copy of tmddesign old multiply blog

Pageviews

Sunday, December 6, 2009

hồi ký bạn Kiến Trúc kỳ 17 . Cục Công Binh . Saigon (kỳ 4) tiếp theo . của anh Lâm công Quyền KT65 .

.
.

.

.
 

.
 
Bạn KT-kỳ 17- sửa đổi_ Cục Công Binh, Sài Gòn (kỳ4)
.
.


Kỳ này, đoạn Phái nữ của trường Kiến-Trúc được viết theo lời yêu cầu của Nguyễn-Thị-Việt KT65, Pháp.
.

Thành thật cám ơn Vũ-Bích-Ngọc KT66, Canada và Trương-Công-Tâm KT65, Pháp đã giúp viết một phần các tên tuỗi và chi tiết về các chị KT.
.


Bài Bạn KT-kỳ 17 này được viết lại và sửa đổi theo ý kiến, bổ sung, khích lệ và nhắc nhở của rất đông độc giả từ Việt-Nam, Mỹ, Pháp, Canada và Úc: Đinh-Xuân-Bình, Minh Bò, Nguyễn-Thanh-Cần, anh Trần-Quang-Đôn, Trần-Mạnh-Đức, chị Trùng-Dương Nguyễn-Thị-Thái, anh Nguyễn-Cao-Khải, Phạm-Việt-Nam, Nguyễn-Như-Ngọc-Phách, Nguyễn-Bửu-Phiêu, Trương-Khả-Quý, Nguyễn-Hữu-Tấn, Dương-Mạnh-Tiến, các anh Trần-Đình-Thục, Lâm-Quốc-Thụy, Trần-Văn-Tý  và  Nguyễn-Thị-Việt...Thành thật cám ơn sự tham gia nhiệt tình của quý anh chị em KT khắp năm Châu, đặc biệt các bạn cựu HS Võ-Trường-Toản: Đồng-Sĩ-Nam YK64 Mỹ, Lý-Phương-Lâm YK64 Úc và Hoàng-Thỉ-Thạch KT66 VN.
   Dù có bổ khuyết, tôi cũng vẫn không thể nào thêm vào rất nhiều tên các nữ SV do các bạn cung cấp, các cô này  chợt đến rồi lại chợt đi như những đoá hoa nhờ gió mang đến rồi gió lại đem đi, hay như những vì sao băng chợt loé lên trên nền trời rồi chợt tắt mà cặp mắt cận thị cuả tôi chưa kịp nhìn thấy. Tôi cũng không thể ngờ được các nữ SV KT đã ghi lại trong lòng cuả các nam SV KT một cách sâu đậm như vậy, và  việc thống kê hay viết một kỹ yếu KT không phải là mục đích cuả quyển hồi-ký này, tác giả nghĩ rằng các bạn sẽ thông cảm  cho.
.


Trên đường đi tìm tình yêu
.


Tạo hoá l̀àm nảy sinh ra con người khởi đầu từ một tế bào, trong một môi trường sống thuận lợi, cái tế bào này đi tìm một tế bào khác cùng loại nhưng “lạ” hơn để nhập lại thành ra một tế bào khác, rồi cứ nhơn 2, nhơn 4..v..v..trở thành phức tạp hơn...và cứ như vậy trở thành một con người. Sau đó, người nam lại đi tìm người nữ, hay ngược lại, nhập với nhau để rồi sản sanh ra một con người khác thay thế mình khi các tế bào tạo ra mình già đi rồi tự huỷ...trên lộ trình đó, vì con người là một loại động vật phức tạp nhất, nên tìm lại gần nhau, làm quen, tỏ tình, yêu thương..v..v..một cách tự nhiên, không suy nghĩ. Con đường tìm tình yêu của riêng cá nhân tôi cũng đầy chông gai, trở ngại...
.


Tôi không nhớ nổi mình biết yêu từ lúc nào, chắc cũng có những ĺúc yêu trộm nhớ thầm như mọi thanh thiếu niên mới lớn, nhưng khi lên 18 tuổi, về thể chất con người đã trổ mã rồi và về tâm lý đã bắt đầu hết “nhát gái”, cộng thêm tôi là ca sĩ trong ban nhạc rock nữa, do đó việc “tán đào” đâm ra không khó. Thoạt tiên, vẻ đẹp con gái Tây Phương là một sự hấp dẫn đặc biệt đối với tôi, con gái VN, nhứt là người Nam, đối với tôi giống như chị em trong nhà, theo tự nhiên, tôi muốn tìm cái gì mới lạ hơn. Thời gian chúng tôi còn ngụ tại đường Cách Mạng 1/11, Phú Nhuận, người yêu đầu tiên là một cô gái lai Pháp tên Marguerite Alexandre* ở cùng trong xóm, vì cứ phải cạnh tranh với thằng bạn Louis, kể cả  Nguyễn-Thanh-Phương (Elvis Phương) ở đường Trương-Minh-Giảng, gần bên, cũng ngấp nghé làm tôi chán quá nên đến với Doris Alice Sim, trẻ hơn M. mấy tuổi,  con gái của ông quản lý hảng thuốc lá MITAC* người Anh cũng trong cùng khu nhà ở, cả hai M. và D. đều học Marie Curie. Doris sau đó được cha mẹ gởi lên học trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt nên chúng tôi mất liên lạc với nhau luôn, làm tôi phải đau khổ một thới gian.
.


Người ta nói “yêu nhiều thì khổ nhiều” và “không yêu thì không khổ”, thật vậy, trên con đường tìm tình yêu, có nhiều khi bị thất bại khiến mình đau đớn trong tâm hồn, ray rứt xé tâm can. Tuy buồn kinh khủng nhưng tôi vốn là một thanh niên yêu đời, vui sống nên chế ngự được nổi buồn rất nhanh. Chiều chiều, sau khi từ trường KT băng qua học tiếp thoại kịch tại trường QGAN & KN , niên khóa 65-66, tôi lại quen với một cặp bạn nữ học sinh trẻ môn ca kịch (cải lương) Hồng-Hương và Thu-Ba, Hồng-Hương là một cô gái lai Đức, cao trung bình, người mảnh mai và có gương mặt rất xinh, đặc biệt lúc nào đi học cũng mặc đồ đầm, cha ruột cô là  người Đức đã về nước chớ không như hai cô lai Pháp và Anh vẫn còn ở với cha mẹ. H.H. và  Th.B đều ở Đa-Kao nên tối nào tan học, luôn luôn đạp xe đi chung với nhau về nhà, tôi đề nghị:
.
- Anh tuy ở Phú-Nhuận nhưng tiện đường sẵn đưa hai em về luôn được không?_Hai cô không từ chối, tôi bèn bỏ chiếc xe gắn máy Fips Prior ở nhà, lấy xe đạp đi luôn cho tiện. Ngày ngày, hết cours bên KT, từ góc Phan-Đình-Phùng, Pasteur đạp qua số 112, đường Nguyễn Du sau lưng Đinh Độc Lập rất gần, đạp chiếc xe đạp đàn ông màu xanh bạc, thời đó chỉ có một “nhông”, không mệt nhọc cho lắm đối với một thanh niên mới 20 tuổi. Tan học buổi tối, đạp xe tà tà theo hai người đẹp từ đó về đến Phú-Nhuận, tôi không để ý quảng đường xa là  bao nhiêu.   
       
 .
z-lcq-thuba.jpg picture by tddesign
.




.

Tôi không để ý đến Thu-Ba* nhiều vì lúc đó, cô trông giống như một con mắm khô, ốm và đen, trừ nét mặt sáng láng, thông minh và có duyên, cô cũng nói chuyện rất vui vẻ và tương đắc với tôi lắm. Sau đó H.H. cho tôi biết nhà rồi mời khi nào rảnh đến chơi, muà hè, từ Đà Lạt về tôi hay mua một nhánh bông hồng tặng cô vì nghĩ đến tên của cô. Một ngày Chúa Nhật nọ, diện thật láng, tôi đến nhà H.H., gặp đứa em gái VN, cùng mẹ khác cha nói:
.

- Chị Hồng Hương dọn nhà đi rồi, chỉ không còn ở đây nữa!
- Ủa, vậy chớ tại sao chị H.H. không ở đây nữa?
- Chỉ dọn về nhà chồng rồi!
- ?!?!?!?_ Tôi bàng hoàng trong vài giây, có một cái gì uất nghẹn ở cổ, nuốt không trôi, đành phải tiu nghỉu ra về và sau đó, H.H.cũng thôi, không theo học ca-kịch nữa. Vì mất đối tượng, từ đó tôi cũng không qua bên khu ca kịch, không muốn bị gợi lại nổi khổ tâm và cũng không bao giờ nói chuyện với Thu Ba nữa.
.


Phái nữ của trường Kiến-Trúc
.


Sau khi thất tình vì cô gái lai Đức, trong hai năm trời, tôi không có người bạn gái nào, năm đầu khi vô Đại-
Học Khoa-Học, chứng chỉ Toán-Lý-Hoá (MPC) có rất đông nữ sinh-viên nhưng tôi tự coi như một loài bồ câu, rất trung thành vì đang có Doris nên không để ý đến cô nào mặc dù Tạo Hoá sinh ra người đàn bà với dáng tha thướt dịu dàng, với tánh nhân aí, nhất là tuổi còn trẻ các cô càng nhiều sinh lực dễ hấp dẫn phái nam, một cái thoáng nhìn qua Đại-Giảng-Đường chứa cả ngàn SV tại đây, ta thấy nhiều cô rất xinh đẹp nhưng tôi cũng không chú ý lắm.
.


Khi đổi qua học Kiến-Trúc, số nữ SV rất ít oi, có thể đếm trên đầu ngón tay. Các chị lớp trên mà theo giáo dục VN lúc nào trong lòng tôi cũng có sự kính nể vì các chị chẳng những lớn tuổi hơn, lại học trên mình nữa nên sự kính nể càng gia  tăng. Các chị Bảo-Châu hiền lành, tóc bôm bê, người đầy đặn, chị Phương là một bông hoa nổi bật trong vườn hoa, rất “élégante”, chị Minh-Quang lúc nào tôi cũng coi giống hệt bà chị của tôi, chỉ có học ngành khác, chị Tân-Dân, chị̣ Tôn-Nữ-Quỳnh-Như* (q.c.), tóc dài, cao cao, đeo cặp kính cận, Q.N. rất nghiêm trang, có vẻ như không thích hợp với ai trong trường cả, chị Ngô-Liên-Trì lùn lùn mập mập, chị Nguyễn-Thị-Thái 64 đeo cặp kính dày cộm, cắt tóc ngắn “à la garçonne”, có một phong cách rất đặc biệt*, chị Dậu-Thu 64, chị Tám Xinh 64 cao lớn, người rất khoẻ, mặt rất xinh, chị trang điểm rất khéo trông thật đẹp, con người chị cả quyết, tự tin, thằng nào giám chọc chị, chị đấm cho một quả chắc văng ra xa ba thước! chị Hà-Thị-Yên 64 khỏe mạnh, chị Hiền rất hiền.. là các chị mà chân ướt chân ráo mới bước vào trường tôi trọng nể giống hệt như đàn anh học trước mình tuy nhiên cũng thấy rằng chị Yên vì có thân người nảy nở đều đặn, eo ót, nên tôi hay gọi lén với các bạn là chị Yên “sexy”. Các đàn anh vẫn tiếc chị Thu-Thuỷ 63 xinh đẹp, cựu chiêu-đãi-viên Air Viet Nam, thỉnh thoảng vẫn còn mặc chiếc aó dài màu xanh da trời Air VN, chỉ học được một năm rồi bỏ đi.
.

 z-lcq-ccb-4a.jpg picture by tddesign
.




.

Lớp tôi, KT65 cũng có rất nhiều nữ SV mà tôi không bao giờ quên được, Đào-Huệ-Chi (q.c.), Vương-Thị-Hoàng-Oanh (q.c.), Phạm-Thị-Sơn-Trà, Nguyễn-Thị-Việt, Nguyễn-Trần-Quốc-Vinh, Mạc-Thị-Ngọc-Xoàn, chưa kể đến Kim-Sa chỉ học hết năm thứ nhứt, kỳ thi cuối niên khóa 65-66, vì ngồi theo tên, Kim-Sa (S) ngồi ngay bàn kế bên của Trương-Hiền-Phúc (P) và tôi (Q), Rọt (R)...đưa lưng lại, K.S. mặc chiếc áo đầm serrée (bó) cái lưng thật là sexy trông không khác cô đào Marilyn Monroe trong phim Niagara, đến nỗi Phúc cười cười nói với tôi:
.

- Nhìn hoài cái cặp mông đó, chắc kỳ này tao rớt quá!_Tôi cũng chỉ cười không trả lời vì công nhận K.S. đẹp và sexy thật, nhưng sau đó ngược lại với lời Phúc, Kim-Sa thi rớt lên năm thứ nhì, còn tôi và Phúc tuy chiêm ngưỡng phía sau của Kim-Sa lại đậu!
.


Thật ra chắc vì tôi theo quan niệm cổ hủ của người xưa nên luôn luôn nghĩ rằng người nam phải lớn hơn người nữ vài tuổi, vì vậy mới có việc xưng hô “Anh” và “Em” với nhau. Do đó các cô học cùng lớp là bạn học ngang hàng, tôi không để ý, chỉ khi nào giờ Lịch Sử Kiến Trúc của thầy Pinaud thì tôi luôn luôn tìm chỗ ngồi gần ĐHChi hoặc PTSTrà để copier các ghi chép, vì Chi và Trà đều học chương trình Pháp nên lấy notes dễ dàng, còn tôi đã học ch/tr Việt, sinh ngữ chánh lại là Anh Văn!
.


HChi và Strà đều có vẻ sang trọng của con nhà giàu mặc dù một cô là người Nam, một cô là người Bắc 54, Hoàng-Oanh cựu nữ sinh ban C (văn chương)* Gia-Long, rất dễ thương, mặt hơi mụn nhưng có bộ ngực và hông to, có rất nhiều đàn anh giành nhau làm patron rốt cuộc anh Nguyễn-Huy (q.c.) KT62 thắng tất cả, Việt trắng trẻo, khỏe mạnh, có cái vẻ rất lém lỉnh và có duyên làm nhiều người yêu thầm nhớ trộm. Thời gian còn đang học, Việt làm lễ thành hôn với một vị giáo sư Toán, tôi nghe kể lại, đêm tiệc cưới, có một bạn học cùng lớp đi xe gắn máy lặng lẽ đến đ̣ứng phiá bên kia đường trước mặt đại-tữu-lầu nhìn lên một lúc lâu rồi lên xe, rồ máy chạy hết ga biến dạng trong màn đêm*..., tôi nghe thằng bạn cùng lớp kể, gợi nhớ đến cuộc đời bi thảm của tài tử James Dean, anh ta cũng làm giống như vậy bên ngoài tiệc cưới của Vic Damone và  Pier Angeli vào năm 1955. Tôi khỏi cần phải nói đến cái đẹp của Nguyễn-Trần-Quốc-Vinh, ai cũng công nhận, Vinh cao, tóc dài, cặp mắt to với lông mi, lông mày rậm, môi đỏ mọng, nói chuyện nghe như ru vào tai của các cô gái Hà-Nội trước 1954. Cũng giống trường hợp H.O., đàn anh Tăng-Quốc-Ái KT63 đã thắng tất cả các đàn anh, đàn em khác và tôi vẫn tưởng anh Ái đã đem lại niềm vui cho một người đẹp như V. nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.  Mạc-Thị-Ngọc-Xoàn gầy ốm, vẻ mặt tiêu biểu của người đồng bằng Cửu Long, tôi coi Xoàn như chị em trong nhà.
.
 
Có một lần, đang làm bài trong họa thất lầu, nghe từ phía trên mezzanine giọng PVNam: ”Xwoooàn ơi... Xwoooàn...” làm ai cũng bật cười vì cái giọng nghe rất đểu giả của Nam, trong đó có tôi, rồi một hôm, tôi lại bắt chước giọng của Nam, cũng lên núp trên mezzanine nhìn xuống dở giọng: ”Xwoooàn ơi... Xwoooàn...”, chợt có ai khều khều trên vai, nhìn lại ngó theo ngón tay nó chỉ chỉ thì thấy Xoàn đang đứng làm nègre cho ai cách đó ba bàn. Trời ơi! Trong đời tôi, chưa bao giờ bị “bể” bằng! Từ đó, tự hứa không bao giờ chọc ghẹo Xoàn như vậy nữa.*
.
 
z-lcq-ntt.jpg picture by tddesign
.

 .




Lớp sau 1 năm, KT66, có các Nữ SV Vũ-Bích-Ngọc, thấp thấp, tròn tròn như cái hột mít, luôn luôn tươi cười, rất thông minh, lanh lợi, tháo vát, Ngọc nhẫn nhục, chịu khó hơn người, Lê-Ánh-Nguyệt (q.c.) là người con gái nếu tôi chưa có người yêu hoặc Nguyệt cũng chưa có người yêu, là người đẹp lý tưởng của tôi. Còn Lê-Thị-Xuân-Mai gương mặt xinh xắn, người cao vừa, cân đối, không mập không ốm, vì vậy tôi lại gọi lén với mấy đứa bạn là Mai “sexy”. Trong lớp này lại có một người đẹp “sexy” nữa là Lâm-An người Huế, luôn luôn mặc áo đầm và áo đầm bó sát người!  Tuy tôi vẫn ghi nhớ nhưng không để ý đến nhiều như các bạn khác, ĐXBình 65, TKQuý 66, NTCần 66..., L.A. cũng như Kim Sa chỉ học có 1 năm rồi rời bỏ trường KT, có nhiều bạn tiếc hùi hụi (nguyên văn lời NTCần).

.

Sau đó, lớp KT67 có Quế-Hương Nguyễn-Thành-Phú, có bạn cho biết cái tên lạ lạ này là vì Q.H. có quốc tịch Pháp nên tên đi trước, họ theo sau. Còn lạ hơn nữa là nhà Q.H. thật khéo đặt tên cho cô, người cô toả ra một mùi hương thật đặc biệt, một hôm Q.H. ̣đang ngồi sửa bài với các bạn quanh thầy Hanh, tôi tình cờ đi ngang qua cùng lúc với Nguyễn-Tuyết-Anh 65, bạn dùng một bàn tay phẩy phẩy trước mũi, mặt nhăn như khỉ, ngón cái của bàn tay kia chỉ chỉ sau lưng cô. Tôi không thể đoán được Q.H. gốc ở đâu vì giọng nói lơ lớ khó định, Q.H. da ngâm đen, cười miệng rộng, rất thật tình, xuề xoà, hiền lành, có một cái vẻ vô tội và hồn nhiên. Lại nghe có bạn nói không biết vì sao mà Nguyễn-Tất-Tống KT64 (q.c.) cứ nghe Q.H. tìm là ù té chạy trốn?  Trong khi Q.H. theo học cho đến cùng, một đoá hoa khác trong lớp này mang tên là Phạm-Thị-Đại-Đoá, em ruột của Phạm-Thị-Sơn-Trà 65, cô nhỏ con, cái gì cũng nhỏ nhỏ xinh xinh, mắt nhỏ, mũi nhỏ, miệng nhỏ, lúc nào cũng tươi cười. Đại-Đoá chỉ học được hai năm, rồi cả hai chị em Sơn-Trà, Đại-Đoá năm 1969 rủ nhau trốn khỏi cái xứ nóng cháy da đi tìm tuyết lạnh ở Canada, bỏ lại một mình Q.H. bị cháy đen thui! Cả hai chị em từ bỏ cái dấu hiệu tê-ê ke để lấy dấu hiệu khác là chày-cối, tượng trưng cho Dược Khoa! Nếu tôi không lầm, lớp này còn có cô Đường Chín, người Việt gốc Hoa, rất hiền lành dễ thương, là một “bông hồng Trung-Quốc”, học được một thời-gian khá dài rồi cũng bỏ chúng ta “tẩu a”!
.
 
z-lcq-ccb-4c.jpg picture by tddesign
.




.


Lớp 68 có bốn cô: Nguyễn-Thị-Năng trắng trẽo, cao to nhưng dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, cặp mắt cũng to, trong lớp Năng rất thân với  Nguyễn-Hồng-Thái (q.c.) tự Thái Dúi, còn bạn gái thì rất thân với Nguyễn-Thị-Hải, H. gầy gầy, tóc dài, rất vui tánh, dáng ̣đi khi đi nhanh thì khật khà khật khù trông thật đặc biệt. Cô còn lại, Trương-Thị-Nguyện thật tình gây ấn tượng cho tôi vì Ng. mặt tròn, nhỏ con, tóc để dài kẹp lại, luôn luôn mặc áo dài trắng, tay xách cái cặp táp màu đen dày cộm và đi đôi guốc dông kéo nghe cộp cộp, nhìn Ng. tôi cứ tưởng cô học trò trường đạo ở một làng nhỏ nào đó nào đi lạc vào đây. Cô thứ tư là Ngô-Lệ-Dung, tôi coi cô bé này như một cô em út, khoảng năm 1970, bản Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ , thơ của Nguyễn-Tất-Nhiên do Phạm Duy phổ nhạc thịnh hành khiến lúc nào gặp Dung tôi cũng nghĩ đến bản này, chắc có lẽ vì cô người Bắc, nhỏ nhỏ, tóc dài, cặp mắt to đen lay láy trông rất dễ thương, “người nào lấy được cô làm vợ có phước lắm”, nói theo Trung Úy Tài ngoài Cam Ranh.
.


Lớp 69 chỉ có một nữ sinh viên duy nhất là Trần-Lệ-Thanh, đeo kiếng cận, trắng trẻo, tóc dài, người Bắc 54, rất vui vẻ, hiền lành, dễ thương, các bạn đồng lớp rất quý trọng, gọi Thanh là Công Chúa một cách trìu mến. Trong lớp này có em Phan-Văn-Vĩnh cũng đi Công Binh  như chúng tôi năm 1972  và chẳng may đã tử nạn giao-thông vào năm 73, lúc đó đang là bạn rất thân của Lệ-Thanh. Sau đó, bạn cùng lớp Nguyễn-Văn-Phúc cũng trở thành rất thân với cô.
.

Lớp 70, tôi chỉ nhớ được Nguyễn-Phước-Thị-Lý, gầy, trắng, Lý rất hiền có vẻ quý phái, sau đó tôi mới biết được cái vẻ quý phái đó từ đâu ra,  nguyên tên thật đầy đũ của Lý là Công-Tằng-Tôn-Nữ-Nguyễn-Phước-Thị-Lý, là cháu cố của Tuy-Lý-Vương, Hoàng Tử nhà Nguyễn*. Tôi không rà̀nh về  Hoàng tộc VN lắm, nhưng nếu theo Âu Châu, Lý vẫn còn mang tước Công Chúa, đây mới là Công Chúa thật và người chồng của  Công Chúa đương nhiên là Phò Mã! Lý vui vẻ, hoà hợp với mọi người chớ không khó khăn nghiêm trang như chị̣ Công-Tằng-Tôn-Nữ-Quỳnh-Như đâu.
.

     Các lớp nhỏ hơn nửa, tôi vẫn coi như em út trong nhà và vì từ năm 1972, ít có mặt ở trường nên tôi lại càng ít để ý đến, tuy nhiên tôi lại sẽ có dịp nói đến trong các kỳ sau, nói chung tất cả nữ SVKT đều hiền lành tử tế, hơn nữa các chị, các cô đều đang học Đại Học là một điều đáng nễ trọng. Có một điều lạ là khi tôi nghĩ đến tất cả các chị, các cô này, tôi đều hình dung ra được nụ cười của họ.
.


Tiếp tục lên đường  (On the road again)
.


Liên tiếp từ hè 66 đến hè 68, tôi hoàn toàn cô đơn, tôi khổ sở, tôi tức giận, đôi khi muốn nổi điên, không hiểu tại sao mình lại cô độc như vậy. Cô em gái đã có cố gắng giới thiệu cho người bạn cùng học Văn Khoa đồng thời cũng là bạn học Trung-Học Gia-Long lúc trước, Huệ-Dung là một người con gái rất đẹp, người cao ráo đều đặn, cặp đùi thon thon tuyệt mỹ, cuối niên khoá 65-66, tôi có mời cô em và H.D. đi xem tôi thủ một trong những vai chính trong vở kịch Giòng họ tội lỗi do ông Hoàng-Trọng-Miên phóng tác theo tiểu thuyết Les frères Karamazov của Dostoievsky nhưng như đã nói, tôi coi các cô gái gốc Nam như chị em trong nhà nên không đi đến đâu cả. Thời gian sau khi Hồng-Hương bỏ học ca kịch, tôi lại theo một nữ-học-viên thoại kịch học trên một khóa (tôi quên mất tên) đẹp đẽ, cao ráo, đi lẽo đẽo theo nàng về đến nhà ở gần đầu đ̣ường Sương-Nguyệt-Ánh giáp với Lê-Văn-Duyệt là khu toàn nhà giàu, gặp mẹ cô đang đứng đón trước cửa nhà, bà hỏi:
.

- Xin lỗi, cậu là ai, đến đây làm gì vậy?
- Dạ thưa bác, con cũng học trong trường Quốc Gia Âm Nhạc với chỉ, con chỉ đến mượn bài học...
.
Người đẹp cũng ấp a ấp úng giải thích, chắc chị cũng dư hiểu tôi muốn gì rồi nhưng sau đó tôi chán quá, chị cũng không học kic̣h nữa, nên thôi. Có một sự mâu thuẫn ở đây là đàn chị ở KT không dám theo nhưng đàn chị ở trường Kịch Nghệ lại theo, chắc hồi lúc ấy, tôi quá cảm động vì nhan sắc của chị! Thật ra chị cũng bằng tuổi của tôi. Năm 1968, Hoàng-Đình-Thưởng 65 (q.c.) bắt được một áp phe thật lớn để thực hiện hoạ đồ xây cất các doanh trại cho hảng thầu Mỹ DMJM, hảng này thuê một phần dinh cơ to lớn của gia-đình Hui-Bòn-Hỏa tự Chúa Hỏa làm cơ sở. Thưởng chiêu mộ đa số hoạ viên là các bạn trong lớp 65, Cẫm, Rọt, Long, Nam, Đằng và tôi... để vẽ hoạ đồ. Tại đây, cái máu thích người ngoại quốc của tôi trở lại, tán tỉnh một cô gái người Phi-Luật-Tân tên là Milla làm cho DMJM, nhờ khả năng Anh ngữ ba xí ba tú, tôi cũng lấy lòng được nàng và làm cho một ông kỹ sư Mỹ già ghen tức, đi ngang atelier cuả tụi này đập bàn ầm ầm, ông còn đến nói với tôi:
.

- Anh nên lựa cô nào vừa cở với anh chớ cô này không phải cở của anh đâu!
.
Ông này khỏi cần phải lo xa gì cả vì sau đó contrat của Th. chấm dứt, riêng tôi, tôi cũng không thể đeo đuổi cô gái Phi bằng xe Suzuki được, trong khi ông kỹ sư Mỹ già đi bằng xế hộp!
.
 
z-lcq-ccb-4d.jpg picture by tddesign
.



 
.


Trở lại lẻ loi, và từ đó bắt đầu thích uống rượu. Tôi nhìn lại bãn thân, coi thử mình có khuyết điểm gì, thấy mình coi cũng được, nói chuyện cũng không đến nổi vô duyên, trong khi các bạn học cùng trường KT, nhiều bạn gia-đình khá giả, cả băng Trần-Đình-Thục 63, Nguyễn-Bá-Cung 65, Hoàng-Đình-Thưởng 65, Trịnh-Văn-Cơ 66, Trần-Mạnh-Đức 66..v..v, Cường “Láng” 63, Suý “Láng”66, Đan-Đình-Thành 66, Thanh “mù”66... mặc quần áo đẹp, đi xe tốt, cũng chẳng gây cho tôi một mặc cảm nào, trong xóm nhà giàu, thằng con trai cả cuả Đại Tá Trần-Văn-Xồi, Cục trưởng Cục Quân Vận thời đó, cười ồ ồ chế nhạo ông thân tôi là “ông già đi xe đạp” tôi cũng chỉ cười cười im lặng vì tôi biết giá trị của cha tôi so với ông Đại Tá đi từ lính khố xanh lên này! Tôi cũng tha thứ, không chấp vì cô con gái lớn của ông đã chẳng từng khen tôi:
.

- Sao anh đẹp trai quá vậy? (câu này cũng giống y như câu cuả người bạn nữ cùng lớp mà nay cô quên rồi)
Tôi nghĩ trong ̣đầu: “Hùm, đẹp trai hay không cũng chẳng có cô nào thèm!” Và tiếp tục uống rượu, đôi khi không nhậu, ngồi trong phòng một mình, cầm cây guitar lên, lật tuyển tập nhạc Trịnh-Công-Sơn ra đàn và tình cờ thấy bản Tình Xa, hát một mình:
.

Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại,
Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây.
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,
Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...
.


Lời nhạc như xé nát trái tim, những văn sĩ thất tì̀nh viết nên những áng văn bất hũ, những người nghệ-sĩ buồn vì tình, viết ra những bài ca não lòng, tôi nghĩ đến trong khi viết ra các nốt nhạc vì bận rộn với nhạc cụ, với giấy bút không biết ông ta có còn buồn thật không, nhưng khi tôi nghe hoặc hát lại thì trong ruột quặn thắt, trái tim như đang bị đổ vở từng mảnh...
.
 


Nhạc-Linh-San
.


Hè 1968, băng chúng tôi, Hà khổng lồ 62, tôi 65, Phạm-Việt-Cường 66 và Nguyễn-Ngọc-Minh (q.c.) 68 đi Vũng Tàu chơi, nhân khi tôi chơi trượt nước trên tấm surf nhỏ, đến sát bờ cát bị ngã té, nứt xương mắt cá ngoài bên phải, đau như Trời giáng, về đến Sài Gòn, bà chị chở đi bó bột. Sau đó vài tháng, chị lại chở bằng chiếc Honda dame đi nhà thương khám coi lành chưa, chị chạy sát một chiếc xe bò đang đậu trên đường Công-Lý, quên mất cái chân tôi bó bột nên chià ra ngoài rất nhiều, bị lọt vào bánh xe bò quặt ngang một phát đau điếng, đem đến bệnh viện Bình Dân, vì chị đang là  SV nội trú trực tại đó, sau khi rọi kiếng xong xuôi, đem vào cho thầy của chị lúc đó là GSBS Trần-Ngọc-Ninh khám, coi tấm phim chụp quang tuyến X xong, ông cầm cái cổ chân tôi lên nắn nót, bẻ tới bẻ lui, nhấn chỗ này, nhấn chỗ nọ, nói tôi phải xin hẹn trở lại mổ để nối lại cái gân (ligament) bị đứt. Tôi rất ngại mổ nên quyết định trốn luôn!
.


Sau khi tháo gở bột, Nguyễn-Ngọc-Điệp 66 thấy tôi cứ chống gậy hoài mới đề nghị đến nhà cho thân phụ bạn chửa trị bằng cách xoa nắn theo kiễu nhà võ. Ông thân sinh của Đ. mặt mày oai nghi, cao lớn, quắc thước, rất giỏi võ, nếu ông để râu dài, tôi đã gọi ông là Trương-Tam-Phong vì tôi cứ bị bệnh tật hoài phải đến nhờ ông chửa trị thường xuyên như thể Trương-Vô-Kỵ, ông nguyên là thanh tra Bộ Giáo Dục về hưu, ông tận tâm xoa nắn cổ chân và đồng thời chỉ cách cho tôi tự chửa ở nhà một mình, tuy ông rất nghiêm trang nhưng cũng có khiếu hài hước, ông nói tôi “chơi trò thọc gậy bánh xe bò”. Sau khi lành hẳn và đi đứng bình thường, Điệp mới đề nghị tôi học võ luôn với ông thân cuả bạn. Mặc dù tôi cũng đã tập môn Thiếu Lâm vài lần rồi nhưng chấp nhận ngay, như vậy tôi đã đến tập võ với Điệp, Minh và một đệ tử nữa tên Châu, nguyên là bạn học cũ của tôi và Đ. ở Võ-Trường-Toản. Theo lời Đ., thân phụ cuả bạn đã coi tướng, coi tánh cuả tôi rồi mới chấp nhận cho làm đệ tử, chớ không phải như các lò võ khác cứ đóng tiền là vào tập ngay.
.


Trong khi tập, với cái bãn tánh hay quan sát của tôi, tôi liếc thấy một bàn tay dịu dàng đang khẻ vén màn nhìn chỉ vài giây, chuyện giống Kim-Dung đến đây lại phải xáo trộn một chút, tôi phải gọi người đẹp này là Nhạc-Linh-San chỉ vì cô là con gái út cuả vị sư phụ, chớ sư phụ cuả tôi thật sự là một vị chính nhân quân tử, không thể nào là Nhạc-Bất-Quần được! NLS có cái đẹp não nùng, nhất là cặp mắt, khiến gần như tất cả các bạn VTT cuả Đ. đều bị thu hút, đến nhà thăm Đ. thường xuyên, Trần-Ngọc-Châu, Lê-Văn-Hoàn, Nguyễn-Đức-Hồng, Nguyễn-Kim-Huệ, Đồng-Sĩ-Nam, Khổng-Trọng-Quan (q.c.), trong đó có cả Vũ-Triệu-Tấn 64, tôi còn nhớ mãi một tối chúng tôi đốt lửa trại ở bãi trước, Vũng Tàu, hè 1964 tức là trước đó 4 năm, NNĐiệp 66, Hoàng-Thỉ-Thạch 66 và tôi ngồi kế bên, T. vừa đệm guitar vừa hát bản Elle était si jolie cuả Alain Barrière trong ánh lửa bập bùng :
.

Elle était si jolie que je n'osais l'aimer
T. nhìn tôi nháy mắt cười một cái, đoạn hát tiếp:
Elle était si jolie, je ne peux l'oublier
T. lại nhìn tôi cười cười, tiếp câu sau cho đến hết bài:
Elle était trop jolie quand le vent l'emmenait
Elle fuyait ravie et le vent me disait:
.

T. là cháu ruột cuả nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng Vũ-Thành nên cũng đàn hát rất giỏi như người Bác. Giữa tôi và T. có một sự hiểu ngầm lúc ấy: “Elle” là ai.
.


Quái lạ! Tôi quen Điệp từ khi học chung lớp Tiếp Liên, năm 1956 tức là lúc chúng tôi mới có 11 tuổi,  tôi có một cô em gái và Đ. cũng có một cô em gái, đến nhà nhau chơi cũng chẳng có đứa nào để ý đến em của đứa nào, vậy mà mãi cho đến bấy giờ tự nhiên cảm thấy lòng mình xao xuyến! Khi đi đứng được bình thường rồi lại dùng cặp chân chạy theo cô con gái út cuả sư phụ, tôi say mê NLS đến mức theo vô đến lớp học cuả nàng bên trường Luật, ngồi kế bên nàng và Ch., tôi không nghe một lời nào của ông thầy đang đứng trên bục, đàng sau lưng ông là bức tường rồi sau nữa đến một cái hàng rào cận bàn chơi đá banh bàn của trường Kiến Trúc! Sau một thời gian, tôi lại đâm ra chán, vì tôi quan niệm không cần phải tranh giành nhau một người đẹp, tôi cũng không muốn phải ghen hờn, tôi tự do như cơn gió thoảng (libre comme le vent) nên tự tôi không theo đuổi NLS nữa rồi lại quên đi vì tôi có quá nhiều việc (activité) phải lo: KT, Kịch Nghệ, vẽ truyện bằng tranh cho Bùì-Quốc-Vinh KT65...
.


Năm 1970, Điệp mời tôi dự tiệc cưới của bạn với Thanh-Mỹ tại câu-lạc-bộ Kỵ Mã Sài Gòn (cercle Hippique saigonnais của người Pháp thuở xưa), góc Lê-Văn-Duyệt và Nguyễn Du. Tôi cũng complet, cravate đến đúng giờ, bước vô chào nhị vị sư phụ, sư mẫu, cô dâu, chú rễ, hai ông anh và phu nhân và sau cùng là NNMinh KT68 (q.c.,em của Đ.). Tiệc cưới này đãi theo kiễu cocktail, mạnh ai tự đ̣ến lấy thức ăn và rượu, tôi bắt đầu bằng Sangria, không ăn gì cả, tiếp tục uống rượu chát. Buỗi chiều chưa ăn uống gì lại uống rượu cho nên bị sỉn rất nhanh, chợt nghe Minh nói:
.

- Vợ chồng chị Chín tới!_ tôi quay lại nhìn về hướng cửa chánh, Nhạc-Linh-San bước vào với người chồng Việt gốc Hoa, là bạn cùng lớp với chúng tôi thời trung-học, cùng võ môn. Dưới ánh đèn sáng trưng của phòng khánh tiết, nàng đẹp rực rỡ trong chiếc robe màu vàng anh, nổi bật trong đám đông, tôi chưa say nhưng bị choáng váng, đầu óc như bị tê liệt đi, trong lúc cặp uyên ương đang chào hỏi mọi người, tôi cảm thấy bị cô đơn, lạc lõng giữa mọi người và chua chát trong cổ họng, tôi đi từ từ đến bar yêu cầu rót rượu mạnh. Ở VN rượu mạnh thứ thật rất mắc tiền, chỉ sau vài ly, người barman quay lại nhìn ông anh Hai đợi quyết định, vì có người định cản mà tôi không nhớ rõ là ai, nhưng anh có vẻ giận dỗi nói lớn:
.

- Kệ, cứ rót cho nó đ̣i!_trong khi sư phụ tôi chỉ cười gật gù nói:
.

- Thằng này uống cũng khá quá há!_tôi liếc thấy sư mẫu cũng nhìn tôi cười một cách hiền từ, tôi xấu hổ, nếu người mẹ tội nghiệp của tôi không vắn số, chắc cuộc đời cuả tôi đã rẽ ra lối khác, chắc có lẽ tôi đã dẫn bà đ̣ến nói chuyện với sư mẫu rồi. Vì lời nói cuả ông anh Hai, tôi không yêu cầu rót rượu nữa và không đứng đó mà bước ra terrasse phía sau có vài bàn, ngay tại cửa có một bàn đang có hai cặp nam nữ người Mỹ đang ăn, tôi bước khập khiễng đến, đưa tay chào theo kiễu Á Rập, vừa cười cười vưà nói bâng quơ:
.

- May be... I’m drunk..., but… I’m still...alive..._Cả bốn người này lập tức quăng khăn ăn lên bàn rồi bỏ chạy. Trời ơi, buồn quá, tôi có làm gì họ đâu, tôi đến với nụ cười, chỉ muốn gạ nói chuyện với họ chơi vì tôi chỉ có một mình, họ cũng bỏ tôi chạy, do đó tôi quyết định ra bãi đậu xe, lên chiếc Suzuki cuả tôi mở máy vọt chạy, chẳng nhớ mình có chào ai trước khi ra về không,  tôi không biết và cũng không nhớ đã đi đường nào để về nhà nhưng về đến nơi chỉ nhớ quăng chiếc xe đó rồi ngã nhào lăn ra bất tỉnh*!
.
 
z-lcq-ccb-4e.jpg picture by tddesign
.


 .
____________________________________________________________________________________
.
 
chú thích:
.

* Xin xem ảnh Marguerite Alexandre trong bài Bạn KT_Cục CB_1bis.
.

* hảng thuốc lá MITAC: sản xuất các hiệu thuốc lá Ruby và Capstan.
.

* Thu-Ba là tên thật của nữ diễn viên ca kịch Tú-Trinh, T.T. sau này còn là diễn viên điện ảnh, thoại kịch và  phim truyện nhiều kỳ của TV nữa. Khoảng năm 1970-71, tôi nghe nói T.T. có một người bạn trai là một SV KT66 (tôi quên tên), không biết bạn này sau đó có phải là đấng lang quân của cô hay không?
.

* chị̣ Tôn-Nữ-Quỳnh-Như: là con cuả ông Tôn-Thất-Dương-Kỵ, vào sau thời TT Ngô-Đình-Diệm, ông bị trục xuất ra Miền Bắc bằng cách trực tiếp đi bộ qua cầu Hiền Lương, Bến Hãi, vĩ tuyến 17.
.

* chị Nguyễn-Thị-Thái: chị Thái đã bỏ học KT nửa chừng mặc dù rất say mê ngành này, ra viết văn, lấy bút hiệu là Trùng-Dương. Ngay quyển đầu tiên ," Vừa đi vừa ngước nhìn ", chị đã nổi tiếng như cồn, báo chí tha hồ phê bình, phóng đại, gọi Trùng-Dương là Françoise Sagan cuả Việt-Nam.
.

* Ban C (văn chương): cho đến nay, tôi vẫn còn thán phục H.O., một người học ban văn chương ở Trung- Học có thể qua nổi những môn có Toán rất khó như Sức bền vật liệu, Bê-tông cốt sắt, Hình-Học Hoạ- Hình..v..v..
.

* Tôi mang tiếng bắt chước James Dean, nhưng vụ này tôi xin thề danh dự, không phải là tôi đâu.
.

*  Mạc-Thị-Ngọc-Xoàn: khoảng hè năm 89, nhân dịp chúng tôi đi xuống North Carolina tắm biễn, ghé nhà Nguyễn-Kim-Hương-Thủy ở Falls Church, VA. bạn đã hướng dẫn HĐThưởng, Ngô-Tấn-Quang và tôi đến Toà Đô Chánh Washington D.C. thăm X. tại phòng làm việc, X. đã có da có thịt hơn, trông đẹp hơn và sau đó đã có gia-đình rất hạnh phúc. Cả năm đứa chúng tôi đều học cùng lớp KT65.
.

* Tuy-Lý-Vương (1820-1897), là con thứ 11 của vua Minh-Mạng, học vấn uyên bác, ông còn là nhà thơ vừa là thầy thuốc nữa.
.

* Chuyện này, mặc dù bà chị của tôi không có mặt ở nhà, chỉ nghe người nhà thuật lại việc tôi về té bổ nhào trước cửa. Vào năm 1995, tôi bị thất nghiệp, từ Pháp qua, bà quở tôi như sau:”Tại vì hồi đó không chịu lo học hành, tối ngày cứ say sưa nhậu nhẹt, say đến nổi người ta chở về quăng trước cửa nhà, bởi vậy bây giờ cuộc đời mới khổ!” hihihi.
.
.
 
 
 
by lamcongquyen
.
.


phần hình ảnh phụ lục thêm của anh Nguyễn Hoàng Phố, KT69 ở Austin gửi tới.
.
để không lẫn vào bài viết của anh lâm Công Quyền, tôi để thêm hình phía dưới cùng này, trong những hình ảnh có những nhân vật nữ KTSG mà anh LCQ viết trong bài trên. Tôi sẽ vào sao và phụ chú thêm vào hình ảnh. Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Phố.
.

z-lcq-nlt.jpg picture by tddesign
.
chị Ngô Liên Trì, mậc áo đen cổ rộng, Tampa 2008, DHKT4
.
z-lcq-nld2-1.jpg picture by tddesign
.
chị Ngô lệ Dung, áo xanh nhạt, hàng thứ hai, gần giữa, cổ đeo vòng hột trắng. ĐHKT 3, Houston, 2004.

.
z-lcq-ntv.jpg picture by tddesign
.
chị Nguyễn Thị Việt, áo đỏ. ĐHKT3 Houston 2004.
.
z-lcq-dd.jpg picture by tddesign
.
chị Đại Đóa, cầm sắc tay đỏ. ĐHKT 3 Houston 2004
.
.
z-lcq-nld.jpg picture by tddesign
.
chị Ngô Lệ Dung, áo đen, tiệc cưới, 2007.
.
.
z-lcq-tnd.jpg picture by tddesign
.
chị Ngô lệ Dung, áo đen, bông, tóc ngắn, tiệc cười con trai Trần Nguyên Đôn KT65. 2007
.
.
Những hình trên do anh Nguyễn Hoàng Phố gửi tới.
.
.
hình dưới do tôi sưu tầm
KT-houston-dep1.jpg picture by tddesign
.
từ trái, Trần thái Lai KT64, Nguyễn trần quốc Vinh KT65, Trần thị đóa Vân KT64, sửa soạn ăn phở, năm 2004 tai Houston.
.


No comments:

Post a Comment

Labels Loại Bài

Followers

Blog Archive

About tmd.design

My photo
a place for architectural design and others ... more , viết truyện lẩm cẩm tào lao và nhiều nữa .. contact: tmd.design@yahoo.com
Powered by Blogger.