copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, August 20, 2011

Thêm một bài phụ lục về thị xã An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long khi nhìn thấy thêm hình mới từ site của manhhai KT71 ... lại nhớ về An Lộc.

.
.




Thêm một bài phụ lục về thị xã An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long khi nhìn thấy thêm hình mới từ site của manhhai KT71 ... lại nhớ về An Lộc. 
.
.
.

.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Vào site photo của Pham mạnh Hải KT71, thấy thêm tấm hình mới về An Lộc ngày xưa, kỷ niệm lại tràn về. Với ai thì không biết, nhưng với những đứa bé chân từng lấm bùn đỏ An Lộc, thì nhớ lắm, nhớ từng bụi cây gốc cỏ của An Lôc. Những cây xòai đầu góc cư xá công chức đối diện bịnh viện, đối diện tiểu khu trong hình nhìn thấy vẫn còn đó ... những dấu vết tàn phá của chiến tranh vẫn còn rõ trong tâm khảm ... ôi An Lộc của đứa bé tôi, mười tuổi và những năm sau đó.. hôm nay, gửi đến những mảnh đời, một lần sống nơi rừng thiêng nước độc này, bạt ngàn cây cao su ... mùa thu lá vàng, rừng cao su nhìn vào hoang vắng đến lạnh người, cứ tưởng sau mỗi gốc cây cao su là một mũi súng chờ đợi khai hoả .... nhanh lên đi ba !!! chạy nhanh lên đi về nhà, tôi bám chặt vào lưng ba tôi, sau cái xe mô tô... tiếng máy nổ dòn lao đi, tôi vẫn ráng quay lại nhìn theo những gốc cao su coi có ai đuổi theo không... những cây cao su chập chờn phía sau... chập chờn phía trước như những đọan phim quay nhanh, chỉ có cây cao su quay cuồng nhanh đến chóng mặt.
.
Tôi úp mặt vào lưng ba, nhắm mắt không nhìn nữa cho tới khi cái sân banh đầu tỉnh mở rộng ra ... vào lúc đó, rừng cây cao su còn mọc tới tận đầu tỉnh, bên kia sân vận động . . ..
.
.
.

ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
.
.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
ghi chú số 1:
Nhà tôi ờ An Lộc, căn thứ hai, lúc đến năm 1959, cả tỉnh chỉ có dẫy nhà cư xá này mới xây xong, năm khối nhà, mỗi khối có 4 căn, nhà tôi quay về hướng Nam. Trước mặt lúc đó là đất trống cho tới khu sân vận động, chỗ trại lính Bảo An. Bên cạnh nhà hướng đông là bãi đất rống cho tới tiểu khu bên kia đường cách mạng 1-11, giữa hai khối nhà là con đường phụ cho xe đổ nước và xe rác đi. Ngay góc gần tiểu khu là cái giếng nước bơm bằng sắt, kéo cần cho nước chẩy, chúng tôi thường kéo nước cho nhau tắm sau khi đá banh dính đầy bùn đỏ từ sân vận động về. Hay bơm nước rửa các xe bọc sắt của tiểu khu và được trả công bằng đạn đại liên 50 hay 30.
.
Ghi chú số 2, 3:
Góc tiểu khu, trong hình đã được dọn lại sau trận chiến năm trước, Chỗ đó là Câu Lạc Bộ, cha con tôi thường ăn ở đó vì chỉ có hai người. Lô cốt đắp đất tròn (3) do ty Công Chánh đắp lúc hồi 60's lúc tôi còn ở đó, nhìn hình thấy vẫn còn. Đối diện qua đường là cây xoài bên cư xá, lúc tôi còn nhỏ, cây đủ cao để leo lên trên đó. Bây giờ vẫn còn, không biết vẫn là cây đó hay không. Một cây xoài có thể sống trên 50 năm hay không?
.
.
Ghi chú số 4,5:
Bịnh Viện Bình Long, phía sau nhà tôi, lúc đầu tôi ở chỉ có một nhà phía trước đường, sau xây thêm nhà xác (4A)  phía bên đường Ngô Quyền đối diện Ty Công Chánh và nhà cho nguoi bịnh lao, cách biệt về hướng đông đối diện Trung Học Bình Long, sau này thì nhìn hình thấy nở to ra, chiếm nguyên khối đường cho tới đường Hàm Nghi phía bắc. Nơi này trong trận chiến chứa có đến trên 1000 người chết, thây họ phải chuyển qua bên đối diện đất trống bên trường trung học đào lỗ chôn. Sẽ nói sau.
.
Bịnh viện là cứ điểm phòng thủ cuối cùng bên hướng Tây, lúc đầu do Trung Đoàn 7 và 8 của sư đoàn 5 chịu trách nhiệm, tới giữa tháng năm 72, khi phòng thủ hướng này gần bị thủng, VC tràn đến phía ty Công Chánh thì một đại đội Dù, tiểu đoàn 5, đến tiếp viện tại đây. chận đứng VC tại ty Công Chánh, nên nơi này thành bình địa. Xác xe tăng VC tiến xa nhất xâm nhập vào từ hướng Tây, bị bắn gục tại ngã tư ty Công Chánh, Bịnh Viện là Ngô Quyền và Phan bội Châu.
.
BV này là nơi bá má tôi tự bò qua từ nhà sau khi bị bắn bên cư xá vào một đêm năm 1967. Nằm ở BV cho tới sáng thì được tải thương về Saigon.
.
Khi mới lên BV chưa co bác sĩ, chỉ có y tá trông coi là bác Triệu, lúc đó chỉ gọi là trạm xá mới đúng. Má tôi làm thiện nguyện, thông dịch viên cho hai ông Bác Sĩ người Tây làm trong bịnh viện Pháp của đồn điền cao su Quản Lợi, họ thay nhau ra khám miễn phí sáng thứ hai và thứ tư. Tới 63, khi tôi về SG, BV Bình Long vẫn chưa có được bác sĩ ở đây. Anh chị em tôi mỗi năm từ SG về đây đi khám bịnh định kỳ trong BV Pháp ở Quản Lợi, má tôi là bạn của hai ông BS Tây này. Mỗi lần khám bịnh ba tôi xin xe riêng của Ty Công Chánh chở gia đình chúng tôi vào QL.
.

.


.
.
ztd-anloc-pbc-cachmang.jpg
.
.
Ghi chú số 6:
Ty Công Chánh, ba tôi làm ở đây, hoạ viên, phát lương, kiểm soát xe đò ... mấy lần tôi có vào đây lấy chìa khóa nhà, hay mang kiếng đến cho ba tôi đi làm quên mang kiếng theo. Ba đi làm là sướng nhất, chỉ đi bộ qua, hay nhẩy lên xe đạp. Thỉnh thoảng tôi có thấy ba tôi ngồi ở bàn kê dưới dốc Ngô Quyền về ĐL Hoàng Hôn kiểm soát xe đò thắng có ăn không. Xe đò chạy đổ dốc, qua chỗ phất cờ thì thắng và người ta đo khoảng cách từ khi phất cờ và khi xe ngừng, ba ngồi ghi sổ cái bàn giấy có dù che bên trên ... sau khi tôi về SG học niên khóa năm 63, thì ba tôi vẫn làm trên này cho tới khi bị bắn năm 1967. Sau đó Ba ra khỏi bịnh viện đi làm lại ở Khu 3, bộ Công Chánh tại SG, đường Ng Thông.
.
Khi trận tấn công 72 giằng dai qua tới tháng 5, 72. Thì Ty Công Chánh mới bị tàn phá nậng nề, còn đợt đầu vào tháng 4, thì khu này vẫn còn nguyên, trận tấn công nậng nề nhất và cuối cùng thì Ty Công Chánh nằm giữa VC chiếm đóng chắc chắn bên Đề Lao về hướng Tây từ Phú Lố lên và Đại Đội Tiểu Đoàn 5 Dù cố thủ bên Bịnh Viện, hai bên dành nhau Ty Công Chánh ở giữa. Bây giờ Ty Công Chánh vẫn là bãi đất hoang lạnh, khi tôi về năm 2007, nhìn thấy như vậy.
.
Khi ở đây, người ta gọi ba tôi là ông Tư, sau khi ba má bị bắn tải thương về SG thì nhà cửa đồ đạc bỏ lại hết. Năm sau, Ty Công Chánh có xe về SG, chở mang về cho ba cái xe mô tô của Pháp rất bự, cái xe đó là cái mà ba tôi cần mà thôi, còn sách vở, đồ đạc của gia đình và của tôi thì tan tác trong đạn pháo, hay bị lấy mất hết.
.
.

ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
Nhà cư xá rất đẹp, có từng lửng trên cao phía sau, nhà bếp có ống khói, giống y như nhà Tây, má ngói, tường gạch, sân trước sân nước phía sau, nhà tắm, nhà cầu riêng biệt, hồ nước cho xe cho vòi đổ nước phía sau ... các cư xá xây sau, chỉ là mái tôn mỏng manh. Trong hình trước trận chiến thì bãi đất trống hông nhà có xây cái nhà tôn khá to, sau 72, trên hình 73, cỏ mọc xanh chỗ này, như vậy là mái tôn bay mất hết, và nhà không có nền, có thể là nhà đậu xe hay kho tạm.
.
.
Ghi chú số 7:
Đây là Đề Lao, nhà giam rất kiên cố. Hồi nhỏ, tôi có con bạn học cùng lớp nhì, Nina, ba nó là trung uý Thiết Giáp, chi đội trường Thiết Giáp, có mang chừng mười người tù về làm căn nhà tạm bằng cây tôn cho gia đình nó ở cuối cư xá, qua bên kia đường là trại xe Thiết Giáp. Nhìn họ mặc quần áo nâu đậm, nói tiếng Bắc Kỳ đa số là làm trong đồn điền Tây, theo VC nên bị bắt giam. Nhìn thấy họ thui con chó, làm thịt ăn trưa, nấu cơm đổ ra rổ lót là chuối ăn với thịt chó nướng và luộc.
.
Có lần nghe báo động, ba đi về cho biết bên đề lao có tù trốn, ba tôi còn hù là ai giữ tù mà để tù trốn, là sẽ bị vô ở tù thế, lúc đó tôi tin ghê lắm. Trong trận chiến 72. Sau khi tìm mọi cách tấn công vào bộc chỉ huy sư đoàn 5 (khu toà tỉnh trưởng, tiểu khu BL) nhiều lần không thành công được. Phía Bắc chận bởi 81 Biệt Cách Dù, Đông Nam bởi Liên Đoàn 3 BĐQ, Nam do Lữ Đòan 1 Dù, chỉ còn mặt tây, tây bắc yếu nhất là do Trung Đoàn 7,8 của sư đoàn 5, nơi này chọc thẳng vào được sẽ tới hầm tướng Hưng dễ hơn.
.
Tháng 5, hai đợt tấn công cuối đều nhắm vào đây, nhưng tiểu đoàn 5 Dù, đưa hai đai đội tới tiếp viện, một ĐĐ nằm bên cư xá công chức dài xuống nam, một ĐĐ giữ hông BV, bên đường Ngô Quyền. VC cố thủ bên đề lao với kiến trúc rất kiên cố tìm cách đánh thẳng tràn qua ty Công Chánh nhiều lần mà không được, xe tăng VC cũng chỉ đến đây từ Phú Lố là bị bên BV bắn hạ. Một chiếc Skyraider của không quân VNCH đánh bom đề lao vào ban ngày bị bắn hạ, phi công nhẩy dù và may mắt rớt vào khu vực của trung đoàn 7 BB an toàn.
.
Đây là đoạn đường thằng mà bộ binh VC tiến sát nhất đến phòng thủ của tướng Hưng, chỉ hai trăm mét đường thẳng, chừng 300 mét nếu theo đường mà tăng di chuyển được là dọc theo Phan Bội Châu, đến Tiểu Khu rồi phá rào phòng thủ, may ra mới tiến gần tới hầm chỉ huy, và phải biết hầm ở chỗ nào, trong khi mọi hầm đều có vẻ giống nhau và có đạn khạc ra.
.
.
.
Ghi chú số 8:
Công viên Tao Phùng về hướng bắc giáp Đại Lộ Hoàng Hông hay Trần Hưng Đạo, sát ĐL là bãi pháo của tiểu đoàn 52 pháo, SĐ 5. Những ngày đầu cuộc chiến tuần thứ hai tháng 4, pháo của VC đã phá hủy hết pháo 105, 155 của SĐ 5 tại đây, chỉ còn hình như tiểu khu là còn pháo, vì vị trí pháo của tiểu khu khó bị VC quan sát hơn. Còn từ đồi Đồng Long tới CV Tao Phùng chỉ 2 cây số trên cao, nên tiền sát viên VC quan sát rất rõ bãi pháo ở công viên Tao Phùng lại là nơi thấp nhất, tiểu khu cùng bộ chỉ huy SĐ5 tại đây với toà hành chánh cao 2.5 tầng sát đó, cùng bãi thả dù tiếp tế, sân vận động bên kia đường rất dễ dàng được VC quan sát từ đồi Đồng Long.
.
Phiá đông công viên ngay góc ĐL Hoàng Hôn là Trung Tâm Hồi Chánh, bị đặc công VC chiếm được trong nhiều ngày lúc đầu, ngay sát bãi pháo sđ 5, bắn tẻ vô đường tiếp liệu tải tiếp tế từ sân vận động theo đường CM 1-11  băng qua Công Viên tới ĐL Hoàng Hôn về phía bắc cho LĐ 81 Biệt Cách Dù và trung đoàn 8, SĐ 5 ngay gần đó. Ổ đặc công này sống nhờ vào dù tiếp tế cùng súng đạn của VNCH. Sau bị phát giác, nơi này thuộc vùng trách nhiệm LĐ 3 Biệt động Quân. Khi bứng chốt đặc công này, một trung úy BĐQ hy sinh ngay trước mặt đường, và các C130 Dragon đã bay trên cao nả súng xuống bắn nát khu nhà này.
.
Khi còn nhỏ, má tôi, ngày chủ nhật gánh đồ từ cư xá công chức trên đồi xuôi dốc qua CV qua Chợ Mới để bán đồ tạp hóa cho dân phu đồn điền Tây, được đổ xe vận tải chở người xuống chợ mua bán. Trời sáng sớm vẫn còn tối, tôi cầm đèn pin đi trước dò đường, có lần lọt xuống đường hầm đào xuyên qua ĐL lúc đang làm, bị rớt xuống tức ngực nằm im hồi lâu mới tỉnh dậy .... khi bán hàng xong thì má kêu xe lôi (xe gắn máy kéo thùng phía sau) chở về nhà, vì hàng họ nặng lắm, không lên dốc nổi.
.

.
Ghi chú 9,10,11:
Khu Trung học Bình Long. Khi tới năm 1959, tôi chỉ thấy một dẫy nhà Trung Học, nằm sâu dưới dốc, xa mặt đường chính (9), có vài cây mít trong sân. Về sau có thêm vài dẫy nhà mới. Sau này có anh Hạnh là bạn của anh Hai tôi tốt nghiệp ĐH Sư Phạm có vể đây làm GS trung học.
.
Trong trận chiến 72, qúa nhiều người chết trong Bịnh Viện, xác họ thối đầy chung quanh sân. Ty Công Chánh mang xe ủi đất, đào ba bốn cái mương sâu thành mộ tập thể chôn tất cả thường dân, binh sĩ tử thương từ bên BV mang qua. Theo hồi ký của ông BS Quy tại BV, có người đi chôn người chết, trúng pháo kích cũng chết theo luôn. Những người đi chôn là "lao công đào binh" những người lính VNCH trước đó đào ngũ, bị bắt đi làm lao công chiến trường một thời gian như đi tù.
.
Phạm mạnh Hải, học ở đây tới hết năm Đệ Nhất, thi tú tài 1 và 2, sau thi tuyển vào được Đai Học Kiến Trúc SG, năm 1971, học sau tôi một lớp. Hải có rất nhiều hình ảnh riêng và những câu chuyện về Trung Học Bình Long. Các cựu học sinh tại đây bây giờ vẫn còn gặp gỡ nhau thường xuyên.
.
Dấu vết các ngôi mộ tập thể bên hông trường vẫn nhìn rõ trên hình, vì được xếp gạch đánh dấu (11). bây giờ có đài kỷ niệm của VC, nhưng lại tuyên truyền chính trị, ghi là tháng 10, 1972 (VC rút hết khỏi chung quang AL cuối tháng 6, 1972, chỉ còn pháo bắn vào khi có phái đoàn trung ương đến). Mỹ Ngụy dội bom oanh tạc giết trên 3000 người dân An Lộc chôn chung tại đây. Ai chết vì ai thì người sống ở AL đều rõ.
.
.



.... vẫn còn đang viết tiếp ..

.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Ghi Chú 12:
Ngã tư Phan Bội Châu và Cách mang 1-11, đầu dốc, góc TK, BV, Cư xá và Trung Học, xuôi đường dốc xuống CV Tao Phùng là đường tôi hay thả diều, cứ chạy xuôi dốc, tung diều là bốc cao ngay lên. Hồi nhỏ, con dốc này nhìn cao lắm, khi tôi về năm 2007, lớn rồi nên không thấy nó dốc sâu như hồi nhỏ. Khu nhà tôi nay thành trướng "Trung Học Cơ Sở" là trường đệ nhất cấp ngày xưa. cây Xoài cao lớn ngay góc đường vẫn còn, chắc là vẫn là cây khi tôi còn ở đó.

.
Ghi chú 13:
Góc đường QL 13, ĐL Nguyễn Huệ và Phan Bội Châu, góc bên Tiểu Khu, Tiểu Học Thượng, dẫy nhà Giáo Viên, bên cạnh là Tiểu Học An Lộc. Chỗ này cũng là đầu dốc, thấp xuống phần chợ Cũ, đây là góc đường tôi đi bộ đi học ngày xưa. Thẳng ngược đường PBC là hơi lên dốc, đi về phía đông là khu tư dinh Tỉnh Trưởng, xa nữa là đụng đường bao phía đông dốc xuối xuống suối Quản Lợi.
.
.
Ghi chú 14:
Là Ty Bưu Điện, nhà kiểu Tây, cổ và đẹp, lúc tôi ở đó, cô giáo dậy lớp năm Tiểu Học của tôi là con gái ông Bưu Điện, hình như hai chị em đều là giáo viên. Tôi được phần thường ưu hạng cuối năm của phó tổng thống Ng ngọc Thơ, đi lãnh phần thưởng về, bị ba má tôi dẫn lại nhà cô, ty bưu điện trả lại  vì ba má cho tôi là ăn cắp phần thưởng, dưới con mắt ba má tôi học dở, chơi thân với thằng Hải, con ông Phú cạnh nhà, thằng này có lần ăn cắp phần thường. Bá má tôi bị cô giáo móc nhẹ là ông bà có con học giỏi được phần thưởng ưu hạng mà không biết ... ôi cô giáo tiểu học con ông Bưu Điện Bình Long. Hình như có lần cô giáo tôi có lần bị đánh ghen vì yêu một sĩ quan đã ... có vợ ở xa ... Không còn nhớ tên cô giáo này.
.
.
.
ztd-anloc-4-72-cessnaview.jpg
.
.
Ghi chú 15, 16:
Sân Tiểu Khu BL, đã được dọn dẹp, đắp hố pháo, mái nhà lợp lại bằng tôn ở chung quanh. Hàng rào phòng thủ đắp kiên cố lại. Cách dấu mũi tên (16) về hướng nam bên trái là hầm của Tướng Hưng, chỉ huy trưởng sư đoàn 5, ngay phía sau tòa Hành Chánh cao 2 tầng rưỡi. Tòa hành Chánh này sẽ được thấy rõ từ đồi Đồng Long bị chiếm bời VC. Tiền sát viên pháo VC dễ dàng điều chỉnh pháo cũng như quan sát thiệt hại của mục tiêu.
.
.
Ghi Chú 17:
Góc mép trường Tiểu Học An Lộc, đối diện TK, khu đất trường Ti H khá rộng, bằng nửa TK và Tòa hành Chánh tỉnh cộng lại.
.
Ghi chú 18, 19:
Dốc đi Phú Lố, phía này chỉ cách biên giới Cam Bốt (19) chừng 10 km, bên kia là khu đồn điền cao su Mimot, nơi đặt căn cứ hậu cần cục R. Sông Saigon bắt nguồn từ đây chẩy xuống Bình Dương giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh.
.

Ghi chú 20:
Đây là vòng đai ấp chiến lược đào thời đầu 60,61, có hào sâu cắm chông tre, mưa ngập nước nên cây cỏ mọc xanh thành đường xanh cây trên hình. Hồi nhỏ các thấy giáo trường Tiểu Học có dẫn chúng tôi đi một vòng gần một buổi để coi người ta đào hào phòng thủ. Mỗi gia đình trong tỉnh được chia một đoạn. Phần gia đình tôi, ba má thuê người ta đào.

.

Ghi chú 22:
Dốc đổ xuống đường Hàm Nghi, dốc cao từ QL 13 hay ĐL Ng Huệ xuống công viên Tao phùng ở dưới đáy thấp
.
.
.
An Loc Binh Long Viet Nam, Tieu hoc An Loc, Trung Hoc Binh Long ... kts duong manh tien, aia. Tien Duong, AIA, pictures of an loc binh long vietnam .
.
.

10 comments:

  1. Viết đi bạn ơi, lịch sử cần thêm các minh chứng sống cho cuộc tấn công VNCH của xâm lược Nga Hoa và bè lũ tay sai csBV. Cuộc chiến An Lộc có tôi sau chừng 10 ngày bùng nổ, tôi cũng muốn rà soát lại trí nhớ của mình. cám ơn nhiều.

    ReplyDelete
  2. Mời ông nhấn vào tag : An Loc bên dưới bài, sẽ thấy tôi đã viết có đến cả chục bài dài về An Lộc trong trận chiến 1972. Chỉ sợ ông không có thời gian đọc hết. Nếu ông là chứng nhân lịch sử của thị trấn buồn hiu nhưng rất đẹp và sạch sẽ này, thì tôi sẽ có dịp hỏi ông vài điều lại cho chính xác. Hy vọng biết được nguồn gốc đơn vị của ông. Xin cám ơn rất nhiều đã ghé qua, xin ghi lại vài điều hay lên tiếng cho thế hệ và lịch sử chính xác của An Lộc tồn tại mãi mãi về sau. Thân Kính.

    ReplyDelete
  3. Chào bạn, tôi đã lướt xem tổng quát các bài Bình Long An Lộc. Tôi đang ở VN, năm rồi tôi cũng đã ghé lại Bình Long một ngày để nhìn lại nó, nhưng rất xa lạ vì nhiều thay đổi. Tôi chỉ có một số sự việc chính mắt tôi chứng kiến như: Đếm xác tank T.54, PT 58 gần giống M 113 của Mỹ nhưng dài và lớn hơn. Nên bây giờ tôi phải cùng bạn xác định lại bằng các vị trí theo trí nhớ của tôi như sau: Lấy lộ 13 nơi có chiếc xe be kéo gỗ sơn màu vàng thật tươi nằm ven lộ gần lối vô thị xã An Lộc làm điểm chuẩn để nói với bạn nhé. Từ chiếc xe màu vàng đó quay mặt đi về hướng Chơn Thành có 5 hoặc 6 chiếc tank của LX bị bom đánh nằm chết bên ven lô cao su của đồn điền Xa Cam. Bên trái đường 13 cách không xa chiếc xe be vàng cũng trong rừng cao su XC có chiếc PT. 78 (58?) leo lên một nốc hầm ngầm, kẹt lại rồi bị diệt tại đó. Lần vô đường vòng vành đai của AL có 1, 2 chiếc tank nữa không nhớ rõ. Trên đại lộ THĐ tức đại lộ Hoàng Hôn, kéo dài trên cv Tao Phùng thì độ 6,7 chiếc nằm cách khoảng gần đều nhau, đến ngã tư thì có 2 chiếc đang quanh cua bị bắn hạ. Phía trái đường THĐ từ phía XC nhìn vô AL, có con đường Lê Lợi hay Ngô Quyền (?) hẹp có mương sâu chừng 1m lại có 6 tank bị lọt nửa bên xuống các mương hào đó. Theo đường quanh cua Đinh Tiên Hoàng (?) của THĐ theo hai 2 chiếc tank ta xuống dốc nầy để thấy cuối tx hướng về đồi Gió với đồi Đồng Long sẽ thấy hằng chục chiếc xe tank nữa nằm rải rác nhiều nơi (tôi đếm tank dưới mưa pháo lai rai đã trên 40 chiếc, không chắc đã hết). Xác vc chết lăn lóc tại đây cũng khá nhiều và thúi khủng khiếp, khó lòng đi chậm lại để nhìn cho thật rõ. Vậy xác chết bị chó đói ăn không chắc là quân của tank hạ chiến mà có khi là đám tùng thiết hay quân chạy núp đạn theo tank bị tử nạn. Theo tôi hiểu các chiếc tank bị bắn hạ cách đều như diễn hành, cách đó chỉ có trường hợp vc tiến vô thị xã AL rồi bị cạn xăng gần như đồng loạt nên bị bắn cháy hằng loạt. Bởi khi nhận ra có chiến xa BV tấn công thì quân đồn trú tại tx có số bỏ chạy tứ tung, khi thấy tank của vc nằm yên và quân trong tank không thoát ra được để lấy các phuy xăng dự trữ chở theo trên xe được thiết kế bên ngoài tank ( tank đã dừng nhưng không thể hạ chiến nên được suy ra là vì quân trong xe bị xích lại.). Nhờ vậy quân đồn trú có cơ hội bình tĩnh lại dùng M 72 bắn phản công. Như vậy trận chiến xa tại AL thất bại là do tiếp viện bị trở ngại, không đưa quân khí và nhiên liệu để tiếp viện cho quân tiền phương được. Tại sao quân vc không được tiếp viện?. chỉ có thể nói là tại vì quân sđ. 5 và quân sở tại có tấn công lại, có dội bom cắt đứt đường tiếp tế của vc từ kampuchea đưa qua. Nếu vc vô tx AL như chốn không người vì quân VNCH bỏ chạy hết, thì tank của chúng không nằm phơi xác như cá khô kẹp phơi trên dây rồi. Khi tôi leo lên tank để nhìn vô cũng có xe mà lái tank vẫn ngồi nguyên trên ghế lái, các xác khác vẫn ở nguyên vị trí được phân công, không chạy chỗ khác được khi giẫy chết, xích sắt trong xe vẫn còn bên dưới sàn, ai dám chắc đó là xích gì của xe hay xích chân lái xe ?. Trên tank chỗ đó có thiết kế loại xích gì không ? chắc là không, nhưng có ai tìm thêm được cái ổ khóa nào tại sàn xe để đoán thêm là gì?. Như vậy chuyện chiến binh tank của vc tự thề xích chân không bỏ xe là thật ? cũng không ai trong 20 ngày địa ngục đầu tiên tại AL cần thiết phải có chứng cứ về lâu dài trong cái hầm xe tank thúi đến lộn mửa đó. Bức hình vẽ lại không ảnh vị trí các tank bị bắn hạ trong thị xã AL của bạn là khá đúng những gì tôi được chứng kiến khi đó. Blog tôi cũng đang có gần chục bài viết lại địa hình và sự việc từ khi Pháp đánh chiếm miền nam VN năm 1858 - 1862 nên các bản đồ Sài Gòn cũ của bạn cũng được tôi đề cập lại.

    ReplyDelete
  4. Mấy chiếc tank ven đường rừng cao su XC có 2 chiếc không hiểu sao lọt gọn ơ vô hố bom, nòng đại bác 100 gác lên bờ bên kia hố. Mấy chiếc nầy không có dấu hiệu bị diệt bằng M.72. Khi tôi xem thì pháo tháp vẫn chưa mở ra được, màu sơn vẫn còn nguyên và có cái đọc được chữ vẽ sơn. Như vậy các tank nầy bị diệt bằng bom hay chết ngạt vì bom b.52 trải thảm. Cả chục chiếc trên đường THĐ Hoàng Hôn có mấy chiếc bị bắn văng pháo tháp, có chiếc bị bắn cháy rồi sau đó dỡ được pháo tháp để nhìn vô, có chiếc nấp pháo tháp vẫn đậy kín. Chiếc nào bị văng pháo tháp thì lính tank chết còn thấy được màu áo và hôi thúi cực kì,khó ai đủ can đảm chui vô lòng xe chật cứng và thúi để quì mò chụp cho được chân lính vc bị xích. Chiếc bị bắn cháy nhìn vô thấy xác đen thui co quắp, thúi quắc, bất thành nhân dạng, trừ vị trí ai đâu nguyên đó. Vậy lính tank vc có bị xích chân hay không chỉ là tùy suy luận chứ không có hình chụp. Số đạn pháo vào An Lộc, Chơn Thành, Xa Cam, Lộc Ninh, phi trường Hớn Quản là bao nhiêu chính xác thì tôi không dám khẳn định, nhưng với một địa bàn rộng lớn và có rừng cao su, rừng nguyên sinh của toàn chiến trường nầy chắc không ĩt. Nói mỗi m2 đất nhận bao nhiêu quả đạn pháo 100mm, 81mm, 105mm, 60mm, hỏa tiễn 220mmm là nói đổ đồng trung bình, mỗi chỗ có thể bị hằng trăm quả, nhưng có chỗ vẫn không bị gì, chứ không có nghĩa toàn một vùng chiến trường rộng lớn đó m2 nào cũng có dấu đạn bom hỏa tiễn vc. Nhưng chắc chắn toàn bộ công trình kiến trúc tại thị xã AL, không chỗ nào tránh khỏi dấu đạn miễng bom. TX AL trong những ngày đó có những giờ địa ngục bom đạn nổ một giây cả chục hay cả trăm trái một lượt ? ai đếm được tử thần đang nơi đâu. Tôi đến đó với nhiệm vụ coi tại sao cuộc tấn công vào tx An Lộc có thể xẩy ra như vậy và coi sử dụng tiêu tốn vũ khí, quân khí của quân đội VNCH tại đó ra sao. Sau đó coi các vũ khí mới của Mỹ viện trợ như AS 202 - 204, hỏa tiễn TOW được sử dụng hiệu quả thế nào. Cuối cùng để nhận biết trận phản công của quân VNCH tại đó đã làm tt Nixon và Kissinger đã không hài lòng tt Thiệu ra sao.

    ReplyDelete
  5. Bắt đầu bằng cuộc tấn công tổng lực của tank cs tại Bình Long đến sự thất bại của loại vũ khí chiến lược tối ưu đó của vc trên chiến trường nầy. Ta sẽ hiểu được cuộc tấn công với chủ ý chiếm Lộc Ninh làm thủ phủ của mtgpmnVN và khống chế tx An Lộc thất bại, để ngẫm ra trận chiến đó liên quan gì tới chuyện Nixon sang Tàu khoảng cuối tháng 4.1972. Khi mặt trận Bình Long đã dịu bớt và quân VNCH cũng gần mất quyền kiểm soát trục lộ chiến lược 13 từ Chơn Thành đến Lộc Ninh vì quân khí quân dụng, nhiên liệu bắt đầu vào thời kỳ bị khan hiếm của VNCH.
    Cuộc chiến giành đất chiến lược của cộng quân tại Bình Long bắt đầu bằng pháo cấp tập, pháo tận diệt bất cần đến sinh mạng người nào tại chiến trường BL là một thành phố đông dân với mưu tính chiến thuật duy nhất là khiến cho quân đồn trú tại toàn vùng tiền pháo hậu xung nầy phải chết hoặc chui hầm mất khả năng phản công, để tank có đủ thì giờ tiến vô thành phố. Vì vậy đạn đại bác 100mm trên tank bắn cạn hỏa lực cùng với hỏa tiễn 220mm tạo tx AL thành bình địa. Nhưng cũng nhờ chui hầm nên khi cq pháo kích tới tấp từ căn cứ Lai Khê đến toàn vùng địa bàn thuộc tỉnh BL để pháo binh và phi cơ cũng khó lòng bay lên không kích giải tỏa áp lực. Đến khi tank cs vô được tx AL thì vũ khí và quân đồn trú vì núp hầm tránh pháo còn tại các nơi phòng tuyến có sẵn để phòng thủ khá nhiều. Vì vậy khi tank hết xăng thì quân đồn trú có chỗ ẩn núp đã có được cơ hội tốt nhất để diệt tank bị lộ diện và bị mất điều khiển. Sau trận BL vũ khí, khí tài của quân đoàn 3 suy cạn thực sự và phía cs cũng không khác, vì vậy sau đó bên nào được tiếp tục viện trợ thì bên đó chiếm ưu thế.

    ReplyDelete
  6. Cuộc tấn công Bình Long để giành Lộc Ninh lập thủ phủ của mtdtgpmn VN của cs cho thấy rõ: Có một cuộc thương lượng nhượng bộ trước đó. Vì vậy phía cs kéo quân từ xa đến tấn công BL mà không quan tâm đến tiếp viện, tiếp tế bởi tin chắc với chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng tank sẽ làm chủ chiến trường tỉnh BL. Hoặc tin chắc với sự dốc toàn hỏa lực của tối đa lượng đạn pháo nã tới tấp vào toàn bộ cứ điểm VNCH từ Lai Khê, Chơn Thành, Xa Cam, Tàu Ô, An Lộc, Quản Lợi, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp.. của cs thì khi tank cs kéo vô tx AL/BL quân đồn trú sẽ khiếp sợ mà đưa tay đầu hàng như trận tấn công biển người tràn ngập của cs Tàu Việt tại Điện Biên 1954. Nhưng không lượng định được kẻ hoảng vía sẽ phản kháng thế nào của quân đồn trú vẫn còn nhiều và vũ khí trên tay còn đủ cho đến khi tank cs vừa hết đạn, hết xăng tràn ngập AL, rồi nằm ì chờ ăn đạn. Đã vậy còn rất nhiều quân thiện chiến hơn quân bb của sd. 5, sd.9 và đpq BL/AL như BĐQ, ND, SĐ.18, KQ, PB của quân đoàn 3 tiếp viện bằng trực thăng vận. Cũng từ đó tt Thiệu được ông chủ Mỹ với dân Mỹ, báo chí thế giới thiên cộng quy vô tội Hiếu Chiến Diều Hâu. Và các cuộc chiến tiếp diễn sau năm 1972 BL/AL đều là các trận chiến chủ yếu để tiêu hao sinh lực và vũ khí, khí tài của quân VNCH còn lại từ các tài khóa viện trợ những năm trước; khi Mỹ đã thực tế không viện trợ thêm gì nữa.

    ReplyDelete
  7. gởi ông Casmof. Cám ơn rất nhiều về những chi tiết và luận bàn về cuộc chiến An Lôc. Có rất nhiều giá trị. Tôi sẽ đưa lời của ông vào thành một bài dài, va sẽ thảo luận thêm, như vậy có giá trị cho bạn đọc và chính xác cho lịch sử hơn. Chuyện xích chân vào xe tăng, tôi vẫn coi là huyền thọai, cho đến khi nào có chứng
    tích. Một năm sau, khi xác chết đã khô xương, đã chụp hình ghi tên ai diệt xe tăng nào, mà không có thì giờ chui vào xe lấy giây xích về triển lãm, thì tôi không tin. Kể cả các xe tăng VC bị tịch thu, từ các chiến trường khác, được lái chạy về, hay mang ra triển lãm... và gửi tặng qua chính phủ Úc (Australia) như vậy là dư thừa có giây xích trong đó... hay vào Chợ Lớn mua khoá và giây xích made in ba tầu hay Liên Xô mang ra triển lãm cũng không khó.



    Tự xích chân vào xe tăng chật chội là tự sát, tự cho đối phương thêm yếu tố diệt xe vì khó di chuyển tác chiến , 5 người trong tăng chật chội và con phải... đái ỉa, lấy xăng dầu , tiếp cứu , kéo xe bị kẹt vân vân... và ai là người giữ chìa khoá..? .. hơi buồn cười. Tôi nghĩ, nếu vì quá cực khổ và đói khát , để bị bắn chết trên chiến trường có lẽ thích thú (gia đình ở nhà là tử sĩ có thể thêm khẩu phần gạo !!) và sẽ siêu thóat hơn đào ngũ , không đi ngược về Bắc được ...



    Cám ơn ông rất nhiều.

    .

    ReplyDelete
  8. Cám ôn ông Casmof, tôi đã đọc tài liệu của quân sử bộ tổng tham mưu VNCH viết về trận An Lộc, bản viết về mùa hè đỏ lửa 72 về An Lộc của tướng Ngô quang Trưởng viết tại Mỹ, và trong các lần triển lãm vũ khí xe tăng thu được của VC trên các chiến trường, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cúa quân đội VNCH không hề có chủ trương khai thác tuyên truyền nói đến chuyện tóan viên tank VC tự nguyện xích chân trong tank. Nên có lẽ không tranh luận chuyện này nữa, và ông không phải là PNN nên càng không cần qua lại, chỉ nói chung chung về vấn đề này thôi, một lần này tại đây.

    .

    Khi còn nhỏ ở AL, bơm nước rửa xe thiết giáp tiểu khu BL, mấy đứa nhỏ tôi có hay làm, nhiều khi xe còn máu trong đó, khẩu đại liên 50 và 30 có sợi giây xích mắt sắt vối cái khoá, khoá súng vào xe , bên trong các thùng đạn đựng đồ cá nhân đều có khoá nắp và xích vào trong xe để khỏi bị mất cắp. Và ai lấy cắp của nhau thì thường là đồng đôi. Chuyện trong xe tăng có xích và khoá, tôi từng thấy trong tank của VNCH. Thấy khoá xích ghế bố trong M113.

    .

    Khi là khách đi công tác, đi trên HQ5 ra Trường Sa, ngủ phòng Hạ Sĩ Quan, tôi thấy cũng có nhiều khoá và xích để khoá đồ cá nhân và xích bàn ghế cho khòi nghiêng ngả khi sóng tọ Vì không có khoá để khoá ba lô lại, nên tôi bị ăn cắp đồ (một con dao làm cá của Nhật, bao bằng gỗ hình con cá, vì họ thấy tôi mang con dao này ra làm cá). Nên kinh nghiệm lần sau đi đâu đều mang theo một ổ khoá, có khi cần xài đến.

    .

    Chuyện cá nhân PNN là ông ta chỉ đại diện cho cá nhân viết sách bán ăn tiền, nên dĩ nhiên sẽ được bàn chuyện chính xác hay vẽ vời của cá nhân PNN.

    .

    Chiếc tank có hình chụp con chó ăn xác người bên ngòai đó là từ bài viết của ĐT cố vấn Mỹ của SĐ5, ULMER, có mặt trong cuộc chiến AL, viết cho Tạp Chí Thiết Giáp Mỹ, vì ông ta là sĩ quan thiết giáp Chiếc tank này tiến vào từ đầu hướng bắc BL hướng chợ Cũ xuống theo đường 13, chạy ngang qua Tiểu Khu đường NG Huệ, quay súng bắn vào TK, chạy ngược về hướng Xa Cam một mình, ra đầu tỉnh cuối sân vận động thì pháo binh TK, chờ sẵn bắn đạn high heat, đầu nổ sức nóng cao, bắn nhiều đến độ xe tung xích ra. Chiếc tank này quay đầu về SG, từ bãi đáp trực thăng đầu rừng cao xu giữa ngã ba Xa Cam và đầu tỉnh, quân đổ bộ xuống và khách khứa đều sẽ chạy qua xe tăng này trước khi băng sân vận động vào TK.

    Trong trận AL, tank VC không hề có tùng thiết theo sau khi xâm nhập qua vòng đai ấp chiến lược hồi xưa. Hai lần đầu tháng 4 không có tùng thiết, tới thảng 5 thì có, nhưng quân trú phòng, đợi tank vào rồi pháo súng cối chụp lên, nên tùng thiết phải núp ở lại phía sau, tank VC lại chỉ xếp hàng một đi vô một mình. Tank không có dàn hàng ngang tấn công như trận địa chiến, mà xếp hàng một đi theo đường 13 vào từ bắc là đường Ngô Quyền, hướng tây là đường Lê Lợi, tank lại quay xuôi xuống ĐL Hòang Hôn, thay vì húc vào TK, nói chung tiền thám VC không hề biết hầm tướng Hưng, bộ chỉ huy S Đ 5 nằm ở đâu..

    cám ơn ông nhiều.

    ReplyDelete
  9. Mến chào anh tmd,
    Cám ơn anh đã post những hình ảnh của thị xã An Lộc, nhờ đó tôi mới có cơ hội nhìn lại dãy nhà cư xá công chức gia đình tôi ở ngày xưa.
    Ba tôi đến An Lộc năm 1969 làm Quản lý Bệnh Viện Bình Long, gia đình tôi (mẹ và các em) từ Sài Gòn đi theo, cư ngụ tại một căn trong dãy cư xá công chức đường Hàm Nghi, nhìn xuống công viên Tao Phùng.
    Tôi không đi theo gia đình, ở lại Sài Gòn để chuẩn bị thi Tú tài và học Đại học, nhưng những ngày Lễ, Tết, nghỉ hè... đều về An Lộc nên rất gần gũi với thị xã hiền hoà
    này. Bác Triệu mà anh nhắc đến, tôi biết rõ. Bác vẫn làm Y tá ở bệnh viện cho đến khi xảy ra chiến cuộc. Sau khi cuộc chiến tàn, phần nhiều dân An Lộc di tản về trại Phú Văn (Bình Dương) hay khu Rừng Lá (Bình Tuy), riêng gia đình bác Triệu vẫn ở lại An Lộc và bác mất vì bệnh mấy năm sau đó. Bác người Bắc, mập mạp, vui tính... rất dễ thân thiết với mọi người.
    Không biết anh có biết gia đình ông bà Mười Sửu ở chợ An Lộc? Ông bà cưu mang gia đình tôi trong thời gian kẹt trong vùng bom đạn. Cư xá công chức bị trúng nhiều đạn pháo nên gia đình tôi chạy xuống khu chợ ở chung với gia đình ông bà Mười cho đến khi di tản ra khỏi An Lộc.
    Hy vọng sẽ có dịp trao đổi với anh nhiều hơn về chuyện xưa, về một nơi chốn mà không bao giờ tôi quên được.
    Mến chúc anh và gia đình luôn may mắn, hạnh phúc.

    hodinhvu

    ReplyDelete
  10. cám ơn anh Vũ, bác Triệu ở cư xá công chức đối diện với BV BL, trên đường Phan bội Châu, cổng trước, sau này có thêm cổng bên hông đường CMT11 đối diện trung học BL. Bác Triệu có săn sóc tôi vài lần, chích tê ta nốt chống phong dòn gánh, băng ngón chân cho tôi khi bị miếng bê tông đè bẹp khi đi bắt dế, dở nấp cống lên... tôi có thể có tấm hình nào đó thấy cư xá công chức bên đường Hàm Nghi rõ hơn chỗ gia đình anh cư ngụ, sẽ gửi cho anh sau. tmd.design@yahoo.cọm

    Cám ơn anh.

    ReplyDelete

Labels Loại Bài

Followers

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.