copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Saturday, December 10, 2011

Tôi và Sư Đoàn Nhẩy Dù ... Chuồng Cu. Bài 4, tiếp theo bài 3.

.

.

.

Tôi và Sư Đoàn Nhẩy Dù ... Chuồng Cu.
.

Bài 4 tiếp theo bài 3 … trước đây.
.
.
Ông Trung Tá Tư thì không nghĩ như vậy, không sợ cái “chuồng cu” của SĐND là đụng chạm lớn rồi, chạm nọc lớn rùi, ông đứng lên làm liền, như châm ngôn “cố gắng” của ND, ông ta nhất định chứ không cố gắng nữa, làm cho tôi phải nhẩy chuồng cu ngay, để lâu nó nguội, hay mọi người quên mất chuyện tui “bình thường hóa” cái chuồng cu có quá nhiều huyền thoại của SĐND. Lúc đó cũng ăn trưa xong rồi, đang nghỉ ngơi, nên ông Tư nói: nghỉ  trưa xong, tôi mời các anh qua bên chuồng cu nhẩy liền, không cần huấn luyện gì hết, nếu anh cho là không có gì mà tôi cứ nhắc chuyện chuồng cu nhát anh hoài.
.
.
Như vậy là tui chit với ông TrTá ND này rùi, ông ta nhất định đưa tôi vào thế kẹt, một là nhẩy, hai là sợ wá thì rút lời lại xin lỗi, hay là ông ta sẽ cho mọi người chứng kiến cảnh tui lên tới chuồng cu rồi sợ quá vãi đái không dám nhẩy, chuyện không có gì lạ, vì theo ông Tư nó từng xẩy ra, không hiếm có gì. Ông hỏi những ai dám nhẩy chuồng cu nữa, ngoài tôi nữa, tui thì chắc miệng nói, chân chịu tôi nên tui phải nhẩy là chắc rùi. Có thêm Phan lạc Việt, học lớp tôi KT70, trung bình 1m60, ốm con, cũng bình tĩnh lên tiếng là cũng sẽ nhẩy thử chuồng cu với tôi. Có lẽ Việt cũng nhột nhạt với chuyện ND mang chuồng cu ra hù hai thằng sinh viên KT nhỏ tuổi nhất trong những buổi ăn trưa.
.
.
ztdnd-nqn-2.jpg
.
.
.
Như vậy là tôi và Việt, sau này là tay trống trong ban nhạc 4 Trái Dừa của SVKT do anh Minh Bò dẫn đầu. Lên đường qua bên sân chuồng cu ngay bên cạnh, làm thêm một chút huyền sử duy nhất lạ lùng chưa từng có trong Trung tâm Huấn Luyện Nhẩy Dù của SĐND Việt Nam, một buổi trưa đầy nắng, trời không nóng lắm, chung quanh sân rộng của bãi nhẩy với phi trường Tân sơn Nhất mênh mông trống trải không chận gió bên cạnh thổi nhẹ vào bãi học Nhẩy Dù. Cả nguyên băng SVKT, trong đó hình như cũng có anh Nguyễn tất Tống, lúc đó đã ra trường KTS, cũng tham dự phụ giúp ND làm xe hoa. Ttung Tá Tư bốc điện thoại qua TTND nói chuyện gì đó, rồi dẫn nguyên đoàn SVKT, cùng với các sĩ quan Dù như anh Trung Úy Mạc Đạm, chỉ huy Võ Đường Thái cực Đạo, bỏ lại đằng sau toán chuyên viên ND đang làm xe hoa, bây giờ cũng bàn tán, cười nhỏ đằng sau, chắc họ không tin tui dám nhẩy và chắc có người đánh cá độ chuyện này nữa.
.
.
Nguyên đoàn đi bộ qua Trung Tâm Huấn Luyện Nhẩy Dù, thiệt là lạ lùng, ông Tư đi dẫn đầu, vẻ mặt ông có vẻ thích thú chứ không giận dữ gì, chắc ông nghĩ thích thú là sẽ viết thêm vào huyền sử của chuồng cu là có thằng SV KT tưởng ngon, nhưng khi  lên đây đái ra quần xin tha …. thực ra nếu có như vậy thì cũng bình thường, theo lời ông Tư thì sĩ quan Dù cũng vãi đái không dám nhẩy, bị phạt, đại úy biệt kích cũng không dám, phải bị đạp ra mà, thi hai tên SVKT dân sự chưa một ngày được huấn luyện, tập thể dục sau mấy tháng quân trường, không dám nhẩy là chuyện tự nhiên và thường tình thôi. Có điều ông Tư phải đíc thân dậy cho tui một bài học, ăn nói cho cẩn thận, khi phát biểu với Nhẩy Dù. Còn tôi mà nhẩy thoải mái, thì cũng là vui vẻ cả làng, tình thân hữu ND + SVKT thắm thiết, ND cũng biết chọn các SVKT gan lì mà chơi …
.
.
.
.
.
Chỉ huy trường Nhẩy lúc đó là một ông Thiếu Tá, họ là Ngụy, tôi không nhớ tên, ông này chào ông Tư, bắt tay tôi và tự giới thiệu tên. Ông Thiết Tá này không to lớn, gầy, khuôn mặt khắc khổ và ông lộ vẻ không vui ngay khi chuyện này xẩy ra. Hai ông nói chuyện với nhau, ông chỉ huy trường nhẩy cứ nói ra, tìm mọi lý do để từ chối. Sau cùng thì tôi nghe được ông ta nói đại khái: Trung Tá là cấp lớn hơn tôi, nhưng trường Nhẩy trực thuộc ngang do bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù chỉ huy, tôi chịu lệnh trực tiếp của SĐ, Trung Tá là chỉ huy trưởng căn cứ Hoàng hoa Thám có cơ sở BCH Dù và trường nhẩy trong đó, nhưng về điều hành thì tôi phải có lệnh của SĐ. Bây giờ thì tôi muốn biết ý của Trung Tá Vinh, đang coi bộ chỉ huy hậu cứ của SĐ. Lúc này thì nhóm KT ngồi ở xa, chung quanh bàn nơi chỉ huy quan sát nhìn ra bãi huấn luyện, có chuồng cu bên cạnh. Ông Tư thì dẫn tôi theo, coi ông ta đang cố gắng làm mọi cách cho tôi nhẩy, nếu bị phản đối mạnh quá thì tôi cũng biết là ông Tư “cố gắng” làm thiệt chứ không, tôi lại hiểu lầm là ông Tư dùng kế hủy chuyện nhẩy, như vậy chuyện sẽ không có kết luận, sẽ có nhiều ấm ức về sau cho cả hai bên, ND và tôi.
.
.
.
ztdnd-nqn-2.jpg
.
.
.
Trung Tá Vinh theo xe Jeep tới, lúc này tôi đứng xa ra, không còn muốn nghe chuyện riêng của bộ chỉ huy SĐ nữa, Nhẩy thì không có gì làm tôi phải sợ, lại còn muốn nhẩy cho biết, giải trí hiếm có, còn họ dàn xếp cho tôi nhẩy được hay không, nếu không thành thì họ phiền hà, chứ tôi vẫn không sợ chuồng cu, sau họ kéo nhau đi vào BTL giải quyết, anh Đạm quay lại nói, ông Vinh cũng nói ngoài thẩm quyền của ông, ông Vinh đề nghị đi vô BTL gọi điện xin phép thẳng Chuẩn Tướng Lưỡng Tư Lệnh Sư Đoàn đang hành quân ngoài vùng 1 (mà cũng dễ cho ông Tư, Trung Tướng Trưởng, Chuẩn Tướng Lưỡng và Trung Tá Tư là ba người bạn sĩ quan ND ngày xưa cùng học chung khóa 4 Sĩ Quan Thủ Đức). Anh nói tiếp, vì hai ông này (Tr Tá Vinh và Thiếu Tá trường Nhẩy)  chịu trách nhiệm trực tiếp, sợ trách nhiệm lỡ có tai nạn xẩy ra, họ phải lãnh đủ hết, còn ông Tư không có làm chỉ huy trường Nhẩy, chỉ là chỉ huy trưởng căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tôi thấy chuyện trở nên rắc rối qúa, cũng nói, ai biểu ông Tư đòi làm gì. Anh Đạm cười hề hề, thế là chú phải nhẩy rùi, ông Tư không nhịn thua dễ dàng đâu, tôi cũng đùa lại: anh coi tôi làm Nhẩy Dù Cố Gắng được không. Võ sư Đạm thấp hơn tôi, đưa tay lên so coi tôi cao hơn bao nhiêu, lắc người tôi, đập lưng mấy cái, cả hai đều cười vui vẻ: được lắm, được lắm. Tôi nghĩ  bụng, nhẩy hay không nhẩy, ông Tư đều chiến thắng vui vẻ, tôi không dám nhẩy, thì đúng như ông đã nói Đại úy Biệt Kích còn ướt quần không dám nhẩy, còn SV ốm yếu như tui thì sẽ sợ qúa tiểu tiện, đại tiện luôn là đúng rồi, lại thêm huyền sử cho chuồng cu, còn nhẩy thoải mái, thì SĐND biết nhìn người giao dịch với các SV hào hùng, sĩ quan tương lai của ND, coi như hai bên giao hữu thắm thiết, cũng làm tăng giá trị cho ông Tư biết nhìn người lì lượm mà cộng tác.
.
.
Sau đó họ quay lại, chỉ có ông Tư đi nhanh về trước, còn ông Thiếu Tá chỉ huy trường Nhẩy không đi theo, nhưng lúc nãy có nhìn thấy ông ta nhận điện thoại gọi tới. Ông Tư nói lớn, mừng rỡ ra lệnh cho chỉ huy trung tâm Nhẩy Dù, anh cho người lấy đai ra, hai bộ cho hai anh này nhẩy, ở ngoài đó đã đồng ý rồi (ý là Tư Lệnh SĐND Chuẩn Tướng Lưỡng bằng lòng). Ông Thiếu Tá lạnh lùng thi hành lệnh răm rắp, cho hai huấn luyện viên đến nói chuyện chỉ dẫn cho tôi và Việt. Ông Tư nhìn hai bộ đai đeo vào người và dây treo, lật coi tới lui, rồi giữ lại: Thiếu tá lấy trong kho cho tôi hai bộ giây nhẩy mới, chưa dùng lần nào, có chuyện gì xẩy ra không đẹp thì Nhẩy Dù mang tiếng lắm. Hai bộ giây đai, giây nhẩy mới toanh được mang ra. Tôi nhìn rất vững tâm, và thầm nhủ, Bệnh Viện SĐND Đỗ Vinh nằm ngay bên cạnh.
.
.
.
.
.
Tôi và Việt thì mặc áo sơ mi, quần tây, áo bỏ ngoài quần, tôi còn nhớ mình mặc dài tay xanh dương nhạt, tà dưới cắt vạt bầu, bỏ ngoài, quần tây ống rộng. Ông Thiếu Tá chỉ huy trường Nhẩy đề nghị là chúng tôi nên thay đồ quân phục, vì nội quy trường Nhẩy không có được  mặc đồ dân sự vào sâu hoạt động trong bãi nhẩy. Ông Tư gạt ra, làm sao có quần áo vừa người, và giầy dép trong lúc này, phải thu xếp trước, lâu lắm. Tôi muốn anh này nhẩy ngay bây giờ, chỉ làm phiền Thiếu Tá một chút là xong, chúng tôi trở về, chỉ cần đội thêm nón sắt cho an toàn thôi, thế là tôi có cái nón sắt. Ông Tư đích thân kéo giây nón bên trong thay đổi cho vừa đầu tôi, ấn nón vào đầu, vỗ tới lui coi có chắc và khít không cho tới khi ông vừa lòng. Bây giờ đích thân ông làm huấn luyện viên luôn, chỉ  ra phía ngoài,  từ chuồng cu, nhẩy xuống theo dây đưa tới cuối bãi, tốc độ giảm dầm và anh sẽ đưa người tới phần cuối có thang, có người giữ cho anh xuống, anh gỡ móc rời giây kéo ra. Mà thôi, Thiếu Tá cho cử hai huấn luyện viên ở đó đón anh này xuống và gỡ dây ra cho anh ta, tới đó mà không rành vì chưa được huấn luyện, lại té xuống khi gỡ giây thì mất đẹp.
.
.
Tôi thì bây giờ nai nịt đeo giây đai đầy đủ, nón sắt, cũng cong người dơ hay tay cao như nắm đai dù, cũng uốn éo, nhún nhẩy tập thể dục cho dãn gân cốt. Ông Tư nói: bây giờ Thiếu Tá sắp xếp cho hai anh này vào nhẩy chung với các khóa sinh. Thiếu Tá trả lời: sắp tới giờ nghỉ, tôi để hai anh này nhẩy riêng, chứ chung hàng với khóa sinh nó sẽ lộn xộn cho họ vì hai anh này chưa dự huấn luyện bao giờ, mặc đồ dân sự sẽ không thích hợp cho các khóa sinh đang huấn luyện, họ sẽ bàn tán và nhìn thấy kỳ khi hai người mặc đồ dân sự xếp hàng chung, sẽ làm mất thời giờ hơn. Giờ nghỉ tới ngay, tôi cho kéo dài thêm, Trung Tá sẽ dẫn hai anh lên đài nhẩy, các huấn luyện viên phụ giúp Trung Tá, nếu dám nhẩy, thì xong ngay. Ông ta cười nhếch mép nhìn tôi, vẩn không tin tôi dám nhẩy, nếy như vậy, thì đúng là màn giải trí cho các khóa sinh Nhẩy Dù ngồi nghỉ bên dưới, coi hài kịch dở khóc dở cười sẽ xẩy ra trên chuồng cu cao nghều nghệu, 11 mét cao chứ dễ gì.
.
.
Thế lả ông Tư trở thành huấn luyện viên riêng cho tôi, còn Việt thì có huấn luyện viên khác lo. Ông Tư chỉ ra chuồng cu, giải thích mọi chuyện sẽ xẩy ra như thế nào. Ông quay lại nói nhỏ, giọng nghiêm nghị: bây giờ anh bỏ cuộc vẫn còn kịp, chỉ có chúng tôi biết, chứ khi bãi nhẩy được lệnh nghỉ, để trống bãi cho anh nhẩy riêng biệt, lên chuồng cu mà anh từ chối thì tất cả mọi người từ khoá sinh tới huấn luyện viên đều biết thì anh sẽ bị chê cười … quê hơn. Ông Tư nói quá đúng sự thật, tôi trả lời nhẹ nhàng, đủ cho ông nghe: tôi vẫn nghĩ chuyện nhẩy rất an toàn, bây giờ thấy đai nhẩy mới, giây kéo cũng mới, nai nịt vào người rồi thì thấy an toàn gấp bội, các giây đai được làm cho trọng lượng người Mỹ cùng vũ khí trang bị nặng nề, cho nên sức nặng của tôi đâu ăn thua gì, bây giờ thì tôi sẽ “cố gắng” nhẩy sao cho đẹp, không phụ lòng khó của TrTá đã khó khăn vất vả lắm mới xin phép được cho tôi nhẩy.
.
.
Bây giờ trên bãi nhẩy, hay bãi huấn luyện rộng lớn, yên lặng nghỉ, các khóa sinh ngồi bên dưới ra xa, họ cũng không biết gì, chỉ thấy được nghỉ, mà lại đồng loạt, nên có ngạc nhiên, nhìn về phía khối nhà chỉ huy, có mái che gần chuồng cu. Ông Tư bây giờ dẫn tôi vào sân, đã nai nịt xong, đầu đội nón sắt, giây đai dư vắt trên vai, tôi theo sau, ông Tư đi trước, vừa đi vừa căn dặn nhanh những gì ông thấy cần thiết vì tôi chưa hề được huấn luyện, đúng ra là nhẩy chuồng cu là giai đoạn chót, sau 3 tuần huấn luyện hay hơn, sau đó là lên thẳng máy bay nhẩy 5, 6 saut dù thật là tốt nghiệp lãnh bằng.
.
.
.
.
.
Cả bãi nhẩy yên lặng, trái ngược với những tiếng hô hào, tiếng chân dồn dập hàng ngày, thấy rất lạ lùng và căng thẳng. Bước lên những bậc thang cao của cầu thang, lúc đó mới làm tôi thở mạnh vì bước chân, qua lại, rất nhiều nhịp thang, hai chiều, nhìn xuống mặt đất xa dần, chiều cao dâng lên, bây giờ mới thấy sợ sợ, tim đập nhanh hơn vì leo cầu thang mệt chứ không phải sợ nhẩy ra. Ông Tư thì đôi giầy bốt đờ saut  bóng loáng cứ leo cầu thang thiệt nhanh, thiếu điều nhẩy hai bậc một lúc, ông ta phải đợi tôi vài lần, vì tôi mnag đai nịt hai bên háng phải dạng chân ra, tay bê giây, chân đi khép lại chưa quen, và đôi giầy dân sự, không có cổ cao trên mắt cá để giữ chân thẳng, nên leo cầu thang cao đương nhiên là chậm hơn ông Tư đã qúa quen thuộc lên xuống chuồng cu.
.
.
Trên đài cao, các huấn luyện viên chuẩn bị cho tôi, ông Tư kiểm soát lại kỹ lắm cho dù có mặt ông, các huấn luyện viên Dù đã cẩn thận gấp bội rồi. Mà quên nói, ông Tư đã mang bằng Dù Huấn luyện Viên chứ không phải bằng thường. Ông Tư khều giây trên cao, giật thử coi như không có còn một sai lầm nhỏ hay cản trở nào, lại siết giây đai tôi lần nữa, quay tôi một vòng coi có vướng quần áo gì vào giây không. Bây giờ ông nói nhỏ như cha và con: Anh lên tới đây rồi, dừng bỏ cuộc nhe, đừng làm mất mặt tôi nhe. Thực tâm là ông muốn tôi thành công chứ không bỏ cuộc là chuyện dễ hiểu. Tôi cười hỏi lại: bây giờ thì nhẩy kiểu nào, nhẩy làm sao cho thật đẹp để cho Trung Tá vui lòng. Ông Tư cười lớn đập đầu tui mấy cái, ông đưa hai tay bám thành cửa chuồng cu như cửa máy bay, quay lại nhìn tôi, chứ không nhìn ra ngoài nói: anh lùi người lấy đà lao ra thật mạnh, thì giây kéo sẽ văng  ra ở góc độ xiên nhỏ, khi giây dựt lên sẽ không mạnh và anh không bị nhồi lên xuống nhiều lần, nếu anh nhẩy ra cho có một cái chụt anh sẽ bị giây giựt thẳng đứng lên xuống coi xấu và làm anh mệt nữa, có thể đai giây đập vào ót anh. Tôi nói: đừng .. đừng, nói không đều vì tim tôi vẫn đập nhanh và thở mạnh vì lâu lăm có bao giờ leo cầu thàng cao một mạch như vậy đâu, đi cho kịp tốc độ của ông Tư.
.
.
Ông Tư khựng lại, không nhún nhẩy làm thí dụ cách phóng ra ở ngay cửa chuồng cu nữa: anh đổi ý rồi à? . Tôi vẫn thở mạnh: không Trung Tá, TrTá không có đeo giây đai an toàn gì hết, lỡ tuột tay, trượt chân té khỏi chuồng cu chết  …. . Ông Tư nhìn xuống đất và cẩn thận không nhô người ra ngoài cửa chuồng cu nữa. Hai người huấn luyện viên đứng bên cạnh yên lặng. Ông Tư: anh sẵn sàng chưa, tôi gật đầu bước tới, hai tay dài từng chơi basketball bao nhiêu năm, vươn dài những ngón tay ra bám vào thành cửa chuồng cu,cong người, cũng nhún nhẩy, như sửa soạn đứng thẳng lên tung thẩy banh phạt lúc chơi bóng rổ vậy thôi. Ông Tư nói: chưa, tôi sẽ vỗ lưng anh ra lệnh, ông vòng quanh nhìn kỹ giây đai trên cao, ôm đầu tui cười cười vỗ về cái nón sắt rất hài lòng. Tôi lại thẳng người lên thở đều hòa trở lại thế nghỉ. Ông Tư: anh sửa soạn. Tôi cong người xuống chút, bám tay vào cửa sửa soạn nhún người. Ông Tư vỗ nhẹ vào vai … GO … O O O .
.
.
.
ztdnd-bangdu-nvt.jpg
.
.
.
Lao thẳng ra ngoài, hai tay bám giây đai trên vai, một cảm giác hụt hững vô trọng lực chưng hửng, nhanh lắm cho tới lúc người giật tung lên. Tôi có cảm giác cái nón sắt trên đầu cứ kéo ra phía trước theo đà nhẩy mà không giữ lại nên tôi phản xạ buông hai tay đai ra đưa lên giữ nón sắt lại cho khỏi rớt ra khỏi đầu. Thân hình không bị giật thẳng lên vì theo lời ông Tư lao ra thật mạnh. Rồi cứ thế mà tôi mở mắt nhìn xuống, tận hưởng mọi cảm giác … xong một chuyện khó khăn, bên dưới có vài khóa sinh Dù ngồi ở xa quan sát hiện tượng lạ, đưa tay vẫy chào. Tuột dây ròng rọc xuống thấp từ từ nhưng cũng nhanh lắm, hai huấn luyện viên đụng chân tôi chạy theo đưa tay ôm giữ chân tôi lại rất nhẹ nhàng, khác với khi khóa sinh nhẩy dù không có màn ôm chân này, vì tui là khách bị ép nhẩy nên có sắp xếp trước. Được kéo lại chỗ có bậc thang để đứng nghỉ, họ gỡ giây cho tôi xuống, và dẫn về lại khu chỉ huy.
.
.
Ngước lên nhìn chuồng cu, thì bây giở đến phiên Phan lạc Việt cũng lao ra, hai đứa nhẩy xong chuồng cu. Về đến khu bàn chỉ huy, ông Tư bây giờ vẫn còn thở vì tuột các bậc thang chuồng cu xuống nhanh để mừng con gà chọi hay gà đá của ông ta là tui. Vui mừng cười hả hê, vỗ vai tui mạnh làm tui chao cả người, vì ông ta bự con lắm. Ông ta hả hê gọi điện thoại cám ơn Trung Tá Vinh, vì ông này không ra coi nhẩy chuồng cu.  Trong lúc đó Thiếu Tá họ Ngụy, chỉ huy trưởng “chuồng cu”  tới bắt tay tôi mừng và hỏi nhỏ: anh là ai vậy?
.
.
ztdnd-bangdu-nvt.jpg
.
.
.
Tôi cũng chỉ trả lời chắc là y như ông Tư đã nói: tôi là sinh viên Kiến Trúc, được SĐND yêu cầu đến phụ giúp làm xe hoa cho Ngày Quân lực 19 tháng 6. Ông ta nói tiếp: anh có biết là anh đã nhẩy chuống cu với nghi lễ “Tướng Lãnh” hay không. Mấy ông Tướng nhẩy riêng. Không có xếp hàng chung với Lính. Tuy nhiên chưa có ai được phép mặc đồ dân sự, và không có huấn luyện trước. Anh là người đầu tiên, ngoại lệ trong lịch sử của Trung Tâm. Tôi cám ơn: hy vọng Thiếu Tá không thất vọng khi tôi nhẩy. Ông vỗ vai tôi cười: đẹp lắm, chắc thế nào mai mốt anh cũng gia nhập gia đình Nhẩy Dù, vì mấy ông xếp tôi cứ nhất định làm mọi cách cho anh nhẩy, cho đến Tư Lệnh SĐ cũng đồng ý. Anh thông cảm, nếu không có lệnh của Tư Lệnh Sư Đoàn, tôi để cho anh nhẩy, lỡ bị thương thì ai chịu trách nhiệm cho tôi, nhất là anh là dân sự, không thuộc cơ hữu của quân đội hay Bộ Quốc Phòng, anh thông cảm tôi phải theo thủ tục, chứ lon của ông Tư cao hơn tôi mà, đâu muốn làm cho ông ta không vui.
.
.
Ông Tư hả hê quay lại, mấy người huấn luyện viên Dù mang ly nước tới mời hai đứa tôi uống, vì sau cú nhẩy, áo đã uớt rịn mồ hôi sau vai có lẽ vừa sợ tuốt mồ hôi vừa vất vả leo cầu thang cao và dang nắng ngoài bãi nhẩy. Ông Tư hả hê lắm: uống ít thôi, Trung Tá Vinh mời các anh qua bên bộ Tư Lệnh cho ông ta mừng, sau đó qua Câu Lạc Bộ Sư Đoàn chúng tôi mời các anh giải lao. Ông đi bộ kéo nguyên đoàn SVKT và Tr Úy Đạm đi ngang, đi tắt, nhẩy hành lang, đi thẳng vào bộ tư lệnh SĐND. Giới thiệu với Tr tá Vinh là chỉ huy SĐ tại hậu cứ, bắt tay từng người, sau đó vào phòng khách sư đoàn chứ không phải là câu lạc bộ. Mấy ông hỏi các anh uống rượu mạnh chứ, chúng tôi cười lắc đầu, Ông nóí: Như vậy thì La De lạnh Quân tiếp Vụ nhe. Còn mấy ông đó thì mở chai rượu, mời nhau.
.
.
ztdnd-bangdu-nvt.jpg
.
.
.
Một kỷ niệm bây giờ xa xưa lắm rồi. Lúc đó tôi nghĩ thầm như vậy là mình có duyên nợ nặng lắm với SĐND, sau này mà khoác áo chiến y, thì chắc sẽ trở lại nhẩy chuồng cu, biết đâu có ngày cũng lên hàng tướng lãnh, vì đã nhẩy chuồng cu với nghi lễ tướng lãnh rồi mà. Anh Đạm và ông Tư rất hả hê rủ rê tiếp coi tui có sợ không: bây giờ anh có đà rồi, lên thẳng máy bay làm vài saut  luôn là có bằng Dù. Tôi cười cười, nhớ lời thiếu tá Ngụy … nhưng phải nhẩy bằng nghi lễ tướng lãng. Ông Tư cười cười: để lúc nào có dịp, tôi cho anh biết, tháp tùng theo mấy ổng, nhẩy bằng trực thăng, sướng lắm, không phải bằng máy bay lớn chen chúc xếp hàng, anh chỉ  ngồi bên mép trực thăng, buông người ra là xuống, nhẹ nhàng lắm … có gì mình sẽ mở một hội ái hữu nhẩy dù thể thao dân sự do SĐND bảo lãnh yiểm trợ … Như vậy rồi quên đi, thời gian qua nhanh, bận bịu học hành, quên đi chuồng cu, quên đi ông Tư. Qua năm sau, máu mạo hiểm và cơ hội lại đưa tôi qua một binh chủng khác: Hải Quân, những ngày dài sóng gió, chuyến hải hành trên cả tháng, bềnh bồng nắng gió và nôn mửa, cát bụi của quần đảo Trường Sa trên khu trục hạm HQ5 Trần bình Trọng của Hạm Trưởng Trung Tá Quỳnh ….  rồi đến chuyến vượt biển sao này qua ngàn trùng gian khổ đến bờ tự do, vào nước Mỹ, cứ tưởng như vậy là mình gần nước biển đại dương hơn mây trời xanh cao … cho đến một ngày,  đời lại bay bổng lên cao.
.
.
.
Bây giờ, mấy chục năm sau, chỉ  hy vọng ông Tư vẫn còn sống, cho dù tuổi ông đã rất cao, và tôi không hề nghe tin tức hay có được hình ảnh gì của ông, những vẫn nhớ thân hình đồ sộ và giọng nói Nam Kỳ. Anh Mạc Đạm, tôi gặp lại năm 82-83 ở San Jose, Phan lạc Việt KT70, đã qua đời năm 86 vì bạo bịnh ở Nam Cali, nhân chứng sống vẫn còn anh Minh Bò KT65, Vũ thế Vương KT69 ở Việt Nam các anh SV KT khác, và những chiến sĩ  khóa sinh học Nhẩy Dù có mặt ngày hôm đó. Một kỷ niệm thật sâu, đầy tràn cảm giác, tôi giữ mãi trong tâm khảm, bây giờ viết lại, nhịp tim cũng vẫn còn đập nhanh, nhớ đến những bước chân trai tuổi đôi mươi, đi đôi giầy dân sự mỏng manh, bước mãi … bước mãi lên cao theo sau tấm thân vạm vỡ của Trung Tá Tư đi trước dẫn đường mà vẫn chưa thấy lên tới được sàn cao của chuồng cu. Một dấu tích để đời hiếm có của tôi.
.
.
Khi máy bay sà thấp xuống vào phi đạo Tân sơn Nhất tôi hồi hộp nhớ thắt lại, cố gắng nhìn coi đang ở hướng nào, có thể thấy được phần trại Hoàng hoa Thám không?. Bây giờ biến đổi hết rồi, chắc “chuồng cu” đã ngã gục, nhưng mãi mãi vẫn cao sừng sững trong tôi, nhớ Trung Tá Tư bám hay tay vào thành cửa chuồng cu nhún nhẩy …. Anh phóng mạnh ra như thế này … Trung Tá ôi, …. chắc ông đã bay xa làm cánh thiên thần mũ Đỏ bay về miền thanh thản rồi, cám ơn ông đã làm tuổi thanh xuân của tôi thêm hoa mộng, nở rộng đầy những cánh bông dù đỏ rợp bầu trời như những cánh phượng đỏ trên đường từ cổng trại Hoàng hoa Thám đi vào bộ Tư lệnh và Chuồng Cu.
.
.
.
.
Trung tá Tư ơi, có phải cái chuồng cu của SĐND không có gì làm đứa con nít như tôi phải sợ hãi … nhưng thôi rồi một định mệnh đã an bài, tôi chưa kịp chính thức đeo cánh hoa dù của SĐND Việt Nam, nhưng gia đình Mũ Đỏ đã đón nhận tôi như những lời cám ơn trong bộ Tư lệnh Sư Đoàn Dù khi các sĩ quan nâng ly mừng tôi đã dám nhẩy chuồng cu. Cũng không để phụ lòng các qúy vị đó, sau này, ít năm sau, vào một ngày cuối thu lạnh lẽo, tôi đã ôm dù lên cao, cao lắm trên vùng trời của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hét to lên: “Việt Nam ơi, tôi sẽ về” khi tung thân thể ra …. Thousand one, thousand two, thousand three, check chute …. Và cánh dù tôi mở rộng, bọc gió phần phật điệu nhạc bay cao bổng … từ cao lắm, tôi nhìn về hoàng hôn phía Tây vùng Biển Thái Bình Dương, quê hương tôi bên đó …. gửi gió theo mây ngàn bay về các kỷ niệm bên kia trời, bên kia đời, cho các qúy ngài sĩ quan cao cấp SĐND biết, tôi đã mở cánh thiên thần bay cao …. Hì  hì, lần này thì có huấn luyện đàng hoàng, có skymaster lên theo máy bay, ký tên phê bình chứng nhận vào cuốn sổ nhẩy dù. Gửi gió theo mây ngàn bay về bên kia đời của kỷ niệm, tôi xin kính chào các cố Sĩ Quan Sư Đoàn Nhẩy Dù Việt Nam bên kia đời … đã ép tôi nhẩy chuồng cu, để lại một kỷ niệm đẹp trong đời tôi, thêm một huyền sử mà ít người biết đến của “CHUỒNG CU” Sư đoàn Nhẩy Dù Việt Nam … vẫn muôn đời “CỐ GẮNG” trong tâm những người còn sống,  những ai, một lẩn đã nhẩy qua cửa chuồng cu để vào lịch sử Quê Hương Việt Nam ....
.
.
Còn tiếp.
Bài 5 sẽ tiếp theo ...
.
.

No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.