quyền suy ra là ông GĐ gọi báo cho Cảnh sát được không, khi tôi không có bằng chứng? Một mặt ông phải lo giữ trách nhiệm đối với nhà nước và nồi cơm của ông, một mặt ông phải đối phó với đám học viên đang hăng máu này, không biết theo phe nào, có lẽ phía nồi cơm nặng hơn?
.
.
z-lcq-qgan-4.jpg picture by tddesign
.
.
Sân trường QGAN & KN, nơi tôi gặp người “phóng viên nhiếp ảnh” trẻ.
Hàng balustrade phía trên cao là nơi chúng tôi treo biễu ngữ chống Lonnol.
.
.
 


Hôm sau, đúng với ngày giờ mời họp báo, sân trường đông nghẹt những người lạ mặt, trông không giống ký giả, phóng viên tí nào, trong số có một người “phóng viên nhiếp ảnh” trẻ đeo một chiếc máy ảnh tối tân trước ngực, tôi hơi nghi ngờ, bước đến hỏi anh ta:
- Anh chụp hình cho ai vậy?
Anh ta trả lời ngay: - Tôi làm việc cho báo chí._Tôi thoả mản với câu trả lời, nhìn anh ta một phát rồi nhìn đồng hồ, bảo mấy đàn em mời tất cả mọi người vô thính đường. Trong thính đường, đa số là học viên của ngành Kịch và các em nhường hết hai hàng ghế đầu cho “báo chí”. Tôi ngồi vào ghế chủ tọa với ba bạn trẻ trưởng ban, ngoại vụ, nội vụ và thủ quỷ, liếc thấy lưa thưa vài người ngồi vào hàng ghế đầu, họ ngồi yên quan sát, trong tay chẳng có một mảnh giấy bút gì ráo trọi. Tôi đọc bản tuyên cáo viết sẵn lên án chánh phủ Lonnol đã tiếp tay cho nạn “cáp duồng” người Việt tại Cam-Pu-Chia và tuyên bố bải khóa để phản đối lại việc ấy. Trong khi đọc tuyên cáo, tôi thấy người “phóng viên nhiếp ảnh” trẻ đi vòng vòng chụp hình tôi đũ kiểu, đằng trước, bên hông trái, hông phải, ¾ phải, sau lưng...Tiếp đến là phần chất vấn, các quan khách chẳng ai buồn hỏi một câu, người duy nhất đặt câu hỏi là Lê-Văn-Tần:
- Xin anh trưởng ban đ.d.cho biết chừng nào mình đi học lại đây?
Tôi trả lời:- Tôi biết anh Tần là người ham học (cử tọa cười một cái rần), nhưng vì công việc chung, anh chịu khó đợi cho đến khi chúng tôi có quyết định mới, chúng tôi sẽ thông báo cho mọi người lập tức.
.
.


Sau khi giải tán, tất cả mọi người đều ra về, tôi mới chợt nghĩ là mình quá ư dại khờ, Tổng Nha đã cho chụp hình mình đũ mọi khía cạnh rồi, chạy ra đến sân thì người “phóng viên nhiếp ảnh” trẻ cùng các vị “ký giả” không giấy bút đã ra về ráo trọi, chỉ còn mình tôi đứng suy nghĩ lúc nãy mình quá dại khờ, chẳng có đòi coi giấy tờ chứng minh người “phóng viên nhiếp ảnh” lẫn các “ký giả” kia làm cho báo nào? Đó thật là bài học khôn cho một sinh viên đã được 25 tuổi mà vẫn còn ngu như tôi lúc đó.
.


Sau vụ này chừng khoảng một vài tuần, có hai bạn trẻ: Đào-Duy-Anh [13], đại diện ngành Quốc Nhạc và Nguyễn-Văn-Mạnh, đại diện ngành Nhạc Tây Phương đến gặp tôi ngỏ ý muốn tổ chức bầu một ban đại diện duy nhất cho cả trường vì vụ bãi khóa vừa qua chỉ do Kịch nghệ khởi xướng chớ không phải là do quyết định của toàn trường. Đào-Duy-Anh, nguyên là sinh viên Y-Khoa, người Nam, cao trung bình, gầy gầy, da ngâm đen, mặt nhiều mụn, luôn luôn đội nón lưỡi trai và cầm một cái cặp táp dầy cộm, anh là học viên đàn tranh. Nguyễn-Văn-Mạnh, người Bắc 54, còn là học sinh trung học, cao dưới trung bình một tí, da cũng ngâm ngâm, mặt vuông và có vẻ như rất thích làm đại-diện cho cả trường, Mạnh là học viên vĩ cầm. Tôi có linh cảm Mạnh là người do Tổng Nha đưa ra, cái vẻ của Mạnh khiến tôi tin tưởng anh không theo cánh tả. Khi còn đang chờ đợi Mạnh đến, ĐDAnh vừa cười rất tươi vừa nói với tôi:
- Anh Q., tôi bỏ phiếu cho anh làm đại diện toàn trường._Chúng tôi chỉ có 3 người, ĐDAnh chọn tôi, nếu tôi tự bỏ phiếu cho tôi thì việc đắc cử trưởng ban quá dễ rồi, nhưng tôi đề nghị:
- Đ.D.Anh làm đi, tôi ủng hộ.
- Tôi không có nhiều thì giờ nên không thể kham nổi đâu.
- Tôi cũng vậy, bên KT cũng có rất nhiều bài vở còn phải lo._Tôi biết chương-trình bên Y-Khoa rất nặng nhưng không muốn giải thích dài giòng rằng bên Kiến Trúc, năm thứ 5 còn 2 môn khó khăn đang chờ đợi: Construction (Kiến Tạo tổng quát) và Bê Tông Cốt Sắt (thực hành) đó là chưa kể đến các đồ án KT hàng tháng rất khó giải thích cho những ai học trường khác hiểu nổi. Thật ra, ở cấp bậc đại học tại Miền Nam lúc đó, ngành nào cũng khó và nặng, không riêng gì Kiến Trúc hay Y Khoa, Công-Chánh, Điện, Hóa-Học, Khoa-Học, Dược Khoa, Văn Khoa, Luật Khoa, Cao Đẳng Thương Mại, Hành Chánh, Sư Phạm...tất cả đều khó.  Rốt cuộc cả hai chúng tôi đều đồng ý đề cử N.V.Mạnh làm trưởng ban đại diện toàn trường. Đắc cử xong, rắc rối xảy ra, N.V.Mạnh và vây cánh muốn chiếm phòng làm việc của b.đ.d. Kịch Nghệ, họ phá ống khóa cửa phòng, rồi thay ống khóa khác. Khi đến nơi, tôi điên tiết, bay đạp song phi làm cánh cửa bật tung và cái ống khỏa bể tan nát, chúng tôi đổ vào kiểm, thấy mất quyển sổ Chi-Thu và quyển Sỗ Vàng là hai món quan trọng nhất của chúng tôi, chúng tôi không biết làm thế nào hơn đành phải kéo nhau đến nhà thầy Khoan nhờ can thiệp. Ngày hôm sau, ông đến, đi nói chuyện với ông Nguyễn-Phụng rồi bắt buộc NVMạnh phải trả lại sổ sách cho chúng tôi. Sau vụ này, tôi lại nghĩ mình quá khờ dại, đúng lý ra ĐDAnh và tôi bắt buộc NVMạnh phải chấp nhận trong BĐD có đại diện của Quốc Nhạc và Kịch Nghệ mới tránh được các rắc rối xảy ra và càng có danh chính ngôn thuận cho mọi quyết định mang danh Ban Đại Diện trường QGAN & KN.
.

Qua những việc như vậy, tôi lại học thêm được một số kinh nghiệm ở đời và tiếp tục còn học dài dài vì không ngờ, cho đến già vẫn không bao giờ...khôn được.
.


Cha Sesto Quercetti, giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ
.


Một ngày đẹp trời nọ, tôi đang ngồi đấu láo với hai bạn khóa 4 thoại kịch bị đánh rớt phải học lại, Nguyễn-Bá-Khoa và Nguyễn-Văn-Sang trước hành lang văn phòng trường QGAN & KN, chợt trông thấy một người đàn ông Tây phương bước từ cổng vào. Người này cao ráo mặc sơ mi ngắn tay trắng, quần đen, trông đẹp trai, tóc chải cuốn về phía sau hao hao giống tài tử Robert Conrad thủ vai chánh trong show Mỹ The Wild Wild West, tôi tưởng ông là người Mỹ nên chào và hỏi:
- Good morning, what can I do for you, sir?
Câu trả lời bằng tiếng Việt rất trúng, bằng giọng Bắc rõ ràng, làm tôi và hai người bạn đều ngạc nhiên:
- Tôi làm việc cho Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ, tôi đến đây để đăng thông cáo tìm diễn viên.
Nghe vậy, tôi bèn mời ông vào văn phòng kế đó để gặp anh Đầy, thư ký v.p., nhưng vì anh không có mặt, nên tôi mời ông ngồi nói chuyện với chúng tôi trong khi chờ đợi trước văn phòng, ông tự giới thiệu:
-  Tôi tên Sesto Quercetti, là linh mục giám đốc của Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ.
.
.
z-lcq-astar.jpg picture by tddesign
.
Tài tử Robert Conrad, vai chánh
của The Wild Wild West

.
.


Nghe đến chữ linh mục, tôi mới nhìn lại thấy ông có đeo một cái vòng quanh cổ màu trắng mà trước đó tôi không để ý và tôi đổi cách xung hô, hỏi ông về Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ vì nghe rất lạ tai. Thời điểm đó, tôi không còn cô đơn nữa nhưng ý thích đi tu vẫn còn, nên tươi cười hỏi ông:
- Thưa cha, không biết tuổi như con, có thể còn đi tu được không?_ Ông cười rất tươi, đáp:
- Ở Việt Nam người ta quan niệm rằng: “Tu là cõi phúc, tình là giây oan” chứ thật ra, tu là cả một sứ mệnh.._nghe đến đây, cả ba chúng tôi đều cười ầm lên vì cách xử dụng chữ quá ư rành rẽ của ông, hôm đó tôi biết được ông là người gốc Ý và sau khi tôi vô làm việc cho Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ, tôi mới biết cha Quercetti nói được đến 12 thứ tiếng, tiếng Ý của ông, tiếng Bồ-Đào-Nha, Pháp, Anh, Đức, Tiệp Khắc, Việt Nam, Trung Hoa (Quảng-Đông và Quang Thoại), Hàn-Quốc và Phi-Luật-Tân, ta còn phải kể đến tiếng La-Tinh mà tất cả tu sĩ Thiên-Chúa Giáo đều phải học. Khi ông nói tiếng Việt là tiếng Việt của người có học và ở một trình độ còn cao hơn một số đông người VN khác.
.


Khi anh thư ký Đầy trở lại, cha đưa thông cáo cho anh, nói chuyện xong xuôi, cáo từ chúng tôi đoạn ra về. Tôi chờ anh Đầy niêm yết thông cáo tìm diễn viên lên bảng, đến coi và ghi vô giấy địa chỉ của TTĐL cùng ngày giờ ấn định...Nhờ lợi thế biết trước mọi người nên đến ngày ấn định, tôi đã đến Trung Tâm Đắc Lộ số 161 đường Yên Đỗ, Sài Gòn do các cha Dòng Tên (Jésuite) lập để dự tuyển. Nhân viên điều hành giới thiệu chị Kim-Thương, chủ sự phòng diễn viên đưa tôi một kịch bản ngắn để học thuộc lòng rồi chủ sự phòng thu dẫn tôi qua studio để làm screen-test (thu thử). Trước hai máy thu TV, tôi đóng vai một anh chàng Sở Khanh, giả làm bác sĩ trị bịnh để gạt tình con gái chủ nhà, khi bị khám phá, lật đật bước nhanh ra khỏi nhà thì bị một người nhà chạy theo nắm tay kéo trở lại vô nhà. Lúc bị kéo trở lại vô nhà, tôi nhìn quanh và bẻn lẻn cười vì quê quá, gạt người bị lật tẩy. Chỉ có vậy, khi chiếu lại cho cha Giám-Đốc và cả nhân viên phim trường đều cười ầm ỉ vì nụ cười bất hủ này. Anh Hách, chuyên viên thu âm thanh chỉ cho thấy giọng nói cuả tôi khá mạnh, làm hai cây kim ghi cường độ âm thanh của bộ máy thâu stéréo lúc nào cũng ghi giữa khoảng đen và đỏ. Ngay sau test, tôi đã được chọn và  kể từ đó tôi đã trở thành nhân viên chánh thức của TTTHĐL ngay thời kỳ đầu của Trung Tâm trong vòng hơn một năm và năm sau vì việc học ở KT, tôi đã xin làm bán thời gian cho đến khi đi lính.
.
.


Tóm lại chính nhờ hai người Âu Mỹ này, tôi đã từ bỏ hẳn trường QGAN & KN, một người đã giúp tôi kiện toàn diễn xuất, một người trên đường thi hành sứ mệnh Thiên Chúa, đi ngang trường QGAN & KN kéo tôi ra khỏi ngành Thoại Kịch là một nơi đầy chia rẽ, âm mưu, thù hận. Tôi tự hỏi: 1.“học kịch để làm gì?”, đó là một sự đam mê, học cách dùng con người mình để diễn tả, tôi đã đạt được nhờ bà Barbara Owens giúp cho điều đó. 2. “học xong kịch, làm việc gì, cho ai?” cha Quercetti đã cho tôi việc làm tại TTTHĐL dù chưa tốt nghiệp, tôi được có lương khá dễ chịu, làm việc trong một nơi tất cả nhân viên đều vui vẻ hiền lành, không phe đảng, đôi khi có cả nữ tu làm việc trong phim trường. Khi không có phim để quay, tôi được chị Kim-Thương điều qua chương trình thiếu nhi để giúp chị làm các con búp bê (con rối) và làm các ngôi nhà nhỏ trong phim. Qua đó tôi đã học được thêm nghề đắp tượng bằng bột giấy do chị Kim-Thương chỉ, không ngờ sau đó đã giúp cho tôi rất nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thời gian đóng kịch tại đây, tôi đã được làm việc chung với rất nhiều nam nữ diễn viên đã nổi tiếng rồi cũng như sẽ nổi tiếng..v..v..,các bà Năm, bà Sáu, chú Sáu Trọng, chú Bảy Thành, em của nữ diễn viên cải lương Hồ Quảng Bạch Lê, là Bạch Lý lúc đó còn nhỏ lắm nên đóng vai con gái của tôi, học viên ca kịch Bạch Liên (không bà con với Bạch Lê) thường xuyên đóng cặp với tôi cùng các cô học viên ca kịch khác…
.
z-lcq-daclo.jpg picture by tddesign
.
Tiệc nhỏ tại TTTHĐL tiễn cha Reuter (đạo diễn) về Mỹ, khoảng cuối năm 1971. Từ trái sang phải: chị Kim-Thương, anh Hách, chị..., chị Hiếu, đ.d. Thuần, Q., đ.d. Chấn, chị..., Trần-Thị-Hòa, em dâu  của Sơn-Trà 65 và Đại-Đóa 67.
.
.

Năm sau đó, 1971, các phim do TTTHĐL quay đã được đài số 9 phát ra cho công chúng xem. Ngoài Sài Gòn, các đài TV các nơi khác như đài Huế, đài Nha-Trang và đài Cần Thơ, ngoài các tin địa phương, chiếu lại tất cả chương trình của đài Sài Gòn cho nên các kịch do các anh em KT như Minh Bò, Hùng điên, Sơn ốm và  tôi...đóng đã được mấy triệu người xem khắp Miền Nam. Ngoài các phim chiếu ngoài rạp có sự tham dự của các bạn khác như đã nói trong kỳ rồi, còn có Đan-Đình-Thành 66 đóng quảng cáo chiếu ngoài rạp xi-nê, đó là chưa kể bạn Trưng 66 còn có bà xã là nữ tài tử Bội Toàn, đóng trong phim Hè Muộn của đạo diển Đặng-Trần-Thức nữa. Trong lúc tôi đóng những kịch thuộc về Giáo Dục Y Tế tại TTĐL, tôi được trông thấy Lê-Văn-Hiểu cùng khóa 5 th.k., được La-Thoại-Tân chọn đóng các vai chánh như ma quỹ, dracula hay tướng cướp..v..v.. trong “Chương Trình lúc 0 giờ” của anh trên đài Truyền Hình Sài Gòn.
.
.


Lúc hăm hở ghi tên vào học  kịch, tôi không hề nghĩ đến có một ngày nào đó, khi nhiều người biết đến, nhận ra, sự phiền toái cũng bắt đầu kéo đến, trong khi bà con ruột thịt, hàng xóm coi chỉ vui vẻ mỉm cười, tôi đi đến đâu cũng bị hỏi, bị tra, đ̣i ăn sinh nhật với cô bồ, các cô bu lại hỏi:
-  Có phải anh đóng kịch ở đài Đắc Lộ không?_Vì các cô không biết tên vả lại lúc thu hình, tôi không bao giờ đeo kiếng cận, nên câu trả lời của tôi là:
- Ồ̀, chắc ai đó giống tôi chớ không phải tôi đâu!_ May phước tôi chưa kịp nổi tiếng như tài tử Hollywood, chắc còn có lẽ phiền hơn nhiều. Các bạn quen của ông thân tôi hỏi làm phiền ông không tính, khi ở nhà, bà kế mẫu đang nấu ăn, mở TiVi nghe tiếng của tôi:
- Ai mà nghe tiếng quen quen, không nhận ra?_Bà đeo kiếng đến gần rồi la lên:
- Trời ơi! Hóa ra thằng Q.!_ Điều này càng làm ông thân tôi bực bội, gặp tôi cứ càm ràm:
- Sao tụi bây không lo học hành gì hết, cứ lo đi đóng kịch hoài.
Ở trường KT, thầy Phạm-Văn-Thâng (q.c.) gọi tôi là “tài tử ti-vi” làm tôi rất ái ngại, vì đúng lý sv KT năm thứ 5 và 6 phải lo đi thực tập tại các văn phòng KTS, còn tôi mãi đến tháng 10 năm 1971 nhờ anh Nguyễn-Đăng-Quang 63 rủ, mới vô làm cho v.p. thầy Bùi-Quang-Hanh (q.c.) được vài tháng để tham gia với các tay cự phách của trường làm Concours INNOTECH. Văn phòng thầy Hanh kết hợp với v.p. thầy Lê-Văn-Lắm (q.c.) đã đoạt giải Nhì trong Concours này.
.


Lần cuối cùng gặp bà Barbara Owens, bà hỏi tôi:
- Anh còn đến trường Quốc Gia Âm Nhạc nữa không?
- Tôi không còn đến đó nữa, tôi chỉ đến nơi nào có tình thương mà thôi.
Tôi đã không dấu bà sự chia rẽ, ghét bỏ tại đây, bà lại bị ảnh hưởng của thời Hippy “Make Love Not War”cho nên bà rất thích câu trả lời của tôi, thật ra tôi có trở lại trường này một lẩn duy nhứt để chào nữ học viên ca kịch Bạch Liên vào khoảng đầu tháng Hai 1972, trước khi đi lính, Bạch Liên vẫn còn đẹp dịu dàng, mái tóc vẫn dài đến quá eo, cô cũng chúc cho tôi đi bình an, cười rất tươi và thêm:
- Anh diễn hay hơn anh Sang nhiều lắm._ Nguyễn-Văn-Sang là học viên th.k. khóa 4 đã nói ở trên, cao ráo, trắng trẻo đẹp trai, đã vào TTĐL trám chỗ của tôi. Tôi không muốn hơn bạn nào, tôi chỉ mỉm cười nghĩ chắc Bạch Liên có nhiều cảm tình với tôi vì ngoài các cảnh hay ôm sát Bạch Liên vào lòng, hay nói thì thầm trong tai nàng để nhắc câu đối thoại, hoặc chỉ cách diễn xuất, hay táo bạo hơn:”Nếu bây giờ anh nói anh yêu em thì em nghĩ làm sao?”, phản ứng tự nhiên, nàng thục cánh chỏ vào bụng tôi, cười híp mắt và nói:”Xạo hoài!”. Vì trong lúc lên chữ, đạo diễn yêu cầu tiếp tục nói cho tự nhiên, chỉ thu hình chứ không thu tiếng, cho nên khi chiếu lên, ta thấy giống như hai vợ chồng đang nói bậy với nhau một tí vậy.
.
.
z-lcq-friends.jpg picture by tddesign
.
vợ chồng LCQ, Đặng-Thái-Sơn và mẹ, bà Thái-Thị-Liên Marcelle, em của thầy dạy piano của tôi, bà Thái-Thị-Oanh Louisette, tại thính đường Bicentennial Hall của Viện Đại Học Bishop, Lennoxville, Québec, mùa thu năm 1992
.
.
.

Trường QGAN & KN cũng có những mất mát sau khi tôi không đến nữa, vào đầu tháng Giêng năm đó, đọc báo thấy tin thầy Tam-Ích tự sát tại nhà làm tôi không khỏi bùi ngùi, tưởng nhớ đến những giờ phút ngồi học với ông. Tôi không thể quên con người đặc biệt của ông: hơi thấp người, hơi mập, da ngâm đen, ông kéo dây nịch quần lên hơn rún nên thấy lưng ông rất ngắn, miệng ông rất rộng và tiếng nói của ông rổn rảng, tôi hay nói nhỏ với các bạn là tôi có cảm giác ông là Âu-Dương-Phong, thật là tội nghiệp!
.


Thời gian lúc tôi ở trong quân ngũ cũng là thời gian ngành Thoại Kịch mất anh Trương-Đình-Hầu, cùng lớp với các chị Bằng tự Đỗ-Anh và chị Mộng-Điệp, khóa 3 th.k.. Đi lính, anh ra sĩ quan rồi tử trận, cuộc chiến này đã làm hao tốn biết bao nhiêu người tài hoa, trẻ tuổi, đẹp trai, thật là oan uổng!
.


(Còn tiếp)
.

___________________________________________________________________________________
 
.
 
chú thích:
.

(1)   Nghiêm-Phú-Phát: em ruột của phó giám-đốc trường QGAN & KN Nghiêm-Phú-Phi (q.c.). Cho đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao ô. N.P.Phi sanh tại Bà Rịa, học tiểu học trong Nam nên ông nói giọng Nam rặc, nhưng em ông, N.P.Phát lại nói tiếng Bắc?
.

(2)   bà Hồng-Vân: tên nguyên thủy, là giáo sư dạy môn chèo. Nữ kịch sĩ Hồng Vân (bắt gà) hiện nay là đệ tử của bà, trẻ hơn bà nhiều.Tôi không hiểu tại sao lại lấy tên sư phụ của mình để hành nghề?
.

(3)   Nguyễn-Ý-Mỗ: bà nói với tôi là bí danh của ông Nguyễn-Văn-Trung, gs ĐH Văn-Khoa, vốn nổi tiếng thiên tả. Từ lúc tập kịch đến lúc diễn, ông không hề bước chân đến xem, chắc ông không ưa người Mỹ?
.

(4)   Sau này, tôi có nhiều dịp làm việc với các đạo diễn khác nhau, người Canada gốc Pháp, gốc Anh, đạo diễn từ Mỹ qua...nhưng vẫn thấy thật sự đạo diễn người Mỹ làm việc giỏi hơn rất nhiều.
.

(5)   Kim-Oanh và Ngọc-Dung: chị Kim-Oanh hiện nay vẫn còn hăng say hoạt động quanh vùng Virginia, Washington D.C. còn chị Ngọc-Dung bao vùng Bắc California, San Jose.
.

(6)   Bà Owens đã không nói với tôi hai điều: thứ nhất là bà lấy ý ngồi lẫn với khán giả lúc mở đầu  từ vở nhạc kịch HAIR, thứ hai là HAIR là vở nhạc kịch phản chiến, trong đó có màn chánh là đốt thẻ trưng binh. Sau này, hiểu được điều đó, tôi rất thông cảm cho bà vì bà ăn lương của JUSPAO nên không giám nói ra điều ấy.
.

(7)   Showman: tôi có thuật lại chuyện này cho Minh Bò nghe sau đó và từ đó, bạn cứ gọi tôi là showman!
.

(8)   áo sơ-mi màu xám sậm: chiếc áo này, 5, 6 năm sau đó, thời nghèo đói, tôi vẫn còn mặc đến độ năm rồi (2009), Dương-Mạnh-Tiến KT 70 còn nhớ và nhắc đến.
.


(9)   Julie Andrews: nữ tài tử chánh của phim The Sound of Music, 1965.
.

            
(10) Hamlet: To be, or not to be,  that is the question...Ông Hoàng-Trọng-Miên dịch:”Có ta   
       hay không có ta, đấy mới là vấn đề...”, tiếng Pháp dịch:” Être, ou ne pas être, c’est là la             
       question.” Tôi nhận thấy không có tiếng nào nghe hay bằng nguyên bản của William
       Shakespeare. Đoạn độc thoại này của vai Hamlet được coi như hay nhất trong tất cả văn
       chương của người Anh, không hiểu sao tôi lại thích nó mãi cho đến sau này khi tìm thấy
              trong kinh Kim Cương, Phật Giáo nói đến vấn đề ngã và vô ngã, trước thời Shakespeare
              viết kịch này (khoảng đầu thế kỷ 16) độ chừng 2 ngàn năm, lúc người Anh chưa biết đến
             Phật Giáo, tôi cảm thấy lý thú vô cùng.
.


(11)Đinh-Bằng-Phi: gs trưởng ngành Hát Bội, ông đi sĩ quan VNCH, được biệt phái về dạy
     vì trường  không tìm được gs dạy môn này. Ông rất hiền lành, bặt thiệp, chắc vì vậy ông
     là một trong những gs tôi có cảm tình trong trường này, hay về sau, tôi nghĩ chắc là do
     tình cảm tự nhiên giữa người đồng quê: quê của ông là Nha-Mân, Cải Tàu Hạ cách làng
    Tân Xuân, Sa-Đéc, quê tôi chỉ  có vài ba cây số. Ông Đ.B.Phi sau thời gian học tập cải
     tạo, trở về trường xin dạy lại nhưng không được nhận, nên xin vào Đoàn Hát bội TP
    HCM làm một diễn viên quèn, chỉ chạy ra, chạy vào bẩm báo. Nhiều lần, ông thấy nghệ
    sĩ hát sai chữ, sai lời,.......ông lân la góp ý thì bị nạt nộ:”Anh đâu có trong nghề, biết gì
    mà dạy chúng tôi?”_Hàng chữ đậm trích từ nguyên văn của ký giả Hoàng-Kim, báo
    THANH NIÊN online, 19/5/2009.
.


(12)Thời ấy chưa có cassette vidéo hay DVD để tôi chỉ luôn cho Nguyễn-Ngọc-Ngạn  biết
      rằng cải lương không phải là cổ nhạc như anh ta nói liên tiếp trên Paris by Night.
.


(13)Đào-Duy-Anh: trùng tên với học giả và làm tự điển Đào-Duy-Anh lớn tuổi hơn anh
     nhiều. Các năm 90, nghe tên Đào-Duy-Anh sáng tác khoảng 2, 3 bản dân ca phổ nhạc
     cho Elvis Phương và Ái Vân trình diễn trên Paris by night, tôi không ngạc nhiên mà cho
     rằng là đương nhiên, vì người học viên đàn tranh  tại trường QGAN & KN này tôi vẫn còn
     nhớ là một người rất hăng say và đầy nhiệt huyết. Đ.D.Anh hiện nay là bác sĩ phế khoa
     (pulmonologist) tại Kentucky, Mỹ.
.


.
 
Đính Chánh:
.

Bài số 19 vừa qua, có vài sai sót, được các bạn nhắc nhở, tôi xin đính chánh lại như sau:
.

  1. Nhờ bạn Dương-Mạnh-Tiến nói rõ là nhà ông đạo diễn Đinh-Xuân-Hòa ở đường Phạm-Hồng-Thái chớ không phải đường Phạm-Ngũ-Lão, vì chị ruột của DMTiến trước kia là con dâu của ông Đinh-Xuân-Hòa. Tôi bị lộn giữa hai con đường song song mang cùng họ, chạy cặp hai bên Nhà Ga xe lữa Sài Gòn.
  2. Nhờ bạn Nguyễn-Trung-Lâm nhắc cho tôi, tên con trai của thi sĩ Đinh-Hùng là Đinh-Hoài-Ngọc chớ không phải Đinh-Dũng. Theo tôi,tên Đinh-Dũng do các bạn cùng lớp đặt đùa nhưng dễ nhớ hơn. NTLâm còn nhắc tôi, phim Cúi Mặt do ông Lê-Dân đạo diển.
  3. Nhờ bạn Nguyễn-Thúc-Soạn KH, nhắc lại sinh viên Uông-Bình-Minh (q.c.) đóng vai Thành-Cát-Tư-Hản ưng ý nhất của ông Vũ-Khắc-Khoan, là người gốc Vĩnh-Bình chớ không phải Mỹ-Tho. Mỹ-Tho là quê của mẹ anh, là chị em với phu nhân của TT Nguyễn-Văn-Thiệu.
  4. Cùng với Minh Bò: chị Tám Xinh xác nhận với tác giả chị vào trường KT năm 1964.
  5. Cùng với Hùng Điên: hình Kiều-Chinh đúng là chị chớ không phải Thẫm-Thúy-Hằng.

.
 
Tác giả chân thành cám ơn các bạn đã lần lượt nhắc nhở và xác nhận từng việc, điều này cho thấy tác giả cũng có bộ nhớ không có gì đặc biệt lắm và chứng tỏ sự thương mến của các bạn đã tham gia tu bổ, làm tăng giá trị quyển Hồi Ký này. Trân trọng, LCQ.








 
by lamcongquyen
.
.














No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.