copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Monday, November 22, 2010

Chuyến đi Trường Sa ngày xa xưa ... By duongtiden.

.
.


.
.

.
.
Đầu năm 1974, tôi có dịp tham dự một chuyến hải hành trên hạm đội của Hải Quân VNCH ra quần đảo Trường Sa trong khoảng một tháng. Hạm đội gồm có Khu trục Hạm Soái Hạm HQ1 Trần hưng Đạo, Tuần dương Hạm  HQ5 Trần bình Trọng và một Dương vận Hạm loại 500, hình như là HQ501. Tôi tháp tùng HQ5, tuần dương hạm (WHEC) , khởi hành ngay trước bộ chỉ huy HQ, bến Bạch Đằng, còn hai chiến hạm kia phát xuất từ nơi khác, chỉ hẹn nhau ngoài vùng quần đảo Trường Sa. Lúc này chiếc số 5 vừa được sửa chữa, vá những dấu đạn khi tham chiến ở Hoàng Sa về vào tháng một, trong trận chiến HS, HQ5 bị thiệt hại vừa tử trận vừa bị thương trên mười mấy quân nhân, trong đó có thiếu úy Ngô Đồng trưởng khấu đại bác 127 ly, tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, bị tử thương khi TC bắn trúng pháo tháp đại bác này.
.
Khi tham chiến ở Trường Sa, Hạm Đội HQ VNCH gồm có Tuần dương Hạm HQ16 Lý thường Kiệt, Tuần dương Hạm HQ5 Trần bình Trọng và Hộ tống Hạm HQ10 Nhật Tảo, thì chỉ có HQ16, HQ5 trở về. Hạm Trưởng Thiếu Tá Ngụy văn Thà và HQ10 nằm lại ở Hoàng Sa.
.
.
.
zhq-5.jpg
.
HQ5, Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, đậu ngoài cùng nơi bến Bạch Đằng.
.
.
.
.
Khu Trục Hạm HQ1, Soái Hạm Trần Hưng Đạo, chiếc tối tân và lớn nhất của HQ VNCH.
..
.
.
.
tôi chưa tìm ra hình HQ501, nhưng giống y hệt chiếc HQ502 này, loại tầu chuyên chở nặng dùng để đổ bộ, đáy bằng với của mở khi ủi bãi. Gọi nôm na là tầu há mồm.
..
.
 
 

Một buổi sáng rất đẹp, ba chiếc chiến hạm hẹn nhau, rendervous trên biển, dàn hàng ngang, bềnh bồng dưới mây trời xanh rực rỡ ngoài Thái Bình Dương. Đại Tá Ngạc từ HQ1, đi ca nô qua giám sát HQ5, do Trung Tá Quỳnh làm hạm trưởng chuẩn bị đón tiếp phía dưới sàn. Tôi đứng trên đài chỉ huy cao, nhìn xuống bong, quan sát cuộc đón tiếp ĐT Ngạc hạm đội trưởng lên chiến hạm HQ5, biết thêm những lễ nghi quân cách hành quân của HQVNCH.
.
.
.
zvnch-ts-sttay-74.jpg
.
hình này có thể chụp vào cuối năm 1974, HQ VNCH đã đưa vật liệu ra, xây những mốc đánh dấu chủ quyền của VN. Chuyến đi của tôi, HQ5 không có đến đảo Song Tử tây.
.
.

.
Tôi chưa hề tham dự vào QĐVNCH, nên chỉ mang trang phục dân sự, quần Jean, áo thung dầy mầu xám nhạt có hàng chữ US Marines cùng dấu hiệu thôi, cho vui và có vẻ cũng oai hùng làm le. Tôi tự do di chuyển trong chiến hạm, trên dưới có tới 7 tầng, gần hai trăm quân nhân cơ hữu, thêm một trung đội Hải Kích và những chuyên viên khác. Những ngày đầu thời tiết rất tệ, nhồi sóng rất mệt mỏi vì say sóng. Nhưng khi tới khu vực Trường Sa thì có nhiều ngày nắng đẹp, biển yên lặng.
.
Tôi đổ bộ lên những đảo: Trường Sa, Nam Yiết, Sinh Cô và Thị Tứ là những đảo mà HQ5 ghé qua, còn những chiến hạm khác chia nhau đi những đảo khác. Vùng quần đảo Trường Sa là một khu vực rộng lớn có rất nhiều đảo hay bờ đá, hay bãi cát chỉ nhấp nhô khỏi mặt nước. Xa nhất về phía đông của VN là đảo Song Tử Tây, tuốt lên hướng bắc, ngay bên cạnh là đảo Sông Tử Đông do Phi Luật Tân chiếm giữ.
.
.
.
.
.

Trong đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật đã chiếm đóng đảo Itu Aba, hòn đảo  lớn  với độ mặt đất địa hình cao nhất. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc, sau này còn gọi là Đài Loan đã giải giới quân đội Nhật khi đầu hàng, và chiếm giữ đảo này từ đó đến hiện nay. Trước đó, VNCH chỉ cho Hải Quân đi tuần vùng này thôi chứ không đóng quân. Sau khi Trung Cộng chiếm được Hoàng Sa, thì VNCH có cho quân ra đóng, là những đại đội Địa Phương Quân của tỉnh Phước Tuy. Khi lên đảo tôi chỉ thấy lều vải và những túi cao su rất lớn, loại bồn nhiên liệu dã chiến, trải dài trên cát để chứa nước ngọt, họ cũng chỉ mới tới không lâu, chưa có xây cất gì hết. Thường khi lên bờ chỉ vài tiếng, nói chuyện thăm hỏi, có khi ở lâu trên nửa ngày, đến giờ ăn, thì bữa ăn nóng được trên chiến hạm cho ca nô mang vào. Có lần tôi thấy anh Lính Địa Phương Quân nhìn phần ăn của tôi một cách rất thèm thuồng vì trong đó có rau xanh. Tôi đề nghị trao đổi phần ăn với anh, rất vui mừng, anh ta trao ngay phần ăn chỉ có thịt đồ hộp và cơm, rồi anh ta ăn phần cơm có rau xanh, canh nóng của tôi rất ngon lành. Từ vài tháng nay, họ không có rau, hứng nước mưa trồng rau, nhưng không có đất, rau èo uột chưa lên.
.
.
 
zvnch-ts-sttay-74.jpg
.
.

Có một đảo, tôi phải bị ở lại trên một ngày qua đêm, lúc lên bờ chỉ tính ở có nửa ngày thì về lại chiến hạm, sau đó chiến hạm cho biết họ phải đi đâu đó, một ngày sau sẽ trở lại đón, cho ca nô mang đồ ăn nóng và đồ ăn thêm cho một ngày ở lại đảo. Có lẽ họ không muốn có mặt tôi trong chuyến đi riêng làm gì đó ? (trong đó có phần thử bắn lại khẩu cà nông 127 ly phía trước, bị hư hại trong trận chiến với Trung Cộng ở Hoàng Sa, khi trở về sửa chữa ở Hải Quân Công Xưởng ở Thị Nghè, bây giờ sẽ tác xạ thử để điều chỉnh, tôi cũng muốn chứng kiến buổi thực tập này, như đã biết từ trước trong chương trình của HQ5). Bây giờ có thì giờ đặt máy chụp hình riêng cho mình, sau đó mượn M16, đi ra bãi biển riêng, tập tác xạ lại, vì lâu lắm từ ngày đi qshd 71, tôi đó tới giờ chưa thực tập tác xạ bắn đạn thiệt lại. Lúc này, chiến hạm HQ5, bỏ đi đâu gần hai ngày mới trở lại đón. Chỉ hơn tuần sau khi lên tầu là tôi làm quen được nhiều sĩ quan và lính HQ, mỗi ngày cứ đi lên đi xuống bẩy tầng chiến hạm, từ phòng máy, lện đài chỉ huy, vào phòng mật truyền tin, phòng hành quân sau đài chỉ huy, hay bếp hay kho lạnh, phụ chùi rửa tầu, phụ làm bếp, làm cái này cái kia để giết thời gian, học vẽ đường di chuyển trên hải đồ, học hải đồ, học nhắm hướng, coi radar, hay vác ống nhòm ra bong làm một ca quan sát biển. Mấy người sĩ quan rất dễ thương, thấy tôi tò mò thích thú đủ thứ về nghề đi biển của họ nên cũng chỉ dẫn, ngoài ra chắc họ cũng quan sát coi tôi làm gì trên chiến hạm.
.
.

Lúc lên tầu, Trung Tá Hạm Trưởng Quỳnh có hỏi thẳng: tôi lên đi trên tầu của ông làm gì? với mục đích gì? Tui chỉ lễ phép trả lời, TT coi sự vụ lệnh của em có ghi rõ ràng nhiệm vụ và yêu cầu mọi cấp chỉ huy quân sự giúp hoàn thành nhiệm vụ. Nơi cấp giấy đòi hỏi là từ ở đâu cao hơn bộ chỉ huy HQ rất nhiều. Ông ta chỉ cười, không biết mục tiêu chính của tôi, và nơi cử tôi đi thật sự là dưới quyền ai ?. Được ngủ trong phòng ngủ của Hạ sĩ Quan, khoảng 10 người, phòng ngủ này được dành cho “khách” đi chiến hạm, còn ăn thì ăn chung với Hạm Trưởng trên phòng ăn dành cho sĩ quan, chỉ cực là phải đợi Hạm Trưởng bắt đầu ăn thì mới được ăn cho đúng phép lịch sự. Ăn xong nếu HT còn ngồi đó thì cũng chờ hầu chuyện cho vui, chỉ có sĩ quan đi lên ca thi hành nhiệm vụ mới được rời phòng ăn khi HT còn nói chuyện ở đó. Sau này tui hay được mời xuống phòng ăn riêng của lính, để xơi cá của họ câu được.
.
.
.
zvnch-ts-sttay-74.jpg
.
.
.

Trung Tá Quỳnh có nhiều lần nói chuyện riêng với tôi khi ít người trên đài chỉ huy, biết tôi đang học gần cuối năm thứ tư Kiến Trúc, ông cũng tâm sự có đứa con trai lớn sẽ thi tú tài trong vài tháng tới và ông cũng hy vọng cậu này sẽ thi đậu vào đuợc đại học nào đó, ông lại quay lại vấn đề hỏi tôi đang được hoãn dịch đi học, tại sao lên chiến hạm làm gì, không đụng trận thì coi như đi cho vui, mà đụng trận thì coi như cũng cùng chung số phận như tất cả quân nhân trên chiến hạm nếu gặp chuyện không may. Tôi chỉ mỉm cười cho biết “họ” trả tiển tôi rất nhiều, nên đi chuyến này tôi sẽ có nhiều tiền để đi học hơn. (chính ra là ba xạo, học miễn phí, ở nhà ba má nuôi, tiền chỉ để xài riêng như chụp và rửa hình mầu … ). Nhưng tôi biết ông ta vẫn chú ý tìm hiểu canh chừng tôi. Có một lần họ dàn xếp, viện cớ, chỉ đổ bộ một chiếc ca nô lên đảo, nên số người hạn chế, ông Thiếu Tá hạm phó yêu cầu tôi ở lại, vì có nhiều người suốt hành trình chưa được lên một đào nào. Tôi trả lời, nhiệm vụ của tôi là đảo nào mà HQ5 cho ca nô lên bờ, tôi phải vảo thanh sát, nếu Hạm Trưởng từ chối, tôi sẽ ghi rõ lý do như vậy khi trở về. Ông ta gọi phone cho TT Hạm Trưởng trên đài chỉ huy, sau đó: mời anh lên trước đi, tôi sẽ sắp chỗ cho những người khác sau. Những lần sau đó, khi lên bờ, tôi tự động vác túi đồ nghề, đứng đợi lên ca nô không cần xếp đặt trước nữa.
.
.
.
.

Chỉ có một mình tôi trên chiến hạm, nên phải làm quen xông xáo vui vẻ với mọi người, và thời gian trên chiến hạm không có gì làm chán lắm nên cũng quen được khá nhiều từ quan cho tới linh, có người kéo đến chỗ riêng, ăn uống thêm, có người tặng cho xô nước ngọt để tắm, có người rủ ra hông tầu câu cá lén … có người gìở đống hồ sơ máy móc toàn tiếng Mỹ ra giải thích sơ đồ máy tầu. Đôi khi tui cũng phụ ra bong cầm búa gõ sét sơn tầu … còn thì mặc quần short chạy lên xuống cầu thang tập thể dục. Ăn uống trên tầu, cho dù là phần ăn sĩ quan, cũng phải nói là đạm bạc. Còn ăn thêm, thì dưới phòng ăn của lính, có nhiều người mang đồ ăn riêng, chế biến ra món này món kia bán thêm kiếm tiền. Và tôi thích nhất là món sữa đặc làm ra Ya Ua chua. Yourt.  
.
.
.
.
Khu trục Hạm HQ1, destroyer.
.
 
.
.

Hải Quân Trung Cộng chắc chưa dám tiến ra lần chiếm Trường Sa lúc đó vì xa hậu cứ và mới xơi được Hoàng Sa với thiệt hại nặng, còn phải dưỡng thương, hoặc còn sợ dư luận thế giới. Cuộc hải hành không gặp TC thì thành chuyến du lịch thích thú ….khi chiến hạm quay trở về, ai cũng mừng, đi thật nhanh, buổi sáng sớm lên đài chỉ huy, TT Quỳnh chửi hai ông sĩ quan di hành một phát, hai ông sĩ quan lái tầu ca tối nhắm hướng trực chỉ Vũng Tầu như thế nào, mà tới sáng dạt về vùng biển phía Gò Công, lại mất mấy tiếng đi ngược về Vũng Tầu, như vậy những người được đi phép sẽ không về ngay được Saigon cho kịp chuyến xe chiều.
.
Tôi đi chào  và cám ơn TrT Quỳnh Hạm Trưởng, nhắn ông là nếu cậu con trai ông muốn thi vào trường KT, nên dự lớp học vẽ phân độ ở trường ĐHKT, thì tôi sẽ tận tình chỉ dẫn thêm, đi chào ông Hạm Phó “khổ như con chó .. vì chuyện gì trên chiến hạm ông đều phải có mặt, bị hành như vậy để có ngày làm hạm trưởng .. “ . Tiền lương ứng trước mang theo, tôi chẳng có dịp xài, chỉ có mua ít hũ ya ua ăn trả bữa sau những hôm say sóng vật vã, nên đã mời trước Trung Úy Châu, vài sĩ quan và binh sĩ được lên bờ đi phép về SG, tối nay sẽ nhậu cho đã, tôi trả tiền. Chiều đã đến coi như không về SG bằng xe đò kịp nữa. Mọi người được đi phép đã đeo túi bị đầy đủ xếp hàng dài chờ nhận giấy phép từ ông Thiếu Tá hạm Phó đang phì phèo thuốc lá cầm xấp giấy cho đi phép.
.
.
.
hình chiếc PCF trên dấu hiệu của Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, những đơn vị PCF phục vụ tại VN.
.
.
.
.
 
.

Chiếc PCF (Patrol Craft Fast) Dương Tốc Đỉnh, trong bờ đi ra đón người đã cặp ngang hông thấp bên dưới chiến hạm, tôi, dân sự đi một mình chẳng dưới quyền của ai, ra bong tầu tôi vứt luôn cái ba lô cái bịch xuống dưới PCF, rồi tuột dây xuống luôn, chẳng cần đi phiá thang, một tháng, tôi chán bềnh bồng lắm rồi, chỉ muốn được say đất thôi. Nhưng phải đợi rất lâu thì những người đuợc đi phép mới nhận giấy tờ xong, cung kính tươi như hoa cười chào hạm phó rồi xuống thang qua PCF đang chờ từ khá lâu, có tôi nằm ngửa nhìn thân chiếc HQ5, nó to dài khủng khiếp, dài như một sân đá banh, giờ cao vòi vọi vì tôi nằm trên PCF thấp dưới này.
.
Lên bờ bãi trước Vũng Tầu, chúng tôi chắc khoảng bẩy tám người, lon cao nhất là Trung Úy Châu, người thân với tôi, có vợ mới cưới đang học trường Luật bên cạnh KT, nên anh này rành trường KT lắm. Vào ngay quán bãi trước, mỗi người gọi một thùng bia lớn con cọp đóng bằng cây để ngồi … rồi thùng bia cũng hết, tui cũng còn biết này kia chưa say quắc. Mời mọi người đi ngủ Hotel, tôi bao nữa, ai cũng ngạc nhiên, tôi chỉ qua bên kia đường GRAND HOTEL, ngay bãi trước, lớn và to nhất Vũng Tầu, tuy nhiên đã đóng cửa lâu rồi. Ai cũng tưởng tôi nói xạo, tôi nói không !...  tối nay mấy anh ngủ trong đó.
.
Kéo đến trước cổng sắt của Hotel, có cổng hàng rào sắt, cửa hotel nằm sâu bên trong. Ông gác dan, người lai Miên chạy ra, nhớ mặt tôi vội vàng mở cửa. Tôi cần mấy phòng ngủ tối hôm nay, tôi mới đi công tác cho cơ quan về từ Trường Sa, mới đổ từ chiến hạm lên, chỉ ngủ tối nay, mai về SG, còn mấy người này là sĩ quan binh sĩ của chiến hạm HQ5. Ông ta vội vàng huy động vợ con mang mùng tới, đi mở đèn dẫn đường vào dẫy phòng từng trệt, có cửa sổ nhìn ra biển. Tối nay, trống lặng, không có đèn nào khác, tối nay ông ta không nhận lén người vào ngủ đêm. Tôi biết vậy, lần trước ra thanh tra, thấy có phòng, giuờng còn móc mùng trên đó.
.
Mọi người lại ngạc nhiên, có người hỏi tôi làm gì mà nửa đêm gọi cửa, có người mở, lễ độ đưa ngay vào phòng ngủ, mang thêm mùng nữa. Tôi chỉ cười yên lặng vì đang say, chỉ muốn gục ngủ thôi. Sáng ra, mọi ngưới chào nhau vội vàng đi riêng về thăm gia đình. Tôi và Trung Úy Châu, đi chung xe đò về SG và chia tay nhau trên đường Trần quốc Toản. Nhà anh Châu ở gần Cầu Kiệu.
.
Tôi về nhà sửa soạn rồi lấy xe Honda đi đưa thơ chung quang SG. Lúc lên trên đảo, ở gần hai ngày, tôi có nhận lời chuyển thư riêng cho những người lính Địa Phương Quân có gia đình ở SG, còn những người khác, gửi thư về gia đình ở tỉnh, tôi sẽ bỏ thơ cho họ ở bưu điện SG để thơ đi nhanh hơn là chuyển theo đường chiến hạm ngã quân đội. Khi tắm thật lâu cho đã, tôi lại thấy phòng tắm quay nghiêng ngả, bây giờ lại thấy say đất sau cả tháng lắc lư trên biển.
.
.

Khi trình diện, trao lại những cuộn phim mầu và phim slide, tôi cám ơn sự dàn xếp trước, Hải Quân đối xử với tôi rất tốt, kể là không có gì quan trọng đã xẩy ra, thành chuyến đi giống như chuyến nghỉ hè mạo hiểm đầy thích thú, và đúng như thỏa thuận, boss vui vẻ nói đợi chút, giấy tờ đã soạn trước rồi nếu chú trở về đuợc, đợi ông cục phó giữ qũy ký cái là đi lấy tiền được rồi.
.
Đường Tự Do, năm 1974, một ngày nắng thiệt đẹp, bến Bạch Đằng gió thổi vào mát rượi, qua Ngô đức Kế, uống cà phê đen Uyên Ương, nhìn nàng cười một cái, tôi đã trở về … vui vẻ huýt sáo đi bộ qua bên Tổng Nha Ngân Khố, lấy thẻ nhôm ngồi chờ, giống như những lần đi lãnh tiền trước. Nhìn tờ giấy liệt kê, ngày hotel bao nhiêu, mỗi bữa ăn bao nhiêu, tiêu vặt linh tinh bao nhiêu … công tác phí …  một hàng dài mấy chục ngày thành số tiền khá lớn, tuy nhiên không nói tên khách sạn, hay địa điểm nơi đi công tác, chỉ biết tờ ngân phiếu phía dưới có rất nhiều con số sẽ làm tui rất vui vẻ thoải mái trong những ngày tới …ngồi chờ tới phiên lãnh tiền, tôi tính lát sau khi dẫn mấy tên KT cùng phòng bao đi ăn cơm Bà Cả Đọi gần đó, sẽ đi mua vài thứ, mà lúc trên chiến hạm, thấy tôi dùng, họ đợi đến ngày chót mới ăn cắp mất của tôi, không bao nhiêu tiền, chỉ có lạ mắt không ai có, như một con cá rô cây, bằng cây mầu xanh lá cây, nhưng khi kéo ra, lại là con dao làm cá, có đồ móc ruột và lưỡi cưa đánh vẩy, tôi không ngờ trên chiến hạm cũng có bị ăn cắp đồ. Khi thấy tôi dùng con dao đó làm cá câu lên đuợc, có người nhìn thấy và chủ tâm ăn cắp. Khi đi trên chiến hạm, là khách nên không có tủ khóa locker, mà chỉ có giường nằm ngủ, đồ đạc mang theo thì bỏ trên đó, ai muốn lấy gì thì cứ lục đồ mà lấy.
.
Trường Sa, một kỷ niệm khó quên… ít ai có cơ hội ra đó, mấy chục năm sau, nhớ lại như vậy …
.
.
Chiều nay Nov. 24, vào thêm hình và sửa bài. Nhân dịp lễ Tạ Ơn Thanksgiving, "tạ ơn" những người đã nằm xuống cho tôi được sống lớn lên trong tự do cho tới ngày 30-4-75.
.
.

duongtiman, tmd.design, tmddesign, truong sa, hoang sa.
.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.